Ý Niệm Thiên Sai Trong Do Thái Giáo và trong Kitô Giáo
Hạn từ “thiên sai” (messiah) phát nguyên từ hạn từ Hípri “mashiach” nghĩa là “được xức dầu”. Thời Cựu Ước, xức dầu với dầu thánh là một hành vi thánh hiến. Bởi thế, ta thấy Thánh Kinh nhắc đến các vật dụng trong Nhà Tạm được xức dầu như “chiếc khiên được xức dầu” của Vua Saul, cũng như việc xức dầu các tư tế, tiên tri, tổ phụ và vua, kể cả ông vua ngoại đạo là Cyrus II, người sáng lập ra Đế Quốc Ba Tư. Theo nghĩa nguyên gốc của hạn từ, “các người được xức dầu” này đều được coi là những người nhận sứ vụ đặc biệt từ Thiên Chúa, và chính tước hiệu cũng nói lên cả tính bất khả xâm phạm trong địa vị lẫn tính thánh thiêng trong chức vụ của họ. Một cách tình cờ, tập tục xức dầu thánh này nay vẫn còn được phỏng theo tại các buổi đăng quan của vua chúa, nữ hoàng. Theo một nghĩa rộng hơn, hạn từ “chủ nghĩa thiên sai” hay ý niệm thiên sai (messianism) có ý nói tới các lý thuyết liên quan tới việc cải thiện vị thế của nhân loại trong tương lai. Chiều kích thời gian là chiều kích căn bản đối với ý niệm thiên sai này. Người ta mong diễn trình thời gian này sẽ dẫn tới một thay đổi lớn và ngay cả sự hoàn hợp sau cùng giúp cho nhân loại đạt được một tình trạng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và hoàn hảo hơn. Trong ngữ cảnh ấy, khởi điểm của mọi hoài mong thiên sai là một đánh giá tiêu cực đối với hiện tại. Chính vì hiện tại bị coi là không thỏa mãn, vì đầy rẫy những sự ác, đói kém, đau khổ, chết chóc, tội lỗi, nên nó cần bị thay thế bởi một thời đại mới.
Các ý thức hệ và phong trào thiên sai không nhất thiết tập trung vào một khuôn mặt thiên sai. Tuy nhiên, các phong trào ấy luôn có khuynh hướng liên kết sứ điệp cách mạng có tính ảo tưởng của họ vào một nhân cách nhiều lôi cuốn có tính đặc sủng. Mang theo mình lời hứa thay đổi triệt để cho điều tốt hơn, bất kể là hy vọng giải phóng, cứu thoát hay cứu chuộc, các phong trào thiên sai này luôn đóng một vài trò quan trọng trong lịch sử nhân loại. Trong các xã hội tiền hiện đại, trong đó, tôn giáo gây một ảnh hưởng trổi vượt, chủ nghĩa thiên sai là một trong những cỗ xe thực tiễn lớn nhằm chuyên chở việc cổ võ các cải tân vĩ đại, không chỉ có tính tôn giáo, mà còn có tính văn hóa, xã hội và chính trị nữa.
Do Thái Giáo
Mặc dù các phong trào thiên sai xuất hiện trong nhiều nền văn minh khác nhau, nhưng chúng đặc biệt là đặc điểm của hai truyền thống Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Cựu Ước không bao giờ nói tới một đấng được xức dầu có tính cánh chung, một đấng sẽ tới để khai mở thời tận cùng, và ngay cả các đoạn tự gọi là “thiên sai” vì chứa những lời tiên tri loan báo một hoàng kim thời đại trong tương lai dưới sự cai trị của một vì vua lý tưởng, cũng không bao giờ minh nhiên sử dụng hạn từ “Thiên Sai”. Dù thế, nhiều học giả ngày nay cho rằng chủ nghĩa thiên sai của Do Thái Giáo có nguồn gốc thánh thiêng mà người Do Thái quen gán cho các vị vua của họ. Mặc dù, các vị vua được xức dầu của Israel không bao giờ được coi là “thần thiêng”, một số các phẩm tính thần thiêng và chức năng thiên sai vẫn được gán cho họ. Nhiều lời tiên tri và thánh vịnh từng được giải thích theo nghĩa này, và việc hiển dương vương quyền vẫn được nối kết với các học thuyết về thiên sai của Kitô Giáo lúc ban đầu.
Vì sự nghiệp của một số vị vua không thoả mãn được các hoài mong thiên sai vốn được đặt vào đó và vương quốc Israel liên tiếp bị các đế quốc lớn thôn tính và đè bẹp, nên người Do Thái ngày càng trở nên thất vọng với thực tại, cho nên niềm tin vào một vị vua thiên sai của họ đã được dự phóng cho tương lai. Sau thời lưu đày Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên và dưới ảnh hưởng của văn chương khải huyền đang thịnh hành lúc ấy (Bái hỏa giáo, Zorastrianism), người Do Thái Giáo tin chắc vào ý niệm tiên tri cho rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách ngoạn mục vào lịch sử, nhân danh dân riêng, qua một miêu duệ Vua Đavít; miêu duệ này sẽ giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ và việc ngài xuất hiện đã được tiên tri Êlia loan báo trước. Do đó, hạn từ “mashiach” trở thành có nghĩa “đấng được Thiên Chúa xức dầu”, đấng được xức dầu “tuyệt hảo”, thiên sai của Đấng Toàn Năng sẽ đem vinh quang của thời đại mới cho dân Do Thái. Trong ngữ cảnh này, điều thích thú cần ghi nhận là mặc dù Chúa Giêsu không nói rõ bản chất “thiên sai” của mình, nhưng những kẻ theo Người lúc ban đầu, ai cũng thấy nơi Người cái đấng “con Vua Đavít”, cái đấng “được Thiên Chúa xức dầu” ấy.
Dù sao đi nữa, các rabbi thời xưa mà tư duy còn đọng lại nơi Talmud đã mô tả đấng được xức dầu này như một người công chính, một học giả vĩ đại, một lãnh tụ tinh thần, và một vị vua can trường. Ngài sẽ cứu người Do Thái khỏi lưu đày và sẽ tái lập họ nơi lãnh thổ Israel nơi họ sẽ sống mãi trong hòa bình và độc lập. Tuy nhiên, các ông cũng nhấn mạnh rằng việc làm của đấng được xức dầu này sẽ không giới hạn vào một dân tộc đặc thù mà sẽ còn đem phúc lợi lại cho toàn thể nhân loại. Phép lạ cứu thoát dân Do Thái được coi như một điều tiên quyết đối với việc cứu thoát phổ quát. Khi đấng thiên sai ấy đến, tất cả sẽ thấy ánh sáng và sẽ tuân theo sự hướng dẫn trong giáo huấn của Thiên Chúa. Chiến tranh và tranh chấp sẽ chấm dứt, và nhân loại sẽ được dẫn vào một thời đại của đức tin, của công lý, của hoà hợp và của hoà bình phổ quát.
Với thời gian trôi qua, các hoài mong thiên sai kia mang lấy nhiều nhấn mạnh khác nhau. Có lý thuyết, được trình bày trong phần thứ hai Sách Isaia, cho rằng đấng thiên sai ấy không phải là một vị vua, hay một tư tế, hay một người nào đó, nhưng đúng hơn là một dân tộc: dân tộc Do Thái, được Thiên Chúa chọn để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay trên mặt đất để phục vụ lợi ích mọi người. Để chu toàn sứ mệnh của mình, “dân thiên sai” này phải chịu đau khổ và gánh lấy tội lỗi nhân loại. Giáo phái Qumran, tức nhóm Do Thái Giáo sống hình thức “đan viện”, nổi tiếng thời ta như nhóm đã gìn giữ các Sách Cuộn Biển Chết, tin một học thuyết về tính thiên sai kép: đấng thiên sai tư tế xuất thân từ Nhà Aaron và đấng thiên sai vương giả xuất thân từ Nhà Đavít. Quan niệm này rõ ràng cho thấy các đấng được xức dầu này không được quan niệm như các vị cứu tinh theo nghĩa Kitô Giáo nhưng đúng hơn như các lãnh tụ lý tưởng chủ trì trật tự xã hội tôn giáo có tính “thiên sai” theo ý Thiên Chúa.
Việc người Rôma phá hủy Đền Thờ Giêrusalem năm 70 sau Công Nguyên, tiếp theo là tình trạng lưu đày, chịu bách hại và đau đớn, chỉ càng tăng cường chủ nghĩa thiên sai của người Do Thái, dựa vào ý niệm cho rằng một thời kỳ nhiễu nhương và tai họa phải đi trước việc đấng thiên sai xuất hiện. Trong tiếng Hípri, "chevlei mashiach," có nghĩa “cơn đau đẻ” của thời đại thiên sai. Suốt trong lịch sử Do Thái, mọi cuộc tàn sát từng sát hại dân tộc Do Thái đều được kèm theo một sự gia tăng tâm tình thiên sai thiết tha nơi họ. Thời Trung Cổ, niềm tin thiên sai đã triển nở thành niềm hứng khởi đại chúng; lòng hứng khởi này thường được nuôi dưỡng bằng nhiều tính toán dựa vào Sách Đanien và nhiều đoạn Sách Thánh khác cho thấy sự xuất hiện của đấng thiên sai đã đến gần lắm rồi. Chủ nghĩa “con Đavít”, với các hệ quả chính trị của nó, đã bị phủ bóng bởi các ý niệm có tính khải huyền về một khuôn mặt có tính huyền nhiệm và phần nào thần thoại hơn. Vào thế kỷ thứ sáu, ở thành phố Safed, vốn là trung tâm của phong trào Kabbalist (1), một ngành của nền huyền nhiệm Do Thái, cơn sốt thiên sai càng tăng cường độ dưới ảnh hưởng mạnh của Rabbi Isaac Luria. Ông này tự coi mình là Đấng Thiên Sai Ben Joseph, người mà theo một số nguồn tài liệu, vẫn được coi là phải đến trước vị cứu tinh thứ hai và tối hậu là Mashiach Ben David. Trong thời kỳ này, hầu như mọi thế hệ đều có những vị tiền hô thiên sai và ngụy tạo, mà người tai tiếng nhất chính là ngụy thiên sai Shabbetai Tzevi vào thế kỷ thứ bẩy.
Niềm tin kiên vững vào đấng thiên sai và các hoài mong tha thiết vào việc vị này xuất hiện sau đó đã trở thành nhất định trong tư duy Do Thái Giáo đến độ được liệt kê trong Mười Ba Nguyên Tắc Đức Tin được nhà triết học Do Thái vĩ đại là Maimonides đưa ra vào thế kỷ thứ 12 và nay được lồng vào sách kinh nguyện của Do Thái. Nguyên tắc 12, tức nguyên tắc trở thành ca khúc tử đạo thời Quốc Xã Diệt Chủng, nói như thế này: “Anima'amin be 'emunah shleimah be'viat ha'Mashiach. Ve'af al pi shevitmameah, im kol zeh achkeh lo bechol yom sheyavo”, nghĩa là: “Với một đức tin hoàn toàn, tôi tin vào sự xuất hiện của Đấng Được Xức Dầu. Và dù Người còn chần chờ chưa tới, tôi vẫn hàng ngày chờ đợi Người đến”. Quan niệm của Maimonides về đấng thiên sai chẳng có chi khải huyền hay huyền nhiệm. Đúng hơn, nó thuần lý, nhấn mạnh tới bản chất không phép lạ của thời đại thiên sai.
Dù phần lớn người Do Thái ngày nay không tham gia các phong trào thiên sai tích cực, tuy thế, nhiều người vẫn có sự xác tín mạnh mẽ, hết lòng rằng quả sẽ có một thời đại thiên sai. Niềm tin của họ vào sự xuất hiện của đấng thiên sai đem lại sức mạnh và lòng can đảm cho người Do Thái để họ đương đầu với nghịch cảnh mà dân tộc họ từng chịu đựng qua bao thời đại. Sự sống còn của Do Thái Giáo hiển nhiên phần lớn tùy thuộc niềm hy vọng vô biên vào một tương lai thiên sai. Bất chấp âm hưởng tâm linh và huyền nhiệm của nó, ý niệm thiên sai của người Do Thái chủ yếu vẫn có tính thực tiễn và qui về hành động. Các hoài mong thiên sai của họ không phải chỉ là những giấc mơ. Chúng là các mục tiêu cụ thể đem lại cho họ sự thúc đẩy phải tích cực làm việc cho một thế giới tốt hơn, một thế giới trong đó các giá trị luân lý và đạo đức của truyền thống Do Thái sẽ thắng thế, một thế giới trong đó, các lý tưởng có tính tiên tri tối cao về công chính và cộng đoàn sẽ trở thành thực tại. Ý thức hệ Xion, hiểu như một phong trào giải phóng và trở về tụ họp từ lưu đày ("Kibbutz Galuyot"), chắc chắn có nguồn gốc thiên sai. Mặt khác, việc người Do Thái dấn thân vào nhiều phong trào tiến bộ và cách mạng trên khắp thế giới quả là một dịch bản được thế tục hóa từ ý niệm thiên sai truyền thống của họ. Họ tin rằng, bất chấp các khía cạnh tâm linh và vũ trụ, việc cứu rỗi phải được lồng vào ngữ cảnh lịch sử, chính trị và xã hội trong thế giới họ đang sống (2).
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là dù người Do Thái tin vững vào việc xuất hiện của đấng thiên sai, nhưng niềm tin ấy không hẳn là một yếu tố nâng đỡ đức tin của họ. Trái với tín lý Kitô Giáo (3), một tín lý không thể nào quan niệm được mà không có Đấng Được Xức Dầu, trong Do Thái Giáo, Đấng Thiên Sai chỉ là một ý niệm đến sau (afterthought), tự nó không hẳn là một nguyên lý gốc rễ. Bởi thế, ngay Hillel II (4), nhà tư tưởng vĩ đại của Do Thái, dù tin vào sự cứu rỗi, vẫn bác bỏ việc xuất hiện của đấng thiên sai. Các hợp tuyển rabbinic và nền phụng vụ Do Thái nhấn mạnh rằng tác giả cứu rỗi là Thiên Chúa chứ không phải đấng thiên sai. Đấng thiên sai chỉ là một dụng cụ qua đó sự tối cao của Thiên Chúa tự tỏ mình ra mà thôi.
Theo cái nhìn của người Do Thái, đâu mới là điều thực sự xẩy ra vào “ngày của đấng thiên sai”? Câu hỏi này, theo giáo sĩ Henry I. Sobel, cần được trả lời theo hai quan điểm: quan điểm chính thống và quan điểm tự do. Cả hai quan điểm này đều phát sinh từ các đoạn Thánh Kinh, giáo huấn rabbinic, và các nguồn khác trong nền văn chương Do Thái. Người Do Thái chính thống tiếp tục chờ đợi sự xuất hiện của đấng thiên sai có bản vị; khi vị này tới thế gian, ngài sẽ làm nhiều phép lạ: người mù sẽ nhìn thấy, người điếc sẽ nghe thấy, người què sẽ bước đi, và người chết sẽ sống lại. Sẽ không còn đau khổ, bệnh hoạn, nghèo đói, chết chóc. Họ duy trì nguyên vẹn lý thuyết coi đấng thiên sai như chồi cây của Nhà Đavít, đấng sẽ cai trị tại Giêrusalem và sẽ tái thiết Đền Thờ. Vì lý do này, một số người Do Thái cực chính thống chống lại chủ nghĩa Xion (zionism) và việc thiết lập ra Nhà Nước Israel, coi nó chỉ như một ngụy cứu rỗi phàm nhân, và can thiệp vào kế hoạch Thiên Chúa trong việc phái tới một sứ giả đặc biệt để tụ tập mọi lưu dân về Xion. Tuy nhiên, phần lớn người Do Thái chính thống nhìn nhận việc thiết lập quốc gia Israel như bước khởi đầu của việc cứu rỗi, một hành vi dẫn khởi được thi hành dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa và là một hành vi sẽ được Thiên Chúa hoàn thành trong tương lai. Người Do Thái theo quan điểm tự do, trái lại, duy trì niềm tin cổ truyền vào một thế giới sau cùng sẽ được cứu rỗi, nhưng không phải nhờ một sứ giả đặc biệt do Thiên Chúa sai tới. Điều họ chờ đợi là việc xuất hiện một thời đại thiên sai trong đó, công lý, tình huynh đệ và hòa bình sẽ thống trị và mọi người sẽ sống bằng giáo huấn của Thiên Chúa. Vào ngày đó, lời tiên tri của Dacaria, tức hy vọng độc thần cho toàn thể nhân loại, sẽ nên trọn: “Chúa sẽ là Đấng Duy Nhất, Danh Người sẽ duy nhất”.
Căn cứ vào cả hai quan điểm chính thống và tự do trên, Do Thái Giáo đều không nhìn nhận Đấng Được Xức Dầu đã xuất hiện rồi. Tại sao? Đơn giản vì các hoài mong thiên sai của họ chưa được cụ thể hóa. Bóc lột chưa chấm dứt, chiến tranh chưa dừng lại, hận thù chưa tan biến, khó nghèo chưa mất đi. Trên hết, việc tái sinh thiêng liêng của nhân loại, một việc được dự ứng thiết tha, chắc chắn chưa được hoàn tất. Talmud ghi lại rằng trong thế kỷ thứ hai, Rabbi vĩ đại Akiva (5) từng tin rằng Bar Kochba (6) là đấng thiên sai. Ấy thế nhưng khi cuộc nổi dậy của Bar Kochba chống lại người Rôma bị dẹp tan một cách tàn bạo, Rabbi Akiva phải nhìn nhận rằng Bar Kochba không phải là đấng thiên sai vì ông ta không đem lại được hòa bình. Cũng thế, người Do Thái không nhìn nhận Chúa Giêsu là đấng thiên sai. Họ tin rằng Người là một vĩ nhân, một thầy dạy vĩ đại đã lên tiếng truyền dạy các lý tưởng phổ quát của đức tin Do Thái, một con người nhân bản đầy mẫn cảm và thông sáng, được lòng mộ mến thiên sai thời Người đánh động. Chỉ có thế, họ không nhìn nhận Người là đấng thiên sai vì Nước Thiên Chúa chưa tự tỏ mình ra.
Theo Rabbi Sobel, điều quan trọng cần nhấn mạnh là người Do Thái không bác bỏ các ý niệm của Chúa Giêsu về Thiên Chúa. Dù sao, các ý niệm ấy chủ yếu vẫn là các ý niệm Do Thái và căn bản được rút ra từ các giáo huấn của Torah mà Người vốn được dưỡng dục. Vấn đề quan yếu đối với người Do Thái là tín điều Kitô Giáo cho rằng Thiên Chúa đã trở nên người phàm và để cho Con Một của mình chịu cái chết hy sinh để đền tội cho nhân loại. Do Thái Giáo không chấp nhận bất cứ sự phân biệt nào giữa con người nhân bản này với con người nhân bản khác. Không con người nhân bản nào thần thánh hơn con người nhân bản nào. Các rabbis Do Thái giải thích rằng toàn thể nhân loại đều từ Adong mà ra. Tại sao chỉ từ Adong? Để không ai có thể nói rằng cha của mình cao hơn bất cứ cha nào khác. Chỉ có một phụ quyền thần thánh và chỉ có một huynh đệ nhân bản duy nhất phổ quát. Vì Thiên Chúa làm nên mọi người đều bình đẳng, nên không một con người nhân bản nào có thể là trung gian giữa Thiên Chúa và những con người nhân bản khác. Ngay Môsê, người được nói truyện với Thiên Chúa “mặt đối mặt”, như Thánh Kinh dạy ta, cũng chỉ là “người phàm Môsê” (7).
Người Do Thái nghĩ thế, vì đối với cả người Do Thái chính thống, đấng thiên sai mong đợi cũng chỉ là một con người. Thực vậy, tên của đấng thiên sai ấy trong Sách Đanien vẫn là “Ben Adam” nghĩa đen là “con của con người” chứ không phải “Con Thiên Chúa” như trong quan niệm của Kitô Giáo. Trong lý thuyết Do Thái, với việc nhấn mạnh tới chủ nghĩa độc thần chặt chẽ, không thể lồng Thiên Chúa vào bất cứ khuôn hình hay hình thức nào. Niềm tin vào một đấng thiên sai thần thánh, Con Thiên Chúa nhập thể, đi ngược lại xác tín Do Thái về sự tối cao tuyệt đối và duy nhất của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều tư tưởng gia Do Thái, trong đó có Maimonides, triết gia thời Trung Cổ đã nhắc trên đây, coi Chúa Giêsu là dụng cụ thần thánh Thiên Chúa dùng để làm cho nhân loại quay về với đức tin thật sự. Theo Maimonides: “Mọi giáo huấn của Chúa Giêsu dọn đường cho sự xuất hiện của Vị Vua Được Xức Dầu và chuẩn bị cho nhân loại hợp nhất và cùng nhau như một thờ phượng Thiên Chúa”.
Một số giới trong Do Thái Giáo nghĩ rằng sự kiện có những khác biệt giữa người Do Thái Giáo và Kitô hữu không nên ngăn cản họ trở nên anh chị em, những người có thể làm việc với nhau vì các mục tiêu vĩ đại và cao cả. Họ bảo: anh chị em bao giờ lại không khác nhau. Khác nhau về ý kiến, tư duy, xác tín. Nhưng điều quan trọng hơn những cái đó chính là tình yêu, tình yêu sẽ kết hợp họ như anh chị em. Kitô hữu và người Do Thái Giáo có chung hai giá trị nền tảng: tin Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha nhân loại, và các nguyên tắc và lý tưởng luân lý từng tạo nên gia tài đạo đức chung của Do Thái và Kitô Giáo. Họ bảo: Kitô hữu và người Do Thái Giáo không hiện diện ở đời này để đua tranh nhau; họ hiện diện ở đời này như đồng minh, như người hùn hạp, gánh vác chung trách vụ thánh thiêng là đem ánh sáng cho thế giới và xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian. Họ nên tiếp tục làm việc với nhau, luôn cố gắng hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, mà không mất đức tin thiên sai của họ. Dù sao, theo nghĩa sâu sắc nhất, ý niệm thiên sai vẫn đồng nghĩa với hy vọng (8).
Các tâm tình tích cực trên thực ra rất hiếm trong các giới Do Thái Giáo, kể cả lúc này. Và chúng vốn không phải của riêng họ. Kitô Giáo, nhất là Công Giáo vốn đã gọi và thực sự coi người Do Thái Giáo là anh chị em của mình từ lâu. Không ai có thể gọi hành vi giúp người Do Thái của Đức Piô XII và của man vàn các cá nhân và tổ chức Công Giáo trong thời Quốc Xã là gì khác hơn là tình anh chị em trong một đức tin Ápraham. Và cũng không ai không rõ người Do Thái vẫn khăng khăng kết tội Đức Piô XII và cả Giáo Hội Công Giáo đã “im lặng” để Hitler mặc tình sát hại họ. Rồi từ Công Đồng Vatican II cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo dưới sự dìu dắt của các vị Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI liên tiếp “hạ mình” nhìn nhận vai trò “anh hai” của họ chỉ để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng người Do Thái nhiều khi vẫn giữ nguyên thái độ của người anh cả trong câu truyện Đứa Con Trai Hoang Đàng, đầy ghen tương và thù ghét. Dịp viếng Thánh Địa năm 2009, bản thân người viết đã được đọc cuốn hướng dẫn du lịch tựa là “The Golden Tourist Guidebook to Arts, Tradition & Leisure” khá dày và in rất mỹ thuật để sẵn trên bàn các phòng Khách Sạn The Olive Tree. Cuốn sách có nói về ý nghĩa Giêrusalem đối với người Kitô Giáo, và đã mỉa mai nhận định rằng, đối với Kitô hữu “Một đàng, nó là thành phố nơi (Chúa) Giêsu chịu thống khổ, chịu đóng đinh và được chôn cất, cho nên nó thánh thiêng. Nhưng mặt khác, (Chúa) Giêsu lại từng tiên đoán ngày nó bị hủy diệt. Các trưởng lão của Giáo Hội tin rằng một Giêrusalem đổi mới chỉ dành cho các Kitô hữu mà thôi, vì Kinh Thành Do Thái đã bị tiêu hủy và sẽ không bao giờ được họ tái thiết”. Sách cũng nói tới khía cạnh tiêu cực của những cuộc hành hương của Kitô hữu tới Giêrusalem thời Trung Cổ: “Các di bảo (relics) từ nhiều địa điểm khác nhau đã được phân phối từ Giêrusalem cho khắp thế giới…”. Chưa hết, điều họ nhấn mạnh hơn hết để kết luận về phần này là: “Việc người Do Thái thiết lập ra quốc gia Do Thái và việc tái thiết Giêrusalem không phù hợp với thái độ truyền thống của người Kitô Giáo. Một số Kitô hữu coi việc đó như một mâu thuẫn với tín điều của họ”. Bước sang thế kỷ 21, người Do Thái dường như vẫn chưa thoát ra được gọng kìm lịch sử từng giam hãm họ hơn 20 thế kỷ qua.
Kitô Giáo
Cứ theo trình bày của giáo sĩ Henry I. Sobel tại Ủy Ban Quốc Gia Đối Thoại Giữa Người Do Thái Giáo Và Người Công Giáo, ở Sao Paolo, Brazil năm 1982 trên đây, đấng thiên sai mà người Do Thái vẫn đang mong chờ chỉ là một đấng thiên sai trần thế, phục hồi Israel trở lại thời hoàng kim của Đavít và nhất là thống trị nhân loại. Đấng thiên sai ấy không hề có phẩm tính Thiên Chúa, chỉ là “Ben Adam” (con của người), nhưng sẽ thiết lập được Nước Thiên Chúa trên trần gian này. Đấng ấy chưa đến vì sự ác vẫn còn thống trị, chiến tranh vẫn còn tàn phá, bóc lột vẫn còn ngự trị, đau khổ và chết chóc vẫn là những điều ta gặp hàng ngày. Ông cho rằng Kitô giáo sai lầm khi coi đấng thiên sai là chính Đức Giêsu và do đó đấng thiên sai ấy đã đến trần gian rồi. Thực ra, Kitô giáo hiểu gì về việc Cựu Ước hay Thánh Kinh Do Thái nói tới đấng thiên sai, đấng được xức dầu, đấng Mêxia hay đấng Kitô?
John P. Meier, trong mục “Jesus” thuộc bộ The New Jerome Biblical Commentary (9) khi nói về tước hiệu Thiên Sai hay đấng Được Xức Dầu, đã cho rằng tước hiệu và hình ảnh Thiên Sai rất khó thảo luận bởi lẽ không hề có một ý niệm duy nhất về đấng này phải như thế nào. Thực thế, một số hoài mong cánh chung của Do Thái hoàn toàn không nhắc gì tới đấng Thiên Sai; hạn từ này chỉ có nghĩa là người được xức dầu. Mà trong Cựu Ước, các tư tế và đôi khi tiên tri đều là những người được xức dầu, cũng như các vị vua; do đó, đấng Mêxia không nhất thiết phải là một ông hoàng dòng dõi Đavít. Qumran thì chờ mong cả đấng Mêxia tư tế, dòng Aaron, đấng Mêxia vương giả dòng Vua Đavít lẫn đấng Mêxia như một tiên tri cánh chung. Nhận định như thế rồi Meier cho một “giả định”: nếu Chúa Giêsu tự coi mình là một tiên tri cánh chung được xức dầu với Thần Khí, như Isaia 61:1-3 (xem Luca 4:16-21; 7:22 và tiếp theo) đã nhắc, thì theo nghĩa đó, Người là một đấng Mêxia: đấng Mêxia tiên tri, hay đấng tiên tri được xức dầu của thời cánh chung. Không có một bằng chứng nào cho thấy Chúa Giêsu từng trực tiếp mô tả mình như đấng Mêxia theo nghĩa vương gia Đavít. Tuy nhiên, cũng không có bằng chứng nào Người minh nhiên và rõ ràng bác bỏ một tước hiệu như thế. Khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là đấng Mêxia (Máccô 8:29; Luca 9:20; hãy so sánh với Mátthêu 16:16-19), Chúa Giêsu đã phản ứng một cách khá dè dặt. Đôi lúc, người ngoài thưa với Chúa Giêsu hay nói về Người như “Con Đavít” (Máccô 10:47-48), nhưng Chúa Giêsu không trực tiếp nhìn nhận tước hiệu ấy. Cùng lắm, Người chỉ mập mờ nhắc đến tước hiệu ấy như trong Máccô 12:35-37 lúc Người “ỡm ờ” hỏi: “Sao các kinh sư lại nói đấng Kitô là con vua Đavít?... Chính vua Đavít gọi đấng Kitô là Chúa Thượng, thì đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?”.
Theo Meier, bất chấp sự dè dặt của Chúa Giêsu, các môn đệ, ngay lúc sinh tiền của Người, luôn nghĩ Người là đấng Mêxia dòng dõi Đavít. Nếu không, việc họ sớm đồng hóa Người, ngay sau biến cố Phục Sinh (Rm 1:3-4; Cv 2:36; 2 Tm 2:8), với đấng Mêxia dòng dõi Đavít sẽ không giải thích được vì lúc đó, người Do Thái không hề có một quan niệm duy nhất về đấng Mêxia trần thế, dòng dõi Đavít, đấng phải chết và sống lại trong lịch sử tiếp diễn. Biến cố phục sinh chỉ có thể dùng như một chất xúc tác và được giải thích như việc đăng quang Con Vua Đavít nếu trước đó các môn đệ đã nuôi dưỡng trong mình một ý niệm nào đó về Chúa Giêsu như đấng Mêxia dòng dõi Đavít.
Sau cùng, Meier cho hay: việc các địch thủ lúc Người còn sống giải thích các hành vi và lời Người nói theo nghĩa Mêxia vương giả xem ra đã được củng cố bởi lời kết án mà do đó Người đã bị điệu ra trước Philatô: “Vua Dân Do Thái”.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, với tư cách một thần học gia, trong “Đức Giêsu Thành Nadarét” cuốn 1, có nhắc tới tước hiệu Mêxia, nhưng chỉ dành cho nó không đầy 10 dòng với nhận định: “Tự chính danh xưng đầu tiên (tức Mêxia) không có nhiều ý nghĩa ngoài nền văn hóa Semitic” (10). Ở phần bàn về tước hiệu “Con Người”, Đức Bênêđíctô XVI cho hay thực ra cuốn sách của ngài không chủ ý nói tới các tước hiệu của Chúa Giêsu mà tìm hiểu về con đường trần thế và việc giảng dạy của Người. Tuy nhiên, dường như ngài còn dè dặt hơn Meier về tước hiệu này. Ngài viết: “Thật ra, Đức Giêsu không dùng danh xưng Mêxia cho chính mình”. Và giống Meier, Đức Bênêđíctô XVI Thần Học Gia cũng cho rằng mỗi khi tước hiệu đó được gán cho Người, Người đều ra lệnh cho người ta phải im lặng. Đối với tấm bảng “Vua dân Do Thái” gắn trên đầu thập giá, ngài cho hay: không chỗ nào thích hợp bằng, vì “thập giá là ngai tòa của Người và như thế, thập giá đưa ra cách chú giải chính xác về danh xưng này”(11). Nhưng nếu “Danh xưng này không còn chức năng của nó như một danh xưng nữa và đã nối kết với tên của Đức Giêsu: Đức Giêsu Kitô” (12), thì hiển nhiên nó phải có nhiều ý nghĩa và chính vì những ý nghĩa này, người Do Thái, cho tới nay, nhất mực bác bỏ tước hiệu Mêxia hay Kitô khỏi tên Giêsu.
Thực ra, theo Catholic Encyclopedia, ấn bản năm 1914, tước hiệu Mêxia chỉ xuất hiện hai lần trong Đanien 9:26 và Thánh Vịnh 2:2. Thực thế, các lời tiên tri đầu hết ngỏ với Ápraham và Ixaác (St 18:17-19; 26:4-5) chỉ nói tới việc ơn giải thoát sẽ xuất hiện từ dòng dõi của họ. Mãi sau này, phẩm giá vương giả của vị giải thoát đó mới được nói tới. Ngài được diễn tả như một vị vua thuộc dòng Giacóp (Ds 24:19), dòng dõi Giuđa (St 49:10) và dòng dõi Đavít (2 Sm 7:11-16). Đoạn sau cùng này rõ ràng chỉ về đấng thiên sai. Nước của Người sẽ trường cửu (2 Sm 7:13). Lãnh thổ Người không có bờ cõi (Tv 72:8); mọi dân tộc sẽ phụng sự Người (Tv 72:11). Địa vị anh hùng dân tộc được nhấn mạnh ở đây: Người mang ơn giải thoát đến cho Israel và Giuđa (Gr 23:6), chiến thắng kẻ thù của hai dân tộc này bằng sức mạnh (xem vị vua dũng sĩ của Tv 46). Ngay trong các phần sau của Isaia (như 61:5-8), dù cho hay các dân tộc khác có dự phần vào vương quốc này, nhưng chỉ như nô dịch chứ không hẳn thừa kế, với việc nhấn mạnh Người sẽ nâng Giêrusalem lên đài vinh quang và thiết lập nền thần quyền cho Israel.
Tuy nhiên ở phần này, đã thấy xuất hiện ý niệm đấng Mêxia như tôi trung Thiên Chúa. Người là mũi tên chọn lọc, miệng Người như gươm sắc. Thần Khí Thiên Chúa tràn đổ trên Người và lời Thiên Chúa được đặt vào miệng Người (42:1; 49:1 và tiếp theo). Khí cụ tạo nên sức mạnh của Người là mạc khải Thiên Chúa. Các dân tộc chờ mong giáo huấn của Người; Người là ánh sáng muôn dân (42:6). Người thiết lập vương quốc của Người không phải bằng biểu dương sức mạnh vật chất, mà bằng khiêm tốn và đau khổ, vâng theo lệnh Thiên Chúa mà hy sinh mạng sống mình để cứu thoát muôn người. “Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn” (53:10); “Vì thế, Ta sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, Người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (53:12). Nước Người sẽ gồm đám đông được Người cứu chuộc bằng việc đền tội thay, một việc đền thay không giới hạn vào chủng tộc và thời gian, mà áp dụng cho muôn người.
Tuy nhiên, mô tả có tính tiên tri về đấng Mexia có tầm quan trọng đặc biệt hơn cả phải kể chương 7 sách Đanien, một công trình sau này của Do Thái Giáo. Mô tả này gây ảnh hưởng rất lớn cho các khai triển về sau của học lý thiên sai. Trong chương này, đấng Mêxia được mô tả như “Con Người” (Son of Man, Ben Adam). Giáo Sĩ Sobel, khi trích dẫn thuật ngữ này, đã bỏ qua không nhắc gì tới mô tả tỉ mỉ của Đanien, có lẽ muốn để chứng minh rằng đấng Mêxia ấy chỉ là một người phàm. Thực ra, theo Đanien, vị này xuất hiện trên mây trời, ngự bên tay phải Thiên Chúa để khai mở thời đại mới, không phải bằng chiến thắng dân tộc hay đền tội thay, mà qua việc thực thi thẩm quyền phán xét toàn thể thế giới, một thẩm quyền vốn thuộc Thiên Chúa. Các công trình khải huyền từng gây ảnh hưởng trên đời sống tôn giáo của người Do Thái suốt hai thế kỷ trước Chúa Kitô đã dựa vào mô tả tiên tri này.
Tuy nhiên một điều cần ghi nhớ là song song với loạt lời tiên tri này đề cập tới việc thiết lập ra một vương quốc dưới quyền một thiên sai, người ta cũng thấy một loạt lời tiên tri khác nói tới sự thống trị của chính Thiên Chúa. Một trong các lời đó, chính là Isaia chương 40: “Hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giuđa rằng: ‘Kìa Thiên Chúa các ngươi! Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền” (40:9-10). Việc dung hòa hai loạt lời tiên tri này, tìm thấy trong nhiều đoạn văn Thánh Kinh, nhất là trong Thánh Vịnh 2 và Isaia 7-11, cho thấy rõ thần tính của đấng thiên sai: “Danh hiệu của Người sẽ là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5). Tất cả những tước hiệu này đã được nhiều đoạn văn Thánh Kinh khác gán cho chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hoà giải minh nhiên và đầy đủ nhất chỉ tìm thấy trong mầu nhiệm Nhập Thể của Kitô Giáo. Thật khác xa với cố gắng của Sobel nhằm chứng mình đấng Mêxia chỉ là một người phàm.
Thực ra giáo sĩ Sobel cũng đã không trình bày trung thực và đầy đủ học lý thiên sai của giai đoạn sau này trong Do Thái Giáo. Trong giai đoạn ấy, người ta thấy rõ hai trường phái khác biệt và đi song song với nhau: một trường phái nhấn mạnh tới lý tưởng quốc gia, dựa trên việc giải thích có tính chiểu tự đối với các lời tiên tri ban đầu. Trường phái kia chủ trương lý tưởng khải huyền, dựa phần chính vào Đanien. Lý tưởng quốc gia trông đợi việc thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian dưới sự trị vì của Con Vua Đavít, việc chinh phục và khuất phục dân ngoại, tái thiết Giêrusalem và Đền Thờ, và tụ tập những người đã tứ tán. Trái lại, lý tưởng khải huyền thì phân biệt aion outos (thời hiện tại) và aion mellon (thời sẽ đến). Thời sẽ đến ấy sẽ được khai mở bằng cuộc phán xét của Thiên Chúa đối với nhân loại, một cuộc phán xét sẽ đến trước việc sống lại của người chết. Đấng Mêxia, vốn hiện hữu từ thuở khởi nguyên của thế giới, sẽ xuất hiện vào ngày chung cuộc và lúc ấy Giêrusalem trên trời sẽ xuất hiện làm nhà ở cho những kẻ được chúc phúc.
Lý tưởng quốc gia là đặc trưng của phái Pharisêu. Bởi thế, Talmud không hề nói tới lý tưởng khải huyền. Các luật sĩ đương nhiên chỉ bận bịu với Lề Luật, nhưng song song với bận bịu này là việc khai triển ra một niềm hy vọng vào một Nước Thiên Chúa trên trần gian. Niềm hy vọng ấy không có bóng dáng hạnh phúc hay phần thưởng đời sau. Sẽ có chiến tranh, lửa từ trời, mặt trời ra tối tăm, sao chổi rơi rụng, nhưng kết cục sẽ là một tình trạng thịnh vượng trên trần gian. Đấng Mêxia, từ Phương Đông, sẽ thống trị toàn diện như một anh hùng dân tộc chiến thắng. Các câu 573-808 trong Sibyl. III và Thánh Vịnh Salomon (ngụy thư Do Thái) nói tới những điểm này. Người Biệt Phái vẫn coi luật lệ mà thôi không đủ để đánh thắng kẻ thù, nhưng vì là người tôn giáo, họ không thể dựa vào thế quyền để giải quyết các khó khăn của họ, họ đành phải trông mong vào sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa qua môi giới đấng thiên sai thuộc nhà Đavít. Họ dựa vào Thánh Vịnh 18 để mô tả triều đại của đấng này: ngài chinh phục dân ngoại, xua đuổi chúng khỏi lãnh thổ của chính chúng, tiêu diệt chúng…
Lý tưởng khải huyền dù ít có ảnh hưởng tại Giêrusalem, vốn là thành lũy của chủ nghĩa Rabbi, nhưng lại có ảnh hưởng nhiều ở bên ngoài. Và do đó, có thể được coi là niềm hy vọng của đại đa số người Do Thái. Trước cuộc phục hưng của nhà Asmonean (thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên), Israel hầu như không còn là một quốc gia nữa, và do đó, niềm hy vọng vào một đấng Mêxia anh hùng dân tộc trở nên leo lét. Thành ra, trong các trước tác khải huyền đầu tiên, người ta ít nói tới đấng Mêxia. Ở phần đầu Sách Ênốc (i-xxxvi), ta thấy một điển hình cho các loại trước tác này. Sách không nói tới việc xuất hiện của một ông hoàng phàm nhân, nhưng là sự giáng lâm của Thiên Chúa trên núi Xinai để phán xét thế giới, đã phân chia thời gian thành hai thời kỳ. Người công chính sẽ nhận được ơn khôn ngoan và trở nên không có tội. Họ sẽ sống nhờ cây sự sống và được hưởng một tuổi thọ lâu dài hơn các tổ phụ.
Các chiến thắng của anh em Maccabê đã làm nức lòng toàn dân cả theo nghĩa chính trị lẫn tôn giáo. Các nhà trước tác vào thời kỳ đầu của triều đại Asmonean, vì cho rằng giống nói mình đã phục hồi được vinh quang xưa, nên không còn coi thường niềm hy vọng vào một đấng Mêxia bằng xương bằng thịt sẽ tới thống trị vương quốc thời đại mới nữa. Nhưng vấn đề là làm sao nối kết được những nhà giải phóng hiện nay vốn thuộc họ Lêvi với đấng Mêxia vốn phải thuộc dòng Giuđa. Giải pháp, vì thế, phải coi thời hiện tại chỉ như bình minh của thời đại thiên sai. Các công trình khải huyền của thời này bao gồm Sách Hồng Ân (Book of Jubilees), Ước Thư của Mười Hai Tổ Phụ, và Thị Kiến Các Tuần Lễ Của Ênóc. Trong Sách Hồng Ân, các lời hứa ngỏ với Lêvi, và nên trọn nơi các vị vua tư tế của Nhà Asmonean, đã vượt xa những lời hứa ngỏ với Giuđa. Đấng Mêxia chỉ là khuôn mạo mờ nhạt và người ta ít nhấn mạnh tới việc phán xét. Ước Thư Của Mười Hai Tổ Phụ là một công trình hỗn hợp. Phần nền tảng, nhấn mạnh tới việc hiển dương chức tư tế, có trước năm 100 trước Công Nguyên; tuy nhiên, nhiều thêm thắt của người Do Thái sau này, có tính không ưa chức tư tế, và nhiều pha chế của người Kitô Giáo nữa, khiến cho người ta không xác định được đâu là khuôn mạo chính. R.H. Charles, trong “Testaments of the Twelve Patriarchs” (tr. xcviii) cho rằng công trình ấy vẽ đấng Mêxia như một người thuộc nhà Lêvi nhưng lại thể hiện được các lý tưởng thiêng liêng cao qúy nơi Đấng Cứu Thế của Kitô Giáo. Trái lại Lagrange, trong “Le Messianisme chez les Juifs” (tr. 69 và tiếp theo) lại nhấn mạnh rằng chân dung kia chỉ là hậu quả của việc pha chế Kitô Giáo; nếu bỏ các pha chế này đi, thì nguyên tuyền chỉ còn lại lời ca tụng những anh hùng giải phóng quốc gia và tôn giáo của nhà Asmonean, hay chức tư tế vương giả. Sự nổi bật của Lêvi là điều thấy rõ. Thị Kiến Các Tuần Lễ Của Ênốc, có lẽ xuất hiện trong cùng một thời kỳ, nhưng khác với công trình trước ở chỗ nhấn mạnh tới phán xét.
Như thế, các chiến thắng của nhà Asmonean đã sản sinh ra một cánh chung học với sự xuất hiện của một đấng Mêxia bản vị, dù thời hiện tại được tán dương như buổi bình minh của hồng ân thiên sai. Tóm lại, dựa vào Cựu Ước, hay Thánh Kinh Do Thái, khuôn mạo đấng Mêxia phức tạp và càng ngày càng gần với khuôn mạo đấng Mêxia theo Kitô Giáo, không đơn giản và một chiều như trong trình bày của giáo sĩ Sobel.
Phẩm giá thiên sai nơi Chúa Kitô
Theo Catholic Encyclopedia, hai điểm cần nhấn mạnh là chính Chúa Kitô đã minh nhiên coi mình là đấng Mêxia và các lời Người nói và việc Người làm đã mặc nhiên minh chứng Người là chính đấng ấy.
Về điểm thứ nhất, ta căn cứ vào lời tuyên tín của Thánh Phêrô trong Mátthêu 16 và lời của Chúa Kitô trước mặt các thẩm phán. Thực ra, qua các biến cố này, Chúa Kitô không hẳn chỉ chú tâm tới tước hiệu Mêxia mà chú tâm tới địa vị Con Thiên Chúa của Người. Lời Chúa Kitô ngỏ với Thánh Phêrô đã rõ ràng không cần bình luận thêm. Còn điều Chúa Kitô tuyên bố với Thượng Hội Đồng và Philatô, thì theo các trình thuật Mátthêu và Luca, dường như thoạt đầu, Chúa Giêsu không muốn trả lời trực tiếp câu hỏi của thượng tế: “Ông có phải là đấng Mêxia không?”. Theo hai tin mừng này, Người chỉ nói rằng “ông nói đấy nhá” (su eipas), nhưng theo Thánh Máccô, câu trả lời của Người là ego eimi (vâng, tôi là đấng ấy), và câu trả lời ấy được người Do Thái hiểu rất rõ nó có nghĩa gì. Vả lại, Gustav Dalman, trong “Words of Jesus” (tr.309 và tiếp theo) có dẫn chứng nhiều thí dụ trong văn chương Do Thái trong đó, kiểu nói “ông nói đấy nhá” tương đương với câu “ông nói đúng”, nghĩa là đồng ý với người đối thoại, nhưng không coi điều đồng ý ấy quan trọng lắm. Nghĩ cho cùng, đây là điều không hẳn phi lý, vì tước hiệu thiên sai, thật ra, chỉ là thứ yếu so với thần tính mà Người sẽ xác quyết ngay sau đó, một xác quyết khiến vị thượng tế tố cáo Người phạm thượng. Chính việc tự cho mình là Thiên Chúa mới làm Thượng Hội Đồng Do Thái viện cớ để đòi án tử hình cho Người. Trái lại, trước mặt Philatô, chính xác quyết về tư cách vương giả của Người đã trở thành cơ sở khiến người bị kết án.
Về điểm thứ hai, ta thấy qua các lời Người nói và việc Người làm, Chúa Kitô đã mặc nhiên cho mình là đấng Mêxia. Ngay lúc đầu sứ vụ công khai (Luca 4:18), tại hội đường Nadarét, Người đã áp dụng cho mình các lời chỉ về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa trong Isaia 61:1. Người là Đấng được Đavít, do Thần Khí thúc đẩy, đã xưng là “Chúa!”. Người coi mình có quyền phán xét thế giới và tha tội. Người cao hơn Lề Luật, Chúa của ngày Sabát, Chủ của Đền Thờ. Nhân danh chính mình và chỉ bằng lời nói, Người chữa kẻ phong cùi, làm yên sóng biển, làm kẻ chết sống lại. Các môn đệ bằng lòng mất tất cả để được đặc ân theo chân Người. Người Do Thái, dù không thấy tất cả những điều ấy hàm nghĩa một phẩm vị và một quyền lực không thua kém gì phẩm vị và quyền lực của chính Thiên Chúa, nhưng ít nhất không thể nào không nhận ra nhân vật thực hiện được các điều ấy như một đại biểu được chính Thiên Chúa sai đến.
Về điểm này, ta nên xét tới tước hiệu “Con Người” mà Chúa Giêsu năng dùng. Theo Đức Bênêđíctô XVI, Thần Học Gia, nguyên trong Phúc Âm Máccô, Chúa Giêsu sử dụng tước hiệu này để chỉ về Người 14 lần. Và điều còn đặc biệt hơn nữa là trong Tân Ước, chỉ có Người sử dụng nó mà thôi, ngoại trừ một lần được vị tử đạo tiên khởi là Stêphanô sử dụng (Cv 7:56). Theo Catholic Encyclopedia, không có chứng cớ gì là thời ấy người ta quen dùng tước hiệu “Con Người” để chỉ đấng Thiên Sai. Gioan 12:34 cho hay các thính giả của Chúa Kitô thắc mắc về ý nghĩa của tước hiệu này: “Con Người là ai?”. Rất có thể vì họ, dù quen thuộc với mô tả của Đanien 7 về đấng Mêxia, nhưng không hiểu “Con Người” như một tước hiệu. Căn cứ vào lời trình bày của Giáo Sĩ Sobel, thì cho đến nay, người Do Thái vẫn không hiểu “Con Người” như một tước hiệu mà chỉ là phẩm tính “phàm trần” của đấng Mêxia. Nhưng thật ra, Chúa Kitô không chỉ dùng một tước hiệu, một cái tên, mà Người xác quyết mình có quyền phán xét thế giới (Mátthêu 25:31-46), một đặc điểm cốt chính của đấng Mêxia theo nghĩa Đanien. Có hai lý do khiến Người nhận lấy tước hiệu đặc biệt này: thứ nhất, Người nói về mình như đấng Mêxia nhưng không muốn làm cho lời xác quyết ấy quá rõ ràng đối với nhà cầm quyền đương thời trước khi đến lúc Người công khai xác quyết nó. Thứ hai, Người cố gắng bao nhiêu có thể khiến người ta không gán cho Người các ý niệm có tính vật chất về vương quyền Đavít.
Mà xác quyết của Người không phải chỉ liên quan tới tương lai. Người không nói “Tôi sẽ là đấng Mêxia” nhưng nói “Tôi là đấng Mêxia”. Như thế, ngoài câu Người trả lời Caipha và câu người chấp thuận lời tuyên tín của Thánh Phêrô về phẩm vị Mêxia hiện tại của Người, ta còn thấy trong đoạn Mátthêu 11:5 câu trả lời tuy dè dặt nhưng rõ ràng cho câu hỏi của các môn đệ Gioan Tẩy Giả; “Thầy có thật là đấng ho erchomenos (phải đến) không?". Trong tin mừng Gioan, ta thấy nhiều chứng cớ hơn. Ở chương 4, khi người phụ nữ Samaria nói với Người: “Tôi biết đấng Mêxia, gọi là đức Kitô, sẽ đến…”, Người liền cho chị hay: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (câu 26). Và dù như một hạt mù-tạt, Nước Thiên Chúa trên trái đất cũng đã được thiết lập rồi; Người đã bắt đầu công việc của Người Đầy Tớ Thiên Chúa rồi, là rao giảng, là đau khổ, là cứu thoát con người. Nhưng sự hoàn tất trách vụ của Người và Nước Người trong vinh quang nơi Vương Quốc của Người thì vẫn còn là việc trong tương lai. Nhưng điều này chỉ như vinh quang cuối cùng, chứ không hề là thành tố duy nhất thuộc phẩm vị Mêxia. Đối với những ai, trước khi có Kitô Giáo, tìm cách giải thích các lời tiên tri xưa, thì thường họ chỉ xem sét một phương diện nào đó về đấng Mêxia này. Nhưng những ai sống bằng mạc khải Kitô Giáo thẩy đều hiểu ra và hòa hợp nơi Chúa Kitô mọi niềm mong đợi, mọi thị kiến và lời tiên tri về đấng Mêxai, dù chúng kình chống nhau. Người đồng thời là Người Tôi Tớ Đau Khổ và là Vua theo dòng Đavít, là đấng phán xét và cứu tinh của nhân loại, là Con Người thật và là Thiên Chúa ở với ta. Mọi tội ác của ta đều đổ trên đầu Người nhưng cũng trên đầu Người, trong tư cách Thiên Chúa nhập thể, có Thần Khí Thiên Chúa, có Thần Khí Khôn Ngoan và Thông Hiểu, Thần Khí Lo Liệu và Mạnh Mẽ, Thần Khí Suy Biết, Đạo Đức và Kính Sợ Thiên Chúa.
Ý niệm Mêxia trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo công bố năm 1992 đã dứt khoát tái khẳng định Chúa Giêsu là đấng Mêxia trong phần nói về kinh Tin Kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Câu tuyên tín này không hề có nghĩa chỉ lúc ấy, Chúa Giêsu mới là đấng Mêxia hay đấng Kitô mà ngay đầu phần nói về Chúa Giêsu, Kinh này đã tuyên xưng rằng: “tôi tin một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa”. Như thế, Chúa Giêsu là đấng Mêxia đã đến thế gian, để thiết lập Nước Thiên Chúa tại đây. Nước này sẽ được hoàn tất vào ngày chung thẩm khi Người đến lần thứ hai để phán xét “kẻ sống và kẻ chết”.
Sách Giáo Lý, trích dẫn Lumen Gentium (3,5) nói tới việc Chúa Kitô đã khai nguyên Nước Thiên Chúa trên trần gian… Nước ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, đã phát triển cách hiển nhiên. Người đã thống trị Nước ấy qua Giáo Hội. Giáo Hội trên trần gian đã được phú ban sự thánh thiện dù mới chỉ là sự thánh thiện chưa hoàn toàn. Nước Thiên Chúa biểu lộ sự hiện hữu của mình nhờ các dấu chỉ lạ lùng luôn đi theo việc công bố nó (các số 668-670).
Tuy nhiên, dù đã hiện diện trong Giáo Hội, Nước Thiên Chúa cần được cuộc trở lại lần thứ hai của Chúa Kitô làm cho nên trọn một cách “đầy quyền năng và vinh hiển” (Luca 21:27; Mátthêu 35:21). Trong khi ấy, Nước này vẫn bị các lực lượng xấu xa tấn công, và theo Lumen Gentium 48, vẫn đứng trong hàng ngũ các tạo vật đang rên xiết trong cơn đau đớn của sự sinh đẻ và chờ mong sự tỏ hiện của con cái Thiên Chúa (số 671).
Chính Chúa Giêsu, trước khi về trời, cũng cho các Tông Đồ hay: giờ chưa tới để thiết lập vương quốc thiên sai một cách vinh quang, một nước mà các tiên tri cho là sẽ mang đến cho mọi người sự công lý, tình yêu và hòa bình vĩnh viễn. Thời này là thời của Chúa Thánh Thần và của chứng tá, mà cũng là thời của “âu lo” và thử thách mà cả Giáo Hội cũng không thoát khỏi (số 672).
Nhưng từ ngày Chúa Giêsu lên trời, việc Người trở lại trong vinh quang là điều chắc chắn dù theo Thư thứ 2 gửi cho tín hữu Thêxalônica, nó đang bị trì hoãn (2:4-12) (số 673). Sách cũng không ngần ngại cho hay: nó bị trì hoãn bất cứ lúc nào trong lịch sử cho tới lúc “toàn thể Israel” nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô (số 674). Trong khi ấy, “mầu nhiệm sự ác” vẫn hoành hành dưới hình thức lừa đảo tôn giáo nhằm mang đến cho con người một giải pháp giả tạo cho các vấn đề của họ với cái giá cắt cổ là rời xa chân lý. Một ngụy Mêxia sẽ xuất hiện đem theo một ngụy chủ nghĩa thiên sai chuyên vinh danh con người thay vì Thiên Chúa và vị Mêxia đích thật, bằng xương bằng thịt của Người (số 675).
Về những ngụy Mêxia này, Sách cho biết: chúng thành hình trên thế giới bất cứ khi nào có người cho rằng niềm hy vọng thiên sai kia có thể thực hiện được ngay bên trong lịch sử. Mà thực ra, nó chỉ được thực hiện quá bên kia lịch sử trong biến cố phán xét cánh chung. Về phương diện này, Giáo Hội đặc biệt lột mạt nạ chủ nghĩa thiên niên kỷ (millenarianism), nhất là thứ chủ nghĩa thiên sai thế tục đầy tính chính trị mà thực ra hết sức “đồi trụy ngay chính nội tại của nó” (số 676).
Chủ nghĩa thiên niên kỷ là một chủ nghĩa cho rằng đến tận thế, Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để tụ tập người công chính, tiêu diệt các thế lực thù nghịch và thiết lập một vương quốc trên thế gian để người công chính vui hưởng những ơn phúc vật chất và thiêng liêng cao qúy nhất. Vương quốc này sẽ kéo dài 1,000 năm, sau đó, người công chính sẽ cùng Chúa Kitô lên trời.
Cái nước vinh quang vừa có tính tự nhiên vừa có tính siêu nhiên này bắt rễ từ niềm mong đợi đấng Mêxia trần thế của người Do Thái. Dưới áp lực nặng nề của hoàn cảnh chính trị, người Do Thái phải chờ mong một đấng Mêxia tới giải phóng dân tộc họ khỏi áp bức và tái lập vinh quang cho Israel, một đấng Mêxia rất trần thế. Tuy Nước Thiên Sai luôn được hình dung như một điều lạ lùng, nhưng mầu sắc của nó đôi lúc hết sức trần thế và đầy khoái cảm. Quan điểm này đã có từ lâu. Trong các trình thuật Tin Mừng, người Do Thái thời Chúa Giêsu hết sức chờ mong vương quốc kiểu này. Trong khi Chúa Cứu Thế thật thì đến để công bố vương quốc thiêng liêng nhằm giải phóng con người khỏi tội lỗi, và thánh hóa họ, một vương quốc đã khởi sự từ lúc Người sinh ra. Tin Mừng và các thư của Thánh Phaolô không hề nói tới tới thứ vương quốc thiên niên kỷ. Mọi điều đều di động trong lãnh vực thiêng liêng và tôn giáo. Ngay cả các mô tả về ngày tận thế và cuộc phán xét chung cũng chỉ có hai đặc điểm vừa kể. Sách Khải Huyền tuy có nói tới cuộc chiến thắng của Chúa Kitô và các thánh chống lại ngụy Mêxia dưới hình thức một quái vật (các chương 20-21) và trong đó có nói đến việc Xatan bị xiềng ở vực sâu một ngàn năm, nhưng ai cũng hiểu đó là cuộc chiến đấu thiêng liêng giữa Chúa Kitô và Giáo Hội một bên, còn bên kia là quyền lực ác độc của hỏa ngục và thế gian. Nhưng một số Kitô hữu thời hậu Tông Đồ, nhất là tại Tiểu Á, đã rơi vào ảnh hưởng của nền khải huyền Do Thái để hiểu các mô tả trong Khải Huyền của Thánh Gioan hoàn toàn theo nghĩa chiểu tự. Hậu quả là sự lan rộng của chủ nghĩa thiên niên kỷ không phải chỉ trong các lạc giáo mà còn cả nơi Kitô hữu nhiệt tâm. Họ sẵn sàng tin vào một thiên đàng trần thế với khoái cảm trần gian e hề, nào nho mọc 10,000 cành, mỗi cành 10,000 nhánh, mỗi nhánh 10,000 nhánh phụ, mỗi nhánh phụ 10,000 chùm và mỗi chùm 10,000 trái và mỗi trái sản xuất ra 216 “gallons” rượu!
Giáo Hội chỉ bước vào vinh quang Nước Thiên Chúa sau một Lễ Vượt Qua cuối cùng khi theo chân Chúa của mình trong cái chết và sự phục sinh của Người. Nghĩa là Nước Thiên Chúa chỉ nên trọn không phải nhờ một chiến thắng lịch sử của Giáo Hội theo đường tiệm tiến thẳng đứng, mà qua trận chiến cuối cùng. Chiến thắng của Thiên Chúa trên sự vùng vẫy của sự ác sẽ mang hình thức cuộc Phán Xét Chung sau những biến cố long trời lở đất có tính vũ trụ của thế giới đang qua đi này (số 677).
-------------------------------
Ghi chú
(1) Kabbalah là một môn phái tư tưởng quan tâm tới khía cạnh huyền nhiệm của Do Thái Giáo theo trường phái Rabbi. Họ dùng các giáo huấn thần bí để giải thích mối liên hệ giữa Đấng Tạo Hóa vĩnh hằng, mầu nhiệm và vũ trụ hữu tử, hữu hạn vốn là vật Người tạo nên.
(2) Dù có người cười mà cho rằng họ là thành phần giầu có nhất của xã hội Mỹ, và là các nhóm vận động hành lang đã không tặc ngân sách ngoại viện.
(3) Henry I. Sobel, Judaism And Messianism Ecumenical Trends, May 1982 (Nguyên thủy, Rabbi Sobel trình bày bài này như một diễn văn đọc tại Ủy Ban Quốc Gia Đối Thoại Tôn Giáo Giữa Người Do Thái Giáo Và Người Công Giáo tại Sao Paulo, Brazil, tháng Giêng, 1982.)
(4) Hillel II, cũng được gọi vắn tắt là Hillel, vốn là thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái trong các năm 320 và 385 Công Nguyên, được coi như cha đẻ ra lịch cố định của Do Thái.
(5) Rebbe Akiva ben Yosef (khoảng 50– khoảng 135 Công Nguyên), một thế giá lớn trong các vấn đề về truyền thống Do Thái và là một trong những người đóng góp chủ chốt nhất vào công trình Mishnah (san định các lời truyền khẩu của Do Thái Giáo, tức Torah Truyền Khẩu, và công trình lớn đầu tiên của Do Thái Giáo rabbinic) và công trình Midrash Halakha (bộ phương pháp xưa nhất nghiên cứu và giải thích Thánh Kinh Do Thái)
(6) Cuộc nổi dậy của Bar Kokhba (132–136) chống lại Đế Quốc Rôma. Đây là cuộc nổi dậy thứ ba của người Do Thái và là cuộc nổi dậy sau cùng trong chiến tranh giữa người Do Thái và Rôma. Simon bar Kokhba, viên lãnh tụ của cuộc nổi dậy này, được coi như đấng thiên sai, người anh hùng tái lập Israel. Ông ta dành được độc lập cho Israel trong 2 năm, rồi sau đó bị đạo quân Rôma gồm 12 lữ đoàn đè bẹp.
(7) Nhưng có người cười, cho rằng, mọi người bình đẳng, nhưng sao lại có Dân Riêng?
(8) Henry I. Sobel, tài liệu đã dẫn
(9) Ấn bản dành cho sinh viên, do Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer và Roland E. Murphy biên tập, nhà xuất bản Geoffrey Chapman, 1993
(10) Trang 387, Bản dịch của Lm Nguyễn Luật Khoa OFM và Nữ tu Phạm Thị Huy O.P. Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2007.
(11) Đã dẫn, tr. 389
(12) Đã dẫn, tr. 387.
Vũ Văn An