28/02/2016 -

Suy tư, nghiên cứu

3554
Một vụ việc khiến dư luận xôn xao, một tin tức gây ngỡ ngàng, căn cứ vào các tài liệu mật có được sau vụ WikiLeaks, trong những ngày cuối đời dưới hầm ngầm Berlin, Adolf Hitler đã có cho mời một linh mục tới. Ngoài ra, các nhân viên của OSS lén cấy một thiết bị nghe lén lên chiếc cặp của vị linh mục. Toàn bộ lời xưng tội của Hitler đã bị thâu âm lại, OSS biên chép lại thành văn bản, và cất giữ trong văn khố của cơ quan an ninh, tiền thần của CIA này. Bản ghi chép được tiết lộ này có nội dung như sau:

“Heil, mein Fhrer!”
“Chào cha, mời cha vào…” [Hai người nói chuyện qua lại vài câu một lúc trước khi buổi xưng tội bắt đầu]. Vị linh mục bắt đầu buổi xưng tội với dấu thánh giá, và Hitler xưng tội của hắn:

“Lạy Thiên Chúa Cha, xin thương chúc lành cho con, vì con đã phạm tội, con đã bỏ xưng tội từ khi còn rất trẻ. Đây là những tội con đã phạm. Con đã cãi lời cha mẹ con vô số lần. Con đã tỏ ra giận dữ với các đồng sự, đồng nghiệp của mình trung mình 2 lần mỗi tuần. Con có những tư tưởng không trong sáng. Con có liên hệ tính dục ngoài hôn nhân nhiều lần, nhưng đấy chỉ là chuyện mới xảy ra đôi ba năm gần đây thôi – và con cũng không có đi ‘tới bến’ trong những liên hệ này nữa. Con thường tỏ ra bất nhẫn khi tham gia giao thông. Con xưng những tội này và tất cả các tội khác của con, con thực lòng sám hối.”

Vị linh mục ra việc đền tội là 50 chục kinh, ban lời xá giải, và các trợ tá của Hitler được gọi tới để đưa vị linh mục ra khỏi hầm ngầm.

Chậc! Chắc quý vị cũng đã đoán ra là tôi đang dựng chuyện. Trước hết, dù thế nào đi nữa, tôi làm sao mà dám vi phạm Ấn Toà Giải Tội cơ chứ! Nhưng thế này, dầu sao tôi cũng cho rằng, hầu hết quý vị đây, đều cảm thấy bất mãn với nội dung của bản xưng tội này.

Không thấy đá động gì tới sự thù ghét với người Do-thái, người Digan, người Công giáo,… Không thấy nói gì tới những thí nghiệm y học tàn ác được thực hiện trên các tù nhân trong các trại tập trung; không thấy nói gì tới những giết chóc tàn ác trong các trại tập trung. Những lời xưng tội này thật hời hợt và dối trá, các bạn có thể bảo rằng: “Nếu tôi là Hitler và nếu là tôi xưng tội trong cái hầm ngầm ấy, tôi sẽ xưng tội một cách chân thành, thấu đáo, tệ quá mà!”

Có thể.

Các bộ phim kinh điển có thể không thể thay thế việc linh hướng được, nhưng đôi khi chúng lại cung cấp cho chúng ta những ẩn dụ về thân phận con người ta khá thú vị và hữu ích. Một trong những bộ phim ưa thích của tôi hồi còn nhỏ là bộ phim “Cầu sông Kwai”.

Trong Thế Chiến II, các tù binh người Anh di chuyển bằng tàu lửa tới một trại tù của Nhật ở Miến Điện. Tên sĩ quan Nhật thông báo, tất cả các tù binh, bất kể cấp bậc, phải xây một cây cầu cho tàu lửa đi qua sông Kwai, để nối Bangkok với Rangoon.

Viên sĩ quan cấp cao người Anh (do Alec Guinness một người cải đạo sang Công giáo thủ vai) ban đầu chống đối, nhưng sau cũng đành phải hợp tác, vì nếu không hợp tác tù binh người Anh sẽ bị hành khổ, tra tấn. Bất chấp việc cây cầu sẽ mang lại những lợi ích quân sự cho người Nhật, vị sĩ quan cho rằng việc xây cầu sẽ là cách giúp họ giữ vững, nâng cao tinh thần. Cây cầu được hoàn tất và họ lên tinh thần.

Khi một đoàn tàu chất đầy vũ khí, trang bị quân sự của kẻ thù sắp sửa chạy qua chiếc cầu mới dựng xong, một tiểu đội đặc công được phái đi với nhiệm vụ phá huỷ cây cầu, ban đầu Guinness cản không cho họ thực hiện việc này. Nhưng bị thương lúc giao tranh, lúc ấy ông mới tỉnh ngộ mà than lên rằng: “Tôi đang làm cái quái quỷ gì thế này?” Vị đại tá bị thương choáng váng, té ngã vào cái kíp nổ, đổ người vào đúng cái cần gạt, kích nổ vừa đúng lúc phá huỷ cây cầu, khiến cả đoàn tàu bị rơi xuống sông.

Hình: “Tôi đang làm cái quái quỷ gì thế này?”, chụp từ phim “Cầu sông Kwai”

Đây là một ẩn dụ khá rõ ràng. Trong những hoàn cảnh đặc biệt (thậm chí là bình thường cũng vậy), người ta rất dễ thoả hiệp với sự dữ. Người ta cứ vin hết cớ nọ lý kia, biện minh đủ đường, đến nỗi sự thoả hiệp, hợp tác ấy không còn được nhìn ra như một sự sai trái nữa, nhưng trái lại như một điều cần thiết và tốt lành. Để có thể tỉnh ngộ ra, thường người ta phải cần tới một biến cố đau thương lớn lao nào đó.

Chúng ta kỳ vọng sẽ có nhiều cuộc hoán cải, ăn năn thực lòng tương tự như trường hợp của “Tên Trộm Lành” trên đồi Can-vê. Nhưng chuyện ấy có thường xảy ra không, thưa quý bạn?

Một linh mục tuyên uý bệnh viện lớn tuổi, có lần nói với tôi rằng, theo kinh nghiệm của ngài, việc người ta hoán cải lúc hấp hối trên giường bệnh rất là hoạ hiếm. Một vị linh mục bằng hữu của tôi, lại nhớ rất rõ lời một nữ tu, cảnh báo cho đám thiếu nhi trong lớp của mình, đừng có mà đợi giờ thứ mười một rồi mới chịu sám hối, nữ tu ấy nhấn mạnh, “Các con sống làm sao, thì các con sẽ chết như vậy”. Trong cuốn The Art of Dying Well (Nghệ thuật chết lành), thánh Robert Bellarmine dành nguyên một chương để nói về việc “Ai muốn chết lành, người ấy phải sống tốt”.

Thật là một ý hướng nguy hiểm. Thế nhưng, có một sự thật phũ phàng thế này, nhiều người trong chúng ta có thể chết trong tội của mình, vì chúng ta không nhận ra sự nguy hại trong các thoả hiệp mà chúng ta thực hiện với quỷ dữ.

Chúng ta than khóc cho đất nước chúng ta, cho thế giới, và thậm chí cho chính các anh chị em đồng đạo với chúng ta: nhiều người không còn nhận ra sự ác hại, tội lỗi trong việc phá thai, khi ngừa thai, thụ tinh ống nghiệm, và cái gọi là “hôn nhân đồng giới”, dồn phiếu bầu cho các ứng viên “ủng hộ quyền phá thai” vì cho rằng “phá thai chỉ là một vấn đề”, và những việc tương tự như thế…

Nhiều người “đạo đức” và “tâm linh cao” đã thoả hiệp với quỷ dữ – và ra sức chống lại những người thật sự lành thánh. Quả thế, thật đáng sợ khi nghĩ tưởng đến sự cứng lòng, sự bất khoan dung của những người Pharisêu bất chấp sự tốt lành rõ ràng của Đức Kitô.

Nhưng xét ra, còn có nhiều điều đáng sợ hơn nữa. Thử hỏi, tự nhận là những tín hữu Công giáo phò sinh, chính truyền, chúng ta có thoả hiệp với thứ tội nghiêm trọng nào mà chính bản thân lại không ý thức được hay không? Đâu là những thứ tội mà chúng ta hay bỏ qua, xem nhẹ hoặc là cố gắng biện minh, bao biện mỗi khi đến toà cáo giải? Nếu chúng ta có thể nhìn mình bằng cặp mắt của người khác – qua đôi mắt của Chúa chẳng hạn – chúng ta sẽ thấy gì?

Lm. Jerry J. Pokrsky
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
https://www.thecatholicthing.org
114.864864865135.135135135250