07/09/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

592

 


 


ĐỨC GIÊSU MẠC KHẢI THIÊN CHÚA CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT


Lm Jac. Vũ Thế Hanh, O.P.


Con người chào đời từ nỗi đau của mẹ. Mở mắt chào đời, con người cất tiếng khóc chứ không phải là nụ cười hân hoan. Chào đời mà không khóc ắt sẽ có vấn đề. Tiếng khóc là “dấu chỉ” biểu hiện một hài nhi “sống động”. Có thể nói nỗi khổ đau đe doạ con người ngay từ lúc khởi đầu nhìn thấy ánh dương.


Đối với Đức Phật, “đời là bể khổ”, con người phải tự diệt “khổ” để đạt đến giải thoát. Ngoài bản thân mỗi người ra, không ai có thể cứu giúp. Con người phải tự mình để “giải thoát” bản thân mình. Ngược lại, Kitô giáo xác tín Đức Giêsu Kitô  là Thiên Chúa, đã đến tiêu diệt “sự ác” và cứu độ con người. Con người không thể tự giải thoát mình được nên Thiên Chúa đã đến để “ôm”, để “gánh”, để “mang” lấy nỗi khổ của con người. Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa.


Kitô giáo vẫn không ngừng giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Thế nhưng con người thời đại cảm thấy đó chỉ là những ngôn từ hoa mĩ, đẹp đẽ nhưng chẳng mấy đụng chạm đến cuộc đời của họ. Đức Giêsu đã đến cứu nhân loại cách nay hơn hai ngàn năm. Vậy mà đối với nhiều người, Đức Giêsu vẫn còn xa lạ. Thậm chí Người trở nên xa lạ ngay cả với chính những quốc gia vẫn được xem là “cái nôi” của Kitô giáo.


Hơn ai hết, mỗi Kitô hữu phải cảm nhận được Đức Giêsu Kitô có liên hệ đến từng nỗi đau buồn sướng khổ trong cuộc sống thường nhật của mình. Mỗi ki tô hữu, nhất là những Kitô hữu thuộc thế giới Thứ Ba, thuộc vùng Á Châu phần lớn là những con người cơ cực lam lũ này phải cảm nhận và giới thiệu cho người khác một Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ mang thương tích, đau đớn với nỗi đau tê của con người ngay cả khi Người đã Phục sinh hầu giải phóng nỗi cùng cực của kiếp người ngay tại đời này và hạnh phúc mai hậu. Đây là nỗi bận tâm của tất cả những ai thực sự gặp gỡ, kính yêu và ước muốn giới thiệu Thiên Chúa giàu lòng thương xót cho anh em mình.


NHỮNG ÂU LO CỦA CÁC THẦN HỌC GIA TIN LÀNH Á CHÂU


Các thần học gia Tin Lành Á Châu cảm thấy mệt mỏi với lối trình bày Đức Giêsu giáo điều mà Giáo hội đã đem từ Âu Châu gắn vào vùng đất Á Châu. Đối với họ, Giáo hội đã đội cho Chúa Giêsu một triều thiên bằng vàng, đã sơn quét vào dung mạo Chúa Giêsu và vì thế Chúa Giêu trở thành xa lạ với con người, Chúa Giêsu trở thành câm lặng không thể cứu vớt được những người đau khổ. Phận vụ các thần học gia nói riêng và mỗi Kitô hữu là làm sao tìm được khuôn mặt thật của Đức Giêsu, một Đức Giêsu đội vòng gai chứ không phải Đức Giêsu đội triều thiên vàng.


Đức Giêsu đội triều thiên vàng[1] là một vở kịch do thi sĩ Kitô giáo Hàn Quốc, Kim Chi Ha, viết. Có thể nói vở kịch này đã trở thành tiền đề từ đó nhiều thần học gia Tin Lành bà ra tán vào và các thần học gia Công giáo cũng như mọi Kitô giáo cần phải nghĩ ngợi và tự hỏi mình đang thờ lạy và loan giảng một Đức Giêsu thế nào. Khi cánh rèm kéo của sân khấu vừa hé mở, hình ảnh pho tượng Đức Giêsu chịu nạn thoáng ẩn trên phông nền sân khấu và một bài hát được đệm bằng đàn ghi-ta cất lên sau hậu trường :


Bầu trời đông giá đó

Cánh đồng đông giá đó

Khi mặt trời đã mất ánh dương

Ôi ! Phố xá nghèo nàn tối đen như mực

Từ những khuôn mặt hốc hác kia…

Người đến tự nơi nào ?

Chạy loanh quanh tìm kiếm điều chi ?

Những ánh mắt đó

Những bàn tay gầy guộc chai cứng đó.


 


Không có quê hương

Không có nơi trú ngụ

Thậm chí không một tấc đất làm mồ

Trong trái tim khô héo đó

Tôi đã bị ruồng bỏ

Tôi đã bị ruồng bỏ…


 


Mùa đông lạnh lẽo không dứt

Bóng tối vực thẳm tôi không thể nào chịu đựng

Thời khắc và cơn thủy triều bi thảm

Nghèo nàn nơi đây triền miên không dứt

Thế giới lạnh lẽo trống trải

Tôi không thể nào chịu đựng hơn được nữa.


 


Người có thể cư ngụ ở chốn nào ?

Người có thể cư ngụ ở nơi đâu ?

Giêsu hỡi, Người ở nơi đâu ?

Bầu trời đông giá đó

Cánh đồng đông giá đó

Khi mặt trời đã mất ánh dương

Ôi ! Phố xá nghèo nàn tối đen như mực.

Ngườii cư ngụ nơi đâu ?

Người cư ngụ ở chốn nào ?

Người là ai có thể cứu chúng tôi !

Người đang cư ngụ ở chốn nào ?

Ôi Giêsu !

Lúc này Người ở đây với chúng tôi

Ôi Giêsu ! Người đang ở nơi đây với chúng tôi…[2]


Bầu trời lạnh giá. Phố xá nghèo nàn tối đen như mực. Và những con người mặt mày hốc hác. Đức Giêus Kitô, Đấng đến cứu và chuộc nhân loại có thể ở chốn nào ? Tất cả sức mạnh ngòi bút trào tuôn trong Đức Giêsu đội triều thiên vàng được dành để thăm dò câu hỏi này.


Cảnh vở kịch này diễn ra trước mặt Giáo hội Công giáo, nơi đã đúc nên  một pho tượng Đức Giêsu bằng ximăng. Pho tượng Đức Giêsu đội một triều thiên bằng vàng. Dưới chân pho tượng, vài kẻ ăn mày đang nằm. Câu chuyện diễn ra vào một sáng sớm mùa đông buốt giá.


Thời gian trôi qua, trước tiên một linh mục bụng phệ và sau đó một người đàn ông rất béo trông có vẻ như một ông chủ bước qua. Những kẻ ăn mày nài xin bố thí hết lần này đến lần khác, nhưng đều bị chối từ bằng ánh mắt và thái độ khinh khi dè bỉu. Cuối cùng, một cảnh sát xuất hiện xa xa trên màn ảnh. Trái với sự mong muốn giúp đỡ họ, ngay lập tức, anh cảnh sát tìm mọi cách xua họ khỏi nơi họ đang nằm và đòi tiền hối lộ để đáp lại sự quan tâm của anh ta.


Sau khi mọi người đã đi khỏi, một gã ăn mày bắt đầu rên rỉ : “Tôi chưa bao giờ có một gia đình, cũng chẳng bao giờ có được một phần mộ khi đã sức cùng lực kiệt. Tôi bị bỏ rơi giữa mùa đông giá lạnh này, bị bỏ rơi giữa một cái lạnh không cùng, trong một cái hố đen ngòm ghê rợn. Tôi không còn chịu đựng nổi, thời khắc thảm khốc thế này… thời khắc không thể nào chịu đựng được, thực sự không còn chịu đựng được nữa. Nhưng tôi biết đi đâu, tôi biết đến chốn nào. Ôi ! nơi nào, chốn nào ?”. Khi gã đang rên rẩm với chính mình một cách quá tuyệt vọng, mắt gã nhoè lệ, gã nhìn thấy pho tượng Đức Giêsu bằng ximăng. Ngay lập tức, một ý định mơ hồ loé lên trong tâm trí gã. Bây giờ, tự định thần lại, với một cái liếc nhìn phê phán pho tượng, gã càu nhàu trong tâm trí : “Đức Giêsu này hẳn sẽ là một Đấng cứu độ tốt đối với những người đủ ăn, có nhà để ở và có một gia đình. Nhưng Người có thể làm được gì đối với một thằng ăn mày như tôi ?”. Và sau đó, gã nói oang oang : “Ôi ! Làm sao Đức Giêsu có thể nói nếu không có miệng ? Cục ximăng kia làm sao có thể nói ? Thậm chí nếu còn sống, ông cũng không thể mở chiếc miệng bằng ximăng kia. Như vậy, có mối tương quan nào giữa khối ximăng kia và tôi ? Ôi, hãy lắng nghe nào ! Người ta chọn ximăng, hoặc bê tông, hoặc đồng thau hoặc vàng để đúc nên một pho tượng Đức Giêsu, quá vững chãi ra như đã kéo dài suốt 1000 hoặc 10.000 năm”.


Kêu gào khản cổ, gã ăn mày ngập tràn đau đớn, gã bật khóc. Ngay lúc đó, gã cảm thấy một cái gì đó ươn ướt tựa hồ những giọt nước nhỏ rơi xuống trên đầu gã. Trời đang mưa ? Không ! Khi ngước lên, gã nhận ra pho tượng Đức Giêsu đang khóc và nhỏ lệ. Những giọt nước mắt rơi xuống trên người gã. “Một điềm lạ gì chăng ! Thật thế, những giọt nước mắt từ  pho tượng đang tuôn trào ! Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra một cảnh tượng như thế. Có thể pho tượng ximăng này được chế tạo bằng một chất liệu lạ gì chăng ?”.


Gã dán mắt vào Đức Giêsu, chỉ khi đó, gã mới nhận ra Đức Giêsu đội triều thiên bằng vàng. Gã chạm vào và vuốt ve triều thiên. Khi nhận thấy triều thiên thực sự bằng vàng, một ý nghĩ loé lên trong tâm trí gã rằng nếu bán triều thiên ấy, gã sẽ có cái để ăn và có những thứ để gã tiếp tục sống. Với một sự thu hút không thể kiềm chế, gã cầm chiếc triều thiên bằng vàng và gỡ ra khỏi đầu Đức Giêsu.


Trong khoảnh khắc đó, gã nghe thấy một giọng nói : “Làm ơn giữ chiếc triều thiên ấy ! Suốt thời gian dài đẵng đẵng qua, Thầy bị giam hãm trong pho tượng bằng ximăng này, Thầy những ước muốn nói với những người nghèo giống như con và chia sẽ nỗi cơ cực của con. Thầy những nóng lòng mong đợi ngày này đến, ngày thầy sẽ được giải thoát khi một lần nữa Thầy lại thắp lên ngọn lửa tựa như cây nến và đem ánh sáng soi chiếu vào nỗi thống khổ của con. Rồi cuối cùng, con đã đến và làm cho Thầy có thể mở miệng. Chính con đã cứu Thầy”. Đó là những lời thốt ra từ miệng Đức Giêsu đội triều thiên bằng vàng.


“Ai đã giam Đức Giêsu vào tù rạc ?”, gã ăn mày giật mình, hoảng hốt hỏi. “Họ là ai vậy ?”. Pho tượng Đức Giêsu trả lời : “Họ tựa như những người Pharisêu, họ muốn tách Thầy khỏi những người nghèo để sở hữu Thầy riêng cho họ”. Gã ăn mày lại hỏi : “Ôi Thiên Chúa, làm cách nào để Thầy được giải thoát, để Thầy lại được sống và ở với chúng con ?”. Đức Giêsu trả lời : “Không thể thực hiện như thế bởi chính sức mạnh của Thầy. Nếu con không giải thoát cho Thầy, Thầy sẽ không bao giờ có được tự do. Chỉ những người giống như con, nghĩa là những người nghèo, những người đau khổ, những người bị ngược đãi, những người có lòng tốt mới có thể làm được điều đó. Con đã mở miệng Thầy ! Ngay lúc con gỡ chiếc triều thiên bằng vàng ra khỏi đầu Thầy, miệng thầy đã nói được. Chính con là người đã giải thoát Thầy ! Bây giờ  hãy đến gần Thầy, hãy đến sát Thầy đây ! Giống như con đã làm cho Thầy nói được, lúc này con có thể làm cho thân thể Thầy được tự do. Hãy tháo ximăng ra khỏi thân thể của Thầy. Cũng tháo gỡ chiếc triều thiên bằng vàng nữa. Vì đầu của Thầy, một vòng gai đã là quá đủ. Thầy không cần vàng. Con cần vàng hơn. Hãy giữ vàng và chia sẻ cho bè bạn của con”. Nhưng chính khoảnh khắc ấy, vị linh mục bụng phệ, ông chủ mập ú và viên cảnh sát lại xuất hiện trên sân khấu. Ngay lập tức, họ dựt phăng chiếc triều thiên bằng vàng khỏi tay gã ăn mày và đội lên đầu pho tượng Đức Giêsu. Gã ăn xin bị viên cách sát bắt, bị buộc tội ăn cắp, bị mang đến đồn cảnh sát. Và Đức Giêsu, được làm bằng ximăng, trở lại tình trạng cũ : một pho tượng cứng ngắc, vô hồn, câm điếc, không gì khác hơn là một khối ximăng câm điếc.[3]


Byung Mu Ahn, một giáo sư Kinh Thánh và là một nhà hoạt động xã hội tại Hàn Quốc và là người tiên phong cho nền thần học Minjung (tiện dân) phân tích :


“Cái làm cho Đức Giêsu trở lại với tình trạng ximăng chính là Kitô học do Giáo hội xây lên. Chiếc triều thiên bằng vàng trên đầu Đức Giêsu là tư tưởng nghiên cứu do Giáo hội tạo nên. Những tư tưởng đó tập trung vào Đức Giêsu hầu biến Người thành vật chống đỡ cho cơ cấu Giáo hội. Ngày nay, Giáo hội Hàn Quốc tự hào với lễ mừng kỷ niệm thứ 200 của Công giáo và lần thứ 100 của Giáo hội Tinh Lành. Thế nhưng trên thực tế, cả hai Giáo hội chỉ giới thiệu khuôn mặt hoá đá của Đức Giês từ giáo lý tại Châu Âu được hình thành trong suốt thời gian dài lịch sử Châu Âu. Do đó, Đức Giêsu, Đấng muốn chia sẻ nỗi thống khổ và sự đau thương của những Minjung (tiện dân) trên mảnh đất này đã bị cầm tù từ lâu trong pho tượng ximăng họ đã tạo nên”.[4]


Còn C.S.Song, nhận định :


“Cả gã ăn mày và gã Hủi đều cảm thấy chết lặng người khi được nói rằng họ phải làm một điều gì đó để Đức Giêsu có thể là Đức Giêsu thực sự ! Lẽ dĩ nhiên, Đức Giêsu bằng ximăng đội triều thiên vàng đó không phải là Đức Giêsu thực sự. Đó là Đức Giêsu giả tạo do những người giàu có của thế giới này nặn nên. Đó là  Đức Giêsu Psuedo được vái lạy trong những nghi lễ phụng tự tráng lệ. Đó là Đức Giêsu giáo điều bị đóng khung trong hệ thống giáo điều cứng ngắc. Đó là Đức Giêsu vô vị đối với văn hoá Á Châu. Đức Giêsu đó làm sao hiểu được ý nghĩa tâm linh Á Châu trong nỗi thống khổ và niềm hy vọng. Đức Giêsu đó làm sao tạo nên ý nghĩa của lịch sử Á Châu, một lịch sử đầy tràn thảm kịch của nhân loại và đầy tràn lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Tắt một  lời, Đức Giêsu đó xa cách lịch sử là con người, văn hoá chính là những người đàn ông, đàn bà và con trẻ và tôn giáo là những cá thể con người”.[5]


Hẳn rằng những lời kêu gào của những thần học gia Tin Lành Á Châu có nhiều điều khiến ta suy nghĩ. Thật vậy, chính chúng ta, chính những con người thời đại này đang sống trong những vùng đất cụ thể này phải làm sao trở về nguồn cội, hụp lặn sâu vào nguồn mạch Thánh Kinh để tìm lại khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa cứu độ đầu đội vòng gai rướm máu chứ không phải là một Đức Giêsu đầu đội triều thiên vàng xơ cứng như những thần học gia Tin Lành phê phán. Chỉ có Đức Giêsu đau khổ cùng kiếp người mới có thể mạc khải Thiên Chúa cha giàu lòng thương xót. Vậy chúng ta phải tìm kiếm để cảm nhận Thiên Chúa như thế nào đây ?


CÁCH CẢM NHẬN THIÊN CHÚA CỦA MỖI CHÚNG TA


Chúa Kitô không phải là nhà giảng thuyết hô hào trên diễn đàn, nhưng Ngài đi ngang qua để “thi ân giáng phúc” (Cv 10,38). “Thiên Chúa ở cùng Người”. Điều thiện Người mang tới là sự chữa lành, xoa dịu nỗi khổ đau, an ủi người sầu khổ, nâng đỡ người yếu nhược, làm thỏa mãn cơn đói khát. Đó chính là một thực đơn cụ thể trả lại cho nhân loại niềm vui và sự bình an.


Chúa Kitô phục vụ Thiên Chúa Cha bằng cách phục vụ anh em đồng loại trong sự dịu dàng và yêu thương. Do tấm lòng yêu thương dạt dào nhân loại, nên Chúa Con đã được sai đến để bước lên Thập giá.  Thật vậy, toàn thể cuộc sống của Người là xoa dịu, ủi an, cứu giúp. Ngài bảo rằng Ngài đến để phục vụ, để hầu hạ và để cứu con người. Ngài mời gọi tất cả những ai khổ đau lam lũ hãy đến với Ngài, học nơi Ngài và Ngài sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Ách của Ngài thì êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng. Và quả thật, toàn bộ cuộc sống của Ngài đã nói lên điều đó. Ngài phải chết đi cũng chính vì lối sống đó.


Thiên Chúa Đứng Về Phía Người Đau Khổ


Đức Giêsu luôn tìm cách đứng về phía người nghèo và liên đới với họ. Các Tin Mừng đã sử dụng nhiều từ ngữ để nói về hạng người này : người nghèo, người đui mù, người tàn tật, người què, người phung hủi, những kẻ tội lỗi, những người đàn bà hư hỏng, tập thể những người thu thuế, những người bị quỷ ám, những tội nhân, những kẻ mạt hạng, những kẻ bị tù đầy, những kẻ bị đói, những kẻ than khóc, những kẻ vác nặng, hạng vô lại không biết chút gì về luật, những đám đông quần chúng, những kẻ bé mọn, những kẻ sau hết, những kẻ trắng tay…[6] Tất cả những kẻ mà ngày nay chúng ta gọi là những kẻ kẻ bị áp bức, những kẻ bị loại trừ hay những kẻ bị loại ra bên lề xã hội.


Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng cảm nhận sự đau khổ của người nghèo không hệ tại ở chỗ thiếu thốn, đói khát cho bằng phải chịu xấu hổ, nhục nhã. Cànng nhục nhã hơn nữa vì ở Trung Đông, danh giá và vinh dự quan trọng hơn cả cái ăn, cái mặc, hơn cả sự sống. Người nghèo là những người phải lệ thuộc vào người khác, không danh giá, không vinh dự. Cuộc đời của họ thật vô nghĩa. Những người Dothái coi nếp sống của những kẻ nghèo khổ như là thứ bất hạnh, vô phúc. Ngược lại, mở đầu bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói : “Phúc cho những ai nghèo khổ !”. Đây không phải là chuyện tình cờ. Chúng ta sẽ thấy các mối phúc khác đều tuỳ ở mối phúc này. Hơn nữa, có thể nói chỉ có một mối phúc : Phúc cho người nghèo.[7] Không thể phủ nhận Đức Giêsu đã công bố người nghèo là người có phúc. Thế nhưng thật nguy hiểm nếu ta muốn hiểu mối phúc này mà không để ý đến thái độ của Đức Giêsu đối với người nghèo. Mối phúc của người nghèo là một lời của Thiên Chúa, chính Đức Giêsu có sứ mạng công bố ra. Hơn ai hết, Đức Giêsu cảm nhận sâu xa tấm lòng của Thiên Chúa. Khi công bố mối phúc này, Ngài không chỉ nhân danh mình mà còn muốn nhân danh Thiên Chúa. Ngài loan báo cho người nghèo một Tin Mừng hết sức mới lạ. Từ nay Thiên Chúa ban cho họ niềm vui của nước Ngài. Đức Giêsu không loan báo điều gì sắp xảy ra. Lời Người giảng khẳng định rằng người nghèo là người đã có phúc.


Đức Giêsu dựa vào lời tiên tri Isaia 61,1-2 : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết học được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Lời loan giảng này gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Có thể nói đây là một tin vui, một lời gọi mời đầy hứa hẹn cho những người đau khổ chứ không phải là một lời đe doạ từ một Thiên Chúa thánh thiện. Điều kỳ thú ở chỗ khi trích Isaia 61,1-2 ở đây, Luca đã không để cho Đức Giêsu nói hết câu hai. Việc bỏ rơi một vế của câu hai này rất có ý nghĩa. Vế này rất hài hoà với Isaia đệ tam, nhưng không ăn khớp với nhận thức của Luca, của Hội thánh sơ thời về sứ vụ của Đức Giêsu. Câu hai trong Isaia như sau : “Để công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta” (Is 61,2). Đức Giêsu khử trừ tội lỗi thì có, Ngài báo thù cho Thiên Chúa thì không (nói đến).[8]


Lời tiên tri ở trên liên kết việc chữa bệnh nhân là việc loan Tin Mừng cho người nghèo. Có thể nói người bệnh tật là người đau khổ nhất vì họ không còn hy vọng. Báu vật quý giá nhất là sự sống đang dần buột khỏi con người của họ. Làm sao lại có người gàn đến độ bảo : “Phúc cho người nghèo” nếu đồng thời thái độ của người đó không nói lên được mối tình lai láng với những ai bị khổ đau ? Nơi Người, lời loan giảng và thái độ luôn thể hiện cùng một ý nghĩa. Lời nói, thái độ và cử chỉ của Người  diễn tả Thiên Chúa thương con người vô điều kiện. Vì yêu thương họ nên Thiên Chúa muốn cứu họ ra khỏi cảnh khổ ngay bây giờ.


Thật vậy, khi đứng về phía người nghèo, Đức Giêsu đã thực sự chung đụng với họ, đồng bàn với họ. Đối xử với họ như là bạn hữu. Qua cử chỉ này, Người giải thoát họ khỏi mặc cảm xấu hổ, nhục nhã, tội lỗi. Khi tỏ cho họ biết rằng, đối với Người, họ là những người được tôn trọng, Người giúp họ ý thức về phẩm giá con người, về giá trị của họ, vì Đức Giêsu được người ta coi như một người của Thiên Chúa và là một ngôn sứ. Họ cảm nhận cử chỉ thân tình của Người như một cử chỉ của Thiên Chúa chấp nhận họ, gián tiếp tha thứ cho họ. Hành vi đồng bàn của Chúa, sự kiện các bệnh tật được chữa lành họ đều hiểu như là dấu chỉ của ơn tha tội. Do đó mà họ vui. Vui cùng Đức Giêsu là người đã giải thoát họ. Họ xác định Đức Giêsu là người của Thiên Chúa vì đã tha thứ cho họ. Albert Nolan  viết :


“Tha thứ có nghĩa là hủy trừ hay tha nợ. Tha thứ là tha nợ, làm cho lòng được nhẹ nhõm. Tha thứ cho ai tức là giải phóng người đó khỏi sự đè nặng của quá khứ. Khi Thiên Chúa tha thứ, Người nhắm mắt đối với quá khứ. Người loại bỏ tất cả hiệu quả của hiện tại và tương lai của những lỗi lầm trong quá khứ. Tình bạn đối với những người tội lỗi cho thấy rõ mối bận tâm của Đức Giêsu : Ngài bỏ qua quá khứ của họ, Ngài không giữ lại dầu một mảy may điều gì chống lại họ. Ngài coi họ không còn chút nợ nần nào đối với Thiên Chúa. Vì thế, đối với họ, không còn chuyện bị  khai trừ hay bị trừng phạt”.[9]


Đức Giêsu yêu người nghèo nhưng không thành kiến với những người giàu có cũng không coi khinh của cải vật chất. Khi tuyên bố “phúc cho người nghèo”, Đức Giêsu không nhắm tới một giai cấp hay đưa ra một chương trình cải cách xã hội. Quan điểm của Ngài là quan điểm tôn giáo : người nghèo là người hoàn toàn trông chờ vào Thiên Chúa và tín thác trọn vẹn vào Người.


Thiên Chúa Đồng Phận Với Người Đau Khổ


Thiên Chúa không chỉ đứng về phía người nghèo để giải phóng họ nhưng Người còn trở nên nghèo và đồng phận nghèo với họ để thăng hoa cái nghèo đói khốn cùng. Người đã sinh ra trong cơ hàn và chết trong thân phận của một tội nhân. Thật vậy, Người sinh ra ở bên lề xã hội Dothái, trong chuồng bò ở Bêlem. Những người được giới thiệu là những người chăn chiên, hạng người sống bên lề xã hội. Người chết trần trụi giữa hai tên cướp, ở ngoài thành, đúng như một kẻ bị khai trừ.


Christian Duquoc, một Kitô học gia quốc tế đã viết những lời thật sâu sắc :


“Thiên Chúa không chỉ giới hạn đứng về phía những người nô lệ để chiến đấu giải phóng họ. Tân Ước chứng minh rằng Người đã trở nên nghèo khó giữa những người nghèo khó, và cuộc chiến đấu mà người đeo đuổi vì họ là một cuộc chiến đấu bất bạo động… Cuộc chiến đấu ấy đã đưa Người đến chỗ bị ruồng bỏ, bị loại trừ và bị giết chết : Người không còn có không gian, không còn có tương lai. Người đã bị đóng đinh ngoài thành. Như vậy, bằng sự đồng hoá với định mệnh người nghèo, Thiên Chúa đã bị quẳng ra bên lề, nên từ đây, chính ở cái bên lề ấy mà tương lai sẽ bùng dậy, cũng như chính từ bên ngoài thành mà vinh quang của Đấng Phục sinh đã bùng lên”.[10]


Thật vậy, Đức Kitô nghèo đến nỗi không sở hữu cả bản thân mình. Người hoàn toàn không tìm kiếm một mảy may ý riêng nào. Sự tự hạ đầu tiên trong việc nhập thể “dưới hình thức của nhân loại” đã nảy nở thành sự tự  hạ trong tâm hồn và trong cuộc sống. Đó là sự tự hạ toàn diện và tự do. Ngài hoàn toàn vâng theo Thánh ý Chúa Cha. Điều này thể hiện cách trọn vẹn trong cuộc khổ nạn Ngài đã chịu. Thập giá đã ló rạng giá trị tuyệt đối và căn bản mà tình thương Thiên Chúa Cha đã dành cho Ngài.


Với chọn lựa sống của Đức Giêsu như đã nói ở trên giúp chúng ta nhìn nhận và tôn vinh tất cả những ai hôm nay ở bên ngoài Giáo hội, ở bên ngoài mọi thứ tôn giáo, không có niềm tin hay một quan niệm về bất kỳ một giá trị siêu nhiên nào nhưng vẫn sẵn sàng dấn thân chấp nhận mọi hy sinh, mọi khổ đau và cả cái chết để bênh vực người nghèo, để giải phóng những ai bị chà đạp, nâng cao phẩm giá những con người bị khinh khi ruồng bỏ và đưa trở lại trong cộng đồng nhân loại những con người bị quẳng ra bên lề xã hội, đặt họ vào địa vị của một con người giữa các con người khác.


Con Đường Gian Khổ, Con Đường Thiên Chúa Gặp Con Người


Đức Giêsu đã nhiều lần nói : phải đau khổ mới vào vinh quang, chết mới vào cõi sống. Ai cũng tránh khổ, tránh chết, vậy mà Ngài đã dấn thân vào con đường dẫn đến tử vong !


Muốn gặp con người đau khổ, muốn cứu con người đau khổ, Đức Giêsu đã chịu đau khổ. Tin Mừng đã ghi lại : Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất đi. Không từ chối mình, không gặp được người khác. Nhưng ai sẵn sàng mất mình vì kẻ tội lỗi ? Hoạ chăng có ai hy sinh cho đại nghĩa, cho kẻ tốt lành (Rm 5,7). Nhưng Thiên Chúa lại thi thố lòng yêu thương của Người đối với chúng ta thế này : Đức Giêsu đã chết vì ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.


Vậy, khi gặp con người, Đức Giêsu không nhằm gì hơn : mạc khải cho biết Cha là ai và Con là ai. Nhưng người Cha và người Con nào lộ diện qua con đường đau khổ và cái chết thập giá ? Không ai táo bạo bằng tác giả thư Hipri : “Ngài không phải là người không cảm thông với những yếu hèn của ta, song là Đấng đã chịu dãi dầu thử thách mọi mặt giống như ta, trừ sự tội”  (Dt 4,15). Ngài là Con, Ngài đã phải đau khổ mà học cho biết thế nào là vâng phục.


Bằng cách đó, Ngài vén mở cho con người nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa là Cha, Ngài đến với chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Như vậy, chóp đỉnh của cuộc sống tỏ bày yêu thương là chính cái chết để con người được thấy tường tận : Thiên Chúa không thánh thiện và công bằng như mình tưởng. Trái lại, Ngườii là Cha đầy lòng thương xót : sống và chết để tỏ bày điều ấy cho người đau khổ.


Từ sinh ra tử, không còn là số kiếp chung chung, nhưng là cái sinh tại Bêlem đến cái chết trên thập giá là con đường đi đến cùng con người. Cứ tưởng có nhiều con đường khác, nhưng Đức Kitô đã đi con đường Ngài đã đi. Và đây phải là nỗi nhớ niềm suy của Hội Thánh.


Tóm Kết


Qua Đức Giêsu, ta phải chân nhận rằng, Thiên Chúa rất đau khổ và xót thương sự mất mát lớn lao của mình : một trăm con chiên, mất một con, bỏ tất cả để đi tìm một con. Ngài đã ngược xuôi sa mạc, rừng rú để kiếm tìm. Mất một đồng, phải đảo ngược bàn ghế, quét dưới quét trên mà tìm. Mất một người con, Thiên Chúa mỏi mòn mong đợi. Thiên Chúa biết thương xót là Thiên Chúa biết đau khổ. Vì Thiên Chúa đã đau khổ để nếm mùi làm người xa Thiên Chúa mà cảm thương Thiên Chúa mất con.


Con người hữu hạn nên luôn ước mong một có người thương giúp đỡ. Trong dân gian, khi gặp khó, ta cầu người thương. Nhu cầu lòng thương bàng bạc trong tâm tư người dân mọi miền : Đức Phật từ bi, Đức Phật Bà Quan Âm đại từ đại bi, trái tim Đức Giêsu, Đức Mẹ hằng cứu giúp là địa chỉ cần kíp cho bao người chạy đến cậy dựa nương nhờ trong những lúc hoạn nạn khổ đau.


Không có con đường thông cảm với người đau khổ nào hơn là kinh nghiệm đau khổ và chết chóc. Đức Giêsu đã đi hết con đường này để chạnh lòng thương xót. Nhưng cũng chính qua con đường đau khổ đó, Đức Giêsu tỏ bày Thiên Chúa Cha giàu lòng trắc ẩn.


Từ phép dìm sông Giođan đến phép dìm thập giá, Đức Giêsu mới nên con người yêu dấu của Chúa Cha bởi Ngài đã nên người anh em yêu dấu của những ai đau khổ. Chất đau khổ ở trong số phận con người. Khoa học và kỹ thuật hiện đại chưa thể chắt lọc và loại trừ được đau khổ ra khỏi con người. Chỉ có tình yêu, sự cảm thông tha thứ như chính Đức Kitô mới có thể loại trừ được đau khổ và thăng hoa đau khổ.


Chúa Giêsu cứu độ đã biểu lộ cho ta một Chúa Cha, một Thiên Chúa biết đau khổ vì loài người. Cất đau khổ khỏi con người mà không cảm thông với con người đau khổ là điều gì đó không tưởng, viễn mơ. Đức Giêsu đã đến ngang qua thập giá, ngang qua đau khổ, từ trong chính cảnh bị bỏ rơi đau đớn, một khuôn mặt Thiên Chúa được tỏ bày : Người Cha đầy lòng thương xót.


Jac. Vũ Thế Hanh, O.P.


 







[1] The Gold-Crowned Jesus




[2] Kim Chi Ha, The Gold-Crowned Jesus and Other Writings, (Maryknoll,N.Y. : Orbis Books, 1978), tr. 85-87


[3] Tổng hợp từ hai bài viết của Byung Mu Ahn, Jesu and People (Minjung và C.S.Song Oh Jesus, Here with us ! trong cuốn R.S. Sugirtharajah, Asian Faces of Jesus, Orbis Books, 1990,




[4] R.S. Sugirtharajah, Asian Faces of Jesus, Orbis Books, 1990, tr. 166. Trích từ bài viết của Byung Mu Ahn “Jesu and People (Minjung).




[5] R.S. Sugirtharajah, Asian Faces of Jesus, Orbis Books, 1990, tr. 143. Đây là đoạn trích của tác giả C.S.Song trong bài vết : Oh Jesus, Here with us !




[6] Lm F. Biop, O.P Kitô học của thần học giải phóng, trích trong Tuyển tập thần học số 3 năm 1989, Đức Giêsu Đấng Cứu Độ chúng ta, Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo Yêu Nước, Việt Nam, T.P. Hồ Chí Minh, tr. 84-85




[7] X. Jean Potin, Đức Giêsu Kitô, tư tưởng và hành động của Ngài, Le Cernturion xuất bản, Paris 1973. Bản dịch Việt ngữ tr. 82




[8] Tuyển tập Thần học tháng 3 năm 1989, Đức Giêsu Đấng cứu độ chúng ta, UBĐKCGYNVN. TP. HCM. X. Bài viết của Linh mục Nguyễn Khắc Tiệm, Đức Kitô Đấng cứu độ chúng ta. Tr. 27




[9] Alber Nolan, tr. 58




[10] X. Libération et Progressism, Cerf. Paris 1987. Trích lại trong Tuyển tập Thần học tháng 3 năm 1989, tr 7-8



114.864864865135.135135135250