30/07/2010 -

Linh đạo Đa Minh

1699
 

 
 

CHƯƠNG II

 

CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG SÁCH ĐỐI THOẠI

 
Nt. Maria Đinh Thị Sáng, op
 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op

 

III. SƠ LƯỢC NỘI DUNG

 
 

Tác phẩm mở đầu bằng việc trình bày một linh hồn khát khao được tôn vinh Thiên Chúa và cứu vớt các linh hồn. Từ lòng khao khát nồng nhiệt đó nảy ra bốn lời  khẩn nài:

 
 

-          Thứ nhất, cho chính bản thân. Ý thức rằng mình không giúp ích gì cho tha nhân nếu mình chưa có đức hạnh, linh hồn xin Chúa huấn luyện mình ngõ hầu có thể làm vinh danh Chúa và làm ích cho người khác.

 
 

-          Thứ hai, cầu xin cho sự cải cách Giáo hội

 
 

-          Thứ ba, cầu xin cho thế giới

 
 

-          Thứ tư, cầu xin cho một trường hợp đặc biệt (ch.1)

 
 

Linh hồn cảm thấy sự bất xứng của mình cũng như những khốn khổ lầm than của nhân loại nên đã thét lên: “Lạy Cha hằng hữu, con xin xưng thú tội lỗi trước Thánh nhan, xin Cha sửa phạt con ngay ở đời này. Bởi vì con là duyên cớ của những hình phạt mà người chung quanh con phải chịu, xin Cha hãy trừng phạt con vì những tội lỗi của tha nhân" (ch. 2; tr. 5)

 
 

A. TRẢ LỜI CHO KHẨN NGUYỆN THỨ NHẤT

 
 

Thiên Chúa Cha vui lòng vì những ước muốn mãnh liệt đó, đã đáp lại lời khẩn nguyện thứ nhất bằng ba bài học hữu  ích cho Catarina và cho những người khác.

 
 

Catarina đã xin Chúa hãy trừng phạt những tội lỗi của mình khi còn ở đời này. Nhưng Chúa đã dạy bài học thứ nhất của đời sống tâm linh, đó là: giá trị của công việc đền tội ở tại tình yêu chứ không ở tại sự đau khổ, tình yêu phát sinh từ chỗ biết Chúa và biết tội lỗi của mình. Tình yêu ở đây là thống hối, khiêm tốn và đoạn tuyệt với tội lỗi (ch. 3 và ch. 4). Phần thứ hai của bài học thứ nhất chuyển sang tình yêu trong việc đền tội thay cho tha nhân : lòng ước ao muốn đền tội cho tha nhân cũng bắt nguồn từ chỗ biết mình, biết Chúa và mến Chúa. Trong việc đền tội thay cho tha nhân, có những cấp độ tùy theo tâm tình của người hiến dâng : có tâm tình “sám hối trọn vẹn”, nhờ đó mà Chúa tha thứ cả tội lỗi lẫn hình phạt; có thứ tâm tình “sám hối bất toàn” thì chỉ được tha tội chứ không tha hình phạt. Để có thể thoát khỏi tình trạng tội lỗi thì cần biết trung thành với ân sủng mà Chúa ban; ngược lại nếu không đáp ứng với ơn thánh thì sẽ bị diệt vong.

 
 

Chúa khuyên Catarina và cha giải tội hãy cầu nguyện không ngừng cho tha nhân, bởi vì đó là điều làm Chúa vui thích, xét vì nó phát xuất từ đức mến (ch. 4 và ch. 5).

 
 

Trong bài học thứ hai Chúa giải thích lý do vì sao phải cầu nguyện cho tha nhân : việc cầu nguyện và hy sinh cho tha nhân dựa trên mối dây liên đới giữa mọi người với nhau. Bất cứ việc tốt (nhân đức) và việc xấu (tội lỗi) nào cũng có ảnh hưởng đến tha nhân. Tội lỗi không chỉ làm xúc phạm đến Chúa mà còn làm thiệt hại cho tha nhân nữa (ch. 6). Việc lành cũng ảnh hưởng đến tha nhân bởi vì các nhân đức đều quy về đức ái; thế mà tha nhân – cùng với Thiên Chúa – là đối tượng của đức ái (ch. 7).

 
 

Để cho các nhân đức và hy sinh được đẹp lòng Chúa và có giá trị đền tội, chúng ta cần phải tuân theo vài điều kiện. Đây là bài học thứ ba mà Chúa muốn dạy Catarina. Chúng cần được đặt trên nền tảng của đức khiêm nhường và đức mến. Nói khác đi, chúng cần được điều khiển bởi đức biện phân, biết trao cho ai điều gì thích hợp với họ : với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân (ch. 9). Ba đức khiêm nhường, yêu mến và biện phân  liên hệ chặt chẽ với nhau (ch.10).

 
 

Chúng ta không nên đặt các nhân đức dựa trên nền tảng của việc hãm mình bề ngoài, bởi vì những việc này chỉ là phương tiện mà thôi và bị hạn chế. Duy chỉ có tình yêu mới không có giới hạn. Đôi khi chúng ta cần phải bỏ vài việc hãm mình thân xác, nhưng không bao giờ được ngưng hãm dẹp tính tự ái. Vì thế, sự thánh thiện được đo lường theo mức độ của tình yêu, chứ không theo mức độ của việc hãm mình.

 
 

Sự biện phân cũng phải áp dụng trong lòng yêu mến tha nhân nữa. Đức biện phân bao giờ cũng đi kèm theo các nhân đức chân chính. Thế gian có thể đặt ra những chướng ngại để thực hành các nhân đức, nhưng không tài nào diệt được các nhân đức; ngược lại, nhân đức được nên kiên cường hơn nhờ những thử thách (ch.11).

 
 

Sau khi tóm tắt ba bài học, Chúa Cha khuyên Catarina hãy tỏ ra can trường trước những khó khăn nghịch cảnh, theo gương Đức Kitô đã đi trước. Hoa trái của sự dũng cảm can trường là sự an ủi khôn tả do sự canh tân Hội thánh đem lại (ch.12).

 
 

Những bài học trên đây đã giảm bớt nỗi cay đắng trong linh hồn Catarina nhờ niềm hy vọng sẽ làm ích cho Hội thánh. Đồng thời chúng cũng tăng gia phần nào nỗi cay đắng, bởi vì một khi đã biết Chúa và biết mình thì cũng biết thêm sự xúc phạm mà thọ tạo đã gây cho Chúa. Nếu không có sức mạnh Chúa nâng đỡ, hẳn linh hồn đã tan vỡ vì nỗi thống khổ đó.

 
 

B. TRẢ LỜI CHO KHẨN NGUYỆN THỨ HAI

 
 

Sự chuyển tiếp từ lời khẩn nguyện thứ nhất sang lời khẩn nguyện thứ hai được mang đặc trưng của một cuộc hàn huyên. Niềm xác tín về lòng khoan nhân của Chúa và nỗi cay đắng khi nhận thấy những sự dữ trên thế giới và trong Hội thánh đã thúc đẩy Catarina khẩn nài: "Con sẽ không rời khỏi tôn nhan Cha, bao lâu con chưa thấy Cha thương xót dân này [Hội thánh]" (ch.13; tr. 28).

 
 

Thiên Chúa, Đấng chấp nhận nước mắt và khao khát của những tôi trung của Ngài, đã kể cho Catarina nghe tình trạng khốn đốn làm hoen ố vẻ kiều diễm của Hội thánh, cũng như lỗi của các tín hữu là những kẻ đã được cứu chuộc (ch. 14). Vì thế tội do các tín hữu phạm thì gây ra món nợ nặng hơn nữa. “Hãy múc lấy từ nguồn suối tình yêu của Cha, hãy lấy nước mắt và mồ hôi của các con để lau mặt Hiền thê của Con Cha” (ch.15; tr. 35).

 
 

Bấy giờ thánh nữ lại mở rộng lời cầu nguyện cho tất cả thế giới (ch.16).

 
 

Chúa đáp: “Con ơi, con không thấy người ta xúc phạm đến Cha […], nhất là tội tự ái khốn nạn và ghê tởm, nguồn mạch của mọi tội ác. Chính lòng tự ái này đã đầu độc cả thế giới. […] Vậy các con là những tôi tớ của Cha, các con hãy ra trước nhan Cha với những lời cầu nguyện sốt sắng và lòng ước nguyện của các con với lòng đau đớn vì  đã xúc phạm Cha và vì sự hư mất của người tội lỗi; như vậy các con sẽ làm dịu đi cơn giận của Cha khi phán xét" (ch. 17; tr. 37-38)

 
 

Những lời nói của Chúa đã làm tăng cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau khổ cho thánh nữ. Người ước muốn biến mồ hôi thành ra máu để đền tội cho tha nhân, một khi đã biết được phương dược nào có thể mang lại ơn cứu độ cho thế giới. Nhờ đức ái, linh hồn ý thức về nghĩa vụ phải tôn vinh Thiên Chúa bằng việc cứu rỗi các linh hồn. Nghĩa vụ này bó buộc hết các tôi tớ của Chúa, cách riêng là cha linh hồn của thánh nữ (ch.19).

 
 

Thiên Chúa tỏ cho thánh nữ biết ước muốn của Ngài là cha linh hồn phải sẵn sàng chỉ mưu cầu vinh danh Chúa và sẵn sàng chịu bách hại. Đó là dấu hiệu để Chúa Cha nhận biết cha linh hồn và các tôi trung khác thành thực tìm kiếm vinh quang của Ngài. Lúc đó, họ sẽ trở nên người con yêu dấu dựa trên ngực Chúa Giêsu, Đấng trở nên chiếc cầu để cho hết mọi người có thể tiến đến cùng Thiên Chúa (ch. 20).

 
 

Những lời vừa rồi đã chuyển sang trọng tâm đạo lý của câu trả lời cho điều khẩn nguyện thứ hai, nhằm đến ơn cứu độ thế gian. Con người không thể nào được cứu độ ngoài Đức Giêsu Kitô, Đấng đã được đặt làm Cây Cầu giữa Thiên Chúa và loài người, nối lại dây liên kết đã bị tội lỗi cắt đứt.

 
 

Đức Giêsu là Cây Cầu mà Thiên Chúa đã đặt giữa dòng nước lũ tội lỗi, cắt ngang con đường tới Thiên Chúa và ngăn trở chương trình Chúa đã định cho loài người mà thánh nữ gọi là “chân lý của Thiên Chúa” (ch. 21). Cây Cầu này nối kết sự cao cả của Thiên Chúa với sự thấp hèn của con người (ch. 22).

 
 

Cây Cầu này sẽ không hữu dụng bao nhiêu nếu như con người không muốn hợp tác với Thiên Chúa và không muốn qua cầu ấy. Sự cần thiết của việc cộng tác của con người đưa đến giáo lý về thợ làm vườn nho ở trong vườn của mình và của Hội thánh để được hưởng nhờ công hiệu của Máu Chúa. Chỉ khi nào biết kết hiệp với Đức Kitô, cây nho thật, con người mới có thể phát sinh hoa trái. Cây nào không sinh trái sẽ bị chặt và ném vào lửa (ch. 23).

 
 

Thiên Chúa cắt tỉa tất cả bằng những cuộc thử thách. Mỗi người được gọi làm vườn nho ở trong linh hồn mình. Vườn nho cũng là Giáo hội, nơi mà Đức Kitô là cây nho đích thực đã được trồng. Vườn nho còn là thế giới, và trong đó mọc lên nhiều gai góc bóp nghẹt hạt giống. “Cha muốn cho các con hãy là những nhân công tốt nhiệt thành giúp đỡ các linh hồn trong nhiệm thể của Giáo hội. Đó là lý do mà Cha đã chọn các con: Cha muốn tỏ lòng thương xót cho thế giới, điều mà con tha thiết cầu xin” (ch. 24; tr. 48).

 
 

Thánh nữ liền bộc lộ lời ngợi khen Thiên Chúa vì lời hứa đó (ch. 25).

 
 

Bài học kế tiếp của Thiên Chúa bàn về những đặc trưng của Cây Cầu mà Ngài đã dựng lên để cứu độ nhân loại :

 
 

-          Cây Cầu này có ba bậc (hai bàn chân, cạnh sườn, miệng), được dựng lên cao để thu hút mọi sự về với mình (ch. 26).

 
 

-          Cây Cầu được xây bằng những viên đá của những nhân đức. Vì thế Chúa Giêsu tự ví như là đường; ai đi qua Người thì sẽ đến với Thiên Chúa là Chân lý; ai không đi qua Người thì sẽ qua con đường của gian dối (ch. 27). Kẻ nào rời bỏ con đường thứ nhất để sang con đường thứ hai thì thật là mù quáng (ch. 28).

 
 

-          Cây Cầu này luôn hiện diện giữa loài người dưới nhiều hình dạng khác nhau, cho dù Đức Kitô đã lên trời (ch. 29).

 
 

Sau khi được nghe bài học về việc Thiên Chúa đã trao ban chính mình qua cuộc Nhập thể của Đức Kitô, thánh nữ thốt lên bài ca chúc tụng (ch. 30).

 
 

Bài giáo huấn được tiếp tục. Những ai khước từ không muốn đi qua Cây Cầu của Đức Kitô thì sẽ thành nạn nhân của nhiều sự khốn khổ:

 
 

-          Thay vì là những cây của tình yêu, họ trở thành những cây của sự chết (ch. 31), với bốn hậu quả như sau: ô uế về linh hồn và thân xác (ch. 32); tham lam của cải, con đẻ của tính kiêu ngạo và nuôi dưỡng nó (ch.33);  tự kiêu gây ra nhiều bất công (ch. 34); phán đoán lệch lạc về đường lối của Thiên Chúa (ch. 35).

 
 

-          Sự phán xét của Chúa Kitô dành cho họ dưới nhiều dạng thức (ch. 36):  a/ họ bị Thánh Thần khiển trách qua lời giáo huấn và tấm gương của các tôi trung của Chúa; b/ họ bị khiển trách vào lúc lâm chung, nếu không chịu sửa mình; c/ họ bị khiển trách vì tội bất công đã phạm khi họ chọn khổ sở cho mình thay vì lòng khoan nhân của Chúa (ch. 37). (Bốn hình khổ dành cho những kẻ không chịu hối cải sau khi bị khiển trách: mất phúc hưởng kiến; lương tâm dày vò; phải nhìn thấy qủy, bị lửa thiêu đốt : ch. 38); d/ họ bị khiển trách vào lúc chung thẩm, làm tăng thêm hình khổ (ch. 39), nhưng họ không thể nào yêu mến được nữa bởi vì ý chí của họ đã cố chấp trong sự dữ (ch. 40), cũng giống như ý muốn của những người lành đã gắn chặt vào việc chọn lựa điều tốt lành (ch. 41). Những người lành thánh sẽ được nhìn thấy Chúa Kitô, chia sẻ hạnh phúc của kẻ công chính, kết hiệp linh hồn với thân xác đã được thánh hóa nhờ nhân tính của Đức Kitô (ch. 42).

 
 

Ngay từ đời này, những kẻ khước từ đi qua Cây Cầu của Đức Kitô để theo ma quỷ đã phải lãnh chịu nhiều tai họa rồi :

 
 

-          Họ bị ma quỷ lường gạt. Ma qủy trở thành lý hình của những kẻ bị luận phạt, trong khi đối với người lành, hắn trở thành dịp để họ lập công trạng. Những kẻ dữ thì nộp mạng cho ma quỷ; còn người lành thì chống cự ma quỷ nhờ lòng hy vọng vào Máu thánh (ch. 43).

 
 

-          Họ mắc phải những điều khốn khổ mà họ muốn tránh : họ bị ma quỷ lừa gạt dưới hình dạng của điều tốt (ch. 44). Những kẻ đi theo Chúa Kitô thì không sợ đau khổ, bởi vì nhờ đức tin soi sáng, họ tìm thấy niềm hạnh phúc khi chọn lựa điều hợp với ý Chúa, vì biết những công phúc do sự nhẫn nại (ch. 45).

 
 

-          Họ trở thành mù quáng do lòng tự ái, nguồn gốc của các tội xấu (ch. 46). Nhờ ánh sáng đức tin hướng dẫn, những người lành biết sử dụng những của cải thế gian mà không bỏ mất Chúa (ch. 47) bởi vì họ làm chủ được chúng, còn người xấu thì bị làm nô lệ cho chúng và để cho chúng hành hạ (ch. 48).

 
 

-          Đôi khi vì sợ hãi, những kẻ tội lỗi gắng thoát ra khỏi tình trạng xấu xa, nhưng họ lại sớm tái phạm. Vì nguội lạnh, thiếu kiên trì, họ thụt lùi và lại sa ngã (ch. 49).

 
 

Thánh nữ bày tỏ lòng xót xa vì tình trạng mù quáng của loài người, và xin Chúa Cha giải thích thêm về ba cấp bậc tượng trưng nơi thân thể của Đức Kitô (ch. 50).

 
 

Trước hết, ba cấp bậc của Cây Cầu được giải thích theo hình ảnh của ba tài năng của linh hồn (trí nhớ, trí tuệ, ý muốn). Để khỏi bị cuốn theo dòng nước của tội lỗi, cả ba tài năng cần phải được liên kết với nhau trong danh Đức Kitô, ngõ hầu Người hiện diện trong linh hồn (ch. 51). Sự kết hợp giữa ba tài năng là bí quyết của sự bền chí (ch. 52), cho tới khi đạt tới nước hằng sống mà Đức Kitô cống hiến (ch. 53). Lòng khao khát nước đó và sự kết hợp ba tài năng bảo đảm cho đức ái tồn tại trong linh hồn. Hình ảnh ba cấp độ mô tả tiến trình trong mỗi linh hồn để đạt được đức ái (ch. 54).

 
 

Tất cả mọi người, không trừ ai, đều phải bước vào chặng khởi đầu, đó là đức ái (ch. 55). Kế đó có ba trạng thái hay ba cấp độ của linh hồn, tương ứng phần nào với ba cấp bậc của Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá: kẻ làm thuê, tôi tớ trung thành, bạn hữu và con cái (ch. 56-57).

 
 

Những kẻ phụng sự Chúa với tâm tình sợ hãi nô lệ thì còn ở vào cấp độ thứ nhất. Sự sợ hãi nô lệ không bền; vì thế cần được biến đổi thành sự sợ hãi thánh thiện, nghĩa là sợ làm mất lòng Chúa, chứ không phải là sợ hình phạt. Đây là tình trạng của những người đã biết liên kết các quan năng (ký ức để nhớ lại tội lỗi, trí hiểu để nhìn biết hình phạt, ý chí để ghét tội) nhưng vẫn còn chú trọng đến hình phạt hơn là nhân đức và tình yêu (ch. 58-59). Họ phụng sự Chúa với tình yêu bất toàn, mà dấu hiệu là tình yêu sẽ giảm sút khi gặp thử thách hoặc khi không còn được an ủi. Thường tình ta bắt đầu từ tình yêu bất toàn này như trường hợp của thánh Phêrô. Dĩ nhiên là Chúa cũng chấp nhận tình yêu đó và cũng ban ơn đáp lại, nhưng Ngài chưa thông ban những bí mật con tim dành cho bạn hữu.

 
 

Kế đó là những kẻ mến Chúa với tình yêu bạn hữu. Sau khi được thanh luyện khỏi tình yêu tôi tớ, họ tiến tới tình yêu bạn hữu (ch. 60). Thiên Chúa thông ban cho họ nhiều hồng ân khác thường, cách riêng là sự hiện diện của Ngôi Lời và của Thánh Linh trong tâm trí (ch. 61). Đó là điều mà Chúa Giêsu đã hứa: “Ai yêu mến Thầy … Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy… Cha của Thầy và Thầy sẽ ở lại trong người ấy” (ch. 62). Chính Thiên Chúa sẽ thanh luyện tình yêu của họ như Ngài đã thực hiện nơi các tông đồ (ch. 63). Bằng chứng của lòng mến Chúa trọn hảo là tình thương đối với tha nhân (ch. 64).

 
 

Những giáo huấn tiếp theo nhằm trả lời cho nguyện vọng muốn được chỉ giáo về những phương thế để đạt đến tình yêu bạn hữu và duy trì trình độ đó.

 
 

Trước hết là cầu nguyện liên lỉ - bất chấp những cám dỗ của ma quỷ (ch. 65), nhờ vậy linh hồn hiểu biết được tình yêu của Thiên Chúa, được mặc khải cách riêng nơi Máu Thánh. Việc cầu nguyện này không phải chỉ diễn ra bằng kinh đọc ngoài môi miệng nhưng là trong tâm trí, nhờ đó ta có thể biết mình cũng như biết Chúa, một yếu tố quan trọng để chiến thắng ma quỷ (ch. 66).

 
 

Ta phải yêu mến Chúa vì Chúa, như là cùng đích, không phải vì những sự an ủi ngọt ngào mà ta nhận được như vài người lầm tưởng (ch. 67), bởi vì họ không hiểu tường tận về mục tiêu của các sự an ủi (ch. 68), hoặc khi họ bám víu vào sự an ủi cá nhân mà xao lãng việc bác ái với tha nhân (ch. 69); từ đó họ đâm ra buồn chán khi không nhận được sự an ủi (ch. 70), hoặc mắc lừa ma quỷ hiện ra dưới hình thù của ánh sáng (ch. 71). Chúa khuyên Catarina và các tôi tớ khác hãy cảnh giác trước những ảo tưởng đó.

 
 

Những đặc trưng và hoa trái của trạng thái “tình yêu bạn hữu” có thể kể ra như sau:

 
 

-          Cũng như các bạn hữu, linh hồn nhắm đến Đấng ban ơn hơn là ơn ban (ch. 72). Nhờ biết Chúa và biết mình, linh hồn thủ đắc một lương tâm tinh tế và trung thành với việc cầu nguyện (ch. 73).

 
 

-          Khi đã trút bỏ sự sợ hãi, giống như các thánh tông đồ, linh hồn sẽ dấn thân phục vụ tha nhân (ch. 74).

 
 

-          Họ cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa từ cạnh sườn của Đấng Chịu khổ nạn, với dòng máu trào ra rửa họ sạch tội lỗi (ch. 75).

 
 

Cấp bậc thứ ba là tình trạng của con cái (tuy không tách rời khỏi tình trạng bằng hữu) được tượng trưng nơi miệng của Đấng Chiụ khổ nạn. Linh hồn đã lên tới cấp độ này thì thi hành những chức năng của giống như miệng, tức là: nói (bên trong, bằng lời nguyện và lòng ước ao; bên ngoài, bằng lời giảng và khuyên răn), nếm (“ăn các linh hồn”, chứ không chỉ thèm khát mà thôi, trao ban bình an bằng cái hôn (ch. 76).

 
 

Những đặc trưng và hoa trái của trạng thái này là:

 
 

-          Họ nổi bật về các nhân đức nhẫn nại, mạnh bạo, vững tâm (ch. 77)

 
 

-          Họ chỉ tìm thấy vinh dự trong Đấng Chịu khổ nạn mà thôi, chứ không nơi những an ủi. Thiên Chúa Ba ngôi đến ngự trong họ, dự tiệc với họ, cũng như với Đức Giêsu lúc ở trên thập giá, dù phải nếm cảnh âu sầu (ch. 78).

 
 

-          Nỗi khổ tâm của họ là cảm thấy mình trở về với cõi đời này sau khi đã nếm hưởng hạnh phúc kết hiệp với Thiên Chúa (ch. 79).

 
 

-          Họ cảm nhận lòng Chúa khoan nhân tỏa sáng kể cả nơi kẻ tội lỗi (ch. 80), là những kẻ Chúa dùng để giúp họ tăng tiến về nhân đức (ch. 81); dĩ nhiên là họ cảm nhận lòng Chúa khoan nhân nơi các phúc nhân trên trời (ch. 82). Giống như thánh Phaolô sau khi được nhấc lên tầng trời thứ ba (ch. 82), họ ước mong được thoát khỏi thân xác (ch. 84). Đó chính là ánh sáng đã chiếu soi các thánh nhân và ban cho họ sự thông hiểu vượt xa hết mọi kiến thức của nhân loại (ch. 85).

 
 

Tóm lược những điều đã nói trên. "Cha sẽ làm thoả mãn lòng các con khao khát canh tân Hội thánh […] Bởi vì Cha muốn cho các con trở nên hữu dụng cho tha nhân, và nhờ vậy mà các con mang lại hoa trái cho vườn nho […] Các con hãy không ngừng dâng lên Cha hương thơm của những lời nguyện cầu cho ơn cứu độ các linh hồn. Cha muốn thi thố lòng thương với thế giới, và với những lời cầu nguyện, những mồ hôi và nước mắt này, Cha muốn rửa khuôn mặt của Hiền thê Con Cha là Hội thánh" (ch. 86; tr. 180).

 
 

Lẽ ra câu trả lời cho lời van nài thứ hai có thể kết thúc nơi đây. Ơn cứu độ nằm ở nơi Đức Giêsu là chiếc cầu với những cấp bậc dẫn đưa linh hồn từ ngưỡng cửa sợ hãi nô lệ lên đến tình yêu trọn hảo, và đi vào thâm cung của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thánh nữ nhận xét rằng sự chuyển tiếp từ cấp này sang cấp khác không bao giờ xảy đến nếu không có nước mắt, vì thế Người xin Chúa giải thích thêm (ch. 87). Chúa Cha đã trả lời và giải thích 5 loại nước mắt (ch. 88):

 
 

-          nước mắt đưa tới chỗ chết;

 
 

-          nước mắt vì tội đã phạm, bắt đầu dẫn đến sự sống;

 
 

-          nước mắt của tình yêu bất toàn;

 
 

-          nước mắt của lòng thương xót đối với tha nhân;

 
 

-          nước mắt dịu ngọt do sự kết hiệp với Thiên Chúa. Mối liên hệ giữa hai thứ nước mắt cuối cùng được bàn thêm trong chương 89. Ma quỷ bỏ chạy khi gặp những kẻ đạt tới sự trọn lành (ch. 90). Nói thêm về nước mắt bằng lửa và lòng ước ao nồng nhiệt (ch. 91).

 
 

Giá trị của nước mắt nằm ở động lực của nó, nghĩa là bắt nguồn từ lòng khát khao vô biên, vẫn tiếp tục ở bên kia thế giới (ch. 92).

 
 

Hoa trái của nước mắt khác nhau tuỳ loại. Nước mắt của thế gian chỉ đưa đến cái chết và chẳng ích lợi gì cho tha nhân (ch. 93), và sẽ bị quật ngã bởi bốn cơn gió của thịnh vượng, sợ hãi, nghịch cảnh và ray rứt (ch. 94).  Hoa trái của ba loại nước mắt kế tiếp (thứ 2, thứ 3, thứ 4) là thanh luyện tội lỗi, thủ đắc nhân đức, khao khát phần rỗi tha nhân, dũng mạnh và êm dịu (ch. 95). Hoa trái của loại nước mắt thứ năm là ơn kết hiệp với Thiên Chúa, mà miệng lưỡi không thể nào diễn tả nổi (ch. 96).

 
 

Trước khi bước sang câu trả lời cho điều khẩn nài thứ ba, thánh nữ xin Chúa Cha soi sáng thêm về cách thức dạy dỗ người khác, về sự phân định khi phán đoán người khác, về dấu hiệu nhận biết Chúa viếng thăm linh hồn (ch. 97). Chúa Cha đã nhận lời cầu, và giáo huấn về ba thứ ánh sáng nội tại :

 
 

-          Một thứ ánh sáng chung, nhìn thấy mọi vật mau tàn, bản thân mỏng dòn. Đây là điều cần thiết cho hết mọi người để xa tránh tội lỗi (ch. 98).

 
 

-          Hai là ánh sáng hoàn hảo, của những người biết hãm mình phạt xác, nhưng với nguy cơ là ít quan tâm đến việc dẹp bỏ tự ái (ch. 99).

 
 

-          Thứ ba là ánh sáng tuyệt hảo, khi biết hoà hợp ý mình với ý Chúa, trung thành đi theo Đức Kitô, từ bỏ tự ái, không xét đoán tha nhân, đi tìm ý Chúa (ch.100), và được nếm trước hạnh phúc bất diệt (ch.101).

 
 

Chúa dạy cho thánh nữ biết cách sửa lỗi tha nhân mà không làm tổn thương bác ái (ch. 102), và cũng đừng quá dễ tin vào ảo tưởng nhận được lúc cầu nguyện (ch. 103).

 
 

Những hình thức đền tội không có cùng chung một khuôn cho hết mọi người, và cũng chẳng phải là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường sự thánh thiện (ch. 104). Tóm tắt (ch. 105).

 
 

Ơn an ủi do Chúa ban thì đi kèm với lòng khao khát tập nhân đức, với lòng khiêm nhường và lòng yêu mến nồng nhiệt. Phải cư xử thế nào khi được an ủi (ch. 106).

 
 

Chúa tỏ cho thánh nữ biết là Ngài rất hài lòng vì những lời cầu khẩn sốt sắng và tin tưởng: "Cha không muốn để ước nguyện của con phai mờ đi, cũng không muốn con ngưng kêu cầu sự trợ giúp của Cha […] Con hãy gào thét lên, hãy kêu la xin Cha thương xót thế gian" (ch.107; tr. 235).

 
 

Thánh nữ ngây ngất dâng lời tạ ơn và khẩn nài (ch.108). Chúa Cha thúc gịuc ngài cầu nguyện liên lỉ (ch.109).

 
 

C. TRẢ LỜI CHO KHẨN NGUYỆN THỨ BA

 
 

Sau lời cầu nguyện của thánh nữ cho các tác viên trong Hội thánh, Chúa Cha đề cập đến vấn đề thứ ba, về sự canh tân Giáo hội.

 
 

Trước hết, bàn về sự cao quý của chức linh mục :

 
 

-          Các linh mục là những tác viên của Anh sáng, của Máu thánh (ch.110), và những ân huệ kèm theo (ch.111 và 112).

 
 

-          Các linh mục được Chúa thánh hiến; vì thế họ phải trở nên thiên thần ở dưới đất (ch.113), vô vị lợi (ch.114), noi gương các vị tiền nhiệm thánh thiện. Các linh mục giữ chìa khoá của Máu thánh (ch.115).

 
 

-          Cần kính trọng các linh mục do lòng tôn kính Máu thánh mà các ngài phục vụ. Những xúc phạm đến linh mục bị coi như xúc phạm đến Chúa (ch.116). Những ai tấn công các linh mục là dụng cụ của ma quỷ (ch.117). Những khuyết điểm của hàng linh mục không thể trở thành lý do để tấn công Giáo hội (ch.118).

 
 

-          Các linh mục ví như mặt trời, cung cấp ánh sáng và sức nóng cho các linh hồn. Họ cần phải dạy bảo sửa chữa các tội nhân, hy sinh phục vụ hết mọi người (ch.119).

 
 

-          Tóm tắt về chức vụ cao trọng của các linh mục, đòi buộc họ nên thánh. Vì thế cần kính trọng các linh mục, để tỏ lòng kính trọng với Máu thánh Chúa.

 
 

Từ những điều vừa nói, ta sẽ hiểu hơn tình trạng tồi tệ của các linh mục bất xứng :

 
 

-          Nguyên tắc chỉ đạo của họ là tự ái. Từ đó sinh ra tính kiêu căng, tham lam của cải, bóc lột các linh hồn (ch.121).

 
 

-          Lỗi công bình với Chúa và với tha nhân (ch.122).

 
 

-          Tà dâm (ch.123), trong khi chức vụ đòi hỏi phải trong trắng hơn các thiên thần. Chúa tìm mọi cách để thức tỉnh họ (ch.124).

 
 

-          Họ không dám sửa lỗi kẻ thuộc quyền, bởi vì sợ mất cảm tình. Nếu là tu sĩ, họ không giữ kỷ luật và lời khấn, cư xử bất công với bề dưới (ch.125).

 
 

-          Họ làm nô lệ cho tật dâm dục (ch.126), tham lam, hám hố chức quyền (ch.127), kiêu căng (ch.128). Họ không còn xứng đáng với chức thánh, và rơi vào đủ thứ tội lỗi (ch.129). Nếp sống của họ trở nên phàm tục (ch.130).

 
 

Sự đối chiếu giữa các linh mục thánh thiện và tội lỗi được biểu lộ vào lúc lâm chung. Với linh mục thánh thiện, không ai có thể trách cứ điều gì. Các ngài ra đi với tâm hồn an vui, tràn ngập niềm hy vọng (ch.131). Còn linh mục tội lỗi thì bị trách móc từ mọi phía: do ma quỷ, do lương tâm bất ổn, do các tài sản bất chính, do xao lãng kinh nguyện (ch.132).

 
 

Tóm tắt. Thiên Chúa khuyên nhủ thánh nữ hãy than khóc những người hư hỏng, cầu nguyện cho họ. Việc cầu nguyện cho sự canh tân Giáo hội là dấu hiệu của lòng mến Chúa chân thành (ch.133). Thánh nữ Catarina đã van xin Chúa cho các linh mục và các linh hồn (ch.134).

 
 

D. TRẢ LỜI CHO KHẨN NGUYỆN THỨ BỐN

 
 

Đối tượng của lời khẩn nguyện này là một "hoàn cảnh cá biệt đã xảy ra". Ở chương 139, Thiên Chúa đã tỏ cho thánh nữ biết về số phận trầm luân của một kẻ vô danh. Ngài cũng soi sáng cho biết về sự quan phòng, cho phép đương sự phải chịu án tử hình ngõ hầu được thoát khỏi cái chết muôn đời. Dựa trên cảm nghiệm đó, thánh nữ bàn về Chúa Quan Phòng, về những cách thức Thiên Chúa điều khiển thế giới.

 
 

-          qua sự tạo dựng, cách riêng là nơi con người là hình ảnh Thiên Chúa;

 
 

-          qua cuộc cứu chuộc loài người;

 
 

-          qua thần lương của bí tích Thánh thể (ch.135);

 
 

-          qua niềm hy vọng mọi người sẽ được cứu độ;

 
 

-          trong hết mọi thời đại (ch.136) và hoàn cảnh, dù thuận lợi hay bất lợi, kể cả vào lúc xem ra hoàn toàn trái nghịch (ch.137). Vì thế đừng ai tỏ ra bất mãn về đường lối của Chúa (ch.138).

 
 

-          qua một trường hợp cá biệt đã xảy ra (ch.139). Con người thường mắc tính thiển cận khi xét đoán kế hoạch của Thiên Chúa (ch.140). Mù quáng vì không nhận ra sự quan phòng trong các nghịch cảnh, hoặc không nhận thấy lòng nhân hậu của Chúa dành cho người lành và người dữ (ch.141).

 
 

-          qua sự lo liệu cho những nhu cầu thể xác và tinh thần; qua việc can thiệp kỳ diệu nơi bí tích Thánh Thể (ch.142).

 
 

-          đối với kẻ tội lỗi: gây lên sự hối hận, ban ơn tha thứ nhờ lời cầu nguyện của những tôi tớ trung tín (ch.143);

 
 

-          đối với những kẻ bất toàn, thúc đẩy họ tiến tới bằng cách để cho họ mất mát các niềm an ủi trần tục (ch.144);

 
 

-          đối với người trọn lành, qua những thử thách giúp họ kiện cường trong đức khiêm nhường (ch.145);

 
 

-          qua lời của Chúa Kitô để biến những người tôi trung thành những nhà hoạt động tông đồ (ch.146), và giúp họ được nên đồng hình đồng dạng với Người (ch.147);

 
 

-          qua tha nhân, bằng việc tương trợ lẫn nhau bởi vì ai ai cũng cần sự hỗ trợ của người khác (ch.148). Sự quan phòng dành cho những kẻ túng thiếu bằng đường lối thông thường và bất thường (ch.149). Vì thiếu tin tưởng vào Chúa quan phòng cho nên nảy sinh tính tham lam, kèm theo tính tự phụ và các tội khác (ch.150). Ngược lại, những ai tình nguyện chấp nhận sự nghèo khó thì sở hữu tất cả mọi sự và tạo được mọi nhân đức, giống như Đức Kitô. Ca ngợi đức thanh bần (ch.151).

 
 

Sau khi tóm tắt những điều trên đây, thánh nữ tạ ơn Chúa (ch.152). Tuy lời khẩn nài thứ tư đã được giải đáp, nhưng thánh nữ móc nối thêm đề tài về đức vâng phục (có lẽ gắn liền với lời khẩn nài thứ ba thì hợp lý hơn, khi đề cập đến sự canh tân Giáo hội).

 
 

Chúa Cha đã dạy cho thánh nữ :

 
 

-          về  cội nguồn của đức vâng phục nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người (ch. 154);

 
 

-          về đức vâng phục thông thường, nghĩa là tuân giữ các điều răn của Chúa (ch.155), là điều kiện cần thiết để tránh tội và tiến đức (ch.156);

 
 

-          về đức vâng phục đặc biệt, mà vài người tình nguyện khấn giữ hoặc ở trong dòng tu hay ở ngoài đời (ch.157), để tiến đến sự trọn lành. Tuy nhiên sự trọn lành không hệ tại gia nhập dòng tu cho bằng thực hành các nhân đức của đời tu trì (ch.158). Xét về đức vâng lời, ta thấy có nhiều hạng tu sĩ: a/ Có những kẻ khiêm nhường và vâng lời đích thực; nhờ đức tin họ biết những ích lợi của đức vâng lời và những nguy hại của sự bất tuân phục (ch.159); họ được Chúa ban thưởng bội hậu (ch.160). b/ Những kẻ bất tuân phục: họ là những cây hoa trái sự chết (ch.161). c/ Những kẻ lưng chừng nguội lạnh; phương thế tránh tình trạng đó (ch.162).

 
 

-          ca ngợi đức vâng phục và khuyến khích thực hành (ch.163).

 
 

-          về việc thực hành đức vâng phục của kẻ sống ngoài đời. Dù sao, giá trị của đức vâng phục được đo lường theo lòng yêu mến khi thực hành nhân đức (ch.164). Gương thực hành vâng phục nơi các nhà tu hành trên sa mạc (ch.165).

 
 

Tóm lược những giáo huấn của cuộc đối thoại, và khuyến khích các tôi trung hãy cầu nguyện cho thế giới, khẩn xin lòng Chúa thương xót nhân loại (ch.166).

 
 

Thánh Catarina chỉ còn biết dâng lời tạ ơn và chúc tụng, cùng với lời khiêm tốn khẩn nài của kẻ ý thức rằng thân phận mình chỉ là “hư vô” trước mặt Chúa (ch.167).

 

 

.

114.864864865135.135135135250