19/06/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

4763
Thánh Tâm Chúa Giêsu nói cho chúng ta điều gì? Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người. Nó là suối nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới. Chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân.” Đó là lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi quảng diễn về hình ảnh thánh Tâm Chúa Giêsu với gần 80.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu khi tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin chung với Người, tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 09-06-2013.
Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng sáu cách đặc biệt để ca tụng Chúa Giêsu và tôn vinh tình yêu của Người được diễn tả qua Thánh Tâm.
Thánh tâm Chúa, minh chứng tình yêu tột đỉnh
Trái tim là tâm điểm của tình yêu. Nói tới tình yêu Thiên Chúa là nói Trái tim rất thánh Chúa Giêsu, hay thánh tâm Chúa Giêsu. Từ thánh tâm Chúa, suối nguồn ơn cứu độ tuôn chảy dạt dào đêm ngày. Nơi đó, chúng ta được mời gọi tận hưởng mạch tình yêu, nguồn ơn cứu độ, như lời thánh thi Kinh chiều I, Thánh Tâm Chúa ca rằng:
“Ôi suối mạch của tình yêu tuyệt đối
Từ thánh tâm dào dạt chảy đêm ngày
Hỡi muôn người muôn nước, hãy về đây
Hoan hỷ uống tận nguồn ơn cứu độ.”
Mạch suối của tình yêu tuyệt đối ấy là nguồn Nước và Máu từ cạnh sườn Chúa Giêsu tuôn trào khi bị tên linh đâm thâu cạnh sườn, trong cuộc khổ nạn.[1] Nước tượng trưng cho Thần Khí thanh tẩy và thánh hoá chúng ta. Máu là biểu tượng của sự sống mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta qua cái chết cứu độ của Người.
Hình ảnh Chúa chịu treo trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu cùng Nước và Máu chảy ra, là minh chứng tột đỉnh của Lời Tình Yêu. Đó là một tình yêu đến tận cùng được trao ban cho con người. Tình yêu đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta.[2]. Quả thực, vì tội lỗi của con người mà Chúa Giêsu đã hiến trao chính mạng sống mình cho con người, là sự hủy mình ra không, để phục hồi phẩm giá cho con người. [3]
Đức Piô XII, trong thông điệp “Haurietis aquas”, viết rằng “Thánh tâm Chúa giêsu bị đâm thâu, vì tội lỗi chúng ta và để cứu chuộc chúng ta được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà đấng cứu thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và danh cho mọi người không loại trừ ai.”[4]
Thánh Tâm Chúa nói lên một tình yêu cao vời khôn sánh của Thiên Chúa Cha đối với con người, ngang qua Chúa Giêsu. Đó là một bằng chứng hùng hồn nhất cho tình yêu. Chúa yêu thương con người nhiều, nên Người cũng sẽ thứ tha nhiều cho con người.
Thánh tâm chúa, lời thứ tha của Thiên Chúa cho con người
Khi hiện ra với thánh Margarita Maria Alacoque ở Paray-le-Monial nước Pháp, vào những năm cuối thế kỷ XVII, Chúa Giêsu đã mở rộng Trái Tim của Người và phán rằng: “Con hãy xem Trái Tim này yêu dấu loài người quá bội, không giữ lại gì cho mình, đến nỗi đã hoàn toàn cạn kiệt để tỏ cho họ thấy tình thương. Đáp lại, Ta chẳng nhận được gì ngoài sự vô ơn bạc nghĩa, vì những thái độ bất kính và phạm thánh, vì sự nguội lạnh và khinh dể họ dành cho Ta nơi bí tích tình yêu”.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là suối nguồn tình yêu bởi Thiên Chúa là Tình yêu.[5] Vì yêu thương con người, nên Thiên Chúa thứ tha tất cả và giao hòa cùng con người. Tha thứ chính là hoa quả dịu ngọt của tình yêu. Dầu cho con người vô ơn bạc nghĩa, bội tín bất trung, nhưng Thánh Tâm Chúa vẫn rộng mở yêu thương và tuôn trào sự sống. Lòng bao dung nhân từ của Thánh Tâm Chúa vẫn không ngừng quảng đại tha thứ và đón nhận con người. Thánh tâm Chúa chính là hòm bia mang lề luật, nhưng là lề luật của sự yêu thương, của sự nghĩa tình và của sự tha thứ, như tác giả Thánh thi Kinh Sách, lễ Thánh Tâm Chúa, thốt rằng:
“Thánh tâm hỡi, hòm bia mang lề luật,
chẳng phải lề luật nô lệ xa xưa,
nhưng luật yêu thương tình nghĩa, mặn mà,
luật tha thứ và từ bi rất mực!”.
Trong những thông điệp lòng thương xót Thiên Chúa, từ những năm 1931 đến 1938, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta những chân lý này, ngang qua những lần hiện ra với chị Faustina Kowalska[6]: Thiên Chúa yêu thương hết mọi người chúng ta, dầu cho tội lỗi chúng ta cỡ nào. Lòng thương xót Chúa còn lớn hơn tội lỗi chúng ta.
Thánh Tâm chúa là lời thứ tha của Thiên Chúa cho con người đến tận căn. Đó là nguồn Nước và Máu đã tuôn trào từ thánh tâm Chúa Giêsu Kitô, như thác nguồn thương xót chúng ta.
Phần chúng ta
Đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân. Khi sống kiêm nhường là lúc chúng ta đã sống tâm tình như chính Đức Kitô, và đã họa lại được đặc tính của Thánh Tâm Chúa.[7] Lúc tỏ lòng thương xót với tha nhân, cũng là thời khắc chúng ta đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa và để lòng thương xót của Người tràn qua bản thân chúng ta sang cho kẻ khác.
 Tình Yêu từ Thánh Tâm Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta học bài học vâng phục. Đó là bài học vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, biểu lộ qua cái chết trên thập giá. Dẫu biết rằng, cuộc sống đa sắc màu và chẳng như ý muốn của chúng ta, nhưng trong từng ngày sống, và trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy học cách vâng phục và tìm hiểu thánh ý Chúa Cha, bằng việc hỏi ý Chúa Cha muốn chúng ta làm những gì và làm thế nào để đẹp lòng Ngài?
Tạm kết,
Thánh tâm Chúa Giêsu chính là suối nguồn tình yêu. Nơi suối hoan lạc, Ngài cho chúng con uống thỏa thuê.[8] Với lòng đạo đức bình dân, tôn thờ thánh tâm Chúa là yếu tố nòng cốt của Đức tin công giáo chúng ta, như Đức Piô XI và Piô XII đã nói: “Tôn thờ thánh tâm Chúa Giêsu là điểm cốt yếu của đạo chúng ta.”.  Riêng Đức Lêô XIII đã hiến dâng toàn thể nhân loại cho thánh Tâm Chúa. Năm 1899, chính Ngài đã chính thức thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo hội.
Ngước nhìn Thánh Tâm Chúa, xin cho trái tim của chúng ta tháp nhập vào suối nguồn tình yêu của Người, bởi vì “Người nhìn đến, yêu thương và chờ đợi chúng ta, bằng tất cả trái tim, tất cả lòng thương xót. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu với lòng phó thác, Người luôn tha thứ cho chúng ta.”[9]

 
Jos. Nguyễn Giới,OP
 
[1] Xc. Ga 19,34.
[2] Xc. 1Ga 3,16.
[3] Xc. Pl 2, 6-11 ; Ga 15,13.
[4] Xc. Piô XII, TĐ “Haurietis aquas”, DS 3924; x. DS 3812.
[5] X. 1Ga 4,8.
[6] Faustina Kowalska được Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II tôn phong hiển thánh, ngày 30.04.2000.
[7] X. Pl 2,5-7.
[8] X. Điệp ca kinh sách, lễ Thánh Tâm Chúa.
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, Linh Tiến Khải chuyển ngữ, “Thánh Tâm Chúa Giêsu là tình yêu tinh tuyền và lòng thương xót thứ tha”, Vatican,  09.06.2013.
 
114.864864865135.135135135250