Bát Cơm Phiếu Mẫu
Trong thời Hán Sở tranh hùng, có một nhân vật tên Hàn Tín. Thuở còn hàn vi, Hàn Tín là ngưòi đi câu cá ở các sông rạch đem bán đi để độ nhật qua ngày. Muà Đông rét mưót, Hàn Tín không đi câu đưọc, đói khổ... Bấy giờ, có một bà lão tên Phiếu Mẫu động lòng trước cảnh của chàng trai, kêu chàng đến nhà, nấu cho Hàn Tín cùng ăn. Ông hứa sẽ trả ơn cho Bà khi công thành danh toại. Bà Phiếu Mẫu trả lời :” Ta thấy ngươi đói khát, nên chia sẻ miếng cơm giọt nước với ngươi, chứ đâu cần ngươi sẽ trả ơn sau này. Đàn ông gì như ngươi , tự nuôi thân không nổi thì nói chi đến quyền cao chức trọng sau này”. Hàn Tín hổ thẹn vì lời chê trách, không dám tìm qua nhà Phiếu Mẫu kiếm cơm nữa. Bà già thương người cùng khổ, ngày ngày đem cơm đặt trước căn lều của Hàn Tín. Người trong làng xóm biết chuyện, gọi đó là "Bát cơm Phiếu Mẫu".Về sau, Hàn Tín trở nên vị tướng lãnh lỗi lạc, quyền uy hiển hách, giầu sang phú qúy, nhưng vẫn không quên ơn bà Phiếu Mẫu đã cho mình những bát cơm dưa... Trở về quê,Hàn Tín thân hành đến tận nhà bà Phiếu Mẫu thăm viếng tạ ơn.
Cuối tháng chín năm nay, các nhà khoa học thuộc Viện Carnegie ở Washington, Mỹ, đã phát hiện một hành tinh mới có tên Gliese 581g rất giống trái đất. Theo các nhà khoa học, hành tinh này có kích thước gấp 3-4 lần trái đất và quay quanh một ngôi sao rất gần nó, với quỹ đạo quay nhỏ hơn 37 ngày. Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng trên bề mặt của hành tinh này có nước- dấu vết của sự sống. Đây là hành tinh giống trái đất nhất trong các nghiên cứu từ trước đến nay. Gliese 581g nằm trong chùm sao Libra. Một mặt của hành tinh luôn luôn sáng còn mặt kia thì lại chìm trong bóng tối vĩnh viễn. Ước tính nhiệt độ bề mặt trung bình của hành tinh này là từ -31 đến -12 độ C.Một câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có thể dùng tàu vũ trụ để bay tới hành tinh 581g hay không. Câu trả lời là: không thể. Hành tinh này nằm cách trái đất khoảng 20,5 năm ánh sáng (tương đương gần 200 ngàn tỉ km). Giả sử chúng ta có tàu vũ trụ bay với vận tốc 100 ngàn km/giờ thì cũng phải mất 2 tỉ giờ (khoảng 228 .000 năm) mới tới nơi. Loài người chưa chế được thiết bị bay với vận tốc 100 ngàn km/giờ và đời người cũng không thể dài 228 ngàn năm. Thế nhưng điều đáng nói là thay vì nhìn những điều kỳ diệu, mà trí khôn con người (khoa học) mới chỉ có thể khám phá - chứ không phải phát minh - một phần hết sức nhỏ nhoi vô nghĩa, để ca ngợi Đấng Tạo Hoá, thì những người vô thần lại nghĩ ngay tới viễn cảnh một ngày nào đó có thể vui sướng hô vang : muôn vật tự sinh và không có Thiên Chúa!.
Không biết cho đến khi chết một cách bí mật (người ta cho là vì ông quá nỗi tiếng), nhà du hành vũ trụ Nga Xô Viết Yuri Gagarine có suy nghĩ về câu nói ngô nghê của ông, khi mới bay đúng một vòng quanh trái đất trong chuyến bay chỉ kéo dài đúng 108 phút: ”tôi đã nhìn khắp nơi mà không thấy Thiên Chúa đâu hết” hay không. Trái ngược với nhà du hành Mỹ Alan Shepard khi vừa ra khỏi bầu khí quyển, nhìn thấy bầu trời chung quanh, nhìn thấy trái đất nhỏ bé xinh đẹp, đã lập tức tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chuá Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất”. Con người thấy mình thật bé nhỏ, tội lỗi, bất xứng với những kỳ công và muôn ơn lành Thiên Chúa nhân từ ban phát. Con người chỉ biết cúi đầu cảm tạ. Vì thế, con người vô ơn là con quái vật đáng tởm nhất. Thực tế chứng minh cho thấy không có gì vô ơn hơn…con ngưòi! Jean de la Fontaine,tác giả thơ ngụ ngôn Pháp, nói : “Nếu phải lên án kết tội tất cả những kẻ vô ơn ở thế gian nầy, thì còn ai để mà tha thứ?”.
Biết ơn thôi, chưa đủ,mà phải tạ ơn,nghĩa là biểu hiện lòng biết ơn qua tâm tình,lời nói và việc làm. Đó là ý nghĩa của Thánh Lễ - hành vi tạ ơn. Cuộc đời con người trên trần gian phải là một bài ca tạ ơn, đối với Chúa, đối với mọi người, cũng có nghĩa là cuộc sống con người là một “thánh lễ”, mà lễ vật dâng chính là những gì Chúa ban,không có chút gì từ hoặc của con người. Bởi vậy, nếu bỏ đi tâm tình biết ơn và hành vi tạ ơn, thì con người chẳng còn gì nữa. Không có lòng biết ơn, con người nên ích kỷ và kiêu ngạo: Luxifer đã vì vô ơn, mà muốn “được ngang với Thượng Đế”. Y đã phải chịu phạt muôn đời. Và từ đó, y tìm mọi cách để làm cho loài người ra vô ơn : Adong và Evà đã quên đi mọi ơn lành của Thiên Chúa, nghi ngờ lòng nhân từ vô biên của Người và đã bắt chước sự vô ơn của Satan. Sống trong sự tri ân, loài người có tất cả. Sống trong vô ơn, con người mất tất cả . Con người phạm tội và mất sự sống vĩnh cửu. Tội lỗi,tiên vàn, là sự vô ơn và phản bội, nghe theo cám dỗ của ma qủy và phủ nhận tình thương và ân sủng hải hà của Thiên Chúa,và xa hơn nữa, muốn “ngang bằng với Thiên Chúa”. Do đó, sống thánh,nên thánh, tức là sống tâm tình và hành vi tạ ơn trọn vẹn từng phút giây. Hành vi tạ ơn nầy được biểu lộ không chỉ với Thiên Chúa, mà với tất cả mọi người. Chúng ta mang nợ Chúa và mang nợ mọi người, không phải chỉ khi chúng ta được người khác giúp đỡ một việc gì, mà cả khi chúng ta thụ hưởng những của cải vật chất và tinh thần, bởi vì chúng ta đang hưởng phần của người khác, có thể kém may mắn hơn chúng ta. Đó là những nén bạc Chúa giao nhiều hơn cho chúng ta và giao ít hơn cho anh em khác. Người vô ơn chính là những kẻ cho mình quyền “ăn trên ngồi trốc”, bo bo hưởng thụ mà không nhớ đến người khác. Bác ái, vì thế, là thái độ và hành vi của những người biết ơn Thiên Chúa, biết ơn tha nhân, nhất là những người nghèo đói bất hạnh, để đem chia sẻ tấm lòng và ít nhiều của cải vật chất theo khả năng (bởi đó, không có chuyện “làm phúc bố thí”, mà là “chia sẻ”). Phục vụ cũng chính là biểu hiện lòng biết ơn, vì khi phục vụ tha nhân, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa, qua những con người ấy. Chúng ta chỉ trả một phần lãi từ những nén bạc Chúa giao mà thôi.
“..Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa,mà chỉ có người ngoại bang nầy?” (Lc 17,18). Tâm tình biết ơn và hành vi tạ ơn không phải bẩm sinh, mà do giáo dục và gương sáng từ gia đình, từ người lớn. Dạy Giáo Lý chính là dạy người ta làm những con người sống có chung có thủy, hằng ngày hằng giờ nhớ đến tình thương vô biên và những ơn lành Chúa ban, và tìm mọi cách để thể hiện lòng biết ơn ấy, mà trước nhất là sống xứng đáng với những ân huệ ấy và cho mọi người nhận biết tình yêu Thiên Chúa. Không khó để nhận ra Kitô hữu thuộc nhóm “chín người” trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta coi ân huệ là chuyện đương nhiên. Chúng ta coi đó là những điều kiện để làm Kitô hữu, nghĩa là chúng ta làm ơn cho Chúa và Giáo Hội. Việc đạo đức, tôn thờ Chúa qua phụng vụ, qua cầu nguyện, qua chuỗi hạt Mân Côi, cũng là những hình thức “làm ơn” cho Chúa và Giáo Hội! Không lạ gì khi làm được chút gì – như đi dự lễ, đọc kinh, làm việc từ thiện – chúng ta thấy mình vĩ đại,đầy công đức và muốn Chúa phải ghi ơn và trả công.
Kinh Magnificat của Mẹ Maria là một lời tạ ơn đẹp nhất loài người dâng lên Chúa. Xin Mẹ Maria trong tháng Mân Côi nầy, dạy chúng con biết sống tâm tình biết ơn đối với Chúa và từng giây phút cuộc đời, biết thể hiện qua hành vi tạ ơn, không phải để được lên thiên đàng, mà chỉ vì cảm mến trước tình yêu vô biên và muôn vàn ân phúc Chúa đã khấng ban, mà ơn cao trọng nhất là nhập thể và cứu chuộc chúng con, trả lại cho chúng con con người sống ơn nghĩa mật thiết với Chúa: con người biết ơn và đền đáp công ơn!
.