SUY TƯ VỀ NIỀM HY VỌNG
VÀ SỰ SỐNG MỚI SAU PHỤC SINH
Thomas Rosica, CSB
(“L’OSSERVATORE ROMANO”, ấn bản Anh ngữ, 22/04/2009)
Bài học của các nhân chứng Phục Sinh
Chúng ta vẫn còn đang đắm mình dưới ánh hồng của Sự Sống Lại và các ngày lễ mùa Phục Sinh. Các bài đọc trong mùa này đầy dẫy những cuộc gặp gỡ và hình ảnh nói lên niềm hy vọng và điều gì đó mới mẻ. Dầu hiểu các câu chuyện Phục Sinh như thế nào đi chăng nữa thì chúng cũng trình bày cho chúng ta một khởi đầu rất mong manh của một tôn giáo hầu như đã tồn tại suốt 2000 năm và đây cũng là điểm tập trung chú ý của rất nhiều người trong chúng ta: về ngôi mộ lúc ấy, về buổi sáng hôm ấy, về những gì đã xảy ra hoặc không xảy ra ở nơi ấy và làm thế nào giải thích cho những ai xem ra không tin vào nó nữa. Nên nhớ rằng không ai đã từng thấy điều gì xảy ra vào buổi sáng Phục Sinh.
Những gì xảy ra trong ngôi mộ hoàn toàn là chuyện giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa. Còn đối với chúng ta, Phục Sinh chỉ bắt đầu vào lúc người làm vườn gọi “Maria!” và Maria biết người gọi đó là ai. Đây mới chính là nơi phép lạ đã xảy ra và tiếp tục xảy ra – không phải trong ngôi mộ nhưng trong cuộc gặp gỡ với Chúa Hằng Sống. Phục Sinh hệ tại ở những cuộc hiện ra này và kinh nghiệm của các chứng nhân Phục Sinh đầu tiên này có thể cho chúng ta biết nhiều về bằng chứng thật sự của sự Phục Sinh.
Bài học lúc đi đường: các môn đệ làng Emmaus
Chúng ta hãy xem bài học đầu tiên của hai môn đệ trên đường về Emmaus. Câu chuyện rất đời thường này do Thánh Luca kể lại (Lc 24, 13-35), đầy cảm động, văn vẻ khéo léo, gợi ý đến cử hành Thánh Thể (cc. 30-32). Các môn đệ nêu câu hỏi và những nghi hoặc (cc. 13-24); Thánh Kinh được trích dẫn (c. 27); trao đổi những lời giải thích và hướng dẫn trên đường đi (cc. 25-27); và cuối cùng, giây phút nhận biết trong bối cảnh một bữa ăn (c. 31). Câu chuyện kết thúc khi các môn đệ quay trở về Giêrusalem, chỉ để biết rằng tin mừng Phục Sinh cũng đã được loan báo cho những người kiên tâm chờ đợi Đức Giêsu ở Thành Thánh.
Đức Giêsu tiếp cận các môn đệ đang trong tình trạng tối tăm trên đường đi để rồi dẫn đưa họ đến ánh sáng. Ngay khi họ nhận ra ngài lúc bẻ bánh thì ngài biến mất. Cả hai chỉ biết nhìn lui lại một vài giờ trước đó để rồi nhận ra Đức Giêsu đã dần dần củng cố đức tin của họ như thế nào (c. 32) và giúp họ khám phá ra ý nghĩa sự đau khổ, cái chết và Phục Sinh của Đấng Cứu Thế.
Cleopas và người đồng hành từ từ đi băng ngang qua miền tối tăm và thất vọng của niềm tin. Họ phát hiện ra sự mới mẻ của Lời Chúa và Sứ Giả của Chúa: Chúa Phục Sinh. Sự buồn phiền, không hiểu biết và mất niềm tin đã biến thành niềm vui khi họ nôn nóng nghe giải thích Kinh Thánh trên đường đi, và rồi mắt họ mở ra ngay tại bàn ăn tại Emmaus. “Tin Mừng” bước xuống từ cái đầu cho đến trái tim, và họ cảm thấy một cảm giác lạ lùng, kỳ diệu sôi sục trong trái tim mình.
Chủ đề “hành trình” của đoạn này không chỉ là vấn đề khoảng cách từ Giêrusalem và Emmaus, nhưng còn là hành trình tiệm tiến và khó nhọc của Lời Chúa phải đi từ cái đầu xuống đến trái tim; hành trình đi đến đức tin, một cuộc trở về với mối thâm giao cùng người khách lạ mà không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu. Hình ảnh người môn đệ thất vọng của Thánh sử Luca có thể giúp chúng ta nhận ra sự dằn vặt khó nhọc dành cho thế giới này, dành cho mỗi người chúng ta để nhường chổ cho mục đích của Thiên Chúa được thực hiện. Các môn đệ của Đức Giêsu không thể hiểu được ngài phải chịu đau khổ và sự thất bại này có dây mơ rễ má với hàng loạt thất bại cá nhân khác trong Kinh Thánh.
Thiên Chúa luôn lắng nghe chúng ta và luôn hiện diện ở đó kịp thời. Lắng nghe các môn đệ: đó là một phần trong phương pháp sư phạm của Chúa, đặc biệt khi gặp khó khăn, khi ai đó quỵ ngã, cảm thấy nghi ngờ, vỡ mộng và thất vọng. Lời ngài làm cho trái tim họ “bừng cháy”, cứu họ khỏi tăm tối của buồn sầu và thất vọng, gợi lên trong họ ước muốn ở với ngài: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con!
Các môn đệ thất vọng chỉ bắt đầu thay đổi sau khi được Đức Kitô phục sinh soi sáng, ngài đã dùng Kinh Thánh để giải thích Thiên Chúa đã hành động như thế nào trong một thế giới phản kháng, giữa những con người phản kháng và tội lỗi như chúng ta. Đây là một chiến thắng ngược đời bởi vì chính những sức mạnh phản kháng và kinh nghiệm đau khổ cũng như tội lỗi đã trở thành phương tiện để mục đích của Thiên Chúa được thực hiện trong thế giới! Đối Cleopas và người đồng hành vô danh vào ngày Phục Sinh đầu tiên ấy, hành trình của họ là một tiến trình tiệm tiến, khó nhọc đòi hỏi phải cẩn thận nhớ lại và lắp ráp những biến cố của lịch sử cứu độ nằm trong Thánh Kinh, cùng với kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh. Đây cũng là tiến trình dành cho các Kitô hữu thế kỷ 21, họ cũng phải tiếp tục chú giải Thánh Kinh trong thời đại này, và bước ra từ cái nhìn tràn đầy đức tin để loan truyền và sống kinh nghiệm của Đấng đã thật sự sống lại từ cõi chết.
Các chứng nhân Phục Sinh trong Tin Mừng thứ tư
Câu chuyện Phục Sinh của Thánh Gioan (chương 20-21) là một loạt những cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với các môn đệ đã cho thấy những phản ứng đức tin khác nhau. Dầu là gặp gỡ với Simon Phêrô hay môn đệ Chúa yêu, Maria Mađalêna, với các môn đệ hay Tôma, toàn kịch bản cho chúng ta biết rằng trong lãnh vực niềm tin có nhiều mức độ sẵn sàng khác nhau cũng như nhiều yếu tố khác nhau giúp người ta có đức tin và trở thành những chứng nhân và thầy dạy.
Cuộc chạy đua buổi sáng đến Ngôi Mộ (Ga 20, 3-5)
Vì rằng Gioan hay nói ẩn dụ nên nhiều người cố giải thích thông điệp đã được mã hoá trong cuộc chạy đua của Phêrô và người môn đệ Chúa yêu đến ngôi mộ. Có phải đơn giản chỉ là vấn đề người môn đệ Chúa yêu trẻ trung hơn và nhanh nhẹn hơn Phêrô? Hoặc đây có thể là hình ảnh đại diện cho hai “khuynh hướng” trong giáo hội sơ thời, và có thể ngầm ý nói đến cuộc xung đột trong cộng đoàn của thánh Gioan – Phêrô đại diện cho khuôn mẫu có đầu óc quyền bính, truyền thống và cứng nhắc hơn, còn người môn đệ Chúa yêu đại diện cho khuôn mẫu đoàn sủng, đầy Thánh Thần, nhiệt tình và ít cơ cấu hơn mà có thể đã chiếm ưu thế trong cộng đoàn của Thánh Gioan?
Có phải người môn đệ Chúa yêu được xem như nguồn gốc của một phong trào đòi hỏi phải có một cái nhìn thiêng liêng sâu xa hơn về căn tính của Đức Giêsu mà có thể ngay từ thời đầu họ đã bị các cộng đoàn “chính truyền” gạt bỏ sang một bên? Có thể người môn đệ Chúa yêu đến trước tượng trưng cho cuộc chạy nước rút của những người được dẫn dắt bởi trái tim và kinh nghiệm cá nhân về Đức Giêsu, nhưng sự kiện ông phải chờ ở ngoài để Phêrô vào trước muốn nói lên sự tôn kính nào đó đối với quyền lãnh đạo Giáo Hội đã được chỉ định cách chính đáng?
Càng gần gũi Đức Giêsu khi còn sống (Ga 13, 23) lẫn lúc chết (19, 26-27), người môn đệ Chúa yêu nhìn thấy ý nghĩa của tấm khăn vất lại bên ngôi mộ trống trong khi Phêrô không hiểu (20, 8-10). Người môn đệ thân cận nhất trong tình yêu với Đức Giêsu đã là người nhanh chân nhất tìm kiếm ngài và là người đầu tiên tin vào ngài. Nhưng ông tin điều gì? Thánh Gioan không cho chúng ta biết. Ông chỉ tin, rồi ông và Phêrô trở về nhà mà không trao đổi với nhau một lời nào.
Phần còn lại của câu chuyện thuộc về Maria. Bà là người duy nhất nhìn thấy các thiên thần trong khi Phêrô và người môn đệ Chúa yêu không thấy. Họ không thấy gì ngoài ngôi mộ trống và hai cuộn vải trong đó. Nói cách khác, họ không thấy gì ngoài sự trống rỗng và vắng mặt và trên nền tảng đó ít nhất một người trong họ đã tin, mặc dầu chả có ai hiểu gì hết.
Maria Mađalêna
Maria Mađalêna, Maria ở
Đức Giêsu sống trong xã hội phụ quyền. Đàn bà là tài sản, trước hết là của cha mẹ rồi đến chồng họ; họ không có quyền lên tiếng cũng không được học luật Torah. Trong bầu khí cấm đoán này, Đức Giêsu đã hành động không e dè, chấp nhận phụ nữ, vinh danh họ, tôn trọng họ và trân trọng tình bằng hữu với họ. Ngài đi đường cùng họ, đụng chạm và chữa lành họ, yêu thương họ và họ yêu thương ngài.
Trong các Tin Mừng đọc mùa Phục Sinh, một lần nữa vào buổi sáng sớm chúng ta thấy được nỗi buồn khi Maria Mađalêna đã khóc ròng nơi ngôi mộ của người bạn Giêsu. Chúng ta lại nghe qua mẫu đối thoại của họ: “Này bà, sao bà khóc? Bà đang tìm ai?”. “… Thưa ông, nếu ông đã đem xác ngài đi thì hãy nói cho tôi biết ông đã để xác ngài ở đâu, tôi sẽ đến lấy”. Đức Giêsu gọi: “Maria!”. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hebreu, “Rabboni!”…. “Đừng chạm vào ta vì ta chưa lên cùng Cha; Nhưng hãy đi báo tin các anh em rằng ta về cùng Cha cũng là Cha của anh em, về cùng Chúa ta cũng là Chúa của anh em”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ, “Tôi đã gặp được Chúa (Ga 20, 15- 18).
Vì thông điệp và nhiệm vụ này nên Maria Mađalêna xứng đáng được gọi “Apostola Apostolorum” (Tông đồ cho các tông đồ) vào thời giáo hội sơ khai bởi vì bà là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Phục Sinh và đã loan báo sự Phục Sinh của ngài cho các tông đồ khác.
Tôma tông đồ
Câu chuyện của Gioan về Đức Giêsu và Tôma đã ghi lại cuộc hiện ra đầu tiên sau phục sinh của Đức Giêsu và cho ta thấy một kinh nghiệm mẫu mực về sự nghi ngờ, đấu tranh và đức tin. Đây là kinh nghiệm của mọi Kitô hữu: tin mà không thấy. Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có một câu chuyện nằm trong một câu chuyện: sự giải quyết mối nghi ngờ của Tôma trong khi Đức Giêsu hiện ra để khuyến khích các môn đệ đang sợ hãi. Tôma chỉ tin khi ông nghe Chúa kêu gọi niềm tin. Tôma không nghi ngờ luôn mãi, không phải là hạng người cứng đầu như truyền thống Kitô giáo thường vẽ nên. Từ vựng Hy Lạp dịch chữ “skepsis” là “nghi ngờ, do dự, hoài nghi”.
Chúng ta làm gì khi một điều gì đó mà ta hoàn toàn gắn bó lại sụp đổ ngay trước mắt chúng ta? Ta phải làm gì khi một ai đó mà ta hoàn toàn trung thành lại đột nhiên bị nghiền nát bởi các cơ chế dấu mặt và có thế lực? Và ta phải làm gì trong khi phản ứng tức thì lúc gặp khủng hoảng là bỏ chạy và lẫn trốn vì sợ đám đông đang cuồng nộ? Đây là những vấn đề của hầu hết những người đã ủng hộ và theo Đức Giêsu trong ba năm.
Cả Đức Giêsu và Tôma đều bị thương tích bởi sự không tin. Đức Giêsu chết vì những thương tích do lòng kém tin của các môn đệ và dân chúng. Tôma bị thương tích vì thiếu khả năng tin và từ vết thương này sinh ra nỗi thất vọng vô cùng. Nhưng Tôma đã được chữa lành bởi thương tích của Đức Giêsu. Ông đã thấy, thậm chí chạm vào những thương tích chết người mà người mang những thương tích đó lại đang sống rành rành. Qua những vết thương đó, sự sống đã chiến thắng nơi Tôma. Tôma đã phải thận trọng lần tìm con đường đi đến đức tin cho đến khi ông nhận ra chân lý trong tâm hồn ông. Đây chính là lúc bắt đầu cho lễ Phục Sinh của ông. Ông đã có thể tin trở lại.
Tôma, kẻ nghi ngờ, đã được phép làm điều gì đó mà tất cả chúng ta đều thích làm. Ông được phép đụng chạm và “kinh nghiệm” một điều mà với những phương tiện nhân loại thì không thể được. Còn chúng ta hẳn gặp khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta cần bắt đầu với đức tin và rồi lần mò tìm đường dẫn đến trọng tâm của đời sống chúng ta.
Nhiều thế kỷ sau Tôma, chúng ta vẫn luôn biết ơn tính chân thật và nhân tính nơi cuộc đấu tranh của ông. Từ ngữ cuối cùng trong ngôn ngữ của Chúa là tín nhiệm chứ không phản bội, hy vọng chứ không tuyệt vọng, sống chứ không phải chết. Mặc dầu chúng ta biết rất ít về Tôma, về gia đình và số phận của ngài, nhưng ta đã có một ám hiệu quan trọng để khám phá căn tính của ngài qua tên Διδυμος trong tiếng Hy Lạp: Tôma biệt danh là “Didymous”, nghĩa là “song sinh”. Ai là nửa kia của Tôma? Người anh em song sinh của ngài? Ta có thể nhìn thấy người anh em song sinh này khi nhìn vào trong gương. Nửa kia của Tôma là bất cứ ai đã phải chiến đấu vất vả vì sự không tin, nghi ngờ và thất vọng, và đã cho phép sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh biến đổi mình.
Đức Giêsu và Phêrô
Câu chuyện giữa Đức Giêsu và Phêrô được dàn dựng trước bối cảnh tuyệt đẹp là vùng biển cả. Chương 21 thật sự là đoạn kết của Tin Mừng thứ tư, là “bản giao hưởng gồm hai phần. Phần đầu (cc. 1-14) tả lại cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với các môn đệ “bên biển hồ Tibêria”, nhắc đến cá và công việc thuyền chài. Phần hai (cc.15- 23) là cuộc đối thoại nhức nhối giữa Đức Giêsu và Phêrô, nhắc quan đến chiên và công việc chăn chiên. Phêrô hẳn dĩ đã thất bại trên con đường làm tông đồ. Người môn đệ từng mệnh danh là “Đá” đã hối hận khóc ròng trong Luca 22, 62 sau khi chối Chúa. Giờ đây trước biển cả, ngài được ban cho cơ hội chuộc lỗi và gắn bó với Đức Giêsu.
Câu chuyện bắt đầu cách nhẹ nhàng, pha lẫn chút ảm đạm. Khi Phêrô quyết định đi đánh cá, có đôi chút lẫn tránh trong đó, nỗi chán nản và thất vọng mà ngài và các môn đệ khác đã kinh nghiệm sau cái chết của Đức Giêsu. Phêrô đơn giản chỉ quay về nghề nghiệp cũ. Rồi sự xuất hiện của Đức Giêsu được bí ẩn bao bọc trong bầu khí “không biết ngài là ai” quen thuộc mà chúng ta thường gặp thấy nơi các tác giả Tin Mừng.
Phần hai là một trong những câu chuyện cảm động và riêng tư nhất trong Kinh Thánh. “Simon, con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? Con có mến Thầy không? Con có là bạn hữu của Thầy không?” (Ga 21,15). Những lời được lập lại ba lần này luôn bắt đầu bằng việc lập lại tên họ “Simon, con Gioan” đã hình thành nên một uỷ nhiệm thư mục vụ sau đó: “Hãy chăn các chiên của Ta”. Ba lần Phêrô chối Chúa Giêsu trong phiên toà và nơi hành hình giờ đây đã được “cancel” (hủy bỏ) bằng ba lần công bố tình yêu. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua tâm trí chúng ta, và ngay cả Phêrô nữa: Tại sao Đức Giêsu lại hỏi Phêrô câu hỏi này chứ không là những câu hỏi khác – Phêrô, người mà ngài sắp trao nhiệm vụ mục vụ như là vị chủ chăn? Ta có thể tưởng tượng ra được có nhiều câu hỏi để trao nhiệm vụ cách thích hợp hơn. Chẳng hạn: “Simon, con Gioan, con có ý thức trách nhiệm mà con sắp lãnh nhận không? Con biết có bao nhiêu người đang cần con giúp đỡ không: những người nghèo, đói khát, bệnh tật, túng thiếu và cô đơn? Con có tìm ra đủ bánh để cho họ ăn không?”
Nhưng Đức Giêsu đã thâu tóm tất cả các câu hỏi lại thành một câu cơ bản duy nhất, được lập lại với hai động từ khác nhau trong tiếng Hy Lạp để chỉ những sắc thái khác nhau trong tình yêu và tình bằng hữu: “Simon, con Gioan, con có yêm mến Thầy không? Con có thật sự là bằng hữu của Thầy không?”. Dường như đây là câu hỏi chính yếu, thật sự là câu hỏi duy nhất vì nó đi thẳng vào trái tim của một con người.
Mỗi lần Phêrô tuyên xưng tình yêu của mình là kèm theo lệnh truyền của Chúa phải làm những gì mà một tình yêu thật sự thúc bách chúng ta: “Hãy chăn các chiên Ta”. Ta có thể hiểu được sự buồn phiền của Phêrô. Không dễ dàng gì khi lời nói yêu của mình bị kiểm tra. Nhưng mọi Kitô hữu đều phải biết rằng tình yêu thật sự luôn phải được kiểm chứng. Tình yêu đó đã triển nở vì Phêrô không cần phải huyênh hoang về lòng trung thành của mình nữa nhưng đã để cho Chúa Phục Sinh nhìn tận chính trái tim mình: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Đức Giêsu không chỉ tha thứ tội lỗi của ngài nhưng còn giao trọng trách chăm sóc đàn chiên, những đòi hỏi và trách nhiệm mới.
Phêrô thật sự là một mẫu gương cho chúng ta vì ngài luôn nhớ đến lầm lỗi của chính mình khi lãnh nhận quyền lãnh đạo trong giáo hội. Thay vì điều đó làm cho ngài thiếu tư cách thì mỗi khi nhớ lại lỗi lầm đã làm cho ngài trở thành một thủ lãnh khoan dung và đầy lòng trắc ẩn.
Khi đến với tha nhân chúng ta có nhớ lại những lỗi lầm của chúng ta không? Loại tình thân nào mà Chúa đang kêu gọi chúng ta vào thời điểm này trong cuộc sống? Với những ai? Khi tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu, chúng ta có hiểu ra trách nhiệm của chúng ta không? Trách nhiệm và đòi hỏi nào? Phêrô đã thuộc nằm lòng bài học, ngài noi gương Đức Giêsu suốt quãng đường đời còn lại đến nỗi đã cho đi sự sống như một vị tử đạo, chết treo ngược thập giá trên đồi
Trao ban trọng trách
Chia tay là thời khắc chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt giữa những người bạn và những người yêu nhau. Hãy nhìn lại cuộc chia ly cảm động trong đoạn kết Tin Mừng Matthêu (Mt 28, 16-20). Cảnh này thuật lại những giây phút cuối của Đức Giêsu trên trần gian và sự uỷ thác trọng trách cho Giáo Hội: “Hãy đi và thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều ta đã truyền cho các con. Và hãy nhớ rằng ta luôn ở cùng các con cho đến tận thế” (19-20).
Hãy dừng lại giây phút để nhìn lại quý ông quý bà được trao ban trọng trách trên ngọn núi Galilê. Mỗi người đều mang đầy sự yếu đuối nhân loại. Người thì phản bội. Sợ hãi và run rẩy đã làm cho tất cả họ thành những kẻ trốn chạy. Người thì chối Chúa và ân hận cách cay đắng. Chỉ khi người mệnh danh là “Đá” này nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của việc chối Chúa thì sứ vụ thủ lãnh Giáo Hội và hiệp nhất mới được đặt lên vai mình. Còn hai người khác, Giacôbê và Gioan, thì trắng trợn phơi bày tham vọng rằng mình mới đủ tư cách lèo lái thế gian này!
Có thể vài người đã đặt câu hỏi vì họ không hiểu hết sứ điệp và cuộc sống của Thầy mình. Thê thảm thật … song Tin Mừng Matthêu nói rằng: “Mười một môn đệ” tìm đường lên núi mà Đức Giêsu đã chỉ cho họ. Không còn là nhóm Mười Hai nữa, đây là con số kỳ diệu làm cho họ có được sự liên tục với lịch sử lâu dài của Do Thái giáo. Con số mười một nói lên rằng một người đã bỏ cuộc, một người đã thất bại. Song vượt qua nhân tính và sự thất bại, mười một người đã được tín thác thực hiện mơ ước của Chúa Phục Sinh.
Như Chúa Phục Sinh tin tưởng những con người thảm hại, bất xứng, ngài cũng tin tưởng chúng ta. Ý nghĩa trọn vẹn của ngày Thăng Thiên nhắc nhớ rằng Đức Kitô chấp nhận sự thiếu tự tin của chúng ta. Ngài chấp nhận những mảng tối trong nhân tính của chúng ta. Ngài chấp nhận rằng chúng ta có thể lừa dối, phản bội, tham lam và hám quyền. Khi đã chấp nhận, ngài mời gọi, trao ban cho chúng ta sứ mạng làm dân ngài mãi mãi: mặc chúng ta thế nào và vì chúng ta.
Luca nhắc đến Thăng Thiên trong sách Tông Đồ Công Vụ (Lc 1, 10-11). Lời của thiên thần nói với “những người Galilê” trong Công Vụ thật sâu sắc: “Các anh đứng nhìn trời làm chi? Đức Giêsu vừa rời xa sẽ trở lại như các anh thấy ngài lên trời”. Giêsu biến mất khỏi cái nhìn thể lý. Chỉ khi xa cách thể lý khỏi bối cảnh lịch sử thì sự kết hợp thiêng liêng của ngài với toàn thể thế giới trong mọi thời đại mới trở nên trọn vẹn.
Các môn đệ được căn dặn lần cuối. “Đừng cố nhìn vào tương lai. Đừng quá quan tâm đến giờ nào ngài sẽ trở lại”. Chúng ta không nên đứng nhìn vu vơ lên khung trời và hối tiếc về quá khứ, hãy chôn vùi nó trong bàn tay và trái tim của Thiên Chúa, bằng không thì ta chẳng làm được việc gì. Chúa sẽ được vinh danh và các môn đệ ngài cũng sẽ được chia sẻ vinh quang. Hãy tiến buớc và mang một mảnh trời vào trong thế giới. Đây là ý nghĩa của Phục Sinh và Thăng Thiên, không phải là Chúa bỏ rơi con người nhưng là sự trao quyền của Thiên Chúa để thực hiện giấc mơ Tin Mừng!
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính