29/07/2021 -

Suy niệm chia sẻ

815


Có người đã từng nói, nếu viết không hay thì hãy lấy một tựa đề cho thật kêu, càng kêu càng tốt, vì ít nhất bài viết của mình cũng được giở ra nhiều hơn mặc dù chả có gì trong đấy. Nói đùa cho vui, chứ thực ra tựa đề bài viết được lấy dựa theo một cuốn sách được Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh biên tập. Tập sách này tổng hợp những Kinh nguyện của Giáo Hội trong những thời khắc khó khăn và tổng hợp những bài giảng, chia sẻ cũng như những bài ứng khẩu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong quãng thời gian đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid. Và nội dung chính yếu của bài viết hôm nay cũng được dựa trên một bài giảng được nhắc đến trong tập sách này.
Khủng hoảng, khốn khó vẫn luôn được coi như một thứ gì đấy cần phải triệt tiêu, và thường thì cầu nguyện luôn được chọn để nhằm chế ngự những điều vừa kể. Cầu nguyện-một yếu tố không mới nhưng luôn cần và luôn “phải” nhắc đi nhắc lại. Cần vì nó quả thực đem lại cho chúng ta những điều không tưởng; “phải” vì dường như nó ít có gì mới mẻ để người ta cảm thấy bị thu hút và thích thú. Thế nhưng nói gì thì nói, cho đến lúc này cầu nguyện vẫn là phương thức giải quyết tốt nhất và triệt để nhất cho những cơn khủng hoảng và khốn khó của con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ về chủ đề này trong Mùa Chay năm ngoái, đang khi mà Giáo Hội cũng như thế giới đang phải gánh chịu những biến cố và hoàn cảnh tương tự như ngày nay. Ngài nói rằng: một đời sống cầu nguyện cần 3 thứ sau đây:
Đức tin
Hiển nhiên, đây là một điều không thể chối cãi. Đức tin và cầu nguyện xem ra luôn song hành với nhau. Đức tin dẫn đến cầu nguyện và cầu nguyện thể hiện lòng tin. Đức tin làm cho đời sống của chúng ta dễ dàng cảm nhận Thiên Chúa một cách mau mắn và chính xác. Trong Tin mừng Gioan, khi Đức Giêsu mặc khải về bánh hằng sống, về việc chính Người sẽ trao ban thịt và máu mình làm của ăn đời đời cho con người, thì dân Do Thái nói rằng: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60). Họ không tin vào Đức Giêsu và không tin vào những gì Người có thể đem lại. Họ bỏ đi. Có lẽ chúng ta cũng chẳng đến nỗi phải rời đi như họ, nhưng có thể chúng ta sẽ tỏ thái độ ngờ vực khi những gì Đức Giêsu mặc khải không phù hợp với những dự định và chương trình của riêng chúng ta. Khi ấy chúng ta không phải là những kẻ không có đức tin, nhưng là những kẻ có đức tin yếu kém. Chúng ta nhớ đến hình ảnh người cha có đứa con gái bị quỷ ám, và ông kêu cầu Đức Giêsu chữa cho con ông. Đức Giêsu trả lời: “Mọi sự đều có thể đối với ai có lòng tin”. Ông đáp lại: “Thưa thầy, tôi tin, nhưng xin giúp cho lòng tin yếu kém của tôi” (x. Mc 9,23-24). Thiết nghĩ đây là câu trả lời không thể hoàn chỉnh hơn. Điều đó cho thấy rằng, trong cầu nguyện cần phải có đức tin. Đức tin ấy có thể mạnh, có thể yếu nhưng không thể không có. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa, và cầu nguyện có đức tin chính là việc chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện, đang chuyện trò và có thể giải quyết mọi vấn đề của chúng ta. Đức Giêsu nói rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Những ca từ trong bài hát Dấu chân của nhạc sĩ Thông Vi Vu miêu tả về hành trình đức tin này rất hay: “Hôm nao dưới nắng reo vui, mình tôi rong chơi trên bãi biển. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đôi. Này là dấu chân to, và kìa là dấu chân nhỏ. Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi…Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi”. Cầu nguyện trong đức tin là cảm nhận Thiên Chúa ở ngay bên, và dù có gì xảy ra, Người vẫn nâng đỡ chở che chúng ta, cõng chúng ta trên lưng.
Kiên trì
Ông cha ta có câu: đường dài mới biết ngựa hay. Người ta hay dở không phụ thuộc vào những gì có được lúc này, nhưng phụ thuộc vào quá trình họ đạt đến điều ấy. Trong cầu nguyện cũng vậy, muốn biết người đó có khao khát thật lòng hay không hãy xem họ cầu nguyện có thường xuyên và bền bỉ hay không. Điều này không nhằm bắt chúng ta phải cầu nguyện lâu giờ hay cầu nguyện một cách vô tội vạ, nhưng mong ước chúng ta hãy kiên trì trong lời cầu nguyện của mình, dẫu cho những lời ấy chưa được chấp nhận. Chúng ta gặp thấy nơi câu chuyện mà Đức Giêsu đã kể trong Tin Mừng theo thánh Luca. Câu chuyện thứ nhất kể về một người bạn ban đêm có khách đến chơi mà nhà hết bánh, nên đánh liều đến xin bạn mình. Lúc gõ cửa thì người này đã lên giường đi ngủ, và Tin mừng còn cho biết lí do của anh bạn: “cửa đã đóng và các cháu lại ngủ cùng giường với tôi”. Nó diễn tả một lí do rất hợp lý để từ chối. Thế nhưng cuối cùng người này vẫn phải dậy để lấy bánh cho bạn mình, vì anh cứ đừng lì ra đấy (x. Lc 11,5-8). Câu chuyện thứ hai kể về một quan tòa bất lương. Ông không kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng coi ai ra gì. Có một bà góa đến và xin ông xử kiện cho bà vì có kẻ muốn hãm hãi bà. Bà đi đi lại lại rất nhiều lần trong một thời gian dài, nhưng ông vẫn không đoái hoài. Rồi đến một ngày, ông quan tòa mới nghĩ: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (x. Lc 18,1-8).  Qua hai câu chuyện vừa kể, chúng ta thấy có điểm chung rất rõ: ai “lì” thì người đó thắng, hay nói cách khác, ai kiên trì trong ý định của mình, trong lời cầu nguyện của mình thì chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời. Ngay cả những kẻ chẳng mấy tốt đẹp còn phải hạ mình trước sự kiên trì của người khác, thì huống hồ một Thiên Chúa xót thương lại chẳng động lòng trước những lời cầu nguyện than van của chúng ta dâng lên Chúa đêm ngày sao?

Can đảm
Một câu hỏi được đặt ra: Sao lại phải cần can đảm để có thể cầu nguyện? Cầu nguyện đâu phải chuyện gian nan hay nguy hiểm đến độ chúng ta cần phải can đảm để làm nó? Thế nhưng trong cuộc sống có những người không dám kêu xin Thiên Chúa vì một lí do nào đó, nhất là khi chúng ta cảm thấy mình bất xứng, tội lỗi hay khi cảm thấy việc mình xin hơi cao siêu và viển vông. Những lúc đó, chúng ta cần phải can đảm để đứng ra cầu xin Thiên Chúa. Việc chúng ta can đảm đứng ra để xin Thiên Chúa xem ra như là một hành động “ép” Thiên Chúa nhận lời chúng ta. Chúng ta gặp thấy nơi tấm gương của ông Môsê khi đứng trước mặt Thiên Chúa. Khi dân Israel phản bội Chúa và Thiên Chúa đã ra lệnh cho Môsê: “Người hãy rút lui đi, đừng có ở với đám này nữa, ta sẽ ra tay tiêu diệt đám này vì chúng ta đã phản bội ta”. Thì lúc này Môsê mới nói: “Không. Con vẫn sẽ ở lại với dân này”. Nếu Chúa là Đấng nhân hậu như Chúa nói thì sao Chúa lại tiêu diệt cả dân này. Nếu Chúa là Đấng trung tín như Chúa nói, thì sao Chúa lại quên lời giao ước về một dòng dõi đông như sao trên trời mà Chúa đã kí kết với Ápraham với Ixaác và Giacóp, để giờ đây lại đi tiêu diệt chúng (x. Xh 32,7-14). Hay nổi bật hơn là trình thuật về cuộc “ngã giá” giữa Đức Chúa và Ápraham về số phận của thành Sơđôm. Nếu Chúa là Đấng Công Minh thì tại sao lại tiêu diệt cả những người tốt cùng một trật với những kẻ xấu (x. St 18,22-33). Cả hai câu chuyện đều cho chúng ta một điểm chung là cả hai đều cho thấy sự can đảm và không ngoan khi biết dùng chính những phẩm tính của Thiên Chúa mà khẩn nài những điều các ông cần.
Ba yếu tố vừa kể trên là gợi ý mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn mọi tín hữu cần thực hành, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống hiện tại. Tất nhiên, đời sống cầu nguyện không chỉ bao gồm ba yếu tố này mà còn rất nhiều những yếu tố khác nữa. Nhưng tựu chung lại, ngài muốn mọi tín hữu biết ý thức hơn về đời sống cầu nguyện của mình, cũng như làm thế nào để đời sống cầu nguyện ngày càng có chiều sâu và trưởng thành hơn. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể vững vàng trong mọi biến cố của cuộc sống cũng như cảm nhận những mầu nhiệm của Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn.
Martin Phụng, OP.
114.864864865135.135135135250