Kinh Nguyện Gia Đình Đaminh
Phan Tấn Thành, OP
Chương VIII: Kinh Kính Các Thánh Dòng
Ngày 13 tháng 5
CHÂN PHƯỚC I-MEN-ĐA LAM-BÊ-TI-NI
trinh nữ (+1333)- lễ nhớ tự do
Chân phước I-men-đa cũng gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la Lam-be-ti-ni sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng quý tộc tại Bô-lô-ni-a vào đầu thế kỷ XIV.
Ngay từ thuở thiếu thời, chị đã được nhận vào đan viện Van-li Pê-tơ-ra, gần Bô-lô-ni-a như một nữ đan sĩ Dòng Đa Minh. Cũng ở đan viện này, vào ngày 12-5-1333, hai ngày trước lễ Thăng Thiên, sau khi đã được rước Mình Thánh Chúa cách lạ lùng, chị I-men-đa đã qua đời khi còn rất trẻ.
Trong "Danh mục các thánh" của đan viện có ghi rằng : "Ngày thứ Tư trước Rằm tháng Năm (tức ngày 12-5), chị I-men-đa Lam-be-ti-ni đã về với Chúa. Trước khi chị qua đời, Bánh Thánh từ trời ngự xuống và đã được linh mục đón nhận rồi trao cho chị rước lấy trước sự chứng kiến của nhiều người, và tức khắc, chị trút hơi thở cuối cùng."
Thi hài chị được an táng trọng thể tại nữ đan viện Van-li Pê-tơ-ra. Năm 1582, theo lệnh Đức Pi-ô V, các nữ đan sĩ di chuyển về đan viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la trong nội thành Bô-lô-ni-a, nên thi hài của chị cũng được dời về đó. Sau này, khi Na-pô-lê-ông ra lệnh bãi bỏ các dòng tu, thi thể của chân phước được đưa về nhà thờ thánh Xi-gít-mun-đô cho giáo dân kính viếng và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Đức Lê-ô XII đã chuẩn y việc phong chân phước cho chị I-men-đa ngày 20-12-1826. Đức Pi-ô X đã đặt chân phước I-men-đa làm bổn mạng và mẫu gương cho các em thiếu nhi rước lễ lần đầu.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đón nhận chân phước I-men-đa vào Nước Trời, sau khi chân phước đã được nung nấu bằng lửa mến Bàn Tiệc Thánh Chúa. Vì lời người chuyển cầu, xin cho chúng con tiến đến Bàn Tiệc Thánh với cũng một lòng sốt mến, để mong ước đáng được sống mãi cùng Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Ngày 19 tháng 5
CHÂN PHƯỚC PHAN-XI-CÔ CÔN GHI-TA
linh mục (1812-1875), lễ nhớ tự do
Thánh Phan Sinh Côn Ghi-ta sinh ngày 12-5-1812, tại làng Gôm-bơ-rê-ni, thuộc giáo phận Vi-xen-xơ, nước Tây-Ban Nha. Trong bài giảng lễ Chúa nhật ngày 29-4-1979, đức Gio-an Phao-lô II đã tuyên bố : "Chân phước Phan Sinh Côn Ghi-ta là sứ giả của lòng tin, là nơi ẩn náu của niềm hi vọng, là nhà thuyết giảng về tình yêu, về hòa bình và hòa giải giữa những xung khắc do thống khổ, chiến tranh và hận thù gây ra." Chân phước Phan Sinh Côn tuy sinh ra trong hoàn cảnh đầy khó khăn, nhưng lại minh họa rõ nét về đặc sủng ơn gọi Đa Minh.
Sau tuổi thiếu niên sống trong cảnh cơ cực, người vào chủng viện Vi-xen-xơ, rồi vào dòng Anh em Thuyết giáo năm 1830, đến năm 1836, người lãnh tác vụ linh mục.
Là một linh mục truyền giáo theo gương các thánh Tông đồ, người không ngừng đi khắp các thành phố để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô cho hết thảy mọi người. Tu sĩ Đa-mi-en Bơ,
bề trên tổng quyền dòng Anh em Thuyết giáo, đã phát biểu trong bài diễn thuyết tại buổi lễ phong chân phước cho cha Phan Sinh Côn như sau : "Cả cuộc sống của cha Phan Sinh Côn được cống hiến cho việc rao giảng Lời Chúa, bước chân người đã in dấu trên những chặn đường sứ vụ ở Ca-ta-lô-nha để rao giảng Phúc Âm trong các làng mạc. Tuy không trực tiếp nhận được sự hậu thuẫn của anh em, người vẫn chuyên cần cử hành mầu nhiệm Lời, khi thì dưới ánh mặt trời thiêu đốt, lúc thì trong cái rét buốt của mùa đông, hoặc phải thường xuyên trú chân trong quán trọ nghèo xác xơ như chính thân phận của người."
Cha Phan Sinh chuyên cần học hỏi và suy gẫm Lời Chúa đến nỗi đôi mắt của người luôn rực sáng khác thường. Mối bận tâm lớn nhất của người là mong sao cho mỗi lần giảng thuyết, mọi người đều có thể đón nhận Lời Chúa, nhờ đó, cuộc sống của họ được cải thiện.
Vì muốn chia sẻ trách nhiệm với anh chị em Huynh đoàn giáo dân Đa Minh tại Ca-ta-lô-nha, cha Phan Sinh đã thành lập cộng đoàn "Truyền tin " gồm các nữ tu Dòng Ba Đa Minh.
Vào năm 1869, căn bệnh xuất huyết não đã làm tê liệt dây thần kinh thị giác khiến người phải sống cảnh mù lòa trong suốt 6 năm cuối đời.
Cha Phan Sinh qua đời ngày 2-4-1875. Đức Gio-an Phao-lô II đã tôn người lên hàng chân phước vào ngày 29-4-1979. Toàn thể anh em trong Dòng đều công nhận cha Phan Sinh quả thực là một người con ưu tú của thánh phụ Đa Minh.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã chọn chân phước Phan-xi-cô để rao giảng Thánh Danh Con Chúa và dạy dỗ dân Ngài về đường đạo đức. Vì lời người chuyển cầu xin Chúa cho đức tin chân chính hằng luôn được khơi dậy và tăng trưởng nhờ tác vụ giảng thuyết. Chúng con cầu xin…
Ngày 24 tháng 5
Cải táng THÁNH PHỤ ĐA MINH
Lễ nhớ
Thánh Đa Minh đã muốn được mai táng dưới chân anh em tại nhà thờ Ni-cô-la "Vườn nho", Bô-lô-ni-a. Nhiều bệnh nhân quả quyết đã nhận được thần dược cứu sống nơi mộ thánh nhân. Nhưng anh em Dòng không công nhận các phép lạ và cho đập vỡ các tặng vật tạ ơn.
Ngày 24-5-1233, theo ý Đức Ghê-gô-ri-ô IX, thi hài cha thánh Đa Minh được dời sang một ngôi mộ bằng cẩm thạch, trước sự hiện diện của đức cha Tê-ô-đô-cô, tổng giám mục giáo phận Ra-ven-na, đặc sứ Tòa thánh. Tham dự cuộc lễ này còn có cha Giô-đa-nô, Tổng quyền Dòng, và nhiều anh em đang dự Tổng hội ở Bô-lô-ni-a.
Trong khi di dời, mùi thơm lạ lùng từ hài cốt thánh Đa Minh toả ra minh chứng cho mọi người biết rõ thánh nhân là hương hoa của Chúa Ki-tô. Vì là ngày thứ ba trong tuần lễ Hiện Xuống, cộng đoàn xướng bài ca nhập lễ : "Các con hãy hân hoan lãnh nhận vinh quang của các con".
Đó là khởi đầu cho cuộc điều tra phong thánh. Ngày 3-7-1234, Đức Ghê-gô-ri-ô IX đã tôn phong hiển thánh cho cha Đa Minh. Đến sau, chân phước Gio-an Véc-xe-li, Tổng quyền thứ sáu của Dòng, đã cho xây một ngội mộ xứng đáng hơn để dời thi hài Thánh Phụ về ngày 5-6-1267.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho Hội thánh Chúa bởi công nghiệp và giáo thuyết của Thánh Đa Minh là hiển tu Chúa và là Cha chúng con. Xin Chúa vì lời người chuyển cầu, ban cho Hội thánh Chúa khỏi thiếu những trợ giúp trần thế, lại được luôn thăng tiến và phát triển về đường tâm linh. Chúng con cầu xin
Ngày 4 tháng 6
THÁNH PHÊ-RÔ VÊ-RÔ-NA
Linh Mục (+1252), Tử Đạo, Lễ Nhớ
Thánh nhân sinh vào cuối thế kỷ XII tại Vê-rô-na, nước Ý. Cha mẹ thuộc giáo phái Ma-ni-kê, nhưng người đã theo Công giáo ngay khi còn nhỏ. Lúc thiếu thời, người học tại Bô-lô-ni-a và được chính thánh Tổ phụ trao tu phục. Từ đó, người chuyên giảng thuyết, đặc biệt cho người Ca-ta. Noi gương thánh Tổ phụ, người dùng phương pháp đối thoại theo Tin Mừng truyền giảng và làm chứng về Đấng Cứu độ.
Được Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn lạ, người tận lực truyền bá và bảo vệ đức tin chân chính. Người thành lập những "Hội Đức tin" và những "Huynh đoàn tôn vinh Đức Mẹ". Người trân trọng đức ái huynh đệ, hăng say cổ võ đời sống cộng đoàn. Khi làm tu viện trưởng, người đã khôn ngoan tổ chức và cương quyết bảo vệ nếp sống ấy. Người cũng giúp đỡ cho chị em nữ tu về đường thiêng liêng, với tư cách là cha linh hướng.
Về cuối đời, khoảng giữa năm 1251, người còn nhận thêm chức vụ Thanh tra Đức tin, và chu toàn một cách hữu hiệu nhiệm vụ do Tông Tòa ủy thác. Ngày 6-4-1252, trên đường từ Cô-ma về Mi-lăng, người đã ngã gục dưới lưỡi kiếm của những kẻ quá khích. Lúc đó, người đọc lớn tiếng kinh Tin kính, và lấy máu viết lời tuyên xưng đức tin. Sau này, một người trong đám sát thủ là Cô-ri-nô đã gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo.
Ngày 9-3-1253, Đức In-nô-xen-tê IV đã phong người lên bậc hiển thánh.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho chúng con trung kiên noi gương sống đức tin của thánh Phê-rô. Vì đã hiến cả mạng sống để truyền bá và bảo vệ đức tin ấy, người thật đáng lãnh nhận triều thiên tuẫn giáo rạng ngời. Chúng con cầu xin
Ngày 8 tháng 6
CHÂN PHƯỚC ĐI-A-NA VÀ XÊ-XI-LI-A
Trinh nữ (+1236), lễ nhớ tự do
Chị Đi-a-na xuất thân trong một gia đình danh giá ở Ca-bô-nê-xi, miền Bô-lô-ni-a. Gia đình có 6 anh em tham gia phục vụ quân đội. Chị Đi-a-na là một thiếu nữ duyên dáng, đài các, thích sống tự lập, ưa làm dáng và năng động.
Thánh Đa Minh đã thiết lập tu viện đầu tiên tại Bô-lô-ni-a vào năm 1218. Người bắt đầu thuyết giảng tại một nguyện đường nhỏ ở vùng Ma-ca-ren-la, gần nhà chị Đi-a-na. Chị là một trong những thính giả nhiệt thành. Lúc bấy giờ, nhờ tài hùng biện của mình, tu sĩ Rê-gi-nan-đô nổi danh tại các đại học và thu hút được nhiều ơn gọi. Chị Đi-a-na và các bạn của chị cũng đến nghe tu sĩ Rê-gi-nan-đô giảng thuyết. Những lời trích dẫn từ thư thánh Phao-lô và thư thánh Phê-rô chống lại tính cách phù phiếm của phụ nữ đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn chị Đi-a-na, lập tức chị được ơn biến đổi.
Dưới sự dẫn dắt của tu sĩ Rê-gi-nan-đô, chị đã chọn cho mình một hướng đi mới. Chị thuyết phục song thân dâng tặng cho các tu sĩ một khu đất để xây dựng tu viện thánh Ni-cô-la. Khi tu sĩ Rê-gi-nan-đô đi công tác tại Pa-ri, chị Đi-a-na đã tuyên khấn trong tay thánh Đa Minh. Từ đó, chị sống ẩn dật và chuyên cần cầu nguyện trong nội thất của mình. Chị tận tụy với việc thủ công, trang phục giản dị và mặc áo nhặm có ý khổ chế.
Ít lâu sau, chị ngỏ ý với thánh Đa Minh, xin thiết lập một đan viện cho các nữ đan sĩ tại Bô-lô-ni-a. Thánh Đa Minh tham khảo ý kiến anh em, rồi quyết định cho thành lập tu viện. Chị Đi-a-na thầm nghĩ rằng, gia đình chị ít nhiều sẽ ủng hộ chị thiết lập một tu viện mới, nhưng chị đã thất vọng vì bị từ chối. Khi ấy, vào ngày 22-7-1221, cùng với một vài người bạn, chị đã bỏ nhà chạy trốn đến đan viện của các tu sĩ vùng Rôn-da-nô. Chị xin gia nhập tu viện và mong được lãnh tu phục ngay lập tức. Người dân An-đa-lô đuổi theo chị và chiếm lấy tu viện. Họ lôi chị Đi-a-na quá thô bạo đến nỗi chị bị gãy một xương sườn, rồi họ đưa chị đến một ngôi nhà nằm trên một gò trống. Chị nằm trên giường bệnh trong nhiều tháng và không hề được chữa trị vết thương.
Sau khi kết thúc hành trình giảng thuyết, thánh Đa Minh trở về Bô-lô-ni-a, người kín đáo chuyển một vài lá thư cho chị Đi-a-na. Nhưng thánh Đa Minh đã về với Chúa vào đầu tháng 8, tức 15 ngày sau thảm kịch xảy ra tại Rôn-da-nô. Kể từ lúc chị Đi-a-na có thể đi lại được, chị vẫn nuôi dưỡng niềm hy vọng, và vào ngày lễ Các Thánh chị đã trốn chạy. Lần này, song thân không còn đuổi theo chị nữa. Chị luôn ao ước được sống tinh thần Đa Minh trong cô tịch tại Rôn-da-nô. Khi tu sĩ Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a - người anh đáng mến - đến thăm chị, vị này đã chinh phục được người dân An-đa-lô và xin họ chịu phí tổn cho dự án xây cất tu viện.
Vào dịp lễ Thăng Thiên năm 1222, chị Đi-a-na cùng với bốn người bạn đã khánh thành một đan viện mới mang tên "Đan viện thánh An-nê". Tu sĩ Giô-đa-nô xin đức thánh cha nhường Tu viện thánh Xít-tô cho 4 nữ tu sống ở đan viện thánh An-nê, đó là : chị Xê-xi-li-a, chị A-mê, chị Côn-tan và chị Tê-ô-đô-ra. Tu viện này đã được thánh Đa Minh tái thiết trước khi người qua đời. Vì chị Đi-a-na còn quá trẻ, nên chị Xê-xi-li-a được đề cử làm đan viện trưởng.
Dần dần, đấng kế vị thánh tổ phụ là cha Giô-đa-nô đã củng cố đan viện. Với tư cách là bề trên tổng quyền, người đã hết lòng ủng hộ đan viện bằng cách khích lệ và khuyên bảo, rồi người còn đứng ra trợ cấp mọi phí tổn cho đan viện. Những lúc phải thường xuyên vắng mặt, người liên lạc với đan viện bằng thư từ. Được biết, tu sĩ Giô-đa-nô đã gửi cho chị Đi-a-na 50 bức thư luân lưu vào quãng năm 1223-1236. Trong thư, người không chỉ đưa ra những lời khuyên về đàng thiêng liêng mà còn hết lòng mời gọi các chị cùng cộng tác vào việc phát triển dòng bằng lời cầu nguyện. Người đã đề cập đến những thành công và khó khăn của mình bằng lời lẽ chân tình thấm đượm lòng yêu mến. Chị Đi-a-na mất năm 1236, khi ấy, chị được 35 tuổi.
Tu viện bị giải thể vào năm 1793. Hộp đựng thánh tích của các chị được đặt trong nhà nguyện của các tu sĩ Đa Minh. Ngày 8-8-1888, đức Lê-ô XIII đã chuẩn y việc tôn kính người.
Tiểu sử(+1290)
Chân phước Xê-xi-li-a, sinh tại Rô-ma vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Chị lãnh tu phục từ tay thánh Đa Minh tại tu viện thánh Xít-tô ở Rô-ma. Cùng với chị A-mê An-đa-lô, chị được gởi đến tu viện ở Bô-lô-ni-a. Năm 1221, chị được chuyển từ tu viện "Đức Ma-ri-a trong đền thánh" đến nữ đan viện thánh Xít-tô. Tại đây, chị được tiếp xúc thường xuyên với thánh Đa Minh, nên đã mô tả rất trung thực chân dung và tinh thần của Thánh Phụ.
Về sau, khoảng cuối năm 1223, hoặc đầu năm 1224, Đức Hô-nô-ri-ô III đã phái chị cùng ba nữ tu khác đến Bô-lô-ni-a truyền đạt tinh thần thánh phụ Đa Minh cho các chị em tại đan viện thánh A-nê do chân phước Đi-a-na xây cất. Chị qua đời tại nữ đan viện này năm 1290. Ngày 24-12-1891, Đức Lê-ô XIII đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Xê-xi-li-a.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Chúa, xin cho chúng con được vui mừng trong ngày lễ ác chân phước Đi-a-na và Xê-xi-li-a. Nhờ lời các vị chuyển cầu, xin cho chúng con yêu mến chân lý và tình huynh đệ bằng những việc làm cụ thể. Chúng con cầu xin
Ngày 10 tháng 6
CHÂN PHƯỚC GIO-AN ĐA MINH
Giám mục (1356-1419), lễ nhớ tự do
Tu sĩ Gio-an là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Giáo hội vào thời kỳ Đại Ly giáo Đông phương. Người sinh tại Phi-ren-xê năm 1356 trong một gia đình túng nghèo. Người lãnh tu phục tại tu viện thánh Ma-ri-a Nô-ven-la lúc 18 tuổi. Người hết sức do dự vì bị tật nói lắp bẩm sinh, nhưng người đã cố gắng sửa khuyết tật này và trở thành một nhà thần học nổi tiếng. Người luôn khao khát cầu nguyện và thực hành khổ chế.
Nhờ đặc sủng giảng thuyết, người dễ dàng uốn nắn những ý tưởng lệch lạc, lay động những tâm hồn chai đá, bảo tồn phong hóa, quy tụ thính giả và đào luyện tín hữu. Là một văn sĩ, người đã viết tài liệu chú giải Phúc âm thánh Mát-thêu, các thư Cô-rin-tô và các thánh ca Tin Mừng. Bên cạnh đó, người còn sáng tác nhiều bài thánh thi bằng tiếng Ý, bài khảo luận về kinh tế gia đình và giáo dục thiếu niên, đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng với tựa đề "Ánh trăng non", đặt nền cho các ki-tô hữu đối phó với những sai lạc của thuyết Nhân bản vì thuyết này khinh thường những sứ điệp Tin Mừng và đề cao chủ thuyết ngẫu tượng.
Người phụng sự Thiên Chúa bằng cách nhiệt tình tham gia vào việc cải cách Giáo hội. Người đã khởi sự công việc này tại tỉnh dòng Lom-bác-đi-a, nơi đây đã trở thành trung tâm đào tạo các tu sĩ nhiệt thành. Trong số này, có các đồ đệ của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và chân phước Rây-mun-đô Ca-pua.
Khi Đức In-nô-xen-tê VII băng hà, thành Phi-ren-xê đã cử người làm đại biểu đi bầu tân giáo hoàng để khuyến khích hồng y đoàn tái lập hoà bình trong giáo hội và chấm dứt cuộc ly giáo. Đức Ghê-gô-ri-ô XII đã đặt người làm tổng giám mục thành Ra-gu-xê, rồi hồng y hiệu tòa Xít-tô. Đức thánh cha đã cử người làm đại sứ ở phương xa, người đã gặp nhiều thử thách đến nỗi người phải cải trang mới thoát nạn. Chân phước Gio-an Đa Minh luôn tỏ ra khôn ngoan và trung thành, bất chấp những hành động thù nghịch của Công đồng Pi-xa. Người đã thuyết phục đức Ghê-gô-ri-ô XII từ chức để tái lập hòa bình. Khi đức Ghê-gô-ri-ô XII tán thành đề nghị trên, chân phước Gio-an Đa Minh đã đích thân đến công đồng Công-tăng-ti-nô để đệ trình văn thư xin từ nhiệm của đức Ghê-gô-ri-ô XII.
Cuộc ly giáo kết thúc, Đức Mác-ti-nô V lại cử người làm khâm sứ tòa thánh tại Bô-hê-mi-a, Ba-lan, Hung-ga-ry để chống lại lạc giáo Hu-xít. Đang khi đảm trách việc này, người qua đời tại Bu-đa-pét ngày 10-6-1419. Đức Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn người lên bậc chân phước năm 1856.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Chúa, Chúa đã cho chân phước Gio-an Đa-Minh lòng dũng cảm để bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội và cổ võ tinh thần kỷ luật. Nhờ lời người chuyển cầu, xin cho chúng con biết góp phần xây dựng hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…
Ngày 20 tháng 6
CHÂN PHƯỚC MA-GA-RI-TA EBNER
trinh nữ (+1351), lễ nhớ tự do
Trinh nữ Ma-ga-ri-ta là một nữ đan sĩ Đa Minh dòng kín Đô-na-guốt ở Ba-vi-e. Chị đã sống hơn 40 năm tại đan viện Ma-ri-a Mê-đin-gen thuộc giáo phận Âu-bua. Chị là một nhân vật tiêu biểu cho phong trào thần bí rất sống động trong 74 đan viện của Dòng ở nước Đức vào thế kỷ XIV. Chị sống cùng thời với tu sĩ Hen-ri Xu-xô và Tô-lơ, và được các vị này rất mến phục. Chị tham gia phong trào "những người bạn Chúa" dưới sự hướng dẫn của linh mục Hen-ri Nơ-lin-gen là người có nhiều liên lạc thân thiết với chị.
Nhờ tiểu sử tự thuật của chị hay quyển "nhật ký tâm linh" được viết từ năm 1349, chúng ta biết được cuộc "đổi đời" của chị bắt đầu vào năm 1311, chính cuộc đổi đời này đưa chị đạt tới đỉnh cao của sự hiệp nhất được diễn tả bằng cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa chị với Thiên Chúa. Chị triển khai tiến trình này thành 7 giai đoạn tương ứng với 7 căn phòng trong quyển sách "Lâu đài nội tâm" của thánh Tê-rê-xa A-vi-la.
Được tinh luyện trong đau khổ, linh đạo của chị Ma-ga-ri-ta tập trung vào Chúa Ki-tô mà chị luôn suy ngẫm về Người khi cử hành phụng vụ. Ngoài cuốn nhật ký nói trên, người ta còn tìm thấy linh đạo này trong cuốn "Cha ơi !" chứa đựng lời nguyện tha thiết hướng tâm hồn lên Chúa. Một trong những lời khẩn nguyện chị thường hay thưa với Chúa giống như tâm tình của thánh Gio-an và thánh Đa Minh : "Lạy Chúa Giê-su là Chân Lý vẹn toàn, xin tỏ cho con biết chân lý của Ngài." Cùng với các trường phái tâm linh đương thời, chị đã cảm nhận sâu xa tình yêu Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch chân lý và bình an ; và sự cảm nhận sâu xa này là nguồn dinh dưỡng cho đời sống tâm linh của chị.
Chị Ma-ga-ri-ta qua đời ngày 20-6-1351 tại đan viện Mê-đin-gen và được an táng tại nguyện đường của đan viện. Đức Gio-an Phao-lô II đã phong chân phước cho chị ngày 24-2-1979. Từ 600 năm nay, tu viện này chính là nơi tổ chức những cuộc hành hương rất long trọng.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Ma-ga-ri-ta được tiến vào tận nguồn mạch tình yêu Chúa nhờ lửa mến của Thánh Thần nung nấu. Xin cho chúng con cũng được đổ đầy Thánh Linh Chúa,để bước theo đường Đức Ki-tô mà tìm đến cùng Ngài. Người là Thiên Chúa hằng sống hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Ngày 9 tháng 7
THÁNH GIO-AN CÔ-LÔ-NI-A
linh mục, và các anh em, tử đạo, lễ nhớ
Chào đời tại nước Đức vào tiền bán thế kỷ XVI, thánh Gio-an đã hùng hồn làm chứng cho chân lý đạo Công giáo và nêu cao đức ái trong hoạt động mục vụ. Mặc dầu thuộc tu viện Cô-lô-ni-a, nhưng người khẩn khoản xin sang Hà Lan để nâng đỡ người Công giáo đang bị giáo phái Can-vanh bách hại khốc liệt.
Tại Hà Lan, đang khi làm cha sở nhà thờ Hô-na-ri-ê, bất ngờ rạng ngày 9-7-1572, người bị giáo phái Can-vanh đến bắt và treo cổ bên ngoài tường luỹ Bơ-ri-en Mô-xam, miền nam Hà Lan.
Cùng được phúc tử đạo với người, có 18 linh mục và tu sĩ khác : phần đông thuộc thị trấn Gô-cum gần đó. Tất cả đều bị treo cổ, thi hài bị chặt ra từng mảnh. Các vị bị sát hại vì bênh vực chân lý Công giáo về bí tích Thánh Thể và quyền tối thượng của giáo hoàng Rô-ma.
Ngày 24-11-1675, Đức Cơ-lê-men-tê IX long trọng phong chân phước cho các vị. Và ngày 26-9-1876, Đức Pi-ô IX tôn phong các vị lên hàng hiển thánh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, qua cuộc tử đạo của thánh Gio-an và các anh em người, Chúa đã ban cho chúng con gương trung tín và can đảm lạ lùng. Nhờ lời giảng và gương sáng của các vị, xin Chúa cho chúng con can đảm đương đầu với nghịch cảnh thế trần và kiên trì tuyên xưng đức tin chân thật. Chúng con cầu xin
Ngày 17 tháng 7
CHÂN PHƯỚC XÉT-LAO
linh mục (1184-1242), lễ nhớ tự do
Có lẽ chân phước Xét-lao là anh ruột của thánh Gia Thịnh. Tuy nhiên, truyền thống của Dòng khẳng định điều này không chắc chắn lắm. Chân phước Xét-lao sinh vào khoảng năm 1180 trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Ốt-rơ-goa ở Xi-lét-si-a thuộc giáo phận Bơ-rét-lô.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của người chú tên là Y-vơ - giám mục giáo phận Cơ-ra-cô-vi-a, chân phước Xét-lao được học hành đến nơi đến chốn, rồi được đặt làm kinh sĩ trưởng tại Xan-đô-mi. Năm 1220, chân phước Xét-lao cùng với thánh Gia Thịnh tháp tùng đức giám mục Cơ-ra-cô-vi-a sang Rô-ma. Tại đây, hai vị đã gặp thánh Đa Minh. Chứng kiến lời giảng và sự thánh thiện của thánh Đa Minh, hai vị cảm thấy như bị thôi thúc cần phải có một cuộc hoán cải nội tâm. Sau đó, cả hai cùng xin gia nhập Dòng và lãnh tu phục tại tu viện thánh Xa-bi-na.
Sau khi mãn khoá tập, bị nung nấu bởi lòng khao khát phần rỗi các linh hồn, chân phước Xét-lao đã xin thánh Đa Minh được đi thiết lập Dòng tại các nước Bắc Âu vốn còn trong tình trạng thờ các thần ngoại. Nguyện ước của người đã được nhận lời. Trên đường đi, người đã thiết lập một tu viện ở Ri-ê-xắc phía Bắc Ca-ri-ti-ê và ở Pơ-ra-gơ. Người du thuyết ở Xi-lét-si-a, Pô-mê-ra-ni, và nhiều vùng lân cận. Sau đó, người lãnh trách nhiệm hướng dẫn tỉnh dòng Ba-lan.
Khi quân Thát-đát xâm chiếm các quốc gia vùng Bắc Âu, chân phước Xét-lao lúc đó đang là tu viện trưởng ở Bơ-rét-lô, bằng lời cầu nguyện tha thiết của mình, chân phước đã góp phần cho việc giải phóng quê hương. Người qua đời vào năm 1242. Đức Cơ-lê-men-tê XI đã tôn người lên bậc chân phước vào năm 1713.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Xét-lao lòng nhiệt thành loan báo Tin mừng cho muôn dân. Xin cho chúng con tiếp bước chân người để bằng nếp sống và lời giảng mà truyền bá đức tin chân thật. Chúng con cầu xin …..
Ngày 2 tháng 8
CHÂN PHƯỚC GIO-AN-NA A-DA
Thân mẫu thánh phụ Đa Minh, lễ nhớ tự do
Cuộc đời của nữ chân phước Gio-an-na A-da, thân mẫu thánh Đa Minh, được các sử gia tóm lược khá chi tiết. Sử gia Rô-đơ-ri-ghê nắm rõ các thông tin bởi ông đã đến Ca-lê-ru-ê-ga vào năm 1270 và là một nhân vật đã từng sống trong vùng này. Lại nữa, cha Vi-ke-rơ đã tỉ mỉ nghiên cứu các tài liệu trong công hàm của Dòng nên đã cung cấp một số chi tiết rất chuẩn xác. Nhờ vậy, chúng ta mới biết đích xác rằng, thân phụ của thánh Đa Minh thuộc dòng họ Gu-man và thân mẫu người thuộc dòng họ A-da. Cả hai dòng họ này đều thuộc dòng dõi quý tộc hiệp sĩ, cai quản vùng thượng Đu-rô và theo phò các vua trong các cuộc "tái chinh phục" vùng bán đảo của người Mo. Sau khi kết hôn với Phê-líc Gu-man, bà Gio-an-na A-da chính là người đã trù liệu cho gia đình đến định cư tại vùng Ca-lê-ru-ê-ga.
Sử gia Rô-đơ-ri-ghê cho biết : "Thân phụ thánh Đa Minh là bậc đáng kính và phú túc trong vùng, thân mẫu của cha thánh là người phụ nữ tiết hạnh, đoan trang và giàu lòng nhân ái đối với những người bất hạnh và khổ đau. Danh thơm tiếng tốt của bà nổi bật hơn tất cả các phụ nữ trong vùng." Theo đó, thánh Đa Minh chắc chắn đã thừa hưởng tấm lòng khoan dung từ chính nơi thân mẫu của người. Bằng chứng là cha Giô-đa-nô đã kể lại cho chúng ta tính cách tiêu biểu nơi thánh phụ ngay khi người còn rất trẻ : "Vì động lòng trắc ẩn trước cảnh túng quẫn của những người nghèo khổ, cha thánh đã dốc cạn khả năng của mình để tìm cách an ủi họ. Một lần kia, không thể bình tâm trước những người khốn khổ đang hấp hối, chàng thư sinh đã phải bán những cuốn sách quý của mình để giúp đỡ họ."
Người ta cũng kể những câu chuyện tương tự như thế về thân mẫu của thánh Đa Minh. Một lần kia, vì không thể cầm lòng trước cảnh thiếu thốn của những người bất hạnh, bà Gio-an-na đã không ngần ngại đem những vật dụng thường ngày trong nhà mình chia sẻ cho họ, bà còn chiết cả một thùng rượu hảo hạng trong hầm rượu của gia đình ra biếu họ. Chính lúc đó, chồng bà về đến nhà sau một cuộc hành trình dài. Ông xin được dùng chút rượu để nghỉ ngơi thư giãn. Trong tâm trạng đầy lo âu và bối rối, bà Gio-an-na đã khẩn nguyện với
Chúa và Người đã nhậm lời bà, tức thì thùng rượu trong nhà lại trở nên đầy tràn !
Người ta cũng kể lại rằng, vào thời gian mang thai thánh Đa Minh, bà Gio-an-na đã đi hành hương tại đan viện thánh Đa Minh thành Xi-lô, nguyên là một viện phụ rất đáng kính. Vì thế, dân chúng thường đến đây xin người cầu thay nguyện giúp cho các tù nhân mau được giải thoát, và cho các bà mẹ khi sinh nở được mẹ tròn con vuông. Đó chính là lý do tại sao cha thánh của chúng ta lại được đặt tên là Đa Minh. Chúng ta còn biết đến nhiều truyền thuyết khác nữa, chẳng hạn như, khi mang thai thánh Đa Minh, bà Gio-an-na mơ thấy một con chó miệng ngậm bó đuốc ; hay chuyện những con ong mật bay đến đậu trên môi em bé sơ sinh...v.v. các tích chuyện này bắt nguồn từ những truyền thuyết thời trung cổ.
Sau khi qua đời, bà Gio-an-na được an táng ở Ca-lê-ru-ê-ga. Vào thế kỷ XIV, thi hài của bà được chuyển đến tu viện dòng anh em thuyết giáo ở Pê-na-phi-en và ở đó cho đến nay. Nhờ thu thập được các thánh tích, một nghi thức phụng vụ đã được hoạch định để tôn kính bà Gio-an-na. Nghi thức phụng vụ này đã được chuẩn nhận chính thức kể từ năm 1826, khi đức giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong bà Gio-an-na lên bậc chân phước.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Chúa, nhờ thấm nhuần tinh thần Phúc âm, chân phước Gio-an-na đã chuẩn bị đời sống tông đồ cho hai người con là Thánh Đa Minh và Chân Phước Ma-nê. Xin Chúa cũng khơi dậy tinh thần Phúc âm ấy trong tâm hồn Dân Chúa. Chúng con cầu xin …
Ngày 8 tháng 8
THÁNH PHỤ ĐA-MINH
Linh Mục (1172-1121) Đại lễ
Thánh Đa Minh sinh tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha, khoảng năm 1172-1173. Người học thần học tại Pa-len-xi-a, và nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người nghèo. Là kinh sĩ tại Ốt-ma, người tiến đức nhiều nhờ chuyên chăm cầu nguyện. Là bề trên phó kinh sĩ đoàn, người lãnh đạo rất khôn ngoan.
Tại miền Tu-lu-dơ, nơi giáo phái An-bi gây nhiều xáo trộn, người đã trở thành một nhà giảng thuyết chuyên cần, bằng gương sống thanh bần theo tinh thần phúc âm, và bằng cách đối thoại huynh đệ trong khi tranh luận về đạo lý. Người đã đưa ra một phương pháp mới để trình bày đức tin. Phương pháp này đã được Đức In-nô-xen-tê III chấp thuận. Người coi trọng phần đóng góp của phụ nữ trong việc truyền bá Phúc âm, nên đã thiết lập nữ đan viện Pơ-rui, để các nữ tu đó có phương tiện tiến đức và trợ lực các anh em giảng thuyết, và nếu cần có thể làm nơi tá túc cho anh em nữa. Người mở rộng vòng tay đón những cộng sự viên hiến thân trong việc : "truyền giảng Chúa Ki-tô". Để đặt nền tảng cho một dòng tu mới, người thành lập tu viện cho anh em tại Tu-lu-dơ.
Sống theo tu luật thánh Âu Tinh, kết hợp đời sống kinh sĩ với đời sống tông đồ, người đã lãnh nhận cho mình và cho Dòng nhiệm vụ giảng Lời Chúa, một nhiệm vụ thời ấy chỉ dành riêng cho các giám mục. Đức Hô-nô-ri-ô III đã châu phê Dòng ngày 22-12-1216. Thế là tại Rô-ma, người được bảo đảm về sứ vụ phổ quát của Dòng. Tin tưởng vào ân sủng Chúa ban và cậy trông vào sự bảo trợ của Đức trinh nữ Ma-ri-a, người tung anh em ra khắp Châu Âu, nhất là đến Pa-ri và Bô-lô-ni-a, những trung tâm học vấn quan trọng thời đó. Còn người, người dành cho mình sứ vụ nặng nề tại miền Bắc Ý, nơi đang bị giáo phái Ca-ta đầu độc.
"Người luôn nói với Chúa" để rồi có thể "nói về Chúa". Bằng lời giảng sốt sắng, người đem Chúa đến cho tha nhân, và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, người dẫn đưa tha nhân về với Chúa." Đâu đâu, người cũng lấy lời nói, việc làm, chứng tỏ mình là con người sống theo tinh thần phúc âm. Không ai thông cảm và vui vẻ với anh em tu sĩ và những cộng sự viên hơn người. Người quả là "Vị an ủi tuyệt hảo". Người qua đời tại Bô-lô-ni-a ngày 6-8-1221.
Người được Đức Ghê-gô-ri-ô IX, bạn thân của người khi còn là Hồng y ở Ốt-xi-a Ti-bê-ri-na, ghi tên vào sổ bộ các thánh ngày 3-7-1234.
Lời Nguyện Nhập Lễ
Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho Hội thánh Chúa bởi công nghiệp và giáo thuyết của Thánh Đa Minh là hiển tu Chúa và là Cha chúng con. Xin Chúa vì lời người chuyển cầu, ban cho Hội thánh Chúa khỏi thiếu những trợ giúp trần thế, lại được luôn thăng tiến và phát triển về đường tâm linh. Chúng con cầu xin...
Ngày 17 tháng 8
THÁNH GIA -XIN-TÔ
Linh mục (+1257), lễ nhớ
Thánh Gia Thịnh chào đời vào cuối thế kỷ XII tại Ka-mi-ên, giáo phận Bơ-rét-la-ô, quý danh Gia-cô-bê. Tới thế kỷ XIV, người được gọi là Gia Thịnh. Năm 1220, đang là kinh sĩ nhà thờ Cơ-ra-cô-vi-a, thánh Gia Thịnh vào Dòng Anh em Thuyết giáo tại Rô-ma.
Năm 1221, thánh Đa Minh cử tu sĩ Gia Thịnh cùng với tu sĩ Hen-ri-cô Mô-ra-vi-a về lập dòng tại Ba Lan, Ngay năm 1222, người đã thiết lập được tu viện tại Cơ-ra-cô-vi-a. Năm 1225, cha Giê-ra-đô Bơ-rét-la-ô, giám tỉnh tiên khởi tại Ba Lan đã phân phối các tu sĩ đi năm ngả.
Thánh Gia Thịnh đến lập tu viện tại Đăng-tích, thuộc miền Pô-mê-ra-ni-a, rồi tại Si-nê-li. Cư ngụ tại đây từ 1229 đến 1233, người nổi tiếng có cuộc sống trong trắng và lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.
Người hoạt động hăng say giữa cộng đồng người Chính thống và Công giáo tại miền này. Nguời đã rời bỏ thành phố trước khi các tu sĩ bị quận công Vơ-la-đi-mi trục xuất. Trong những cuộc hành trình đó, sách vở còn ghi lại nhiều việc lạ lùng. Chẳng hạn câu chuyện người trải áo choàng trên mặt nước, rồi cùng với anh em tu sĩ vượt qua sông Vít-tu-la mà không ướt chân, đem theo Thánh Thể Chúa và tượng Đức Trinh Nữ.
Người qua đời tại Cơ-ra-cô-vi-a ngày 15-8-1257. Năm 1527, Đức Cơ-lê-men-tê VII tôn người lên bậc chân phước. Ngày 14-7-1594, Đức Cơ-lê-men-tê VIII ghi tên người vào sổ bộ các hiển thánh.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã kêu gọi thánh Gia-xin-tô chuyên cần rao giảng Lời Chúa, canh tân và củng cố đức tin cho nhiều dân tộc. Vì lời thánh nhân chuyển cầu,
xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng con, để chúng con can đảm làm rạng Danh Chúa và phục vụ hạnh phúc đời đời của tha nhân. Chúng con cầu xin
Ngày 18 tháng 8
CHÂN PHƯỚC MA-NÊ
Linh mục (+1235), bào huynh Thánh Phụ Đa Minh,
lễ nhớ tự do
Thánh Đa Minh có hai người anh đó là tu sĩ An-tôn và tu sĩ Ma-nê. Tu sĩ An-tôn là "cha tuyên úy cho một viện dưỡng lão" và người "đã hiến dâng cả cuộc đời làm việc bác ái để phục vụ những người nghèo khổ." Tu sĩ Ma-nê có tên tục là Ma-mét, đây là tên một vị tử đạo ở phương Đông và rất được người Tây Ban Nha sùng kính. Sử gia Giê-ra Phơ-ra-xê cho biết, "chân phước Ma-nê là một nhà chiêm niệm thánh thiện, đã dành trọn cả cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa trong nội thất tu viện."
Ngay từ khi thành lập Dòng và có thể sớm hơn nữa, cha Ma-nê đã được thánh Đa Minh hướng dẫn. Năm 1217, thánh Đa Minh đã cử cha Ma-nê cùng với tu sĩ Mát-thêu Phơ-ran-xơ và 5 anh em khác đến Pa-ri để xây dựng tu viện thánh Gia-cô-bê. Mùa hè năm 1219, khi từ Tây Ban Nha đến Pa-ri, thánh Đa Minh đã cử cha Ma-nê xuống Ma-rít để điều hành một tu viện vừa mới được xây dựng cho các nữ tu. Ít lâu sau, thánh Đa Minh viết thư cho các nữ tu này ; đây cũng là lá thư duy nhất còn được lưu giữ có nội dung như sau :
"Chúng ta được hưởng nhờ đức độ từ người anh rất thân mến của chúng ta, người đã chịu hiến mình vì tội lỗi để các chị đạt tới sự thánh thiện, người đã tổ chức và xếp đặt mọi điều hữu ích để các chị cư xử với nhau thánh thiện và đạo đức..."
Khi cha Đa Minh được phong thánh vào tháng 7 năm 1234, chân phước Ma-nê trở về Ca-lê-ru-ê-ga và sống những năm cuối đời tại đó. Bốn mươi năm sau, sử gia Cô-ri-ghê Xê-ra-tô là người đã từng sống tại một thung lũng gần Ca-lê-ru-ê-ga và quen thân với gia đình cha thánh đã viết về cha Ma-nê như sau : "Tu sĩ Ma-nê là một nhà giảng thuyết nhiệt tình, đức độ, lịch thiệp, khiêm nhường, vui tươi và giàu lòng nhân ái.
Người qua đời tại một đan viện thánh Phê-rô thuộc dòng Xi-tô ở làng Gu-mi-en, tại đây, người được an táng như là một tu sĩ Xi-tô danh dự." Sau này, một tu sĩ khi đến thăm đan viện đã phải thốt lên : "Nơi đây người ta nhận được nhiều phép lạ và những ơn kỳ diệu. Với những ân huệ đó, dân chúng kể người như một vị thánh và lưu giữ thi hài của người trong một ngôi mộ bên cạnh bàn thờ."
Đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI đã công nhận ngày lễ kính và tôn phong người lên bậc chân phước năm 1833.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã muốn Chân Phước Ma-nê cộng tác với em là Thánh Đa Minh trong sứ vụ giảng thuyết. Xin cho chúng con theo chân các vị mà sốt sắng kiên trì rao giảng Tin mừng cứu độ cho anh em. Chúng con cầu xin
Ngày 23 tháng 8
THÁNH RÔ-XA LI-MA
Trinh nữ (1586-1617), lễ nhớ
Thánh I-xa-be-la Phơ-lo-ra, được gọi là Rô-xa, vì rất xinh đẹp. Người sinh tại Li-ma, nước Pê-ru, năm 1586. Người chính là đóa hoa thánh thiện đầu tiên của châu Mỹ. Người nổi danh với đời sống khổ hạnh và cầu nguyện. Để đạt tới sự trọn lành theo tinh thần Phúc âm, người đã gia nhập hàng ngũ các chị em Đa Minh.
Vốn chuyên cần chiêm niệm, thánh Rô-xa còn ước mong hướng dẫn nhiều người vào huyền nhiệm của việc "cầu nguyện âm thầm"... Vì thế, người phổ biến các sách bàn về vấn đề này, đồng thời thúc giục các linh mục khuyên nhủ mọi người yêu mến việc cầu nguyện. Mặc dù sống hầu như biệt cư trong khu vườn của cha mẹ, thánh Rô-xa vẫn tỏ ra thiết tha với trách nhiệm truyền giáo của Hội Thánh. Người ao ước hy sinh tính mạng để cứu vớt kẻ tội lỗi và "dân bản xứ", cầu cho họ nhận biết Chúa Ki-tô. Vì là phụ nữ, người tiếc là không thể dấn thân cho việc tông đồ.
Say mê yêu mến Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, và tôn sùng Đức Trinh Nữ Thánh Mẫu Thiên Chúa, người chuyên cần phổ biến kinh Mân Côi.
Thánh Rô-xa qua đời tại Li-ma ngày 24-8-1617. Người được đức Cơ-lê-men-tê IX tôn lên bậc chân phước năm 1668, và Đức Cơ-lê-men-tê X phong hiển thánh ngày 12-4-1671. Từ 1671, người được tôn làm bổn mạng miền Nam Mỹ.
Lời nguyện nhập lễ :
Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Rô-xa Li-ma được cháy lửa yêu mến Chúa nồng nàn, khiến người từ bỏ thế gian,
sống cho một mình Chúa trong cuộc đời khắc khổ và cầu nguyện. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu mà cho chúng con hằng tiến bước trên con đường đưa tới sự sống thật,
để được hưởng nguồn vui bất tận trên trời. Chúng con cầu xin…