Linh Đạo Thánh CATARINA
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op
HÀNH TRÌNH TÂM LINH
NHẬP ĐỀ : HÌNH ẢNH CÂY CẦU
Đây là hình ảnh trọng tâm của sách Đối Thoại. Hình ảnh này diễn tả rất hữu hiệu ơn cứu độ và toàn thể cuộc hành trình mà con người phải trải qua trên dương thế, để hưởng nhờ mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời cách hoàn hảo. Cây Cầu có đó để cứu những người đang bị chìm đắm và những người đang tiến tới ơn cứu độ trọn vẹn trong Đức Kitô. Leo lên Cây Cầu là cuộc hành trình của cả đời sống Kitô hữu.
Trước khi trình bày đạo lý chính yếu của Cây Cầu, thiết tưởng chúng ta phải thừa nhận rằng Giáo lý về Đức Kitô Cây Cầu không làm nên một khảo luận chặt chẽ, theo nghĩa là các ý tưởng tiến triển theo một luận lý chắc chắn và có hệ thống. Thật là vô ích nếu ngay từ giây phút đầu ta bỏ công tìm kiếm trong Đối Thoại một cấu trúc thống nhất, một trật tự sắp xếp các đề tài hợp lý. Đối Thoại sẽ để lộ ra sự lủng củng, thiếu trật tự và rời rạc, bởi vì đây là cuộc đối thoại bí nhiệm giữa vị Thầy Chân lý với một nữ môn sinh khiêm tốn. Khi bay lượn trong bầu trời của đời sống thiêng liêng, tất cả những rào cản, vách ngăn và biên giới đều được vượt qua. Tiếng của Thiên Chúa và tiếng của thụ tạo làm nên một không gian cho sự uyển chuyển từ đề tài này sang đề tài khác, vượt quá những khoảng cách, thấm nhập vào sự kín ẩn của chân lý cháy bỏng, rồi vọng ngân trên những đỉnh núi mà sức phàm nhân khó có thể dò thấu.
Đạo lý về Cây Cầu được Catarina phác họa trong là thư 272 và chiếm phần chính trong sách Đối Thoại, từ chương 26 đến chương 86, như cái sườn của đạo lý và được bổ túc với các chương khác suốt quyển sách. Qua hình ảnh Cây Cầu, Catarina trình bày con đường thiêng liêng với những sắc thái rất đặc biệt.
1. Cây cầu chính là Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể
Cần phải nêu bật rằng Cây Cầu là Đức Kitô Khổ nạn chứ không phải là cây thập giá thuần tuý. Nói chính xác hơn, đó là Đức Kitô nằm trên thập giá. Đây là lời của Cha hằng hữu giới thiệu với Catarina :
"Như Cha đã nói với con, Cha đã dùng Ngôi Lời, Con Một Cha để làm một Cây Cầu : đó là chân lý. Cha muốn các con là con cái của Cha biết rằng con đường đã bị cắt đứt do tội lỗi và sự bất tuân phục của Ađam, bởi đó không một ai có thể đạt tới sự sống vĩnh cửu. Con người không mang lại vinh quang cho Cha như đáng lẽ nó phải làm" (ĐT. 21; tr. 41).
Trước Catarina, đã có những tác giả sử dụng hình ảnh Cây Cầu, nhưng Cây Cầu của Catarina thì không giống với các cây cầu khác[1]. Ví dụ : thánh Gregorio Cả cũng nói đến một cây cầu, nhưng đó là cây cầu bình thường mà công trình đã nối kết hai lan can thành cầu với mực thước như nhau. Cây cầu thập giá tượng trưng cho cuộc vượt qua của cuộc đời tới hạnh phúc mai hậu. Nhưng Cây Cầu của Catarina thì khác ở chỗ có con người đi trên cầu và họ bị ma quỷ giăng bẫy, tìm cách lôi chân họ xuống dòng sông.
Có người cũng tìm thấy hình ảnh cây cầu trong bài giảng của thánh Antôn Pađova, nhưng cây cầu đó chẳng qua chỉ là cây thập giá nhưng không có Đức Kitô. Thập giá là dụng cụ và biểu tượng cho ơn cứu rỗi, nghĩa là cây cầu vượt từ cõi chết sang cõi sống như đã thấy trong bài giảng của thánh Ephrem. Cây cầu này có một điểm chung với Cây Cầu của Catarina : dưới gầm cầu là sự chết, dòng sông cuồn cuộn trôi và lôi kéo người ta vào nước của sự chết, và bên trên cầu là con đường dành cho linh hồn tới sự sống. Nhưng hình ảnh Cây Cầu của Catarina luôn luôn có cái gì đó mới mẻ và sáng tạo; Catarina đã gán cho nó một chức năng mới : thật là đáng kính trọng, có một điều luôn thôi thúc Catarina mãnh liệt như vậy, đó chính là tình yêu. Chỉ có một con người mới có thể làm sôi sục tình yêu, vì thế Cây Cầu của Catrina không phải là cây thập giá Đức Kitô mà chính là Đức Kitô : Người là Thiên Chúa đã mang lấy xác thể hữu hình của con người.
Vấn đề được những nhà nghiên cứu quan tâm là Catarina đã múc nguồn từ đâu để có thể đưa ra hình ảnh đặc sắc này ? Chắc chắn Chị không đọc sách nhiều. Hằng ngày Chị đọc Kinh Thần Vụ, học hỏi từ Sách nguyện, và có lẽ Chị đã tham chiếu phần nào hình ảnh này trong Sách Thánh. Có thể Chị cũng múc nguồn từ các bài giảng của các tác giả thời trước, như thánh Augustinô, thánh Tôma hoặc những bài giảng của những nhà giảng thuyết thời bấy giờ. Chúng ta cần phải xác định rằng tầm quan trọng và nét độc sáng của Cây Cầu trong học thuyết của Catarina chính ở điểm này : Cây Cầu chính là một Nhân vật : Nhân vật Đức Kitô với các chi thể còn mang vết sẹo của cuộc Khổ Nạn, và đó cũng là Thân thể vinh quang của Người.
2. Cây Cầu dựng từ đất lên trời
Chiếc cầu dựng thẳng từ đất tới trời chứ không chỉ bắc ngang hai bờ sông. Từ ngày Đức Kitô về trời, Ngài trở về với Cha và Cây Cầu này được bắc từ trái đất, từ thế giới loài người lên tới trời (x. ĐT. 29; tr. 55). Chúa Cha đã làm nên Cây Cầu Đức Kitô để con người sau khi phạm tội, không bị chết đuối trong biển sóng gió, nhưng có thể tiến đến kết hiệp với Người (x. ĐT. 21; tr. 42)
Chiều kích ấy đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn tiến tới trên đường nhân đức; ai không tiến người đó sẽ bị lùi.
3. Cây Cầu có ba bậc
Trong một lá gửi cho thầy Nicolò da Montalcino (T. 74), Catarina không nói về Cây Cầu mà nói về cái thang. Thánh nữ mời gọi thầy hãy chiêm ngưỡng lòng nhân lành của Thiên Chúa đã làm nên cái thang là thân thể của Đức Kitô, để nâng đỡ chúng ta trên con đường đau khổ và dọn cho chúng ta một chỗ nghỉ ngơi. Vì thế Catarina coi việc bước lên ba bậc thang trong thân thể của Đức Giêsu khổ nạn giống như con đường dẫn tới sự nghỉ ngơi bồi dưỡng : khi linh hồn lên tới bậc thang cao nhất là lên tới sự hợp nhất giữa ý muốn của linh hồn với ý muốn của Chúa cách hoàn hảo, và như vậy là tránh được những trái ý, nghịch cảnh và đau khổ. Cũng vậy, trong sách Đối Thoại cuộc hành trình đi lên sự hoàn hảo được suy tư dưới hai hình thức :
1/ Ba bậc của Cây Cầu tượng trưng cho ba quan năng của linh hồn : trí nhớ, trí tuệ và ý chí (hay ý muốn). Ba tài năng này một khi hoạt động theo trật tự đã thiết định là kết hợp trong tình yêu, chúng sẽ quy hướng về Chúa.
2/ Ba bậc cầu tượng trưng cho ba bộ phận trong thân thể Đức Kitô chịu đóng đinh : đôi chân, cạnh sườn và miệng. Đó là ba cấp độ của tình yêu trong sự tiến bước của linh hồn.
I. BA QUAN NĂNG CỦA LINH HỒN HIỆP NHẤT TRONG ĐỨC ÁI
Chúng ta bắt đầu với cuộc hành trình tiến lên của ba tài năng của linh hồn. Linh hồn tiến tới bậc hoàn thiện thì giống như sự hiệp nhất của bà tài năng linh hồn trong đức ái. Đức ái mà chúng ta nói ở đây là đức ái chung, nghĩa là không ai có thể được miễn trừ khỏi tình yêu của Chúa qua ân sủng mà Người ban cho linh hồn ta.
A. TẠI SAO BA QUAN NĂNG ?
Theo thánh Catarina nói trong chương 51 của sách Đối Thoại, linh hồn được tạo dựng do Thiên Chúa và là hình ảnh của Ba Ngôi. Hình ảnh này thể hiện rõ ràng nhất trong ba quan năng của linh hồn : trí nhớ, trí tuệ và ý chí, và chính xác hơn, nó thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa ở trong mối tương quan giữa chúng : mối tương quan ấy giống như mối tương quan giữa con người với nhau.
Thật vạy, Chúa đã giải thích cho Catarina lời hứa của Chúa Giêsu : "Khi có hai ba hoặc nhiều người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18, 20 : ĐT. 54; tr. 108). Điều này có nghĩa rằng : "Khi ba tài năng này của linh hồn phối hiệp với nhau thì Cha ở giữa chúng bằng ân sủng" (ĐT. 54; tr. 109). Chúa Giêsu nói về sự hiện diện của Ngài ở giữa hai hoặc ba người, còn Cha hằng hữu nói với Catarina về sự hiện diện của Người ở giữa ba quan năng của linh hồn (x. ĐT. 55; tr. 111). Cụm từ "hai hoặc ba người" không thể được hiểu theo nghĩa đen thuần tuý bên ngoài, mà nói đến "hai" lệnh truyền yêu thương - yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân - và "ba" tài năng của linh hồn, chúng hiệp nhất lại với nhau trong tình yêu. Nếu chỉ có "một" thì Chúa không ở giữa nó, nhưng nếu là "hai" thì Người sẽ ở giữa họ. Tình yêu luôn đòi hỏi có sự đồng hành và không thể tồn tại một mình, tự nó sẽ phủ nhận chính mình, như lời Catarina đã cầu nguyện như sau :
"Lạy Chúa, Ngài là sự Khôn ngoan cao cả và vĩnh cửu, Ngài đã không để cho linh hồn ở một mình nhưng Ngài đã đồng hành với nó bằng ba quan năng, đó là trí nhớ, trí tuệ và ý chí, và chúng đã liên kết với nhau thật là chặt chẽ, cái này theo sau cái kia" (Cầu nguyện XXII)
Như thế chúng ta có thể nói linh hồn và ba quan năng trở nên một; các quan năng thuộc về linh hồn và được xem như những người bạn đồng hành của nó. Sự kết hợp hài cả ba quan năng phản chiếu hình ảnh của cuộc sống Ba Ngôi.
B. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC QUAN NĂNG
1. Ba tài năng kết hợp với nhau như thế nào ? Trước hết là tình cảm. Tình cảm là một khuynh hướng nằm bên trong bản chất con người. Đó chính là nhu cầu yêu thương, là hệ quả tự nhiên của con người được tạo thành trong tình yêu. Linh hồn không thể sống mà không yêu. Tình cảm tác động lên trí tuệ và nói với nó rằng : 'tôi có nhu cầu yêu, hãy cho tôi cái để yêu'. Lúc ấy trí tuệ nhìn quanh xem có thể trao cho tình cảm cái gì đó để nó yêu. Nếu được soi sáng, nó tìm lại trong trí nhớ những phúc lành của Thiên Chúa và trình bày lên ước muốn của linh hồn, và buộc ý chí phải quyết định yêu. Thật vậy, trong khi tình cảm là khuynh hướng bẩm sinh không thể bị lấy đi khỏi linh hồn, thì ý chí đưa ra những hành vi quyết định, tự nguyện và có thể quyết định làm hay không làm.
Đó là ý chí tự do. Ý chí tự do bị đặt vào sự chọn lựa giữa lý trí và tình dục : nó giống như một chàng trai ở giữa hai cô gái đang ve vãn anh. Anh có thể nghiêng ngửa theo cô này hay cô kia. Một bên, cô lý trí nói với anh rằng : 'Anh hãy đến với em đi !' Và bên kia là nàng tình dục, (nghĩa là sự ích kỷ, hưởng thụ cho bản thân mình, là sự tiện nghi thoải mái mà Catarina đặt cho nó một cái tên là tình dục) cũng mời mọc : 'Hãy đến với em nào !' Tất cả đều lệ thuộc vào cái quay mặt của anh chàng về bên phải hay bên trái. Nếu anh hướng theo lý trí thì đó là tất cả con đường tốt lành. Nếu anh ngã vào tình dục thì tất cả đều lệch lạc và sai lầm (x. ĐT. 51; tr. 105).
Mặt khác, hồng ân của ý chí tự do là một kho báu lớn lao mà chúng ta không thể đánh mất nó. Catarina coi đó là tài năng mà Thiên Chúa phú bẩm cho linh hồn, bởi vì nó cao quý và không thể bị mất hay suy thoái đi. Chúng ta không thể vất bỏ ý chí tự do ; chúng ta có thể sử dụng nó tốt hoặc xấu, nhưng chúng ta vẫn phải dùng đến nó. Vấn đề là thân phận con người bị đặt ở giữa lý trí và tình dục, và nó bị treo lơ lửng, chao đảo giữa hai sức quyến rũ đó. Nếu con người để cho lý trí soi sáng thì mọi sự đều diễn tiến tốt đẹp, và một lần nữa ba quan năng của linh hồn đi vào trật tự đã được ban cho.
Như vậy bậc thứ nhất trong cuộc hành trình của linh hồn lên với Cha là sự hoà giải và quy tụ của các quan năng linh hồn. Đó là đặc tính của bậc này và phân biệt với bậc thứ hai. Chúng ta có thể tóm tắt bậc như sau: Khi niềm khao khát của linh hồn tập trung vào Chúa, "linh hồn sẽ cảm thấy khát : khát nhân đức, khát vinh hiển của Cha, khát ơn cứu độ cho các linh hồn"(ĐT. 54; tr. 109). Những khao khát khác đều bị dập tắt hết. Khi ấy linh hồn leo lên bậc thứ nhất là tình cảm và bước đi vững vàng không chút sợ hãi. Tình cảm của linh hồn ở trên bản thân và vượt lên trên mọi sự thế tạm, nghĩa là không còn bị dính bén với bản thân và loài thụ tạo chung quanh. Nếu muốn, linh hồn có thể yêu sự thế gian, nhưng chỉ yêu vì Chúa với lòng kính sợ thánh thiện và yêu mến các nhân đức (ĐT. 54; tr. 109).
2. Vượt qua thử thách này linh hồn sẽ lên tới bậc thứ hai là trí tuệ. Trí tuệ sẽ làm gì ? Trí tuệ sẽ phản chiếu mình trong tình yêu của Cha là Đức Kitô chịu khổ nạn, bởi vì nơi Ngài tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ cách trổi vượt nhất. Linh hồn tìm thấy bình an và nghỉ ngơi, bởi vì trí nhớ được lấp đầy đức ái và không còn trống rỗng nữa. Bấy giờ trí nhớ, trí tuệ và ý muốn được đầy Chúa : trí tuệ chiêm ngưỡng Chúa, rồi đến lượt trí nhớ cũng đầy tràn sự chiêm ngưỡng và đức ái.
3. Một khi linh hồn hồi phục đức ái nhờ hồng ân của Thiên Chúa thúc đẩy, nó đi tìm kiếm cái gì khác hơn nữa. Theo Catarina, bởi vì linh hồn của con người thì sống động không chịu đứng yên, hoặc tiến lên hoặc thụt lùi, cho nên linh hồn lúc này quy hướng các quan năng lại để làm việc cho tình yêu và sự đồng tâm hiệp ý. Nó cảm thấy có nhu cầu phải tiến lên, bây giờ nó có cơ sở, nền tảng và sự cần thiết của đức ái. Nhưng khi đã có đức ái, tình yêu của Chúa rồi, linh hồn càng khao khát tìm kiếm nhiều hơn nữa. Chính Chúa đã thắp lên trong linh hồn niềm đói khát và ước mong lớn lên trong đức ái. Tự mình nó không thể chuyển mình, bước đi và tiến tới trong đức ái bởi vì cùng một lý do : quy luật của tình yêu; tình yêu không tự đóng kín mình nhưng là mở rộng. Nó khao khát nước hằng sống mà Đức Giêsu đã hứa[2]. Cơn khát cùng đồng hành với nó, thúc đẩy nó tìm kiếm nước hằng sống và tiến bước. Ai không khao khát người ấy sẽ không đi tìm mạch nước và không thể kiên trì tìm kiếm. Người ấy sẽ dừng lại vì mệt nhọc hoặc quay đầu trở về khi thấy kẻ thù và những bách hại ập đến. Nó sẽ không quan tâm đến cái bình đựng nước nữa. (x. ĐT. 54; tr. 110).
Khi đã lên tới bậc thứ ba, linh hồn sẽ cảm thấy vững vàng, hết lo sợ vì không ở một mình. Có Chúa sẽ ngự ở giữa linh hồn bằng ân sủng và biến linh hồn thành nhà của Người. Như vậy linh hồn không bước đi một mình bởi vì nếu chỉ có một mình, nó không còn là chi cả (x. ĐT. 54; tr. 108).
Để thăng tiến trên con đường thiêng liêng, nhu cầu có số nhiều nảy sinh từ bản chất của tình yêu. Tình yêu giả định có ba yếu tố: người yêu, người được yêu và tình yêu liên kết hai người. Bởi vì trong thế giới tâm linh mà Catarina đang quan tâm, linh hồn mỗi người là nơi Chúa Ba Ngôi ngự, thánh nữ tìm kiếm sự đa nguyên giữa ba quan năng của linh hồn. Khi chúng đối thoại với nhau và đi đến chỗ đồng tâm nhất trí trong Đức Giêsu thì Đức Giêsu ở giữa linh hồn[3]. Trái lại nếu chúng bất đồng với nhau trong thế giới nội tâm, chúng sẽ lao vào tội lỗi. Tội lỗi là không hiện hữu, hay nói đúng hơn là đi vào cõi hư vô. Nó nằm ở ngoài công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Kết thúc phần trình bày các bậc cầu giống như các quan năng của linh hồn, Catarina nói rằng tất cả mọi người có lý trí đều có thể quy phục điều kiện này. Không một ai, dù sống trong đời sống hôn nhân gia đình hay đời thánh hiến, được chuẩn chước không phải hiệp nhất các tài năng của linh hồn và hoà hợp với hai giới răn chính của Lề Luật. Mọi sự đều được Cha tạo dựng cách tốt đẹp và tuyệt hảo nhằm đưa con người đến sự sống. Yêu mến Chúa và tha nhân là một bổn phận rất êm dịu ngọt ngào, và có thể chu toàn bất cứ lúc nào, nơi nào và ở bậc sống nào. Những ai chống lại luật này "chúng sẽ trải qua cuộc đời trong đau khổ do chúng tạo ra cho mình. Nếu chúng không thay đổi đường lối ấy, chúng sẽ đi thẳng xuống chốn diệt vong" (x. ĐT. 55; tr. 112).
[1] Xem Giuliana Cavalini, San Domenico …, tr. 59-60
[2] Nước hằng sống là Đức Kitô chứ không phải Chúa Cha; Ngài là con đường còn Chúa Cha là đích điểm. Trong học thuyết của mình, Catarina nói rằng những kẻ bất toàn muốn đi trên con đường của Cha còn những người hoàn thiện lại muốn đi trên con đường của Con. Khẳng định này xem ra khó chấp nhận và kỳ lạ. Nhưng Catarina giải thích ngay : Cha là điểm tới, là Đại dương mà con đường dẫn chúng ta tới. Con đường hay Cây Cầu là chính Đức Kitô, một Đức Kitô chịu đóng đinh, chịu khổ hình. Những kẻ bất toàn muốn đến trực tiếp với Cha mà không gặp những đau khổ, sự dữ hay bất trắc trên đường. Còn những người hoàn thiện thì hiểu rằng con đường là Đức Kitô, con đường tình yêu mà chính Người đã bày tỏ cho chúng ta, đã mở ra chính mình Ngài cho chúng ta bằng sức mạnh và ân sủng của Ngài. (Xem Giuliana Cavallini, San Domenico …, tr. 49-50)
[3] Catarina thường đặt lời nói của Chúa Giêsu trên môi miệng Chúa Cha trong lúc Ngài cầu nguyện và được ơn xuất thần.
.