27/07/2021 -

Suy tư, nghiên cứu

1414



Khi tự cách ly trong phòng khách sạn nhỏ ở thành phố Salt Lake vì bị nhiễm Covid-19, tôi quan sát rất kỹ ảnh hưởng của virus lên sức khỏe của mình.

Đó là tháng 4/2020 ở tiểu bang Utah, Mỹ. Vài ngày đầu, ngoài sốt cao, tôi cảm thấy hơi thở ngày càng khó. Nó đòi hỏi tôi phải ý thức hít mạnh như cơ thể đang đói oxy. Đây là lúc tôi nhận ra, Covid-19 rất khác với các bệnh cảm cúm.

Cổ họng tôi rất rát. Những cơn sốt cao đến và kéo dài. Khi bớt sốt, người tôi cảm thấy mất sức rõ rệt và hơi thở nặng nề hơn. Thêm nữa, những cơn ho có đờm và có độ bám khá lạ. Ở trong phòng một mình, cơ thể yếu đi và tôi cảm thấy lo lắng, nhưng biết rằng sợ hãi không giúp mình kháng bệnh.

Là người nghiên cứu khoa học, tôi tự tra cứu thông tin trên mạng về hệ thống hô hấp và cách não bộ con người điều khiển hơi thở. Một khám phá rất đáng ngạc nhiên, đó là dung tích trung bình bình thường mỗi lần hít vào thở ra của một người chỉ 500 mL không khí trong khi dung lượng tối đa mà phổi có thể sử dụng cho việc hít thở là 4.600 mL. Điều này có nghĩa, bình thường chúng ta chỉ sử dụng khoảng 10% chức năng của phổi.

Cái khó là não con người điều tiết hoạt động hít thở một cách tự động theo bản năng bởi hệ thần kinh thực vật. Chúng ta thường không biết khi nào mình hít vào hay thở ra. Do đó, khi virus công phá hệ hô hấp, ta mất dần khả năng sử dụng 10% đó của phổi và không biết phương án nào thay thế.

Nhưng chúng ta còn những 90% chức năng phổi chưa khai thác, tại sao không tìm cách tận dụng chúng để cơ thể biết cách nâng cao khả năng sử dụng phổi? Và nếu có bị Covid công phá hệ hô hấp thì khả năng vượt qua nguy kịch thiếu oxy cao hơn. Đây chính là một trong những mục tiêu của môn thể dục mind-body mà tôi bắt đầu có ý tưởng xây dựng từ lúc ấy.


Từ nền tảng kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học sức khỏe cùng với kinh nghiệm về Yoga, Khí công và Thái cực quyền, tôi bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn này và dùng chính mình làm thí nghiệm.

Tôi nằm trên giường, dùng tâm trí kiểm soát hơi thở, cố giữ hơi thở sâu và đều. Khi nào ngủ sẽ ngủ, còn khi thức thì kiểm soát hơi thở, hoặc làm một số động tác thể dục nhẹ để máu luân chuyển khắp người.

Hồi còn trẻ, tôi đọc một cuốn sách về Yoga. Trong sách có một câu tôi nhớ mãi: "Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống". Do vậy, tôi không làm gì ngoài việc chăm sóc hơi thở, lắng nghe cơ thể mình khi tự cách ly.

Những ngày sau đó, ho vẫn còn nhưng giảm dần. Sau 10 ngày cách ly, tôi nhận kết quả âm tính và tự lái xe về nhà.

Trở về nhà, tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển phương pháp thở mới, tôi thấy sức khỏe tiến bộ rõ, cơ bắp dẻo dai và mạnh mẽ hơn, tinh thần và giấc ngủ cũng tốt hẳn lên. Sau một năm nghiên cứu và thí nghiệm, kết quả trên cá nhân thật sự ngoài tưởng tượng. Đầu năm 2021, tôi thử nghiệm với hai người bạn lớn tuổi U70, U80 và gần đây với một phụ nữ 36 tuổi, chỉ sau một tháng tập thở mind-body, họ đều thừa nhận sức khỏe tiến triển rất tích cực.

Phương pháp tập thở này dựa trên khoa học thần kinh. Ta dùng ý thức điều khiển hơi thở để tối ưu khả năng sử dụng chức năng của phổi qua việc tăng lượng không khí hít vào, tối ưu khả năng chuyển đổi chất ở phổi và từ đó giúp kích hoạt não bộ tốt hơn do tăng nồng độ oxy lên não. Sự độc đáo thể hiện qua việc hít vào hai lần và thở ra hai lần trong một nhịp thay vì thông thường một lần hít vào và một lần thở ra mỗi nhịp. Phương pháp thở này có thể phối hợp với các động tác di chuyển cơ thể giúp cơ bắp ngày càng dẻo dai, linh hoạt, mạnh mẽ và săn chắc.

Tôi mới chia sẻ trên mạng các video hướng dẫn thở đứng, ngồi và nằm cũng như một số bài thể dục mà mọi người ở mọi lứa tuổi có thể tập tại nhà trong thời gian cách ly xã hội. Khi sức khỏe chúng ta tốt, hệ miễn dịch cũng tốt lên.

Bác sĩ ở Việt Nam đã bắt đầu hướng dẫn F0 và F1 cách thở tại nhà. Với tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, bạn có hai lựa chọn trong lúc cách ly xã hội ở nhà: Ngồi chờ ngày chích vaccine nhưng chưa biết khi nào và tập thể dục - đặc biệt tập thở để tăng cường năng lực của phổi, từ đó tăng cường khả năng chống dịch nếu bị nhiễm virus.

Khi nhà nước đang triển khai các phương án nhằm chống Covid-19 lan rộng, tôi cho rằng việc tập trung cải thiện sức khỏe từng cá nhân là một "phương án chống dịch" tích cực, đỡ tốn kém và lành mạnh.

Khi tưởng như không thể làm gì, sống chậm giúp ta nhìn lại những điều thật sự quan trọng với mình và gia đình. Mình không chỉ sống cho mình mà còn cho những người xung quanh.

Trương Nguyện Thành

Nguồn Thở để chốn​g dịch (vnexpress.net)

114.864864865135.135135135250