Đôi Cánh Tình Yêu
(con đường của thánh nữ catarina siena)
thân tặng các nữ tu Đa Minh Việt Nam
MARY ANN FATULA, OP.
Chương VI: Bửu Huyết Chúa Giêsu
Lòng Thương Xót Đối Với Trái Tim Con Người
“Lòng nhân ái và thương xót sẽ theo tôi hết mọi ngày trong đời tôi” (Tv 23:6). Kinh nguyện của Catarina cho chị thấy khát vọng sâu xa của con người là muốn được dìm mình trong lòng thương xót. Chính lòng thương xót Chúa có sức chữa lành những vết thương thâm sâu trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta trông chờ lòng thương xót sẽ tẩy rửa chúng ta trong dòng sông tha thứ và phục hồi; thế nhưng, ngay cả khi hy vọng điều đó, chúng ta vẫn biết lòng thương xót Chúa đối với chúng ta sâu xa và triệt để như một ân huệ nhưng không, mà ta không xứng đáng lãnh nhận.
Thân thể chúng ta gào xin một lòng thương xót có thể đụng chạm được, còn tinh thần chúng ta khát mong một lòng thương xót sâu xa hơn thực tại thụ tạo có thể đem lại; chúng ta cần đến một lòng thương xót mà cả thân thể lẫn tinh thần có thể cảm nghiệm được. Thế nhưng, trái tim con người có thể biết được thứ thương xót này không? Đối với Catarina, lời thánh vịnh 23 - không những ám chỉ khát vọng của con người tuy thiết tha nhưng không thể đạt được trọn vẹn, mà còn nói lên thực tại trong đó “chúng ta sống, động và hiện hữu” (Cv 17:28). Cùng với các tông đồ và các môn đệ Chúa Giêsu, Catarina thấy nơi Máu thánh Chúa Giêsu tình yêu của Thiên Chúa trở nên nhân bản, lòng thương xót của Thiên Chúa trở nên hữu hình.
Vì nếu khao khát lòng thương xót, chúng ta chỉ cần dìm toàn thể con người chúng ta trong Máu thánh Chúa Giêsu, thứ nước tẩy sạch và chữa lành, nguyên nó “làm tan vỡ kim cương” là sự đối kháng của chúng ta, và làm cho chúng ta mềm lòng trước Thiên Chúa cũng như tha nhân. Cho dù trầm trọng đến đâu, mọi tội lỗi của chúng ta đều có thể được rửa sạch nhờ máu cứu độ tắm gội chúng ta trong “biển yêu thương và tha thứ mênh mông của Thiên Chúa.” Chúa Cha nói với Catarina rằng: Người cấm chúng ta nghĩ đến tội lỗi “hoặc chung hoặc riêng mà không nhắc đến Máu thánh và lòng thương xót bao la của Cha.” Cho dù suốt đời sống trong tội lỗi, chúng ta phải cùng với chị Macđala kêu cầu lượng hải hà mạnh mẽ vô biên hơn cả tội lỗi chúng ta: “Tôi sẽ ẩn mình trong Máu thánh Người, và thế là tội lỗi của tôi sẽ được xóa bỏ.” Như vậy, Catarina xin Chúa Cha tẩy rửa bộ mặt linh hồn chúng ta bằng Máu thánh Con Một của Người, thay vì chán nản và thất vọng, chúng ta có thể dâng lên Người “khuôn mặt sáng ngời và một tâm hồn không chia sẻ.”
ÂN SỦNG HUYỀN NHIỆM CỦA CATARINA:
KHAO KHÁT MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU
Chính nhờ kinh nghiệm huyền nhiệm cơ bản trong đời sống mà Catarina ngày càng khát mong Máu thánh Chúa Giêsu tuôn trào trên thế giới. Chúng ta thấy sự cay đắng nhằm làm cho Catarina nản lòng đã biến thành sự ngọt ngào lạ lùng như thế nào khi chị buộc phải uống thứ nước hôi thối mà chị dùng rửa vết thương lở loét của người đàn bà đã nhục mạ chị. Đáp tình yêu của chị đối với người phụ nữ đó, Thiên Chúa mời gọi chị uống nơi cạnh sườn Người một cách huyền nhiệm, làm thỏa mãn cơn khát sự thiện vô biên của chị. Sau này, cha Raymond hiểu kinh nghiệm của Catarina là một mặc khải cho thấy Thiên Chúa mong muốn hiệp nhất với mỗi người chúng ta. Chị cầu nguyện, “Khi họ uống nơi Chúa Kitô, họ đưa Người lại với họ nhanh chóng hơn và nhiệt thành hơn, và Người hòa nhập với họ một cách sẵn sàng hơn và hoàn hảo hơn.”
Catarina cũng hiểu rằng Máu thánh Chúa Giêsu đổ ra tẩy rửa tất cả chúng ta trong lửa tình yêu Chúa Thánh Thần. Sự bất khả phân ly giữa nước và lửa trong vũ trụ là tấm gương cho Catarina thấy Máu thánh Chúa Giêsu hòa lẫn với lửa Thánh Thần, đấng mà tình yêu của Người đã thúc đẩy Chúa Giêsu chịu chết vì chúng ta: “Ngọn lửa vùi dưới đống tro của chúng ta bắt đầu tỏ mình trọn vẹn và quảng đại bằng cách mở toang thân thể chí thánh của Người trên cây thập giá.”
Chúng ta đã thấy sức mạnh ngọn lửa này đâm thủng cả thân thể Catarina như thế nào. Năm 1370, trái tim chị dường như lọt vào trong cạnh sườn Chúa và hiệp nhất với trái tim Chúa, đến nỗi chị chỉ có thể kêu lên, “Lạy Chúa, Chúa đã làm cho trái tim con bị thương.” Lần khác, khi ở Pisa, chị cảm thấy các vết thương của Chúa xuyên thủng tay, chân, và trái tim chị với ánh sáng - một ân sủng kèm theo nỗi đau đớn mà chị không ngừng cảm nghiệm trong thân thể mình.
Và vì Chúa Giêsu đã đổ máu ra vì Catarina, nên chị khao khát hiến dâng đời sống mình trong một hành vi yêu mến trọn vẹn. “Họ đã thắng... nhờ máu Con Chiên và nhờ chứng tá tử đạo của họ” (Kh 12:11). Các tín hữu ki-tô tử đạo thời sơ khai hiện ra trước tâm trí chị, mời gọi chị gia nhập cộng đoàn các ngài trong máu thánh Chúa Giêsu, là máu đem lại bình an cho những kẻ đang chiến đấu. “Còn Chúa, lạy Chúa Giêsu, đấng hòa giải, đấng phục hồi, đấng cứu chuộc - Chúa đã biến cuộc giao tranh lớn lao của chúng con với Thiên Chúa thành một thứ an bình vĩ đại.”
Chứng kiến sự phân rẽ ngày càng gia tăng giữa thế quyền và giáo quyền, Catarina thêm xác tín rằng máu thánh Chúa Giêsu đang kêu cầu - dù trong máu của một vị tử đạo mà thôi, cũng có sức tuôn đổ lòng thương xót của Chúa xuống cho thế giới. Một phương thuốc duy nhất có thể phá tan tâm hồn chai đá của chúng ta: “Tôi không thấy cách nào để có thể phá vỡ ngoại trừ nhờ máu thánh.” Máu thánh Chúa Giêsu đổ vào thác lũ tình yêu càng nuôi dưỡng khát vọng của Catarina là muốn tẩy rửa khuôn mặt hư hỏng của Hội thánh bằng máu của chị. Tuy nhiên, chị không được hân hạnh lãnh nhận ân huệ ấy. Chúng ta nhớ lại, năm 1378, cơ hội tử đạo đã thoát khỏi tầm tay chị. Kẻ định giết chị thấy mình bị tê liệt trước sự can đảm hân hoan của chị, đến nỗi y không thể nào nhấc nổi lưỡi gươm lên. Nhưng thay vì vui mừng, Catarina chỉ biết khóc, vì, như chị viết cho cha Raymond sau này, bởi tội lỗi của chị “nhiều vô số”, nên chị không xứng đáng được hưởng cái chết tử đạo.
Ba năm trước đó, Catarina đã chứng kiến một cái chết trong và vì Chúa có ý nghĩa như thế nào. Năm 1375, trùng vào năm chị được nhận các thương tích của Chúa một cách huyền nhiệm, một thanh niên người Siena, tên là Niccolo di Tuldo, bị án tử hình vì tội chính trị. Nghe biết nỗi cay đắng và thất vọng của anh, Catarina chạy đến khích lệ và an ủi người tù nhân trẻ tuổi; buổi sáng ngày thi hành án, chị đi với anh đến dự thánh lễ và có mặt khi anh rước lễ sau nhiều năm gián đoạn. Ân sủng Thánh Thể tuôn đổ lòng thương xót Chúa trên Niccolo đến nỗi cơn giận dữ của anh đổi thành sự mãn nguyện một cách lạ lùng, và anh khao khát được chết để hiệp nhất với Chúa.
Chàng thanh niên xin Catarina ở bên cạnh mình trong lúc hành hình. “Như thế tôi thấy vui. Tôi sẽ chết một cách mãn nguyện.” Khi giúp anh dọn mình, Catarina cảm thấy cái chết của anh sẽ như một lễ vật thơm tho trong Hội thánh nếu anh được dìm trong sự tha thứ và bình an. Chị khích lệ anh tiến đến nơi hành hình như thể tiến đến lễ cưới của anh, được bao bọc bằng máu thánh Chúa Giêsu. Lời nói của Catarina xuyên thấu trái tim chàng thanh niên. Sự sợ hãi và buồn sầu nhường chỗ cho niềm vui nội tâm sâu xa đến nỗi anh gọi pháp trường là “nơi thánh”, và xin Catarina đợi anh ở đó. Trong khi đứng chờ, Catarina khao khát được chết vì Chúa đến độ chị ước mong được thế chỗ cho Niccolo. Khi anh tới, chị dịu dàng chúc lành cho anh, nói với anh về máu thánh Chúa Giêsu; trong phút chốc, chị nhận được cái đầu anh đã bị cắt lìa.
Lập tức ngay sau đó, Catarina viết cho cha Raymond kể lại kinh nghiệm này. Khi Niccolo chết, dường như chị thấy Chúa Giêsu tắm anh trong chính máu của Người và trong ngọn lửa tình yêu vô biên. Đáp lại, Người lôi kéo máu của chàng thanh niên đầy lòng khao khát Chúa đến với mình. Lửa gặp lửa. Vì duy lòng thương xót mới hoán cải được Niccolo, nên giờ đây, Chúa Giêsu dẫn chàng thanh niên đến cạnh sườn mở rộng, đầy lòng thương xót của Người. Catarina cảm thấy sự ngọt ngào của lòng Chúa khát mong đón nhận chàng trẻ tuổi vào trong trái tim Người; được tắm gội trong máu mình giờ đây đã trở nên mạnh mẽ nhờ máu Chúa Giêsu, Niccolo tiến gần đến cạnh sườn mở rộng của Chúa.
Lúc đó chàng thanh niên có vẻ như quay mặt lại phía Catarina ra dấu giã biệt “ngọt ngào đến nỗi làm xúc động hàng ngàn tâm hồn.” Đã nếm biết sự ngọt ngào của Thiên Chúa, Niccolo làm như cô dâu, trước ngưỡng cửa nhà hôn phu, quay lại nhìn các đồng bạn đã giúp đỡ mình, và tỏ cho họ một dấu chỉ biểu lộ tình yêu và lòng biết ơn. “Và bàn tay Chúa Thánh Thần đã nhốt kín anh ta lại trong thiên đàng của trái tim Thiên Chúa. Hình ảnh này làm Catarina tràn ngập bình an đến nỗi chị không chịu tẩy sạch máu của chàng thanh niên vương trên y phục chị, vì đối với chị, máu ấy dường như tỏa hương thơm. Chị viết, “A, tôi... Tôi không nói gì nữa, tôi ở lại trên mặt đất với lòng thèm thuồng tột bực.”
Trong nỗi cay đắng vì cái chết của Niccolo, Catarina đã nghiệm thấy quyền năng máu thánh Chúa Giêsu biến đổi cả tội lỗi của anh ta lẫn của các kẻ thù. “Cứ xin thì sẽ được” (Lc 11:9); xác tín rằng Thiên Chúa trung thành với lời hứa, Catarina biến đời mình thành lời chuyển cầu sống động để máu thánh Chúa Giêsu lại tuôn đổ trên thế giới. Chị nhận thức rằng máu này là của chúng ta, Thiên Chúa dùng để thanh tẩy chúng ta và sẽ không từ chối bất cứ ai kêu cầu. Chị xin với Chúa Cha, “Xin hãy đặt giá máu Con Cha lên đĩa cân”; “đây chính là máu mà các tôi tớ của Cha, những kẻ đói khát, đang nài xin ở ngoài cửa. Họ xin Cha hãy vì máu này mà thương xót thế giới.”
Catarina đắm chìm trong mầu nhiệm lòng thương xót Chúa muốn hạ cố đến sự thấp hèn của chúng ta và giúp đỡ chúng ta. “Ôi tình yêu rất ngọt ngào. Lòng thương xót thích hợp với Chúa biết bao!” Khi nhân loại phạm tội lần đầu tiên, Chúa đã không ra lệnh cho mặt đất nuốt lấy chúng ta, hoặc cho thú dữ nghiền nát chúng ta, nhưng thay vì thế, Chúa đã lấy lòng thương xót bao bọc chúng ta, quả thực, Chúa đã đổ tràn trên chúng ta lòng thương xót lớn lao hơn hậu quả tội lỗi của chúng ta vô cùng. Chúa Cha hôm nay muốn chúng ta hy vọng vào Người nhiều hơn nữa: “Hãy trải rộng trái tim và tình cảm của con vào đại dương cao cả vô biên của lòng thương xót Cha.” Đến lượt Catarina thúc giục chúng ta: “Hãy ẩn mình dưới đôi cánh thương xót của Chúa, vì lòng thương xót đó thích tha thứ hơn bạn thích phạm tội. Hãy tắm gội trong máu thánh Chúa Kitô.”
Trong một lá thư rất dịu dàng, viết theo yêu cầu của người anh một cô gái điếm, Catarina giục cô chạy đến với đức Maria, “mẹ của lòng trắc ẩn và thương xót.” đức Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu xin chúng ta ẩn náu trong các thương tích của Người, nơi chỉ có lửa tình yêu và máu thánh thanh tẩy. “Đấng cứu chuộc ngọt ngào của chúng ta sẽ không khinh dể bạn.” Catarina xin cô gái hãy nghĩ đến một Macđala đã mạnh dạn tin tưởng rằng lòng thương xót của Chúa Giêsu vượt quá tội lỗi của chị. Không nghĩ đến sự hổ ngươi, nhưng chỉ nghĩ đến việc đã tìm thấy lòng thương xót của Chúa, chị phủ phục xuống dưới chân Người. Lòng khiêm nhường và tín nhiệm của chị đã nhận được “lời ngọt ngào” này của Chúa: “Hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa” (Lc 7:50; Ga 8:11). Catarina viết: “Hãy làm như thế, hỡi con gái rất yêu quí của mẹ. Hãy dâng cho Người trái tim, linh hồn, và thân xác con.” Catarina dịu dàng bảo đảm với cô gái rằng người anh của cô sẽ lo liệu cho cô và chính Chúa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của cô.
Catarina thấy chúng ta thua xa sự mạnh dạn của Macđala biết bao khi chị tín nhiệm vào lòng thương xót của Chúa. Sợ chết, chúng ta nghĩ, “Đời tôi chỉ đáng sa hỏa ngục; điều tốt thì ít, tội lỗi thì nhiều.” Sự thất vọng cám dỗ khiến chúng ta chỉ thấy lỗi lầm của mình hơn là lòng thương xót của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng với Macđala kêu lên: “Tôi hy vọng vào Chúa; Người sẽ tha thứ tội lỗi tôi và ban cho tôi ân sủng của Người.” Bây giờ là lúc bắt đầu lại. Nếu thần chết đến trước khi chúng ta sẵn sàng, chúng ta phải can đảm tin tưởng vào Chúa Giêsu, vì “không có gì so sánh được giữa lòng thương xót của Chúa và tội lỗi chúng ta.” Tội lỗi của cả thế giới biến tan như “giọt dấm” khi hòa vào biển tình yêu Thiên Chúa. Nếu chúng ta sám hối, tội lỗi cả vũ trụ sẽ biến tan trong biển tình yêu Thiên Chúa và chỉ như một giọt nước tan biến trong đại dương.
CHẾT TRONG LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Catarina hiểu rằng niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa trong suốt cuộc đời lôi kéo tất cả chúng ta để biến cái chết của chúng ta thành một hành vi phó thác triệt để. Khi tiến đến gần cái chết, chúng ta phải đối diện với sự thiếu sót và tội lỗi của mình. Chúa Cha nói với Catarina, “Tuy nhiên, hy vọng duy nhất của họ là phó thác vào lòng thương xót của Cha, dù đây là chỉ là một lần trong cả cuộc đời của họ.” Chỉ cần chúng ta khiêm tốn thú nhận tội lỗi của mình, còn bao nhiêu, chúng ta phó thác vào “lòng thương xót của Chúa.” Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biến đời mình thành một hành vi phó thác triệt để, nhờ đó, vào giờ chết, chúng ta không thất vọng, nhưng tin tưởng vào lòng thương xót bao la của Thiên Chúa.
Trong các thứ tội, duy tội thất vọng vĩnh viễn tách lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, vì nó “khinh thường” Thiên Chúa khi coi tội lớn hơn lòng thương xót của Người. Vì thế, Chúa Cha bảo đảm với Catarina, “Cha muốn rằng chúng phải tin tưởng vào lòng thương xót của Cha ngay cả trong giờ chết, cho dù chúng đã sống cả đời trong sự dữ.” Sự thất vọng sẽ dẫn chúng ta tới cửa hỏa ngục. Tuy nhiên, khi sám hối và phó thác vào lòng thương xót của Chúa, chúng ta chỉ tìm thấy lòng thương xót mà thôi: “Tất cả mọi tội lỗi người ta có thể phạm đều không thể so sánh được với lòng thương xót của Cha .”
Cái chết không cho chúng ta “trú ẩn” nơi nhân đức của mình, vì chúng ta “không có gì cả.” “Nơi trú ẩn duy nhất của con là lòng thương xót của Cha... Hãy phó thác vào máu thánh và lòng thương xót của Cha.” Lòng tín thác triệt để này không làm cho chúng ta tự mãn, nhưng giúp chúng ta thống hối và tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa sẽ chữa lành và biến đổi chúng ta. Nếu vào giờ chết, tội lỗi tấn công chúng ta, nếu chúng ta chỉ cảm thấy sợ hãi và thất vọng vì đôi tay và cuộc đời trống rỗng trước mặt Chúa, thì chúng ta vẫn cứ phó mình cho Thiên Chúa trong hành vi tín thác mãnh liệt. “Không ai được thất vọng. Hãy tin tưởng nơi máu thánh, cho dù tội lỗi của con như thế nào, vì lòng thương xót của Cha mà con nhận được nơi Máu thánh, ngàn vạn lần vượt quá mọi tội lỗi người ta đã từng phạm trên thế gian.”
Thiên Chúa, đấng đổ tràn lòng thương xót xuống cho thế giới, cả trong bộ mặt tội lỗi gớm ghiếc nhất của nó, xứng đáng được nhận vinh dự tột đỉnh là chúng ta hoàn toàn phó thác nơi lòng thương xót đó. Vì nỗi thất vọng từ khước lòng thương xót của Chúa còn vượt quá bất cứ tội ác nào khác mà chúng ta có thể sai phạm: “Sự thất vọng của Giu-đa khiến Cha buồn phiền nhiều hơn, và xúc phạm đến Con Cha nhiều hơn sự phản bội của y trước đó.” Như vậy, Thiên Chúa mong muốn chúng ta tín thác trong giờ chết, nên Người dùng “mưu mẹo êm ái” để nuôi dưỡng lòng tin tưởng kiên bền của chúng ta lúc này; hiện nay sống trong hy vọng, sau này vào giờ chết, chúng ta sẽ không dễ dàng đánh mất niềm hy vọng đó khi tiếng lương tâm khiển trách chúng ta.
Với lòng tin tưởng này, chúng ta đối diện với cái chết trong niềm vui và sự bình an. Được tắm gội trong Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhẹ nhàng đi qua cửa tử thần và thấy mình ở trong trái tim Thiên Chúa, đại dương an bình. Chúng ta sẽ không nhớ lại các nhân đức của mình trong quá khứ, thay vào đó, chúng ta sẽ chiêm ngắm Máu thánh, nơi chúng ta tìm thấy lòng thương xót Chúa. Và khi nhớ đến Máu thánh Chúa Giêsu suốt đời, vào giờ chết, chúng ta sẽ dìm mình trong chính Máu thánh ấy. Chúng ta sẽ giơ cánh tay hy vọng ra, cùng với cánh tay tình yêu, nắm lấy chính trái tim Thiên Chúa, và như thế chúng ta sẽ bước vào thiên đàng ngay cả trước khi chúng ta chết. Đã sống trong tín thác và yêu mến, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui khi thấy mình “được đưa tới giai đoạn này một cách nhẹ nhàng,” vì chúng ta sẽ thức dậy và thấy Chúa Giêsu đang nhìn ngắm chúng ta với lòng trắc ẩn và thương xót rất dịu dàng, chứ không phải với những lời khiển trách.
Trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ thấy các thương tích của Chúa Giêsu đang khẩn nài Chúa Cha thương xót thế giới. Các thương tích Chúa Giêsu phải chịu do tay chúng ta giờ đây chiếu giãi như dấu ấn tình yêu đối với chúng ta ở trên trời. Cũng vậy, những đau khổ chúng ta chịu trên trần gian sẽ chiếu sáng như “những đồ trang sức” trên thân thể phục sinh của chúng ta. Sự viên mãn của linh hồn sẽ chiếu sáng ra bên ngoài, in dấu hoa trái hoan lạc của những thử thách trên thân thể chúng ta; như những tia sáng phản chiếu trong gương, chính những đau khổ chúng ta đã cảm nghiệm sẽ phản chiếu một cách vinh quang sự chết và sự sống lại của Chúa nơi thân thể chúng ta.
TRÁI TIM CHÚA GIÊ-SU:
TÌNH YÊU TRỞ NÊN HỮU HÌNH
“Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Không có gì trên trần gian này lôi kéo chúng ta mãnh liệt như tình yêu. Catarina khám phá ra rằng, nơi thập giá Chúa Giêsu, không phải nỗi sợ hãi sự chết làm chúng ta xa lánh tử thần, nhưng chính khuôn mặt trìu mến của tình yêu Chúa lôi kéo chúng ta lại gần. Không sức mạnh nhân loại nào đóng đinh Chúa Giêsu được, vì sức mạnh trần gian không thể trói buộc Người vào giá gỗ, nếu tình yêu không ghì chặt Người vào đó. Như vậy, một cách nghịch lý, cái chết đau đớn lại chiếu sáng như mặc khải vẻ đẹp sâu xa nhất: “Người gục đầu xuống để chào bạn, đội mão gai để trang điểm cho bạn, dang tay ra để ôm lấy bạn, chịu đóng đinh ở chân để có thể cùng đứng với bạn.” Được nâng lên cao trước con mắt chiêm ngắm của toàn thể vũ trụ, thập giá Chúa Giêsu bộc lộ một tình yêu vô biên, một tình yêu bị tổn thương cho tới mức độ cuối cùng của sự tự hiến, tình yêu giãi sáng ra từ mỗi chi thể trong thân thể bị tan nát của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, suối nguồn tình yêu, là trái tim Chúa Giêsu, thì không ai có thể nhìn thấy được. “Họ lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, lập tức máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Trong lúc cầu nguyện, Catarina hiểu được rằng những đau khổ của Chúa Giêsu có giới hạn; cái chết đã kết thúc những nỗi đau đớn của Người. Nhưng không có mức độ tình yêu nào có thể diễn tả tình yêu vô biên của trái tim Thiên Chúa. Chỉ vì lý do này, Chúa Giêsu đã chịu để cho những người lính đâm vào cạnh sườn Người sau khi Người đã tắt thở. “Cha muốn con nhìn thấy trái tim sâu thẳm của Cha, để con hiểu rằng Cha yêu con hơn nỗi đau đớn hữu hạn có thể tỏ bày.” Khi mở rộng cạnh sườn, Chúa Giêsu bộc lộ trái tim Người cho ta, nguồn mạch tình yêu vô biên: “Ở đó con thấy bí nhiệm của trái tim Cha và trái tim ấy tỏ cho con thấy Cha yêu con như thế nào.” Máu chúng ta chứa đựng năng lực sự sống hữu hạn, còn máu nơi thân thể Chúa Giêsu đã chết thì đổ ra như dấu chỉ hữu hình tuôn trào tình yêu vô hạn của Thiên Chúa cho thế giới. Hơn bất cứ nỗi đau đớn hữu hạn nào, Máu thánh Chúa Giêsu tỏ ra cho chúng ta thấy mức độ của tình yêu mà Thiên Chúa sẽ yêu thương chúng ta.
Giả sử Chúa Giêsu có chết cả ngàn lần vì chúng ta, chúng ta vẫn không thể hiểu hết được chiều sâu vô biên nơi tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Nhưng khi cạnh sườn của Con Chúa bị xé toang ra để tuôn đổ tới giọt máu cuối cùng, thì rốt cuộc chúng ta có thể biết và không nghi ngờ sự thật về lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Máu thánh Chúa Giêsu đã làm cho lòng thương xót vô biên trở nên hữu hình. Chảy ra từ khắp châu thân bị thương tích, Máu thánh Người cho ta thấy năng lực phá hủy về phía chúng ta, và năng lực chữa lành về phía Thiên Chúa còn lớn lao hơn vô cùng. Và vì chúng ta phạm tội với mọi phần thân thể, thì Máu thánh Người cũng đã đổ ra từ khắp châu thân, cứu chuộc chúng ta không những “chỉ với một giọt máu... nhưng với trọn vẹn nỗi đau đớn và tất cả máu của thân thể.” Trên thập giá đẫm máu, giờ đây Chúa Giêsu làm cho máu Người trở thành biển tình yêu để tẩy sạch và chữa lành chính những kẻ đã phạm tội sát hại Người: “Ta đã làm cho máu ta... thành biển tẩy sạch tội lỗi con.”
Catarina hiểu rằng chính chúng ta làm thành cái bình sống động lãnh nhận máu Chúa Giêsu đổ ra cho thế giới, máu ấy không những bộc lộ cho thấy chúng ta được yêu thương như thế nào, mà còn đổ đầy trên chúng ta chính sức mạnh của tình yêu đó. Bởi vì năng lực vô biên của Thiên Chúa nhằm biến đổi chúng ta gặp được năng lực hữu hạn của chúng ta, năng lực này cần được đổi mới nhờ ngọn lửa phát xuất từ cạnh sườn mở rộng của Chúa Giêsu. Như vậy, Chúa Cha thúc giục chúng ta bám lấy Chúa Giêsu như đứa trẻ bám lấy mẹ mình, tìm trong Máu thánh Người tình yêu và sự âu yếm mà chúng ta cần đến. Chính Chúa Giêsu sẽ tẩy rửa chúng ta trong Máu thánh Người, dìm chúng ta trong sự tha thứ, và giấu chúng ta trong cạnh sườn mở rộng của Người.
Trong cạnh sườn bị thương tích của Chúa Giêsu, Catarina khám phá ra một nơi bao bọc toàn thể thế giới trong lòng thương xót. “Khi dang tay ra trên thập giá, Chúa ôm ấp chúng con. Chúa đã tạo cho chúng con một hang động nơi cạnh sườn Chúa để chúng con có thể vào đó trú ẩn.” Nghỉ ngơi ở đây, chúng ta khám phá ra sự bình an của ngôi nhà mà chúng ta sẽ không bao giờ lìa bỏ. Chị Maria Macđala đã hiểu chiều sâu của ân huệ này, vì chị đã biến trái tim Chúa Giêsu thành kho tàng và nơi cư trú độc nhất của chị. Bằng cách để cho Người chiếm trọn tâm trí, Macđala bao bọc mình bằng Máu thánh Chúa Giêsu; chị rửa sạch chính mình nhờ Máu thánh và dìm con người sâu thẳm của mình trong hương thơm của lòng thương xót.
PHÉP RỬA BẰNG MÁU VẪN TIẾP DIỄN
Sự tha thứ mà Chúa Giêsu ban cho Macđala giờ đây tưới gội trên chúng ta qua các bí tích. Catarina mô tả Hội thánh như một “hầm rượu” dồi dào chứa thức uống quí báu là Máu thánh Chúa Giêsu mà từ đó, tất cả các bí tích nhận được sức mạnh ban sự sống. Biết rằng “con người ta phạm tội vì yếu đuối,” trái tim Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bí tích hòa giải đúng là “phép rửa bằng máu vẫn tiếp diễn.” Vì ngay cả khi tội lỗi nặng nề cám dỗ chúng ta rơi vào thất vọng, bí tích giải tội cũng rửa sạch chúng ta trong Máu thánh, là thứ vượt lên trên mọi tội người ta đã phạm hay có thể phạm. Bí tích này thanh tẩy chúng ta một cách mạnh mẽ trong biển thương xót của Thiên Chúa tới mức làm cho chúng ta trở nên một tạo vật mới.
Catarina biết rằng khi xấu hổ vì tội lỗi, chúng ta ngại phải phơi bày sự yếu đuối của mình ra trước mặt người khác. Chúng ta tránh xa nước thanh tẩy của bí tích thương xót này, vì sợ rằng khi bộc lộ tội lỗi, chúng ta bộc lộ chính mình như một kẻ vô giá trị. Nhưng Catarina xin các đồ đệ hãy nhìn ngắm “sự hạ mình của Thiên Chúa” tỏ bày nơi Chúa Giêsu. Trên thập giá, thân thể Chúa Giêsu bị phơi bày hoàn toàn trước những cặp mắt chế diễu và nhạo báng. Tính nhạy cảm của một vì Thiên Chúa bị tình yêu đưa đến tình trạng yếu đuối đã trở thành dòng sông thương xót làm mềm dịu lòng chai đá của chúng ta.
Như vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa đầy tính cách nghịch lý: điều gây nên sự hổ ngươi nơi chúng ta lại chỉ gợi lên tình yêu từ Thiên Chúa, và tội lỗi mà chúng ta nghĩ là đẩy Thiên Chúa ra xa chúng ta thì lại đưa Người đến gần chúng ta. Trong nỗi đau khổ mà chúng ta gặp trên đường tiến đến căn tính của chúng ta trong Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm được sức mạnh và sự an ủi trong kinh nghiệm của Chúa Giêsu: “Ôi Ngôi Lời yêu mến dịu dàng... Chúa đã phải chịu đau khổ để đi vào trong chính bản ngã của Chúa.” Thiên Chúa, đấng tạo dựng từng thành phần trong con người chúng ta, hiểu biết và yêu thương chúng ta một cách thân thiết; chính sự yếu đuối của chúng ta mời gọi đại dương thương xót của Chúa trên chúng ta. Nếu chúng ta xa tránh Thiên Chúa và Hội thánh, thì bí tích này tái hiệp nhất chúng ta trong thương xót và bình an, vì Máu thánh Chúa tràn trề trên chúng ta khi chúng ta thú tội sẽ làm cho kẻ yếu được nên mạnh và cho kẻ chết được chỗi dậy để sống đời sống mới.
“HÃY ĐẾN CÙNG TÔI MÀ UỐNG” (Ga 7:37)
Khi tìm ra phép rửa bằng máu vẫn tiếp diễn trong bí tích hòa giải, Catarina thấy trong Thánh Thể sức mạnh của Máu thánh Chúa Giêsu tuôn trào trên chúng ta với chính sự sống của Thiên Chúa. Cha Raymond xác nhận rằng Catarina biết ơn cha vì cha không bao giờ từ chối cho chị rước Thánh Thể. Ý thức được lòng khao khát rước Mình và Máu thánh Chúa của Catarina, cha đã xin đức Gregorio XI cho linh mục nào đồng hành với Catarina thì được phép giải tội cho chị, cử hành thánh lễ, và cho chị rước lễ hàng ngày. Do kinh nghiệm thâm sâu với Chúa Kitô trong việc hiệp lễ, Catarina khuyên nhủ các đồ đệ đừng để điều gì làm cho mình xa “bí tích ngọt ngào này.” Chị viết cho người bạn thân của mình là Ristoro Canigiani rằng cảm tưởng về sự bất xứng không làm cho chúng ta xa cách Mình và Máu thánh Chúa. Cho dù chúng ta có thực hiện được những hành động nhân đức lớn lao nhất trên trần gian, thì cuối cùng chúng ta cũng vẫn bất xứng. Nếu chúng ta đợi đến lúc xứng đáng được Chúa nuôi dưỡng, chúng ta sẽ chờ đợi suốt đời một cách vô ích. Chúng ta không xứng đáng với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa thì xứng đáng với chúng ta và mong muốn trao ban chính mình cho chúng ta làm lương thực; với công nghiệp của mình, Chúa Giêsu làm cho những ai khao khát Người được nên xứng đáng.
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy... Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:19.20). Chúa Giêsu không ban tặng cho cộng đoàn của Người điều gì khác hơn là chính sự sống của Người như giao ước mới ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa một cách chặt chẽ. Máu súc vật rảy trên bàn thờ và trên dân chúng ghi dấu giao ước tình yêu và trung tín giữa Thiên Chúa với cộng đồng Híp-ri (Xh 24:3-9). Lễ vật dân chúng ăn tượng trưng cho sự sống duy nhất mà họ chia sẻ với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự tham dự trong bữa ăn giao ước như vậy không bao gồm việc chia sẻ máu lễ vật. Máu chứa đựng nguyên lý sự sống và vì thế thuộc về một mình Thiên Chúa, tác giả của sự sống (Lv 1:5). Máu lễ vật rảy để thanh tẩy dân chúng thì vẫn còn nguyên.
Do con người bất trung bao lần phá vỡ, nên giao ước trước thời Chúa Giêsu đã được canh tân bằng máu của những con vật tượng trưng cho sự hiệp nhất, nhưng không có sức làm cho dân chúng trung thành với sự hiệp nhất đó (Hr 9:12-22). Kinh thánh trình bày thảm kịch về vô số những con vật được hiến dâng trong hy lễ bằng máu, nhưng lại không thể thay đổi được tâm hồn con người. Chống lại tình trạng bi thảm này, các tác giả Tân ước thấy nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh hình ảnh Con Chiên mà máu đổ ra đã thay đổi tiến trình lịch sử. Máu Con Chiên này có sức mạnh vô biên để ghi khắc sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa với dân Người mãi mãi. Trong Chúa Giêsu, đối tác nhân loại trong giao ước trở thành trung tín cho đến cùng và dứt khoát.
Trước đây, Thiên Chúa cấm người Híp-ri uống máu súc vật đã hiến tế; máu là trung tâm của sự sống, thuộc về một mình Thiên Chúa. Trong cái nghịch lý nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu không những cho phép mà còn truyền cho cộng đoàn phải uống máu Người. “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6:53). Nguyên lý sự sống ở nơi máu; những ai uống máu Chúa Giêsu là uống lấy năng lực sự sống của Người làm của mình. Trong Chúa Giêsu, sự sống Thiên Chúa và sự sống của dân Nguời hòa lẫn thành một: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:56).
Cùng với cộng đoàn kitô hữu tiên khởi, Catarina ngày càng nghiệm thấy sức mạnh Máu thánh Chúa Giêsu làm thỏa mãn cơn đói khát sâu xa nhất của chúng ta. Khi thấy những người khác hình như chiếm hữu tất cả thế gian mà vẫn sống không thỏa mãn, Catarina hiểu rằng căn bệnh và sự bồn chồn nội tâm mà chúng ta cảm thấy, là kết quả tiếng gọi của Chúa Thánh Thần ở trong ta. Chúng ta được tạo thành cho một tình yêu vô giới hạn; và chỉ trong Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm thấy tình yêu và lòng thương xót vô biên có thể làm thỏa mãn nỗi khát khao của mỗi người chúng ta.
“Cha đã tạo thành tâm hồn con với khả năng yêu mến - nhiều đến nỗi con không thể sống mà không yêu. Thưc vậy, yêu mến là lương thực của con.” Catarina hiểu rằng Thánh Thể không nuôi dưỡng chúng ta bằng thứ gì khác ngoài ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng, là những người lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta phải để cho lửa gặp lửa. Khi đến với bí tích này bằng ngọn lửa khát vọng và tình yêu, chúng ta ra về sẽ được tràn đầy như chúng ta khát vọng, vì mỗi người chúng ta dự phần vào cùng một đức ái vô biên không suy giảm chút nào khi được chia sẻ. Cùng một ngọn lửa tình yêu thiêu đốt máu Chúa Giêsu trở thành ngọn lửa cháy trong cá nhân mỗi người và trong tất cả mọi người với nhau, cho tới khi toàn thể thế giới tiến đến chỗ chia sẻ ánh sáng và hơi ấm của ngọn lửa này.
Cảm nghiệm được sức mạnh của Máu thánh Chúa Giêsu trong đời mình, Catarina càng nài xin lòng thương xót của máu này đổ xuống trên những kẻ chống cưỡng Thiên Chúa. Chị cầu khẩn Chúa Cha, “Xin hãy mở và đập vỡ những trái tim chai đá nơi các thụ tạo của Cha.” “Con xin Cha ép buộc họ và làm cho họ muốn điều họ không muốn. Con xin điều này vì lòng thương xót vô biên của Cha.” Chính Catarina đã nghiệm thấy Máu thánh này chữa lành tính ích kỷ và tắm gội những nơì sâu thẳm của con người chúng ta như thế nào. Khi nuôi dưỡng mình bằng Máu Chúa Giêsu, chúng ta sống nhờ chính lòng thương xót ấy. Nếu chúng ta đã từng bất trung, Máu thánh sẽ tẩy rửa chúng ta một lần nữa; nếu chúng ta đã thờ ơ lãnh đạm, việc tưởng nhớ Máu thánh sẽ lại đánh thức lòng biết ơn đã mất; và khi lòng nhiệt thành của chúng ta ra nguội lạnh, Máu thánh sẽ sưởi ấm và thiêu đốt chúng ta một lần nữa.
Trong Máu thánh Chúa Giêsu, Catarina khám phá ra kho tàng niềm vui vô tận cho tâm hồn, vì cho dù trong nỗi đau bởi một mối liên hệ đã đổ vỡ hay xa lạ, Máu thánh Chúa Giêsu vẫn tuôn trào trên chúng ta với một tình yêu thiết tha đủ sức rửa sạch và chữa lành chúng ta. Catarina viết cho cha Raymond: “Con đã đánh lừa chính mình khi tìm kiếm hạnh phúc duy nơi các tạo vật. Con sẽ uống lấy tình yêu của chúng trong Máu thánh và như thế con sẽ nếm được bình an trong chiến đấu, ngọt ngào trong cay đắng.” Những ai đã cảm nghiệm hồng ân của lòng trắc ẩn con người, cũng như những ai thiếu lòng trắc ẩn ấy, có thể tìm thấy nơi trái tim Chúa Giêsu sự thân mật và niềm vui mà một mình Thiên Chúa có thể ban tặng: “Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng... Lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 14:27; 16:22).
Catarina khích lệ Niccolo hãy tiến tới cái chết như tiến tới lễ cưới. Chị nhìn ý nghĩa sự sống và sự chết của mỗi người chúng ta theo cùng một cách ấy, như là lễ cưới giữa Thiên Chúa và chúng ta. Chúa Giêsu kết hôn với mỗi người chúng ta bằng dây băng hôn nhân không giống như nhẫn vàng hay nhẫn bạc, vì dây hôn nhân là thân thể Người ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa một cách chặt chẽ, và Máu thánh Người giao kết lòng trung tín của Người đối với chúng ta. Vì mỗi người chúng ta là cô dâu đã được máu Con Thiên Chúa cứu chuộc, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống trong niềm vui và tâm tình tạ ơn của cô dâu, thanh tẩy chính mình trong máu Người, dùng máu Người mà đập vỡ trái tim chai đá của chúng ta, và đổ đầy sự hoan hỉ vào con người chúng ta.
“Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, anh em đã trở nên những người ở gần, nhờ máu Đức Kitô đổ ra” (Ep 2:13). Kinh nghiệm huyền nhiệm của Catarina về quyền năng máu Chúa Giêsu, lời khẩn nài của chị xin được uống và tắm gội trong máu đó, diễn tả chân lý đã có nơi các ki-tô hữu tiên khởi. Máu của vị Chúa bị đóng đinh mở ra cho chúng ta nhìn ngắm một tình yêu mà sức mạnh khôn tả không thể biểu lộ được bằng một cách nào khác (1Cr 1:22). Bị đâm thủng và bị nghiền nát không phải vì tội của Người, Con Chiên bị sát tế mang lấy và chữa lành các thương tích của tất cả thế giới, đồng thời hòa giải và kết hôn chúng ta với Thiên Chúa trong máu Người (Is 53:3-7): “Tân lang này, là Con Chiên vô tì, đã tự nguyện đổ máu mình ra từ mọi chi thể và dùng máu ấy rửa sạch tội lỗi nhân loại là hôn thê của Người.” Chính vì Catarina đã tìm thấy trong máu này sức chữa lành và sự dịu dàng mà vì đó trái tim nhân loại được tạo thành, nên chị muốn gửi tới mỗi người chúng ta lời mời gọi mà chị đã gửi tới cho cha Raymond sau cái chết của Niccolo: “Con không buộc cha điều gì ngoại trừ được thấy cha đắm chìm trong Máu thánh và ngọn lửa tuôn trào từ cạnh sườn Con Thiên Chúa.”