13/04/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

165

 


Đôi Cánh Tình Yêu


(con đường của thánh nữ catarina siena)


thân tặng các nữ tu Đa Minh Việt Nam


MARY ANN FATULA, OP.


 


Chương V: Kinh Nguyện, Người Mẹ Của Chúng Ta (p2)


 


HIỆP NHẤT HUYỀN NHIỆM


Cha Raymond cho thấy rằng, theo chỉ thị của Chúa, Catarina đã cống hiến đời mình cho sứ vụ, mà “không mảy may giảm bớt cuộc sống cầu nguyện tha thiết và liên tục.” Càng mong muốn dấn thân phục vụ tha nhân, niềm khát khao này càng trở thành ngọn lửa nội tâm thúc đẩy chị cầu nguyện. Đến lượt kinh nguyện đẩy chị vào lòng thế giới, nơi đó, nhu cầu của tha nhân trở thành nhu cầu của chị. Nhờ vậy, chị xác tín rằng Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta tiến vào sự kết hiệp huyền nhiệm với Người, dù rằng chúng ta hèn yếu và bất toàn, miễn là chúng ta qui phục tình yêu này: “Chúa đã lôi kéo con đến với Chúa bằng một tình yêu lạ lùng, và Chúa lôi kéo tất cả chúng con đến với Chúa không phải vì Chúa bắt buộc phải làm như thế, nhưng Chúa hoàn toàn tự do - miễn là chúng con tự nguyện để chính mình được lôi kéo đến cùng Chúa.”


Trong các bài viết, Catarina ít chú ý mô tả những trạng thái bên trong của việc cầu nguyện và kết hiệp huyền nhiệm, nhưng chị chú trọng đến sự thiện hảo của Thiên Chúa và lời Chúa mời gọi chúng ta gắn bó với Người, sự gắn bó tuôn trào trong nhiệt tình tông đồ. Thế nhưng, khi chị nói đến kết hiệp huyền nhiệm, các bản văn của thánh Gioan thường cung cấp cho chị những hình ảnh để diễn đạt thành lời những gi mà chị biết rằng lời nói không thể chuyển tải được: “Miệng lưỡi nào có thể diễn tả được sự kỳ diệu của giai đọan hiệp nhất cuối cùng này… sự hiệp nhất trọn vẹn - bạn không thể diễn tả được nó bằng miệng lưỡi được, vì lời lẽ thì hữu hạn!” Quan điểm của thánh Gioan trong 14:21-23 đã cung cấp cho Catarina biểu tượng của một tình yêu thâm sâu ở trung tâm sự kết hiệp huyền nhiệm, một tình yêu chữa trị tính ích kỷ của chúng ta, và bao bọc chúng ta trong ý muốn của Thiên Chúa: “Nếu các con yêu mến Cha và giữ lời Cha, Cha sẽ tỏ chính Cha cho các con, các con sẽ nên một với Cha và Cha nên một với các con.”


Catarina so sánh tiến trình thanh tẩy dẫn đến kết hiệp huyền nhiệm như một hòn than ném vào trong lò lửa cháy bừng. Trong ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta giống như hòn than đang cháy, “không giữ lại gì, không giữ lại một chút nào” ý riêng của chúng ta ở ngoài Thiên Chúa, vì chúng ta đã “bén” lửa tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta càng ở “trong Thiên Chúa”, tình yêu của Chúa Thánh Thần càng chữa trị chúng ta khỏi tính vị kỷ, nhờ đó, với thời gian, con đường lúc đầu đối với chúng ta có vẻ khó khăn sẽ trở nên ngọt ngào và hấp dẫn hơn. “Trong ngọn lửa, bạn hòa tan ý muốn của bạn với ý muốn của Người và ý muốn của Người với ý muốn của bạn.” Thay vì đem lại cho chúng ta những kinh nghiệm an ủi, sự kết hiệp huyền nhiệm bao bọc chúng ta trong ánh rực rỡ của ý muốn Thiên Chúa và trong “ánh sáng, trong ngọn lửa, trong sự hiệp nhất,” liên kết chúng ta bằng một tình yêu mạnh mẽ đến nỗi không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa.


Đang khi chúng ta vẫn còn bất toàn trong tình yêu, Thiên Chúa chơi “trò chơi của người yêu” với chúng ta, lúc thì hiện diện, lúc thì giấu mặt, dạy chúng ta gắn bó với người cho hơn là với quà tặng. Nhưng thực tại kết hiệp huyền nhiệm làm cho trò chơi này không còn cần thiết, vì tình yêu hướng chúng ta đến sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi khi chúng ta muốn: “Mọi nơi và mọi lúc đối với họ đều là nơi và thời gian cầu nguyện.” Nhờ đó chính Catarina cảm nghiệm được chân lý trong Ga 15:15: “Ai yêu mến Thầy thì ở với Thầy, và Thầy sẽ ở với người ấy, và Thầy sẽ tỏ mình cho người ấy và chúng ta sẽ đặt chỗ cư ngụ nơi người ấy.” Thiên Chúa trở thành ngôi nhà mà chúng ta không bao giờ phải rời bỏ; như cá trong nước, nước trở thành chính sự sống của cá, chúng ta cũng bắt đầu sống trong Thiên Chúa như “cá trong đại dương và đại dương trong cá,” sự ích kỷ của chúng ta “chết chìm” trong tình yêu, thứ tình yêu bao bọc lấy chúng ta như một “đại dương an bình.” Và vì “những bí mật chỉ được chia sẻ với người bạn đã thân thiết như một,” thì sự kết hiệp huyền nhiệm này đem lại cho chúng ta một tình yêu vượt quá tình yêu của người tôi tớ để tiến tới tình yêu của một người bạn yêu quý mà Thiên Chúa không còn giữ điều gì bí mật.


Biểu tượng sự kết hiệp huyền nhiệm sâu xa nhất của Catarina là hình ảnh đứa bé nghỉ ngơi trong cánh tay người cha người mẹ, đầy sự bình an với cái hôn của cha mẹ. Nhắc lại các cấp bậc của tình yêu, trước hết là ở dưới chân Chúa, kế đến ở bên cạnh sườn Chúa, cuối cùng ở nơi miệng Người, chị mường tượng ra sự hiệp nhất âu yếm làm cho chúng ta trở nên “những đứa con nhỏ rất đáng yêu” của Thiên Chúa, sung sướng đón nhận cái hôn hân hoan và an bình của Người. Ở đây, chúng ta sống nhờ sữa là tình yêu Thiên Chúa như đứa con nhỏ nghỉ ngơi yên hàn trên ngực mẹ, bám lấy ngực mẹ và bú sữa từ ngực mẹ. Đó là cảnh tượng linh hồn đã đạt tới cấp bậc cuối cùng, nghỉ ngơi trên ngực Chúa Kitô chịu đóng đinh. Chúa nói với Catarina rằng, sự gần gũi này vượt quá tất cả những gì trái tim con người có thể ước mong: “Nếu có ai dám hỏi Cha rằng linh hồn này là gì, Cha sẽ trả lời: đó là một Cha khác, do sự hiệp nhất trong tình yêu mà thành… Ngay cả ý riêng của linh hồn cũng sẽ không còn ngăn cách chúng ta, vì linh hồn đã trở nên một với Cha.”


Vì sự kết hiệp huyền nhiệm “làm ta say sưa” với Máu thánh Chúa Giêsu, và thiêu đốt chúng ta bằng tình yêu của Người, nên chúng ta cảm nghiệm được mối dây thân thiết không những với Thiên Chúa, mà còn với con cái Thiên Chúa, tức là các anh chị em của chúng ta. Catarina cho rằng không thể có một sự kết hiệp huyền nhiệm tách rời khỏi niềm say mê ơn cứu độ thế giới, cũng không thể quan niệm một sự thân mật với Thiên Chúa mà lại không thúc đẩy chúng ta đổ tràn trên tha nhân tình yêu nhưng không mà chúng ta không thể trả lại cho Thiên Chúa. Khi tiến tới bậc thứ ba, tức là tới miệng Thiên Chúa, là chỗ thân mật hoàn hảo, miệng lưỡi chúng ta bắt đầu ca tụng và ngợi khen Thiên Chúa; “lưỡi” của kinh nguyện không ngừng nói bằng ngôn ngữ bên trong của lời chuyển cầu cho tha nhân, và bằng ngôn ngữ bên ngoài của lời ca tụng Ngôi Lời. Như vậy, việc chúng ta nghỉ ngơi với Thiên Chúa trong kinh nguyện huyền nhiệm đẩy chúng ta tới chính trung tâm của Hội thánh, nơi đó chúng ta trao ban chính mình qua lời ca tụng và chuyển cầu.


HOA TRÁI CỦA SỰ HIỆP NHẤT HUYỀN NHIỆM:


LỜI CHUYỂN CẦU


“Mọi thời, Người có thể cứu những kẻ qua Người mà đến gần Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Hr 7:25). Chúa Cha làm cho Catarina nhận biết mầu nhiệm đấng cứu chuộc, Người hằng cầu nguyện cho chúng ta, bằng cách tuôn đổ xuống thế giới cũng một Máu thánh đã cứu độ chúng ta. Nhờ đó, chị nhận thức rằng sự kết hiệp huyền nhiệm mời gọi chúng ta chuyển cầu bằng “kinh nguyện thống hối và khiêm hạ bền vững” để lòng thương xót Chúa đổ trên thế giới: “Cha muốn con cầu xin Cha cho họ để Cha có thể tỏ lòng thương xót họ.”


Catarina thích suy tư về giá trị vô biên của việc con người tự do đáp trả Thiên Chúa: “Mặc dù Chúa đã tạo dựng chúng con không cần chúng con, nhưng Chúa không muốn cứu chúng con nếu chúng con không cộng tác.” Nhưng đối với chúng ta, thật không dễ để đi vào tình yêu tương hỗ này với Thiên Chúa, vì tính ích kỷ và sự sợ hãi thường dựng rào cản khiến chúng ta không đến được với chính tình yêu có thể giải thoát và chữa lành chúng ta. Catarina thấy khi chúng ta sử dụng “cánh tay chọn lựa tự do” để “phủ” ngoài trái tim chúng ta một lớp kháng cự, thì chỉ có Máu thánh Chúa Giêsu mới có thể cho chúng ta một tình yêu đủ vô biên để “đập vỡ kim cương” là sự bướng bỉnh của chúng ta: “Dù chúng cứng đầu, hãy để chúng… tìm kiếm Máu thánh của Con Cha và với cũng một cánh tay ấy… tuôn đổ Máu thánh xuống trái tim chai đá của chúng.” Chỉ có Máu thánh Chúa Giêsu, không ngừng tuôn đổ xuống thế giới qua kinh nguyện chuyển cầu của Người, mới có sức mạnh làm cho sự chống đối của chúng ta mềm đi.


Vì thế, các vết thương của Chúa Giêsu vẫn còn ghi dấu nơi thân thể phục sinh của Người như một lời cầu nguyện sống động van xin cho chúng ta trước Chúa Cha. Bửu huyết từ những vết thương ấy làm cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa trở nên hữu hình, và không có gì lôi kéo được lời đáp trả tự do của chúng ta cho bằng tình yêu: “Hỡi tình yêu vô biên, xin hãy mời gọi chúng, hãy lôi cuốn chúng, để chúng trở lại với Chúa, lạy Chúa.” Vì tình yêu ràng buộc chúng ta với người chúng ta yêu mến, nên khi liên kết chính mình với lời chuyển cầu của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hiệp nhất với những người mà chúng ta chuyển cầu cho họ. Như thế, trong sức mạnh Máu thánh Chúa Giêsu, kinh nguyện chuyển cầu của chúng ta trở thành một lời xin vâng sống động trong tâm hồn những người chúng ta chuyển cầu cho: nhờ sự hiệp nhất với họ qua tình yêu, lời xin vâng của chúng ta trong một nghĩa nào đó trở thành lời xin vâng của họ đối với lòng thương xót của Chúa tuôn đổ trên họ. Catarina khám phá thấy rằng kinh nguyện của chúng ta cầu cho những người thân cận có sức mạnh đặc biệt trước Thiên Chúa, vì tình yêu là trung tâm sự chuyển cầu, và chính Chúa Cha đặt để nơi chúng ta một tình yêu “đặc biệt” đối với những người Chúa đã ban cho chúng ta.


Catarina còn thấy một sự thật đầy an ủi, đó là sức mạnh của kinh nguyện chuyển cầu không tùy thuộc vào nhân đức của chúng ta. Kinh nghiệm “chúng ta không là gì cả” bảo chị hãy mượn tiếng nói của chính Thiên Chúa để cầu xin lòng thương xót cho thế giới. Với những người mà Chúa đã “đặt lên vai chị”, chị biết cách đặt lại lên vai Chúa: “Con trao họ lại cho Chúa, vì con yếu đuối và bất xứng.” Vậy là tình yêu không làm cho chị chú ý vào những khiếm khuyết của mình, nhưng vào sức mạnh của Thiên Chúa là đấng mà chị hiệp nhất với Người nhờ tình yêu chuyển cầu. Chị hiểu rằng ngoài Chúa ra, mọi sự đều đổ vỡ, nên, sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, thay vì cản trở sức mạnh kinh nguyện chuyển cầu của chúng ta, lại càng kêu cầu lòng thương xót của Chúa xuống trên chúng ta và trên những người chúng ta cầu nguyện cho họ. “Dù quay về hướng nào, con cũng không thấy gì khác ngoài lòng thương xót của Cha. Vì thế con chạy đến van xin Cha để Cha thương xót thế giới.” Và vì lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa, nên lòng nhân hậu của Thiên Chúa không thể ngăn cản Người ban lòng thương xót cho những ai kêu cầu.


Tuy nhiên, khi kêu cầu lòng thương xót cho thế giới, chúng ta không kêu cầu gì khác hơn là xin tuôn đổ Máu thánh Chúa Giêsu xuống. Tình yêu bảo chúng ta hãy “gõ cửa” trái tim Thiên Chúa không ngừng, vì điều chúng ta tìm kiếm là “máu của cửa này.” Bửu huyết của Người là của chúng ta, vì Thiên Chúa đã tắm gọi chúng ta bằng Máu thánh đó: “Chúa không thể và sẽ không bao giờ từ chối Máu thánh đó với những kẻ cầu xin Chúa trong sự thật… Vậy, xin Chúa hãy mở cửa, hãy mở khóa và đập vỡ những trái tim chai đá của các thụ tạo… và nhờ Máu thánh này… xin hãy tỏ lòng thương xót thế giới.”


Qua kinh nguyện, Catarina nhận thấy lời chuyển cầu không phải là việc đạo đức tùy ý, nhưng là lời Chúa Cha kêu mời những ai tìm kiếm sự hiệp nhất thâm sâu với Người: “Hãy lớn tiếng kêu xin Cha thương xót thế giới. Qua lời kêu xin này, chính là ý Cha muốn thương xót thế giới.” Vì chính Chúa Cha bảo chúng ta chuyển cầu cho tha nhân, nên chúng ta cầu nguyện bằng kinh nguyện mà Thiên Chúa đã đặt để trong chúng ta: “Chính Cha là đấng đã khiến họ kêu cầu: vậy xin hãy lắng nghe tiếng họ… Xin Cha ban những gì Cha đã khiến con cầu xin.”


Khi đã khám phá ra sự bất khả phân ly của “đôi cánh tình yêu,” yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, Catarina hiểu rằng sự kết hiệp huyền nhiệm nhất thiết phải bùng cháy lên trong việc phục vụ quảng đại và chuyển cầu mà chúng ta mắc nợ như mắc nợ tình yêu tha nhân. Sự hiệp nhất huyền nhiệm chỉ là một thực tại đối với chúng ta khi nào chúng ta biết hiệp nhất với tha nhân qua tình yêu và kinh nguyện chuyển cầu: “Càng dâng cho Cha những khát mong cho họ, con càng chứng tỏ tình yêu đối với Cha.” Chúa Cha có thể chữa lành thế giới mà không cần đến sự chuyển cầu của chúng ta, nhưng Catarina ý thức rằng chính vì bản chất của tình yêu mà Chúa đã chấp nhận cứu vớt chúng ta với sự thuận tình của chúng ta. Như vậy kết hiệp huyền nhiệm liên kết chúng ta với lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể thực thi lòng trắc ẩn này đối với tha nhân; tình yêu vô vị lợi mà chúng ta không bao giờ trả lại được cho Thiên Chúa thì chúng ta có thể và phải trả lại cho tha nhân.


Kinh nghiệm dần dần cho Catarina biết rằng sức mạnh của kinh nguyện chuyển cầu vượt quá mọi công việc chúng ta có thể làm cho vinh danh Thiên Chúa, vì nó liên kết ước muốn của chúng ta mong cho thế giới được chữa lành với “lòng thương xót thiết tha của Chúa Thánh Thần.” Vì thế, Chúa Cha mời gọi chúng ta nuôi dưỡng ngọn lửa ước mong của mình và “đừng để một lúc nào qua đi mà không kêu cầu” cho người khác. Và vì lời chuyển cầu hướng chúng ta đến tình yêu đại lượng trước nhu cầu của anh chị em, nên khi càng nung nấu ơn cứu độ thế giới, chúng ta càng thực sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Ba ngôi. Chúa Cha nói với Catarina: “Càng từ bỏ mình, họ càng tìm thấy Cha”, vì sự kết hiệp huyền nhiệm liên kết chúng ta với khát mong tha thiết của Thiên Chúa muốn cho các linh hồn được cứu độ.”


Nhận thấy tình yêu của Chúa Cha đã khiến Người đáp ứng ngay cả trước khi chúng ta kêu cầu, Catarina ngày càng trở nên táo bạo trong lời nguyện mà tình yêu này gợi lên trong chị: “Con xin Cha - thậm chí là con đòi Cha - tỏ lòng thương xót các thụ tạo của Cha.” Trong các ngày lễ, nhất là lễ kính đức Maria, Catarina thường cầu nguyện có khi mạnh dạn hơn: “Lạy Mẹ Maria, hôm nay, con cầu khẩn với Mẹ một cách can đảm, vì hôm nay là ngày của ân sủng, và con biết rằng Chúa không từ chối Mẹ điều gì.” Vì kêu lên Chúa Cha với chính tình yêu mà Chúa đặt để trong tâm hồn chị, nên Catarina biết rằng Chúa không thể từ khước mở cánh cửa “lòng yêu thương vô biên” của Người cho chị. Thế là chị nhắc lại cho Người rằng Người được vinh quang là nhờ sự hoán cải của con người, chứ không phải bằng cách để họ “chai lì trong sự cứng lòng của họ.” Và vì Chúa Cha đã tạo dựng toàn thể vũ trụ từ hư không, nên chị nhắc Người rằng ngay cả hoán cải một tâm hồn chai đá nhất thì cũng chỉ là thực hiện một công việc dễ dàng để “tái tạo” những gì Người đã làm từ hư không. Lúc ấy, với tất cả lòng can đảm, chị cầu nguyện, “Xin Chúa hãy cưỡng bách ý chí của họ và làm cho họ muốn điều họ không muốn.”


Vì họ đã được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần và nên giống trái tim Chúa Giêsu, nên Catarina gọi những người chuyển cầu là “những kitô - người được xức dầu”: “Ôi đấng tốt lành nhất trong những lương y! Xin hãy cho chúng con những kitô này, họ sẽ sống trong sự tỉnh thức thường xuyên, nài xin và kêu cầu cho ơn cứu độ thế giới.” Chính Chúa Cha đã mời gọi Catarina và tất cả những ai liên kết với chị hãy trở thành “những kitô” đối với Hội thánh, để van xin và chuyển cầu từ “nguồn suối” tình yêu của Chúa, và dùng họ để “rửa sạch bộ mặt” Hiền thê của Chúa là Hội thánh: “Hội thánh lấy lại được vẻ đẹp của mình không phải bằng vũ lực nhưng bằng hòa bình cũng như qua những lời cầu nguyện kiên trì và khiêm tốn, cùng với mồ hôi nước mắt mà các tôi tớ Cha đã đổ ra với lòng khao khát nhiệt thành.”


Khi nhập tâm những lời trên đây của Chúa Cha, Catarina thấy kinh nguyện chuyển cầu dần dần trở thành một lễ mừng hơn là một công việc khó khăn: “Vì đang đói, chị thiết đãi những người lân cận… bằng đức ái.” Trong kinh nguyện, chị thấy thiên đàng đầy các anh chị em thánh, họ làm thành một bản hợp ca vĩ đại về tình yêu và chuyển cầu cho chúng ta. “Bữa tiệc” kinh nguyện chuyển cầu của chị trở thành bảo chứng niềm vui thiên đàng cho chị, một niềm vui được thưởng nếm trước một cách say sưa mà chỉ có đức ái mới đem lại được.


 


HIỆP NHẤT XUẤT THẦN


Song song với việc được thưởng nếm trước thiên đàng qua kinh nguyện chuyển cầu, Catarina còn được hưởng kinh nghiệm xuất thần. Cha Raymond kể rằng, cường độ lòng yêu mến Chúa và tha nhân của Catarina thường khiến cho tình yêu này thâm nhập vào thân thể chị; khi nghĩ đến Chúa Giêsu, “linh hồn chị càng ngày càng tiến vào nơi thâm sâu, rời bỏ những giác quan của thân thể.” Mặc dầu phải miễn cưỡng viết về những ân sủng nhận được trong lúc cầu nguyện, nhưng đôi khi Catarina mô tả những kinh nghiệm mà người đọc nhận ra ngay đó là kinh nghiệm của chị. Chị suy tư về tình yêu có sức chiếm đoạt con người và hiệp nhất chị với Chúa đến nỗi lửa yêu mến nâng chị vượt lên trên những giới hạn chật hẹp của thân thể. Khi sức mạnh của tình yêu hiệp nhất chị với Chúa trở nên mạnh mẽ hơn sự hiệp nhất giữa linh hồn và thân thể, thì sức mạnh này thâm nhập vào cả thân thể chị. Lúc ấy tình yêu Thiên Chúa lôi kéo tất cả năng lực của chị về mình, hấp thu sức mạnh của thân thể đến nỗi các giác quan dường như bị xiềng lại.


Khi cơn xuất thần đạt tới cao điểm, tình yêu trở nên mãnh liệt đến nỗi nâng thân thể lên khỏi mặt đất, và có thể nói, thân thể trở nên bất động. Vì đức ái thiêu đốt các khả năng của linh hồn, nên thân thể không còn cảm thấy gì nữa: “Mắt nhìn mà như không nhìn; tai nghe mà như không nghe; miệng nói mà như không nói.” Nhưng như Catarina đã cảm nghiệm, đôi khi Thiên Chúa cho phép một người nào đó nói trong cơn xuất thần là để làm cho tâm hồn người đó xả bớt sức nặng của niềm vui và tình yêu. Và trong khi thân thể không thể chịu đựng sức mạnh của sự hiệp nhất này được lâu, thì trí nhớ của người đó “lại tràn ngập một mình Thiên Chúa” một thời gian dài sau khi cơn xuất thần đã chấm dứt.


Những người xuất thần có khi nhận được ơn ngôn sứ, hoặc có khi nhìn thấu tâm hồn những người mà họ cầu nguyện cho, như Catarina đã trải qua. Những lúc khác, họ có thể có sự hiểu biết sâu xa, nhưng không rõ ràng, về sự sống và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì giới hạn của đời sống hiện tại, tất cả những gì họ “thấy” lúc đó qua sự kết hiệp huyền nhiệm thì cũng như không thấy. Và họ vừa có thể được ơn cầu nguyện huyền nhiệm đồng thời vẫn mang trong mình một “cái dằm trong xác thịt”: điều đó giữ cho kinh nghiệm của họ về sự cao cả của Thiên Chúa Ba Ngôi đặt nền vững chắc trên mảnh đất phì nhiêu của đức khiêm nhường.


Thế nhưng, cho dù chúng ta yếu đuối, sự xuất thần giúp chúng ta gia tăng khát vọng hướng về thiên đàng; sức mạnh của tình yêu trong cơn xuất thần khiến cho thân thể dùng tất cả năng lực của nó để cầu xin cho được sự hiệp nhất trọn vẹn trên thiên đàng. Và nếu thân thể không hạn chế chúng ta trải qua kinh nghiệm hiệp nhất này trên đời, thì, nói cho đúng, có lẽ chúng ta sẽ chết vì tình yêu. Tuy nhiên, đối với những người ở trên thiên đàng, ngọn lửa tình yêu xuất thần không ngừng bộc lộ sức mạnh: “Với họ, Cha là biển bình an cho các linh hồn kết hiệp đến nỗi tinh thần của nó không biết đến chuyển động nào khác ngoài chuyển động trong Cha.” Trong hạnh phúc thiên đàng, khát vọng về Thiên Chúa được đổ tràn đầy; chúng ta biết đến cơn đói vô tận mà không đau đớn, và thỏa mãn mà không nhàm chán, vì mọi khát vọng của chúng ta đều được sự vô biên của Thiên Chúa đổ đầy ngay lập tức và trọn vẹn.


CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG


“Hãy cầu nguyện mọi lúc trong Thánh Thần” (Ep 6:18). Catarina nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện không ngơi của tâm hồn hướng về Chúa trong mọi sự, là điều quan trọng trong ơn gọi huyền nhiệm của chúng ta, còn hơn cả kinh nghiệm xuất thần. Cũng như khẩu nguyện dẫn chúng ta tới chỗ hiệp thông với Thiên Chúa mà không cần đến lời nói, thì tâm nguyện hướng chúng ta tới chỗ cầu nguyện không ngừng, như thánh Phaolô đã đề cao: “Anh em hãy cầu nguyện không ngơi nghỉ” (1 Th 5:17). Nhưng làm sao chúng ta có thể cầu nguyện không ngừng giữa những trách nhiệm nặng nề chiếm hết tâm trí và nghị lực? Catarina hiểu rằng, cầu nguyện không ngừng sẽ triển nở như hoa trái tất nhiên của một tâm hồn yêu mến, chứ không phải là một điều không tưởng. Người đang yêu cho dù bận bịu vì các trách nhiệm, nhưng tâm hồn vẫn hướng về người mình yêu mà không cần phải nói gì. Ngay khi được rảnh rang, cái nhìn nội tâm của tâm trí liền tự động hướng về người yêu. Cha mẹ vẫn nhớ đến con cái ngay cả khi không ý thức sự hiện diện của nó; sự chú tâm vô thức này giúp cho họ tức khắc nhận ra ngay được tiếng khóc của con cái dù ở giữa những tiếng ồn ào.


Tương tự như vậy, “cầu nguyện không ngừng” có nghĩa là “khát khao không ngừng;” khi sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta hướng nỗi khát khao của tâm hồn chúng ta về Người trong sự hiệp-nhất-không-lời còn sâu xa hơn những tư tưởng minh thị của chúng ta, ngầm bên dưới tất cả những gì chúng ta làm. Catarina thấy cách cầu nguyện này không dành riêng cho một số ít tâm hồn chiêm niệm, nhưng là một tình trạng không thể thiếu được trong đời sống. Nếu không rút lấy nghị lực từ một nguồn mạch sâu xa hơn hoạt động, thì chính các trách nhiệm của chúng ta sẽ làm cho chúng ta hao mòn và cuối cùng phá hủy chúng ta. Kiểu cầu nguyện không lời sẽ tạo thành nguồn suối từ đó chúng ta có thể sống chính đời sống của mình.


Catarina nhận thấy việc cầu nguyện không ngừng giúp chúng ta hướng tâm hồn về với Chúa ngay cả khi các trách nhiệm nặng nề cuốn hút chúng ta. Khi cầu nguyện “luôn luôn”, nhờ lòng khao khát và sự tùng phục, chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa một cách còn sâu xa hơn cả khi chúng ta nghĩ đến điều đó. Với kinh nguyện không lời của tâm hồn, chúng ta không chỉ hiện hữu, nhưng chúng ta sống; dù giữa những hỗn độn, một sự bình an bao bọc chúng ta ở mức độ sâu xa nhất của con người, một sự bình an mà không gì có thể giật ra khỏi chúng ta (Ga 14:27).


CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG:


TÌNH YÊU TRONG HÀNH ĐỘNG


“Bất cứ con nói hay làm điều gì vì lợi ích của tha nhân, đó là cầu nguyện thực sự;” do kinh nghiệm riêng, Catarina hiểu được bản chất của việc cầu nguyện không ngừng và tình yêu phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, đối với chị, điều này không hàm ý rằng chỉ có lao động mới là cầu nguyện; trái lại, chị nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải dành thời gian rõ ràng cho việc cầu nguyện. Nhưng ơn gọi riêng của Catarina dạy chị hiểu về sự hiệp nhất không thể thiếu giữa tình yêu hoạt động và tình yêu chiêm niệm, vì chị đã biết rằng hoạt động tông đồ đích thực chỉ phát sinh từ sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và đến lượt sự kết hợp này lại đẩy chúng ta vào giữa lòng thế giới. Lúc ấy, tình yêu hiệp thông với Thiên Chúa và tình yêu phục vụ tha nhân chỉ còn là một thực tại: “Ai không bao giờ ngưng làm điều lành sẽ không bao giờ ngưng cầu nguyện.”


Nếu không có tình yêu, “tôi sẽ không là gì cả” ( 1 Cr 13:2). Thiên Chúa tỏ cho Catarina thấy nếu chúng ta tìm kiếm sự an ủi riêng bằng cách từ chối  yêu thương kẻ đang thiếu thốn, lúc đó chúng ta tự tách mình khỏi chính Thiên Chúa, đấng mà chúng ta tìm kiếm trong cầu nguyện. Vì tình yêu nguyên nó là trung tâm và là mục đích của việc cầu nguyện, do đó khi sống ích kỷ, chúng ta phá hủy chính ý nghĩa của việc cầu nguyện. Và vì chính bản tính của Thiên Chúa là tình yêu, nên việc từ chối giúp đỡ tha nhân không những làm suy giảm sự kết hợp giữa chúng ta với tha nhân, mà còn với Thiên Chúa nữa.


Catarina thường nhấn mạnh đến bài học mà chị đã học được, đó là chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu thương tha nhân. Vì bài học đó đến từ chính kinh nghiệm của chị, nên điều chị mô tả về người chiêm niệm vị kỷ đã đánh trúng vào tình cảm của người đọc. Sống vị kỷ là sống trong ảo tưởng rằng lời cầu nguyện hiệp nhất chúng ta với Chúa trong khi thực ra không phải thế. Thay vì sự bình an trong chiêm niệm, chúng ta lại bị khuấy động. Vì tâm hồn chúng ta không dựa vào Chúa, mà dựa vào sự an ủi, nên khi bó buộc phải giúp đỡ tha nhân, chúng ta làm vì cần thiết thay vì do tình yêu. Catarina hiểu rằng như thế nguyên việc cầu nguyện nuôi dưỡng tình yêu, nhưng dùng cả đời để cầu nguyện cũng sẽ vô ích nếu khi chúng ta chết, Chúa thấy chúng ta không có lòng bác ái đối với tha nhân.


Khi mời một số ẩn sĩ về Roma để cùng cầu nguyện và làm chứng cho Hội thánh, sự từ chối vị kỷ của William Flete, một người bạn thân của Catarina, đã khiến chị trả lời một cách chua chát: “Thì ra Thiên Chúa là người chọn chỗ, và chỉ thấy Người trong rừng vắng, chứ không tìm thấy Người ở nơi nào khác trong lúc cần thiết hay sao?” Vì ơn gọi sâu xa hơn để phục vụ tại Rôma, Catarina đã hy sinh sự cô tịch mà chị ước mong sau khi Chúa đóng ấn vào trái tim chị những lời này: “Ai muốn được thì sẽ mất, còn ai sẵn sàng mất thì sẽ được.” Catarina hiểu những lời này ám chỉ về chị: “Ai chấp nhận mất ơn an ủi của mình vì ích lợi của tha nhân thì sẽ nhận được Cha và tha nhân, nếu họ giúp đỡ và phục vụ tha nhân với lòng yêu mến. Và như thế, họ được tình yêu nhân từ của Cha mọi lúc.”


Tóm lược đời sống cầu nguyện của Catarina, cha Raymond nói rằng chị đã gắn bó với cầu nguyện như với người mẹ thực sự, và đã “cố gắng với tất cả nhiệt tình và lòng kiên trì, để đạt tới thói quen cầu nguyện không ngơi nghỉ.” Bà mẹ này đã nuôi dưỡng chị trong an ủi và thử thách, đã đưa chị tới sát ngực Chúa, và đã dịu dàng lo cho chị mọi nhu cầu. Chính bà mẹ này, với lòng trung tín và sự gần gũi, đã cho chị hứng khởi để viết bài ca trữ tình ca tụng Thiên Chúa đã ban hồng ân cầu nguyện. Chúng ta được chữa lành khỏi tính kiêu ngạo và ích kỷ ở đâu, và chúng ta có được một trái tim khiêm nhường và đại lượng ở đâu? Trong lúc đau khổ và thử thách, chúng ta khám phá ra tình yêu Thiên Chúa bao bọc chúng ta ở đâu? Chúng ta uống “hương thơm của đức thanh khiết” ở đâu, và biết yêu thương với một trái tim tự do ở đâu? Chúng ta lớn lên trong cơn đói khát trao dâng sự sống cho Thiên Chúa và cho ơn cứu độ thế giới ở đâu? Chỉ trong đôi cánh tay dịu dàng của bà mẹ cầu nguyện “đổ đầy cái bình tâm hồn chúng ta bằng máu của Con Chiên và bao quanh bằng lửa,” ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa. Bà mẹ này không bỏ rơi Catarina ngay cả trong cái chết, đã trở thành bà mẹ ban tặng cho chị những người bạn như  là di sản cuối cùng của chị: “Anh chị em hãy kiên tâm cầu nguyện.”

114.864864865135.135135135250