18/12/2024 -

Linh đạo Đa Minh

140
WĐM: Thể theo thỉnh nguyện gần đây của Anh em Sinh viên, fr. Bruno Cadoré, O.P., Nguyên Tổng quyền Dòng Đa Minh, đã gửi cho các Anh em Sinh viên Đa Minh Việt Nam một lá thư. Trong lá thư, ngài chia sẻ với anh em về đời sống huynh đệ và sứ vụ tông đồ; ngài khích lệ anh em: "Hãy trở nên những nhà giảng thuyết trong và cho thế giới bằng cách sống chung với nhau như anh em, và hãy trở nên anh em bằng cách giảng thuyết trên những nẻo đường của thế giới." Lá thư được viết bằng tiếng Pháp và được Anh Em Nhà Học dịch ra tiếng Việt.


 
_Bruno Cadoré, O.P._

Người ta kể rằng Thánh Đa Minh đã yêu cầu các anh em gia nhập đầu tiên phải hứa với ngài về "sự vâng phục và đời sống cộng đoàn". Đó là sự vâng phục "tông đồ" mà ngài yêu cầu khi sai các anh em đi "học hành, giảng thuyết và thiết lập tu viện". Tuy nhiên, chính việc "sai đi" này lại bao gồm nhiệm vụ "thiết lập một tu viện", như một cách để nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa việc dấn thân trọn vẹn "cho việc công bố Lời Thiên Chúa" và đời sống kỷ luật cộng đoàn cũng như cầu nguyện chung. Hãy trở nên những nhà giảng thuyết trong và cho thế giới bằng cách sống chung với nhau như anh em, và hãy trở nên anh em bằng cách giảng thuyết trên những nẻo đường của thế giới.

Đời sống cộng đoàn như ký ức tông đồ: để loan báo Tin Mừng

Chúng ta thích nhắc lại trong Dòng Giảng Thuyết, câu trả lời mà Thánh Đa Minh đã đưa ra cho những anh em tiên khởi mà ngài phân tán từ Toulouse. Những người này, có lẽ nhận thức rằng bản thân còn thiếu sót nhiều điều để có thể ra đi và "rao giảng danh Chúa Giêsu Kitô"[1], nên đã hỏi ngài họ phải làm gì. Thánh Đa Minh liền trả lời: "Học hành, giảng thuyết và thành lập các tu viện". Học hành và sống thành cộng đoàn, để giảng thuyết. Đây có thể là một cách giải thích về việc thánh Đa Minh sai những anh em đầu tiên ra đi, những người "hiến thân hoàn toàn cho việc loan báo trọn vẹn Lời Thiên Chúa"[2].

Tuy nhiên, Hiến pháp nền tảng của Dòng ghi rõ rằng: "Hình thái của Dòng, xét như một hội dòng, xuất phát từ sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ của Dòng" (SHC 1, § 6). Công thức này mời gọi chúng ta đặt đời sống cộng đoàn huynh đệ trong mối quan hệ với hai thực tại: sứ vụ và sự thánh hiến tu trì, cả hai đều được yêu cầu đặt mình "dưới thẩm quyền của Lời Chúa": học hành.

Chúng ta thường liên kết đời sống cộng đoàn trong đời sống tu trì với hình ảnh của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi (SHC1, § IV), được đề cập trong hai đoạn sách Công vụ Tông đồ (Cv 2, 42-46; Cv 4, 32-34). Trong đoạn văn thứ hai, chúng ta nhận thấy có một kiểu bao hàm. Thật vậy, "các tông đồ đã làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại ", một lời khẳng định được đóng khung bằng hai lần nhắc đến việc đặt mọi tài sản làm của chung: "không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung"; và "cộng đoàn tín hữu chỉ có một lòng một ý". Như vậy, chứng tá về sự phục sinh được liên kết mật thiết với lối sống của cộng đoàn tiên khởi, với việc tổ chức cộng đoàn sao cho khi không ai sở hữu gì riêng, nhưng đặt mọi thứ làm chung, cộng đoàn được thiết lập trong sự nhất trí. Do đó, chứng tá về nếp sống mới là một phần của việc thực hành một phương thức mới trong quan hệ xã hội, trong đó mọi người không chỉ đóng góp cho công ích bằng cách từ bỏ quyền sở hữu cá nhân, mà còn tin tưởng rằng mọi người sẽ quan tâm đến nhu cầu của mình. Đời sống mới khai mở một thể chế về trách nhiệm chung vì lợi ích của mọi người và trách nhiệm của mọi người trong việc tạo ra điều kiện sống cho tất cả. Đừng sở hữu gì cho riêng mình, ngoại trừ ân sủng Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, mà mỗi người thực sự nhận được theo mức độ được Người ban cho mọi người.

Còn đoạn văn đầu tiên đặt thực tại mới này vào động lực rộng lớn của công cuộc loan báo Tin Mừng, cho thấy chính nhờ việc loan báo Tin Mừng mà cộng đoàn tín hữu được thiết lập và phát triển. Ta cùng nhắc lại động lực mạnh mẽ mà Tin Mừng mang lại, điều sẽ tạo nên sự nhất trí trong một trái tim duy nhất của cộng đồng mới này. Tất cả bắt đầu với biến cố Lễ Ngũ Tuần, một biểu hiện quyền năng của Chúa Thánh Thần, biểu lộ tính phổ quát của Tin Mừng. Tính phổ quát này bắt nguồn từ biến cố đặc biệt về cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu, được công bố trong bài giảng Kerygma đầu tiên của thánh Phêrô. Chính khi nghe bài giảng này, nhiều người đã đến với các tông đồ và hỏi mình phải làm gì: họ được mời gọi sám hối và chịu phép rửa, và được cho biết rằng lời hứa của Thiên Chúa được dành cho họ. Việc đáp lại lời hứa này, cách đón nhận lời hứa này lại là một sự căng thẳng giữa tính phổ quát của Tin Mừng và tính đặc thù của Kerygma. Và đoạn văn mô tả đời sống của cộng đoàn tiên khởi: họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy (Tin Mừng có tính phổ quát), trung thành với sự hiệp thông huynh đệ, cầu nguyện và bẻ bánh (hoán cải mọi người và hội nhập vào đời sống cộng đoàn), đặt mọi sự làm của chung và tạo thành một trái tim duy nhất.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy tại sao các cộng đoàn tu trì (và cũng có thể là cơ sở cho việc thiết lập các cộng đoàn giáo hội nhỏ trong thời kỳ ra đời của thần học giải phóng) lại quy chiếu về giai đoạn thành lập Giáo hội này, từ Giáo hội địa phương đến Giáo hội toàn cầu, Giáo hội toàn cầu hiện diện trong mỗi Giáo hội địa phương. Chính trong Hiến pháp Dòng, chúng ta đọc thấy: "Như tu luật dạy, sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa. Sự thống nhất này vượt qua các ranh giới tu viện, đạt tới sự viên mãn khi hiệp thông với tỉnh dòng và toàn Dòng" (SHC 2, § I). Chúng ta biết rằng việc tìm ra cách thức tổ chức việc tìm kiếm sự đồng thuận này sẽ được định nghĩa trong Dòng như một thực hành dân chủ trong việc tìm kiếm sự đồng thuận, (tức không chỉ là một phương thức dân chủ trong việc ra quyết định, mà là thực hành dân chủ trong việc tổ chức đời sống cộng đoàn, sao cho mỗi cá nhân và mọi người đều có thể góp phần vào tiến trình đồng thuận, tham gia đầy đủ qua tiếng nói của mình, qua"lá phiếu" của mình).

Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm những tài liệu tham khảo cho cộng đoàn đầu tiên, thì một mô hình khác cũng rất đáng khích lệ, như truyền thống I-Nhã nhấn mạnh. Đây là điều mà chúng ta có thể gọi là “cộng đoàn tông đồ đầu tiên”, cộng đoàn đã đồng hành cùng Đức Giêsu trên con đường rao giảng về Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu vào Hội đường và đọc sách ngôn sứ Isaia (Lc 4,16): hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh, mà dưới uy quyền của lời này, đó là vấn đề sống cộng đoàn. Trước lời công bố bí ẩn này, nhưng đầy uy quyền khiến mọi người đều kinh ngạc, thì lập tức câu hỏi được đặt ra về nguồn gốc – quá quen thuộc – của vị “giảng thuyết” này, là con ông Giuse. Nói cách khác, thẩm quyền giải thích Kinh thánh này đến từ đâu, khi mọi người đều biết rõ về Người và biết nguồn gốc “tầm thường” của con người đang nói với thẩm quyền như vậy. Trước sự bối rối này của những người đồng hương, Đức Giêsu trả lời bằng cách nhấn mạnh, một lần nữa, ở đây, tính phổ quát của Lời cứu độ: chỉ có bà góa ở Xarepta, chỉ có Naaman người Syria... Chính sự “mở rộng” con đường cứu rỗi cho tất cả mọi người này đã khơi dậy sự phẫn nộ của đám đông, thúc đẩy họ muốn bắt và tìm cách loại trừ Người. Đức Giêsu rút lui và bắt đầu một loạt việc chữa lành (người bị quỷ ám, mẹ vợ ông Simon, v.v.). Đồng thời, chính sự mở rộng vượt ra ngoài các ranh giới thông thường này đã thúc đẩy Người không ở lại một nơi, mà tiếp tục con đường giảng dạy lưu động:“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa,vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).

Sau đó, chính trong bối cảnh của sứ mạng này, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên: Simon (và Anrê), Giacôbê và Gioan, rồi Lêvi. Chính tại nhà ông Lêvi, Đức Giêsu đã dùng bữa với bạn bè và những người tội lỗi, một lần nữa chứng tỏ tính phổ quát của việc rao giảng, rao giảng và thực hành lòng thương xót. Ở đây một lần nữa, xuất hiện sự căng thẳng giữa tính phổ quát của ơn cứu độ và tính đặc thù của ơn gọi và sự dấn thân. Chính vì vậy mà các tông đồ đầu tiên lần lượt được kêu gọi (Lc, 12). Như thế, một nhóm được hình thành xung quanh Đức Giêsu, được hợp nhất bởi tình bạn của Người với họ (chúng ta cũng có thể nghĩ đến Tin Mừng Gioan, trong đó mô tả một loạt bổ sung vào “nhóm” của Đức Giêsu: Simon và Anrê, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Anrê gọi Phêrô trong Tin Mừng Ga 1, 40 – “chúng tôi đã gặp Đấng Messia”), Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, Philipphê, được Đức Giêsu kêu gọi, rồi đến Nathanael… Và có lẽ nhiều người khác nữa, trong đó có các phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ và bệnh tật (Lc 8:1-3) “Cộng đoàn” này đã cùng hiện diện tại tiệc cưới Cana (“Đức Giêsu, mẹ Người, các anh em Người và các môn đệ của Người”, Ga 2, 12). Sau đó là phần thứ hai của điều cũng sẽ là một sự bao hàm, khi Tin Mừng Luca đề cập đến mối quan hệ thực sự với Đức Giêsu (Lc 8, 19).

Đối với Dòng, cộng đồng rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu có thể là một nguồn tham chiếu quan trọng cho đời sống chung: việc loan báo Tin Mừng (rao giảng về Nước Thiên Chúa gần đến) là nền tảng, trên đó cộng đoàn các tín hữu được xây dựng, và cộng đoàn này được hình thành dần dần, mở rộng theo từng bước khi chính Đức Giêsu hoặc các thành viên trong nhóm của Người kêu gọi thêm các thành viên mới. Trong động lực này, hành trình cá nhân của mỗi người được bao gồm trong một động lực rộng lớn hơn, vượt trên bản thân họ, và đề cao tính lưu động tông đồ, độc đáo và cụ thể, nhờ vào tính phổ quát của sứ vụ.

Điều tạo nên cộng đoàn chính là ký ức về một Lời đã mời gọi và sai đi rao giảng Tin Mừng: đời sống cộng đoàn như một ký ức tông đồ.

Đời sống cộng đoàn, biểu trưng của sự hiệp thông

Lối diễn đạt này chính là lời mà anh Roger ở Taizé đã sử dụng. Và tôi muốn tin rằng, từ cách đây 800 năm, chính từ ngữ đẹp đẽ này—hiệp thông—đã cháy bỏng trong trái tim của Thánh Đa Minh, khi đối diện với một xã hội đang thay đổi sâu sắc và một Giáo hội đang bị cám dỗ bởi sự chia rẽ. Ngài đã chọn mời gọi các anh em của mình học hỏi từ trường lớp của Chúa Giêsu, nhà giảng thuyết lữ hành. Xác tín của ngài là chứng tá về tình bằng hữu này của Thiên Chúa, Đấng đến để xin được lưu trú trong nhân loại và trò chuyện với mỗi người, sẽ mở ra những con đường hiệp thông và hy vọng, trong một thế giới vốn đã bị thử thách bởi những thất vọng.

Hai từ quan trọng ở đây, tôi tin rằng chúng diễn tả "cách thức" đời sống cộng đoàn mà Thánh Đa Minh đã chọn: tình bạn và đối thoại.

Đầu tiên là đối thoại, muốn ghi khắc vào trung tâm kế hoạch sống của Dòng Giảng Thuyết mối quan tâm làm chứng cho cuộc đối thoại mà chính Con Thiên Chúa đã muốn duy trì với nhân loại mà Người được sai đến: "Nhờ sự Nhập Thể, Thiên Chúa đã bước vào một cuộc đối thoại đa diện với nhân loại"[3]. Chính trong nẻo đường mà Con Thiên Chúa đã mở ra mà cuộc phiêu lưu truyền giáo phải được ghi khắc.

Tiếp theo là tình bạn, để thực sự tham gia vào cuộc đối thoại này dưới sự hướng dẫn của Đấng đã nói với các môn đệ của Người: "Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga 15, 15). Điều này cũng được phản ánh trong Hiến pháp Dòng, cụ thể là trong chương về đời sống cộng đoàn: "Cũng nhờ lòng yêu mến Đức Kitô ngày càng thôi thúc, nghĩa là nhờ tình bằng hữu phổ quát thiêng liêng, anh em hãy trở nên mọi sự cho mọi người trong tác vụ tông đồ; hơn nữa, trong đời sống chung của gia đình tu trì và tông đồ mà anh em đã được liên kết bằng mối dây chặt chẽ hơn nhờ đức thanh khiết, anh em phải vun trồng lòng yêu thương huynh đệ và tình bằng hữu chân thành" (LCO 28 § II). Đây là một khẳng định đáng ngạc nhiên đối với các tu sĩ, những người có thể dễ dàng phân biệt: "Chúng ta là anh em, nhưng không phải là bạn hữu!" Liệu có thể thực sự học cách trở thành anh em của nhau mà không thiết lập giữa chúng ta một lối sống bạn hữu thực sự?

Do đó, cộng đoàn chính là biểu trưng của sự hiệp thông! Chấp nhận cụm từ này là khẳng định rằng đời sống cộng đoàn không chỉ đơn thuần là một phương thức tổ chức thực tế để thực hiện một mục đích khác quan trọng hơn. Đúng hơn, đó chính là điều kiện có giá trị để thực hiện những gì cần thực hiện: công bố Tin Mừng bình an và hòa giải, và kín múc sức mạnh cho dự phóng tông đồ từ việc cử hành và chiêm niệm mầu nhiệm của Ngôi Lời, Đấng được Chúa Cha sai đến để giải thoát nhân loại và nhắc nhở con người tiến về Thiên Chúa. Đó cũng không phải là một cách thức ép buộc mình sống khổ hạnh về mặt tinh thần, ngay cả khi chúng ta biết rõ rằng "sống chung hiệp nhất” có thể  thật khó khăn . Đúng hơn, đó là nơi chiêm ngưỡng công trình của ân sủng, vốn thúc đẩy mỗi người và tất cả cùng nhau hướng tới mầu nhiệm đức ái, là trái tim và ngọn lửa của việc rao giảng Tin Mừng. Liệu mô tả như vậy có phải là một "điều không tưởng" khó nắm bắt, hay trái lại, chính cộng đoàn này có đồng ý để bị tước bỏ khỏi mọi chức năng khác nhằm thực hiện chức năng hiệp thông? Đó lại không phải là một tiếng vang cho sự kỳ vọng mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã diễn tả về đời sống thánh hiến khi ngài viết: "Tôi mong các bạn biết tạo ra những 'nơi khác', nơi mà logic Tin Mừng của sự cho đi, của tình huynh đệ, của sự đón nhận sự đa dạng, và của tình yêu lẫn nhau được thể hiện?" Một biểu trưng của sự hiệp thông: sự hiệp thông ấy giống như một cộng đoàn thực sự dám đón nhận con người của mình!

Những con đường của ân sủng, giữa lòng nhân loại

Chấp nhận rủi ro của phận người, nhân danh nhân tính của Chúa Kitô, Đấng là sự biến hình của nhân loại, tôi cho rằng đây là thách đố đầu tiên của ơn gọi thánh hiến. Hãy hiểu rõ điều này: đây là một rủi ro mà chúng ta phải dám đón nhận. Chúng ta đều biết rằng nhân loại, không phải là nhân loại nói chung, mà chính là nhân tính của mỗi chúng ta, không phải là hoàn hảo, không thiếu sót và không có những yếu điểm. Nhưng chính rủi ro đó là điều chúng ta phải dũng cảm đón nhận: thực tế của "bột đất" với những u ám, gồ ghề và những khe nứt của nó, chính là điều đẹp đẽ và thật sự hơn nhiều so với một nhân tính mơ mộng, trừu tượng và hư ảo. Đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ tin rằng đời tu là một chặng đường khó khăn để tiến tới những đỉnh cao của sự hoàn thiện. Nhưng tôi cho rằng nó thực sự là một lời mời gọi dấn thân vào công việc chậm rãi trên mảnh đất, nơi mà con người được nhào nắn. Như trong một cánh đồng trên sườn đồi, nơi người ta phải thu nhặt những viên đá vung vãi đây đó để xây dựng các bậc thang tưới tiêu. Công việc chậm rãi này chính là công việc của tình huynh đệ, qua đó mỗi người học cách dần dần mang tất cả những gì mình nhận được vào lợi ích chung của tất cả, để phục vụ sự hiệp thông và để chính mình được người khác sinh ra trong đức tin mà mình chia sẻ với họ. Đó là thách đố của một nhân tính được biến đổi trong Chúa Kitô, vì nó được tưới gội bằng sức sống của Thánh Thần.

Nhưng dám chấp nhận rủi ro của nhân tính cũng chính là mang lấy chứng tá mong manh về khả năng tình bạn giữa con người với nhau và với Thiên Chúa, ngay giữa sự bao la của thế giới.  Đây là thách đố thứ hai của ơn gọi tu trì. Làm sao một nơi chốn, một thực tại nhỏ bé và rất đặc thù như vậy lại có thể mang trong mình tất cả khát vọng của thế giới? Làm thế nào họ có thể một mình tỏa sáng niềm hy vọng được chia sẻ bởi tất cả mọi người? Đây là một đặc điểm khác của ơn gọi tu trì, có lẽ nhấn mạnh nhất đến chiều kích “ngôn sứ” của nó: những thực tại con người mong manh nhất, đặc thù nhất có thể nhắc nhở thế giới về những chân lý căn bản và mang chúng đến với nhân loại nhân danh tất cả mọi người, đồng thời đem lại cho chúng giá trị phổ quát. Từ quan điểm này, ơn gọi tu trì là lời mời gọi hướng đến đức tin. Một mặt, bởi vì, một lần nữa, vấn đề là phải tin rằng thế giới không cam chịu một số phận khép kín nơi chính mình, mà trái lại, nó mang trong mình hạt mầm của một tương lai có thể có với Thiên Chúa, mà nhân loại có khả năng làm chứng. Mặt khác, bởi vì con người không thể tự mình tìm thấy sự can đảm để khẳng định điều này, nhưng đúng hơn, con người nhận ra sự thật đó trong việc chiêm niệm mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa – trong sự đa dạng của con người, các thế hệ và các nền văn hóa - trong việc chiêm niệm nhân tính của Chúa Con, Đấng, trong chính nhân tính đặc thù của mình, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử nhân loại và ở một nơi chốn nhất định, đã làm cho sự hoàn thiện của con người trong Thiên Chúa đạt tới tầm vóc phổ quát trọn vẹn. Ở một mức độ nào đó, nét đặc trưng trong mỗi đặc sủng của đời sống tu trì là con đường mà các thành viên của nó dấn thân, rồi đến lượt mình, họ dám đưa ra lời nhắc nhở mang tính ngôn sứ này rằng con người có “khả năng đạt tới Thiên Chúa”, bởi vì trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã muốn tỏ mình là "có khả năng đạt tới con người”. Đó là thách đố của tình bạn, khơi dậy nơi con người khả năng hiệp thông mà họ có thể đạt tới. Và khi làm như vậy, mời gọi họ "trở nên cuộc đối thoại," bằng cách chấp nhận không còn thuộc về chính mình nữa.

Điều này dẫn chúng ta đến việc xác định một thách đố thứ ba của ơn gọi tu trì, thách đố của việc trở thành “lời mời gọi” đối với người khác. Lời mời gọi tiến tới tự do thực sự của mình, bằng cách tin tưởng hòa mình vào sự hiệp thông với người khác, để được dẫn dắt bởi người khác đến sự tự do của chính mình, đến nơi sâu thẳm nhất trong khát vọng về sự thật. Đó là một khát vọng có thể được khơi dậy bởi chứng tá của “lối sống" tập hợp các tu sĩ nam nữ. Khát vọng này có hai mặt không thể tách rời. Đó là khát vọng về một cuộc gặp gỡ cá nhân với một Thiên Chúa, Đấng không ngần ngại nói với từng người. Một Thiên Chúa đến gần con người và trở thành anh em của mọi người vì Người là Con Một. Đó là khát vọng về một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa được trở nên sinh động bởi kinh nghiệm rằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, niềm vui được chia sẻ với người khác, là điều có thể, hữu hình, và diễn ra qua những con đường rất cụ thể. Như vậy, đó là khát vọng tham gia vào một sự hiện diện Kitô giáo đặc biệt, vừa tìm cách yêu thương thế giới, vừa mở ra cho con người những con đường chiêm niệm. Đồng thời, đó cũng là khát vọng để chính mình được cuốn vào cuộc phiêu lưu của lòng can đảm, với hy vọng rằng toàn thể cộng đồng nhân loại có thể sống hiệp thông với nhau. Với xác tín rằng kinh nghiệm "chia sẻ" về sự hiệp thông này cần có những con người hành động, ngay tại đây và lúc này, với tất cả sự phong phú của họ, và không e ngại những yếu đuối hay thiếu sót không thể tránh khỏi của bản thân, bởi vì Thiên Chúa muốn hoàn thành tương lai của con người bằng cách mời họ cộng tác với Người như những "đồng sáng tạo." Hãy hiểu rõ rằng, đây không phải chỉ là dấn thân để làm một điều gì đó, để trở nên như thế này hay thế kia – dù điều đó cũng quan trọng, vì những truyền thống phong phú mở ra những hướng để nhận diện. Đúng hơn, đây là bước vào một cuộc phiêu lưu, nơi mỗi người có thể dâng hiến, theo khả năng của mình, năng lượng, câu chuyện đời mình, văn hóa, những ân sủng và tình yêu của mình dành cho thế giới, để hợp nhất chúng với người khác thành một bó lúa duy nhất và cùng với họ, khao khát hiệp thông và để mình được đốt cháy trong ngọn lửa Thánh Thần, Đấng kêu gọi chúng ta phục vụ và chiêm ngưỡng sự hiệp nhất trong Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là một cuộc phiêu lưu nơi ta học cách đấu tranh, một cách cụ thể, để tình huynh đệ thực sự nảy sinh giữa các anh em, với thế giới. Với ân sủng của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự hiện diện của Người với tư cách con người trọn vẹn. Đó là thách đố của lời mời gọi chiêm niệm, đồng thời mời gọi ta đấu tranh để giữ cho cuộc đối thoại giữa con người được luôn sống động và cởi mở. Đấu tranh và chiêm niệm, xin trích dẫn Thầy Roger ở đây một lần nữa. Chiêm niệm và rao giảng, như các nhà giảng thuyết yêu thích nhắc đến … 
[1] Đức Hônôriô III,Thư ngày 18-1-1221, trong Monumentum Ordo frat. Praedicatorum hist (MOPH) XXV, tr. 144.
[2] Đức Hônôriô III, Thư gửi các Đặc sứ Toà Thánh, 4 -2-1221, trong MOPH XXV, tr. 145.
[3] E. Durand, « L’Incarnation comme “conversation” de charité, selon saint Thomas d’Aquin”, Nova et Vetera, XCIVème année, Jan. Fév. Mars 2019, p. 3-26.

 
114.864864865135.135135135250