11/08/2024 -

Suy Niệm

3544
Vào lúc 05 giờ sáng Chúa Nhật 11/8/2024, các anh em tân linh mục đã dâng Thánh lễ tạ ơn cùng với cha Giám tỉnh, cha Phụ tá và quý cha, quý thầy Tu viện thánh Giuse. Cha Gioan Nguyễn Long Quân chủ tế và cha Giuse Nguyễn Anh Khoa giảng trong Thánh lễ. Sau Thánh lễ, cha Giuse Phêrô Nguyễn Duy Hưng đại diện cho các tân linh mục tri ân cha Giám tỉnh, cha Phụ tá, quý cha, quý thầy thuộc tu viện thánh Giuse. Sau đó, cha Giám tỉnh có lời nhắn nhủ: các anh em hãy luôn sẵn sàng với thánh ý Chúa, nhiệt tâm tông đồ, và nhất là, hãy có tấm lòng với Dòng, với anh em, để cộng tác vào sứ vụ chung. Sau đây là bài giảng của cha Khoa, Thánh lễ Chúa Nhật XIX Thường Niên B.


VÌ CHÍNH CHÚNG TA, ĐỨC KTIÔ ĐÃ TỰ NỘP MÌNH LÀM HIẾN TẾ

Bánh và nước trong Bài đọc I là của ăn đàng, không chỉ vực ngôn sứ Elia dậy khỏi nấm mồ tuyệt vọng, chỉ mong được chết, mà còn giúp ông đủ sức để bước tiếp hành trình lên núi của Thiên Chúa. Bánh và nước này tới từ Thiên Chúa như một dấu chỉ hữu hình minh chứng cho việc Người không bỏ mặc những ai Người đã tuyển chọn. Quả thật, Elia không xin chết vì cảm thấy đói khát dù đã đi một ngày đường trong sa mạc, ông xin chết vì mệt mỏi và chán trường khi nhận ra chính ông cũng rơi vào tình cảnh như cha ông xưa kia trong sa mạc, trên đường vào Đất Hứa. Ông là ngôn sứ của Đức Chúa, nhưng lại bị truy sát bởi những người lãnh đạo dân Chúa, cụ thể là hoàng hậu Ideven. Điều ấy cũng cho ta thấy tâm huyết ông đưa dân thánh trở về với Đức Chúa trong biến cố sát tế các ngôn sứ Ba-an trên núi Các-men cuối cùng lại trở thành án tử đeo bám và đẩy ông đến chỗ tuyệt vọng.

Bánh và nước trong Bài đọc I vốn không có mối liên hệ tất yếu với sự hy sinh và bóng ma tử thẩn ụp xuống trên đầu vị ngôn sứ. Nhưng qua Bài đọc II và đỉnh điểm là bài Tin mừng, chúng ta nhận ra: Đức Kitô là bánh trường sinh (x. Ga 6,48): Bánh này là hoa trái được ban cho con người qua hy lễ mà Đức Kitô chính là hiến lễ dâng lên Thiên Chúa (x. Ep 5,2).

Trong hy lễ ấy, Thịt của Đức Kitô không chỉ nói lên sự hiện diện của Người, nhưng còn biểu lộ những hy sinh và cái chết của Người cho chúng ta. Điều này hàm ý gì?

Năm 1996, các người Hồi giáo cực đoan đã giết hại gần như cả cộng đoàn Dòng Xitô ở Atlas, Algeria. Đan viện phụ nơi đây là Christian de Cherge. Vài tháng trước khi chết, khi đã cảm nhận được những gì sẽ giáng xuống cho mình, ngài viết một lá thư cho gia đình, trong đó ngài tha thứ cho những kẻ sát nhân và hy vọng rằng về sau sẽ được gặp họ trên thiên đàng, để đều được chung phần ánh sáng trước nhan Chúa. Và sau khi gặp mặt đối mặt với tên cầm đầu nhóm khủng bố, người vừa chặt đầu 9 người xong, ngài cầu nguyện: “Xin tước hết vũ khí của con, xin tước hết vũ khí của họ.”

Ngọn nguồn câu chuyện bi hùng này bắt đầu từ tháng 7 năm 1959 đến tháng 1 năm 1961, Christian là sĩ quan phục vụ trong quân lực Pháp ở Algeria. Khi tại ngũ, ngài làm bạn với một người Hồi giáo tên là Mohammed, anh có gia đình, tính tình đơn sơ, và là một tín hữu Hồi giáo nhiệt thành. Họ sớm có một tình thân sâu đậm. Một ngày nọ, trong một cuộc giao tranh, Christian bị quân đội Algeria bắt giữ. Bạn Mohammed can thiệp và thuyết phục những người bắt giữ rằng Christian rất đồng cảm với đại nghĩa của họ. Christian được thả, nhưng ngày hôm sau, Mohammed bị giết, một hành động trả đủa cho việc anh góp phần trả tự do cho Christian.

Hành động quên mình của người bạn Hồi giáo, đã trao cả mạng mình vì Christian đã ghi một dấu ấn không bao giờ phai trong lòng ngài. Và đây cũng có thể là lý do làm cho ngài khi là đan sĩ đã suy nghĩ và quyết định trở lại Algeria để sống đoàn kết với cộng đoàn Hồi giáo tại Atlas, và ở đó cho đến khi chết. Theo năm tháng, Christian dần thấm thía những điều ngài từng không thể hiểu khi rước lễ lần đầu: “Mình Thánh Chúa không chỉ là sự hiện diện của Chúa Giêsu, nhưng còn là sự hiện diện của cái chết hy sinh của Người vì chúng ta. Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta “và cho nhiều người”, và Mohammed cũng vậy. Ông đã chết thay cho người khác, hy sinh này vừa noi gương vừa thông phần vào cái chết của Chúa Giêsu. Do đó, với Christian, mỗi khi cử hành Phép Thánh Thể, ngài cũng cử hành ơn hy sinh của Mohammed cho mình. Bạn của ngài cũng đã đổ máu “vì ai đó.”

Phêrô không chịu cho Chúa rửa chân mình. Hành động phản đối của Phêrô cho thấy rằng ngài không hiểu ý của Đức Giêsu trong việc lập Phép Thánh Thể. Và đáp lại, Đức Giêsu chỉ nói: “Về sau, con sẽ hiểu.”

"Tôi là bánh trường sinh", điều này tóm tắt tất cả mục đích và sứ vụ của Đức Giêsu. Người biết rằng Chúa Cha không chỉ yêu cầu Người cho dân chúng của ăn, nhưng là trao ban chính mình Người, bẻ chính mình ra, gồm sự sống, thịt máu, tâm can để chúng ta có sự sống. Và đến lượt chúng ta, chúng ta không chỉ được kêu mời đến đón nhận bánh trường sinh, nhưng còn được gọi để trở nên tấm bánh bẻ ra cho đời, bẻ ra cho người. Thật, chúng ta cần cảm nghiệm Thánh Thể. Cụ thể chúng ta cần làm những gì?
Lời thánh Tông đồ trong Bài đọc II cho chúng ta biết mình phải làm gì: "Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau... anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta" (Ep 4,30-5,1).

Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Đức Kitô (x. Ga 5,45). Nếu không có cầu nguyện và thinh lặng lắng nghe, thì ước mong có được cảm nghiệm Thánh Thể chỉ là chuyện viển vông. Đây là cái giá tối thiểu phải trả cho Vị thế Môn đệ.

Vài năm trước, Michael Buckley, một cha dòng Tên ở California, đã giảng trong thánh lễ đầu tay của một tân linh mục. Trong bài giảng, cha Buckley không hỏi tân linh mục rằng liệu cha đó có đủ mạnh mẽ để làm linh mục không, mà lại hỏi liệu cha có đủ yếu đuối để làm linh mục hay không. Khi chỉ ra nghịch lý này, cha Buckley giúp trả lời câu hỏi: tại sao đến gần với Chúa hơn lại cũng có nghĩa là đến gần với đau khổ hơn. ‘Liệu cha có đủ bất lực để không thể gạt đi những đau khổ lớn trong đời mình, để có thể sống với một thất bại nào đó?  Liệu cuộc đời của cha có những bối rối, nghi hoặc bản thân, hay dằn vặt trong lòng?  Liệu cha có khi nào sợ hãi, có những lúc nản lòng, hay chấp nhận hạ bớt những kỳ vọng của mình? Nói thẳng ra, cha có sẵn lòng chấp nhận khả thể một ngày nào đó tình cảnh đời cha cũng giống như ngôn sứ Elia hôm nay: vô vọng và bất lực?

Lời giải cho những chất vấn này không gói gọn trong vài lời tuyên hứa trực tiếp và minh quyết. Nhưng xuất phát từ cảm nghiệm của chúng ta về cuộc đời và cái chết của Chúa chúng ta, Đấng là khuôn thước chúng ta ao ước noi theo!

Cha Buckley trả lời bằng việc so sánh giữa Socrates và Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu, Socrates cũng bị kết án tử hình một cách bất công, nhưng không như Chúa Giêsu, ông không bao giờ sợ hãi và run rẩy hay ‘đổ mồ hôi máu’ trước cái chết của mình. Ông uống thuốc độc và bình thản ra đi. Còn như chúng ta biết, Chúa Giêsu không trải qua cái chết với sự bình thản như vậy.

Socrates là là một con người vĩ đại và anh hùng. Không như Chúa Giêsu đã khóc thành Giêrusalem, ông không bao giờ khóc thương Athens, không bao giờ biểu lộ nỗi buồn sầu và đau đớn khi bị bạn bè phản bội. Ông mạnh mẽ, tự chủ, bình thản, và không bao giờ xúc động quá mức. Còn Chúa Giêsu, Người đã đấu tranh vật lộn với nỗi sợ cái chết. Người cảm như một con người và thậm chí hơn rất nhiều người trong việc cảm nhận nỗi đau tha nhân. Người biết rõ lòng người, thấu hiểu nhân tính, cảm nhận nhân sinh sâu sắc, dẫn đến hệ quả là mẫn cảm với đau đớn thể xác và tinh thần, nhạy cảm hơn với sự chối bỏ và khinh dể, xúc động hơn trước tình yêu và thù ghét. Và dù mang trong mình những khả thể dễ khiến Người tổn thương như thế, Người vẫn trao ban chính mình làm của ăn cho Nhân loại. Điều này hàm ý rằng, không phải vì lệnh truyền theo kế hoạch từ muôn đời của Cha, mà Người sẽ phải chết cho nhân loại, còn việc nhạy cảm, yếu đuối hay đau khổ gì gì đấy, chỉ là những lý do cần có cho hy lễ xảy ra. Không phải như vậy! Nhưng vì chính tình yêu dành cho loài người, vì chính chúng ta, mà Người đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.

Chúng ta sẽ có lúc cảm thấy mình chưa bao giờ thấp kém đến thế, nhưng với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ như thế, vì chúng ta đáng để Người hy sinh! Amen.
114.864864865135.135135135250