Ngày 24 tháng 5 năm 1233, theo ý Đức Ghê-gô-ri-ô IX, thi hài Cha Thánh Đa Minh được dời sang một ngôi mộ bằng cẩm thạch, trước sự hiện diện của Đức Cha Tê-ô-đô-ri-cô, Tổng Giám Mục giáo phận Ra-ven-na, là Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng. Tham dự cuộc lễ này còn có cha Giô-đa-nô, Bề trên Tổng quyền, và nhiều anh em đang dự Tổng hội ở Bô-lô-ni-a.
Trong khi dời thi hài, hương thơm lạ lùng từ hài cốt thánh Đa Minh toả ra minh chứng cho mọi người biết rõ thánh nhân là hương thơm của Chúa Ki-tô. Đức Tổng Giám Mục cử hành đại lễ. Vì là ngày thứ ba trong tuần lễ Hiện Xuống, cộng đoàn xướng bài ca nhập lễ : Các ngươi hãy hân hoan lãnh nhận vinh quang của các ngươi.
Đó là khởi đầu cho cuộc điều tra phong thánh. Ngày 3 tháng 7 năm 1234, khi đã điều tra xong, Đức Ghê-gô-ri-ô IX đã tôn phong hiển thánh cho cha Đa Minh. Đến sau, chân phước Gio-an Véc-xe-li, Bề trên Tổng quyền thứ sáu của Dòng, đã trù liệu xây một ngôi mộ xứng đáng hơn. Và ngày 5 tháng 6 năm 1267, thi hài Thánh Phụ được di về đó.
Nhân dịp này, Gia đình Đa Minh cùng ôn lại Tinh thần của Đấng sáng lập theo cha Benedict M.. Asley, O.P. trong tác phẩm Những người Đa Minh do Học viện Đa Minh xuất bản năm 2013, tr. 11-44.

TINH THẦN CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP
Chân dung cha Đa Minh
Chân phước Cecilia Caesarini, người được thánh Đa Minh nhận vào Dòng người mới thành lập, trong những năm cuối đời của chị, chị đã viết về cha Đa Minh như sau:
Cha Đa Minh là người mảnh khảnh, chiều cao trung bình, khuôn mặt đẹp và có phần dễ thương. Mái tóc và bộ râu màu hung, đôi mắt hiền hậu. Vầng trán và ánh mắt toát lên vẻ rạng rỡ khiến mọi người quý mến và kính trọng. Lúc nào cha cũng tươi vui, lanh lợi, trừ phi khi cảm thông với người sầu khổ. Cha có đôi bàn tay thon dài, rắn chắc, giọng nói âm vang, truyền cảm. Cha không hói, dù có cắt vòng tóc trên đầu, và mái tóc điểm vài sợi bạc.
Những gì chúng ta biết được về cuộc đời cha Đa Minh Guzman phần lớn dựa vào cuốn Libellus của chân phước Jordan Saxony, người kế vị cha Đa Minh làm Tổng Quyền Dòng Giảng Thuyết do cha sáng lập. Đích thân chân phước Jordan biết cha Đa Minh, và chỉ viết về cha khoảng 12 năm sau khi cha qua đời, nhưng chân phước Jordan không phải là một trong số những người bạn đồng hành thân cận của cha. Dù được viết với mục đích thúc đẩy việc phong thánh cho cha Đa Minh vào năm 1234, nhưng tiếc là cuốn Libellus khá sơ lược. Tập sách trình bày về nguồn gốc của Dòng hơn là con người của đấng sáng lập. Không giống như anh em Phanxicô, những môn đệ tiên khởi của cha Đa Minh không quan tâm nhiều đến việc tôn sùng đấng sáng lập của mình và có vẻ như sợ rằng lòng đạo đức bình dân đối với cha có thể gây cản trở sứ vụ cha đã trao cho họ.
Cha Đa Minh sinh vào khoảng năm 1171-1173 tại vùng Castile, miền Caleruega. Thân phụ là ông Felix de Guzman và thân mẫu là bà Gioanna Aza thuộc tầng lớp quý tộc Tây Ban Nha. Người Kitô hữu Tây Ban Nha lúc bấy giờ vẫn còn phải đấu tranh để thoát khỏi sự chiếm đóng của người Moor. Nơi vùng đất khô cằn đó cuộc sống thật khó khăn, dù đó là một gia đình hiệp sĩ đi nữa: ông Felix, một lãnh chúa địa phương, chỉ sở hữu một vài vùng đất, một vài đàn cừu, một trang viên và tháp canh để giữ đất, hiện nay vẫn còn. Bà Gioanna Aza nổi tiếng về lòng thương người và được dân địa phương xem như một vị thánh. Lên bảy tuổi, Đa Minh được cha mẹ gửi gắm cho người cậu, là một linh mục, để lo lắng việc học hành. Năm 14 tuổi, cậu theo học trường Palencia, một trong số ít trường cao đẳng ở Tây Ban Nha vào thời điểm đó và không lâu sau trở thành đại học. Tại đây, Đa Minh học văn chương và thần học trong suốt 10 năm. Dù là người say mê sách vở, nhưng vào lúc nạn đói xảy ra, cha đã bán những cuốn sách quý giá của mình để giúp đỡ người nghèo. Năm 1196, lúc khoảng 24 tuổi, cha gia nhập kinh sĩ đoàn nhà thờ chính toà Osma.
Các kinh sĩ ở nhà thờ chính toà là những linh mục liên đới với Giám mục, là người vừa mới canh tân đời sống cộng đoàn của họ với nếp sống khó nghèo triệt để theo tu luật thánh Augustine. Bề trên và là người cải tổ kinh sĩ đoàn này là linh mục Diego de Azevedo đáng kính, sau này, năm 1201, trở thành Giám mục giáo phận. Chính Giám mục Diego đã để ý đến chàng sinh viên Đa Minh, và xin phép Giám mục tiền nhiệm Martin Bazan cho Đa Minh gia nhập kinh sĩ đoàn này. Một vài tháng sau đó, Đa Minh được thụ phong linh mục. Chẳng bao lâu, cha Đa Minh được chọn làm người phụ trách phụng vụ, sau đó là phó bề trên kinh sĩ đoàn, nhờ đó cha có được những kinh nghiệm hữu ích về quản trị và công việc cải tổ. Vào năm 1203 khi vua Alfonso VIII của vùng Castile yêu cầu Giám mục Diego đi đến Đan Mạch để sắp xếp hôn lễ của hoàng tử với công chúa của nước Đan Mạch. Đức Giám mục đương nhiên chọn linh mục trẻ Đa Minh cùng đồng hành với ngài trên hành trình xa xôi và đầy nguy hiểm này.
Cuộc hành trình này đã đánh dấu một bước ngoặt trong đời cha Đa Minh, mở đôi mắt của cha đến một thế giới rộng lớn hơn với những vấn đề trong đó. Khi hai vị đi qua miền Nam nước Pháp, họ đối diện với một tình trạng khiến họ sửng sốt. Trước đây cha Đa Minh đã biết những người Moor và những người Do Thái ở Tây Ban Nha, tại đây cha gặp những người từng là Kitô hữu, nhưng lìa bỏ Giáo hội và đi theo giáo phái Cathar, thường được gọi là những người theo lạc giáo Albi dựa theo tên trụ sở của họ ở Albi.
Nguồn gốc xa xôi của giáo phái này là thuyết Ngộ Đạo, mà trước đây vào thế kỷ thứ II Giáo hội đã chiến thắng, nhưng sau đó thuyết này chuyển qua thuyết Lưỡng Nguyên ở Persia đến những người theo phái Paulicians ở Armenia, rồi vào thế kỷ thứ IX đến với phái Bogomil ở Bulgaria, thế kỷ thứ X đến Constantinople, và vào thế kỷ thứ XII với cuộc Thập Tự Chinh lần thứ hai đến miền Nam Italy, nước Pháp, và Rhineland, và cuối cùng đã đạt được thành công lớn nhất trong giới quý tộc ở miền Nam nước Pháp. Ở đó, thuyết này mang hình thức của một thuyết Nhị Nguyên triệt để, cho rằng thụ tạo hữu hình thuộc về thần dữ.
Đối với một nhóm những người “Hoàn Hảo” và “Tinh Tuyền,” ơn cứu độ có được là nhờ sự khổ chế nghiêm ngặt và khó nghèo; nhưng còn đối với đa số những người không có can đảm để sống cuộc sống như thế, thì trong giờ lâm chung chỉ cần lãnh nhận một bí tích đặc biệt gọi là consolamentum do một người “Hoàn Hảo” ban là được. Học thuyết này cho phép phần lớn các môn đồ sống tùy thích cho đến lúc chết, trong khi họ ca ngợi những người “Hoàn Hảo” của họ như là những gương mẫu thánh thiện, khiến cho hàng giáo sĩ của Giáo hội Công giáo sống theo thói đời hoàn toàn không còn được tín nhiệm.
Một buổi tối trong một quán trọ ở Toulouse, cha Đa Minh đã tranh luận về học thuyết này với một chủ quán trọ (người này có thể là một thầy phó tế thuộc lạc giáo Cathar). Ông bị mê hoặc bởi huyền thoại về hai vị thần: một thần lành nhưng ở xa và bị che kín, và một thần dữ nhưng lại có năng lực sáng tạo; cha Đa Minh bị đánh động rất nhiều bởi cuộc gặp gỡ với người này đến nỗi cha đã thức suốt đêm để nói chuyện với ông, dù rất mệt mỏi sau nhiều giờ ngồi trên xe ngựa, và đến lúc bình minh người chủ quán trọ đã bị thuyết phục và quay trở lại với Thiên Chúa chân thật được mặc khải qua Đức Giêsu Kitô.
Từ Đan Mạch, Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh quay trở lại Tây Ban Nha mang theo những tin tức về sứ vụ của các ngài. Chỉ hai năm sau đó các ngài trở lại để đón công chúa, nhưng nhận ra công chúa sẽ không trở lại. Dầu vậy, thời gian ở Scandanavia giúp hai vị nhận ra còn rất nhiều vùng đất rộng lớn của dân ngoại ở phía Đông đang chờ đợi để được nghe Tin Mừng. Do đó khi trở lại, hai vị đến Rome trước để xin Đức Giáo hoàng Innocent III cho phép họ cùng nhau thi hành sứ vụ, nhưng Đức Giáo hoàng từ chối, vì ngài muốn Đức Giám mục trở về quê hương. Tuy nhiên, Giám mục Diego đã quyết định trở về qua đan viện Xitô nổi tiếng ở nước Pháp, và tại đó ngài lãnh nhận tu phục của Dòng Xitô, có lẽ để thuyết phục một số đan sĩ đến làm việc cho giáo phận của ngài.
Vào tháng 6 năm 1206, trên đường quay trở lại Osma, tại thành phố Montpellier, Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh đã gặp viện phụ và hai đan sĩ Dòng Xitô, là những người được Đức Giáo hoàng Innocent sai đi rao giảng chống lại chủ thuyết của phái Albi. Ba vị này than thở với Đức Giám mục Diego rằng họ không thành công trong việc rao giảng, chủ yếu vì những người “Hoàn Hảo” đã quá nổi tiếng về sự thánh thiện giữa dân chúng. Đức Giám mục Diego đã trả lời thẳng cho các vị rằng họ không được từ bỏ sứ vụ của mình nhưng phải chống lại những gương xấu của giáo sĩ Công giáo bằng việc rao giảng như các Tông đồ đã thực hiện: đi chân không và hành khất. Các đan sĩ Xitô này trả lời rằng họ không có can đảm làm điều này trừ khi Đức Giám mục Diego chỉ cho họ biết làm thế nào. Và chính Đức Giám mục Diego cùng với cha Đa Minh đã thực hiện điều đó trước hết.
Trong bốn năm, các nhà giảng thuyết đã đi khắp miền Nam nước Pháp rao giảng và tổ chức những cuộc tranh luận công khai với nhóm “Hoàn Hảo”. Người ta kể rằng, trong một cuộc tranh luận nọ, khi các trọng tài ném những cuốn sách giáo lý của cha Đa Minh và của các đối thủ vào trong đống lửa, thì chỉ có cuốn sách của cha Đa Minh không bị thiêu rụi sau cuộc thử sức đó. Vào năm 1207, không dưới 12 viện phụ Xitô khác đã gia nhập nhóm giảng thuyết của các ngài, và họ đã phân chia thành những nhóm nhỏ hơn. Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh, cùng với người bạn đồng hành William Claret tập trung việc giảng thuyết của họ ở thị trấn Prouille. Tại đây, cha Đa Minh đã sớm tập hợp được một nhóm khoảng 12 phụ nữ đã bỏ lạc giáo, và mong muốn tiếp tục đời sống khổ hạnh như những nữ đan sĩ Công giáo, nhưng họ cần được bảo vệ khỏi gia đình. Cũng năm đó, Đức Giám mục Diego quay trở về Tây Ban Nha, có lẽ với hy vọng sẽ trở lại với các thành viên mới, nhưng tiếc thay ngài đã qua đời vào ngày 30 tháng 12 năm 1207.
Ba tuần sau, một trong những đan sĩ Dòng Xitô là Peter Castelnau bị ám sát theo chỉ thị của bá tước xứ Toulouse, người mà đan sĩ cố thuyết phục để chống lại những người theo lạc giáo. Hệ quả là vào năm 1209, Đức Giáo hoàng Innocent III đã mở một cuộc Thập Tự Chinh chống lại giới quý tộc hỗ trợ cho những người theo lạc giáo, dưới sự lãnh đạo của Simon de Montfort, bá tước vùng Leicester, một anh hùng trong cuộc Thập Tự Chinh lần thứ tư. Bá tước Simon de Montfort chuyển lên sống ở thị trấn phía trên đỉnh đồi của Fanjeaux gần Prouille, nơi đây ông đã gặp và ngưỡng mộ cha Đa Minh. Sau này cha trở thành người hướng dẫn tâm linh cho hai người con gái của ông, một người là nữ đan sĩ. Cha rửa tội cho một người con gái khác của bá tước và làm phép cưới cho con trai của ông với công chúa của nước Pháp. Trong niềm biết ơn đó, bá tước đã trao một vùng đất và nhiều quà tặng cho tu viện Prouille. Đáng tiếc, bá tước Simon, với quan điểm của một điền chủ, chẳng bao lâu sau khi những vùng đất của thân mẫu ông ở Anh bị tịch thu, đã biến Thập Tự Chinh thành một cuộc chinh phục hơn là một cuộc hoán cải. Cuộc Thập Tự Chinh này trở thành một cuộc nội chiến đẫm máu khủng khiếp kéo dài suốt nhiều năm.
Trong thời gian đầy biến động này, thậm chí sau khi các đan sĩ Xitô đã trở về hẳn, thì cha Đa Minh vẫn tiếp tục việc giảng thuyết. Đôi khi, cha ở lại trong tu viện Prouille đã được tái thiết vào năm 1213, và ở đây cha có một bạn đồng hành là William Claret. Nhưng phần lớn thời gian, cha rong ruổi trên các nẻo đường. Trong hồ sơ phong thánh ở Toulouse, ba phụ nữ: Guillelmine Martini, Noguera Toulouse và một nữ tu Dòng Thánh Giá là Beceda, đã làm chứng rằng họ nhiều lần được tiếp đón cha Đa Minh (có lẽ cùng khoảng những năm từ 1210 đến 1211) và đã được chứng kiến sự nghèo khó triệt để, đời sống nhiệm nhặt cũng như cả tình trạng thường xuyên kiệt sức của cha. Cha thường bị cái chết đe doạ và nổi tiếng vì đã làm nhiều phép lạ và trừ quỷ thành công.
Cha Đa Minh đã được các Giám mục địa phương thuộc Dòng Xitô tín nhiệm, và trong suốt năm 1213, cha được đặt làm đại diện miền Carcasonne. Năm 1214 cha làm linh mục chánh xứ ở Fanjeaux. Cùng thời điểm này, cha nhận thấy cần có một nhóm người trợ giúp thường xuyên và có ý định lập trụ sở cho họ ở Fanjeaux, nhưng vào năm 1215, cha được Đức Hồng y Legate mời đến Toulouse để giảng thuyết. Tại đây, một người tên là Peter Seila đã mời cha Đa Minh và một vài bạn đồng hành mà cha đã nỗ lực để tập họp từng người một, vào sống trong chính ngôi nhà của ông (hiện nay vẫn còn tồn tại), đó chính là “chiếc nôi của Dòng”.
Cũng năm 1215 này, cha Đa Minh đã đồng hành với Đức Giám mục Fulk của giáo phận Toulouse tham dự Công đồng Lateran IV ở Rome và với sự giúp đỡ của Hồng y Ugolino (sau này trở thành Giáo hoàng Gregory IX, cũng là người bảo trợ cho thánh Phanxicô Assisi), cha đã được phép thành lập một Dòng dành cho những người giảng thuyết, với điều kiện là vẫn tuân theo sắc chỉ của Công đồng không cho phép thành lập những dòng tu mới, mà chỉ được nhận một trong số những tu luật truyền thống. Đức Innocent III, một trong những Giáo hoàng có cái nhìn xa nhất, đã nhận thấy nơi thánh Phanxicô (là người mà vào năm 1209 đã thành lập Dòng với sự cho phép bằng miệng của Đức Giáo hoàng) và cha Đa Minh – những người có lòng trung thành với Toà Thánh - giải pháp cho vấn nạn của những nhà giảng thuyết lữ hành mà ngài đã trăn trở từ lâu. Cuối cùng, dường như, ở Rome, cha Đa Minh đã nhận ra ý nghĩa phổ quát của Dòng mà chính cha đã phục vụ rất lâu như một người tập sự (người ta nói rằng cha đã thấy thánh Phêrô và thánh Phaolô trong một thị kiến).
Quay trở lại Toulouse, cha đã họp các bạn đồng hành, lúc này khoảng 16 anh em, và cha thông báo với họ một quyết định bất ngờ (có lẽ vào ngày lễ Hiện Xuống), mà Đức Giám mục và ngay cả bá tước Simon de Montfort cũng phản đối. Trong một thị kiến, cha Đa Minh đã được cảnh báo rằng bá tước sẽ sớm bị sát hại và công việc rao giảng trong vùng sẽ bị ngưng lại vì nội chiến. Hơn nữa, quan niệm mới về Dòng mà cha có được ở Rome đã khiến cho cha quyết định thực hiện một bước đi táo bạo - phân tán anh em vừa mới được nhận vào Dòng đi khắp châu Âu. Những người Tây Ban Nha bao gồm: bào huynh Mannes, người gia nhập Dòng vào cuối năm 1207; anh Dominic Little Segovia; anh Miguel de Ucero, một người quê ở Osma; anh Miguel de Fabra, một người quý tộc, đã được đào tạo chu đáo để sau này là giáo sư đầu tiên của Dòng ở Paris; anh Pedro Madrid; John Navarre. Anh Sueiro Gomez là một hiệp sĩ người Bồ Đào Nha, đến nước Pháp với tư cách là một chiến sĩ Thập Tự Chinh. Từ miền Nam nước Pháp có anh Bertrand Garrigue thánh thiện, là một nhà giảng thuyết chống lại lạc giáo khi cha Đa Minh đang ở đó; William Claret Pamier, người đã ở với cha Đa Minh từ lúc khởi đầu sứ vụ giảng thuyết; anh Peter Seila Toulouse, người đã tặng cho Dòng ngôi nhà của chính mình; Matthew France, một kinh sĩ từ đại học Paris, người đến cùng với bá tước Simon de Montfort; Thomas Toulouse, một nhà giảng thuyết tài năng; Noel Prouille là bề trên tu viện Prouille, người bị chết đuối vào năm kế đó; Vitalis Prouille, Stephen Metz, và William Raymond. Còn có cả anh Lawrence người Anh, một người xa nhà; và một anh em trợ sĩ đầu tiên là anh Odier người Normandy, vốn là một chiến sĩ Thập Tự Chinh.
Trong những anh em này, cha Đa Minh đã giữ anh William Claret và Noel Prouille, Peter Seila, Thomas Toulouse và có lẽ cả anh William Raymond ở lại tu viện thánh Romaine; nhưng cha sai anh Pedro Madrid và anh Sueiro Gomez đi thành một cặp, một cặp khác là anh Miguel de Ucero và Dominic Little Segovia đến Tây Ban Nha. Cha sai anh Matthew France (mang danh hiệu là “viện phụ” ở tu viện thánh Romaine) và anh Bertrand Garrigue, cùng với họ là các anh Lawrence và John Navarre như là các sinh viên đến Paris. Anh John đã từ chối đi nếu không có tiền, điều này khiến cha Đa Minh rất buồn. Trong một nhóm khác, cha sai các anh Mannes, Miguel de Fabra, và Odier.
Cha Đa Minh sau đó bắt đầu đi bộ đến Rome để xin thêm những đặc ân của Giáo hoàng nhằm làm cho công việc của Dòng ngày càng hiệu quả và để vượt qua sự chống đối xuất hiện ngay ở Paris khi các anh em đến đại học. Khi đã thành công, năm 1218, cha bắt đầu đi thăm hỏi những anh em được sai đi. Anh Dominic Little và Miguel de Ucero trở về từ Tây Ban Nha. Anh Bertrand Garrigue và anh John Navarre từ Paris đến để tường trình về tình hình ở đây, sau đó cha Đa Minh đã gửi họ đến Bologna, và như vậy một trung tâm ở trường đại học lớn thứ hai của châu Âu đã hình thành. Sau khi đi thăm Bologna và Prouille, cha Đa Minh tiếp tục đi đến Tây Ban Nha. Nơi đây cha thiết lập một nhà cho anh em và một nhà khác cho các nữ đan sĩ; và ở Segovia, Palencia, và San Esteban de Gormaz, cha còn lập thêm nhiều nhà nữa cho anh em. Đối với các nữ đan sĩ ở Madrid, cha viết một lá thư ngắn khuyên họ sống kỷ luật chặt chẽ, chiêm niệm và bảo vệ việc điều hành đan viện của các chị. Đây là văn phẩm duy nhất, khác với những tài liệu pháp lý mà hiện nay chúng ta có về cha. Cha Đa Minh trước đây đã tập trung một nhóm anh em ở Guadalajara nhưng họ đã giải tán, sau này phần lớn họ đã trở lại nhờ lời cầu nguyện của cha.
Rời Tây Ban Nha, cha Đa Minh quay trở lại Toulouse mà từ đó những tu viện ở Lyon, Montpellier và Bayonne nhanh chóng phát triển. Tại đây, cha gặp lại anh Bertrand và đi cùng anh đến Paris. Trên đường đi, có lúc cha giảng dạy cho những khách hành hương người Đức, mặc dù cha không biết ngôn ngữ của họ. Tại Paris do anh Matthew lãnh đạo, cha đã gặp không dưới 30 anh em bao gồm: anh Henry Marburg, người Đức đầu tiên; và anh Guerric, người sẽ thành lập một nhà ở Metz; anh Peter Rheims, Giám tỉnh tương lai của Pháp; Etienne de Bourbon, là một nhà giảng thuyết nổi tiếng; và anh William Monferrato, một thần học gia, người từng tranh luận với cha Đa Minh 2 năm trước đây. Dù khuyến khích việc học hành, nhưng cha Đa Minh cũng gửi một số anh em đi thi hành sứ vụ mà từ đó chẳng bao lâu sau, những tu viện mới đã xuất hiện.
Vào tháng 8 năm 1219, cha Đa Minh đến Bologna, đó sẽ là nhà của cha cho quãng đời còn lại. Tại đây, cha lập một cộng đoàn lớn bao gồm không dưới 4 giáo sư từ trường đại học. Có được sự phát triển này là nhờ giáo sư Reginald, một thầy dạy về Giáo luật ở Paris, là người mà thánh Đa Minh trước đây đã gặp ở Rome khi Reginald đến hành hương thánh địa. Sau đó, Reginald ngã bệnh, nhưng trong một thị kiến, Reginald được Đức Trinh Nữ chữa lành và chỉ cho thấy tu phục của Dòng, sau này cha Đa Minh đã nhận làm tu phục cho Dòng Giảng Thuyết. Reginald tiếp tục đi đến Jerusalem nhưng rồi trở lại Bologna, nơi đây việc giảng thuyết của anh thu hút rất nhiều ơn gọi. Ngay lập tức, cha Đa Minh đã gửi anh quay trở lại Paris để giải quyết những khó khăn trong trường đại học.
Cộng đoàn ở Bologna có nhiều xáo trộn, gồm cả việc ma quỷ quấy phá, vì thế sau khi cha Đa Minh qua đời, anh em đã quyết định hát kinh Lạy Nữ Vương khi đi rước. Một vài anh em có ý định muốn trở thành tu sĩ Dòng Xitô nhưng đã được các anh Reginald và anh Roland Cremona khuyên nhủ. Anh Roland Cremona sau này trở thành Tôn sư thần học đầu tiên của Dòng ở Paris. Tại Bologna, cha Đa Minh cũng gặp gỡ một phụ nữ trẻ tuổi và giàu có là Diana d’Andalo, người đã hiến tặng mảnh đất thừa kế từ thân phụ để làm nữ đan viện của Dòng. Chị mong muốn được gia nhập đan viện đó mặc dù gia đình chị phản đối dữ dội.
Chẳng bao lâu sau cha Đa Minh đi gặp Đức Giáo hoàng ở Viterbo để xin thêm thư giới thiệu cho những anh em của cha hiện đang ở rải rác rất xa. Đức Giáo hoàng đã sai cha đến Rome để cải tổ lại một đan viện của các nữ đan sĩ ở San Sisto Vecchio, và với sự giúp đỡ của một số nữ đan sĩ ở Prouille, cha đã biến nơi này trở thành nhà thứ ba dành cho các chị em Đa Minh. Vào thời điểm này, sức khỏe của cha bắt đầu có dấu hiệu giảm sút, trở nên xấu hơn do buồn phiền khi nghe tin anh Reginald qua đời ở Paris, nhưng Đức Giáo hoàng lại đặt cha làm người đứng đầu phái đoàn giảng thuyết gồm các thành viên từ một số dòng tu.
Trước khi bắt đầu sứ vụ này, cha Đa Minh phải quay trở lại Bologna để họp Tổng hội đầu tiên của Dòng gồm khoảng 30 đại biểu, bao gồm 2 người từ Scandinavia, Tổng hội này diễn ra vào lễ Hiện Xuống năm 1220. Trước hết cha Đa Minh cố gắng để từ chức và đã bị từ chối, nhưng một ban gồm 4 giám định viên được lập ra để giúp đỡ cha. Tổng hội này đã quyết định rằng Luật sống và Hiến pháp không buộc thành tội và tất cả mọi dự kiến đều có thể được miễn chuẩn để phục vụ sứ vụ giảng thuyết. Hiến pháp được viết thành hai phần: phần một bao gồm phụng vụ và luật khổ chế được vay mượn từ những kinh sĩ Dòng Prémontré nhưng với những thay đổi thích hợp; phần thứ hai, rất đặc sắc, nói về hệ thống lãnh đạo của Dòng. Tổng hội có quyền tối cao trong việc lập pháp, và chức vụ Tổng Quyền của Dòng được thiết lập. Tính chất hành khất nghiêm khắc được chấp nhận và ngay lập tức đã được thực hiện bằng việc từ bỏ tất cả những tài sản có khả năng sinh lợi. Việc học hành ở Paris cũng được đặt thành quy chế.
Sau đó, cha Đa Minh bắt đầu sứ vụ giảng thuyết của Đức Giáo hoàng tại Lombardy, là lãnh thổ do những người Wandelsian (một giáo phái truyền giảng Tin Mừng) và những người theo giáo phái Albi thống trị, nhưng cha cũng nhận thấy vùng này đang ở trong tình trạng chiến tranh và đang chuẩn bị cho cuộc Thập Tự Chinh tại Đất Thánh. Công việc của cha bị rút ngắn lại bởi lần thứ ba ngã bệnh trong cùng một năm, và vào năm 1221, cha Đa Minh quay trở lại Rome để trình bày cho Đức Giáo hoàng và kết thúc công trình thiết lập đan viện tại San Sisto, một cộng đoàn bao gồm các chị Blanche, Constance, Nubia, Theodora, Thedrana, Nympha, Maximilla và Sabina.
Cha Đa Minh cũng tìm kiếm sự trợ giúp để thành lập thêm nhiều tu viện khắp Italy và giải quyết vấn đề cho những anh em rời bỏ Dòng. Có lẽ cũng vào lúc này cha gặp thánh Phanxicô Assisi, cũng là một người bạn của Đức Hồng y Ugolino (sau này là Đức Giáo hoàng Gregory IX, người đã giúp đỡ để cả hai Dòng Hành Khất có được phê chuẩn bởi Đức Giáo hoàng). Sau Phục Sinh, anh em chuyển đến sống tại nhà thờ Santa Sabina tuyệt đẹp có từ thế kỷ thứ V, thuộc về tài sản gia đình của Giáo hoàng Honorius III. Nơi đây anh em đã xây dựng một tu viện, mà tại đó căn phòng của cha Đa Minh hiện nay vẫn còn. Ở phía trước nhà thờ San Sisto, cha Đa Minh đã làm một phép lạ cứu sống chàng thanh niên Napoleon đã chết hay sắp chết, vì bị thương trong một cuộc đua ngựa.
Vào tháng 5 năm 1221, cha Đa Minh trở lại Bologna để dự Tổng hội thứ hai của Dòng. Tổng hội này sẽ lập 8 Tỉnh Dòng: Tây Ban Nha, Provence, Pháp, Lombardy, Rome và có lẽ là Hungary, Teutonia, và Anh. Tổng hội này đã phái giáo sư Paul người Hungary, bề trên tu viện Bologna và là chuyên viên Giáo luật, người đã theo yêu cầu của cha Đa Minh biên soạn bộ Summa de Penitentia cho việc giáo dục anh em, cùng với chân phước Sadoc đến Hungary; Salomon Aarhus với một vài anh em người Đức đến Đan Mạch; Gilbert Ash với những bạn đồng hành đến Anh; và Jacek Opole (thánh Hyacinth) cùng anh trai là Ceslaus và Henry Moravia đến Ba Lan. Đến Tổng hội lần thứ 6, có thêm những Tỉnh Dòng nhỏ ở Jerusalem, Hy Lạp, Ba Lan và Dacia, như thế đến cuối thế kỷ này đã có 12 Tỉnh Dòng.
Sau Tổng hội này, cha Đa Minh tiếp tục giảng thuyết và vui mừng đón nhận chị Diana d’Andalo vào Dòng và thiết lập tu viện thánh Agnes ở Bologna. Ngày 28 tháng 7, cha lại ngã bệnh và đến ngày 1 tháng 8 cha phải nằm liệt giường. Bởi vì ở thành phố rất nóng nên anh em đã chuyển cha đến tu viện Monte-Mario của Dòng Benedict. Ngày 6 tháng 8 cha gọi bề trên Ventura đến, xin xưng tội, nói chuyện với anh em, mong muốn được qua đời ở nhà mình, sau đó cha được chuyển đến tu viện thánh Nicholas, nơi đây cha đã lập lại lời hứa với anh em rằng cha sẽ cầu bầu cho anh em trước nhan Chúa. Cha qua đời vào tối ngày 6 tháng 8, khi chưa đầy 50 tuổi. Anh Jordan Saxony đã được chọn làm người kế vị cha Đa Minh, và không lâu sau với sự đề xướng của Đức Giáo hoàng Gregory IX, cha Đa Minh đã được phong thánh vào năm 1234. Khi cải táng thi hài của cha Đa Minh, một dấu lạ xác thực tốt đẹp đã xảy ra với hương thơm ngọt ngào thánh thiện lan toả khắp nhà thờ và còn lưu lại đến nhiều ngày sau đó.
Ngoài những nét nổi bật về lòng trắc ẩn của cha Đa Minh mà tôi đã viết, thì cái gì là tính cách riêng của cha? Cha không để lại cho chúng ta tác phẩm nào, ngoài lá thư gửi cho các nữ đan sĩ ở Madrid như đã đề cập đến, và một vài lá thư nói về sự hoán cải gửi cho những người lạc giáo mà cha đã khuyên họ trở về. Hơn nữa, cha dường như không thích nói về những trải nghiệm thiêng liêng của mình. Nhưng tính cách của cha lại được thể hiện một cách rõ ràng trong Hiến pháp mà tôi sẽ miêu tả chi tiết sau này, cũng như nơi những chứng từ trong án phong thánh và trong tiểu sử được anh Jordan Saxony ghi chép một cách cẩn thận từ những điều đã nghe qua những người biết rõ về cha Đa Minh dù anh không biết nhiều về cha.
Từ những nguồn này, chúng ta kết luận rằng điều rõ rệt nhất nơi cha Đa Minh là lòng thương cảm đối với những người đang gặp khốn khó về đường thiêng liêng. Điều đó đã khơi lên nơi cha lòng khao khát nồng nàn muốn giảng thuyết cho họ. Cho đến những ngày cuối đời, cha vẫn thường xuyên giảng thuyết trên các nẻo đường, thường là đi chân không với khoảng 35 dặm một ngày, gặp rất nhiều gian khổ nhưng vẫn vui vẻ và sẵn sàng chịu tử đạo vì Tin Mừng. Chúng ta không biết lời giảng của cha như thế nào, nhưng những lời giảng dạy đó đã khiến cho thính giả và chính cha rơi lệ, mặc dù thường xuyên bị người lạc giáo từ khước. Cha thường thôi thúc các anh em chia sẻ cùng sứ vụ đó, thậm chí gửi những tập sinh đi rao giảng, đồng thời cha cũng rất quan tâm đến việc đào tạo anh em và khuyến khích họ học hỏi để giúp cho việc rao giảng tốt hơn. Vào cuối đời, cái nhìn của cha rộng lớn hơn để dẫn đưa những người khác không thuộc về Dòng đến giảng thuyết, và mở rộng quan điểm này đến việc truyền giáo cho dân ngoại vùng phía Đông. Cha không muốn điều gì ảnh hưởng đến nhiệm vụ này, do đó cha cố gắng chuyển việc điều hành Dòng cho anh em tu huynh, từ chức Tổng Quyền, và nhiều lần từ chối đề nghị làm Giám mục.
Điểm thứ hai trong đời sống của cha Đa Minh là đời sống cầu nguyện. Cha xác tín rằng giảng thuyết mà không có cầu nguyện sẽ không đạt được hiệu quả. Một tác phẩm khá sớm có tên là Chín cách cầu nguyện (Nine Ways) vốn dựa trên chứng từ khác, đã chỉ ra rằng cha thích cầu nguyện với cả thân xác, quỳ gối, phủ phục, giữ các bàn tay trong nhiều tư thế khác nhau. Cha cầu nguyện và hát thánh ca trên đường đi, và vào ban đêm dù đã trải qua một ngày dài hành trình cha vẫn dành nhiều giờ trong nhà thờ để cầu nguyện và có khi ngủ tại đó. Cha thường xuyên cử hành thánh lễ trọng thể và có khi rơi lệ. Cha yêu mến những giờ kinh nguyện được hát lên với tất cả lòng sốt sắng. Lòng sùng mộ của cha đối với Đức Trinh Nữ đã tạo nên trong Dòng truyền thống mà sau này mang một hình thức bình dân, đó là chuỗi Mân Côi. Cha thích giữ thinh lặng và khuyến khích anh em như vậy. Một vài nhân chứng lập lại nơi Hồ sơ phong thánh (Acts of Canonization) rằng: “cha chỉ nói về Chúa và nói với Chúa.” Dầu vậy căn cứ vào những lời chứng này, chúng ta biết cha rất dễ gần, thân thiện, sẵn sàng khích lệ và an ủi mọi người.
Điểm thứ ba là tính sám hối trong đời sống của cha Đa Minh, một điều cũng được liên kết với việc rao giảng, bởi vì cha tin rằng đó là điều tất yếu để làm chứng cho chân lý của Tin Mừng. Bên cạnh những khó khăn và nguy hiểm khi đi đường, cha rất khắt khe với bản thân trong việc ăn chay (trong mùa Chay, cha chỉ ăn bánh và uống nước), và thậm chí khi bị bệnh cha cũng không bao giờ ăn thịt. Cha mặc áo nhặm, đeo dây xích, và thường quen đánh tội đến đổ máu vào ban đêm khi cầu nguyện cho những người mà cha hy vọng sẽ hoán cải. Linh mục giải tội cho cha đã làm chứng rằng cha Đa Minh là một người giữ khiết tịnh nghiêm ngặt, nhưng lúc hấp hối trên giường bệnh cha cũng đã thừa nhận rằng cha vẫn thích nói chuyện với những phụ trẻ hơn với những người già. Và cha hối tiếc là trong nỗ lực để cảnh giác anh em cần phải giữ gìn đức khiết tịnh, thì cha lại chưa cố gắng hết mức.
Liên kết với sự khổ chế, cha nhấn mạnh đến đức khó nghèo. Chính cha đã đi hành khất từ lúc khởi đầu sứ vụ ở Pháp, nhưng điều này chỉ được nhấn mạnh dần dần trong đời sống của Dòng. Cha Đa Minh mong muốn anh em trở thành những con người nghèo trong cách ăn mặc, nhà cửa, ăn uống, và ngay cả nơi nhà nguyện hay trong những y phục phụng vụ. Về việc tuân giữ khổ chế, cha rất nghiêm khắc, dù vậy trong cách sửa dạy cha lại nhẹ nhàng, và sẵn sàng miễn chuẩn cho anh em, nhưng chỉ nhắm tới sứ vụ giảng thuyết hay đối với sự đau yếu của anh em mà thôi. Khi hấp hối, cha hứa là khi cha ra đi thì sẽ có lợi cho anh em hơn khi còn sống, và cha để lại cho anh em những lời sau đây như là di chúc: “Hãy nuôi dưỡng tình yêu, tuân giữ đức khiêm nhường, chỉ sở hữu sự khó nghèo mà anh em đã tự do chọn lựa.”
Sau khi cha Đa Minh qua đời, các anh em tiên khởi đã hiểu rất rõ rằng cha không muốn có việc tôn kính cá nhân nào trong Dòng, bởi vì cách thức tưởng nhớ cha thực sự chính là thi hành “việc giảng thuyết thánh.”
Linh đạo Dòng
Đã có rất nhiều nỗ lực nhằm xác định linh đạo của cha Đa Minh và Dòng do cha sáng lập.
Nhà thần học nổi tiếng Reginald Garrigou Lagrange đã giải thích linh đạo này bằng công thức của thánh Thomas Aquinas, “Trao cho người khác điều mình đã chiêm niệm” (Contemplata aliis tradere), và nhấn mạnh nền tảng siêu hình của linh đạo này trong lòng yêu mến chân lý và tình yêu theo cái nhìn sâu sắc của thánh Thomas Aquinas đi vào trong sự khác biệt giữa Đấng Tạo Hoá và thụ tạo, giữa những trật tự tự nhiên và siêu nhiên, và lớn lên trong sự thánh thiện nhờ các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Tương tự, những người khác cũng đã lấy những lời Chúa nói với thánh nữ Catharine Siena để làm nguyên tắc cho mình: “Ta là Đấng Hiện Hữu, còn con chỉ là không.”
Cha Régamey, khi tóm lược những tư tưởng của nhà sử học danh tiếng Père Mandannet, nói rằng: “Linh đạo Đa Minh mang tính khai sáng, thần học, chiêm niệm, cá nhân, siêu nhiên, tông đồ, phụng vụ, và khổ chế”.
Gần đây hơn, anh Edward Schillebeeckx cho rằng “sợi chỉ vàng” chảy dài suốt dòng lịch sử Đa Minh bao gồm:
1. Tín thác vào Thiên Chúa chứ không phải bản thân.
2. Sống Tin Mừng là cách thức loan báo Tin Mừng.
3. Linh đạo hướng đến Đức Giêsu, đặc biệt trong nhân tính của Người.
4. Hiện diện trong thế giới, tính chất đương thời.
5. Tôn trọng các thực tại được tạo dựng nơi quyền lợi của riêng chúng.
6. Tôn trọng những ân sủng của mỗi cá nhân (vì thế có sự miễn trừ).
7. Giữ kỷ luật tu trì và sống đời sống cộng đoàn như với các dòng tu khác nhưng theo cách thức Đa Minh.
Những đặc trưng này dường như mang nhiều màu sắc khác nhau vì mỗi tác giả lại có những quan tâm khác nhau.
Anh M.H.Vicaire đã đưa ra một cách nghiên cứu khá khách quan và có tính lịch sử dựa trên đời sống của cha Đa Minh và Hiến pháp nguyên thủy (Primitive Constitutions), và thu tóm những điểm này vào câu châm ngôn: “Nói với Chúa và nói về Chúa”:
1. Với Chúa (a. Hoán cải, b. Sám hối, c. Sống chung (nghèo khó), d. Học hành, e. Chiêm niệm)
2. Về Chúa (a. Yêu mến các linh hồn, b. Những nhà giảng thuyết hành khất, c. Những chiến sĩ lữ hành của Giáo hội (những giáo sĩ), d. Những mục tử của những người đói khát, e. Nên một với Đức Giêsu, mục đích của đời sống).
Sau Công đồng Vatican II, trong Tổng hội River Forest (Chicago, 1968), Dòng đã duyệt lại Hiến pháp (với lời khuyên của Đức Thánh cha) theo sơ đồ rất quan trọng dưới đây:
Thiên thứ nhất: Đời sống anh em
- Chương I: Theo Chúa Kitô: Đoạn I: Phụng vụ và cầu nguyện, Đoạn II: Học hành, Đoạn III: Sứ vụ Lời, Đoạn IV: Mối liên hệ với gia đình Đa Minh
- Chương II: Đào tạo anh em
Thiên thứ hai: Quản trị Dòng
Điều này khơi lên một câu hỏi quan trọng, được cả anh em Phanxicô bàn thảo trong những năm gần đây. Trước đây trong việc cải tổ các dòng tu, từ “cải tổ” luôn có nghĩa là trở lại với “kỷ luật nguyên thủy.” Nhưng Công đồng Vatican II lại nói về “canh tân” như là “việc trở về với tinh thần (đoàn sủng) của đấng sáng lập.” Rõ ràng thần học Công đồng Vatican II đã đi theo đường hướng của Hồng y Newman với lý thuyết về “sự phát triển đạo lý” và nhấn mạnh đến sự phát triển tất yếu mang tính lịch sử của linh đạo. Chúng ta không thể chỉ trở lại với “quy luật nguyên thủy” theo nghĩa đen bởi vì chúng ta không thể dễ dàng tách mình ra khỏi thế giới đang thay đổi. Nỗ lực sống y hệt như anh em Đa Minh hay Phanxicô ở thế kỷ thứ XIII có nghĩa là sẽ trở thành những cổ vật ở viện bảo tàng. Thật vậy điều này là không thể, bởi vì ngày nay các tập sinh không bao giờ có những kinh nghiệm ở thời điểm đó, và chúng ta không thể lấy lại những kinh nghiệm đó từ buổi ban đầu. Tuy nhiên, tinh thần của đấng sáng lập vẫn còn sống động cho đến ngày nay và phải được biểu lộ qua những hình thức thích hợp.
Việc canh tân không mang ý nghĩa đơn giản là vứt bỏ tất cả các truyền thống, bởi vì chính tính chất lịch sử đòi hỏi Dòng hiện tại phải duy trì căn tính không chỉ trong tinh thần mà còn về thực tế, bằng việc kết hợp với các yếu tố trong quá khứ. Do đó, anh em Phanxicô tranh luận xem có phải điểm nhấn mạnh của thánh Phanxicô về vấn đề khó nghèo là căn bản hơn, hay tính quy Kitô mà thánh Bonaventure và chân phước Duns Scotus đã làm rõ theo quan điểm thần học sau khi thánh Phanxicô qua đời là sâu sắc hơn, trong khi việc cố gắng sống khó nghèo theo nghĩa ấy dường như nảy sinh ra nhiều sai lạc tai hại. Câu hỏi tương tự được đặt ra là Dòng Anh Em Giảng Thuyết được thể hiện rõ nhất nơi thánh Đa Minh hay nơi thánh Thomas Aquinas!
Những tác giả của bản Hiến pháp (Constitutions) năm 1968 đã tranh luận về câu hỏi này và cuối cùng đã nêu rõ quan điểm trong những điều gọi là “Hiến pháp nền tảng” (Fundamental Constitution), trong đó bốn đoạn đầu phải được trích dẫn như lời khẳng định có thế giá nhất về cốt yếu của Dòng Đa Minh như sau:
1. Khi viết cho thánh Đa Minh và các anh em của người, Đức Honorius III đã diễn tả chủ đích của Dòng bằng những lời này: “Đấng làm cho Hội Thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái, vì muốn cho thời hiện đại này hợp với thời tiên khởi và muốn truyền bá đức tin Công giáo, đã gợi lên cho anh em tâm tình đạo đức này là: nhờ ấp ủ đức thanh bần và khấn giữ nếp sống tu trì, anh em tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới.
2. Vì Dòng Anh Em Giảng Thuyết do thánh Đa Minh sáng lập, “như ai cũng biết, ngay từ thời sơ khai, đã được thành lập đặc biệt để lo việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn” (Hiến pháp tiên khởi). Do đó, theo lệnh truyền của đấng sáng lập, anh em chúng ta, “ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu Độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân (ibid.).
3. Nhưng để nhờ việc theo Đức Kitô như vậy mà nên hoàn hảo trong lòng mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa qua việc tuyên khấn kết nạp chúng ta vào Dòng và được dấn thân một cách mới mẻ cho Hội Thánh hoàn cầu, nghĩa là “hiến thân hoàn toàn vào việc loan báo trọn vẹn Lời Thiên Chúa” (Honorius III).
4. Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang, là chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, sốt sắng cử hành chung phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì. Tất cả những việc đó không những tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ ơn cứu độ con người, bởi những việc ấy chuẩn bị và thúc đẩy một cách hài hoà việc giảng thuyết, làm cho việc giảng thuyết có một hình thể riêng và ngược lại, các việc đó cũng có được thể thức riêng nhờ việc giảng thuyết. Những yếu tố ấy một khi liên kết chặt chẽ với nhau, giữ được quân bình và làm phong phú lẫn nhau, thì làm nên tổng thể đời sống riêng của Dòng: một đời sống tông đồ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là việc giảng thuyết và dạy đạo lý phải phát sinh từ sự sung mãn của việc chiêm niệm…
9. Gia đình Đa Minh bao gồm các anh em giáo sĩ và trợ sĩ, các nữ đan sĩ, các nữ tu, thành viên các tu hội đời và huynh đoàn các linh mục hoặc giáo dân (mặc dù Hiến pháp chỉ liên hệ đến các anh em và đảm bảo sự thống nhất cần thiết của Dòng, nhưng không loại trừ sự khác biệt cần thiết”
Sự thống nhất này được duy trì thông qua chức vụ Tổng Quyền Dòng (đoạn 6) và thể thức cộng đoàn trong quản trị (đoạn 7). Đoạn 6 cũng khẳng định rằng các anh em tu sĩ gồm có các linh mục chia sẻ “chức năng ngôn sứ của hàng Giám mục” bằng việc giảng thuyết và cử hành các bí tích, và các anh em trợ sĩ chia sẻ sứ vụ giảng thuyết của Đức Kitô thông qua chức tư tế phổ quát. Vì vậy, tài năng của tất cả anh em được phát huy và sử dụng cho sứ vụ của Dòng. Hiến pháp không buộc thành tội và có thể được miễn chuẩn vì sứ vụ giảng thuyết, tạo nên những nét đặc trưng trong Hiến pháp nền tảng (đoạn 8).
Hiến pháp nền tảng và đời sống thánh Đa Minh nêu rõ: “Tinh thần đấng sáng lập” chính là ước vọng lớn lao được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và các Tông đồ trong sứ vụ loan truyền Tin Mừng. Trong cuốn sách Đời sống tông đồ (The Apostolic Life), cha Vicaire cho thấy sự trở về với đời sống này là chủ đề thường xuyên của mỗi cuộc canh tân Giáo hội và theo một cách thế sát với các Dòng Hành Khất lan rộng vào thế kỷ XIII. Thánh Phanxicô và các môn sinh là những mẫu gương sáng ngời trong việc canh tân này. Và trong Dòng Phanxicô, thánh tổ phụ được in các dấu thánh, được xem như hình ảnh cánh chung của Đức Giêsu trong sự khó nghèo cùng cực, khiêm hạ và ô nhục. Trong đó, hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh được tôn vinh như là trung tâm và mục đích của mọi thụ tạo. Ngay từ buổi đầu, thánh Phanxicô và hầu hết các môn sinh không phải là linh mục, nhưng các ngài đã cố gắng làm chứng cho Thiên Chúa bằng sự hiện diện với thế gian, thi hành bất cứ việc gì được trao phó trước khi họ hoán cải. Nhiều người cũng yêu mến đời sống chiêm niệm và ẩn dật giống như thánh Phanxicô. Trái lại, ngay từ đầu thánh Đa Minh đã là linh mục được mời gọi để thi hành sứ vụ. Chúng ta không xem thánh nhân như một biểu tượng, nhưng chỉ là thành viên đứng đầu của nhóm người được mời gọi cùng chia sẻ hoạt động rao giảng theo gương Đức Giêsu. Với thánh Phanxicô, giảng thuyết chỉ giới hạn ở việc khuyến dụ hoán cải. Còn với thánh Đa Minh, giảng thuyết là việc chia sẻ toàn bộ sứ vụ ngôn sứ của các Tông đồ và các Giám mục.
Sứ vụ Lời
Tuy nhiên, theo lịch sử, có không ít những bàn luận về ý nghĩa của việc giảng thuyết. Sau thời của thánh Thomas Aquinas, như chúng ta sẽ thấy sau này, anh em nhấn mạnh đến việc thay đổi quan niệm cho rằng, mục đích của Dòng là “giảng thuyết và dạy đạo lý”, và yếu tố cao quý hơn là việc dạy đạo lý theo nghĩa thuyết giảng và viết sách về những chủ đề triết học và thần học. Thông thường, “giảng thuyết” được quan niệm rất hạn hẹp theo nghĩa chỉ giảng trong nhà thờ qua phụng vụ nhưng điểm đặc biệt trong việc giảng thuyết của thánh Đa Minh mang một cách thế riêng là “mang tính đạo lý”, trực tiếp hướng đến lý trí và giới trí thức. Hơn nữa, nhiều người bối rối đây là Dòng duy nhất được xác định bởi hoạt động giảng thuyết, trong khi đó hầu hết các dòng nam và các giáo sĩ triều đều được phép rao giảng. Có người lại tách rời “giảng thuyết” với “dạy đạo lý” khi cho rằng dạy đạo lý chỉ liên quan đến lý trí, còn giảng thuyết chủ yếu liên quan đến tình cảm. Người khác nữa lại cho rằng Dòng này đảm nhận nhiều công việc khác nhau như: coi sóc giáo xứ, quản lý trường học và tư vấn. Vì thế, trong thực tế “công việc của anh em Đa Minh là những gì anh em Đa Minh thi hành.”
Những nhầm lẫn này không chỉ gây khó khăn cho Dòng Đa Minh nhưng nó còn gây nhầm lẫn với một kiểu linh đạo mà Dòng có thể cống hiến cho toàn Giáo hội. Để làm rõ điều này, trước hết chúng ta cần nhớ lại giáo huấn của Công đồng Vatican II: mọi tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức cùng chia sẻ chức tư tế phổ quát của Đức Kitô, vị tư tế đích thực duy nhất. Với vai trò Thượng Tế, việc phục vụ của Đức Giêsu và cũng là của các tín hữu có 3 chức năng: loan báo Tin Mừng (chức năng ngôn sứ), xây dựng cộng đoàn Kitô hữu (chức năng vương đế hay mục tử, gồm các việc bác ái liên quan đến thể xác), ngợi khen Thiên Chúa và thánh hoá con người (chức năng tư tế). Trong ba chức năng này, chức năng thứ ba là cơ bản và cao nhất, nhưng chức năng thứ nhất lại cần thiết hơn cả, vì nếu không có giảng thuyết thì sẽ không có đức tin, mà đức tin là nền tảng của mọi hoạt động Kitô hữu. Đây là lý do Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo hội, chọn sứ vụ giảng thuyết làm nhiệm vụ chính yếu của mình.
Giảng thuyết không phải là công bố chân lý con người, cũng không phải những điều về thần học, mà là Lời Chúa. Lời này là Tin Mừng loan báo triều đại nước Thiên Chúa đang đến, một triều đại đang được thể hiện ở nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể để mặc khải Chúa Cha cho thế gian nơi cuộc sống, cái chết trên thập giá và phục sinh để sống đời sống vĩnh cửu, như thánh Phaolô đã nói: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1 Cr 1,23). Như vậy, “giảng thuyết” theo cảm quan của thánh Đa Minh không nên hiểu theo nghĩa mơ hồ, hạn hẹp. Giảng thuyết bao gồm bất cứ chân lý nào mặc khải Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Vì Đức Giêsu đến để mang Tin Mừng cho cả những người nghèo, nên việc giảng thuyết Đa Minh phải mở rộng tới mọi tầng lớp xã hội, dù giàu hay nghèo, người học thức cũng như kẻ dốt nát, già hay trẻ tùy theo nhu cầu và khả năng của họ.
Việc giảng thuyết Đa Minh cũng không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian hay hình thức. “Tôi tha thiết khuyên anh hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Cha thánh Đa Minh rao giảng không chỉ trong nhà thờ hay khi cử hành thánh lễ, nhưng còn ở nhà riêng, ngoài trời và mọi nơi. Cha cũng không ràng buộc mình vào một hình thức truyền thông duy nhất nào. Cha trao đổi, tranh luận và diễn thuyết. Theo thời gian, anh em Đa Minh đã sử dụng mọi phương tiện thuận lợi và mọi cơ hội để rao truyền Lời Chúa. Tin Mừng không chỉ được chia sẻ bằng lời, chữ viết, hình ảnh hay bất cứ phương tiện nào, nhưng còn được loan truyền cách nào đó để người đón nhận có thể hiểu và được biến đổi.
Điều này không có nghĩa là thánh Đa Minh coi bất cứ tác vụ hữu ích nào cũng là việc giảng thuyết. Cha từ chối làm Giám mục và thường xuyên cố gắng giữ cho các anh em của mình chỉ chăm chú một mục đích duy nhất là thi hành tác vụ rao truyền Lời. Đối với cha, bất cứ hoạt động nào khác đều là lãng phí thời gian nếu như hoạt động ấy không có ý nghĩa cống hiến cho mục đích duy nhất này. Như chúng ta sẽ thấy, Dòng luôn luôn đấu tranh để giữ cho mình đúng với mục đích duy nhất này là mở rộng sứ vụ và không để lãng phí sức lực vào các hoạt động khác, cho dẫu các hoạt động ấy là cao quý hay cần thiết. Cũng vì lý do này, đừng ai nghĩ rằng giảng thuyết là độc quyền của Dòng Đa Minh. Trước hết, cha Đa Minh rao giảng cùng với các tu sĩ Xitô và với những tu sĩ khác, và vào cuối đời, cha là lãnh đạo của một nhóm người thuộc nhiều dòng tu. Giảng thuyết là bổn phận của mỗi Giám mục và linh mục. Dòng Anh Em Giảng Thuyết không độc quyền việc rao giảng, nhưng nỗ lực đưa ra một mẫu gương để đào luyện người khác và khuyến khích họ rao giảng, cho dù họ thuộc thành phần nhỏ nhất trong Giáo hội, theo những ân huệ và ơn gọi của họ. Dòng Anh Em Giảng Thuyết phát sinh chính vì nhiệm vụ nền tảng này của Giáo hội đang bị quên lãng và Dòng cố gắng thức tỉnh tất cả mọi người hoàn trọn vai trò của mình.
Do vậy, những gì linh đạo Đa Minh có thể cống hiến cho linh đạo của toàn thể Giáo hội là sự hiểu biết rằng: trở nên người Kitô hữu là hiện hữu theo tinh thần Tin Mừng, sống trong Lời, bởi Lời và nói Lời cho một thế giới đang khao khát Tin Mừng. Đây là linh đạo của Phúc Âm theo thánh Mátthêu và các thư thánh Phaolô, là những văn phẩm mà cha Đa Minh yêu thích.
Yếu tố thứ hai của linh đạo Đa Minh là yếu tố rõ rệt nhất, đó chính là giảng thuyết, như Hiến pháp nói “là công cuộc mang tính cộng đoàn và do đó tiên vàn là trách nhiệm của cả cộng đoàn.” Từ kinh nghiệm cá nhân, cha Đa Minh nhận thấy việc giảng thuyết không thể thành công từ những cá nhân đơn lẻ bởi hai lý do. Trước hết, giảng thuyết là một việc khó và nhà giảng thuyết phải được người khác hỗ trợ trong việc đào luyện, họ bị cám dỗ rao giảng về chính bản thân họ hơn là về Đức Kitô, họ kiệt sức và chán nản bởi vì đó là một nhiệm vụ khó khăn và dễ nản lòng. Giảng thuyết đòi hỏi sự góp phần của nhiều tài năng, và cá nhân người nói hay người viết chỉ là tiếng nói của một hoạt động rộng lớn hơn nhiều. Thứ đến, việc rao giảng Triều Đại Nước Thiên Chúa chỉ trở nên đáng tin khi chính bản thân người nói cảm nghiệm được đời sống yêu thương trong một cộng đoàn. Đức Giêsu rao giảng cho đám đông dân chúng về tình yêu Người đã chia sẻ với các môn đệ. Vì thế không phải tu sĩ Đa Minh nào cũng phải rao giảng cách trực tiếp. Thực tế trong thời kỳ đầu, không chỉ những anh em tu huynh mà cả các linh mục cũng đã không giảng. Điều quan trọng không phải là “Tôi đang làm gì?”, mà là “Có phải Tin Mừng đang được rao giảng không? Và tôi đang đóng góp điều gì cho công việc này được thực hiện?”
Cộng đoàn trong những Dòng Hành Khất mang ý nghĩa khác so với những đan viện ban đầu. Khởi đầu, các đan sĩ (cô độc, như là từ “monachos” chỉ ra) là những vị ẩn tu, họ quy tụ lại chỉ để hỗ trợ nhau trong đời sống chiêm niệm, điều mà chỉ có thể đạt được trong thinh lặng và cô tịch. Viện phụ là người cha thiêng liêng hướng dẫn con cái mình tới mức trọn hảo mà chính mình đã đạt tới. Trong số những Hội dòng hiện đại, Dòng Tên là gương mẫu đầu tiên về đặc tính tích cực của đời sống hướng tới việc đem cuộc đời mình suy phục cộng đoàn trong công việc được giao phó, để mỗi thành viên thi hành việc mình đã được chỉ định với sự hướng dẫn và hỗ trợ của cộng đoàn thông qua các bề trên với sự giúp đỡ huynh đệ khi cần thiết, nhưng không lệ thuộc vào việc phải sống chung.
Trái lại, tình huynh đệ của Dòng Hành Khất thời Trung Cổ quan niệm về cộng đoàn theo cách trung gian giữa hai thái cực này. Các đan sĩ còn giữ phụng vụ ca hát mang phong cách đan viện. Hội họp là nơi cộng đoàn tương quan với nhau, giải trí chung, một cộng đoàn nghiên cứu, và một sự tĩnh lặng để tập trung chiêm niệm, đồng thời nhiệt thành với việc mục vụ sống động. Nhịp điệu chiêm niệm và hoạt động này có khuynh hướng sản sinh ra một hệ thống tương quan hàng ngang, khác với tương quan hàng dọc của viện phụ đối với đan sĩ, hay của sĩ quan đối với binh lính. Trong một cộng đoàn Đa Minh lành mạnh (thường không được như thế), chúng ta thấy có bầu khí vui tươi và thân thiện của cầu nguyện, của học hành và của sứ vụ được phản chiếu trong bầu khí của đời sống Đa Minh tiên khởi mà chính cha Đa Minh tạo nên, dù bản thân cha yêu thích những đêm canh thức yên tĩnh.
Đặc tính thứ ba của đời sống này mà cha Đa Minh là mẫu gương rõ nét cho anh em là sự hiến thân cầu nguyện. Cha Đa Minh còn giữ lại phụng vụ các giờ kinh theo phong cách đan viện và cử hành thánh lễ cộng đoàn (điều mà các cộng đoàn hiện đại cá nhân hoá để được tự do thi hành sứ vụ), mặc dù cha sẵn sàng miễn chuẩn cho các anh em khỏi bất kỳ công việc phục vụ nào để học hành hay giảng thuyết. Giảng thuyết phải bắt nguồn từ việc chiêm niệm Lời Chúa và phải được diễn đạt hoàn hảo nhất trong phụng vụ cộng đoàn đã được đặt nền, bởi vì giảng thuyết dựa trên suy niệm Kinh Thánh và tưởng nhớ những sự kiện cứu độ lớn lao về cuộc đời Đức Kitô và việc noi gương các thánh. Hơn nữa, cha Đa Minh đã dành nhiều thì giờ cho kinh nguyện cá nhân, cầu nguyện (như tôi đã nói) với toàn bộ con người và cảm xúc dạt dào. Và cha đã lập ra phong tục kinh Sáng kéo dài (các bài đọc kinh Sách ngày nay) với giai đoạn cầu nguyện riêng trong Giáo hội.
Mặc dù không có những chứng cứ lịch sử nào về chuyện cha đã đón nhận kinh Mân Côi từ Đức Mẹ, nhưng chắc chắn một điều rằng cha thích đọc kinh Kính Mừng khi cha quỳ gối tôn vinh Mẹ và hát những bài thánh ca dâng Mẹ. Và kinh Mân Côi, là suy niệm về những mầu nhiệm nơi cuộc đời Đức Giêsu như Đức Mẹ “hằng ghi nhớ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19), đã tìm thấy nguồn gốc tự nhiên trong truyền thống Đa Minh. Vượt ra khỏi suy niệm như thế, giảng thuyết tuôn chảy cách tự nhiên như “từ một dòng suối tuôn trào.” Đời sống cầu nguyện cá nhân này cũng được chia sẻ với cộng đoàn. Chắc chắn là cha Đa Minh ít nói về những kinh nghiệm thiêng liêng của mình, bởi vì cha “chỉ nói với Chúa hoặc nói về Chúa.” Cha cũng không miễn cưỡng chia sẻ niềm tin với các anh em, và toàn bộ bầu khí của đời sống anh em Đa Minh tiên khởi là một trong những sự cởi mở lớn nhất về kinh nghiệm thiêng liêng. Cha Đa Minh không ngại than khóc, rên rỉ, ca hát để bày tỏ cảm xúc của mình và cha hối thúc anh em hát kinh phụng vụ bằng tất cả tâm tình.
Cha Đa Minh liên kết chặt chẽ với cầu nguyện, chặt chẽ đến nỗi tôi nghĩ rằng không thể kể ra từng chi tiết riêng biệt, đó là cuộc đời sám hối nổi bật trong đời sống của cha. Ngày nay, chúng ta bối rối về điều này. Chúng ta không đọc thấy trong Tin Mừng rằng Chúa Giêsu đã làm những việc sám hối đặc biệt nào, chỉ ngoại trừ Người ăn chay trong sa mạc vào buổi đầu sứ vụ của mình. Phải chăng trong đường lối mà thánh Đa Minh và đa số các anh em của cha đã không coi trọng thân thể khi bớt ăn uống và nghỉ ngơi cá nhân, mặc áo nhặm, đánh tội và làm việc quá sức lại không có chút gì là thần kinh, thích đau khổ hay ít nhất là phá huỷ hay sao? Chúng ta đã quen với tiện nghi và rất quan tâm chăm sóc thân thể như một bổn phận thực tế. Tôi nghĩ chúng ta nên thừa nhận rằng một vài cách thực hành này hiểu theo y học hiện đại và sự lành mạnh của tinh thần là có hại và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy thánh Đa Minh kiệt sức trước tuổi 50. Chấp nhận như thế, chúng ta không những có thể giúp đỡ mà còn nhìn nhận rằng những thực hành này được khởi hứng bởi ba động cơ có giá trị bền vững, hay nói khác đi, điều đó cần thiết cho đời sống Kitô hữu.
Động cơ đầu tiên, chung cho tất cả các tôn giáo, nhấn mạnh việc chiêm niệm, đó là việc xác tín rằng lòng ham thích đời sống tiện nghi an nhàn phải được chế ngự nếu chúng ta muốn có được tâm hồn thực sự thanh thản. Hai là, người Kitô hữu xác tín rằng tội nguyên tổ và tội riêng là những thực tại của phận người. Chúng ta không thể tự do khỏi tội nếu không có một kỷ luật bắt những ham muốn vô trật tự phải tuân theo sự điều hành của lý trí được đức tin soi sáng. Chúng ta chỉ nghĩ rằng sự hủy hoại của rượu và ma túy mới ảnh hưởng tới lý trí. Ba là, người Kitô hữu khao khát được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh và với nhân loại đang đau khổ. Làm sao chúng ta có thể học cách yêu thương như Đức Giêsu đã yêu hay liên đới với những người khổ đau nếu chúng ta đang là nô lệ cho những vui thú và tiện nghi?
Do vậy, nhất thiết ai muốn học cầu nguyện cho đúng nghĩa là phải chay tịnh, học giữ thinh lặng, học giữ tỉnh thức, tập sống nghèo khó và giản dị. Tất cả những kỷ luật này đặc biệt cần thiết trong thời đại và xã hội chúng ta, một xã hội đang chìm ngập trong văn hoá tiêu thụ. Cách chúng ta thực hiện những kỷ luật này phải được tuân theo những hiểu biết về vấn đề vệ sinh thể lý và tinh thần, mà chúng ta không được bỏ qua. Với thánh Đa Minh, tất cả điều này được tóm lại trong ước vọng của cha là được nên một với Đức Kitô trong việc dâng hiến chính mình cho những người tội lỗi mà cha đã rao giảng.
Một yếu tố thiết yếu của việc khổ hạnh là tinh thần nghèo khó. Có người cho rằng thánh Đa Minh bắt chước đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô. Nhưng như chúng ta đã biết, khó nghèo của cha Đa Minh có một nguồn gốc và động lực khác. Cha Đa Minh muốn trở nên nghèo để cho việc giảng thuyết của mình khả tín đối với người nghèo là những người đã thấy trong sự nghèo khó của những người “Hoàn Hảo” theo phái Albi một sự thánh thiện lớn hơn sự khó nghèo của hàng giáo sĩ Công giáo sống theo thói đời. Càng sống lâu, cha càng xác tín về tầm quan trọng của đời sống khó nghèo, và cha ngày càng cần phải sống khó nghèo triệt để hơn. Cha mong muốn các anh em mình sống “đời sống chung,” nơi đó họ không sở hữu bất cứ thứ gì nhưng chỉ sống từng ngày trong niềm phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha tin rằng chỉ có cách này họ mới có thể hoàn toàn tự do để giảng thuyết. Chúng ta sẽ thấy lý tưởng này, giống lý tưởng của thánh Phanxicô, có lúc xem ra không thực hành được, thậm chí còn cản trở công việc của Dòng, nhưng thánh Thomas đã giải thích điều này cách ôn hoà. Dẫu vậy, sự khó nghèo vẫn là điều cốt yếu đối với nếp sống khổ chế của anh em Đa Minh, và do đó cũng là cốt yếu đối với việc cầu nguyện Đa Minh. Các tu sĩ Đa Minh không thể tự do chiêm niệm và rao giảng Lời nếu họ bận tâm với những lo lắng thế gian, và họ không thể làm cho Lời đó trở nên khả tín nếu họ xem ra trở nên giàu có bằng công việc của họ.
Điểm đáng chú ý thứ tư là nét đặc trưng trong đời sống Đa Minh: học hành là con đường nên thánh. Đối với các đan sĩ, đời sống được chia làm hai: lao động chân tay và cầu nguyện. Khi học hành không phải là một yếu tố ràng buộc, thì học là để nuôi dưỡng cầu nguyện, nhưng không được quan niệm rằng học hành tự nó thánh hoá. Thánh Phanxicô tôn trọng những anh em có học thức và hài lòng với việc anh em trở thành những sinh viên hay giáo sư sau khi gia nhập Dòng, cũng như ngài vui mừng khi có những thợ lao động chân tay tiếp tục công việc của họ; nhưng ngài ý thức rất rõ rằng học hành, đặc biệt là những vinh dự khoa bảng và việc cạnh tranh có thể làm tâm hồn trở nên chai cứng và trí tuệ mù tối đối với niềm tin thuần khiết, vì vậy, ngài không khuyến khích các anh em học hành. Cha Đa Minh hẳn nhiên phải biết những nguy hiểm này. Tuy nhiên, cha nhận thấy học hành không chỉ cần thiết đối với lãnh vực giảng thuyết mà cha đã đảm nhận, nhưng còn góp phần vào việc nên thánh của anh em. Học hành có thể là một việc sám hối bổ ích và có thể dẫn đưa người ta tới việc hiểu biết Kinh Thánh sâu xa hơn và biết mình để có thái độ khiêm tốn thực sự.
Hiến pháp tiên khởi dự liệu rằng không phải chỉ có việc chọn các sinh viên để gửi tới các đại học lớn nhưng mỗi tu viện phải có một anh em được chỉ định làm giáo sư của nhà (lector) để tiếp tục việc học hành suốt đời của anh em. Các tập sinh được dạy cho biết là không bao giờ được ở không, ngay cả khi đi đường, nhưng phải luôn học hỏi và suy niệm những gì họ đã học. Từ đó phát sinh “thuyết Duy Trí” là đặc điểm của linh đạo Đa Minh. Điều này không được hiểu theo nghĩa học thuật, mà phải hiểu theo nghĩa đời sống đức tin là đời sống kiếm tìm Chân Lý của Thiên Chúa, Chân Lý không chỉ là một danh mục các học thuyết mà chính là Ngôi Vị của Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Ai cũng đồng ý là sự hoàn hảo Kitô hữu cốt ở lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân nếu chúng ta có quan điểm sai lầm về họ? Nếu chúng ta yêu mến họ, thì làm sao chúng ta lại không mong biết Thiên Chúa và tha nhân cách chân thực hơn đúng như họ là?
Do vậy theo tôi, linh đạo Đa Minh gồm bốn yếu tố sau: (1) Linh đạo Đa Minh là một sự chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ là chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể. (2) Lời mời gọi này được hoàn trọn bởi một cộng đoàn phát xuất từ kinh nghiệm sống cho Chúa và cho tha nhân. (3) Nguồn mạch dẫn đường là đời sống cầu nguyện, đặc biệt là phụng vụ, mà để được như vậy mỗi cá nhân phải được trở nên tự do nhờ thực hành khổ chế và đời sống đơn sơ. (4) Việc cầu nguyện đó được nuôi dưỡng bởi việc chuyên chăm học hỏi Kinh Thánh và mọi nguồn mạch chân lý giúp chúng ta thấu hiểu Lời Chúa.