09/09/2021 -

Suy tư, nghiên cứu

2830

Tự bản chất con người mang tính xã hội, có khuynh hướng liên đới với một ai khác. Vấn đề đặt ra là: con người có thể sống tương quan chân thực với nhau được không? Nhà triết học hiện sinh người Pháp Jean Paul Sarthe cho rằng, đặc tính liên vị (tương quan nhân vị) nơi con người không thể thiết lập được.[1]

Theo ông, mối liên hệ giữa hai người luôn ở thế đối kháng cực đoan. Ai cũng muốn làm chủ nhân, muốn là người thống trị. Còn người kia phải thấp kém hơn, phải là đầy tớ để nhận lệnh, để phục tùng dự định của chủ nhân. Có tôi thì không có ông, không thể có hai chủ nhân cũng không thể có hai đầy tớ. Hệ quả, bên nào cũng sợ bị tước mất tự do và những dự định của mình, nên coi người kia là kẻ nguy hiểm, chuyên đe doạ thế giới của tôi, luôn tìm cơ hội cướp mất vai trò làm chủ của tôi.[2]
Với tư tưởng này, mọi tương quan với nhau đều phải đóng kịch để che đậy, phải ở thế giằng co, đề phòng cố thủ sao cho mình là chủ nhân, nếu không sẽ bị hạ xuống thành đầy tớ. Một kiểu tương quan đối kháng gay gắt, không thể có một tình yêu chân thực được. Nhìn khách quan chúng ta có thể thấy lối sống này nhan nhản khắp nơi, thời nào cũng có, hoàn cảnh nào cũng thấy. Đó cũng là một lý do để Jean Paul Sarthe lẩy ra triết thuyết trên.
Tuy nhiên, Paul Sarthe không thể lý giải được vì sao có những người dám chết cho nhau vì tình yêu, không thể hiểu nơi gia đình kia có người vợ hy sinh chăm sóc người chồng tàn tật suốt đời; hoặc có biết bao người tự nguyện phục vụ những người nghèo, trẻ em mồ côi, bệnh nhân HIV… cách vô vị lợi. Cho nên, triết gia Merleau Ponty đã phê bình triết thuyết của Jean Paul Sarthe là “cái nhìn vô nhân đạo”.[3]
Cũng với chủ đề “Thiết lập tương quan liên vị”, nhà triết học Gabriel Marcel đề cao sự cảm thông trong mối tương quan liên vị. Trong mối tương quan ấy, lời hứa và sự trung tín là những yếu tố then chốt để thiết lập mối liên hệ độc đáo với tha nhân.[4]
Trở lại giá trị cốt lõi của Kitô giáo. Thánh Phaolô đã đề cao Đức ái trên mọi nhân đức: “Trên hết mọi nhân đức, anh em phải có lòng bác ái” (Cl 3,14). Hệ quả “đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” trong mọi tương quan liên vị. Còn Đức Giêsu giáo huấn: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Lời giáo huấn này hướng đến giá trị đức ái làm nền tảng cho tình liên đới, giúp con người có thể xóa bỏ hận thù để sống yêu thương chân thành với tha nhân, mang lại cho nhau sự an bình, làm cho nhau trở thành bạn hữu.
Giáo huấn của Đức Giêsu thôi thúc chúng ta sống đức ái bằng tình liên đới, nâng đỡ liên lụy cuộc sống của nhau. Không ai thành nhân toàn diện về đạo đức, luân lý, khôn ngoan… mà không cần sự trợ giúp của đồng loại. Vì vậy, triệt bỏ đức ái trong tương quan sẽ đưa tới kiểu sống chủ nhân và đầy tớ, thống trị và phục tùng, cũng không bao giờ thể thiết lập một tương quan chân thành được.
Jos Sỹ Thảo, OP.
_______________________
[1] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện Sinh, Xb: Văn học, 2008, tr. 71-73
[2] Jean Paul Sartre, Being and Nothingness, New York: The Citadel Press, 1964, tr. 123-124.
[3] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện Sinh, Xb: Văn học, 2008, tr. 73
[4] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện Sinh, Xb: Văn học, 2008, tr. 73-74.
114.864864865135.135135135250