HOA VẪN NỞ
TRÊN CUỘC HÀNH TRÌNH LINH MỤC
Thân tặng Tân Linh mục Antôn Hoàng Trung Hoa
Giáo họ Dã Sơn, Giáo xứ Phú Vinh, Giáo phận Vinh
21.06.2010
1. Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con (Ga 15,16)
Ngày xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn các tư tế trong 12 chi tộc Ítraen. Mỗi tộc trưởng nộp một cây gậy ghi tên của mình và đặt trước Hòm Bia Thiên Chúa. Ngày hôm sau, một trong số 12 cây gậy đã đâm chồi nở hoa. Đó là cây gậy của ông Aharon, tộc trưởng Lêvi.
Ông Aharon đã được tuyển chọn để trở thành tộc trưởng của gia tộc tư tế. Từ đó, các thầy Lêvi trong gia tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa để trở thành tư tế lo việc phụng tự. (Ds 17,16-26)
Ngày nay, vào sáng thứ bảy 19.06.2010 vừa qua, để:
- Ghi dấu ấn năm thánh 2010
Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên kính yêu của chúng ta đã trao ban tác vụ linh mục cho 21 thầy phó tế và đã trở thành những linh mục thừa tác của Giáo Hội, của giáo phận Vinh, đang bước vào một giai đoạn mới được mở ra.
Hôm nay 21.06.2010, chúng ta cùng chung khúc tạ ơn với tân linh mục Antôn Hoàng Trung Hoa, người con của giáo họ Dã Sơn, thuộc giáo xứ Phú Vinh. Đây là một hồng ân cho gia đình giáo xứ Phú Vinh, cho giáo họ Dã Sơn, cho gia đình họ Hoàng, và cách riêng cho cha mới Antôn. Sự hiện diện của cha Giám đốc Đại Chủng viện, quý cha giáo, quý cha quản hạt, quý cha, quý thầy, quý dì, sự hiện diện đông đảo anh chị em giáo xứ Phú Vinh, nhất là sự hiện diện của các thân hữu tận miền Nam, đặc biệt có sự hiện diện đông đảo của anh chị em lương dân trong vùng.
Thật là hồng ân và huyền nhiệm vì các tân linh mục cũng chỉ là tạo vật phàm hèn yếu đuối như ai, lại phải cử hành các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhiều lúc chúng tôi có cái cảm nghiệm sao Chúa liều quá vậy!!!?
Chúa liều lắm khi Ngài trao ban ân huệ cho chúng tôi mà Ngài không sợ chúng tôi lạm dụng. Vâng chúng tôi có thể lạm dụng ân ban của Ngài để tạo uy quyền, để mắng chửi, phạt vạ, hống hách, cưả quyền!!! Chuá không sợ sao?
Chúa liều lắm, Ngài trao ban cho chúng tôi viên ngọc quý giá mà bản thân chúng tôi lại quá dòn mỏng, vụng về… rất khó khăn trong việc giữ gìn và bảo trọng… Thật, Chúa không sợ chúng tôi làm hư bột hư đường sao?
Chúa liều như thế vì Chúa tin tưởng nơi chúng tôi và nhất là nhờ lời cầu nguyện kéo sự nâng đỡ của Chúa, sự cộng tác của anh chị em. Và cũng để cho chúng tôi đừng bao giờ cậy vào sức mình, nhưng hoàn toàn tín thác “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).
Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi và tuyển chọn các linh mục để thánh hiến và sai họ đi. Như đã trao cho Aharon, Chúa cũng trao cho các linh mục chiếc gậy chăn chiên để dẫn dắt đoàn chiên Chúa. Chiếc gậy trong tay linh mục, người lữ hành của Thiên Chúa, đã nở hoa và vẫn mãi nở hoa trên cuộc hành trình lãnh đạo dân Chúa.
2. Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa (Lc 1,48)
Như Đức Maria, các linh mục và cách riêng các tân chức đều cảm nhận lòng nhân ái của Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn của chúng ta. Mặc dầu hèn mọn, Chúa cũng đã chọn tôi. Ơn gọi linh mục phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và cắt cử các con để các con ra đi” (Ga 15,16).
Hôm nay bông hoa tươi thắm đang nở rộn trong lòng mọi người, trong lòng các vị tân linh mục. Những bông hoa ấy nở rộ từ những hy sinh gian khó, cũng có thể đã nở ra muộn màng sau những ngày tháng long đong lận đận. Nhìn lại, cha mới Antôn ngày hôm nay chắc chắn có cảm nghiệm sâu sắc về bàn tay Chúa dẫn đưa thật tuyệt vời. Từ một người chưa biết Chúa đến hồng ân làm con cái Chúa, rồi khao khát dâng mình cho Chúa mặc dầu cuộc hành trình rất lận đận, từ việc xin gia nhập Đan viện Phước Hòa rồi vì lý do bệnh tật thầy đã phải trở về. Lòng khao khát đó lại dẫn đưa thầy vào dòng Trợ thế thánh Gioan Thiên Chúa và sau cùng muốn được phục vụ nơi những người nghèo tại quê hương mình, thầy Antôn đã xin gia nhập giáo phận Vinh.
Cuộc hành trình tuy gian nan lận đận nhưng cũng chứa chan niềm an ủi. Để có được thành quả hôm nay, biết bao người đã cực nhọc ươm hạt, gieo trồng, chăm sóc, tưới gội bằng mồ hôi công sức của mẹ cha, của quý thầy cô, của các cha giáo và của những người dẫn dắt và lo lắng chăm sóc cho cây ơn gọi của cha mới được lớn lên. Đến đây với tư cách là nghĩa phụ, con cám ơn quý Đức Cha, quý cha đã đón nhận cha mới được nhập vụ và hôm nay hân hạnh trở nên linh mục của giáo phận Vinh với truyền thống đạo đức và vẻ vang này.
3. Ngài đã sai tôi đi (Lc 10,3)
Ơn gọi bao giờ cũng đi kèm với sứ vụ, vì thế ơn gọi linh mục chính là hành trình được sai đi.
a. Sai đi loan giảng Tin Mừng (Lc 4,18)
Ngày tôi chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục, cha giáo của tôi lúc đó là cha cố Giuse Đoàn Thiệu, OP đã nhắc nhở tôi: 5 năm đầu đời linh mục, anh hãy chuyên cần cầu nguyện, chuẩn bị dâng lễ sốt sắng, chịu khó soạn bài giảng kỹ lưỡng trên giấy đàng hoàng, dù chỉ có một số rất ít giáo dân và đặc biệt cố gắng duy trì lòng yêu mến Đức Mẹ. Tôi đã cố thi hành và tôi cảm thấy giáo huấn của ngài thật hữu ích cho đời linh mục của tôi. Nay cũng xin chia sẻ với các cha mới lời khuyên nhủ này.
Lời giảng là kết quả của việc chiêm niệm, của suy tư từ chất liệu cuộc sống. “Người thời nay tin tưởng chứng nhân hơn là thầy dạy. Nếu thầy dạy được yêu quý vì ông cũng là chứng nhân” (Phaolô VI).
Ảnh hưởng gương mẫu đời sống chính là thành quả trong công tác mục vụ mà chúng ta thấy được, không phải là những bài giảng hay, nhưng là những lời chia sẻ cảm nghiệm qua đời sống đạo đức. Người đời thường than phiền chúng ta: linh mục là người có cái miệng lớn hơn cái tai, vì ông thường xuyên nói, thường xuyên giảng, huấn đức... mà toàn là những lời ngẫu hứng hơn là phát xuất từ thái độ lắng nghe lời Chúa, lắng nghe dân Chúa.
b. Những thử thách của đời linh mục
Cuộc hành trình nào mà chẳng có gian truân, cuộc ra đi nào mà không phải từ bỏ? Cuộc hành trình ơn gọi linh mục có khi đầy gian khó như cuộc hành trình của ngôn sứ Êlia trên núi Khôrép để giữ gìn giao ước và đức tin, ông đã bị truy đuổi đến kiệt sức trong cơn tuyệt vọng. Nhưng Chúa đã sai thiên sứ đến nâng đỡ để ông tiếp tục cuộc hành trình (1V 19,1-8)
Cuộc hành trình ơn gọi linh mục cũng có thể đầy thử thách như cuộc hành trình của tổ phụ Ápraham: lên núi sát tế Isaác, người con trai duy nhất. Chúa đã ban ơn cho ông vì đã thấy lòng tin mạnh mẽ của ông (St 22,1-14).
Trong 2Cr, thánh Phaolô đã trình bày những gian truân thử thách, những bắt bớ tù đày, 1 lần bị ném đá, 3 lần bị đánh đòn, 1 lần bị đắm tàu… (2Cr 11,11-33).
Cuộc hành trình ơn gọi linh mục cũng có lúc đầy gian nan như thế. Thánh Phaolô đã chiến đấu không ngừng, đã chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin (2Tm 4,7).
Bà cố Magarita, thân mẫu của thánh Don Bosco, đã âu yếm nhắc nhở con mình: “Hôm nay con đã là linh mục của Chúa, mỗi lần khi con ra dâng lễ, con hãy nhớ mình cùng dõi bước theo Chúa lên đỉnh đồi Canvê.”
Có lẽ đây là lúc để chúng ta nhắc nhở nhau vì trong hàng ngũ chúng ta có những anh em đã phải bị bắt bớ, vác chiếu ra tòa, bị người ta rải truyền đơn phản đối, bị thưa kiện.
Trong cơn thử thách niềm xác tín của Phaolô vẫn vững như bàn thạch. Đời sống linh mục dẫu đầy thử thách và hy sinh nhưng chúng ta xác tín Chúa vẫn đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Có cây gậy của Chúa giữ gìn bảo vệ, người linh mục luôn an tâm vững bước. Vì thế, đời linh mục phải là một lời ngợi ca không ngừng: Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời (Tv 23,6).
4. Tôi tin tưởng vào Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì tôi
Đời linh mục là cuộc hành trình gồm hai khía cạnh: Được Chúa dìu dắt để dắt dìu người khác, Được nương tựa vào Chúa để trở thành chỗ tựa nương cho mọi người. Linh mục được mời gọi trở nên “chiếc gậy mục tử” của Chúa. Vì thế chiếc gậy không còn là biểu tượng của “uy quyền hay thống trị”, nhưng luôn mang ý nghĩa “đỡ nâng và dẫn đường”.
Cuộc đời linh mục gắn liền với việc cử hành hiến tế tạ ơn. Mẹ Têrêsa Calcutta để một tấm giấy ở bàn dọn lễ: “Cha hãy dâng lễ như đây là thánh lễ đầu tiên và là thánh lễ cuối cùng của đời linh mục”.
Như thế, linh mục là người của Chúa, gắn kết đời mình với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu Thánh Thể, với việc cử hành các bí tích nhất là bí tích Hòa giải.
Cha Antôn đã được mời gọi và được sai đến với những người nghèo hôm nay. Xuất thân từ một gia đình nghèo gốc nông dân, được mời gọi theo bước chân Chúa Kitô đã chọn cho mình con đường phục vụ những người nghèo. Theo Sắc lệnh Chức vụ và Đời sống Linh mục: “Các linh mục là con nợ của những người nghèo”.
Trong thánh lễ tạ ơn 50 năm linh mục của Đức Cha cố Phaolô kính yêu của chúng ta, Đức Cha Nguyễn Chí Linh trong bài giảng lễ đã gọi ngài là vị Giám mục trên từng cây số. Ngài đến với những người nghèo, các giáo xứ vùng sâu vùng xa. Địa chỉ thường trú của ngài là trên xe, trên các nẻo đường đi thăm viếng mục vụ. Tòa Giám mục, theo một ý nghĩa nào đó, chỉ là địa chỉ tạm trú.
Hôm nay, thánh lễ đầu đời linh mục của cha mới được cử hành trên một mảnh đất vẫn còn hoang sơ, đó là giáo họ Dã Sơn mới thành hình với nền nhà thờ vừa đặt viên đá đầu tiên. Đây là một biến cố huyền nhiệm, Chúa ban cho một người con của đất Dã Sơn hoang vu này lên thánh chức linh mục, có nghĩa là một hạt mầm đức tin do đời sống gương sáng và tinh thần đoàn kết của anh chị em giáo xứ Phú Vinh đã ươm trồng. Đây cũng là một biến cố để lại ấn tượng sâu sắc cho hướng đi phục vụ người nghèo của cha mới được định hình thật rõ nét.
Theo gương của Đức Cha già kính yêu, đức ái mục tử đòi chúng ta phải tận tụy chăm sóc đàn chiên của Chúa, đồng hành đồng phận với con người và cũng có thể đồng sinh đồng tử với cộng đoàn dân của Chúa. Lúc đó “giáo xứ” hai tiếng thân thương mà mỗi linh mục đều cảm nghiệm: Anh chị em là những người thân thương của tôi, anh chị em là triều thiên của tôi.
Hôm nay bắt đầu hành trình đời linh mục của cha mới. Đường còn dài ngút ngàn và chắc chắn không phải là đường trải hoa. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ cha mới.
Hôm nay, cây gậy lữ hành của các tân chức bắt đầu đâm chồi và nở hoa. Chúng ta ước mong những bông hoa rực rỡ hôm nay mãi mãi tươi nở trên cuộc hành trình linh mục của ngài. Nguyện chúc tân linh mục luôn trung thành với sứ mệnh Chúa trao, để mỗi ngày luôn cất tiếng thân thưa: Chúa là phần gia nghiệp đời tôi (Tv 16,5) và như châm ngôn đời linh mục của cha: Tôi sống trong niềm tin vào Đấng yêu mến và hiến mạng vì tôi (Gl 2,20b).
.