28/07/2010 -

Linh đạo Đa Minh

983
 

 

 

CHƯƠNG II

 

CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG SÁCH ĐỐI THOẠI

 
Nt. Maria Đinh Thị Sáng, op
 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op

 

 

Sách Đối Thoại của Thánh Catarina khi mới thành hình đã không có tên gọi. Chị Thánh Catarina trong Lá thư số 365 gọi tác phẩm của mình bằng một danh từ trống là "quyển sách" (Il Libro) hoặc "sách của tôi" (mio Libro). Sau này Cha Raymonđô Capua, vừa là vị linh hướng vừa là môn sinh của thánh nữ, là người đầu tiên đặt tựa đề "Đối thoại của thánh Catarina" hoặc "Đạo lý của thánh nữ".

 

Một thủ bản của bản dịch ra tiếng Latinh vào khoảng năm 1398 mang tựa đề là "Sách bàn về Chúa Quan phòng".

 

Người ta còn quen gọi sách Đối Thoại với những tên khác nhau : "Đối thoại" (Il Dialogo), "Những cuộc đối thoại" (I dialoghi), "Đối thoại về đạo lý" (Dialogo della divina dottrina), "Sách nói về Chúa mặc khải" (Libro della divina rivelazione), "Sách viết về Chúa Quan phòng" hoặc "Khảo luận về Chúa Quan phòng" (Dialogo o Trattato o Libro della divina provvidenza), "Sách viết về lòng Thương Xót Chúa" (Il Libro della Misericordia).

 

Thật vạy, trong phần bố cục chúng ta sẽ thấy đề tài về Chúa Quan phòng được bàn trong phần thứ tư (từ chương 135 đến chương 152) của quyển sách. Tuy nhiên ngoài đề tài Chúa Quan phòng, còn nhiều đề tài khác không kém phần quan trọng, chẳng hạn như: Lòng thương xót của Chúa, Chân lý, Sự hiểu biết, Đức mến, Hạnh phúc, vv.

 

I.  CÁC TIÊU ĐỀ

 

Theo truyền thống, thánh nữ đã đọc cho ba thư ký (Barduccio Canigiani, Stefano Maconi e  Neri di Landoccio) viết những gì đã diễn ra trong cuộc xuất thần. Vì thế, nguyên tác không phân chia thành quyển, chương và mục. Nhằm giúp các độc giả dễ theo dõi nội dung của quyển sách, người ta đã phân chia thành chương mục, có lẽ ngay sau khi thánh nữ qua đời. Một số ấn bản xưa cũng mở đầu các chương bằng những tóm tắt nội dung[1]. Sau đây là những tiêu đề  của 167 chương :

 

  1. Linh hồn kết hiệp với Chúa nhờ cầu nguyện như thế nào, và linh hồn Catarina dâng lên cùng Chúa bốn lời nguyện xin.

  2. Khao khát của linh hồn Catarina càng gia tăng khi được Chúa tỏ cho thấy những hoàn cảnh bức thiết của thế giới.

  3. Việc lành của thụ tạo không đủ để đền bù tội lỗi đã phạm và trổ sinh ân thưởng, nếu thiếu lòng mến siêu nhiên.

  4. Niềm khao khát và lòng sám hối ăn năn có thể đền bù được lỗi lầm và hình phạt cho bản thân và cho người khác, nhưng có khi chỉ đền bù lỗi lầm chứ không đền bù hình phạt.

  5. Khao khát chịu đau khổ vì phần rỗi các linh hồn thì luôn làm đẹp lòng Chúa.

  6. Mọi nhân đức và tật xấu đều được thực hiện qua môi giới của tha nhân.

  7. Các nhân đức được điêu luyện nhờ tha nhân và tại sao có nhiều loại nhân đức khác nhau.

  8. Các nhân đức chịu thử thách và nên vững mạnh bởi những nghịch cảnh.

  9. Cần chú tâm đến việc thực hành nhân đức, hơn là đến sự buồn sầu thống hối.

  10. Đức ái, đức khiêm nhường và đức biện phân liên hệ với nhau như thế nào. Linh hồn phải sống kết hợp với ba nhân đức đó.

  11. Cần phải coi việc đền tội và hãm mình như là phương thế dẫn tới các nhân đức, chứ không phải như mối bận tâm chính yếu. Những hình thức và hoạt động của đức biện phân.

  12. Nhắc lại một vài điều đã nói ở trên : Chúa hứa an ủi các tôi tớ Người và canh tân Hội thánh bằng con đường đau khổ.

  13. Được Thiên Chúa trả lời, linh hồn Catarina cảm thấy cay đắng lúc tăng lúc giảm. Linh hồn cầu nguyện cho Hội Thánh và dân Chúa.

  14. Chúa than phiền về dân của Ngài, cách riêng về các thừa tác viên của Ngài là những người lãnh đạo. Trình bày một vài điều về Bí tích Mình Thánh Chúa và hồng ân của mầu nhiệm Nhập thể.

  15. Tội lỗi phải chịu hình phạt nặng hơn kể từ khi Đức Kitô chịu khổ nạn. Thiên Chúa thương xót thế gian và Hội thánh nhờ sự cầu nguyện và chịu đau khổ của các tôi tớ Ngài.

  16. Linh hồn Catarina luôn luôn nhận biết lòng nhân hậu của Chúa, linh hồn không chỉ cầu nguyện cho các Kitô hữu và cho toàn thể Hội Thánh mà còn cho toàn thế giới.

  17. Chúa phàn nàn về các loài thụ tạo có lý trí của Ngài, nhất là về sự yêu mình ngự trị ở trong họ. Ngài khuyên linh hồn Catarina cầu nguyện và than khóc.

  18. Không ai có thể thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa vì người ấy phải ở trong lòng thương xót của Ngài hoặc bị xét xử công minh.

  19. Ngày càng nung nấu vì lòng yêu mến, linh hồn Catarina ước ao đổ mồ hôi máu ra. Tự trách mình xong linh hồn dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt cho cha linh hướng của mình.

  20. Không chịu đựng được những gian truân cách nhẫn nhục thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa khuyến dụ linh hồn Catarina và cha thiêng liêng của linh hồn hãy nhẫn nại chấp nhận mọi gian truân.

  21. Con đường dẫn lên trời đã bị cắt đứt vì tội bất tuân phục của Ađam, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Con Ngài trở thành Cây Cầu để người ta có thể qua đó mà lên trời.

  22. Thiên Chúa mời gọi linh hồn nhìn xem sự lớn lao của cây cầu bắc từ đất lên tới trời.

  23. Tất cả chúng ta là những người thợ trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội. Mỗi người có một vườn nho trong chính bản thân mình. Chúng ta là ngành nho cần phải kết hợp với cây nho đích thực là Con Thiên Chúa.

  24. Thiên Chúa tỉa những ngành nho đang gắn liền với cây nho nghĩa là các tôi tớ của Người. Vườn nho của mỗi người gắn liền với vườn nho của tha nhân, nên không thể vun tưới hoặc phá hoại vườn này mà không ảnh hưởng đến vườn kia.

  25. Sau khi đã ca ngợi Chúa, linh hồn xin Chúa cho mình thấy những người đi qua cầu và những kẻ không qua.

  26. Cây cầu diễn phúc này có ba bậc tượng trưng cho ba trạng thái của linh hồn. Cây cầu vươn lên rất cao nhưng không tách khỏi đất. Phải hiểu thế nào về lời Đức Kitô đã nói : "Sau khi được nâng cao lên khỏi đất, Thầy sẽ kéo mọi sự lên với Thầy" (Ga 12, 32)

  27. Cây cầu được xây bằng những viên đá, có nghĩa là những nhân đức đích thực. Trên cầu có một lữ quán nơi cung cấp lương thực cho khách đi đường. Những ai đi trên cầu thì đi vào cõi sống còn ai đi dưới gầm cầu sẽ đi vào cõi chết.

  28. Người ta vất vả đi theo con đường cầu hay đi con đường sông. Linh hồn cảm nhận hạnh phúc khi đi trên cầu.

  29. Cây cầu này đã vươn tới trời vào ngày Chúa Giêsu thăng thiên, nhưng không rời bỏ trái đất.

  30. Cảm mến lòng thương xót của Thiên Chúa, linh hồn Catarina kể ra rất nhiều ân sủng và hồng ân Chúa đã ban cho loài người.

  31. Sự hèn hạ của những kẻ đi qua sông dưới gầm cầu; Thiên Chúa gọi họ là những cây chết, thứ cây đâm rễ vào bốn nết xấu làm đầu.

  32. Những trái của cây này cũng rất đa dạng như các tội lỗi. Trước hết là tội xác thịt.

  33. Những trái khác là tính tham lam và những điều xấu bởi đó mà ra.

  34. Những kẻ có quyền thế và những bất công của họ.

  35. Người ta để mình rơi vào những phán đoán sai lầm, với những lỗi lầm này và những khuyết điểm khác.

  36. Giải thích lời của Đức Kitô : "Thầy sẽ sai Đấng An ủi đến, Người sẽ trách cứ thế gian về tội bất chính và phán đoán sai lầm" (Ga 6, 8). Tại sao một   trong những lời trách cứ này sẽ còn mãi ?

  37. Lời tố cáo thứ hai : người ta bị trách cứ về tội bất chính và phán đoán sai lầm nói chung và nói riêng.

  38. Bốn cực hình chính quy tụ các cực hình khác. Nói riêng về sự xấu xa của ma quỷ.

  39. Lời tố cáo thứ ba sẽ diễn ra vào ngày phán xét.

  40. Những kẻ bị trầm luân không thể nào muốn hay ước ao điều thiện nào nữa.

  41. Vinh hiển của các phúc nhân.

  42. Khổ hình của các kẻ bị trầm luân sẽ gia tăng sau phán xét chung cuộc.

  43. Ích lợi của những cơn cám dỗ. Mỗi linh hồn vào lúc chết, trước khi lìa khỏi xác, sẽ nhìn thấy nơi chốn và nếm được phần vinh phúc hoặc hình phạt sẽ dành cho mình.

  44. Ma quỷ lừa dối các linh hồn bằng cái vỏ của sự thiện hảo. Những linh hồn qua sông mà không đi trên cầu đã bị lừa dối : chúng muốn tránh đau khổ nhưng lại rơi vào đó. Linh hồn Catarina được thị kiến về một cây.

  45. Vì tội lỗi, thế gian bị đâm gai góc và đau đớn. Những ai không bị gai nhọn làm đau đớn, mặc dù không ai không gặp đau khổ ở đời này ?

  46. Sự dữ do tăm tối của trí tuệ mà ra. Làm việc lành mà không có ân sủng thì không có giá trị cho sự sống đời đời.

  47. Không thể tuân giữ các giới răn của Chúa nếu không vâng theo các lời khuyên Phúc âm. Linh hồn có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa trong mỗi bậc sống của mình, miễn là có ý muốn tốt lành và thánh thiện.

  48. Những kẻ mê sự thế gian không bao giờ thoả mãn với những cái đã đạt được. Những kẻ có ý muốn gian tà sẽ chuốc lấy hình phạt ngay ở  đời này.

  49. Sự sợ hãi theo kiểu nô lệ không đủ để chiếm được sự sống đời đời, nhưng sự sợ hãi này có thể dẫn tới chỗ yêu mến các nhân đức.

  50. Linh hồn Catarina chịu nỗi cay đắng lớn lao vì sự mù quáng của những người chết đuối trong dòng sông.

  51. Ba bậc của cây cầu mang hình bóng của Con Thiên Chúa có nghĩa là ba tài năng của linh hồn.

  52. Nếu ba tài năng của linh hồn không kết hợp với nhau thì linh hồn không thể bền chí tới cùng.

  53. Giải thích lời của Đức Kitô : "Ai khát hãy đến với Thầy mà uống" (Ga 7, 37)

  54. Các tạo vật có lý trí phải dùng phương tiện nào để thoát khỏi con sông thế gian mà leo lên cầu.

  55. Tóm lược một số điều đã nói.

  56. Thiên Chúa đã cho biết ba bậc của cây cầu là ba trạng thái của linh hồn. Chúa cũng bảo linh hồn Catarina hãy vươn lên khỏi mình để suy gẫm chân lý đó.

  57. Nhìn vào tấm gương thần linh, linh hồn Catarina thấy các tạo vật bước đi nhiều cách khác nhau.

  58. Sự sợ hãi theo kiểu nô lệ không đủ để chiếm được sự sống đời đời. Luật của sợ hãi và luật của tình yêu liên kết với nhau bằng cách nào?

  59. Qua sự sợ hãi nô lệ là một tình trạng bất toàn tượng trưng cho bậc thứ nhất của cây cầu, người ta tới bậc thứ hai là tình trạng hoàn hảo.

  60. Sự bất toàn của những người yêu mến và phụng sự Chúa vì lợi ích riêng, vì tìm niềm vui và an ủi.

  61. Thiên Chúa tỏ mình ra cho linh hồn mà Người yêu thương bằng những cách nào ?

  62. Tại sao Đức Kitô đã không nói : "Thầy sẽ tỏ bày Cha Thầy" nhưng nói : "Thầy sẽ tỏ bày bản thân Thầy" ?

  63. Sau khi đã lên bậc thứ nhất của cây cầu, linh hồn sẽ lên tới bậc thứ hai bằng cách nào?

  64. Khi người ta yêu mến Thiên Chúa cách bất toàn thì cũng yêu tha nhân cách bất toàn. Những dấu hiệu của lòng yêu mến bất toàn này.

  65. Phương cách linh hồn phải theo để đạt tới lòng yêu mến trọn vẹn và quảng đại.

  66. Khi trình bày cho Chúa Cha chân lý về bí tích Mình Thánh Chúa, linh hồn Catarina được dạy cho biết làm thế nào để chuyển từ việc đọc kinh ngoài miệng đến việc cầu nguyện trong tâm trí. Linh hồn tường thuật một thị kiến.

  67. Sự sai lầm của những kẻ phàm tục chỉ yêu mến và phụng sự Thiên Chúa để được an ủi.

  68. Sự sai lầm của các tôi tớ Chúa còn yêu mến Thiên Chúa bằng đức mến bất toàn.

  69. Những kẻ bỏ việc phục vụ tha nhân để khỏi mất sự an ủi.

  70. Sự lầm lạc của các kẻ đặt tất cả tâm tình vào sự an ủi và thị kiến thiêng liêng.

  71. Những kẻ bám vào sự an ủi và thị kiến thiêng liêng có thể bị lừa dối bởi ma quỷ hiện hình trong dung mạo thiên thần sáng láng. Những dấu hiệu để nhận ra một thị kiến do Thiên Chúa hay ma quỷ.

  72. Linh hồn nhận biết mình đúng cách thì sẽ khôn ngoan tránh được tất cả mọi sự lừa dối của ma quỷ.

  73. Làm thế nào linh hồn khởi đi từ sự yêu mến bất toàn để đạt tới sự yêu mến hoàn hảo là tình yêu bạn hữu và con cái ?

  74. Dấu hiệu để nhận biết linh hồn đã đạt tới lòng yêu mến hoàn hảo.

  75. Những kẻ bất toàn chỉ muốn đi theo Chúa Cha mà thôi, còn những kẻ trọn lành thì đi theo Chúa Con. Giải thích nhiều loại Phép rửa khác nhau và những điều thiện hảo và hữu ích khác.

  76. Linh hồn leo lên tới bậc thứ ba của cây cầu tức là miệng của Đức Kitô. Dấu hiệu để nhận ra linh hồn đã lên tới bậc đó là cái chết của ý riêng.

  77. Những công việc của linh hồn khi đã đạt tới bậc thứ ba.

  78. Tình trạng thứ tư không bao giờ tách khỏi bậc thứ ba. Những hoạt động của linh hồn khi lên tới tình trạng này. Làm sao linh hồn có thể cảm nhận mình luôn kết hợp với Thiên Chúa ?

  79. Thiên Chúa không bao giờ xa rời những người trọn lành, bằng cách rút đi ân sủng hoặc tình cảm về sự hiện diện của Ngài, nhưng đôi khi Ngài ngắt quãng sự kết hợp.

  80. Các kẻ phàm tục  dù muốn hay không, vẫn tôn vinh Thiên Chúa.

  81. Cả ma quỷ cũng tôn vinh Thiên Chúa.

  82. Sau khi lìa khỏi đời này, linh hồn sẽ xem thấy đầy đủ vinh quang Thiên Chúa nơi các tạo vật. Lúc ấy sẽ không còn những dằn vặt của lòng ước ao nữa, nhưng lòng ước ao thì vẫn còn

  83. Sau khi đã thấy vinh quang của các phúc nhân, thánh Phaolô ao ước thoát khỏi thân xác mình. Những người đạt tới bậc thứ ba và thứ tư của sự thánh thiện cũng như vậy.

  84. Khi đạt tới sự hiệp nhất, linh hồn ước ao cởi bỏ xác phàm của mình để kết hiệp với Thiên Chúa. Nhưng nếu không đạt được ao ước đó, linh hồn vẫn không tách khỏi ý Chúa, nhưng chịu đau đớn để làm vinh danh Chúa.

  85. Những người đạt tới sự hiệp nhất này được một ánh sáng siêu nhiên và thiên phú soi sáng trong tâm trí họ. Đối với ơn cứu độ cho bản thân, linh hồn tìm đến những lời khuyên của những người khiêm nhường và có lương tâm thánh thiện, thì tốt hơn là theo lời khuyên của những người thông thái kiêu căng.

  86. Tóm lược một số điều đã nói. Thiên Chúa mời gọi linh hồn Catarina cầu nguyện cho mọi thụ tạo  và cho Hội Thánh.

  87. Linh hồn Catarina xin Chúa ban cho ơn nhận biết tình trạng của linh hồn mình và hưởng nếm hoa trái của nước mắt.

  88. Năm loại nước mắt : loại thứ nhất là đưa tới cái chết, còn bốn loại sau đem lại sự sống.

  89. Sự khác nhau của các loại nước mắt, đối chiếu với các tình trạng khác nhau của linh hồn.

  90. Lược lại những điều của chương trước. Ma quỷ sợ những người đạt tới loại nước mắt thứ năm. Những tấn công của ma quỷ là đường dẫn tới tình trạng này.

  91. Những người ao ước nước mắt thể lý mà không được, thì sẽ được ban nước mắt bằng lửa. Tại sao Thiên Chúa rút đi những giọt nước mắt thể lý?

  92. Trong năm loại nước mắt, thì chỉ có bốn loại cuối cùng mới mang nhiều hình dạng vô tận. Thiên Chúa vô biên muốn được phụng sự với những cái vô tận.

  93. Hoa trái của nước mắt do người phàm tục đổ ra.

  94. Kẻ sống theo thế gian thì bị đánh đập bởi bốn thứ gió khác nhau.

  95. Những hoa trái của loại nước mắt thứ hai và thứ ba.

  96. Hoa trái của giọt nước mắt thứ tư : những giọt nước mắt của ơn hiệp nhất.

  97. Linh hồn Catarina cảm tạ Thiên Chúa đã giải thích về các bậc của nước mắt, và cúi xin Người ba điều.

  98. Anh sáng của lý trí cần thiết cho mọi linh hồn muốn phụng sự Thiên Chúa trong sự thật. Trước hết là ánh sáng nói chung.

  99. Bàn về những người lo hãm mình phạt xác hơn là lo giết chết ý riêng mình. Có một ánh sáng hoàn hảo hơn ánh sáng thông thường, đó là ánh sáng thứ hai.

  100. Về ánh sáng thứ ba hoàn hảo là ánh sáng của lý trí. Những công việc của linh hồn đã đạt tới ánh sáng này. Thị kiến tốt lành mà Catarina đạt được, trong đó giải thích đầy đủ cách đạt tới sự trong sạch toàn vẹn và cũng bàn về việc không nên xét đoán tha nhân.

  101. Ngay ở đời này những người được ánh sáng hoàn hảo thứ ba soi chiếu sẽ nhận được bảo chứng cho sự sống đời đời.

  102. Làm thế nào để khiển trách tha nhân mà không rơi vào phán đoán sai lầm?

  103. Đừng xét đoán một người ở trong tội lỗi khi ta cầu nguyện cho người ấy, ngay cả khi Thiên Chúa tỏ cho thấy người ấy đang ở trong tối tăm.

  104. Không nên coi việc hãm mình đền tội như là nền tảng cho sự hoàn thiện; nền tảng của nó là lòng yêu mến các nhân đức.

  105. Tóm lược những điều đã nói trên đây và bàn thêm về việc sửa lỗi tha nhân.

  106. Những dấu hiệu để nhận biết các cuộc thăm viếng và thị kiến thiêng liêng đến từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ.

  107. Thiên Chúa đáp ứng những ao ước thánh thiện của các tôi tớ Ngài. Ngài yêu thích những kẻ kiên trì cầu xin và gõ cửa Chân lý.

  108. Linh hồn Catarina khiêm nhường tạ ơn Chúa, cầu xin cho thế giới và đặc biệt cho nhiệm thể của Hội Thánh, cho các con cái thiêng liêng và cho hai cha linh hướng. Sau cùng linh hồn xin được biết các lỗi lầm của những thừa tác viên trong Hội thánh.

  109. Thiên Chúa thúc giục linh hồn Catarina sốt sắng cầu nguyện và ban cho một số điều nó xin.

  110. Chức vụ linh mục và bí tích Mình Thánh Chúa Kitô. Những người rước lễ cách xứng đáng và cách không xứng đáng.

  111. Các giác quan của thân xác đều sai lầm về bí tích này, nhưng các quan năng của linh hồn thì không sai lầm. Ta phải nhìn xem, nếm cảm và đụng chạm bằng các quan năng bên trong. Thị kiến tốt đẹp của Catarina về vấn đề này.

  112. Hạnh phúc của linh hồn khi lãnh nhận Bí tích cực trọng này trong ân sủng.

  113. Hạnh phúc của linh hồn khi lãnh nhận bí tích cao trọng. Bí tích Thánh Thể sẽ giúp người ta hiểu rõ hơn về phẩm chức linh mục. Thiên Chúa đòi hỏi nơi các ngài một sự trong sạch lớn hơn các thụ tạo khác.

  114. Không được mua bán các bí tích. Những người lãnh nhận các bí tích phải cấp cho các thừa tác viên những nhu cầu trần thế, để rồi sau đó các vị phải phân phát các của dâng cúng thành ba phần.

  115. Phẩm giá của tước vị linh mục. Thần lực của các Bí tích không bị suy giảm do tội phạm của những người ban phát hay của những người lãnh nhận. Thiên Chúa không muốn người đời tự cho mình quyền sửa dạy các thừa tác viên của Ngài.

  116. Thiên Chúa coi việc bách hại Giáo Hội và các thừa tác viên của Ngài là bách hại chính Ngài. Tội này nặng hơn bất cứ tội nào khác.

  117. Những kẻ bách hại Giáo Hội và các thừa tác viên của Chúa bằng nhiều cách khác nhau.

  118. Tóm lược những điều đã nói về Giáo hội và các thừa tác viên của Chúa.

  119. Về sự cao cả, nhân đức và những công việc lành thánh của các linh mục thánh thiện. Các ngài có những đặc tính ví như mặt trời, và cách họ sửa dạy những người dưới quyền mình.

  120. Tóm lược những điều nói trên. Sự kính trọng các linh mục, bất kỳ là tốt hay xấu.

  121. Cuộc đời tội lỗi của các linh mục và các thừa tác viên xấu.

  122. Những thừa tác viên xấu này để cho sự bất chính lan tràn, nhất là vì họ không sửa dạy những người dưới quyền mình.

  123. Các nết xấu của một số thừa tác viên, và đặc biệt về sự la cà quán rượu, cờ bạc và lén lút tư tình..

  124. Các thừa tác viên bất trung mắc tội rất nặng. Linh hồn Catarina được một thị kiến về vấn đề này.

  125. Vì tội lỗi như thế cho nên các thừa tác viên không dám sửa lỗi những người dưới quyền mình. Các nết xấu của các tu sĩ và những tai vạ bởi không sửa mình.

  126. Tội phóng đãng nơi những thừa tác viên xấu.

  127. Các thừa tác viên xấu bị thống trị bởi lòng ham mê tiền của. Họ cho vay ăn lãi, nhất là mua bán các chức tước và bổng lộc. Những tai hại do nết xấu này gây nên cho Hội thánh.

  128. Những thừa tác viên xấu bị thống trị bởi tính kiêu ngạo khiến họ mất hẳn ý thức về chân lý. Trong sự mù quáng này, họ rơi vào tội giả vờ truyền phép Thánh Thể mà thật sự họ không truyền phép.

  129. Nhiều tội lỗi khác linh mục xấu đã phạm vì kiêu ngạo và yêu mình.

  130. Nhiều tội lỗi khác mà các linh mục xấu đã phạm.

  131. Sự khác biệt giữa cái chết của người công chính và cái chết của kẻ tội lỗi. Trước hết là cái chết của người công chính.

  132. Cái chết của những mục tử tội lỗi và những đau đớn của họ trong giờ chết.

  133. Tóm tắt những điều đã nói trên đây. Thiên Chúa cấm người đời chạm đến các linh mục của Người. Người mời gọi linh hồn Catarina than khóc cho các linh mục phạm tội đáng thương này.

  134. Linh hồn Catarina ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa và cầu xin cho Hội Thánh.

  135. Về sự quan phòng nói chung trong việc tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa và trong bí tích  Mình Thánh Chúa.

  136. Chúa Quan phòng ban niềm trông cậy cho loài thụ tạo của Người. Ai càng trông cậy cách trọn vẹn thì càng nếm cảm sự quan phòng cách trọn vẹn.

  137. Trong Cựu ước, Thiên Chúa quan phòng con người bằng lề luật và các ngôn sứ, rồi vào thời Tân ước, Người sai Ngôi Lời, các tông đồ, các đấng tử đạo và nhiều thánh nhân khác. Không có gì xảy đến cho các vật thụ tạo mà không do Chúa quan phòng.

  138. Tất cả những gì Thiên Chúa cho phép xảy ra đều vì lợi ích và ơn cứu độ cho chúng ta. Những ai nghĩ ngược lại là mù quáng và sai lầm.

  139. Trong một hoàn cảnh cá biệt, Thiên Chúa đã lo liệu như thế nào để cứu vớt một linh hồn ?

  140. Thiên Chúa tỏ bày sự quan phòng của Người đối với loài thụ tạo, và Ngài than phiền về sự bất trung của họ. Trình bày một hình ảnh trong Cựu ước minh hoạ cho giáo lý này.

  141. Chúa quan phòng sắp xếp cho chúng ta chịu những gian truân vì ơn cứu độ. Vô phúc cho những kẻ cậy trông vào bản thân mình. Hạnh phúc cho những người biết cậy trông vào Chúa quan phòng.

  142. Chúa quan phòng ban các bí tích cho con người. Người lo liệu cho một linh hồn khao khát nhiệm tích này được rước Mình thánh Chúa Kitô. Bằng một sự can thiệp lạ lùng, nhiều lần Ngài liệu cho một linh hồn tha thiết ước ao rước Mình Thánh Chúa được như ý.

  143. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những người đang mắc tội trọng.

  144. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những người còn ở trong lòng mến bất toàn.

  145. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những người đã đạt tới đức ái trọn hảo.

  146. Tóm tắt những điều đã nói trên đây. Giải thích câu nói của Đức Kitô với thánh Phêrô : "Hãy thả lưới bên hữu thuyền" (Ga 21, 6)

  147. Có những người khéo thả lưới và bắt được nhiều cá hơn. Sự tốt đẹp của những người ở bậc hoàn thiện.

  148. Sự quan phòng của Thiên Chúa nói chung đối với các ttạo vật của Ngài ở đời này và đời sau.

  149. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những tôi tớ nghèo khó của Ngài, Ngài trợ giúp họ những nhu cầu trần thế.

  150. Thu tích và ước ao của cải vật chất cách vô độ là một tai hại.

  151. Sự tốt đẹp của đức khó nghèo trong tinh thần. Đức Kitô đã dạy nhân đức này không chỉ bằng lời nói mà cả bằng gương sáng. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những người thực thi đức khó nghèo.

  152. Tóm lược về sự quan phòng của Thiên Chúa.

  153. Sau khi đã ca ngợi và cảm tạ Chúa, linh hồn Catarina xin Người nói về đức vâng phục.

  154. Đức vâng phục được tìm thấy ở đâu ? Những gì làm mất nhân đức này ? Dấu hiệu nào để nhận ra một người có đức vâng phục hay không ? Bạn của đức vâng phục và lương thực nuôi dưỡng nhân đức này.

  155. Đức vâng phục là chìa khóa mở cửa Nước Trời. Cần phải luôn mang chìa khoá này ở thắt lưng. Phẩm giá của nhân đức này.

  156. Sự khốn cùng của những kẻ bất tuân phục và sự tuyệt hảo của những người vâng phục.

  157. Một số người yêu mến đức vâng phục đến độ họ không bằng lòng vâng lời những lệnh truyền, mà còn tự nguyện ràng buộc mình vào đức vâng phục đặc biệt.

  158. Làm thế nào để đạt được từ đức vâng phục thông thường đến đức vâng phục đặc biệt ? Sự diệu kỳ của đức vâng phục trong dòng tu.

  159. Sự cao cả của những tu sĩ vâng phục và sự khốn cùng của các tu sĩ bất tuân.

  160. Những người vâng phục sẽ nhận được gấp trăm lần và sự sống vĩnh cửu. Phải hiểu thế nào về sự gấp trăm ?

  161. Những xấu xa, khốn khổ và lao nhọc của kẻ bất tuân. Những hoa trái cay đắng của tội bất tuân.

  162. Sự bất toàn của những kẻ sống nguội lạnh trong Dòng nhưng vẫn còn tránh được tội trọng. Những phương dược để thoát khỏi sự nguội lạnh.

  163. Sự cao cả của đức vâng phục và những ơn lành dành cho những ai thực sự tuân giữ nhân đức này.

  164. Phân biệt giữa hai đức vâng phục : đức vâng phục của người tu sĩ và đức vâng phục của người ở ngoài đời.

  165. Thiên Chúa không thưởng công theo sự khó khăn và thời gian vâng phục nhưng theo sự cao thấp của lòng yêu mến. Những ơn lạ Chúa ban cho những ai mau mắn vâng phục. Biện phân giữa việc làm và phần thưởng của sự vâng phục đích thực.

  166. Tổng kết những điều chính yếu đã nói trong cuốn sách.

  167. Linh hồn Catarina tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, cầu nguyện cho toàn thể thế giới và Hội Thánh. Linh hồn kết thúc cuốn sách bằng lời nhắn nhủ sống đức tin.


  168.  
 

II. BỐ CỤC

 

Sách Đối Thoại không phải là một khảo luận có bài bản hệ thống để nghiên cứu về đời sống toàn thiện; nó thiếu tính chính xác trong cách lập luận, trong cách triển khai tư tưởng từ lược đồ tổng quát. Tuy nhiên tư tưởng của sách mang đậm nét thần học chính xác.

 

Như đã nói, nguyên bản của Đối Thoại đã không được phân chia rõ ràng như hiện nay. Tuy nhiên những phiên bản đầu tiên đã bắt đầu chia thành chương và mãi đến thời cận đại, người ta mới đặt ra vấn đề phân chia thành từng phần dựa theo đề tài hay khảo luận. Điều này giả thiết một sự phân tích cấu trúc nội tại, để tìm hiểu đâu là những ý tưởng chủ chốt, chúng được quảng diễn như thế nào, tư tưởng mạch lạc ra sao.

 

Dĩ nhiên, một câu hỏi căn bản cũng được đặt ra: thánh Catarina có khái niệm gì về sự phân chia thành từng thiên khảo luận không? Có những nhà nghiên cứu cho rằng thứ tự của các thiên khảo luận có thể tìm thấy không chỉ nhờ việc phân tích bản văn, mà còn qua vài bức thư (cách riêng Lá thư số 272 viết cho cha Raymonđô Capua) trong đó xem ra thánh nữ đã phác họa một cái sườn cho tác phẩm tương lai.

 

Chúng tôi không muốn đi sâu vào cuộc tranh luận này, nhưng chỉ ghi lại những lối phân chia đã được đề nghị.

 

  1. NHỮNG ẤN BẢN ĐẦU TIÊN


  2.  
 

Sau nhập đề, tác phẩm được phân chia thành sáu khảo luận:

 

  1. Khảo luận về ơn biện phân (ch. 9-64)

  2. Khảo luận (ch. 65-86)

  3. Khảo luận (ch. 87-134)

  4. Khảo luận về Chúa Quan phòng (ch. 135-145)

  5. Khảo luận (ch.146-153)

  6. Khảo luận về đức vâng phục (ch.154-167)

  7. NHỮNG ẤN BẢN CẬN ĐẠI


  8.  
 

Tác phẩm được chia thành bốn khảo luận:

 

  1. Khảo luận về sự biện phân (ch. 9-64)

  2. Khảo luận về sự cầu nguyện (ch. 65-134)

  3. Khảo luận về Chúa Quan phòng (ch.135-143)

  4. Khảo luận về đức vâng phục (ch.144-167).

  5. NHỮNG ẤN BẢN HIỆN ĐẠI


  6.  
 

1. Cha J. Hurtaud

 

Trong cuốn Le Dialogue de Sainte Catherine de Sienne, Lethellieux, Paris 1913 Cha đề nghị một sự phân chia không dựa thuần túy theo các khảo luận, nhưng dựa theo 4 lời khẩn nguyện và trả lời. Tư tưởng chủ chốt là "Lòng thương xót" (misericordia)

 

Dẫn nhập : Bốn lời khẩn nài (ch.1)

 

1. Trả lời thứ nhất: xin thương xót bản thân Catarina.

 

Hồng ân biện phân (ch. 2-16)

 

2. Trả lời thứ hai: xin thương xót thế giới

 

-           Hồng ân Nhập thể (ch. 17-30)

 

-           Hồng ân đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (ch. 31-86)

 

-           Hồng ân nước mắt (ch. 87-97)

 

-           Phụ thêm: giải thích thêm về hồng ân biện phân (ch. 98-109)

 

3. Trả lời thứ ba: xin thương xót Hội thánh

 

Canh tân các mục tử (ch. 110-134)

 

4. Trả lời thứ tư. Sự quan phòng về lòng thương xót (ch. 135-153)

 

Giải thích về sự Quan phòng cho một hoàn cảnh đặc biệt, và quan phòng cho các linh hồn nói chung (ch. 135-153)

 

Giải thích về đức vâng phục và về Quan phòng cách riêng cho những người vâng lời (ch. 154-165)

 

Kết luận. Tổng kết (ch. 166). Tạ ơn (ch. 167).

 

2. Giáo sư Giuliana Cavallini

 

Trong cuốn Il Dialogo, Ed. Cateriniane, Roma 1968; Catagalli, Siena 1995, giáo sư chia làm 10 phần. Tư tưởng chủ chốt là "Chân Lý" (Verità), chứ không phải là lòng thương xót. Thánh nữ cầu xin Chúa ban cho ánh sáng đức tin để hiểu rõ bốn vấn đề nêu lên.

 

1. Nhập đề : Gợi ý về những đề tài căn bản (ch. 1-2)

 

2. Giáo huấn về sự trọn lành (ch. 3-13)

 

3. Đối thọai (ch. 14-25)

 

4. Giáo huấn về Cây Cầu (ch. 26-86)

 

5. Giáo huấn về nước mắt (ch. 87-97)

 

6. Giáo huấn về chân lý, hay về ba ánh sáng (ch. 98-109)

 

7. Hội thánh như là Thân thể mầu nhiệm (ch. 110-134)

 

8.  Chúa Quan Phòng (ch. 135-153)

 

9. Đức vâng phục (ch. 154-165)

 

10. Kết luận (ch.166-167).

 

3. Cha Benedict Ashley

 

Với Guide to Saint Catherine’s Dialogue, in: "Cross and Crown" 29, (1977), pp. 237-249, cha xếp lại các đề tài mà G. Cavallini gợi lên :

 

Nhập đề: Bốn lời khẩn nài  (ch. 1). Thánh nữ tự hiến (ch. 2)

 

  1. Chúa Cha trả lời bốn khẩn nài


  2.  
 

-       Khẩn nài thứ nhất : cho bản thân. Giáo lý về đức khôn ngoan (ch. 3-12). Tóm lược ở chương 12.

 

-       Khẩn nài thứ hai : cho Giáo hội (ch.13-15)

 

-       Khẩn nài thứ ba : cho thế giới (ch.16-18)

 

-       Khẩn nài thứ bốn : sự quan phòng của Chúa cho vạn vật, cách riêng cho cha Raymonđô (ch.19-20).

 

  1. Khai triển các lời giải đáp

  2. Giáo  huấn  về Cây Cầu (ch. 21-87)


  3.  
 

-       Ba cấp của Cây Cầu (ch. 21-22)

 

-       Vườn nho và những nhân công (ch. 23-24)

 

-       Giải thích về Cây Cầu (ch. 25-30)

 

-       Cây xấu và bốn nết xấu (ch. 31-35)

 

-       Ba phán đoán, cám dỗ, gai nhọn (ch. 36-50)

 

-       Ba cấp bậc và ba tài năng linh hồn (ch. 51-55). Tóm tắt ở chương 55

 

-       Bước lên cầu. Ba trạng thái của linh hồn (ch. 56-77)

 

-       Trạng thái thứ bốn của linh hồn (ch. 78-85)

 

  1. Giáo  huấn  về nước mắt (ch. 86-97): năm loại nước mắt.

  2. Giáo huấn về Chân lý (ch. 98-109) : ba ánh sáng

  3. Giáo huấn về Thân thể Mầu nhiệm (ch.110-134)


  4.  
 

-       Phẩm giá của các bí tích và chức linh mục (ch. 110-118). Tóm tắt ở chương 118.

 

-       Các nhân đức của linh mục (ch. 119). Tóm tắt ở chương 120.

 

-       Các tội của linh mục (ch. 121-133)

 

-       Lời cầu xin cải tổ Giáo hội (ch. 134)

 

  1. Giáo huấn về sự quan phòng (ch.135-53)

  2. Giáo huấn về đức vâng phục (ch.154-165)


  3.  
 

Kết luận. Tóm lại toàn bộ cuốn sách (ch.166). Lời chúc tụng (ch. 167)

 

Cha Ashley nhận định như sau: sách Đối thoại gồm hai phần chính. Trong phần thứ nhất (ch. 3-20), Chúa Cha trả lời vắn tắt cho bốn lời khẩn nài. Trong phần thứ hai (ch. 21-167), thánh nữ quảng diễn các câu trả lời với những giáo huấn, tuy không theo thứ tự của bốn điều khẩn nài.

 

1/ Lời giải đáp thứ nhất (cho bản thân) được bổ túc bởi khảo luận về đức biện phân liền đó (chương 3-12), để nhắc nhở rằng sự trọn lành không chỉ dựa trên việc hãm mình, nhưng cần được xây dựng trên đức ái, bắt đầu từ lòng khiêm tốn.

 

2/ Lời giải đáp thứ hai (cho Giáo hội) được bổ túc bởi giáo huấn về Thân thể mầu nhiệm (ch.110-134), nghĩa là theo sau những khảo luận bổ túc cho lời giải đáp thứ ba.

 

3/ Lời giải đáp thứ ba (cho thế giới) được quảng diễn bởi ba khảo luận xem ra không ăn khớp với nhau :

 

-          Giáo huấn về Cây Cầu, nghĩa là vai trò của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ; đây là khảo luận dài nhất của quyển Đối Thoại (ch. 21-87). Tác giả xen vào đạo lý về chiếc cầu vài hình ảnh khác: vườn nho (ch. 23-24), cây xấu và cây tốt (ch. 31-35).

 

-          Giáo huấn về nước mắt (ch. 86-97);

 

-          Giáo huấn về chân lý (ch. 98-109), bàn về sự tiến triển trên đường trọn lành dưới khí cạnh tri thức, nghĩa là “biết mình”. Như vậy nó bổ túc cho khảo luận về đức khôn ngoan (lời khẩn nài thứ nhất).

 

4/ Lời giải đáp thứ tư được quảng diễn với hai khảo luận: về "Chúa Quan phòng", nghĩa là cách thức Chúa dẫn dắt và chăm nom mọi người; về "đức vâng phục". Hai khảo luận này liên quan đến việc cầu nguyện cho công cuộc cải cách đời sống tu trì mà thánh nữ và cha Raymonđô đang dấn thân.

 

4. Bà Dominique De Courcelles

 

Il Dialogo di Caterina da Siena, Jaca Book, Milano 2000, (nguyên tác bằng tiếng Pháp, 1997) đề nghị đọc tác phẩm theo cấu trúc như sau :
























 
 

Ch. 1-2

 

Lời tựa: Nhân danh Chúa Kitô chịu đóng đinh và mẹ Maria dịu hiền

 

Ch. 166-167

 

Tổng kết toàn bộ cuốn sách

 

Ch. 3-12

 

Giáo huấn về sự hoàn thiện và lòng khao khát

 

Ch. 154-165

 

Giáo huấn về đức vâng phục :

 

Ngôi Lời, Ađam và các thánh nhân

 

Ch. 13-25

 

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Ngài

 

Ch. 135-153

 

Sự quan phòng của Thiên Chúa :

 

Quan phòng chung

 

Ch. 26-87

 

Giáo huấn về Cây Cầu : Đức Kitô tiếng nói của chân lý

 

Ch. 110-134

 

Giáo huấn về Giáo Hội thân mình mầu nhiệm : sự cao cả của tác vụ linh mục

 

Ch. 88-97

 

Giáo huấn về nước mắt : những trạng thái của linh hồn vươn tới chân lý

 

Ch. 98-109

 

Giáo huấn về chân lý :

 

Ba ánh sáng, dấu hiệu của niềm vui

 

 

Lược đồ này chứng tỏ Đối Thoại được kết cấu và phân chia rất chặt chẽ, mô phỏng một cuộc đối thoại từ hai phía. Hình ảnh trung tâm của khảo luận tâm linh này là Cây Cầu để diễn tả sự trung gian. Giáo huấn về Cây Cầu được bắc lên tới trời là phần chiếm ưu thế trổi vượt so với các phần khác của toàn bộ tác phẩm. Cuộc đối thoại phát sinh khởi đi từ sự hiệp thông với thân thể của Đức Kitô, một sự hiệp thông không chỉ là sự tiếp xúc, đụng chạm mà là cuộc phối hợp thực sự, trong đó người vào cuộc đối thoại và người được đối thoại ở gần nhau nhất, nhưng vẫn giữ được khoảng cách cần thiết nhất. Tuy nhiên, khoảng cách này không mâu thuẫn với sự gần gũi mà trái lại, chúng còn hoà hợp đi đôi với nhau. Hình ảnh Cây Cầu cũng biểu hiện một cách trình bày sự vắng mặt và sự hiện diện của Đức Kitô, mà Thân thể mầu nhiệm của Ngài là Hội thánh, đặc biệt là các thừa tác viên linh mục, cho thấy thực tại hữu hình của Ngài.

 

Cây Cầu này nối kết trời và đất vào lúc Con Thiên Chúa nhập thể, kết hợp bản tính nhân loại trong bản tính thần linh của Ngài. Trong khi kết hợp với nhân tính, thiên tính đã thiết lập một Cây Cầu và tái lập một con đường, để tất cả những ai đi qua cầu này thì sẽ đạt tới sự sống viên mãn. Đây chính là con đường duy nhất dành cho những ai thực sự muốn đi tới sự sống vĩnh cửu bằng công nghiệp của Đức Kitô.

 

Như vậy Cây Cầu nói lên vai trò trung gian thiết thực và tất yếu của sự mặc khải Thiên Chúa.

 

Qua các cuộc tranh luận về cấu trúc của sách Đối thoại, chúng ta có thể giả thiết rằng, đối với các học giả, quyển sách này là một tác phẩm văn học, có một thứ tự mạch lạc nhằm quảng diễn một học thuyết nào đó. Tuy nhiên, có người (như Angel Morta[2]) muốn chú ý đến một đặc trưng đã tạo nên tựa đề cho cuốn sách, đó là một cuộc "Đối thoại". Rất có thể "đối thoại" chỉ là một thể văn được chọn để trình bày một đạo lý; dù vậy, thể văn đối thoại khác hẳn thể văn nghị luận, bởi vì trong một cuộc đối thoại thân tình, dòng tư tưởng không tiếp nối nhau theo một thứ tự luận lý, nhưng thường nảy lên theo đà liên tưởng và không tránh khỏi những sự lặp lại.

 

Cho dầu quan niệm sự đối thoại trong quyển sách này như điều đã xảy ra thực sự hoặc chỉ là một hư cấu, ta cứ tạm hình dung cuộc đối thoại giống như một cuộc hàn huyên liên tục (có thể kéo dài cả mấy ngày)[3], và chúng ta hãy theo sát những câu chuyện đã được trao đổi trong đó. Đây là cũng là một cách giới thiệu tác phẩm cách sơ lược, rảo qua một vòng những đề mục được gợi lên.

 

 

.

114.864864865135.135135135250