07/08/2010 -

Linh đạo Đa Minh

549
 

 

 

Linh Đạo thánh Catarina Siena Chương III p2

 

III. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA TRONG MÁU ĐỨC KITÔ

 

Nội dung của Chân lý về Thiên Chúa là tình yêu của Ngài được biểu lộ nơi “máu” của Chúa Kitô. Chính khi nhìn ngắm Đức Kitô mà chúng ta biết rõ Chúa hơn cả : lòng nhân từ của Chúa tỏ ra cho chúng ta qua mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc. Đặc biệt Catarina nói rất nhiều đến Máu của Đức Kitô đổ ra trên thập giá để cho chúng ta được  sự sống. Sau khi Đức Kitô về trời, hiệu lực của Máu thánh vẫn còn vô biên và vẫn tiếp tục được lưu giữ và ban phát cho chúng ta qua Hội thánh của Người.

 

Trong học thuyết Catarina, Máu thánh là nhân tố kết nối Đức Kitô với Giáo Hội, các Bí tích và ân sủng. Tuy dù Máu Đức Kitô không phải là đề tài tổng hợp toàn bộ linh đạo của thánh Catarina, nhưng chắc chắc là một đề then chốt. Thánh nữ đã viết những lời cháy bỏng tình yêu trên ân huệ Máu thánh mà chính người cũng trải qua kinh nghiệm thần bí này.

 

A. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

 

Công cuộc cứu chuộc chúng ta được bắt đầu bằng việc Ngôi Lời nhập thể, là một hành động tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

 

Thật vậy, do tội lỗi mà con người kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa. Họ mù quáng không còn nhận ra mình và nhận biết Chúa (x. ĐT. 46; tr. 90tt)  hoàn toàn bất lực để làm điều thiện hầu đáng được sự sống đời đời (x. ĐT. 21; tr. 41tt). Nhưng chính vì lòng thương xót đối với con người mà Chúa đã sai Con Một của mình đến với con người (x. ĐT. 166; tr. 451-452): Thiên Chúa đã trở nên con người để con người trở nên Thiên Chúa (x. ĐT. 13[1]; ĐT. 110; tr. 241). Thế là Đức Kitô đã nên giống con người, mang lấy hình ảnh của con người, ngõ hầu con người được nên hình ảnh của Đức Kitô (x. ĐT. 13; tr. 29).

 

Mầu nhiệm nhập thể đã can dự vào công trình cứu độ cách hữu hiệu vì Đức Kitô là người như chúng ta nhưng đồng thời Ngài cũng là Thiên Chúa : chính nhờ sự kết hiệp với thiên tính mà các hoạt động tại thế của Người cùng với những đau khổ của Ngài mới có giá trị vô giá; nhờ vậy mà máu của Ngài mới có giá trị cứu rỗi (x. ĐT. 14; tr. 32).

 

Nhờ sự nhập thể ấy mà Đức Kitô đã trở nên : 1/ Chỉ huy trưởng và kỵ sĩ đích thực của chúng ta, hướng dẫn và cứu gỡ chúng ta trong mọi cuộc chiến đấu (x. ĐT. 100; tr. 218); 2/ Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Cây Cầu duy nhất nối kết đất với trời (hình ảnh này sẽ được trình bày sau). Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Ngài (x. Đ 100; 218).

 

B. MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC

 

Catarina nói rất nhiều về Máu Đức Kitô. Mở đầu các lá thư của thánh nữ luôn luôn kèm theo công thức sau : “Tôi viết cho quý vị trong Máu châu báu của Đức Kitô”. Người dùng các  bức tâm thư để khuyến dụ mọi người hãy tắm mình và say sưa trong Máu thánh Đức Kitô. Tiểu sử về thánh nữ còn kể lại Chị luôn nuôi dưỡng một niềm khao khát mạnh mẽ được uống máu từ cạnh sườn của Chúa Cứu Thế. Vào phút cuối đời, Chị đã khẳng định lại ước muốn được chết nhận chìm mình trong Máu thánh và gào thét tột cùng khi hấp hối : "Máu! Máu!". Đó là cơn khát máu.

 

Hình ảnh Máu trong sách Đối Thoại nói lên ba thực tại này :

 

- Máu tỏ ra chân lý tình yêu của Chúa, mặc khải cho ta được “biết Chúa”.

 

- Máu thâu tóm tất cả các chân lý cứu rỗi : nguồn ơn thánh.

 

- Máu nhắc nhở chúng ta công trình cứu chuộc của Đức Kitô, mẫu gương của con đường hoàn thiện cho chúng ta.

 

1. Máu mặc khải Chân lý tình yêu

 

Máu Đức Kitô mặc khải chân lý quan trọng nhất, đó là tình yêu của Ba Ngôi dành cho chúng ta.

 

a) Tình yêu của Chúa Cha

 

Máu của Đức Kitô mặc khải chân lý của lòng nhân hậu  của Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm cái chết dữ dằn của Đức Kitô trên thập giá, Catarina khám phá ra rằng ngọn nguồn của sự hy sinh  và đổ máu ấy là chính Thiên Chúa. Trong sách Đối Thoại, Catarina khao khát được đi vào trong Máu Đức Kitô để được thanh tẩy linh hồn, để  nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa và  được say sưa trong tình yêu ấy :

 

"Do lòng thương xót của Ngài mà chúng con được tạo thành! Do lòng thương xót của Cha mà chúng ta được tái tạo trong Máu Con của Ngài. Chính bởi lòng thương xót của Ngài bảo tồn chúng con ! Chính lòng thương xót của Ngài đã để cho Con Ngài dang tay trên gỗ cây thập giá, nơi đó Con Ngài phải vật lộn giữa sự sống và cái chết […] Chính Chúa đã thanh tẩy chúng ta trong Máu của Con Chúa" (ĐT. 30; tr. 59).

 

Chúa muốn cho chúng ta được cứu rỗi. Ngài ban sự sống cho ta và rửa chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Khi ban Con Một của Ngài cho ta, Ngài muốn nói cho ta biết ý định của Ngài là cứu rỗi chúng ta bằng mọi giá.

 

b) Tình yêu của Đức Kitô

 

Nơi máu Đức Kitô không những chúng ta chứng kiến tình yêu của Cha dành cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng cảm nghiệm được chính tình yêu của Đức Kitô nữa:

 

“Những gì Con Cha ban tặng thì đã ban tặng cách rất quảng đại. Con hãy  nhìn xem thân thể Ngài đổ máu lai láng trên cây gỗ thập giá. Ngài không chuộc tội loài người bằng vàng bạc nhưng bằng Máu và bằng tình thương của Ngài. Ngài đã không chỉ cứu chuộc một nửa nhân loại, nhưng là tất cả thế giới, tất cả mọi người trong quá khứ, hiện tại và tương lai” (ĐT. 127; tr. 296)

 

Ngài đã thực hiện ơn cứu chuộc bằng tinh thần tự nguyện vâng phục theo ý Chúa Cha vì muốn tỏ tình yêu say đắm đối với Chúa Cha và loài người :

 

“Đức tuân phục ở nơi Ngài mau mắn đến nỗi để thi hành nhân đức này, Ngài đã vội vã đi tới cái chết ô nhục trên thập giá” (ĐT. 154; tr. 408-409)

 

c) Tình yêu của Chúa Thánh Thần : "Máu và Lửa"

 

Trong Máu Đức Kitô, ta thấy Lửa đức ái thần linh đồng xuất hiện. Lửa Tình yêu cũng là hình ảnh nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Máu thánh.

 

Thật vậy, Catarina xoay chung quanh đề tài Máu – Lửa trong nhiều bức tâm thư. Đây là một lá thư gửi cho cha Phêrô Milanô :

 

"Trong Máu thánh chúng ta tìm được nguồn suối của lòng thương xót; trong Máu thánh chúng ta tìm thấy sự êm ái, dịu dàng, lửa mến và hiếu thảo; trong Máu thánh, ơn công chính được thực hiện vì tội lỗi của chúng ta; trong Máu thánh, lòng thương xót được mãn nguyện, trong Máu Đức Kitô, sự cứng lòng của chúng ta sẽ hoá ra mềm chảy" (T. 315).

 

Máu thánh Đức Kitô đã đổ ra lai láng từ cây Thập giá để cứu chuộc loài người. Ngài đã phải trả giá chuộc lại nhân loại bằng Máu hy sinh và Lửa tình yêu của Ngài. Như vậy một lần nữa hai từ Máu và Lửa cũng được nhấn mạnh song song với nhau :

 

"Ngài đã không chuộc bằng giá vàng bạc nhưng bằng máu và tình thương của Ngài. Máu này được ban cho các con, đồng thời với Lửa cũng đã được phân phát cho các con : chính bởi Lửa tình yêu mà Máu đã đổ ra vì các con. Máu cùng Lửa đã được ban cho các con cùng với bản tính thần linh của Cha, luôn hiệp nhất chặt chẽ với bản tính nhân loại" (ĐT. 127; tr. 296-297)

 

Máu của Đức Giêsu và Lửa tình yêu cũng hiện diện trong các Bí tích, trước hết là Bí tích Thánh Tẩy :

 

"Đâu là nơi linh hồn biết mình có phẩm giá cao trọng này là được thông hiệp và hoà lẫn trong Máu Con Chiên, khi nhận lãnh Phép Rửa trong thần lực của Máu Thánh ? Nơi cạnh sườn, nơi đó nó nghiệm thấy Lửa của đức ái thần linh" (ĐT. 74; tr. 150)

 

Máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu tượng trưng cho phép Thánh Tẩy bằng nước. Bên cạnh đó, Catarina cũng nói đến Phép Thánh Tẩy bằng Máu và bằng Lửa, nhưng không có phép Thánh Tẩy bằng Lửa nếu không có Máu :

 

"Những người khác thanh tẩy bằng lửa khi họ ao ước lãnh nhận Bí tích này với đầy lòng yêu mến mà không thể được; nhưng không có phép Thánh Tẩy bằng Lửa mà không có Máu, bởi vì Máu đã được kết hợp và hoà lẫn với Lửa đức ái thần linh đã đổ ra vì tình yêu" (ĐT. 74; tr. 150)

 

Cũng vậy, không có phép Thánh Tẩy bằng Máu mà không có Lửa :

 

"Cha đã tỏ cho các con thấy cha yêu thương các con hơn những điểu được viết lên bằng bút mực. Cha chứng tỏ tình yêu vô biên ấy bằng cách nào ? Bằng Phép Thánh Tẩy bằng Máu hoà với Lửa tình thương của Cha đã đổ ra vì tình yêu; bằng Phép Thánh Tẩy đây được ban cho các tín hữu và tất cả những ai muốn lãnh nhận : Phép Thánh Tẩy bằng Nước, được kết hợp với MáuLửa, trong đó linh hồn nhận chìm trong Máu" (ĐT. 74; tr. 152).

 

Như vậy kể cả phép Thánh Tẩy bằng Nước cũng hoà quyện với Máu Đức Kitô và Lửa tình yêu, mà chúng ta có thể gọi là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

 

Trong các Bí tích, Thánh Thể như một tặng phẩm cao quý nhất của tình yêu luôn luôn trở đi trở lại trong tư tưởng của Catarina. Điều đáng lưu ý là khi Máu thánh được trình bày trong nhãn quan của Bí tích Thánh Thể thì Lửa tình yêu lại xuất hiện :

 

"Máu thánh làm cho linh hồn say sưa và mặc cho linh hồn bằng Lửa của đức ái thần linh" (ĐT. 66; tr. 129).

 

Ngọn lửa ấy cũng được biểu tượng cho sức nóng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể :

 

"Chúng con đã nhận được ánh sáng nhờ Ngôi Lời đã nhập thể và phối hiệp trọn vẹn với ánh sáng thần tính của Cha và với sức nóng và lửa của Chúa Thánh Thần [... ] để các con có sự sống, khi lãnh nhận từ nơi họ [các thừa tác viên] Mình Thánh Con Cha làm của ăn và Máu thánh Con Cha làm của uống" (ĐT. 110; tr. 242)

 

2. Máu khai mở kho tàng ân sủng

 

Máu của Đức Kitô mở ra cho chúng ta kho tàng hay nguồn mạch của mọi ân sủng. Thực vậy, ơn đầu tiên mà chúng ta lãnh nhận được từ Đức Kitô là ơn cứu chuộc; chúng ta được tái sinh vào ơn thánh. Catarina dùng một số hình ảnh để nói đến công hiệu cứu chuộc từ Máu Đức Kitô. Riêng trong sách Đối thoại :

 

- Máu thanh tẩy, tắm gội chúng ta (x. ĐT. 30; tr. 59; ĐT. 134;tr. 335).

 

- Máu làm cho linh hồn say sưa (x. ĐT. 66; tr. 129).

 

- Trong Máu chúng ta nhận biết chân lý, và chân lý đó là chúng ta được sống (x. ĐT. 60; tr. 117)

 

- Máu cùng với Chân lý  tái lập và xây dựng con đường lên trời (x. ĐT. 27; tr. 53).

 

- Máu mở cửa trời cho chúng ta (x. ĐT. 27; tr. 51).

 

Sau đó là tất cả đời sống siêu nhiên của mọi Kitô hữu. Đời sống này bao gồm các ân sủng, bí tích, nhân đức và những lời cầu nguyện

 

a) Ân sủng

 

Chúng ta đã lãnh nhận ân sủng qua bí tích Thánh Tẩy (x. ĐT. 24; tr. 47), nhờ đó chúng ta được làm nghĩa tử của Chúa (x. ĐT. 60; tr. 117). Ân sủng ví như ánh sáng, sức nóng truyền thông từ mặt trời tức là chính Thiên Chúa (x. ĐT. 119; tr. 263-264). Ân sủng biến linh hồn chúng ta thành nơi Chúa ngự (x. ĐT. 51; tr. 105).

 

b) Các nhân đức

 

Tất cả mọi người đều có thể thực hành các nhân đức, nhưng điểm khác biệt của các nhân đức Kitô giáo nằm ở chỗ nó chúng được tưới gội bằng máu của Chúa, nhờ đó có thể trở nên cây cầu đưa chúng ta về trời (x. ĐT. 27; tr. 51-52).

 

c) Các bí tích

 

Thần lực của Máu thánh thật vô biên đem lại cho các Bí tích có hiệu năng và sự sống.

 

- Bí tích Thánh Tẩy. Khi lãnh nhận bí tích này, Người Kitô hữu nhận được ánh sáng đức tin từ “Thân thể của Giáo Hội” qua bàn tay của các tác viên, và họ thuộc về “thân thể phổ quát của Kitô giáo” (cộng đồng những người tin). Bí tích này rửa chúng ta khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta ơn thánh, nhờ hiệu năng của Máu thánh (x. ĐT. 14; tr. 33; ĐT. 75; tr. 151; ĐT. 135; tr. 339-340) phát xuất từ cạnh sườn Chúa (x. ĐT. 74; tr. 150). Trong Bí tích này chúng ta được lãnh nhận sức mạnh và vũ khí là lòng yêu mến nhân đức và chê ghét các tính xấu. Vũ khí này ở ngay trong Máu thánh bởi vì chính Con Một của Cha, vì yêu thương thế gian và chê ghét tội lỗi mà Ngài đã chịu chết, đổ máu đào để thông ban cho chúng ta sự sống của Người (x. ĐT. 23; tr. 44).

 

- Bí tích Hoà Giải. Máu thánh Chúa không thể bị vơi cạn vì chúng ta phạm tội sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Vì sự yếu đuối, chúng ta đã đánh mất thần lực của Bí tích Thánh Tẩy trong cuộc đời, nhưng chúng ta còn nhận được một bí tích khác mà Catarina gọi là "Bí Tích Thánh Tẩy liên tục"[2], nghĩa là Bí tích Hoà giải giúp chúng ta nhận được ơn tha tội bằng sự thống hối ăn năn. Nơi Bí tích này, Máu Đức Kitô được ban cho chúng ta vì nhu cầu hằng ngày của chúng ta. Các thừa tác viên sẽ rảy Máu này trên linh hồn khi đọc công thức tha tội và các hối nhân sẽ hưởng được hoa trái của Máu Thánh (x. ĐT. 75; tr. 151).

 

Máu thánh không bao giờ vơi cạn mà trái lại có thể cứu vớt toàn thể nhân loại trong "quá khứ, hiện tại và tương lai" (x. ĐT. 75; tr. 152). Thật vậy, nếu hoa trái của Máu thánh bị giới hạn, nếu thần lực của Máu thánh không vô biên, thì những người xúc phạm đến Chúa sau khi được thanh tẩy bằng nước sẽ không thể phục hồi ân sủng. Nhưng nhờ thần lực của Máu thánh Chúa Kitô, Bí tích Hoà Giải mở ra cho các linh hồn tới tình yêu hoàn hảo hơn.

 

- Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bí tích của Mình thánh Chúa Kitô” trở nên của ăn và của uống cho chúng ta (x. ĐT. 110; tr. 242), ban cho ta lương thực và sức mạnh trên đường lữ hành trần thế (x. ĐT. 27; tr. 52). Máu ban cho chúng ta ơn cứu độ : thắp sáng chân lý, tiêu diệt sự chết, biến đổi và làm cho chúng ta nên hoàn thiện (x. ĐT. 14; tr. 30-31).

 

1/ Trong Bí tích này chúng ta nhận được Mình và Máu Chúa, thiên tính và nhân tính cùng với linh hồn của Đức Kitô (x. ĐT. 110; tr. 242). Để nhấn mạnh đến hồng ân cao cả này, Catarina nói về sự hiện diện trọn vẹn của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Giống như một tấm gương bị đập vỡ mà vẫn giữ nguyên vẹn hình ảnh, cũng như ngọn lửa được phân chia cho nhiều ngọn nến mà vẫn còn giữ được ngọn lửa, thì cũng vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể không thể bị phân chia hay bị thu nhỏ lại trong tấm bánh được bẻ ra. Những ai lãnh nhận xứng đáng sẽ cảm nhận được hạnh phúc bơi lội trong biển cả tình yêu của Ngài :

 

"Họ ở trong Cha và Cha ở trong họ như cá ở trong biển và biển ở trong cá" (ĐT. 112; tr. 249).

 

Giống như con dấu để lại ấn tích của nó, Cha cũng sẽ lưu lại ấn tích của ân sủng ở trong họ :

 

"Thần lực của Bí tích này để lại trong linh hồn, đó là sự nồng nàn của đức ái thần linh, sự khoan dung của Chúa Thánh Thần, ánh sáng của sự khôn ngoan của Con Một Cha, ánh sáng trí tuệ được chiếu toả trong sự khôn ngoan, để nhận biết và chiêm ngưỡng giáo lý của Chân lý Cha cũng chính là sự Khôn Ngoan. Linh hồn trở nên mạnh mẽ được tham dự vào sức mạnh và quyền năng của Cha, linh hồn sẽ được mạnh sức chống lại mọi đam mê tính dục của mình, chống lại ma quỷ và thế gian" (ĐT. 112; tr. 249)

 

Thánh Thể là ấn tín của Chúa Ba Ngôi : quyền năng của Chúa Cha, sự khôn ngoan của Chúa Con và tình yêu của Chúa Thánh Thần. Thánh Thể làm mới lại dấu ấn mà Chúa đã khắc ghi trong mỗi tâm hồn khi tạo dựng ta theo hình ảnh và giống như Người, làm cho ba quan năng của linh hồn phản chiếu Ba Ngôi.

 

2/ Tuy nhiên tuỳ thuộc vào tấm lòng của người nhận lãnh mà ân sủng do Mình và Máu thánh Chúa ban cho họ nhiều hay ít. Catarina nói đến những kẻ lãnh nhận bí tích Thánh Thể ví như một nhóm người cầm nến đi xin lửa, mỗi người đều nhận được ánh lửa như nhau. Ai cầm cây nến lớn thì sẽ nhận lãnh được nhiều ánh sáng, còn ai cầm cây nến nhỏ thì nhận được ít ánh sáng hơn. Hoa trái mà Thánh Thể Chúa đem lại cho các tín hữu cũng vậy, nó tuỳ thuộc vào sự sẵn sàng và lòng ao ước của người nhận lãnh. Do tình yêu mà mỗi người chúng ta được Chúa ban tặng cho một cây nến và đặt trong tay chúng ta, nhưng cây nến ấy không có lửa, nó chờ đợi được thắp lên nơi ngọn lửa đức ái thần linh là các Bí tích. Tuy nhiên, cây nến không thể được đốt lên nếu không có tim nến :

 

"Nếu như linh hồn các con không có ngòi nến để nhận ánh sáng, nghĩa là đức tin rất thánh thiện, cùng được kết hợp với ân sủng mà các con đã nhận được khi chịu phép Thánh Tẩy, và các con đã được sáng tạo để yêu thương cùng với tình cảm của linh hồn, thì cũng vậy, như Cha đã nói với con, linh hồn hoạt động là để yêu thương, đến nỗi không có tình thương linh hồn không thể sống được; tình thương chính là lương thực của linh hồn" (ĐT. 110; tr. 244).

 

Giống như cây nến không thể cháy sáng nếu không có tim nến, nhu cầu yêu thương của chúng ta không thể bừng cháy nếu chúng ta không có đức tin. Chắc chắn chúng ta luôn có khả năng yêu thương ở mức độ tự nhiên bằng ánh sáng của lý trí, nhưng để yêu thương trên bình diện siêu nhiên, cây nến của chúng ta cần phải có tim nến đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Thánh Tẩy. Chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể yêu thương dạt dào như chúng ta được tạo thành là để yêu thương. Trái lại, nếu để cây nến rơi xuống vũng nước của tội lỗi, nó sẽ không cháy nữa mà nhả ra khói đen.

 

Catarina cũng lưu ý chúng ta rằng khi đến lãnh nhận bí tích, chúng ta phải biết mở con mắt trí tuệ được thắp sáng trong con ngươi đức tin để hiểu, dùng bàn tay của tình yêu để chạm đến, vận dụng vị giác của niềm khao khát thánh thiện để hưởng nếm hương vị ngọt ngào của Bí tích. Chúng ta đừng để lôi cuốn theo sự cảm nhận cho các giác quan tự nhiên của mình vì chúng ta sẽ bị đánh lừa (x. ĐT. 111; tr. 247-248).

 

- Bí tích Truyền Chức. Sách Đối thoại không dùng từ “Bí tích truyền chức” nhưng tư tưởng về bí tích này được đề cập cách rõ ràng và nói rất nhiều lần : Catarina nhấn mạnh đến phẩm chức linh mục rất cao quý.

 

1/ Trước hết, đó là một ơn gọi được tuyển chọn từ giữa muôn người, để thực hiện một sứ mạng cao cả :

 

"Con rất yêu dấu, trước hết Cha muốn nói đến phẩm chức mà Cha đã cất nhắc họ lên do lòng nhân hậu của Cha, không kể tình thương chung mà Cha đã dành cho các vật thụ tạo […] Sự cao cả này được ban chung cho tất cả mọi loài thụ tạo có lý trí. Nhưng giữa loài người Cha đã chọn lấy các thừa tác viên của Cha, vì ơn cứu độ của các con và để họ ban phát cho các con Máu của con chiên khiêm nhường vẹn sạch, Con Một Cha. Cha đã cho họ chức năng ban phát Mặt Trời khi ban cho họ ánh sáng tri thức, sức nóng của đức ái thần linh, và màu sắc gắn liền với sức nóng và ánh sáng, tức là Mình và Máu Con của Cha" (ĐT. 110; tr. 240-241)

 

Có ba điều tiếp tục trở đi trở lại trong lời ca ngợi thiên chức linh mục : Cha đã ban cho các thừa tác viên nhiệm vụ ban phát Mặt trời, nghĩa là ánh sáng tri thức hay ánh sáng chân lý; sức nóng của đức ái thần linh; và màu sắc kết hiệp với sức nóng và ánh sáng, nghĩa là nhân tính của Chúa Giêsu kết hợp trong Người sự nồng nhiệt của đức ái và ánh sáng của sự khôn ngoan (x. ĐT. 110; tr. 241tt).

 

Do thiên chức trọng đại như vậy, cho nên “ở đời này không ai có thể vươn tới tước vị nào cao hơn" (x. ĐT. 113; tr. 250) Thậm chí ngay trong chức tư tế linh mục, không có sự phân biệt cao thấp giữa phẩm chức của người mới được thụ phong với phẩm chức của các vị kỷ niệm kim khánh, và cũng không có sự chênh lệch về phẩm chức tư tế giữa hàng ngũ linh mục với giám mục và giáo hoàng.

 

2/ Chức linh mục cao trọng hơn các thiên thần nhờ hồng ân thánh hiến :

 

"Họ là những vị được xức dầu của Cha. Cha gọi họ là những 'Kitô' của Cha vì Cha trao cho họ chức năng ban Cha cho các con. Cha đã đặt họ như những bông hoa thơm trong nhiệm thể của Hội thánh. Chức vụ này Cha đã không trao cho các thiên thần, nhưng Cha đã ban cho những người mà Cha chọn làm thừa tác viên của Cha. Cha đã đặt họ làm thiên thần và họ phải sống như thiên thần ở dưới đất này" (ĐT. 113; tr. 250)

 

Phẩm giá cao quý của các linh mục bắt nguồn từ tác quyền được trao ban để cử hành bí tích Thánh Thể cho các tín hữu : truyền phép biến bánh và rượu thành thịt và máu Đức Kitô (x. ĐT. 119; tr. 262tt); cũng như được quyền ban phát bí tích cho các tín hữu (x. ĐT. 75; tr. 151). Vì vậy nếu linh mục phản bội chức vụ là phản bội Máu thánh (x. ĐT. 113; tr. 250) và cũng vậy, ai kính trọng linh mục là kính trọng Chúa, còn ai hành hạ các linh mục là hành hạ Máu thánh (x. ĐT. 116-117; tr. 255tt).

 

Đối với Catarina, tất cả phẩm chức tư tế linh mục được nhìn trong tác vụ Máu thánh bởi vì Hội thánh là nơi lưu trữ Máu thánh Chúa Kitô và các bí tích là sự tiếp tục tuôn trào Máu cứu độ.

 

d) Lời cầu nguyện

 

Lời cầu nguyện cũng thuộc về nguồn mạch của ân sủng. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng dựa trên hiệu lực của Máu thánh (x. ĐT. 135; tr. 335). Chúng ta khẩn nài Chúa Cha ban các ơn lành nhờ công nghiệp mà Đức Kitô đã lập với Máu của Người.

 

3. Máu Đức Kitô mở cho chúng ta con đường sự sống

 

Chúng ta cần phải nhờ Đức Kitô để đến cùng Chúa Cha. Người đã vạch ra cho chúng ta một con đường bằng Máu của mình để ta có thể đi đến cùng đích mà Cha đã dành cho chúng ta khi sáng tạo nên chúng ta. Chúng ta cần phải đi qua Máu của Người, qua con đường thập giá để đến sự sống (x. ĐT. 135; tr. 340).

 

Nơi Đức Kitô chúng ta có thể tìm thấy Cuốn sách trong đó tất cả các nhân đức được viết bằng Máu (x. ĐT. 154; tr. 411), nhất là tình yêu của Chúa. Nếu chúng ta bước đi trong tăm tối, bất trung và rơi vào nhiều lầm lạc, Cuốn Sách vinh hiển này sẽ hướng dẫn chúng ta đến sự sống.

 

C. HỘI THÁNH

 

Chính qua Hội Thánh mà chúng ta biết được chương trình của Thiên Chúa muốn truyền thông tình thương của Ngài. Catarina dùng nhiều hình ảnh để nói về Hội thánh liên hệ đến tình yêu trong Máu Đức Kitô, như : Hiền Thê để nhấn mạnh đến căn tính thánh thiện, tinh tuyền của Hội Thánh đã bị mai một, trở thành một Phụ nữ nhan sắc phai tàn, lở loét vì tội lỗi của các tác viên (x. ĐT. 15; tr. 35; ĐT. 86; tr. 180) cần phải được thanh tẩy bằng Máu; Lữ quán Khu vườn chỉ đến sứ mạng của Hội Thánh là nơi ban phát Bánh hằng sống và Máu châu báu cho khách bộ hành đi trên Cây Cầu tâm linh (x. ĐT. 27; tr. 52; ĐT. 66; tr. 130). Nhưng liên hệ chặt chẽ với hai hình ảnh sau và được triển khai cách đặc biệt hơn là hình ảnh Kho trữ MáuVườn nho, trong đó có cả Kho rượu nữa.

 

Hội thánh được cảm nhận dưới hai hình ảnh chính : Kho trữ Máu và Vườn nho.

 

1. Kho trữ máu Đức Kitô

 

Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ chúng ta. Tình thương đó đã mặc khải được thực hiện nhờ Máu Đức Kitô (ĐT. 140; tr. 353) mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại và đã trao lại cho Nhiệm thể Đức Kitô là Hội Thánh nhiệm vụ lưu trữ và phân phát kho báu Máu thánh. Hội thánh là "khu vườn được tưới mát bằng Máu Đức Kitô chịu đóng đinh", là toà nhà được cất lên bằng "những viên đá được xây với Máu" và là "Kho trữ Máu" (x. ĐT. 115; tr. 254; ĐT. 77[3]; tr. 157).

 

Thật vậy, Catarina đặt thần lực Máu thánh Đức Kitô và sứ mạng của Hội Thánh lên vị trí  đầu tiên[4] : nhờ Máu thánh rất châu báu mà Chân lý của Chúa Cha được mặc khải cách đặc biệt (x. T. 102) và Đức Kitô hoàn thánh ý muốn của Người; Giáo lý của Đức Kitô cũng được mặc khải và mở rộng cho tất cả mọi người để họ có thể lữ hành trong máu của Chân lý nhập thể. Hội thánh không gì khác là chính Đức Kitô, bởi lẽ trong đức ái, Hội thánh trở nên một với Đức Kitô, giống như Cha và Con là một (x. Ga 17, 21).

 

Catarina yêu mến Hội thánh trong Đức Kitô, thấy và yêu sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh. Cả cuộc đời thánh nữ luôn luôn nuôi dưỡng niềm xác tín rằng Hội thánh đồng nhất với Đức Kitô[5]. Chị hăng say hoạt động, chịu đựng những đau khổ, khao khát đổ máu để canh tân Hội thánh, tất cả đều xuất phát từ niềm xác tín này.

 

Chìa khóa của kho châu báu được trao cho Đức Kitô ở trần gian là Đức thánh Cha (x. ĐT. 115; tr. 254) và những thừa tác viên cũng được thông phần vào việc phân phát Máu thánh ấy (x. ĐT. 115; tr. 254; ĐT. 66; tr. 129; ĐT. 14; tr. 30-31; ĐT. 77; tr. 157)

 

a) Đức Thánh Cha

 

Trước khi đọc cho các thư ký viết sách Đối Thoại, Catarina đã có trực giác thấy Đức Kitô và Hội Thánh  của Người chỉ là một. Điều đó cho phép người ta nghĩ ngay đến thị kiến đầu tiên của một cô bé lên 6 tuổi. Cô bé thấy Đức Giêsu hiện ra với mình đứng trên nóc nhà thờ San Domenico, mặc áo giống như các Đức Giáo hoàng và Người đã ban phép lành cho cô bé[6]. Chắc chắn trong tâm trí của cô bé ấy đã có ấn tượng Đức Kitô là Giáo hoàng, và Giáo hoàng là Đức Kitô. Ta có thể nói rằng thị kiến hồi thơ ấu ấy đã để lại dấu ấn trong cả cuộc đời và bút tích của Catarina. Từ đó Catarina thích dùng thuật ngữ "Đức Kitô dưới đất" (Cristo in terra : ĐT. 115; tr. 254; ĐT. 154; tr. 410) để chỉ về Đức Thánh Cha.

 

Catairina tỏ lòng yêu mến cách riêng đối với Đức Giáo hoàng bởi vì các ngài nhận lãnh quyền bính từ Đức Kitô và kế vị thánh Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội. Các ngài được trao chìa khoá Máu thánh để đóng và mở cửa sự sống đời đời. Các ngài cũng có nhiệm vụ đặt lên những thừa tác viên để trợ giúp phân phát Máu thánh cho các Kitô hữu. Vì Ngài có quyền đặt chức vụ cho họ cho nên chỉ mình ngài có quyền sửa dạy những lỗi lầm cho họ.

 

Trách nhiệm của Đức Thánh Cha rất nặng : Ngài phải lo lắng cứu vớt hết tất cả các con chiên đã được Máu Đức Kitô cứu chuộc. Chính vì vậy mà tất cả mọi phần tử trong Giáo Hội phải cộng tác với Ngài và phải tuân phục Ngài. Ai bất tuân người ấy sẽ bị trầm luân :

 

“Ngài đã đặt vị đai diện của Ngài, tức là Đức Thánh Cha, mà người ta có thể gọi là Chúa Kitô trên trái đất, tất cả các con phải vâng lời vị đại diện đó cho đến chết. Ai tách mình ra, không vâng phục vị đại diện, người ấy sẽ bị án phạt” (ĐT. 154; tr. 409-410; x. ĐT. 115-116)

 

b) Linh mục

 

Các ngài thi hành tác viên Máu thánh qua việc ban Bí tích, dạy dỗ đạo lý và làm gương sáng. Chúa muốn mỗi linh hồn phải trong sạch và bác ái, nhưng Ngài đòi hỏi các thừa tác viên phải sống khiết tịnh và yêu thương tha nhân nhiều hơn. Họ phải là những người quảng đại, rộng rãi và có tâm hồn rộng mở đón nhận tất cả mọi người nhất là những người nghèo. Những linh mục của Chúa phải tránh xa nếp sống tội lỗi, bởi vì tội của những linh mục sống trong Nhiệm thể Hội thánh sẽ xúc phạm tới những người mà lẽ ra được quyền nhìn thấy đời sống gương mẫu từ các linh mục, nhưng lại không được. Đời sống của các linh mục tốt thì có điều kiện của mặt trời, - tức là sưởi ấm, chiếu sáng và làm đâm chổi nẩy lộc trên mặt đất -, họ chiếu sáng bằng tri thức, hun nóng bằng đức ái, làm nẩy mầm cuộc sống của ân sủng trong các linh hồn đã được uỷ thác cho họ.

 

Tuy nhiên không một lầm lỗi nào có thể làm giảm đi hiệu lực của Máu thánh trong các Bí tích, giống như không một vết nhơ nào có thể làm lu mờ ánh sáng của Mặt trời (x. ĐT. 115; tr. 253-254). Họ được trao nhiệm vụ phân phát Máu thánh, Máu toàn hảo và rất hữu hiệu đến nỗi không một khuyết điểm nào của họ có thể làm suy giảm hiệu năng ấy (x. ĐT. 24; tr. 47). Tội lỗi không phương hại đến các Bí tích của Hội thánh hoặc làm giảm bớt thần lực của các Bí tích, có chăng chỉ giảm bớt ân sủng hay gia tăng tội lỗi của người ban phát hay người lãnh nhận cách bất xứng mà thôi (x. ĐT. 115; tr. 253-254).

 

2. Vườn nho của Chúa

 

Chúa Giêsu khao khát cứu rỗi mọi người bằng Máu thánh và muốn cho mọi người cùng góp phần thực hiện ơn cứu độ ấy. Ngài đặt Đức Thánh Cha ngồi trước kho trữ máu để phân phát cho dân Ngài (x. ĐT. 115; tr. 254). Rồi Ngài kêu gọi mọi thành phần trong dân Ngài vào làm vườn nho của Cha Ngài. Thế là hình ảnh Hội thánh là "vườn nho" xuất hiện bên cạnh hình ảnh "kho trữ Máu" hay là "kho rượu". Tất cả mọi thành phần : các tác viên, tu sĩ và tín hữu được gọi vào làm vườn nho của Chúa (x. ĐT. 23-24). Khi nói đến Hội Thánh, Catarina không giới hạn vào hàng giáo sĩ.

 

a) Thừa tác viên

 

Mỗi người đều mang trong mình một vườn nho là chính linh hồn mình. Tất cả các tín hữu hợp lại thành một vườn nho cộng đồng Kitô giáo, được kết hợp với vườn nho mầu nhiệm của Hội thánh. Các tác viên là những công nhân của Chúa làm việc trong vườn nho linh hồn các tín hữu, kết hợp với vườn nho của Hội thánh. Họ là những công nhân được Chúa uỷ thác phân phát rượu nho, tức là Máu đã được ép ra từ cây nho đích thực là Đức Kitô (x. ĐT. 24; tr. 47). Họ dưỡng nuôi các tín hữu bằng Máu thánh trong các bí tích, nhổ những gai nhọn tội lỗi và gieo vãi ân sủng (x. ĐT. 23; tr. 44).

 

  1. Tu sĩ


  2.  
 

Đời sống tu trì chiếm vị trí trung tâm của Thân mình Mầu nhiệm Hội Thánh[7]. Trong chiều kích Giáo Hội, các tu sĩ là những người thợ tốt lành được sai đi làm vườn nho cho Giáo hội, để nhổ cỏ dại nết xấu và trồng vào đó những cây nhân đức (x. ĐT. 158; tr. 422-425). Bằng đời sống nhân chứng và niềm ao ước thánh thiện, họ trở thành những người thợ tốt trong Hội Thánh.

 

Các tu sĩ nhận ra ơn gọi của mình cách riêng. Nhờ ánh sáng thần linh của đức tin soi sáng trong Máu thánh, ban đầu họ là một số tín hữu nhận biết tình thương của Chúa và sự yếu đuối của mình không có khả năng đạt tới sự hoàn thiện, nên đã tìm thấy nơi đời sống tu trì một con thuyền đưa đến bến cứu độ cách an toàn. Con thuyền đời tu được chính Chúa Thánh Thần dùng các vị tổ phụ để thiết lập. Chính Người cầm lái và hộ mệnh cho con thuyền cho nên không một giông tố nào có thể nhận chìm nó (x. ĐT. 158; tr. 420; ĐT. 159; tr. 426). Các dây thừng của thuyền là các lời khấn vâng lời, khiết tịnh và thanh bần (x. ĐT. 158; tr. 424), đó cũng là những bình thuốc thơm và những hạt kim cương nhân đức. Trên thuyền có một kho báu là những luật lệ thánh thiện, đã được các tổ phụ soạn thảo cách khôn ngoan và sáng suốt bởi; họ được coi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. ĐT. 158; tr. 421).

 

Khi các tu sĩ là những người ngồi trên thuyền chăm lo tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm (x. ĐT. 47; tr. 93; ĐT. 159; tr. 426) và giữ tình huynh đệ thì con thuyền dòng tu gặp gió thịnh vượng. Trái lại khi họ bất tuân phục thì sẽ phạm lỗi đức khó nghèo và khiết tịnh, người ấy không làm hại đến con thuyền nhưng làm hại đến chính bản thân mình (x. ĐT. 158; tr. 420)

 

Dòng tu cũng được coi là một "vườn hoa" trổ những bông hoa xinh đẹp, toả hương thơm là đời sống của các tu sĩ tốt lành, toả ánh sáng. Nhưng khi không tuân giữ luật Dòng, khu vườn trở thành một mảnh đất khô cằn, hoang vu và hương thơm nhân đức cũng tan biến ngay (x. ĐT. 158; tr. 424). Các tu sĩ muốn đạt tới đức vâng phục thì phải để ánh sáng đức tin hướng dẫn, giúp họ giết chết ý riêng mình bằng thanh gươm của sự chê ghét tính dục và chấp nhận các nhân đức khác như : đức ái, nhẫn nại và khiêm nhường (x. ĐT. 159; tr. 426). Còn các bề trên phải nêu gương về đời sống vâng phục và dùng quyền bính để giúp người dưới sửa lỗi. Trước khi trở thành những bề trên tốt họ phải là những bề dưới tốt (x. ĐT. 129; tr, 308).

 

c) Tín hữu

 

Như mọi loài thụ tạo có lý trí, các tín hữu cũng có một vườn nho trong mình. Ý chí tự do là kẻ làm vườn nho linh hồn mình. Họ được ban sức mạnh và vũ khí để nhổ đi những gai nhọn của các tội trọng, vun trồng nhân đức và sinh nhiều hoa trái nhờ ân sủng của các Bí tích. Những người không sinh hoa trái của các việc lành phúc đức là những kẻ không làm vườn nho, họ sẽ bị cắt bỏ, ra khô héo và bị ném vào lò lửa muôn đời. Họ không làm vườn mà còn phá hoại vườn và làm hư hại kẻ khác (x. ĐT. 23; tr. 44-46).

 

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, các tín hữu là những người lao động cho vườn nho của Cha là Hội Thánh. Trong vườn nho này, mỗi người vun trồng và xây dựng Nhiệm thể Chúa theo điều kiện và ơn gọi của mình : các tín hữu nói chung nhờ lời cầu nguyện và sự vâng lời đối với Chúa qua vị các vị chủ chăn (x. ĐT. 154; tr. 410); còn các “tôi tớ Chúa” qua việc cầu nguyện, hy sinh, để khẩn nài lòng thương xót của Chúa cho Hội Thánh (x. ĐT. 15; tr. 35; ĐT. 86; tr. 179).

 
 
 
 

[1] Xem nguyên bản tiếng Ý, cuối chương 13

 
 

[2] Nguyên bản tiếng Ý là “Battesimo continuo

 
 

[3] Xem nguyên bản tiếng Ý "dispensa"

 
 

23Xem Phaolô VI, Tông thư  Mirabilis in Ecclesia Deus công bố Thánh nữ Catarina Siena là tiến sĩ Hội thánh (4-10-1970) : AAS 63 (1971) 674-682.

 
 

[5] Niềm xác tín Hội thánh không thể tách rời khỏi Đức Kitô cũng thể hiện trong bố cục của sách Đối Thoại : giáo lý về Đức Kitô Cây Cầu là phần trung tâm và quan trọng nhất trong toàn bộ tác phẩm. Cây Cầu Đức Kitô, sau khi về Trời, được bắc từ trái đất và vươn tới trời nhưng vẫn không rời bỏ mặt đất, tức là Hội Thánh (ĐT. 29). Catarina dành 78 chương để triển khai giao lý Cây Cầu, thâu tóm toàn bộ cuộc hành trình vươn tới sự trọn lành, để rồi khi khảo luận Đức Kitô Cây Cầu khép lại, thì mầu nhiệm Hội Thánh được mở ra. Đó là giáo lý về Nhiệm thể Hội Thánh, bao gồm các thành phần của Dân Chúa và nhất là các tác viên, mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là hàng giáo sĩ (ĐT. 110-134).

 
 

[6] Xem Phaolô VI, Tông thư  Mirabilis in Ecclesia Deus công bố Thánh nữ Catarina Siena là tiến sĩ Hội thánh (4-10-1970) : AAS 63 (1971) 674-682 hoặc http://www.caterinati.org

 
 

[7] Vì Catarina dùng hình ảnh "con thuyền" để nói về Giáo Hội nhưng cũng dùng chính hình ảnh này để nói về các Dòng tu (x. ĐT. 158- ĐT. 159) cho nên có thể nói Đời tu nằm ở trung tâm của Hội thánh. Xem Giuliana Cavallini, San Domenico…, tr. 135

114.864864865135.135135135250