07/10/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

2659

I. THIÊN CHÚA NGỎ LỜI VỚI CON NGƯỜI

1. Mừng vui lên 

 
Để khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha đã chọn thứ Bảy đầu tháng Mân Côi (4/10/2014), với mong ước xin Mẹ dìu dắt và giữ gìn Giáo phận trong bước đường đi tới tương lai.

Để khám phá ra tình thương của Chúa dành cho nhân loại, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm bản văn Lc 1,26-38, trình thuật về biến cố truyền tin cho Đức Maria. Thiên Chúa ngỏ lời trực tiếp với con người. Hay đúng hơn là ơn gọi và sứ mạng đã được trao cho Mẹ. Đây là mầu nhiệm đầu tiên trong hai mươi mầu nhiệm của Chúa và Mẹ (Vui, Sáng, Thương, Mừng).

Sứ thần Gabriel cất lời chào: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28) Lời chào này gợi nhớ lời sấm của Xôphônia (3,14) và Dacaria (9,9), ngỏ lời với nữ tử Sion cũng như với dân Chúa.

“Mừng vui lên”, điều đầu tiên Đức Maria nhận từ thiên sứ: Bà có lí do để vui mừng vì bà được Thiên Chúa sủng ái, trao cho Bà một sứ mạng. Tuy nhiên, điều làm cho Đức Maria bối rối về chính lời sứ thần: “Hỡi Đấng đầy ân sủng” (Người được sủng ái). Đây là danh hiệu lạ không có trong Cựu Ước.
 
2. Đấng đầy ân sủng, tên gọi mới của Đức Maria

Mẹ hiểu là khi Chúa đã tuyển chọn ai thì thường Người đổi tên, ví dụ: Abram thành Abraham, Giacop thành Israen, Simon thành Kêpha… Như thế, “Đấng-đầy-ân-sủng” là danh hiệu mới dành cho Đức Maria, vì thế Mẹ tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Hỏi để tìm hiểu chứ không để cho mình bị sợ hãi áp đảo.

Đức Maria đã sử dụng sự tự do mà xin được giải thích và để hiểu được ý định của Thiên Chúa. Đây là khoảnh khắc quyết liệt, giây phút trọng yếu. Mầu nhiệm Thiên Chúa cần được mạc khải thêm về việc nhập thể cứu độ. Tất cả đều đã được treo vào sự tự do của Đức Maria. Thiên Chúa chờ đợi câu trả lời của Bà.
 
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời
(Hàn Mạc Tử, Ave Maria)


Sứ thần Gabriel can thiệp để xoa dịu nỗi bối rối của Mẹ. Trước tiên, ngài gọi đích danh Maria “Maria, xin đừng sợ bởi vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa” (1,30). Câu này giải nghĩa cho cụm từ “Đấng đầy ân sủng” (Bà được sủng ái). Đấng là Tình yêu đầy nhân ái đã ngỏ với Bà.

 Để có thể thực sự hiểu Đức Maria Đấng đầy ân sủng và Thiên Chúa bày tỏ lòng thương yêu Mẹ có nghĩa là gì, trước tiên cần phải hiểu Thiên Chúa là ai. Đọc Thánh vịnh 8, chúng ta nhận ra sự ngỡ ngàng kinh ngạc của tác giả khi đứng trước công trình của Thiên Chúa và sự cao cả uy hùng của Người được bày tỏ ra: “Con người là ai mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải chăm lo” (Tv 8, 4-5).
 
3. Khi Mẹ nói lời thưa "xin vâng"

“Này đây Bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên con trẻ là Giêsu. Ngài là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1, 31-33)

Đức Maria được ký thác một nhiệm vụ đặc biệt và rất đáng vui mừng. Sứ mạng của Đức Maria, thiếu nữ Xion sẽ cưu mang Đấng Mêsia trong lòng. Mẹ là người nữ diễm phúc được Thiên Chúa tuyển chọn. Bà sẽ đảm nhận và làm trọn ơn gọi làm dân Thiên Chúa, là tôi tớ của Thiên Chúa.

“Thần sứ còn cho biết: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Bà” (Lc 1,35). Nhận ra chương trình tình thương Thiên Chúa dành cho con người, chính Ngôi Hai sẽ nhập thể và Mẹ đã cúi đầu thưa: “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa” (Lc 1,38)
 
Là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Maria gắn bó với chương trình của Thiên Chúa.
 
Là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Maria nói lời thưa xin vâng: “Xin Người thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói”. Maria vui tươi đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa.

Từ lúc mẹ nói lời xin vâng, trời với đất rất đỗi vui mừng
Ngọn ngào như dòng suối mát giữa nơi sa mạc
Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng xin vâng

Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha.
Mẹ thưa xin vâng, với Tin mừng của Con chí thánh
Mẹ thưa xin vâng, với tác động của Chúa Thánh Linh.
Con muốn theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền.

Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh mẫu tuyệt vời
Nhờ Mẹ, Ngôi Lời của Thiên Chúa đến với nhân loại
Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng xin vâng

(Sr. Trầm Hương)

 
II. NỮ TỲ CỦA THIÊN CHÚA
 
1. Cuộc thần hiện lại xảy ra tại thôn làng hẻo lánh

So sánh cuộc truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria ta thấy có sự bất cân đối. Với Dacaria, Sứ thần hiện ra ở Đền Thờ tại thủ đô Giêrusalem. Còn với Đức Maria, sự việc này được thực hiện tại Nadaret, là một thôn làng nhỏ bé, mất hút trong miền Galilê.

Dacaria là một tư tế, còn nơi Đức Maria chỉ là một thôn nữ khiêm hạ. Lúc Sứ thần hiện ra với ông Dacaria tại đền thờ đang lúc cộng đoàn cầu nguyện. Còn Đức Maria đón Sứ thần trong cuộc sống âm thầm. Dấu chỉ xác quyết cho sự nghi ngờ của Dacaria là tình trạng ông bị câm nín. Còn với Đức Maria, Sứ thần lại giải thích cho Mẹ về chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa và tiến trình được thực hiện. Sứ thần nêu bằng chứng: bà Elisabet mặc dầu đã già cả mà nay đã có thai được sáu tháng, vì “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37)
 
2. Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới

Khi tự nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ đã hòa nhập với đoàn người hèn mọn, bé nhỏ. Trong bài Magnificat, Mẹ vừa nói đến sự thấp hèn vừa nói đến những người hèn mọn. “Người đã ghé mắt trông đến sự thấp hèn của tớ nữ người” (Lc 1,48).

“Người đã truất phế người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn” (Lc 1,52).
 
Người nữ tỳ sắp sửa được nhận vai trò làm Mẹ Đấng Cứu thế, sắp sửa mang thai “Con Đấng Tối Cao”. Thời gian sắp sửa đón nhận vĩnh cữu. Sự hư vô của con người sắp sửa mở ra trước cái vô biên của Lòng Thương Xót Chúa.
 
Ngày xưa khi bà Anna, mẹ của Samuen trong đền thờ Silô đã cầu xin Chúa đoái nhìn sự thấp hèn của bà và xin Ngài ban cho tớ nữ mọn hèn này một mụn con trai. Danh từ Tapeinosis có thể hiểu vừa là sự nhục nhã, vừa là sự thấp hèn. Khi Đức Maria nói đến sự thấp hèn của Mẹ, tức là thân phận thấp kém của Mẹ như một người con gái của Israen được Thiên Chúa đoái thương ghé mắt nhìn.

Cũng cần nói thêm thời Chúa Giêsu, thân phận phụ nữ bị coi thường “như thói quen trong tất cả các cộng đoàn các thánh, phụ nữ phải làm thinh trong buổi họp” (1Cr 14, 33-34).
 
Thế mà ở đây sứ thần Gabriel lại khẳng định: Đức Maria Đấng đầy ân sủng, đầy vẻ xinh đẹp của Thiên Chúa. Thật lạ lùng,ï Thiên Chúa lại tôn vinh người khiêm hạ.

Thế mà ở đây Thiên Chúa lại ngỏ lời với một thiếu nữ, xin nàng đồng ý như một con người tự do, mời nàng hợp tác với Thiên Chúa. Nhiệm cục của Thiên Chúa thật tuyệt vời.
 
3. Những người nghèo của Giavê

Trong thời lưu đầy ở Babylon (587-538 AC), quan niệm về Đấng Mêsia đã thay đổi: từ một vị minh quân, thống lĩnh toàn thể thế giới muôn dân phải quy tụ về một mối đến hình ảnh một vị thiên sai như một tôi tớ bị đau khổ (xin coi phần 2 sách Isaia, Giêrêmia). Trong dân Chúa thấy xuất hiện một niềm tin yêu, tín thác hoàn toàn trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Người ta gọi nhóm người này là những người nghèo của Giavê. Họ là thành phần ưu tuyển từ trong số sót trở về (xin coi Is 10, 20; Dcr 8,6).

Họ là những người đặt hết niềm cậy trông vào Thiên Chúa và hoàn toàn tín thác vào sự che chở của Ngài. Từ ptochoi, một từ ngữ Hi lạp có nghĩa là những người nghèo khó, họ nghèo đến độ phải hành khất để mưu sinh.

Trong Tân Ước, khi bắt đầu sứ vụ công khai tại Galilê và sau đó Ngài trở về Nadarét nơi Người sinh trưởng. Theo thói quen Người đi vào hội đường ngày Sabát. Người ta đưa cho Ngài đọc đoạn Is. 61,1-2. Ngài bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Ngài xác nhận chương trình của Đấng Thiên Sai trong Is đoạn 61 là chương trình hành động của Ngài. Ngài ưu tiên cho những người nghèo, những người đau khổ, những người bị áp bức. Ngài đến để đem lại niềm vui cho những người nghèo, chữa lành những người bệnh tật, đưa những người tội lỗi trở về… (xem Lc 4, 14-21).

Trong bài giảng các mối phúc, Luca nói đến những mối phúc cho người nghèo. Matthêu lại áp dụng những mối phúc này dành cho những ai nhận biết họ đang nghèo khó trước mặt Thiên Chúa và trong mọi nhu cầu họ chỉ tín thác vào Chúa. Matthêu thêm vào khía cạnh “trong tinh thần”, “đạo đức của những người nghèo, anawim,” có nguồn gốc trong Cựu Ước (xem Thánh vịnh 34, 37, 69…). 

Chúa Giêsu lên tiếng cảm tạ Chúa Cha vì Ngài đã mạc khải cho những kẻ bé mọn về mầu nhiệm nước trời, và họ đã mở lòng ra đón sứ điệp của Đấng Cứu Thế (xem Mt 11, 25-27). Họ là những kẻ bé mọn diễm phúc được hưởng phúc lành của Chúa Từ Nhân.
 
4. Đức Maria nữ tỳ hèn mọn

Thiên Chúa tình thương đã tuyển chọn người nô tỳ trở thành người phục vụ Vua Tình yêu. Hẳn Mẹ đã hiểu khi tự nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, vì những người nghèo được sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Đây cũng là danh hiệu dành cho người nhà của Thiên Chúa.

- Là nô lệ của Thiên Chúa, bị tình yêu của Người cầm giữ, Đức Maria đã đặt tự do của mình, hoàn toàn trong tay Chúa.

- Là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Với tư cách là Mẹ của Chúa Giêsu (Đấng Cứu Thế), Mẹ đứng đầu các gia nhân. Mẹ là người nữ tỳ được sủng ái nhất.
 
Thư Êphêsô 2,19 đã khẳng định một cách khéo léo rằng các tín hữu là những thành viên trong “nhà Thiên Chúa”, rằng họ là những người đồng hương với các thánh trên trời, tức là cùng ở trên Thánh đô (Thiên quốc) với các thánh.

Thực ra, có thể nói, Đức Maria là người cùng làng với tổ phụ Abraham. Bởi vì lời xưa kia vang lên trong lều bạt của Sara ở Mambre cũng đã vang lên nơi làng Nadarét: “Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (St 18,4; Lc 1,37). Đức Maria đã tự xếp mình vào gia đình của tổ phụ Abraham. Lòng thương xót ngày xưa Chúa đã hứa với “Abraham và dòng dõi ông đến muôn đời” (Lc 1,55), bây giờ đã vươn tới tận mái ấm Nadarét và từ đó lan ra khắp thế giới.

- Là con cái, là nữ tử của Thiên Chúa, Đức Maria dẫn đầu các con trai con gái của Thiên Chúa. “Cuối cùng, sau thời mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu nữ cao sang của Xion, thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập” (GH, 55)
 
Lời kết: Chuỗi ngọc tình yêu

 
Khởi đầu Năm Thánh Giáo phận, chúng ta chạy đến với Mẹ Maria như một nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa. Chúng ta cũng muốn dõi bước theo hành trình đức tin của Mẹ qua các mầu nhiệm Mân Côi.

 Lời đầu tiên được ngỏ với Đức Maria trong Tân ước là một lời mời gọi vui tươi: “Mừng vui lên”, một lời chào như thế được liên kết với biến cố Đấng Cứu Thế ngự đến. Chính nơi Đức Maria là người đầu tiên được loan báo một niềm vui mà sau đó sẽ được loan báo cho toàn dân.

Khi chúng ta cầu nguyện, suy niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua việc Ngôi Hai nhập thể cứu đời và qua sự cộng tác của Đức Maria. Chúng ta hãy để tâm hồn mình chìm đắm trong biển tình thương của Chúa.

Chuỗi Mân Côi là chuỗi tình yêu gồm những lời yêu thương chân thành, đơn sơ nhất: Hãy nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin, với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế. Cùng với Mẹ, chúng ta cất tiếng hoan ca.
Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử

 
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP.
 
114.864864865135.135135135250