CHƯƠNG IV
HÀNH TRÌNH TÂM LINH
II. BA BẬC CẦU NHƯ SỰ THĂNG TIẾN TRONG TÌNH YÊU
Do tình yêu và niềm khao khát thúc đẩy, linh hồn tiếp tục tìm cách leo lên Cây Cầu. Mức độ tiến bước của nó cũng sẽ được tượng trưng bằng những bậc cầu, nhưng các bậc này không còn chỉ đến các quan năng nữa mà là những trạng thái của tâm hồn. Ở đây chúng ta lại thấy Catarina tự do sử dụng hình ảnh do mình sáng nghĩ ra : các bậc cầu bây giờ lại biểu tượng cho trạng thái của linh hồn, và cũng chỉ đến các chi thể của Đức Kitô chịu đóng đinh. Nét đặc trưng của Catarina cũng ở chỗ này : trong hành trình leo cầu (leo thang) có ba cấp chính của đường trọn lành, tương ứng với ba cấp độ của việc thực thi bác ái : cấp thứ nhất là tình yêu tôi tớ, tương ứng với việc thanh tẩy khỏi tội lỗi; cấp thứ hai là tình yêu bằng hữu, tương ứng với việc trang bị các nhân đức; cấp thứ ba là tình yêu con cái, tương ứng với việc hưởng nếm bình an (x. ĐT. 26; tr. 50).
A. BẬC THỨ NHẤT : ĐÔI BÀN CHÂN CỦA ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH
1. Từ mặt đất tới đôi chân
Khởi đầu của cuộc hành trình, linh hồn đặt mình dưới chân cầu, tức là dưới chân thập giá của Đức Kitô : Đức Kitô được treo lên khỏi mặt đất là mẫu của linh hồn trong giai đoạn này, tức là linh hồn phải rút chân lên khỏi mặt đất, khỏi các tật xấu.
Khi leo lên bậc này, giả thiết là linh hồn đã cương quyết chọn lựa theo Đức Kitô. Việc quan trọng trong giai đoạn khởi đầu này không những là lột bỏ các tội lỗi (nhờ Bí tích Hoà giải) nhưng còn là lột bỏ sự quyến luyến ấy là sự “yêu mình” (x. ĐT. 46; tr. 91) khiến cho lý trí bị mù quáng và ý chí bị lệch lạc (x. ĐT. 47; tr. 96), bởi vì chỉ thích tìm sở thích và thoả mãn các giác quan (x. ĐT. 51; tr. 104). Chặng khởi đầu là chặng thanh lọc, loại trừ các nết xấu. Tuy nhiên để linh hồn có thể rút chân ra khỏi mặt đất mà tiến lên cao cần phải có tình yêu thu hút, vì con người luôn bị tình yêu hấp dẫn (x. ĐT. 26; tr. 50; ĐT. 51; tr. 103; ĐT. 93; tr. 196). Bởi vậy muốn có sức mạnh để linh hồn rút chân lên khỏi mặt đất và lột bỏ đi mọi quyến luyến, linh hồn cần phải được thu hút bởi tình yêu của Đức Kitô. Linh hồn nhìn ngắm đôi bàn chân của Đức Kitô chịu đóng đinh và bắt đầu hiểu chút gì đó về tình yêu. Thật vậy, khi nhìn ngắm tình yêu của Ngài, chúng ta mới sẵn sàng đóng đinh các tật xấu của chúng ta, sẵn sàng chịu đựng cực khổ vì yêu mến Ngài. Nhưng ở giai đoạn này, tình yêu còn nhiều bất toàn mà Catarina gọi là tình yêu của người làm thuê.
2. Tình yêu của người làm thuê
Bậc thứ nhất tượng trưng cho tình yêu bất toàn, tình yêu của người làm thuê, đó là tình yêu của người làm việc vì lợi nhuận riêng tư của mình : yêu vì sợ bị án phạt (x. ĐT. 59; tr. 115-116) yêu vì đồng lương, vì phần thưởng hơn là chính người yêu (x. ĐT. 60; tr. 118). Linh hồn mong đợi Chúa sẽ ban thưởng điều gì ích lợi bù lại những hy sinh từ bỏ để phụng sự Chúa. Trên thực tế, để nâng đỡ những yếu ớt của người mới bắt đầu, Chúa hay ban cho họ những an ủi, vui sướng. Linh hồn cảm thấy khi được tha tội, tâm hồn an bình, xúc động khi đọc kinh cầu nguyện, sốt sắng khi thực thi việc lành. Linh hồn sẽ có thể bị trì trệ trong tình trạng “làm thuê” với những dấu hiệu sau :
- Bất nhẫn khi gặp gian nan thử thách;
- Thoái chí trong việc chiến đấu chống lại những chước cám dỗ;
- Bê trễ trong việc cầu nguyện khi không còn cảm thấy an ủi, sốt sắng;
- Bỏ làm việc bác ái khi bị bội bạc.
Khi ấy linh hồn có thể lùi lại và rớt xuống dòng sông, hoặc khi họ gặp thịnh vượng về mặt vật chất thì bị thu hút chạy theo thế gian, hoặc khi đương đầu với những nghịch cảnh khiến họ ngã lòng.
3. Từ người làm thuê đến gia nhân trung thành
Linh hồn cần phải được thanh luyện luôn mãi để tiến từ người làm thuê đến gia nhân trung thành. Linh hồn cần thanh lọc tình yêu bằng cách :
- Ý thức sự bất toàn của mình : khám phá ra căn nguyên của tính “yêu mình” và huỷ diệt mọi quyến luyến giác quan;
- Thay thế tình yêu “nô lệ” (sợ hình phạt) bằng tình yêu muốn vun trồng nhân đức.
Không chỉ riêng linh hồn là chủ động của sự thanh luyện mà chính Chúa cũng thanh luyện linh hồn, giúp nó vượt qua tình trạng ấu trĩ để trưởng thành dần dần : Ngài để cho linh hồn cảm thấy sự khô khan giác quan. Trong khô khan đó linh hồn tiến tới các nhân đức cứng cát hơn và còn đi sâu hơn nữa trong sự “biết mình”.
Vượt từ bậc thứ nhất sang bậc thứ hai là thời kỳc vất vả cực nhọc nhất, giây phút khổ chế nhiều nhất trong hành trình leo lên Cây Cầu.
B. BẬC THỨ HAI : CẠNH SƯỜN CỦA ĐỨC KITÔ
Nếu quy chiếu về các quan năng của linh hồn thì bậc thứ hai của Cây Cầu tương ứng với giai đoạn soi sáng tâm trí.
Linh hồn lên tới bậc thứ hai thì không còn sợ hãi nữa và quên đi chính mình. Nó không còn sợ hãi bởi vì tình yêu đã chiếm đoạt lấy nó hoàn toàn. Sợ hãi là dấu hiệu của tình yêu tôi tớ, nhưng giờ đây nó đã tiến tới tình yêu hoàn hảo, tình yêu bạn hữu, nó biết tất cả những bí mật của người bạn mình (x. ĐT. 75; tr. 150).
Những phương tiện nào giúp linh hồn tiếp tục leo lên Cầu ?
1. Yêu mến các nhân đức
Trong giai đoạn đầu, linh hồn luyện tập các nhân đức như linh dược để khử trừ các nết xấu. Trong giai đoạn này, linh hồn hiểu biết nhiều hơn, nhận được ánh sáng nhiều hơn và yêu mến các nhân đức. Các nhân đức được đắc thủ là nhờ sự biểu biết giá trị của chúng dựa trên đạo lý của Đức Kitô : chính từ công nghiệp và ân sủng của máu Đức Kitô đổ ra mà các nhân đức nhận được sức mạnh cứu độ. Trong sách Đối Thoại, cầu nguyện và thực hành các nhân đức cũng là phương thế quan trọng để đạt được nhân đức.
- Cầu nguyện. Trong cầu nguyện linh hồn chúng ta hiểu biết và cảm thấy yêu mến các nhân đức nhờ sự chiêm ngắm những điều tốt lành của Chúa, mẫu gương của Chúa, kể cả những gương lành của các thánh. Cầu nguyện là mẹ của các nhân đức và là phương cách hữu hiệu để đưa chúng ta bước qua từ bậc thứ nhất sang bậc thứ hai khi : 1/ chúng ta cầu nguyện cách khiêm tốn, liên lỉ và trung thành, ở trong "căn phòng nhỏ" của sự nhận biết bản thân chúng ta và Thiên Chúa; 2/ "mở con mắt trí tuệ với ánh sáng của đức tin và tình cảm" và chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình trong Ngôi Lời Nhập thể (x. ĐT. 66; tr. 129).
- Thực tập các nhân đức. Hiểu và cảm nhận các nhân đức mà thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải sống và thể hiện các nhân đức khi tiếp xúc với tha nhân. Các nhân đức được cưu mang trong cầu nguyện và được sinh ra trong tha nhân. Tha nhân thật là chỗ để thử nghiệm các nhân đức . Ai chẳng mơ ước trở nên tốt lành và nhẫn nại; nhưng đến khi gặp một kẻ nào đó cản mũi kỳ đà thì chúng ta đành để cho những ý muốn tốt đẹp tan biến mất. Nhờ tiếp xúc với người khác, chúng ta mới biết được các nhân đức vốn từng mơ ước có đủ sức thực hiện đến mức nào.
Tất cả các nhân đức cần dựa trên đức ái. Chúng ta không tìm các nhân đức duy chỉ vì chúng, nhưng là vì muốn làm đẹp lòng Chúa, muốn phụng sự Ngài. Từ nhận biết vẻ đẹp của các nhân đức mà linh hồn nhận thức được lòng nhân lành của Chúa. Dần dần tình yêu bước từ tình trạng tôi trung đến tình trạng bạn hữu (x. ĐT. 60; tr. 119).
2. Từ tôi trung đến bạn hữu
Để hiểu được ý nghĩa của sự tiến triển này, cần nói qua những an ủi và thử thách trong bậc thứ hai.
a) An ủi
Trong khi luyện tập nhân đức, linh hồn tìm được những an ủi nội tâm như : sốt sắng khi cầu nguyện, lòng nhiệt thành khi phục vụ bác ái, an bình khi sống trong ơn nghĩa Chúa (x. ĐT. 61; tr. 119-120). Từ đó linh hồn tăng thêm lòng khao khát Chúa và cứu rỗi các linh hồn (x. ĐT. 54; tr. 109), khao khát lãnh bí tích (x. ĐT. 66; tr. 129tt), khóc vì cảm động trước tình yêu của Chúa và cảm thông với tha nhân (x. ĐT. 89; tr. 185).
Tuy nhiên linh hồn có thể gặp nguy cơ là dễ đồng hoá nhưng an ủi đó với chính Chúa, quyến luyến chúng và tưởng lầm là được gần Chúa hơn, đôi khi tìm an ủi qua việc cầu nguyện hơn là phục vụ tha nhân. Một số linh hồn đã muốn dừng lại ở đây hoặc thụt lùi xuống bậc dưới. Nhưng Chúa đích thân can thiệp giúp linh hồn thức tỉnh nguy cơ này và lôi nó lên cao hơn. Đó là sự thanh lọc của giai đoạn này.
b) Sự thanh luyện
- Sự thanh luyện xảy đến bằng nhiều hình thức : xem ra bị Chúa bỏ rơi, trống rỗng nội tâm, tối tăm trong tâm hồn, khô khan về tâm tình (ĐT. 144; tr. 374-376). Hình thức thanh luyện thì thiên hình vạn trạng : 1/ Thiên Chúa trút hết sự an ủi thiêng liêng khiến cho linh hồn cảm thấy rỗng tuếch, không còn hứng khởi, xem ra Chúa quá xa xôi; 2/ Linh hồn cảm thấy việc mình làm trở nên xấu xa, tội lỗi, mất hết các nhân đức; 3/ Ngoài những tâm tình khô khan đen tối ấy, đôi khi Thiên Chúa còn để cho ma quỷ đến hành hạ với những cơn cám dỗ.
- Lý do tại sao linh hồn phải chịu thanh luyện ? Chúa để cho những thanh luyện này xảy tới (x. ĐT. 60; tr. 116; ĐT. 64; tr. 127; ĐT. 70; tr. 142tt) để : 1/ Giúp chúng ta ý thức hơn về sự bất lực của mình : chúng ta thực sự mỏng dòn yếu đuối, không có sức lực để chiến đấu nếu không có ơn Chúa; 2/ Tiêu diệt nơi ta sự quyến luyến cảm giác, nhờ vậy nâng cao tình yêu chúng ta lên bậc thiêng liêng vô vị lợi; 3/ Thử thách và thanh luyện linh hồn, giúp nó vững tin vào Chúa Quan phòng hơn : Ngài để cho ta thử thách vì muốn ta nên trọn lành. Sau cơn thanh luyện Ngài lại xuất hiện với ánh sáng chói loà để hiểu biết sâu xa về Đấng Chân lý.
- Khi chịu thanh luyện chúng ta cần phải có thái độ nào ? 1/ Chúng ta phải thâm tín rằng thanh luyện xảy đến là do tình thương của Chúa. Ngài không muốn để chúng ta mất ơn nghĩa với Ngài và không muốn để ma quỷ tấn công ta quá sức chịu đựng (x. ĐT. 144; tr. 373-374); 2/ Sự thanh luyện là cơ hội để chúng ta bảy tỏ lòng gắn bó với Thiên Chúa : chúng xảy đến bất thình lình và không kéo dài bao lâu (x. ĐT. 144; tr. 373-374), do đó chúng ta không nên bị hoang mang lung lạc; 3/ Bền chí làm các việc bổn phận cho dù thấy vô vị và nhàm chán. Nhất là bền chí trong việc cầu nguyện, vì đó là khí cụ để chống trả chước cám dỗ và để bày tỏ lòng ta gắn bó với Chúa chứ không phải vì sự ngon ngọt (x. ĐT. 144; tr. 373-374); 4/ Hy vọng và chờ đợi Chúa, cần phải tỉnh thức, trí tuệ phải mở to để đón nhận ánh sáng đức tin (x. ĐT. 63; tr. 125).
3. Tình yêu bạn hữu
Khi vào cấp thứ hai này, linh hồn được đưa đến cạnh sườn Chúa Kitô và Ngài sẽ tỏ lộ tâm tình với nó như một người bạn. Tình yêu bạn hữu là tình yêu vô vị lợi, không tìm thú vui ích lợi cho bản thân nhưng chỉ tìm điều tốt cho bạn mình. Nhất là tình yêu ấy mang lại sự hoà hợp tư tưởng tâm tình giữa hai người : “Người ta chỉ tỏ ra những bí mật cho bạn hữu mình bạn mà thôi, và nên một với bạn mình” (ĐT. 60; tr. 118).
- Trổ sinh hoa trái thiêng liêng
Tình bạn hữu sẽ đem lại những kết quả sau :
- Linh hồn yêu mến các nhân đức và các điều thiện chỉ vì lòng mến Chúa (x. ĐT. 63; tr. 123).
- Linh hồn được Chúa tỏ hiện chân lý (x. ĐT. 61; tr. 119-120)
- Linh hồn biết rõ mình hơn, cảnh giác sửa chữa những tư tưởng hành vi dựa trên đức ái; linh hồn tiến tới cấp cầu nguyện liên tục (x. ĐT. 63; tr. 125).
- Linh hồn để trào đức ái tình yêu đối với tha nhân : tình yêu đối với Chúa càng hoàn hảo bao nhiêu thì tình yêu đối với tha nhân cũng trọn vẹn bấy nhiêu. Tình yêu đối với tha nhân trở nên vô vị lợi. Nguồn tình yêu được múc nguồn từ tình yêu Chúa (x. ĐT. 64; tr. 126).
- Ngoài ơn cầu nguyện liên tục, linh hồn cũng nhận được ơn nước mắt của bậc trọn hảo, nước mắt đem lại sự dịu ngọt bởi vì xuất phát tự tình yêu (x. ĐT. 88; tr. 182).
b) Thổ lộ tâm tình từ cạnh sườn
Khi linh hồn đi vào cạnh sườn mở toang của Đức Kitô, nó nhìn thấy bí mật của trái tim. Ý tưởng này dựa trên Tin mừng của Gioan 15, 15 : “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, bởi vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Khi linh hồn được kề bên cạnh sườn thương tích của Chúa Giêsu, Ngài sẽ tỏ lộ tất cả những gì ở trên núi của cuộc khổ nạn : trước tiên là tình yêu của Chúa dành cho chúng ta biểu hiện qua việc chọc thủng và mở toang của con tim (x. ĐT. 26; tr. 49), tình yêu trao hiến và hy sinh đã gây cho Ngài đau đớn (x. ĐT. 75; tr. 150); tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu chuộc toàn thể thế giới; Chúa Thánh Thần là tác nhân khiến cho tình yêu ấy thành hiện thực.
Cũng từ cạnh sườn của Chúa[1] mà chúng ta khám phá ra tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Chúng ta đã được đưa vào kết hiệp với Ngài, từ đó nảy sinh ước muốn được biến đổi trở nên giống như Ngài, trở nên một với Ngài như hai người bạn chí thân mà chỉ có một tâm hồn, sống thân mật với Ngài và nồng cháy trong tình yêu (x. ĐT. 60; tr. 119).
C. BẬC THỨ BA : MIỆNG CỦA ĐỨC KITÔ KHỔ NẠN
Khi linh hồn thấm nhập vào bí mật con tim của Đức Kitô, nó cảm thấy không còn phải nỗ lực vất vả nữa, trái lại nó tìm thấy sự thanh thản. Đây là bậc của tình yêu hoàn hảo nhất, tình yêu con cái. Linh hồn được tham dự vào tình yêu của chính Con Một Cha hằng hữu. Những ai ở trong tình trạng này thì nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, như mở đầu cuộc Đối Thoại, Ngôi Lời đã nói với Catarina : “Họ là một Ta khác” (ĐT. 1; tr. 2).
Có rất ít người lên tới bậc thứ ba là bậc trọn lành nhất (x. ĐT. 57; tr. 113-114), Catarina trình bày bậc này bằng hình ảnh cái miệng Chúa Kitô trong chương 76 của sách Đối Thoại :
"Tất cả những gì Cha đã nói với con […] bây giờ Cha lặp lại cho con nghe để con hiểu được vẻ đẹp của một linh hồn đã leo lên bậc thứ hai này, là nơi nó được ơn hiểu biết và được thiêu đốt bởi một tình yêu nồng nhiệt, để linh hồn lên thẳng bậc thứ ba, nghĩa là lên tới miệng; ở đấy nó biết nó đã tới bậc trọn lành. Nó đi tới bằng con đường nào ? Linh hồn qua trái tim, nghĩa là nhớ lại nó đã được thanh tẩy lần nữa bằng máu. Tại đây nó giũ bỏ sự yêu mến bất toàn, nhờ sự hiểu biết rút ra từ tình yêu thân ái này" (ĐT. 76; tr. 153).
Sự phân biệt giữa bậc thứ hai và bậc thứ ba trên thực tế không rõ lắm : vài đặc điểm của giai đoạn trước đã phản ánh khởi điểm của giai đoạn này và sự tiến triển từ bậc này sang bậc kia có tính cách liên tục chứ không phải nhảy vọt. Nhưng về mặt lý thuyết, Catarina cho thấy các nét đặc trưng của bậc thứ ba như sau :
- Từ tình yêu bạn hữu đến tình yêu con cái;
- Từ cạnh sườn tới miệng của Chúa;
- Thi hành chức năng của miệng.
1. Tình bằng hữu và tình con cái
Khi linh hồn đạt tới tình bằng hữu là sự hoà hợp tâm tình giữa hai người và hai người đã trở nên một, linh hồn còn chờ đợi gì hơn nữa ? Tình con cái có phải là tình trạng kết hợp cao hơn không ? Thực khó nói hai mối tình này khác nhau thế nào, tuy nhiên Catarina muốn phân biệt hai thứ tình yêu bạn hữu và con cái như để nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiến hơn nữa. Về mặt lý thuyết hai tương quan này có những khác nhau :
- Tình con thảo phân biệt với tình bằng hữu
Sự khác biệt chính yếu hệ tại mối liên hệ với phần thưởng mai hậu :
- Tình bạn chỉ thổ lộ tầm tình bí mật, còn tình con cái thì nắm chắc phần thừa kế (x. ĐT. 63; tr. 123);
- Tình bạn có thể thay đổi được vì dựa trên tâm tình, còn tình con cái thì chắc chắn, không thể nào mất được (x. ĐT. 78; tr. 159-160);
- Có thể nói tình con cái phần nào đưa linh hồn lên tới cửa thiên đàng rồi; họ nếm được gia tài mai hậu và hiện diện thường xuyên với Chúa Ba Ngôi (x. ĐT. 78; tr. 162)
- Tình con thảo hoàn hảo hơn tình bạn hữu
Tình con thảo hoàn hảo hơn bởi vì :
- Tình con cái không dựa trên tình cảm nhưng là sự hoà hớp với ý muốn của Thiên Chúa. Nó có thể được ví như thanh củi thảy vào lò lửa và bị đốt cháy thành lửa. Linh hồn hoàn toàn gắn chặt với Chúa và không bị lung lay (ĐT. 78; tr. 162);
- Tình con cái mở rộng đến hết mọi loài thụ tạo giống như tình thương của Chúa Cha. Linh hồn muốn ôm hết tất cả mọi người. Hơn nữa họ muốn theo gương của Đức Kitô sẵn sàng chịu đựng hết mọi vất vả để cứu độ tha nhân và cũng chịu đựng đau khổ, chịu đóng đinh với Chúa vì những xúc phạm mà tội lỗi của thế gian gây ra cho Ngài (ĐT. 146; tr. 382).
2. Từ cạnh sườn tới miệng
Chính từ cạnh sườn của Chúa mà linh hồn khám phá ra tình yêu vô biên của Chúa và khát khao kết hợp trọn vẹn với Ngài. Do đó Catarina nói rằng ai tiến tới bậc thứ hai thì liền chạy ngay tới bậc thứ ba (x. ĐT. 76; tr. 153). Sự phân biệt ra hai cấp có ý nói rằng đường trọn lành không bao giờ có giới hạn, dù ai đã trọn lành đến đâu thì cũng có thể bị tụt xuống hoặc trở nên trọn lành hơn nữa (x. ĐT. 145; tr. 378). Mặt khác chúng ta không được quên rằng chính Chúa luôn luôn là người chủ động trong tiến trình này. Ngài không những tìm cách giúp ta bền vững trong ơn nghĩa Chúa nhưng còn giúp linh hồn tiến lên qua những cuộc thanh luyện và thúc giục bên trong. Trong cuộc hành trình lên tới bậc thứ ba này, linh hồn cũng chịu thanh luyện và thôi thúc.
a) Thanh luyện
Những cuộc thanh luyện trong giai đoạn này ví như sự cắt tỉa làm cho cây nho được lớn lên (Ga 15, 1-5). Những cuộc thử thách có thể xảy ra ở bên ngoài hay bên trong : 1/ Thử thách bê ngoài : gian nan, nhục nhã, thiếu thốn…chúng giúp tăng trưởng đức nhẫn nại, chịu đựng khổ cực để đền tạ Chúa; 2/ Thử thách bên trong : những cuộc tấn công của xác thịt và ma quỷ. Chúng giúp ta khiêm nhường hơn và thông cảm đối với những người cùng bị thử thách.
b) Thôi thúc làm việc bác ái
Họ khao khát đi làm việc tông đồ, cứu giúp người đồng loại cách vô vị lợi mà còn không ngại đối phó với những nhọc nhằn gian lao. Họ cảm thấy những đau khổ ấy không đáng kể sánh với phần rỗi mà các tội nhân không được lãnh nhận. Chính vì thế họ chấp nhận mọi hy sinh mong cứu rỗi tha nhân như tinh thần hăng say của các Tông đồ sau khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần (ĐT. 74; tr. 147-148).
c) Những dấu hiệu của sự tiến triển
Những dấu hiệu của sự tiến triển có thể tóm tắt như sau (ĐT. 76-77)
- Ý chí giác quan đã bị tiêu diệt;
- Lòng “yêu mình” đã bị bật rễ;
- Không còn nao núng trước các gian truân;
- Hưởng an bình dù bị thử thách;
- Hoà hợp ý chí với ý muốn của Chúa.
Kết quả chính là linh hồn được áp vào miệng Chúa và hưởng được cái hôn bình an.
3. Thi hành chức năng của miệng
Catarina dùng hình ảnh cái miệng và chức năng của miệng để chỉ đến bậc thứ ba là đỉnh cao trên đường trọn lành. Miệng có hai chức năng : nói và ăn.
"Nó chiêm ngắm, hưởng nếm và cảm nghiệm lửa đức ái của Cha. Một khi đã lên tới miệng, nó làm công việc của miệng. Miệng phát ra tiếng nói bằng lưỡi, bằng vị giác. Miệng nếm các thức ăn để chuyển xuống bao tử. Với bộ răng, miệng nghiền nát các thức ăn để có thể nuốt vào bụng" (ĐT. 76; tr. 153).
Xem ra Catarina vận dụng hai chức năng này hơi quá dung tục và vật chất. Nhưng chúng ta có thể đọc ra ý nghĩa của nó ở trên bình diện cao hơn. Khi ấy chúng ta phải ăn gì ? Chúng ta phải ăn các linh hồn, vì ơn cứu rỗi của họ, chúng ta phải biết đói khát. Chức năng thứ nhất của linh hồn là nói với Chúa bằng lưỡi của sự ao ước thánh thiện, nghĩa là bằng cái lưỡi cầu nguyện thánh thiện và chuyên chăm. Catarina tiếp tục phân tích tác động phát âm của lưỡi :
Lưỡi phát âm ra bên ngoài và trong tâm trí : trong tâm trí, nó tâm sự với Cha, khi dâng lên Cha những ước nguyện tâm tình trìu mến cho ơn cứu độ của các linh hồn; và nói ra bên ngoài, khi nó loan báo giáo lý của Đấng Chân lý Cha, khi cảnh cáo, khi khuyên răn, khi tuyên xưng đức tin mà không sợ bắt bớ hay đau khổ mà thế gian có thể gây ra cho nó. Một cách hăng say nó mang danh thánh Cha trước mặt mọi tạo vật theo nhiều cách khác nhau tuỳ bậc sống của nó cho phép" (ĐT. 76; tr. 153).
Với chức năng thứ nhất, linh hồn nói với Chúa về anh em mình trong cầu nguyện, và nói về Chúa cho con người bằng lời và đời sống nhân chứng. Khẩu hiệu "nói với Chúa và nói về Chúa" được các nhà viết tiểu sử ngày xưa coi đó là phương châm sống của Thánh Đa Minh. Khi chúng ta đến tới bậc đức ái hoàn hảo, linh hồn cảm thấy một nhu cầu làm việc tông đồ. Miệng lưỡi đảm nhận chức năng của Ngôi Lời : nói với Chúa về anh em và nói với anh em về Chúa.
Chức năng thứ hai của miệng là ăn. Catarina đã khai thác động tác ăn đến cùng. Ai ăn người đó phải nghiền nát thức ăn bằng răng. Để ăn các linh hồn trên bàn tiệc thánh giá, linh hồn cũng cần đến hai hàm răng : chê ghét và yêu mến. Chúng ta phải truyền thông chân lý cho các linh hồn biết ghét tội lỗi và yêu mến điều tốt. Để làm được điều đó chúng ta cần phải sẵn sàng chịu đựng tất cả những lăng nhục và khiếm nhã. Linh hồn ăn dùng lương thực này trên bàn tiệc thánh giá bởi vì Đức Kitô đã làm như vậy.
Những ai ăn các linh hồn bằng cách này sẽ hưởng nếm được hoa trái của Thánh Thần. Chính với miệng đầy lòng khao khát thánh thiện mà linh hồn lên tới bậc thứ ba, nhận lãnh và hưởng nếm thức ăn của các linh hồn cần được cứu độ. Vì tình yêu, linh hồn nuốt lấy vị đắng bởi những xúc phạm làm cho nó tổn thương và những khiếm khuyết và cực nhọc thể lý. Nhưng chính khi đón nhận những hy sinh này, linh hồn sẽ lớn lên :
"Khi ấy linh hồn béo mập ra nhờ những nhân đức chân thật và vững mạnh. Nó phát phì đến mức làm tan nát hết cái áo của dục vọng, nghĩa là của những thèm muốn giác cảm. Cái gì mà tan nát thì cũng chết. Vì thế cái ý muốn cảm giác cũng chết. Đó là tại vì ý chí của linh hồn nào sống theo ý Cha thì cũng được khoác lấy ý muốn của Cha, cho nên ý muốn cảm giác phải chết" (ĐT. 76; tr. 154)
Vì thế khi lên tới bậc trọn lành, chúng ta cảm thấy một sức thúc đẩy mãnh liệt muốn hoạt động tông đồ, và hoạt động tông đồ cũng làm cho chúng ta trở nên trọn lành.
D. BẬC THỨ TƯ
Tương quan giữa đời sống trọn lành và hoạt động tông đồ được Catarina nhấn mạnh qua việc mô tả bậc thứ tư, nó là dấu hiệu xác nhận linh hồn đã leo lên đến bậc thứ ba. Khi tình yêu đã trở nên hoàn hảo trong bậc thứ ba thì có một sức năng động mới : tình yêu trở thành tình yêu trao ban, là giây phút chiếu toả ánh sáng. Đó là "contemplata aliis tradere" (trao cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm). Đó là lúc linh hồn ở trong bậc thứ tư.
Bậc thứ ba và bậc thứ tư, dù phân biệt nhau giống như hai giới răn của Chúa, nhưng chúng chỉ là một không thể tách rời; chúng không tạo nên một bậc mới. Linh hồn sẽ nhận được rất nhiều hoa trái trong bậc này.
1. Những dấu hiệu
a) Bình an. Đó là sự an bình trong hoạt động phục vụ tha nhân mà không còn lo lắng :
"Những kẻ đạt tới bậc này sẽ sản sinh ra những nhân đức mà không cảm thấy đau đớn gì. Không phải họ không còn đau khổ, nhưng ý muốn cảm giác chết, cho nên họ vui lòng chịu đau khổ vì danh thánh Cha" (ĐT. 76; tr. 154).
Sự bình an hay yên tĩnh phối hiệp với hoạt động mà không đối nghịch nhau. Bởi vì :
"Họ không phục vụ vì sở thích nhưng theo ý muốn và cách thức của Cha, và họ coi mọi hoàn cảnh đều như nhau, dẫu là an bình hay gian nan, thuận lợi hay bất lợi … bởi vì trong mọi sự, họ luôn nhìn vào thánh ý Cha, họ không lo nghĩ gì khác ngoài việc làm theo thánh ý Cha ở mọi nơi và mọi lúc" (ĐT. 77; tr. 156).
Linh hồn tiến tới sự hoàn hảo biết rõ rằng tất cả mọi sự xảy ra đều không ở ngoài thánh ý Chúa và tất cả sẽ trở nên tốt cho họ.
b) Nhẫn nại, mạnh bạo và kiên tâm bền chí
Đức ái là kết quả của ba nhân đức : nhẫn nại, mạnh bạo và kiên tâm bền chí trong ánh sáng của đức tin (x. ĐT. 77; tr. 155)
- Nhẫn nại. Đó là dấu hiệu minh chứng cho đức ái chân thật. Linh hồn bày tỏ tình yêu mến cả những lúc chịu gian nan thử thách (x. ĐT. 77; tr. 155).
- Can đảm, mạnh bạo giống như các Tông đồ trong ngày Hiện xuống : can đảm rao giảng sự thật và làm việc lành mà không sợ khổ hình. Họ thông phần vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, cho nên không thoái lui trước đe doạ và siêu lòng trước dụ dỗ (x. ĐT. 74; tr. 147-148; ĐT. 77; tr. 155).
- Kiên trì là một như nhân đức đi kèm hai nhân đức trên để thực hiện cuộc chiến đấu cho đến cùng. Họ vui mừng bám lấy chiến địa, nơi họ được đầy tràn và say sưa Máu Thánh Chúa Kitô chịu đóng đinh, để làm tăng thêm can đảm cho những ai muốn trở thành những chiến sĩ đích thực. Họ chiến đấu cho đến khi lãnh triều thiên chiến thắng (x. ĐT. 77; tr. 157).
2. Những hoa trái
a) Cảm nhận được sự hiện diện thường xuyên của Chúa
Một đặc tính khác của trạng thái thứ tư là ý nghĩa của sự hiện diện thanh thản và bền bỉ của Thiên Chúa trong tâm hồn. Người rất trọn lành được ơn cảm thấy không bao giờ bị Chúa lìa xa họ; bởi vì họ đã hoàn toàn chết đi đối với ý riêng mình, nên Chúa không làm như thế. Ngài tiếp tục an nghỉ trong họ bằng ân sủng, bằng tình cảm có trong linh hồn họ (x. ĐT. 78; tr. 160). Người "tiếp tục" ở trong họ được hiểu là sự hiện diện không vồn vã, ồn ào[2]. Họ có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Người và chuyện trò với Người bất cứ khi nào họ muốn.
b) Dự bàn tiệc Ba Ngôi
Linh hồn đã trải qua cuộc hành trình : ở bậc thứ nhất họ đã phủi chân khỏi tình cảm buông theo nết xấu. Ở bậc thứ hai họ nếm được điều bí mật và tình cảm của trái tim cho đến khi họ cảm nhận được tình yêu mến các nhân đức. Ở bậc thứ ba là bậc của bình an và yên tĩnh tâm thần, họ cảm thấy nhân đức trong mình và vươn lên khỏi sự yêu mến bất toàn, họ đạt tới sự trọn lành toàn vẹn. Bây giờ tình trạng của linh hồn thật huy hoàng. Ho ngồi vào bàn ăn :
"Để bồi dưỡng các con và mang lại niềm vui cho bước đường trên dương thế, Chúa Thánh Thần dọn cho các con được hưởng các hồng ân và ân sủng của Cha. Ngài như người giúp bàn dịu dàng đi lui đi tới, thâu lượm những ước nguyện nồng nàn của con cái Cha [Y] rồi Ngài mang lại cho họ phần thưởng [Y]. Vậy con thấy Cha là bàn tiệc, Con Cha là thức ăn, người giúp bàn là Chúa Thánh Thần, Đấng bởi Cha và Con mà ra" (ĐT. 78; tr. 161).
c) Hưởng niềm vui chiến thắng
Linh hồn lên tới bậc này thì hưởng được niềm vui chiến thắng : Họ càng khinh chê thú vui và mong muốn đau khổ bao nhiêu thì họ càng mất đau khổ và hưởng niềm vui sướng bấy nhiêu. Tại sao ? Bởi vì họ được thiêu đốt trong đức ái của Chúa, nơi đó ý muốn của họ đã bị thiêu huỷ. Bởi thế ma quỷ sợ chiếc gậy đức ái của người trọn lành. Ma quỷ có thể xông vào thân xác của các tôi tớ Chúa và làm cho họ đau khổ, nhưng nó không thể làm xây xước niềm bình an và cũng không làm lu mờ niềm vui sâu thẳm trong linh hồn họ (x. ĐT. 78; tr. 161).
d) Vừa hạnh phúc vừa đau khổ
Họ kết hiệp mật thiết với Đức Kitô trong tình yêu và thông phần vào chính tâm tình của Ngài :
"Họ đau khổ vì phải vác thập giá thể lý và tinh thần : nghĩa là những ưu phiền về phần xác theo mức Cha cho phép; và thập giá của niềm ao ước gây đau khổ nội tâm cho họ khi thấy Cha bị xúc phạm và vì những nguy hại của tha nhân. Nhưng Cha cũng nói : họ diễm phúc vì niềm vui của đức ái không thể cất đi khỏi họ, chính vì niềm vui này làm cho họ huôn hoan hỷ và diễm phúc. Vì thế không gọi đau khổ này là "sầu não" (dolore afflittivo) làm khô héo tâm hồn, mà trái lại, là đau khổ “tăng trưởng” (dolore ingrassativo) làm cho linh hồn trở nên tươi tốt trong tâm tình của đức ái, vì lẽ những cực nhọc giúp cho nhân đức thêm tăng trưởng, nên vững mạnh và chịu thử thách (ĐT. 78; tr. 162).
e) Vui hưởng sự khác biệt của nhau
Anh sáng này không chỉ giúp cho thánh nhân không còn bị vấp phạm vì những khuyết điểm của người khác, mà còn biết nhìn nhận bàn tay nhân lành của Thiên Chúa tác động nơi hết mọi người, mọi vật. (x. ĐT. 100; tr. 219-220).
Suy tư về những đa dạng của các tôi tớ Chúa và vui hưởng sự phong phú đó chính là đặc tính Catarina. Thánh nữ đã có cái nhìn sâu rộng khi thấy những người khác trong ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng đầy sự sáng tạo vô biên của Ngài. Catarina biết rằng không có hai linh hồn ngang bằng và giống như nhau. Thật là hiển nhiên Thiên Chúa không thích sự đơn điệu! Trí tuệ được soi sáng thấy những cách cư xử khác nhau của những người lành thánh, cách thánh hoá bản thân khác nhau, cách nhìn ngắm và suy tư về mầu nhiệm của Ngài cũng khác nhau, tuy không làm suy suyển các mầu nhiệm ấy, nhưng mỗi người có những phản ứng, cảm nhận khác nhau. Thiên Chúa dẫn đưa thụ tạo của Ngài bằng những nẻo đường khác nhau. Bởi vì những đa dạng ấy biểu lộ lòng nhân lành của Thiên Chúa, cho nên chiêm ngắm là hít thở hương thơm "hoa hồng rất trinh khiết của ý muốn vĩnh cửu của Thiên Chúa" (T. 362) đã in dấu trong tất cả mọi loài thụ tạo[3].
3. Những ơn đặc sủng
Đối với những linh hồn đã tiến tới sự kết hợp hoàn hảo, Chúa ban cho họ những hoa trái giống như những đặc sủng. Những ân huệ này không thuộc về bản chất của sự kết hợp cho nên không phải lúc nào cũng xảy ra :
- Ơn soi sáng và hiểu biết
Linh hồn được Chúa soi sáng và hiểu biết chân lý sâu rộng “xứng với thần thánh trên trời” (ĐT. 89; tr. 187); Con mắt trí tuệ nhận được ánh sáng tự nhiên, thiên phú và siêu nhiên : ơn đắc thủ những kiến thức khoa học để nhận biết Chân lý, giải thích Sách Thánh, nói tiên tri loan báo tương lai Y Sự soi sáng làm thoả mãn nhu cầu hiểu biết nhưng không bao giờ linh hồn được toại nguyện, do đó họ không ngừng khao khát đi vào sự hiểu biết sâu hơn nữa như các phúc nhân cũng có niềm khao khát này. Nhưng ở cõi trần, ánh sáng này đã phát sinh hoa trái kỳ diệu trong Hội Thánh Chúa Kitô như các tác giả Tin mừng, thánh tiến sĩ, các vị hiển tu, trinh nữ, tử đạo (x. ĐT. 85; tr. 174-177)
- Ơn được in thương tích của Chúa Kitô
Linh hồn được hưởng ơn này là hiệu quả của sự thông phần yêu mến vào thập giá của Chúa (x. ĐT. 78; tr. 162);
- Ơn xuất thần
Ngất trí xuất thần là do linh hồn bị thu hút vào việc kết hợp với Chúa, khiến cho đôi khi thân xác được nhấc bổng lên (x. ĐT. 79; tr 164).
- Ơn say sưa thiêng liêng
Linh hồn mê man vì Chúa đến nỗi không còn cảm thức về những gì khác ngoài Chúa (x. ĐT. 79; tr. 164).
- Ơn nước mắt kết hiệp hay nước mắt lửa
Linh hồn cảm nếm được sự dịu ngọt với Chúa và thông cảm với những tội nhân vì phải chịu luận phạt (x. ĐT. 89; tr. 185). Họ ao ước thánh thiện và được biến tan thành nước mắt, tiêu hao vì yêu mến. Chính Chúa đã đốt lên ngọn lửa đức ái ở trong họ và Chúa Thánh Thần khóc than trong lòng họ (x. ĐT. 91; tr. 192).
[1] Trong các Tâm thư của Catarina, cạnh sườn của Chúa còn được mô tả bằng những hình ảnh khác như : 1/”máng xối” nhờ đó chúng ta lãnh nhận Máu của ân sủng và tất cả nhân tính của Đức Kitô (T. 127); 2/ “cửa sổ”, nhờ đó chúng ta có thể thấy được lòng yêu thương của Chúa (T. 318); 3/ “hang đá”, nơi chúng ta có thể tìm nơi ẩn náu khỏi các quân thù và là nơi nghỉ ngơi an dưỡng (T. 47; T. 308)
[2] Xem Ermano Rossi, La spiritualità…, tr. 56
[3] Xem Giuliana Cavalini, San Domenico …, tr. 70