22/05/2015 -

Mục vụ

3742

Kinh cầu nhẹ gõ cửa hồn,

Trần gian dục vọng bồn chồn tâm linh,

Bao nhiêu thệ ước ân tình,

Chúa thương xin để an bình tin yêu.[1]

Chúng ta đang sống trong năm Phúc Âm Hoá đời sống giáo xứ và cộng đoàn. Đây là cơ hội thuận tiện, là “chặng dừng chân” rất cần thiết và hữu ích để mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi Huynh đoàn cũng như mỗi người chúng ta hồi tâm nhìn lại đời sống đức tin của mình bấy lây nay dưới ánh sáng Lời Chúa. Nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra “đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo”[2], những gì còn khiếm khuyết trong trách nhiệm và bổn phận của mình, cũng như trong sự tương quan của ta với cộng đoàn, giáo xứ, trong gia đình, ngoài xã hội…

Để rồi qua những phút “dừng chân” nhìn lại lại đó, cùng với ơn Chúa tác động, chúng ta thực thi công cuộc Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn của mình bằng việc canh tân đời sống đức tin, bằng những sáng kiến mục vụ, hâm nóng lại tinh thần sống đạo của mỗi thành phần dân Chúa, và làm cho mọi thành phần trong giáo xứ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, mọi người biết suy nghĩ, nói năng, cư xử và hành động như Lời Chúa dạy, và chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm cho mọi người chung quanh.[3]

Để có thể thực thi điều đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.[4]

Thật ra những điều đó, các giáo xứ, các cộng đoàn, các Huynh đoàn và mỗi chúng ta cũng đã thực hiện trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội. Nhưng để có thể thực thi những công việc đó một cách sốt sắng, hầu mang lại hiệu quả tốt lành, thiết tưởng các giáo xứ và cộng đoàn cũng như Huynh đoàn chúng ta cần phải có những đổi mới trong đời sống đức tin và sáng kiến mục vụ cho hợp với thời đại.

Canh tân đời sống đức tin

Hai năm trước (2013), cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta đã sống và trải nghiệm Năm Đức Tin với biết bao thành quả tốt lành nhờ việc củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới.[5] 

Thật thế, nhờ việc canh tân đời sống đức tin, trở về với Chúa Giêsu và tái khám phá lại đức tin, Giáo Hội đã làm chứng cho Chúa Phục sinh một cách đáng tin trong thế giới hôm nay, và đã  mở đường chỉ lối cho nhiều người tìm được “cánh cửa dẫn vào đức tin”. “Cánh cửa” này mở rộng tầm nhìn cho con người hướng về Chúa Giêsu Kitô đang ở giữa chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế.”[6]

Tiếp nối những thành quả ấy, Giáo Hội muốn chúng ta “kéo dài” tinh thần của Năm Đức Tin bằng việc nỗ lực “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo.”[7] Như thế việc canh tân đời sống đức tin và Phúc Âm hoá có mối liên hệ mật thiết với nhau, và có thể nói là không tách rời nhau được. Muốn Phúc Âm hoá giáo xứ, cộng đoàn và Huynh đoàn, trước tiên ta phải canh tân, cũng cố đời sống đức tin của mỗi người. Để canh tân đời sống đức tin, chúng ta cần phải tái khám phá vẽ đẹp của đức tin nhờ ánh sáng Chúa soi chiếu.[8]

Canh tân đời sống đức tin là việc làm tối cần thiết để Phúc Âm hoá đời sống chúng ta. Nếu không cảm nhận được niềm vui đức tin, không để cho ánh sáng Phúc Âm chiếu dọi vào đời sống, thì làm sao chúng ta có thể thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.

Canh tân đời sống đức tin không phải sống đức tin mới, không phải là tìm một đức tin mới cho phù hợp với lối sống, lỗi nghĩ “dễ dãi” của thời đại hôm nay. Nhưng canh tân đời sống đức tin chính là tái khám phá vẽ đẹp của đức tin Kitô giáo trong việc gặp gỡ cá vị với Thầy Giêsu trong đời sống thường ngày.[9] Để rồi qua việc gặp gỡ đó, chúng ta thể hiện lòng tin của mình ra bên ngoài bằng một cung cách sống, xuất phát từ một sự hiểu biết đạo lý, xác tín, dẫn đến hành động. Cung cách sống đạo là hiệu quả của việc giáo dục đức tin và việc thực hành đạo.

Hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo chúng ta cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái yêu thương. Bởi lẽ, “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống.”[10]

Vì thế, để có thể Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn cũng như Huynh đoàn, mỗi chúng ta cần phải canh tân đời sống đức tin của mình, kết hợp với những sáng kiến mục vụ cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong môi trường sống của mình.

Sáng kiến mục vụ

Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, thế giới toàn cầu hóa với những thay đổi lớn, đa dạng và phức tạp. Điều đó có ảnh hưởng đến đời sống đức tin của người Kitô chúng ta. Để có thể Phúc Âm hoá giáo xứ, cộng đoàn và Huynh đoàn trước bối cảnh xã hội đổi thay như thế, để có thể thông truyền đức tin Kitô giáo trong bối cảnh tục hoá hôm nay, thiết nghĩ chúng ta cần phải có những sáng kiến mục vụ phù hợp với thời đại, phù hợp với từng môi trường sống của con người hôm nay.

Để có được những sáng kiến mục vụ, chúng ta được mời gọi xây dựng giáo xứ, cộng đoàn, huynh đoàn thành cộng đoàn hiệp thông với nhau. Hiệp thông giữa linh mục và giáo dân, cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ.[11] Từ những sự cộng tác, chia sẻ với nhau, chúng ta sẽ tìm ra những phương thức mục vụ mới phù hợp với bối cảnh hiện tại. Sáng kiến và đổi mới trong việc đào tạo giáo lý cho người lớn cũng như thiếu nhi; giúp cộng đồng tham gia phụng vụ cách ý thức, giữ vững niềm tin trước những thách đố của thời đại.

Công đồng Vaticanô II cũng đã từng chỉ dẫn và nhắn nhủ rằng: “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ đủ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết.”[12]

Theo chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. Bởi lẽ, rất đông anh chị em, cách riêng các bạn trẻ Công giáo phải rời xa gia đình và giáo xứ quê nhà để đi học và làm ăn sinh sống tại các thành phố lớn. Điều đó không những tác động trên đời sống kinh tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin. Vì thế, chúng ta được mời gọi quan tâm hơn đến việc mục vụ di dân, tạo điều tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ. Như thế không những đời sống đức tin của họ được nâng đỡ, mà họ còn trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc Âmhóa.[13]

Từ những sự cộng tác chia sẻ với nhau, lưu tâm đến những nhu cầu mục vụ khẩn thiết của thời cuộc, giáo xứ, cộng đoàn và huynh đoàn chúng ta sẽ có những sáng kiến mục vụ phù hợp trong việc duy trì, định hướng và phát triển các sinh hoạt của giáo xứ, giúp cho giáo xứ, cộng đoàn và huynh đoàn chúng ta luôn sinh động và thấm nhuần tinh thần của Tin Mừng. Nhờ đó công cuộc Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp.

Tạm kết

Để kết thúc cho những suy tư của mình, người viết xin được trích lại lời nhắn gửi của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc Phúc Âm hoá rằng: “Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.”[14]

Ước mong sao, năm Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn thúc đẩy ta không ngừng canh tân đời sống đức tin mỗi ngày và tái khám phá niềm vui bước theo Chúa Giêsu, để rồi mỗi chúng ta có những sáng kiến mới trong việc thông truyền đức tin cho các thế hệ tiếp nối trong một xã hội đầy biến động hôm nay. Nhờ đó, chúng ta xây dựng giáo xứ, cộng đoàn, huynh đoàn mình thành cộng đoàn yêu thương, trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa giữa trần gian, để niềm vui Tin Mừng được lan toả đến cho mọi người khắp mọi nơi.

Pet. Võ Tá Đương, OP


[1] Các giờ kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Sách, thứ Năm, tuần I.

[2] Rm, 12, 2.

[3] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2014, số 01.

[4] Cv 2, 42. 

[5] Xc. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Cửa Đức Tin, số 4,& số 5.

[6] Xc. Mt 28, 20.

[7] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2013, số 02.

[8] Xc. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Cửa Đức Tin, số 02.

[9] Xc. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Cửa Đức Tin, số 09.

[10] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Cửa Đức Tin, số 14.

[11] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2014, số 04.

[12] Vat II, Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, số 10.

[13] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2014, số 04.

[14] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2013, số 03.

 

114.864864865135.135135135250