12/02/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

279

 


CẬY TRÔNG BẤT CHẤP TUYỆT VỌNG - Kỳ  4

PHẦN III: KHÔNG ĐẶT ĐIỀU KIỆN

 

 


 


CAQ43DPI“Tình thế này không thể kéo dài hơn nữa được” – “Tôi khẩn khoản xin trả lại niềm hy vọng cho tôi”.


Để kết thúc giờ suy niệm chiều nay, chúng ta không đưa ra lời giải đáp nào cả. Chúng ta chỉ làm cho câu hỏi mạnh thêm bằng cách nhận định rằng: Giải đáp không thuộc trật tự tư tưởng, lý do là vì giải đáp không phải là một tư tưởng ! Mặc sức hy vọng và phấn đấu, dù là riêng rẽ hay tập thể, người ta vẫn cứ bị quá nhiều phen thất vọng. Trước những cảnh hỏa ngục trần gian, rõ ràng hy vọng không xóa bỏ được nỗi lo âu, vì ít ra là bề ngoài thì sự dữ vẫn thắng ! Đúng thế !


Nếu vậy, có  phải chúng ta bị lâm vào bước đường cùng ư  ? Lời giải đáp phải chăng là một trò chơi may rủi thảm khốc: tôi hy vọng ? hay tôi tuyệt vọng ?


Lúc đó phải  đi tới cùng ! Hãy tạm cho rằng cả hai thái độ  đều đúng. Như vậy, chúng ta cậy trông hay chúng ta ngã lòng ? chúng ta lo âu hay chúng ta hy vọng ? Cả trong trường hợp này, tôi thấy vẫn phải nói rằng chúng ta hy vọng là đúng, vì hy vọng chung quy chỉ là xác nhận không bằng lời nói cửa miệng mà phải bằng hành động, rằng chung cục thì lo âu vẫn không tài nào thắng thế được !


Muốn tuyên bố  điều đó, chỉ có cách là hy vọng thật sự. Đời con người ta, cuộc sống của anh chị  em, tâm hồn anh chị em đã chứng tỏ như thế. Không có gì phân chia ranh giới giữa người tín hữu và người vô tín ngưỡng. Không phải cứ đứng ngoài cuộc, không ở phía hy vọng cũng không thiên về lo âu, để nói rằng chính hy vọng là có lý ! Không, từ chính giữa vị trí của sự kiện hy vọng, tôi xin tuyên bố: Lo âu chung cục không thể nào thắng thế được. Tôi không có cách nào khác để nói lên điều đó !


Phương thức biểu lộ hy vọng như trên là có thật, bởi  đã có những con người vẫn vững lòng cậy trông. Phải, chúng ta sẽ nhắc đi nhắc lại điều này mà bất cứ ai cũng có thể phát hiện  được dễ dàng nơi những người thân cận nhất, rằng: Chẳng có tình thế nào mà người trong cuộc lại hoàn toàn vô vọng. Dĩ nhiên, không phải bất cứ ai cũng đạt tới độ cao đó. Người cùng khổ nhất không phải là người ít hy vọng nhất, và người sung sướng nhất không phải là người ít tuyệt vọng nhất. Đó là một sự kiện !


Sự kiện thứ  hai là người ta không bao giờ ngăn cản được một kẻ ngã lòng. Không một lý do nào, một lời hứa nào, một ánh sáng nào, một ty nào có  thể ngăn cản được kẻ ngã lòng nếu như anh ta tuyệt vọng. Thế nhưng, cũng không một thảm họa nào, một sự vỡ mộng nào, một cơn khủng hoảng nào, một nỗi thống khổ nào, một vùng đêm tối mịt mù nào có thể ngăn cản ngta hy vọng !


Đời sống đặt chúng ta trước hai sự kiện nói trên.


Không có vấn  đề tìm hiểu xem ai có lý. Làm thế là lãng phí thì giờ. Vì hy vọng chỉ hữu lý khi người hy vọng có được một thái độ thích đáng chứ không thể chỉ tuyên bố suông, cũng không thể dùng những lời lẽ để xác nhận hoặc đưa ra những quan điểm trí thức. Người nào đã hy vọng thì biết rằng, thì tin chắc rằng mọi sự rồi ra sẽ ổn định, và trong thân phận làm người thì chung cục lo âu vẫn không thể thắng thế được. Chỉ người nào hy vọng mới có quyền tuyên bố hy vọng là có lý !


Xin lưu ý, chúng ta phải nói tiếp ngay rằng: một giải đáp dễ  hiểu, dễ nghe thấy, dễ ứng dụng chỉ có  thể được trao cho ai cứ nhất mực cậy trông, cậy trông một cách mãnh liệt, cậy trông trước cả khi nghe thấy lời giải đáp, cho dù có gặp biết bao nhiêu biến cố phá vỡ mọi hy vọng, thậm chí, nhiều khi phải cậy trông ngay trong hoàn cảnh tuyệt vọng.


Một giải đáp khả dĩ tiếp nhận được chỉ có thể ban cho ai không hề mong đợi được nhậm lời rồi mới cậy trông.


Bản chất của lo âu chính là sự toan tính về tương lai. Còn người hy vọng thì lại không cần phải suy tính, chỉ  cần sao đến với anh em mình vì nghĩ rằng họ  còn gặp nhiều thử thách hơn mình, có nhiều lý do để lo âu hơn mình. Vì vậy, người hy vọng sẵn sàng làm chứng rằng dù không thể giải quyết được mọi khó khăn, họ vẫn cứ một niềm cậy trông.


Thật vậy, lời  đáp vượt xa khỏi tầm lý giải của những ai muốn trấn an chúng ta bằng đường lối vĩnh viễn thoát ly thực tế, hoặc chỉ muốn chúng ta thủ thế, cùng họ dấn mình vào cuộc đấu tranh duy nhất cho cuộc đời này mà thôi.


Chúng ta chỉ  có thể tìm được lời đáp nơi những chứng cớ sống động của những ai biết cậy trông bất chấp hoàn cảnh đang tuyệt vọng, cậy trông cả trước khi được nhậm lời, cho dẫu đã nhiều phen giáp mặt với thứ hỏa ngục ngay từ đời này rồi !


Đối với những ai có đủ sự điên rồ để cậy trông như vậy, Đức Kitô sẽ ban cho ơn khôn ngoan để hiểu biết mọi sự, ơn khôn ngoan của sự “điên khùng thập giá”, bởi vốn dĩ những ai đã biết cậy trông như thế thì không hề phủ nhận cái bí nhiệm của sự dữ. Họ thẳng thắn đối đầu và sự dữ, đơn giản thế thôi ! Chúng ta luôn luôn phải cậy trông một cách toàn diện, đó là bí quyết lớn nhất và cũng đơn giản nhất. Mặc dù có hoang mang khổ sở vì không biết phải cậy trông cho tới bao giờ, chúng ta vẫn phải kiên tâm bền chí, để chung cục, lo âu không thể nào thắng thế được !


TỪ ĐAU KHỔ, DŨNG CẢM MÀ VƯƠN LÊN


Chúng ta có thể  tìm hiểu sâu sắc hơn nữa về hy vọng. Lời Chúa sắp làm công việc đó ở phần sau đây. Nhưng dù thế nào đi nữa thì chẳng bao giờ niềm hy vọng có thể giải thoát chúng ta khỏi thân phận làm người, số kiếp của kẻ lữ thứ đi tìm hy vọng. Chúng ta sẽ không bước ra khỏi hàng ngũ những con người hy vọng để tuyên bố rằng hy vọng là phải lẽ, vì chúng ta không được miễn trừ, khỏi phải sống những giây phút hồi hộp kinh hoàng trong quá trình hy vọng.


Thưa anh chị  em, nếu Đức Cậy của chúng ta yếu đuối như  thế, có phải bởi chúng ta chỉ mong ước cách hời hợt gần như thể muốn tránh những hoàn cảnh bắt buộc phải trông cậy ? Và nếu chúng ta không mong ước thật sự phải đương đầu với những nghịch cảnh đó, phải chăng vì cậy trông thì đau khổ hơn là ngã lòng ?


Phải, tuyệt vọng chung quy làm cho tinh thần chúng ta như thể bị gây mê tê liệt, đó là tâm trạng từ khước không muốn bị khổ đau giằng xé. Khi mà thực tại dường như nghiền nát hy vọng, nếu tôi vững lòng trông cậy thì tôi không tránh được những nỗi đoạn trường tân khổ.


Vì thế, cùng với tất cả Tin Mừng, tôi tuyên cáo sự đau khổ dũng cảm của những con người biết cậy trông. Ở đây không phải là hào khí. Con người trông cậy chẳng có gì là oai hùng. Thật ra, người ấy nẫu ruột nát gan. Cậy trông là chọn lấy sự sống mà bỏ lại sự chết, chọn lấy sự căng thẳng nó cấm không cho chúng ta ngã xuống vực sâu tuyệt vọng. Vì thế, một cách nào đó, cậy trông là chọn lấy thống khổ mà bỏ lại liều thuốc an thần.


Ý niệm trọng đại sau đây đã chỉ đạo suốt cuộc đời Thánh Phaolô: Ngài không đặt câu hỏi về tương lai bản thân, nhưng dũng cảm tiến tới tương lai của Nhiệm Thể Đức Kitô đang rên xiết quằn quại. Càng hướng tới tương lai thì Ngài càng tiến bước, mà càng tiến bước thì Ngài lại càng hướng tới.


Đây là một sự giằng xé tan nát cả tâm can của một sự sinh ra ở phía đối cực của sự gây mê tiêu diệt mà chúng ta đã nêu trên đây. Đây không phải là chương trình, là phương án của một thứ khí phách nào, vì hùng khí này dẫu sao vẫn còn là một loại thuốc an thần giúp chúng ta tạm quên đi mối âu lo. Thế nhưng đây là một chương trình của hân hoan, hân hoan ngay trong chính nỗi thống khổ. Niềm hân hoan này chính là đời sống, đơn giản thế thôi, là sự chào đời của những người con của Thiên Chúa.


CON NGƯỜI KHÔNG CÒN LÀ SISYPHE NỮA


Để tượng trưng cho con người đầu thời đại hiện kim hôm nay, người ta đi tim một biểu tượng và chọn được Prométhée.


Thần thoại cổ  Hy-La kể rằng: Prométhée, thần nhân tạo ra loài người từ bùn đất và đã cướp lấy lửa từ trời đem xuống giúp cho con người thêm sinh động. Do vậy mà Prométhée phải chịu bị các thần trừng phạt bằng cực hình xiềng xích để cho một con kên kên đêm ngày rỉa thịt moi gan.


Thần nhân này  được nhận làm biểu tượng cho nhân loại vì nhiệt tình hào hiệp, và cả vì số kiếp thê  thảm sau khi tạo ra loài người, lại còn đánh cắp lửa thiêng đem xuống cho nhân loại.


Nhưng đối với  Prométhée, ít ra cũng còn có một Thượng Đế, một thiên đình, một cõi thượng giới ở phía trên của trần thế này. Biểu tượng của thời nay không còn là Prométhée nữa mà đã đổi thành Sisyphe.


Thần thoại cổ  Hy-La kể rằng: Sisyphe, bạo chúa xứ Corinthe thời cổ, lúc sống thì tàn ác và trộm cướp, xuống âm phủ bị hình phạt vĩnh viễn trầm luân là phải vần một tảng đá khổng lồ lên núi. Lên tới đỉnh, tảng đá lăn xuống, Sisyphe lại phải chặn lấy để lại vần lên cao, cứ thế không một phút nào ngơi nghỉ.


Không như Prométhée, Sisyphe không còn chút gì là khát khao lý tưởng. Đối với hắn, thế giới này đã trở nên dầy đặc khép kín, không còn biết phải nhờ cậy vào ai. Con người phải tự lo lấy định mệnh của mình. Tuy nhiên hắn vẫn cứ tự hỏi: cuộc đời có ý nghĩa gì không ? cuộc đời có đáng sống chăng ? Hắn không còn say men tự do nhưng cứ phải cảm thấy mang lấy án phạt phải sống trong tự do. Mặc dù vậy, mỗi sáng, khi thấy mình còn phải sống, Sisyphe lại nhận lấy tảng đá mà lại vần lên đỉnh núi.


Như thế, trong đời Sisyphe, lúc nào là thời điểm nguy kịch ?


Trong khi vần tảng đá, có thể nói là mọi sự đều tốt  đẹp vì con người đang có việc để làm, lại cũng có những giây phút có thể cảm thấy khoan khoái sung sướng vì thấy mình làm được việc. Thế nhưng, thời điểm nguy kịch chính là  lúc đã vần tảng đá lên tới đỉnh núi để rồi đau đớn nhìn thấy nó lăn nhào xuống dưới. Lúc đó Sisyphe tự hỏi: mình có phải chạy xuống để vần tảng đá lên trở lại hay không ?


Điều gì quyết định giây phút đó trong đời Sisyphe ?


Tới thời điểm nguy kịch, đối với mỗi người chúng ta, một câu hỏi đột ngột xuất hiện về vấn đề có được chắc tâm hay không trong đời sống, có được quyền hy vọng hay không trong tương lai. Đó là vấn đề hằng tính và là vấn đề của Đức Tin, vấn đề con người và vấn đề Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta tự hỏi: làm sao nhân loại, làm sao mỗi người chúng ta có thể đạt tới Niềm Tin ?


Làm sao mỗi sáng người ta có thể ngoan ngoãn đến nơi làm việc ? Làm sao, sau hai cuộc đại thế chiến, người ta có thể tái thiết trong khoảng một thế  hệ tất cả những gì đã bị phá  hủy, xem công việc đó như tất nhiên ? Làm sao nhiều nơi tại Việt Nam và Kampuchia người ta có thể lại lập tức ra đồng cầy cấy ngay sau một trận chiến ? Làm sao người ta có thể giốc sức làm việc và xây dựng những công trình vĩ đại trong khi thừa biết rằng cuối cùng sẽ chỉ còn là chết chóc và hủy diệt ?


Suy tư như  thế để tự hỏi: điều gì thôi thúc con người ta hành động như vậy ? Phải chăng thái độ của họ biểu lộ một niềm cậy trông mà chính họ chẳng phải lúc nào cũng ý thức đầy đủ ?


Chúng ta đưa ra kết luận duy nhất: bổn phận chúng ta, những tín đồ của Đức Kitô, là dưới thế này phải phấn đấu để hy vọng của con người trở thành một niềm hy vọng có ý thức, bằng cách làm cho người đời hiểu biết Thiên Chúa là nền tảng, là sức mạnh và là con đường hy vọng, làm cho người đời hiểu rằng không được phép chỉ dưng dưng lãnh đạm hoặc trốn tránh trách nhiệm.


Albert Camus đã kêu lên: Nếu con người biết rằng chính vũ trụ cũng có thể yêu và đau khổ thì anh ta sẽ  được giải hòa. Đó chính là điều Đức Tin Kitô  giáo tuyên xưng như một thực tại, lúc này hơn bao giờ hết.


Phải, những việc  Đức Giêsu Nagiarét đã làm và những điều  đã xẩy đến với Ngài giúp chúng ta phát hiện rằng Thiên Chúa bằng cách nào đã đứng ra làm chứng và biện minh cho niềm cậy trông của chúng ta. Sự  Nhập Thể của Đức Kitô là điều biện minh của Thiên Chúa trước mặt loài người và đối diện với sự phi lý của trần thế, một lời biện minh bất chấp tuyệt vọng. Và từ nay, trong tư thế hy vọng, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đời sống, ý nghĩa thế gian – không xem đó như những sự kiện sự vật – không thiết kế hoạch định – không chỉ dùng lý trí để tìm cách nắm lấy tương lai, vì lý trí không thể đem đến cho chúng ta sự an toàn cần thiết. Nhưng chúng ta sẽ có được Niềm Tin phát sinh từ tình yêu và mối liên kết gắn bó giữa Đức Kitô với mỗi người chúng ta.


Đúng thế, chính Đức Giêsu Nagiarét đã làm sáng tỏ cho chúng ta ý nghĩa của thế giới. Không những Ngài dạy chúng ta hiểu biết thế giới, mà còn ban cho chúng ta niềm tin vào nền tảng và mục đích của thế giới.


Sisyphe chưa hết khốn khổ, còn phải tiếp tục vần tảng đá. Chỉ cần sao thốt lên tiếng “Abba, lạy Cha” với Thiên Chúa, hoặc tự đáy lòng khao khát hy vọng, là tức khắc con người không còn là Sisyphe nữa !




Hết tập 1: NIỀM HY VỌNG ĐỘC CHIẾM ( UN ESPOTOTALITAIRE )
Bài giảng ngày 16.2.1975, Mùa Chay, Nhà Thờ Chính Tòa Paris, Pháp
Lm. Bernard Bro, Dòng Đaminh



114.864864865135.135135135250