07/07/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

3976


Cha Henri Boulad viết: “Và người nói với tôi: Hãy chứng minh là Thiên Chúa hiện hữu. Tôi nói họ hãy kiên nhẫn, Thiên Chúa là một cảm nghiệm. Bạn phải lắng tâm hồn xuống… để Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho bạn. Tôi không thể cho bạn một Thiên Chúa đặt trên một chiếc dĩa. Nếu Thiên Chúa không xuất hiện từ trong chính bạn thì vị đó không phải là Thiên Chúa thật, nhưng là một lời, một ý tưởng, một ngẫu tượng. Thiên Chúa là một thực tại xuất hiện từ trong tâm hồn của chúng ta và làm no thoả chúng ta. Điều này không thể giải thích được. Bạn phải cảm nghiệm nó.”

Thực thế, trong đời sống tự nhiên người ta sẽ chẳng muốn ăn uống gì khi không cảm thấy đói, thấy khát; cũng vậy trong đời sống siêu nhiên, nếu một khi họ không cảm thấy mình đói khát Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với họ. Bất cứ ai không muốn trở nên thánh thiện sẽ không bao giờ trở nên thánh thiện. Sự khao khát này dẫn đến một hành vi tích cực là chân thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Đây cũng là việc thắp lại cảm thức linh thánh nơi mỗi người tín hữu và cách riêng những người sống đời thánh hiến. Một người yêu tiền sẽ nhạy bén khi nói về lợi nhuận. Say mê thể thao sẽ nhạy bén, muốn biết về tin tức World Cup đang diễn ra tại Brazil… Chỉ khi có trái tim khao khát Chúa, khao khát Nước Trời, người ta mới vui thích khi nghe về Chúa, nhạy bén đức tin trước các dấu chỉ phụng vụ, thú vị được sống trong bầu khi cầu nguyện và ngay cả uống từng ngụm nước như “dấu chỉ tình yêu” Chúa ban.

I.              THIÊN CHÚA MUỐN GẶP GỠ CON NGƯỜI

1.            Thiên Chúa tìm kiếm tình yêu nơi con người

-              Kinh nghiệm của Giêrêmia: Thiên Chúa đã quyến rũ tôi và tôi để cho Ngài quyến rũ, Ngài đã thắng tôi. (Gr 20,7)

-              Ta dìu con vào nơi hoang địa, ở đó lòng bên lòng Ta tâm sự với con. (Hs 2,16)

-              Ta đứng ngoài cửa và gõ, nếu ngươi mở cửa ra ta sẽ dùng bữa với ngươi. (Kh 3,20)

-              Trong Diễm tình ca, Thiên Chúa như một gã si tình đi tìm người yêu là dân Chúa. (Dc 2,10-14)

2.            Thiên Chúa muốn cư ngụ giữa loài người

-              Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga 1,14)

-              Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. (Dt 1,1-2)

-              Đức Giêsu thành lập nhóm Mười Hai để ở với Ngài và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14)

-              Trong đoạn 15 của Tin Mừng Gioan nói về dụ ngôn Chúa là cây nho chúng ta là cành. Đoạn văn chỉ có 11 câu thì cũng tới 11 lần Chúa mời gọi: “Hãy ở lại trong Thầy”. (Ga 15,1-11)

II.            CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA GIÊSU

1.            Chúa Giêsu yêu thích sự thinh lặng

Suốt 30 năm trời ở ẩn tại Nazareth, Ngài đã sống âm thầm như một cư dân bình thường. ĐGH Phaolô VI khi hành hương mái nha Nazareth (5/1/1964) ở đây ngài đã diễn đạt:

“Ôi niềm thinh lặng ở Nazareth, hãy dạy cho chúng tôi tinh thần trầm lắng, nội tâm… xin dạy cho chúng tôi thấu hiểu tính thiết yếu và giá trị của những thời kỳ chuẩn bị, của việc học hành, suy niệm, của một đời sống cá nhân đậm chất nội tâm, của việc cầu nguyện mà chỉ một mình Thiên Chúa thấu suốt trong thầm kín.”

Thời gian ẩn dật và thinh lặng này chuẩn bị cho cuộc đời  công khai của Chúa. Sau đó, Người cầu nguyện và ăn chay suốt 40 ngày trong hoang địa để kéo dài thêm thời gian ấy.

Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu luôn ở với Cha của Người và với Chúa Thánh Thần. Người sống từng giây phút trong sự hiện diện của Cha. Trí lòng của Người luôn hướng về Cha. “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16,32). Chính sự kiện này giải thích tại sao, đang khi chuyện trò hay giảng dạy, Người cứ thốt lên những lời cầu nguyện cách hồn nhiên.

2.            Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu như thế nào?

-              Như của một người con: hầu hết tất cả các lời cầu nguyện của Ngài bắt đầu bằng Cha ơi. Khi ở một mình Người kêu Ab-ba, là cách xưng hô thân thương nơi miệng trẻ con. (Mc 17,36)

-              Lời tỏ bày tình yêu. Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy. (Ga 8,28). Lời cầu nguyện hiến tế là tâm tình của người con thân thưa với Cha của mình, có sự trao gửi và mong ước xin Cha đón nhận các môn đệ còn ở lại trần gian.

3.            Cầu nguyện là ơn ban

Trong Tin Mừng Matthêu Chúa dạy các môn đệ cầu nguyện như thế nào? Nơi kín đáo, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha (Mt 5,6) và sau đó Người cho họ một kinh nguyện riêng của Ngài: Kinh Lạy Cha (Mt 5,7-13).

Trong Tin Mừng Luca, chính các tông đồ đã xin Người dạy cầu nguyện (Lc 11,1-4). Nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta trở nên nghĩa tử và được phép gọi Chúa là Cha, Abba (x.Gl 4,6-7 và Rm 8,15). “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).

III.           NHỮNG TÂM TÌNH PHẢI CÓ

1.            Thờ lạy

Thái độ đầu tiên của con người đứng trước Thiên Chúa là thờ lạy. Thiên Chúa cao cả khiến con người ngỡ ngàng phải thán phục, phải tôn thờ, có khi sợ hãi nữa. Người ta nói đến lời kinh của thân thể, tức những cử điệu: phủ phục, cúi mình, giơ cao tay, chắp tay… là cách biểu lộ sự thần phục trước Đấng thiêng liêng cao cả.

“Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao. Phía bên trên Người, có thần Sêraphim đứng chầu các vị ấy,đối đáp tung hô: “Thánh, Thánh , Chí Thánh. Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6, 1-3).

Sụp xuống thờ lạy trong niềm cảm kích nơi thể xác, con tim và ý chí nữa, ấy là nhìn nhận Thiên Chúa là vị thần độc nhất. Không chi sánh bằng. Người cao cả vô biên, hơn hết mọi loài thụ tạo.

2.            Ngợi khen

Ngợi khen rất gần với thờ lạy, nhưng gợi nhớ công trình và lòng nhân ái của Đấng Tạo Hoá nhiều hơn: các thiên sừ, thế giới của chúng ta, con người, lịch sử dân được tuyển chọn, ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến, Hội Thánh, và sau hết là sự sống mai sau.

Rất nhiều thánh vịnh xướng lên lời ngợi khen Thiên Chúa: Tv 33, Tv 34, Tv 113: “Chúc tụng Chúa đi mọi công trình của Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. Xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời” (Đn 3).

Ngày Chúa Giêsu ra đời, các thiên sứ ca mừng Thiên Chúa uy nghi: vinh danh Thiên Chúa trên trời (Lc 2, 14). Chúa Giêsu ngợi khen Cha của Người nhân danh chúng ta. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín  không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10, 31).

Ước gì tất cả cuộc đời ta là lời ca ngợi vinh quang Chúa.

Cầu nguyện dưới dạng thờ lạy và ngợi khen trong tâm nguyện riêng tư hoặc trong phụng vụ, tiên báo cuộc họp mừng bất tận trong đời sau.

3.            Tạ ơn

Sau khi thờ lạy và ngợi khen Thiên Chúa, chúng ta đương nhiên dâng lời tạ ơn vì tất cả những gì Người đã ban cho mình, trước hết vì tình thương Người đã dành cho chúng ta từ muôn thuở. “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương”, Chúa phán như vậy” (Is 43,4).

Rất nhiều thánh vịnh nói lên niềm cảm hứng và lòng biết ơn của loài thụ tạo. Thánh vịnh 136 (Bài hoan ca Halêl) Tạ ơn Chúa vì tất cả mọi ơn lành, nhưng đặc biệt vì sự quan phòng của Người đối với dân Người được chọn: giải thoát khỏi Ai Cập, phép lạ tại Biển Đỏ. Và kết thúc Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh. Thiên Chúa săn sóc từng người một: con xin tán dương Ngài vì đã thương cứu vớt ( Tv 30). Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu ( Tv 40). Duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi ) (Tv 62).

Tạ ơn dù là giữa những cơn thử thách.

Một nhà truyền giáo ở Madagasca chán nản vì một số khó khăn. Ông vào nhà thờ để thở than với Chúa. Ở đây, ông nghe thấy một người bệnh phong, lại thêm mù cầu nguyện lớn tiếng vì nghĩ chỉ có mình mình đang ở đó:

Tạ ơn Chúa, Chúa ơi, đã ban cho con sự sống,

Tạ ơn Chúa cho con được cảm thấy vui trong lòng,

Tạ ơn Chúa vì cái bệnh này, nhờ nó mà con được gặp Chúa

Nghe vậy, nhà truyền giáo xấu hổ, thấy mình thật hèn yếu. Rồi ông ra đi, tâm hồn được ấm lại.

4.            Trong tâm tình sám hối

Con người bé nhỏ, phàm hèn và yếu đuối vì những lỗi lầm xúc phạm đến tình thương của Thiên Chúa. Thánh vịnh 51 được coi là tác phẩm của Vua Đavít, sau tội ngoại tình.

-                      Vua mào đầu bằng cách kêu cầu danh Chúa. Rồi Vua khiêm tốn nhận tội. Coi mình là tội nhân từ lúc chào đời.

-                      Sau lời thú tội là một chuỗi dài cầu khẩn “xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng”.

-                      Nhưng ông vẫn tin tưởng, xác tín sẽ được Chúa cứu độ, vì lòng hay thương xót của Người.

-                      Cuối cùng, như trong đa số các Thánh Vịnh loại này, lời cầu nguyện được nới rộng, bao quát toàn thể cộng đoàn: “xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xion”.

Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng câu: “anh em hãy sám hối (Mc 1,15)”. “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết (Lc 13,5)”.

Phải nhìn nhận mình là kẻ có tội, như đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32) hay người thu thuế (Lc 18,9-14). Trước khi chữa lành người bại liệt, Chúa tha tội cho ông (Mt 9,2). Người cũng nói thêm: “Đừng phạm tội nữa (Gạ 5,14)”.

Thay lời kết:  Một vài tâm tình lúc đêm về

Lúc đêm về, nên trở lại bên Chúa để duyệt lại với Người những gì đã xày ra trong ngày. Thời gian cầu nguyện này có thể được gõ nhịp với một vài từ ngữ:

Này con đây trước mặt Ngài, Lạy Chúa. Chúa đã ở với con từng giây phút trong ngày hôm nay. Con thờ lạy Chúa hiện diện trong lòng con. Xin gởi Thánh Thần Chúa đến soi sáng con.

Tạ ơn Chúa, vì những điều kì diệu tình yêu Chúa đã thực hiện, vì tác động của Chúa nơi con và quanh con, mà con được chứng kiến: tất cả những gì xảy ra thuận theo tình yêu, sự sống, cho dù có khó khăn.

Xin lỗi Chúa, vì con hay quên nhớ tới Chúa. Xin lỗi vì những lần con kháng cự, vì những lúc con nghiệt ngã yếu hèn.

Xin thương cho con biết yêu mến Chúa nhiều hơn, được vui sống trước nhan Chúa. Con không biết Chúa chuẩn bị những gì cho con ngày mai, nhưng con xin vâng trước. Con tin cậy Chúa, vì con là con của Chúa. Những người con sẽ gặp, xin Chúa giúp con yêu thương họ như chính Chúa yêu thương họ vậy.

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP.
114.864864865135.135135135250