18/08/2021 -

Suy tư, nghiên cứu

2331

Chẳng có chuyện con quy hay con rùa nào bị “té” ở đây cả, chỉ là tôi đang nói đến một cám dỗ rất thực trong đời sống chung thôi.
Đang trên cầu thang đi xuống, tôi đã nghe tiếng một người anh em nói với theo tiếng xe máy đang nổ giòn vụt đi: “Mới mở mắt đã xách xe đi rồi!”. Phì cười vì kiểu chặt chém vô tư cho đỡ nhạt miệng của các “thánh trẻ”, bởi mắt mồm nhà tu ai cũng đã mở từ 4 giờ sáng, lễ lạy nguyện ngắm đầu đuôi xong xuôi hết rồi. Người ta bảo tu sĩ là người theo Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, nhưng trong thực tế cũng có dăm ba loại tu sĩ. Có người tập trung vào điều thứ nhất theo Đức Kitô là đường, nên suốt ngày chạy rông ngoài đường. Có người tập trung theo Đức Kitô là sự thật nên mở miệng là lý luận tranh cãi đúng sai. Có người lại tập trung theo Đức Kitô là sự sống nên quán xá phố phường chỗ nào có đồ ăn ngon cứ hỏi ngài. Người bị anh em chọc “mới mở mắt đã xách xe đi…!” chắc thuộc loại thứ nhất(?).
Đó là một câu chuyện rất thật trong nhà tu. Tất cả đều là theo Đức Kitô, nhưng mỗi người một việc, người thì lo nghiên cứu giảng dạy, người thì lo quản lý chăm lo đời sống cho anh em, người khác thì chạy lo công việc tông đồ bác ái, người khác nữa thì lo công tác mục vụ chuyên biệt… Nhưng chính cái “mỗi người một việc” đó đã vô tình tạo ra cái “khác người” khó đón nhận trong con mắt “chuẩn người” của mình, và từ ngứa mắt đến ngứa miệng là chuyện của hai thằng anh em sinh đôi lắm chuyện.

Đúng là dưới con mắt mấy người ham nghiên cứu giảng dạy, ai mà suốt ngày xách xe chạy rông là không ổn; nhưng ngược lại, nếu mấy người lo công việc tông đồ bác ái mà suốt ngày cứ ru rú trong nhà không gặp gỡ ai, không hay biết dân tình thế thái ra sao thì có ổn không? Biết ai mà cứu giúp, rồi bác ái được với ai? Có người xem nhẹ công việc chân tay, thậm chí còn coi họ là loại người “cái tay to hơn cái đầu”, nhưng nếu suy luận ngược lại, loại “cái đầu to hơn cái tay”, “cái miệng to hơn cái não” liệu có quân bình không, hay cũng là một loại dị nhân nào đó? Có lẽ chúng ta không thể so sánh ở đây dưới bất cứ hình thức nào. Trong gia đình cũng vậy, nếu người chồng cũng giống vợ suốt ngày càm ràm, “đếm củ hành, canh chai nước mắm”, hoặc nếu người vợ tính khí cũng “bát ngát trời mây” như chồng thì gia đình sẽ ra sao? Vậy mà trong thực tế chúng ta lại khó chấp nhận sự khác biệt hỗ tương mà Thiên Chúa đã phú bẩm, để cả hai bù đắp cho nhau và kết hiệp với nhau trở nên một “thân thể mầu nhiệm” này. Rõ ràng điều quan trọng không phải là chúng ta làm gì, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, mỗi người chúng ta được mời gọi góp phần bằng sự hiện diện trọn vẹn của mình, tạo nên sự quân bình sống động trong cùng một thân mình Đức Kitô là chính Giáo hội thu nhỏ nơi cộng đoàn, nơi gia đình chúng ta.
Cám dỗ muốn người khác giống mình là một cám dỗ rất thật trong đời sống chung và cũng là nguyên nhân gây ra những căng thẳng, đỗ vỡ trong đời sống cộng đoàn. Ta tưởng ta thương nhau, muốn tốt cho nhau, nhưng thực ra chỉ là ta thương mình, chính xác là thương cái tôi của mình phóng thể ra nơi bản thân tha nhân, nếu họ trùng khớp với cái “phóng thể” đó, với cái “hình mẫu” đó thì ta thương, chứ ta không thương và đón nhận họ như họ là.

Nếu ta tôn trọng sự khác biệt của người khác, tôn trọng quyền tự do cá nhân của tha nhân, chắc chắn ta sẽ nhận được sự tôn trọng của họ, và cuộc sống rồi sẽ mỉm cười với ta. Tôn trọng sự khác biệt không phải là tự đánh mất chính mình, nhưng là một thứ văn hoá ứng xử cần có nơi mỗi người chúng ta. Tôn trọng sự khác biệt, ta sẽ hạn chế làm tổn thương người khác vì những định kiến và suy nghĩ nông nổi của mình. Biết đón nhận sự khác biệt, thế giới tương quan trong ta sẽ được rộng mở và gần gũi, cuộc sống sẽ không đơn điệu nhưng điểm xuyến thêm nhiều màu sắc nhân văn đẹp hơn.
 
Gã Khờ
114.864864865135.135135135250