Ngày về quê tạ ơn thụ phong Linh mục, trước mặt bá quan văn võ họ hàng đông đúc, bà ngồi trên đi-văng chóp chép nhai trầu. Người ta bảo “miếng trầu là đầu câu chuyện”, tiếc là người ta không nói rõ đó là chuyện buồn hay là chuyện vui nên lắm lúc cũng dở khóc dở cười. Lia miếng trầu qua bên mép như để dành môi cho một việc hệ trọng, bà chép miệng thong thả bảo: “Mới ngày nào còn bú bà mà nay đã làm cha rồi”. Mọi người ồ lên cười vì “thằng bú bà làm cha”, còn tôi thì đỏ mặt tía tai xấu hổ vì “thằng làm cha bú bà”. Cũng phải công nhận cái ánh mắt trìu mến chân thành pha chút hồ hởi hãnh diện của bà làm cho người nghe tưởng chuyện “mới ngày nào” là chuyện vừa mới xảy ra hôm qua hôm kia đây thôi!
Thực sự thì tôi cũng chẳng nhớ mình có bú bà hay không, chỉ nghe nói là trước cái năm 1975 cuộc sống khó khăn lắm. Bố đi lính, mẹ làm ruộng, mỗi lần tôi khóc không có mẹ là bà lại chạy sang cho ngậm nhờ tí “da” gọi là… cho đỡ nhớ, thế thôi! Thật ra thì còn bé ai mà chẳng có lần “ăn chực, bú rình”, không phải cô, dì, thím, mợ thì cũng là bà hàng xóm, còn tôi là… bà nội.
Sau một vài phút trấn tĩnh, tôi thấy chuyện bà nhắc tôi bú bà trong ngày tôi tạ ơn thụ phong Linh mục nó mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Có thể là tôi bú, và cũng có thể là tôi không bú, nhưng có điều chắc chắn là bố tôi bú. Cái dòng sữa của bà chảy qua bố tôi, và từ bố tôi truyền qua tôi. Cái dòng sữa đức tin của bà, dòng sữa đạo đức của bà cũng theo con đường ấy chảy đến bố tôi, rồi từ bố tôi chảy tiếp qua tôi, để kết tụ thành thánh chức Linh mục nơi tôi. Tôi được làm Linh mục là do được Chúa yêu thương tuyển chọn, nhưng không thể phủ nhận một phần công lao không nhỏ cũng là do được… bú bà.
Gần đến ngày lễ kính hai thánh Gioakim và Anna, lục lọi trong Kinh Thánh không thấy có chỗ nào nói về các ngài, thậm chí là không có nguồn tài liệu nào khẳng định các ngài là đấng sinh thành ra Đức Maria cả. Thế nhưng, nhìn vào Đức Maria với các nhân đức nổi bật đến nỗi Thiên Chúa hoàn toàn tin tưởng trao cho Mẹ sứ vụ làm Mẹ Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, phải có một dòng sữa đạo đức thánh thiện nào đó chảy xuống từ cha mẹ của Người, thì mới có thể kết tinh thành các nhân đức sáng chói nơi Mẹ như vậy được.
Thánh Gioakim và Thánh Anna, dù cho có những giả thuyết khác nhau nói về gia cảnh các ngài, thì điều đó cũng không quan trọng. Theo truyền thống đạo đức trong Giáo Hội, các ngài đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.
Mừng lễ hai thánh Gioakim và Anna, cũng là dịp chúng ta được mời gọi nhìn lại trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, làm ông làm bà với con cháu. Chúng ta không chỉ sống cho chúng ta, không chỉ lo hưởng thụ, mà còn phải làm sống lại các truyền thống đạo đức và chuyển trao chúng lại cho con cháu. Con cháu mai sau sẽ ra sao cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ của mỗi người chúng ta.
Gã Khờ