ĐỨC GIÊSU VỚI CÁI CHẾT
Jac. Vũ Thế Hanh OP
Đã là người, ai cũng phải chết. Chết là một quy luật Thiên Chúa đã đặt để nơi phận người. Đứng trước cái chết, hẳn ai cũng khiếp hãi. Khiếp vì chẳng ai có kinh nghiệm về cái chết. Chẳng có ai thử chết bao giờ. Cái chết luôn là điều tăm tối, bế tắc, cùng đường và là chấm hết của một kiếp người nên luôn khiến người ta khiếp hãi trước khi phải xa lìa tất cả. Đức Giêsu, Thiên Chúa là người cũng phải trải qua cái chết. Vậy đối diện với cái chết, Đức Giêsu có thái độ nào ?
ĐỨC GIÊSU CÓ ƯỚC MUỐN CÁI CHẾT THẬP TỰ ?
Đức Giêsu chưa bao giờ yêu thích thập tự. Người chẳng khiếp hãi trước khi chết là gì, và Ngài chẳng xin Chúa Cha cho khỏi “giờ này” là gì. Tuy nhiên, Ngài lại biết rõ mình phải đi gặp cây thập tự kể từ lúc ở trong hoang mạc, Người đã khước từ luật chơi giả hiệu vốn dĩ của chúng ta, Người đã quát lên : “Satan kia, xéo đi !” (Mt 4,10). Người biết rằng Người phải đi gặp cây thập giá trên con đường của Người. Người biết điều đó song tuyệt đối Người không muốn nó. Người lo buồn đến chết được khi nghĩ rằng tình yêu của Chúa đã bị loài người khước từ, cho dù chắc chắn về cuộc chiến tình yêu, Đức Giêsu vẫn đau khổ về việc từ khước đó.
Có một lối trình bày về cây thập giá mà trong chừng mực nào đó đã coi Đức Giêsu đi đến cái chết như một kẻ tự tử. Hoàn toàn không thể quan niệm như thế ! Đức Giêsu quá yêu cuộc sống thì không thể nào yêu cái chết được. Người không muốn cái chết, tuy nhiên, Người đón nhận cái chết một cách thong dong. Điều này hoàn toàn khác với một người tự tử Jean – Claude Barreau, tr. 94. Người đã hiến mạng sống mình song vì nhân loại không dành cho Người một cách thức nào khác để chứng tỏ tình yêu của mình, Đấng đã từng nói : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Nhưng trong sâu thẳm nhất của cõi lòng, hẳn Người muốn tình yêu được đón nhận mà không buộc phải đưa ra bằng chứng tối thượng đó.
Như thế Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần bằng cách hiến mạng sống vì tình yêu. Tình yêu mạnh hơn tội lỗi như tác giả Diễm Ca đã hát cho ta nghe : “Nước lũ không thể dập tắt tình yêu, và sông cả cũng không nhận chìm được nó” (Dc 8,7). Bằng cách thức đó, Đức Giêsu đã dùng cái chết để giải phóng chúng ta khỏi ngục tù của ghét ghen và tội lỗi, ở đó tính ích kỷ của ta đã giam hãm ta lại. Đức Kitô đã đến để khai mở cho ta những nguồn nước hằng sống vọt lên trong cuộc sống đời đời dành cho chúng ta, những con người đang bị lạc trong nẻo đường sa mạc. Jean – Claude Barreau xác quyết không ngần ngại :
“Nếu dám đưa ra công thức cho mầu nhiệm Cứu Chuộc bằng một câu, tôi xin nói ngay : Bởi Đức Giêsu và bởi Người chấp nhận cái chết thập giá thì bất chấp sự từ khước của loài người, Thiên Chúa đã thành công trong việc đem vào thế gian nhiều tình yêu hơn, vượt lên trên cả những nổi loạn hoặc tội lỗi, Khi làm điều đó, Đức Giêsu đã đền bù sự nổi loạn của con người và đã sửa chữa lại việc con người chống đối Thiên Chúa”. Nt. Tr. 96
ĐỨC GIÊSU KHIẾP HÃI TRƯỚC CÁI CHẾT
Cái chết của Đức Giêsu vẫn là một bí nhiệm. Những khía cạnh thâm thúy tinh vi nhất của mầu nhiệm này tiềm ẩn ở tận sâu thẳm nơi cõi lòng của Đức Giêsu, nơi ý thức và toàn thể con người của Ngài. Đức Giêsu là thế nào thì Ngài cũng chết thể ấy. Nếu Đức Giêsu đã nhập thể mặc lấy thân phận loài người thì Ngài cũng đồng số phận với con người. Chính vì vậy, trước cái chết, trong vườn Giếtsêmani, Đức Giêsu đã khiếp hãi.
Mang thân phận làm người, Đức Giêsu kinh hãi trước cái chết là điều dễ hiểu. Có lẽ khoảng năm thứ 9 – lúc Đức Giêsu ở trạc tuổi 15 – Giuđa người Galilê nổi loạn trong thời kiểm tra dân số (Cv 5,37), nhiều người đã bị đóng đinh. Rất có thể nhiều lần Đức Giêsu đã chứng kiến hình ảnh những người đang quằn quại trong cơn hấp hối và những hình ảnh đó đã ăn sâu trong tâm trí khiến Ngài khiếp hãi khi nghĩ đến việc mình sẽ phải rơi vào hoàn cảnh như thế. Thật vậy, trong thời Đức Giêsu, cảnh tượng đóng đinh thập giá diễn ra nhan nhản. Những nhóm hoặc du kích hoặc cướp đường không ngừng hoạt động trong thời buổi nhiễu nhương. Hễ bị bắt là bị treo dã man trên thập tự. Hẳn rằng nơi sâu thẳm niềm tin, Đức Giêsu thầm tín rằng “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13).
Kinh khủng hơn nữa, theo truyền thống Do Thái, chết là hết hy vọng, là xa cách nguồn sống, xa cách Thiên Chúa (Tv 6,6 ; 88,11-13 ; Is 38,8…). Người Do Thái nào mà lại không than thở : “Tử thần hỡi, nghĩ đến ngươi thật là cay đắng” (Hc 41,1). Sự chết là kẻ thù. Rồi không những phải chết mà Ngài còn chết một cách nhục nhã ngay ở độ tuổi thanh xuân, lúc đang ấp ủ biết bao nhiêu hoài bão, dự định cho một tương lai huy hoàng, biết bao ước mơ còn chưa thành sự.
Là người hoàn hảo mà lại thấy mình sẽ trở thành tàn phế “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong… bị coi khinh khi ruồng rẫy… ai thấy cũng che mặt lại không nhìn” (Is 53,2-3), bị đồng bào thù ghét, bị tôn giáo kết án, bị bạn hữu chối từ : Còn gì buồn thảm hơn cho một cuộc đời tươi trẻ đầy hy vọng ! Hẳn rằng, theo bản tính tự nhiên, Đức Giêsu sợ hãi.
Đức Giêsu còn mang trong mình bản chất một mối liên đới, mối liên đới với hết mọi thụ tạo trong hoàn vũ, mối liên đới có tác dụng mạnh mẽ cách nhiệm mầu. Và bởi Ngài là “trưởng tử của mọi loài thọ taọ, và tất cả đều tồn tại trong Ngài” (Cl 1,15-17), cho nên, theo cách nhiệm mầu ấy, cái chết của Ngài mang một chiều kích vũ trụ, tựa như muôn vật cùng chết với Ngài. Có lẽ đó là ý nghĩa của những điều lạ xảy ra trong trời đất vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên khi Đức Giêsu tắt thở (Mc 15,33 ; Mt 27,45.51-52 ; Lc 23,44-45). Mặt khác, chết còn là dấu chứng thực trạng con người dính líu với tội lỗi và về tội trạng của loài người (Rm 5,12 ; 8,3) : thấu cảm thảm trạng ấy, làm sao Đức Giêsu lại không thấy đau buồn và ghê rợn đến tận xương tủy. Vì hơn ai hết, Ngài hiểu tội lỗi là gì, là phi lý đến ngần nào và đặc biệt là vì Ngài không có tội (2Cr 5,21).
Đối với chúng ta, sự chết mang hình tượng tấn thảm kịch cuộc tàn phá bất công, là hành động bạo ngược mà con người bao đời phải bó tay và ghê hãi. Hẳn rằng Đức Giêsu không ở ngoài cảm nhận đó. Trên thập giá, Đức Giêsu cảm thấy đau khổ hầu như tuyệt vọng. Ngài phải chết trong tăm tối, uống cạn chén đắng đầy ắp tính chất vô lý. Ngài hấp hối giữa khổ đau cực độ trong tinh thần và nơi thể xác. Ngài khổ đau thực sự chứ không phải “chỉ một phần nào” như là người đang sống trong niềm cực lạc của tình trạng hưởng kiến ! Nếu chủ trương rằng Đức Kitô đã được hưởng kiến Thiên Chúa ngay khi còn sống nơi trần gian thì khó mà giải thích được sự việc Ngài đã chịu khổ đau thật sự. Có giả thuyết cho rằng tâm lý Đức Giêsu có hai tầng : tầng trên để hưởng cực lạc, tầng dưới để chịu khổ. Có giả thuyết khác lại nghĩ rằng tình trạng hưởng kiến “tạm tắt đi” trong thời gian chịu tử nạn. Còn khuynh hướng thiên về nhất tính luận và một số giáo phụ nghĩ : để có thể chịu khổ, Đức Giêsu đã phải làm phép lạ. Hoặc vì quá khâm phục lý tưởng apatheia (vô cảm lạnh nhạt) hoặc Ataraxia (thanh tịnh) của phái khắc kỷ Stoa, các vị cho rằng Đức Giêsu kiên cường chịu mọi sự mà không thấy đau. Có kẻ lại cho Đức Giêsu là một thầy tu khổ hạnh Ấn Độ (fakia), lấy chí khí mà khử tình cảm để không còn cảm thấy đau khổ nữa. Có tác giả viết : “Sri Ramakrishna thường nói rằng khi Đức Giêsu bị đóng đinh, Ngài tách rút tâm trí ra khỏi thể xác. Ngài ở trong một tâm trạng hoàn toàn khác, tâm trạng samadhi, tức siêu ý thức. Các đinh xuyên thủng thể xác nhưng tâm trí không bị ảnh hưởng” S. Akhilananda. Mental Health. Ahin du Psychology, New York : Harper 1971. Tr. 126. . Những giả thuyết này là hậu quả của lối quan niệm nhập thể theo ảo thân thuyết.
Nhưng không phải thế, Đức Giêsu có tâm lý và thân xác như mọi người. Người chịu đau khổ và chịu chết như một người đích thực đã từng hiện diện trên thế gian này. Thật sự Ngài đã khiếp hãi đến đổ mồ hôi máu. Ngài cảm nhận sự cô đơn tột độ khi các môn sinh bỏ rơi và nhất là lúc hấp hối trên thập tự vì ngài cảm thấy dường như bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Chính sự khổ đau tột độ đó diễn tả rằng Ngài đã đi đến cùng tận của kiếp người, chia sẻ trọn vẹn kiếp người và qua đó chúng ta cũng được ủi an khi đau khổ vì hiểu rằng Thiên Chúa của chúng ta đã từng trải qua khổ đau và khiếp hãi.
CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU GỢI CHO CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ?
Chúng ta nhìn nhận cái chết của Đức Giêsu không phải tìm hiểu để biết nhưng là để học cách gánh chịu đau khổ. Lịch sử loài người là lịch sử khổ đau và cực hình : động đất, bão táp, đói khát nạn dịch… bệnh tật, thất bại, thất tình, cô đơn, mất ý nghĩa sống… Chiến tanh, tàn sát, diệt chủng, bóc lột, hành hạ, nô lệ hoá, tra tấn, trẻ thơ bị giết chết, bị bỏ rơi…
Trước tiên, chúng ta phân biệt đau khổ với sự dữ, bởi đó là hai vấn đề khác nhau. Đau khổ là kết quả của những nguyên nhân vật lý hoặc tâm lý. Luật tự nhiên làm cho các thiên hà vận hành và luật gây nên ung thư chỉ là một. Vì luật chung ấy, con người liên đới với toàn thể vũ trụ. Những luật vật lý gây ra động đất, núi lửa, bão táp… cũng chính là những định luật của cách cấu thành các lục địa, các núi non và biển cả, cùng sự sống muôn loài trên hành tinh này. Và như thế là tốt. Có kẻ làm như muốn Thiên Chúa đặt riêng cho loài người những luật khác với định luật của các tạo vật khác, hoặc muốn Người đình chỉ những định luật chung trong những trường hợp họ cho là cần.
Còn sự dữ thì sao ? Nếu Thiên Chúa tốt lành công chính thì sự dữ bởi đâu mà đến ? Triết lý vô thần suy luận như sau: nếu Thiên Chúa không thể tránh đươc sự dữ thì Người không phải là toàn năng. Còn nếu không muốn tránh sự dữ thì Người không phải là nhân lành. Nếu không toàn năng, không nhân lành thì không phải là Thiên Chúa. Đàng nào cũng không thể có Thiên Chúa. Thánh Kinh cho rằng những người suy luận như thế là những người ngu dốt (Tv 14,1). Felippe Gomez, S.J tr. 130
Công giáo lý giải rằng sự dữ không phải là cái “có” nhưng là cái “thiếu”. Thiếu mất sự cần thiết đáng ra phải có. Thiên Chúa không muốn sự dữ nhưng để con người tự do chọn “sự thiện khiếm khuyết” gây hại cho người khác. Cách giải thích này không làm cho người thời nay hoàn toàn thoả mãn.
Dựa theo Thánh Kinh, một số nhà thần học cho rằng sự dữ như là phương tiện “giáo dục” để con người biết chọn và yêu mến Thiên Chúa một cách tự do Hick. J.. Evil and Evidence for God. Teraple U.P. 1995. Hoặc có người nhìn từ điểm biến hoá để thấy sự dữ như là một yếu tố cấu tạo trong bộ máy vũ trụ. Nhưng vấn đề là như thế này : Có phải vì là một “nhà sư phạm” khắc nghiệt, Thiên Chúa đã không biết dùng đến một phương pháp nhân đạo hơn ? Ngoài ra, không nhất thiết là kẻ chịu khổ sẽ trở nên tốt hay tốt hơn.
Đức Kitô không tiêu diệt khổ đau nhưng lại nhận lấy và biến đổi để nó mang một ý nghĩa mới. Tính nghịch lý của Tin Mừng giúp Kitô hữu chấp nhận khổ đau. Thậm chí còn hiểu khổ đau có sức mang lại hạnh phúc ! Dùng khổ đau để đánh bại sự dữ. Đó chính là ý nghĩa của thập giá, ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu, là đường lối cứu độ giải phóng, đưa dẫn vào vương quốc Thiên Chúa. Đức Kitô đã dám công bố là “phúc cho người chịu khổ” và các tông đồ đã thật sự lấy làm vui sướng “bởi được coi là xứng đáng chịu khổ vì danh Đức Kitô” (Cv 5,41). Thánh Phaolô nói về hạnh phúc của ngài khi phải gặp khốn khổ tứ bề và hạnh phúc ấy cũng là phận mệnh dành cho các Kitô hữu tiên khởi. Trong lịch sử, các vị tử đạo và các nhà thần nghiệm đã làm chứng rất rõ về điều này.
Tiếng kêu “Tại sao…?” của Đức Giêsu để lại cho chúng ta một bài học quý giá. Khi sự dữ có vẻ thắng thế và con người cảm thấy hoàn toàn bất lực, thì những lúc đó cần phải quay về với Thiên Chúa để “chất vấn” như Giêrêmia và “than vãn” như Gióp, hoặc dám kêu lên như các tác giả thánh vịnh bằng cả những lời đôi lúc hơi táo bạo nhưng vẫn biết phó thác vào tay Chúa quan phòng.
Đức Kitô đã từng là nạn nhân của sự dữ nhưng Ngài đã sống lại, tức là đã thắng sự dữ. Vì thế, các môn đệ của Ngài tin rằng cần phải có thái độ tích cực đối với sự dữ, một thái độ đầy hy vọng, nghĩa là phải đối đầu với sự dữ và ra sức làm sao để khổ đau giảm đi càng nhiều càng tốt, bởi làm thế là cộng tác với Đức Kitô trong “trận chiến cánh chung”, hầu mang lại những lợi ích chiến thắng của Ngài cho lịch sử loài người. Chính Thiên Chúa Tạo Hóa đã ban cho chúng ta tài năng và Thiên Chúa Cứu Độ đã nêu cao mẫu gương cùng ban ân sủng để chúng ta có đủ điều kiện chu toàn sứ mệnh ấy. Vấn đề là mỗi người, tức là chính tôi, phải nhận phần trách nhiệm của mình đối với thực trạng sự dữ, và thành thật tự hỏi : tôi có sẵn sàng trả giá mà góp phần vào cuộc chiến thắng của Đức Kitô ấy không ?
Bên cạnh đó, cái chết của Đức Giêsu dạy chúng ta biết cách dám chết đi từng ngày. Bản chất của con người là muốn thu vén sở hữu tất cả. Tuy nhiên, tay con người lại quá vắn không thể ôm tất cả. Rồi cũng đến lúc con người phải đối diện với cái chết. Nếu không tập chết, không tập khước từ, không tập cho đi và không tập sống xả thân và không dám chết đi từng ngày cho tình yêu, cho người thân, cho những gì cao quý thì con người sẽ bất hạnh và đau khổ. Chính khi dám xả thân đón nhận cái chết là lúc con người bắt đầu sống. Một khi sống chỉ bo bo cho mình thì con người luôn lo âu khiếp hãi vì sợ mất đi cái này cái khác. Thái độ sống như thế là thái độ của một người tuy sống nhưng đã chết.
Đức Giêsu đã đi đến cùng tận cái chết để làm vỡ oà niềm vui phục sinh và sự sống vĩnh cửu. Chúng ta cũng chỉ bước vào sự sống vĩnh cửu một khi chúng ta dám sống như Giêsu và chết như Giêsu.