19/11/2015 -

Suy tư, nghiên cứu

2472

Thảm kịch, những vụ khủng bố diễn ra trong những ngày qua ở Beirut và Paris, cùng với vụ một máy bay của Nga mới bị rớt gần đây, khiến tất cả chúng ta phải phẫn nộ, kinh hoàng, hãi sợ, và khiến nhiều người trong chúng ta đặt ra câu hỏi: “Có cơ hội nào để thực hiện việc đối thoại với các anh chị em Hồi giáo?”. Câu trả lời là: Còn, và lúc này là cơ hội thuận tiện hơn bao giờ hết.

Khi tôi trở lại Canada vào năm 1994 sau khi dành ra bốn năm trước đó để hoàn tất việc nghiên cứu Kinh thánh của mình ở Giêrusalem, tôi xác tín một điều thế này: Hồi giáo càng ngày càng trở nên một mối bận tâm trên toàn thế giới, và là một thách đố mục vụ lớn lao đối với Giáo hội Công giáo. Ít người tin khi tôi chia sẻ như thế với họ! Lúc đang nghiên cứu Kinh thánh tại Trường Kinh thánh và Khảo cổ Giêrusalem, trường này do các anh em Đa Minh điều hành, và tại Đại học Do thái trên đồi Mount Scopus, tôi sống ở một khu phố Hồi giáo trong Thành cổ Giêrusalem. Nhiều hàng xóm và bạn bè của tôi là tín đồ Hồi giáo. Tôi học tiếng Ả rập, nghiên cứu kinh Koran, và thấy rất phấn khởi vì sự mến khách, hào sảng đặc chất Trung đông mà người dân Palestine hào phóng dành cho mình.

Trong các chuyến đi thăm thú và giảng dạy tại các vùng đất Ả rập gần Palestine, như Jordan, bán đảo Sinai và Ai cập, tôi thực sự ấn tượng bởi cảnh tượng những tín đồ của Đức A la, bất kể thời gian và khung cảnh, quỳ gối xuống để cầu nguyện mỗi ngày nhiều lần. Hình ảnh ấy tôi hiếm thấy nơi các đại thánh đường ở Âu châu, các thánh đường này trong nhiều trường hợp, đã phải chuyển đổi thành các viện bảo tàng để đón các đoàn khách tham quan có trả phí vào thăm. Tôi nhận ra rằng, Hồi giáo được tổ chức theo một cách thức giúp nó bao trùm và chi phối toàn bộ đời sống con người ta, và điều này thì hoàn toàn khác biệt so với Công giáo. Lời tụng ca mời gọi cầu nguyện: “Allahu akbar” chưa bao giờ hàm ý một lời kêu gọi giết chóc, phá huỷ, đánh bom liều chết, nhằm gây ra những tổn thương và hãi sợ kinh hồn.

Những năm sống tại Thánh Địa với tôi là những năm chứng kiến Cuộc chiến đòi tự trị của người Palestine (Intifada), và Cuộc chiến Vùng vịnh I. Tôi cầu nguyện chung với các người bạn Do thái trong các ngày lễ nghỉ Sabát, và các đại lễ tại Hebrew Union College, tôi cũng nghe các người bạn Palestine bày tỏ nỗi căm phẫn của họ, kể về sự đói nghèo, bất công mà họ phải chịu. Tôi trải nghiệm tháng chay Ramadan cùng với hàng xóm, dự lễ xả chay cùng họ, nghe nói nhiều về nhóm “jihad”, về các vụ đánh bom tự sát, về sự bùng phát của “các cuộc nguỵ tử đạo” (false martyrdom), và được tận mắt chứng kiến sức tác động mạnh mẽ của các giáo sĩ Hồi giáo trên các giáo đoàn. Có một số sự kiện, nếu hiểu ra hay được mục sở thị, người ta sẽ phải hốt hoảng ngay.

Các vụ việc kinh hãi ở Beirut và ở Paris, thảm kịch xảy ra cho một máy bay dân dụng của Nga, cùng với những dư chấn của chúng đã đánh thức các ký ức về Trung đông của tôi. Là một tín hữu tin vào một Thiên Chúa Duy Nhất, một linh mục Công giáo và một người làm việc trong lãnh vực truyền thông quốc tế, tôi xác tín rằng, giờ đây, hơn bao giờ hết, cuộc đối thoại giữa hai tôn giáo phải kết hợp được cả hai: một bên là sự ý thức về những điểm chung, và bên kia là những điểm khác biệt rõ ràng giữa hai truyền thống. Quả vậy, đối với các tín đồ Hồi giáo, không có một thẩm quyền duy nhất, do vậy, mà cuộc đối thoại với Hồi giáo luôn luôn là cuộc đối thoại với nhiều nhóm khác nhau. Không ai có tư cách để đại diện cho toàn khối Hồi giáo; với Hồi giáo không có cái mà người ta vẫn gọi là sự thừa truyền hay tông truyền. Đây là một điểm khá nan giải. Tín đồ Hồi giáo tin rằng kinh Koran được Thiên Chúa trực tiếp mạc khải. Do đó, kinh Koran khó có thể được đem ra để mổ xẻ, phân tích và suy niệm, giống như các Ki tô hữu và tín đồ Do thái giáo đã làm như thế với Kinh thánh và Tân ước.

(Vòng tròn người thể hiện tình đoàn kết, ngày 15.11.2015,
gần địa điểm bị tấn công khủng bố là nhà hát Bataclan.)

Có tín đồ Hồi giáo đích thực, chẳng hạn như vua Morocco và vua Jordan, và cũng có tín đồ Hồi giáo quá khích, khủng bố, và không thể đánh đồng những kẻ này với Hồi giáo như một toàn thể được; làm thế là một sự bất công kinh khủng. ISIS không phải là Hồi giáo. ISIS và các hình thức khủng bố nhân danh Thượng đế đều là sự biến thái đội lốt tôn giáo. ISIS thao túng, lợi dụng cuộc khủng hoảng di dân rộng lớn để cài cắm các kẻ khủng bố vào các nước khác, đó là một hành vi xấu xa, tàn độc. ISIS tạo ra một đế chế tàn độc, nơi đó con người ta khiếp hãi và bị khống chế hoàn toàn, đó là hành vi của quỷ dữ. Chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa thứ tôn giáo chân chính và thứ tôn giáo đã bị uốn cong để biện minh cho hận thù và bạo lực. Tôn giáo chân chính dẫn con người tới sự chữa lành, bình an và những khát vọng muốn cải biến thế giới này thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Tôn giáo chân chính thì tôn trọng tính thánh thiêng và phẩm giá của con người. Trong những lúc nguy cấp, khủng hoảng, tôn giáo chân chính gọi mời người ta lấy lòng nhân, sự thân thiện để đáp trả.

Vào tháng 08 năm 2005, sau khi gặp gỡ các tín đồ Do thái giáo tại hội đường ở Cologne, Đức quốc, trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Cologne, đức giáo hoàng, giờ là giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI đã gặp gỡ đại diện của một số cộng đồng Hồi giáo. Những lời mang tính ngôn sứ của ngài, thật đáng cho thế giới hiện nay phải lắng nghe.

“Tôi đoan chắc rằng, khi nói về một trong những mối bận tâm của chúng ta hiện nay, vì chứng kiến sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố, tôi đã nói lên những lời từ chính thâm tâm quý vị. Tôi biết là nhiều quý vị đây đã thẳng thừng, công khai phủ nhận mối tương liên giữa niềm tin của quý vị và chủ nghĩa khủng bố, và đã lên án nó. Tôi xin tri ân quý vị vì điều đó, bởi lẽ điều này góp phần xây dựng bầu khí tin tưởng mà chúng ta đang cần đến.

Hoạt động khủng bố đang tiếp diễn liên tục tại nhiều nơi trên toàn thế giới, nhấn chìm người ta trong sự thống khổ và tuyệt vọng. Những kẻ chủ mưu và lên kế hoạch cho những vụ tấn công này rõ ràng muốn huỷ hoại sự tin tưởng và các mối liên hệ giữa chúng ta. Chúng lợi dụng tất cả các phương tiện, kể cả tôn giáo, nhằm triệt tiêu mọi nỗ lực kiến tạo một cuộc sống chung hoà bình và an lạc.

Cám ơn Thượng đế, chúng ta nhất trí với nhau ở điểm này là, chủ nghĩa khủng bố dù ở bất kỳ hình thức nào đi nữa, cũng luôn là một chọn lựa sai lầm và tàn nhẫn. Chọn lựa này chứng tỏ một sự xem thường quyền thánh thiêng là quyền được sống, cũng như thủ tiêu mọi nền tảng cho một cuộc sống chung tốt đẹp giữa xã hội loài người.

Nếu chúng ta chung sức loại trừ được khỏi các tâm hồn mọi thứ mầm mống thù hằn, ác tâm, cũng như chống lại các hình thức bất bao dung, bạo lực, thì chúng ta sẽ đẩy lùi được làn sóng của chủ nghĩa cực đoan tàn bạo, là thứ chủ nghĩa trực chờ đe doạ sinh mạng của nhiều con người và làm đình hoãn tiến trình kiến tạo hoà bình thế giới.

…Công việc này thật là khó khăn, nhưng không phải là bất khả thi. Là người có đức tin – tất cả chúng ta, dù là Ki tô hữu hay tín đồ Hồi giáo, chúng ta đều là những người có đức tin – chúng ta biết rằng, bất chấp sự yếu đuối của bản thân, người có đức tin có thể cậy dựa vào sức mạnh thiêng liêng kín múc được từ việc cầu nguyện.

Thưa các bạn, tôi thực sự thâm tín rằng, chúng ta không được phép đầu hàng những thôi thúc tiêu cực trong tâm lòng mình, nhưng phải kiên định các giá trị của sự tôn trọng lẫn nhau, của tình đoàn kết và hoà bình. Sự sống của mọi con người đều thánh thiêng, dù họ là Ki tô hữu hay là tín đồ Hồi giáo đi nữa. Có vô số lãnh vực chung để chúng ta có thể cùng nhau cổ vũ, vun đắp các giá trị luân lý nền tảng.

Các bài học quá khứ sẽ giúp chúng ta tránh đi việc lặp lại những lỗi lầm đã qua. Chúng ta cần tìm kiếm những nẻo đường hoà giải và học biết sống chung với sự tôn trọng bản sắc riêng của mỗi bên. Trong một chiều hướng như vậy, thì việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo phải được coi như là một mệnh lệnh bắt buộc và lâu bền, và sự tôn trọng các nhóm thiểu số là dấu hiệu rõ ràng cho thấy một nền văn minh thực sự. Về vấn đề này, sẽ luôn là thích hợp để trích ra đây những gì mà các nghị phụ Công đồng Vatican II đã nói khi bàn về mối liên hệ với các anh chị em Hồi giáo.

‘Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất, đã từng đối thoại với con người. Họ chuyên tâm tuân phục cả những phán quyết bí nhiệm của Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, như Abraham đã tuân phục, người mà đức tin Hồi Giáo sẵn lòng noi theo. Họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng lại tôn kính như vị Ngôn Sứ và kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Ðức Maria và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Mặc dầu trong quá khứ, giữa Kitô hữu và Tín Ðồ Hồi Giáo có những mối bất hòa và hiềm thù nhau không ít, Thánh Công đồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người. (Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo [Nostra Aetate], số 3).’”

Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay cho thấy, dù là Ki tô hữu, là tín đồ Do thái hay tín đồ Hồi giáo, thì những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan đều đang cố gắng tiếm quyền lãnh đạo về mặt tôn giáo. Giết chóc nhân danh tôn giáo không chỉ là một sự xúc phạm đối với Thượng đế, nhưng còn là một sự tàn ác đối với nhân loại. Không hoàn cảnh nào biện minh được cho một hành vi tội ác như thế, nó chứng tỏ những kẻ thủ ác là những tên khốn, và còn đáng buồn hơn nữa, khi hành vi đó núp bóng tôn giáo, do vậy, thực sự những tên khủng bố đã hạ cấp chân lý đúng đắn về Thiên Chúa thành một thứ tuyên truyền mù quáng và xuyên tạc của chúng.

Góp chung tiếng nói với đức Phanxicô, chúng ta khẳng định: “Bất kỳ hành vi bạo lực nào cố lấy niềm tin tôn giáo ra để biện minh cho mình, thì hành vi ấy xứng đáng bị lên án một cách mạnh mẽ nhất, bởi lẽ Thiên Chúa Toàn Năng là Thiên Chúa của sự sống và hoà bình. Với những ai tự xưng mình là những người nam và người nữ thờ phượng Thiên Chúa, thế giới này mong chờ họ sẽ trở thành những người kiến tạo hoà bình, những người có thể sống với nhau như những người anh chị em thân hữu, bất chấp sự khác biệt về sắc dân, tôn giáo, văn hoá hoặc ý thức hệ” (Diễn văn của ĐTC tại Ankara, ngày 28.11.2014).

Vai trò dẫn đường của tôn giáo cần được thể hiện như thế nào trong cuộc khủng hoảng này? Nó cần phải trình bày được một cảm thức quân bình về phẩm giá của mọi con người như là những người con cái Thiên Chúa, để từ đó dành cho họ một chỗ trong vùng đất của Người. Loại trừ hay thiên vị đều sẽ tổn hại cho cả hai phía; nó sẽ tác động xấu tới tiến trình kiến tạo hoà bình, tới chính thế giới này, và tới sứ mệnh của các thể chế tôn giáo như là người loan truyền ơn cứu độ cho nhân loại. Các nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính phải có cách trực diện và giải đáp trước vấn nạn chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, dù gốc gác của nó có là từ đâu đi chăng nữa. Người đứng đầu các cộng đồng Hồi giáo và các tín đồ Hồi giáo ôn hoà cần lên án các hành vi bạo lực và khủng bố.

Ba cộng đồng được khơi mạch từ đức tin của tổ phụ Ápraham – Hồi giáo, Ki tô giáo và Do thái giáo – đang phải chứng kiến việc một số tín đồ của mình lợi dụng và xuyên tạc, thao túng niềm tin tôn giáo, tạo nên thứ chủ nghĩa cuồng tín tôn thờ những ngẫu tượng được tô vẽ bởi những thứ quái quỷ xa lạ với niềm tin của chính chúng ta. Các tín đồ Do thái giáo, Ki tô giáo và Hồi giáo ngày nay đều tôn kính tổ phụ Ápraham như người cha chung, “cha của những người tin” vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng chúc phúc cho tất cả các dân tộc trên trái đất này. Thiên Chúa không đời nào chấp nhận việc: tình thương mà Người dành cho một dân lại trở thành sự bất công cho các dân khác. Những kẻ có đức tin, khi nhân danh Thiên Chúa, để đòi hỏi sự công bằng, tôn trọng và bình đẳng cho chính mình, thì cũng nên làm như thế cho những người lân cận với mình.

Sau cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris hôm Thứ Sáu, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, và hàng trăm người khác bị thương nặng, giám đốc Văn phòng Báo chí Toà thánh, cha Federico Lambardi, SJ, đã nói với đài Vatican rằng, Năm thánh sắp tới là một thông điệp tình thương, một lời xua tan hãi sợ.

“Trong những ngày đau thương này, những ngày mà bạo lực giết chóc đã đạt tới độ điên cuồng, tàn ác, nhiều người tự hỏi, chúng ta phải phản ứng ra sao đây. Một số người đã tự hỏi, sẽ phải sống thế nào cái kinh nghiệm của những ngày vừa qua trong khi đợi chờ sự kiện khai mạc Năm thánh Lòng thương xót đây. Hãy cẩn thận: những tên sát nhân, bị thù hận điên cuồng chi phối, bị gọi là “những tên khủng bố”, vì chúng là những kẻ gieo rắc sự khủng bố, sự kinh hoàng, hãi sợ. Nếu chúng ta để mình bị rúng động, hãi sợ, vậy thì bọn chúng đã đạt được mục tiêu đầu tiên của mình rồi. Và đây, thêm một lý do nữa, để chúng ta có thể kiên định và can đảm, mà chống lại cám dỗ trở nên hãi sợ. …Thông điệp của lòng thương xót, rằng tình thương của Thiên Chúa sẽ giúp kiến tạo tình thương và sự hoà giải giữa đôi bên. Đây chính là câu trả lời mà chúng ta phải có, khi đối diện với những thời khắc của cơn cám dỗ hồ nghi.”

Trong thế giới ngày nay, thật đáng buồn Thiên Chúa đã bị lãng quên, các Ki tô hữu và các tín đồ Hồi giáo được kêu mời trong cùng một tinh thần yêu thương, để chung sức bảo vệ và cổ võ cho phẩm giá của con người, cho các giá trị luân lý và các quyền tự do. Chúng ta cùng thực hiện một việc là hành hương đi về cùng Tuyệt Đối, và điều ấy phải được diễn tả ra qua việc chúng ta cầu nguyện, chay tịnh và bố thí, nhưng cũng cần phải được thể hiện ra qua nỗ lực gióng lên những tiếng nói lên án chủ nghĩa khủng bố và các hành vi bạo lực nhân danh Thượng đế, qua việc cố gắng kiến tạo hoà bình và công lý, qua những đóng góp cho sự tiến bộ của con người và qua việc bảo vệ môi trường.

Vấn đề khá căn bản trong khi quan hệ với các quốc gia Hồi giáo chính là việc không có sự phân tách rõ ràng giữa tôn giáo và nhà nước. Một trong những nội dung khi thực hiện đối thoại với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị Hồi giáo là cố gắng giúp đỡ để thiết lập cho được sự phân tách này. Khi biết cùng dấn thân trên nẻo đường của hoà giải, và vì khiêm tốn quy thuận hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa mà triệt để từ bỏ việc sử dụng tất cả các hình thức bạo lực như là phương tiện để giải quyết sự khác biệt, hai tôn giáo lớn trên thế giới (Hồi giáo và Ki tô giáo) có thể mang đến những dấu chỉ của niềm hy vọng, có thể chiếu giãi ra cho thế giới thấy được thượng trí và tình thương của một vị Thiên Chúa Duy Nhất, Đấng là nguồn mạch và là chủ tể của gia đình nhân loại.

Linh mục Thomas Rosica, CSB
Tuỳ viên phụ trách ban tiếng Anh,
Văn phòng Báo chí Toà thánh


(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://americamagazine.org
 

114.864864865135.135135135250