08/01/2010 -

Linh đạo Đa Minh

1158
 

 

 

LINH ĐẠO ĐA MINH

 

Thiện Cẩm OP

 


LINH ĐẠO LÀ GÌ ?

 

Từ điển Petit Littré định nghĩa Spiritualité là “Phẩm chất của cái gì là tinh thần”, “Tất cả những gì liên quan đến tập luyện bên trong của một tâm hồn đã cởi bỏ thể xác” (!)

 

Nếu cứ theo định nghĩa ấy, tôi sợ không nói, không viết được gì nữa về đề tài “Linh đạo Đa Minh”, hiển nhiên là vì thân xác tôi vẫn còn lù lù ra đấy, tôi chưa dứt bỏ được nó, mà cũng chẳng muốn dứt bỏ nó, nếu vẫn muốn còn là người, để có thể viết lách và gặp gỡ, chuyện trò với ai ! Chính Thiên Chúa khi muốn trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với con người , cũng đã phải nhập thể làm người, phải trở thành “xác phàm” : Et Verbum caro factum est (Ga 1,14).

 

Vậy mà thật đáng tiếc, từ xưa tới nay, hình như đa số chúng ta vẫn còn quan niệm linh đạo như là chuyện chỉ liên quan đến tâm hồn với những thực tại siêu nhiên hay là thiêng liêng. Và như vậy, linh đạo được hiểu như là con đường thiêng liêng, nghĩa là một con đường vô hình được vạch ra trên không khí, mà bước chân người phàm không thể nào bén mảng tới được. Con đường ấy không được làm ra cho thân xác con người, mà chỉ dành riêng cho linh hồn của nó, một linh hồn đã “cởi bỏ được thân xác”, như từ điển Petit Littré định nghĩa. Đó là lý do những kẻ muốn “đi đàng nhân đức thiêng liêng” hay “trọn lành”, phải từ bỏ, hay xa lánh thế gian, ăn chay hãm mình, “phạt xác”, bằng những việc như là đánh tội, mặc áo nhặm vv. Nhưng như thế rõ ràng là đi ngược lại với lẽ tự nhiên, vì như ngạn ngữ la-tinh có câu : “mens sana in corpore sano”, tâm hồn mạnh khoẻ trong thân xác khoẻ mạnh. Còn người Việt Nam thì có câu : “Có thực mới vực được đạo”. Thật vậy một thân xác ốm đau, mệt mỏi, khó có thể thức khuya dậy sớm để cầu nguyện, và người ta cũng chẳng thể tham dự các bí tích khi đang đói lả. Vậy mà vẫn có những bà già không đi lễ chủ nhật được, vì ốm “niệt giường niệt chiếu (liệt giường liệt chiếu)” mà phải đi xưng tội kẻo mất linh hồn sa hoả ngục đời đời !

 

Điều chắc chắn là chúng ta không thể đi đàng nhân đức trọn lành, cũng chẳng có thể nói đến những chuyện “thiêng liêng”, nếu trước hết không có một thân xác, với một khuôn mặt, một đôi mắt, đôi tai và đôi môi có thể mở ra để nói, hay ít nhất một cơ quan, bộ phận nào đó của thân thể có khả năng diễn tả, để trao đổi với người khác.

 

Đó là lý do khiến tôi muốn nhấn mạnh rằng đời sống tinh thần hay tâm linh đòi hỏi hiện hữu của thân xác, và con đường tâm linh cần đến sự tồn tại của cái được gọi là “vật chất có ý thức”, hay là cái “ý thức hiện thể trong vật chất” là con người có thân xác này.

 

Tiếng nói hay chữ viết, nghĩa là những âm thanh có tổ chức, hay ký hiệu mà chúng ta sử dụng để trao đổi với nhau, cũng là những gì thuộc thế giới hữu hình, cụ thể, chứ không phải là những gì vô màu sắc âm thanh.

 

Xưa nay người Công giáo chúng ta thương nói tới đời sống thiêng liêng, và hiểu “linh đạo” như là một con đường hoàn toàn ở trong cõi thiêng liêng, ngoài thế giới vật chất này, và không dính dáng gì đến thân xác. Trong khi đó, người An Độ lại đưa cả những vận động của thể xác vào trong sự luyện tập Yoga, mà tôi dịch là Thể linh thao, khác với “Linh thao” của người Công giáo chúng ta, một hình thức đi đàng nhân đức thiêng liêng, do anh em Dòng Tên chủ xướng. Thể linh thao không chú trọng nhiều lắm đến sự suy tư, nguyện ngắm, mà chú trọng đến sự vận động thân xác, đi đôi với sự lắng đọng tâm linh, để đạt tới sự thống nhất hồn xác trong trạng thái giải thoát. Người An Độ giáo và người Phật giáo cũng ăn chay, cũng sống khắc khổ, nhưng không phải với mục đích hãm mình ép xác, càng không phải là phạt xác, mà là với mục đích dọn đường, chuẩn bị, hay là tập trung, kết nối cả hồn xác vào trong cao điểm của thiền định, theo đúng nghĩa đen của từ Yoga, do tự gốc JUJ (jugum) mà ra, có nghĩa là “buộc vào”, “nối kết”, “đặt dưới ách”, “bắt phục tùng, quy thuận”. Vì thế nhà Yogin là người đặt tất cả cảm quan, tư tưởng dưới ách của mính, là người nối tất cả nghị lực của mình lại, hay là cảm quan, tư tưởng về một mối, nối kết chúng lại với tâm linh, nhờ những vận dụng thế ngồi, thế đứng vv, và tập trung, điều khiển hơi thở vv. [1]

 

Trong linh đạo Kitô giáo nói chung, và linh đạo của các dòng tu nói riêng, tuy chúng ta ít quan tâm, hay có khi bỏ thân xác ra ngoài đời sống thiêng liêng, - đó là một điều thật mâu thuẫn,- nhưng thực ra thân xác không những không thể đứng ngoài, mà còn đóng một vai trò chủ chốt, không kém phần quan trọng so với tinh thần của chúng ta, bởi vì linh hồn của chúng ta không phải là tinh thần thuần túy, mà là một tinh thần nhập thể. Vì thế linh đạo không chỉ là con đường thiêng liêng, liên quan đến đời sống của linh hồn, mà còn liên quan đến cả con người, đến trí óc, con tim, đến từng tế bào, mạch máu và từng hơi thở của chúng ta. Do đó việc điều khiển và điều chỉnh hơi thở đóng một vai trò hết sức quan trọng trong Yoga. Hai chữ “Tâm Linh” không chỉ nói đến cái gì là thiêng liêng, mà còn nói tới cái gì là xác thịt, vì cái Tâm ở đây vừa là xác thịt,- vì là trái tim bằng thịt,- vừa là tâm thần, một thực tại thiêng liêng. [2]

 

Đối với Thánh Đa Minh, đời sống của thân xác cũng có một vai trò rất quan trọng, như chúng ta sẽ thấy. Ngoài ra, linh đạo còn liên quan đến cả những việc như là quản trị, như cha Radcliffe viết trong bài “Tự do và trách nhiệm : hướng tới một linh đạo về quản trị” [3]. Nhưng trước khi nói tới linh đạo Đa Minh, chúng ta phải nhắc lại sơ qua về tác giả của linh đạo này, là chính Thánh Đa Minh.

 

 
THÁNH ĐA MINH

 

Thánh Đa Minh sinh ra tại Calaruega, gần Brugos, bên Tây ban nha, năm 1170. Người được gửi đi học Palentia, bắt đầu từ những môn học được gọi là “tự do”, nhưng không bao lâu sau, vì thấy không thích hợp với những môn đó, nên chuyển sang học Thần học. Ngài say mê những môn học này, đặc biệt là môn Kinh Thánh, đến nỗi nhiều đêm thức trắng để học.

 

Tuy nhiên niềm say mê học hỏi đó không làm cho ngài quên mất anh em nhân loại sống chung quanh. Bằng chứng là hồi ấy xảy ra một nạn đói khủng khiếp. Thánh Đa Minh không có bất cứ của cải nào khác để có thể cứu giúp những nạn nhân của nạn đói, nên đã đem bán những cuốn sách thần học bằng da cừu, để lấy tiền cứu đói, vì ngài nói : “Tôi không thể ngồi nghiên cứu trên những tầm da cừu chết này, mà để anh em tôi chết đói ngoài kia !”

 

Sau khi thụ phong linh mục, Thánh Đa Minh được giám mục giáo phận Osma, là Diego, để ý tới và gọi về nhà thờ chính toà, gia nhập hội Kinh sĩ. Không bao lâu, cha Đa Minh trở thành phó bề trên Hội Kinh sĩ nhà thờ chính toà Osma.

 

Tuy nhiên, ý Chúa lại không muốn cha Đa Minh chỉ ngồi trong nhà thờ mà tụng kinh ! Người muốn đưa ngài ra khỏi đó và sai đi đến những vùng đất hoang, với sứ vụ mở mang những cánh đồng truyền giáo và gieo hạt giống Tin Mừng.

 

Thật vậy, năm 1203, giám mục Diego được nhà vua An Phong xứ Castille, cử làm sứ thần đi tới xứ gọi là Les Marches, có lẽ là Đan Mạch ngày nay, để cầu hôn cho thái tử Ferdinand. Giám mục Diego chọn cha Đa Minh làm người đồng hành. Đây là một cuộc hành trình đã khiến cha Đa Minh khám phá ra ơn gọi của mình. Thật vậy, khi đặt chân tới miền nam nước Pháp, cụ thể là vùng Toulouse, cha Đa Minh chứng kiến cảnh đau lòng là có nhiều người bỏ Giáo hội mà đi theo bè rối, khiến Giáo hội vùng đó trở nên như tan hoang, cần phải có người xây dựng lại. Nhà Kinh sĩ Đa Minh bèn ý thức rằng không ai học hỏi, suy niệm Lời Chúa chỉ để cho mình, mà còn phải biết đem chia sẻ cho người khác; cũng chẳng ai chỉ biết nói với Chúa, mà lại không biết nói về Chúa cho người khác. Sứ vụ Đa Minh, cũng như Linh đạo Đa Minh bắt nguồn từ nhận thức đó của thánh Đa Minh, Sứ vụ mà thánh Tôma Aquinô sẽ đúc kết trong châm ngôn “Contemplari et contemplata aliis tradere” : chiêm niệm và chia sẻ những gì mình chiêm niệm cho tha nhân.

 

Nói ngắn gọn hơn, Linh đạo Đa Minh chủ yếu ở chỗ sống trong tương quan ba chiều : Chúa, tôi và tha nhân, hay cũng có thể gọi là thực hiện cuộc đối thoại tay ba: nói với Chúa và nói về Chúa cho anh em.

 

Nhưng muốn thực hiện điều đó, trước hết chúng ta phải “lắng nghe và giữ Lời Chúa” (Lc 11,28). Một đứa trẻ chỉ có thể mở miệng ra gọi tên mẹ và nói chuyện với mẹ, sau khi đã nghe mẹ gọi tên và nói chuyện với nó. Và người mẹ thường đã gọi con, và nói chuyện với nó trươc cả khi nó chào đời. Khoa học ngày nay khám phá ra rằng đứa bé còn trong bụng mẹ đã có khả năng nghe, do đó khuyên các bà mẹ tương lai nên thường xuyên nói chuyện với đứa con còn trong bụng mình.

 

Hơn ai hết, người muốn suy tư, chiêm niệm và rao giảng Lời Chúa, cần phải không ngừng lắng nghe Chúa nói với mình. Vì thế, Thánh Đa Minh dành một phần lời gian trong đời sống cho việc học hỏi, suy niệm Lời Chúa. Ngài luôn luôn mang theo mình sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu và các thư của thánh Phaolô. Ngài cũng không ngừng cầu nguyện, nhất là về ban đêm, và cầu nguyện không chỉ bằng tâm, mà còn bằng cả việc lớn tiếng rên xiết, với những động tác của cả thân mình, như giơ tay, phủ phục, nằm giang tay sát đất vv. Như trên đã nói, thánh Đa Minh cầu nguyện với cả thân xác của mình.

 

Người ta gọi thánh Đa Minh là “người của Tin Mừng”, bởi vì ngài không chỉ đọc, nghiên cứu và suy niệm Tin Mừng, cũng như không chỉ rao giảng Tin Mừng, mà trước hết, người sống theo Tin Mừng, nhiều khi theo cả nghĩa đen, như chủ trương sống rất mực nghèo khó : ăn mặc như người nghèo, đi chân đất, từ chối mọi của cải và tài sản, chỉ sống nhờ lòng bác ái của tha nhân. Và đó cũng là “di sản” ngài để lại cho anh chị em dòng của mình : anh chị em Đa Minh thời xưa không có tài sản riêng, không mang tiền bạc, cũng không làm chủ nhà cửa đất đai của tu viện mình, và suốt đời sống bằng nghề khất thực ! Ngoài ra, thánh Đa Minh còn sống theo Tin Mừng theo nghĩa đen, khi sai từng hai anh em một đi lập các tu viện, hay đi giảng thuyết, và sai họ đi với hai bàn tay trắng, không có lấy một đồng xu dính túi hay bất cứ phương tiện nào, ngoài bức thư giới thiệu của Đức Giáo Hoàng gửi đến các giám mục địa phương.

 

Một nét khác của đời sống Tin Mừng, đó là không ngừng di động : cũng như Đức Giêsu “đi hết làng này đến làng khác”, thánh Đa Minh là con người của những cuộc hành trình. Trong đời ngài, không ai đếm nổi những đặm đường ngài đã đi qua : từ Tây ban nha sang Pháp, từ Pháp sang Rôma, từ Rôma trở về Pháp, rồi qua Tây ban nha, sau đó lại trở về Rôma…Ngài không coi đâu là nhà của mình, thậm chí cũng chẳng có một phòng riêng trong các tu viện của dòng ! Theo truyện kể thì ban đêm ngài thường vào nhà nguyện đề cầu nguyện, và khi mệt thì nằm ngay dưới đất mà ngủ !

 

Cuối cùng, ngài còn là người của Tin Mừng, khi không bao giờ tìm cách thống trị anh em, mà chỉ muốn phục vụ. Vì thế, tuy là người sáng lập Dòng Thuyết Giáo, nhưng ngay từ khi lập dòng vào năm 1216 ở Fanjeaux thuộc Toulouse bên Pháp, ngài đã bắt anh em phải bầu một bề trên, đó là anh Mátthêu, Viện phụ đầu tiên, mà cũng là viện phụ cuối cùng của dòng, vì từ sau đó, bề trên của một tu viện Đa Minh không còn được gọi là Abbé, Viện phụ, mà là Tu viện trưởng. Còn thánh Đa Minh thì tiếp tục làm người lưu động, không trực tiếp lãnh đạo một cộng đồng nào. Mà thực ra, từ khi lập dòng cho đến khi qua đời, ngài chỉ sống với anh em được có 5 năm, một thời gian quá ngắn, để cho một con người có thể làm được chuyện gì to tát. Vậy mà thánh Đa Minh đã làm được !

 

Có thể nói thánh Đa Minh đã “làm mà như không làm”, nói theo triết lý vô vi của Lão Tử. Chủ trương vô vi đó còn đi xa tới chỗ coi như không những gì mình đã làm. Thật vậy, tu viện đầu tiên vừa được thành lập ở Toulouse mới có hai năm, với vỏn vẹn trên dưới 15 anh em, thì ngay năm 1217 đã hầu như bị giải tán, khi thánh Đa Minh quyết định sai từng hai anh em đi lập dòng tại các thành phố quan trọng của các nước Au châu thời đó, như Paris, Rôma, Madrid vv., đến nỗi giám mục Toulouse và nhiều linh mục, cũng như chính các anh em trong dòng, đều mạnh mẽ can ngăn, phản đối, coi đó như là một chuyện phá tan ngôi nhà vừa mới được xây dựng. Nhưng thanh Đa Minh đã trả lời mọi người bằng một câu bất hủ : “Hạt giống mà đánh đống lại một chỗ thì sẽ mục nát, còn nếu được gieo vãi ra khắp cánh đồng thì sẽ mọc lên thành mùa lúa mới !”

 

Mà quả thật, khi thánh Đa Minh qua đời vào ngày 6-8-1221, thì dòng Đa Minh đã có mặt ở hầu hết các thành phố thủ đô các nước Âu châu, và tinh thần vô vi của thánh Đa Minh đã giúp anh em đủ trưởng thành mà tiếp nối công trình mà Đấng sáng lập đã khởi công. Và điều đáng chúng ta ngày nay phải suy nghĩ, là nếu ngày nay chúng ta đâu đâu cũng thường phải lo lắng, vất vả, thậm chí đôi khi phải khó khăn lắm mới chọn được một người lãnh đạo cộng đoàn, vậy mà sau khi thánh Đa Minh qua đời, người kế vị của ngài, chỉ là một người anh em trẻ, có lẽ mới vào dòng chưa đầy bốn năm, nghĩa là vừa mới khấn trọn mà thôi, đó là anh Gioóc-đa-nô Xắc-xô !

 

 
LINH ĐẠO ĐA MINH : LINH ĐẠO NHÂN BẢN

 

Tôi còn nhớ khi cha Brouwn khi còn làm Bề Trên Cả, một hôm đến thăm Học viện Đa Minh Lyon, ở Eveux/L’Arbresle, trong buổi nói chuyện với các sinh viên, ngài nói ; “Có ba đức tính Đa Minh : nhân bản, khiêm nhường vâng phục”.

 

Hồi ấy, Giáo hội Pháp vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những cơn dư chấn sau biến cố Toà Thánh ra lệnh dẹp phong trào linh mục thợ, một phong trào mà anh em Đa Minh Pháp dấn thân hoạt động rất tích cực, đến nỗi cả ba vị giám tỉnh của dòng bên Pháp bị áp lực phải từ chức. Do đó khi nghe cha Brouwn nói đến ba nhân đức Đa Minh, trong đó có đức vâng phục, thì anh em người Pháp có vẻ như không thuận tai lắm. Tuy nhiên, về nhân đức đầu tiên, Humanitas, Nhân bản, thì anh em tỏ ra tâm đắc. Điều đó khiến tôi nhớ lại lần đầu tiên khi đến gõ cửa nhà dòng Đa Minh, số 43 Nguyễn Thông vào mùa hè năm 1956 , cha Cras, tên Việt Nam là Đỗ Minh Vọng, bề trên nhà, đón tiếp tôi rất giản dị, cởi mở. Một rong những lời đầu tiên ngài nói với tôi là : “Dòng chúng tôi tôn trọng nhân vị. Chúng tôi không tìm cách uốn anh thành con công con phượng (ám chỉ tới nghệ thuật trồng cây kiểng). Anh chỉ là anh, và anh phải là anh. Chúng tôi chỉ có thể giúp phương tiện để anh thực sự là anh.” Sau đó ít lâu, khi đã làm đệ tử Đa Minh, tôi có dịp cùng thầy Đỗ Văn Thái, lên Đà Lạt thăm cha Bửu Dưỡng, người anh trưởng Việt Nam trong tỉnh dòng Lyon, tôi lại nghe cha Bửu Dưỡng nói cùng một ngôn ngữ không khác gì mấy với cha Đỗ Minh Vọng.

 

Chủ trương giáo dục đào tạo của dòng Đa Minh theo truyền thống Pháp là chú trọng đến nhân bản. Trước khi trở thành một tu sĩ Đa Minh hay trở thành một ông thánh hay bà thánh, chúng ta phải là người cái đã. Vì thế mọi chính sách, đường lối giáo dục đào tạo, là phải sao cho con người nên người, hay là thành nhân nói theo chứ Hán. Mà con người thành người chủ yếu ở chỗ sống trọn vẹn chữ NHÂN. Nhân, trong tiếng Hán vừa có nghĩa là người, vừa có nghĩa là lòng nhân ái, thương người. Vì thế Khổng Tử cho rằng kẻ không có lòng nhân không xứng danh là người. Có người nhận xét rằng dòng Đa Minh không tạo ra một mẫu tu sĩ chung nào, kiểu như các tu sĩ dòng Tên chẳng hạn, nghĩa là cứ trông thấy là đã nhận ra đó là một tu sĩ dòng Tên. [4] Điều ấy đúng hay sai, tôi không dám quả quyết. Nhưng điều chắc chắn là cha Lagrange không giống cha Chenu, cha Chenu chẳng giống cha Congar, cũng như xưa thánh Albertô chẳng giống thánh Tôma, và thánh Tôma chẳng giống thánh giáo hoàng Piô V sau này.

 

Trong những chuyện cổ Trung Hoa, người ta kể chuyện có vua kia bắt được một tên ăn trộm người nước láng giềng, bèn cho gọi sứ thần nước này tới để làm nhục. Sứ thần của nước láng diềng ấy bèn tâu : “Tâu đức vua, quít Giang Nam có tiếng là ngọt, nhưng nều đem trồng ở Giang Tây thì lại chua. Tên ăn trộm này khi còn ở nước tôi thì rất đàng hoàng ngay chính, nhưng khi sang bên quý quốc thì lại trở thành kẻ gian tham. Âu vấn đề là do đất đai khí hậu mà ra !”

 

Thánh Tôma cũng nói rằng ân sủng không biến đổi tự nhiên, do đó nếu chúng ta chỉ trông chờ ở ân sủng, mà không vun trồng cái tự nhiên, thì làm sao nên người và nên thánh được? Sương mưa với nắng, và thời tiết thuận lợi, nhưng không có đất, hay là chỉ có đất cằn cỗi đầy gai góc, cỏ hoang, thì làm sao cây cối mọc lên được đề có thể sinh hoa kết quả ? Lão Tử thì nói đến chuyện người ta không thể xây một đài cao chín tầng, nếu không bắt đầu từ mô đất nhỏ; cũng như không thể thực hiện một cuộc hành xa, nếu không bắt đầu bằng một bước chân, “Cửu tầng chi đài, Khởi ư lũy thổ. Thiên lý chi hành, Thỉ ư túc hạ.” (ĐĐK LXIV, 2).

 

Tôi hiểu nhân bản theo nghĩa đó. Nghĩa là mỗi con người của chúng ta, muốn trở thành gì đi nữa, cũng phải bắt đầu từ bản chất ban đầu mà mình có. Những cái gì mình có đó cũng chính là tính trời cho, đâu có phải cái gì xa lạ, ngoại lai. Việc “trồng người”, hay việc giáo dục đào tạo nào cũng phải bắt đầu từ cái “tự nhiên”, sẵn có đó.

 

Nói khác đi, mỗi người chỉ có thể là mình, với tất cả những gì là cá tính cũng như khả năng, và thậm chí cả tật xấu, nếu xoá bỏ tất cả đi, để làm cho mình nên như một tờ giấy trắng, hầu có thể bắt đầu lại từ số không, thì đó là một ảo tưởng. Chúng ta không thể thay thế đất bằng phân, mà chỉ có thể dùng phân để bón cho cây đã trồng và ăn rễ sâu vào đất. Do đó cũng không thể thay thế nhân bản bằng ân sủng, mà cần đến ân sủng để thăng hoa những giá trị nhân bản tới mức hoàn thiện. Bởi vì xét cho cùng, nên thánh hay nên hoàn thiện, chẳng qua cũng chỉ là trở thành con người hoàn hảo, đúng theo ý muốn của Thiên Chúa khi dựng nên con người, mà ý muốn đó không là gì khác, ngoài chuyện giúp cho con người hoàn thành chữ Nhân : nhân là người, mà nhân cũng là lòng nhân ái, thương người. Do vậy Đức Giêsu mới mời gọi chúng ta : “Anh em hay có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), và điều răn mới và duy nhất Người để lại cho chúng ta là : “Anh em hay yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34).

 

Vì tôn trọng nhân vị, tôn trọng những giá trị nhân bản nơi mỗi anh em, nên dòng Đa Minh không bao giờ cưỡng ép anh em làm những gì trái ngược với bản chất tự nhiên của mình, điều mà cha Cras, Đỗ Minh Vọng, muốn ám chỉ tới khi nói với tôi rằng: “dòng không tìm cách uốn anh thành con công hay con phượng” . Người khác có thể thử nhân đức vâng phục của anh em, bằng cách bắt người ấy trồng cây ngược, nhưng thánh Đa Minh thì chắc chắn trăm lần không.

 

Cha Radcliffe nguyên Bề Trên Cả nói rằng : nếu như khi dòng nhận thánh Tôma hay thánh Martinô Po-rét vào dòng, mà biết rằng về sau này các vị đó sẽ gây sóng gió hay phiền hà cho dòng như vậy, thì chắc chẳng ai cho hai vị thánh tương lai đó mặc áo dòng ! Thật vậy, thánh Tôma xuýt đã làm cho cả dòng phải “sập tiệm” khi vô tình lôi kéo dòng vào vụ “án thần học” ở đại học Paris, còn thánh Martinô Po-rét thì gây phiền hà cho cả nhà khi tha về không những những người nghèo nàn khốn khổ, bệnh tật, mà còn cả những thú vật, như chó mèo đau ốm ! Nhưng dòng đã nhận những vị đó, cũng như nhiều anh em khác vào dòng, và đã giúp họ trở thành những người như Chúa muốn, chứ không phải như anh em muốn, và đã giúp những anh em đó hoàn thành cái “tính trời cho” của mình. Và do đó, Tôma đã trở thành Tôma, và Porét trở thành Porét, Chenu thành Chenu, Congar thành Congar, chứ không thành người khác.

 

Hơn thế nữa, cha Radcliffe còn nói : khi nhận vào dòng những người mới, dòng không những đón nhận một con người với tất cả những gì là họ, mà còn phó thác tương lai của dòng cho họ, bởi vì chính họ là tương lai đó. Thánh Đa Minh không chỉ sống ba nhân đức “đối thần”: tin, cậy. Mến, trong tương quan duy nhất với Thiên Chúa mà thôi, mà còn sống ba nhân đức ấy cả trên bình diện nhân bản, nghĩa là: vì tin Chúa, ngài cũng tin vào con người, cụ thể là các anh em của mình; vì đặt niềm hy vọng vào Chúa, ngài cũng đặt niềm hy vọng vào con người; vì yêu mến Thiên Chúa hết lòng, ngài cũng yêu mến anh em mình hết lòng như vậy.

 

Loài người chúng ta thường thiếu tin cậy vào nhau, nhất là những người có quyền, và những người nghĩ mình tài giỏi hơn người. Đức Giêsu thì không vậy. Người tin tưởng vào những con người mà thế gian có thể coi khinh, coi thường : mấy ông đánh cá, mấy người thuộc nhóm Zêlốt vừa bị nhà cầm quyền Rôma đánh cho tơi bời. Hầu như trong Nhóm 12 chẳng có ai có ăn có học như ông Phaolô sau này. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn tin cả những kẻ bồng bột, nông nổi, như ông Phêrô, kẻ sẽ chối Người ba lần, nhưng vẫn được khẳng định vào vị trí lãnh đạo Giáo hội (x.Ga 21,15-17).

 

Thánh Đa Minh cũng vậy, ngài luôn tin tưởng, hy vọng vào anh em, vì thế nên đã sai cả những anh em còn ở trong tập viện đi giảng, trao áo dòng cho những sinh viên mới tìm hiểu dòng chưa được bao lâu, và nhất là sớm trao quyền lãnh đạo dòng cho anh em, thay vì độc quyền nắm giữ quyền ấy, với tư cách người sáng lập dòng. Tinh thần dân chủ trong dòng Đa Minh phát xuất từ chính nền tảng tin cậy mến sống trên cả hai bình diện đối thần và đối nhân ấy.

 

Vì thế, thái độ tôn trọng và tin tưởng vào anh em, là một đức tính đòi hỏi mỗi tu sĩ Đa Minh phải có. Do vậy, nếu chẳng may có một anh em nào đó có những dấu hiệu không hợp với đời sống Đa Minh, thì các anh em khác không vội dùng đến biện pháp dễ dàng và thiếu nhân bản, là trục xuất, trái lại, tìm cách đối thoại, giúp cho người anh em đó tự tìm ra giải pháp đúng đắn nhất cho mình.

 

Tôi còn nhớ một câu chuyện rất cảm động, và đối với tôi, là một bài học nhớ đời : tôi có một anh bạn Đa Minh người Pháp rất thân. Anh vào nhà tập sau tôi một năm, vừa đẹp trai, vừa lắm tài, vì thế trước khi vào dòng, anh được nhiều cô mê lắm. Lâu lâu anh tâm sự với tôi, tỏ ý vui mừng, vì một cô nào đó đã “buông tha” anh. Nhưng chỉ còn có cô Têrêxa, bạn từ thời thơ ấu ở Marseille, nhất định không chịu từ bỏ ý định lấy anh Phanxicô cho bằng được. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự, Phanxicô Roux rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đến nỗi như anh phải kéo lê đời sống tu trì của mình một cách nặng nề khổ sở. Vì thế, trong một buổi họp sửa lỗi cho nhau, theo như tục lệ trong dòng, còn duy trì vào thời đó, tôi vì thương anh Phanxicô thật sự, nên nghĩ mình phải nói với anh can đảm dứt khoát chọn đường thoát khỏi tình trạng, mà tôi nghĩ vừa khổ cho anh, mà cũng làm cho cả cộng đoàn sinh viên của học viện cũng cảm thấy nặng nề. Phanxicô không hề buồn giận tôi. Nhưng ngay sau buổi họp đó, cha giáo Ducret của chúng tôi gọi tôi đi nói chuyện riêng với ngài. Ngài bảo tôi : “Tôma này, anh thử nghĩ xem, một đàng nếu 30 người xúm lại nâng đỡ một người, hay ngược lại, một người phải chịu đựng áp lực của 30 người, thì đàng nào nhẹ nhàng hơn ? Phanxicô đang ở trong tình trạng cần được chúng ta nâng đỡ, hơn là chúng ta làm cho anh ấy có cảm tưởng là chúng ta phải chịu đựng anh. Vì thế chúng ta phải nhẫn nại và yêu thương nâng đỡ, giúp anh ấy tìm được con đường phải đi.” Sau đó, cha Ducret cho Phanxicô và một anh khác là Rôbe được tự do đi nghỉ ngơi, dể có thì giờ suy nghĩ về ơn gọi của mình. Kết quả là hai anh đã tự ý rút lui. Anh Phanxicô đã cưới cô Têrêxa, và hồi còn học ở Patis, tôi có lần mời hai vợ chồng anh đến ăn cơm với tôi tại nhà một cô giáo dòng Ba Đa Minh, bữa cơm do tôi nấu nướng để đãi họ.

 

Tinh thần nhân bản còn được thể hiện trong việc dòng Đa Minh đưa vào Hiến pháp nguyên tắc chuẩn chước : bề trên có thể chuẩn chước cho các anh em giáo sư khỏi đọc một số giờ Kinh Phụng vụ chung với anh em, để có giờ nghiên cứu, soạn bài. Bề trên cũng có quyền chuẩn chước cho một số anh em khỏi giữ chay theo luật dòng [5], vì yếu đau, hay cần được bổ dưỡng. Ngoài ra, vì tôn trọng bản chất tự nhiên và khả năng chuyên môn của mỗi người, thánh Đa Minh còn chủ trương không để những anh em trí thức tham gia vào công tác lãnh đạo hay quản lý tu viện, để có thể dành trọn thì giờ vào việc nghiên cứu học hỏi. Nếu chẳng may thiếu người, thì tạm thời có thể bắt những anh em đó nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn, nhưng khi tìm được người có thể thay thế, thì phải giải phóng họ ngay, để họ tiếp tục công tác chuyên môn của họ. Quả thật, như chúng ta thấy từ thánh Tôma Aquinô đến các cha Lagrange, Chenu hay Congar suốt đời chẳng bao giờ làm tu viện trưởng cả. Còn thánh Albertô, sau khi làm giám mục được một thời gian ngắn, đã vội từ chức để trở về với nghề nghiên cứu thần học và khoa học tự nhiên.

 

Hẳn nhiều người còn nhớ chuyện thánh Tôma khi được các tu sĩ một đan viện Biển Đức hỏi ý kiến ngài về chuyện nên bầu ai lên lãnh đạo cộng đoàn. Các tu sĩ có ba lựa chọn : một người thánh thiện, đạo đức, một người thông thái, và một người khôn ngoan, hiểu biết việc phục vụ anh em. Thánh Tôma nói : người thánh thiện, đạo đức thì cầu nguyện cho cộng đoàn, người thông thái thì dạy dỗ anh em, người khôn ngoan, thạo việc thì lãnh đạo anh em. Quả thật thánh Tôma cũng chỉ khuyên người ta nên làm như Đức Giêsu : Người đã không chọn Gioan, một người có chiều sâu, đạo đức và là môn đệ yêu quí của Người, cũng chẳng chọn một người thông thái , cỡ như Phaolô mà Người sẽ tuyển chọn sau khi Phục sinh, nhưng lại chọn thánh Phêrô, một người có vẻ nông nổi, lại đã từng chối Chúa ba lần. Sở dĩ thế là vì Phêrô tuy bồng bột, nhưng bản chất nhiệt thành, lại vượt qua được sự yếu đuối, và do đó có kinh nghiệm để “củng cố niềm tin của các anh em” (x. Lc 22,32), sau những lần vấp ngã như ông.

 

Nhân bản là như vậy : tin vào Chúa thì cũng tin vào anh em của mình, thậm chí cả khi những người đó tỏ ra yếu đuối, chưa trưởng thành. Thánh Đa Minh đã trao áo dòng cho những sinh viên đại học còn chưa hiểu biết nhiều về dòng. Ngài còn gọi Gioócđanô Xắc-xô đi dự tổng hội Bôlônha năm 1220, khi anh mới vào tập viện được có hai tháng, và vì thế, Tổng hội năm sau, 30-5-1221, anh được bầu làm giám tỉnh xứ Lombardi, để có thể kế vị thánh Đa Minh cũng trong năm đó, khi ngài qua đời vào ngày 6-8-năm 1221 !

 

Tôn trọng nhân vị, chính là tôn trọng mỗi con người Chúa đã dựng nên “mỗi người một vẻ”, không cứ phải “mười phân vẹn mười”, đó chính là một nghệ thuật, cũng giống như người hoạ sĩ chọn lựa mầu sắc, hay một nhạc sĩ chọn lựa những nốt nhạc. Mầu sắc có khác nhau thì mới có thể hoà hợp, cũng thế, các nốt nhạc có trầm bổng khác nhau với những nhịp dài vắn không cứ phải là đồng đều, thì mới tạo nên một sự hoà điệu tuyệt vời. Dòng Đa Minh luôn trung thành với nguyên tắc đa nguyên, đa dạng đó, trong chính sự hiệp nhất của cộng đồng. Vì thế mà dòng tôn trọng những sắc thái riêng biệt của các tỉnh dòng, cũng như của một tu viện và của mỗi anh em.

 

 
MỘT LINH ĐẠO ĐÒI HỎI TRI THỨC

 

Có người cho rằng dòng Đa Minh là một dòng trí thức. Điều này có lẽ không đúng lắm. Thật vậy, tuy dòng Đa Minh rất quan tâm đến việc đào tạo trí thức cho anh em, nhưng không phải vì thế mà mọi tu sĩ Đa Minh đều là những nhà trí thức. Trái lại, trong dòng cũng có đủ loại anh em, từ những người trí thức như Albertô và Tôma, đến những Chenu, Congar sau này, cũng có nhiều anh em chỉ có trình độ trí thức trung bình, thậm chí có cả những anh em tầm thường nữa, bởi vì không phải anh em nào cũng là triết gia hay thần học gia, hoặc giáo sư, tiến sĩ cả. Có những anh em suốt đời chỉ biết vẽ, như Fra Angelicô, một tu sĩ đã được phong lên bậc Chân phúc ! Còn thánh Martinô Porét và thánh Gioan Mai Sam chỉ là những anh em trợ sĩ.

 

Tuy nhiên điều chắc chắn là linh đạo Đa Minh đòi hỏi tri thức. Tôi nói tri thức, chứ không phải trí thức.

 

Từ điển Tiếng Việt do Nxb. Khoa học Xã hội xuất bản 1988, Hà Nội định nghĩa tri thức là : “Những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội (nói khái quát).” Còn trí thức là : Người chuyên làm việc lao động trí óc và có trí thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghế nghiệp của mình.” [6]

 

Nói giản dị hơn, linh đạo Đa Minh, và phải nói là mọi linh đạo đều đòi hỏi sự hiểu biết. Người Việt nam ta có câu : “Vô tri bất mộ”, không biết thì làm sao yêu được. Nếu không biết người hay vật nào thì làm sao có thể đem lòng yêu thích. Và nếu biết không đến nơi đến chốn mà đã vội yêu, thì có khi sẽ phải hối hận.

 

Đức Giêsu “định nghĩa” sự sống đời đời là “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đế, là Giêsu Kitô.” (Ga 17,3)

 

Thánh Anselmô bảo rằng Fides quaerens intllectum, đức tin đòi hỏi tri thức, có nghĩa là chúng ta phải ý thức được điều mình tin, chứ không phải cứ nhắm mắt bịt tai, không thèm đọc, thèm nghe những bài Tin Mừng, hay những bài giáo lý, thần học. Thật vậy, trong thực tế không thiếu gì người chỉ sống dựa váo một đức tin gọi là “truyền thống”, theo nghĩa la là do gia đình, xã hội truyền lại, hay nói đúng hơn, họ chỉ thuộc Kinh Tin Kính mà thôi. Còn lại, có chăng là họ có một tấm lòng đơn sơ chân thành, có tình cảm đạo đức, nhưng thường là thiếu chiều sâu. Đời sống tâm linh của họ chủ yếu được nuôi dưỡng bằng lòng sùng kính, với những thói quen đạo đức, như hay đi nhà thờ đọc kinh, xưng tội, ăn chay, dâng cúng, bố thí, hành hương vv. Số người tìm cách bồi dưỡng đức tin bằng cách theo học các khóa giáo lý bổ túc, hay thần học giáo dân, nếu tính theo tỉ lệ thì còn quá ít, hầu như chưa đáng kể, nhất là ở các thôn quê, nơi mà trình độ người dân tương đối còn rất thấp, vì thiếu thốn mọi điều kiện và phương tiện.

 

Thời của thánh Đa Minh, cũng chính vì thiếu hiểu biết về Tin Mừng mà người dân Công giáo miền nam nước Pháp dễ trở nên rối đạo. Và do đó, thánh Đa Minh tìm thuốc chữa bằng cách giảng Lời Chúa cho họ, và lập một dòng chuyên lo phục vụ Giáo hội bằng việc rao giảng Lời Chúa, với tên gọi chính thức là Dòng Anh em Thuyết giáo. Mà để có thể thi hành sứ vụ ấy, thánh Đa Minh dòi hỏi anh em phải chuyên cần học Kinh Thánh và Thần học. Thay vì chạy theo những phong trào sùng kính này nọ, người tu sĩ dòng Thuyết giáo phải biết say mê học hỏi, suy tư, chiêm niệm Lời Chúa, lấy Kinh Thánh và Thần học làm lương thực hằng ngày. Có thể nói Kinh Thánh là môi trường tinh thần mà người thuyết giáo luôn luôn đặt mình trong đó, để có thế nói với Chúa, và nói về Chúa. Và cộng đồng Đa Minh được xây dựng trên nền tảng của Lời Chúa, bởi vì anh em Thuyết giáo cầu nguyện với Kinh Thánh, suy tư, chiêm niệm và chia sẻ những gì mình chiêm niệm được từ Lời Chúa cho người khác, đồng thời cũng sống với nhau trong tinh thần Tám mối Phúc thật và tình yêu thương huynh đệ của Tin Mừng. Tóm lại, cộng đồng Đa Minh là cộng đồng cầu nguyện, học hỏi và chia sẻ với nhau, cũng như cho mọi người, những gì mình học hỏi và chiêm niệm được từ Lời Chúa, dưới nhiều hình thức, như giảng giải, thuyết trình, hội thảo, viết sách, viết báo, phát thanh, truyền hình vv.

 

Đó là lý do nhiều người cho là dòng Đa Minh là dòng trí thức. Thậm chí có người còn cho rằng dòng Đa Minh “khô khan”, đơn giản hoá mọi sự. Những ai có dịp hành hương đến Assisi hay đến Montmartre và Fanjeaux, những cái nôi của dòng Phan Sinh, dòng Tên và của dòng Đa Minh, thì có thể nhận ra điều ấy. Khác với Assisi và Montmartre, Fanjeaux tuy nằm trên một ngọn đồi nhỏ, nhưng không thơ mộng như Assisi, không bề thế như Montmartre, và nhất là không bao giờ quy tụ đông người như ở hai nơi kia. Fanjeaux cũng có một ngôi nhà thờ nhỏ, nhưng người ta lại không chú ý đến nhà thờ, cho bằng căn phòng nhỏ nằm trong ngôi nhà khiêm tốn, song song với nhà thờ. Đó là nơi xưa kia thánh Đa Minh đã ở : một căn phòng hầu như trống trơn, hầu như chẳng có đồ vật trang trí nào cả. Người đến đây, chỉ có thể ngồi xuống và lặng lẽ cầu nguyện suy tư. Cảnh vật trải rộng dưới chân đồi, cũng như cả vùng đồi núi gần như hoang vu ở chung quanh, như giúp ta hiểu được linh đạo của thánh Đa Minh : linh đạo mở rộng ra khắp chân trời bao la, chứ không đóng khung trong nhà thờ hay tu viện. Fanjeaux là điểm phát xuất, và bước chân của thánh Đa Minh sẽ không bao giờ dừng lại đó, mà sẽ đi còn đi xa mãi, tới Rôma, Paris, Madrid vv., để dừng lại vĩnh viễn ở Bôlônha.

 

Phải chăng vì thế mà sau nhiều năm khủng hoảng, hầu như không tìm ra lối thoát, kể từ năm 1968, do cuộc “Cách Mạng Văn hoá mùa Xuân” ở Pháp, dòng Đa Minh chỉ tìm được hướng đi mới khi ý thức rằng “Tu viện hôm nay phải là tu viện trên đường phố, mở ra các ngã ba ngã tư phố xá dân gian” (x. Công vụ Tổng hội Oakland, Hoa Kỳ 1989).

 

Linh đạo Đa Minh còn đơn sơ giản dị, thậm chí còn “nghèo”, hiểu theo nghĩa là tiết kiệm ngay cả trong những nghi thức mặc áo dòng hay khấn dòng. Không có gì là long trọng cả, thậm chí ngay cả khi “khấn trọng” cũng thế. Còn ngày thụ phong linh mục, anh em chẳng có lấy một áo lễ mới hay chén lễ mới, nhưng mặc vừa áo nào thì lấy mà mặc !

 

 
LINH ĐẠO ĐA MINH : VITA EVANGELICA ET VITA APOSTOLICA

 

Nói như thế chẳng qua là vì dòng Đa Minh, cũng như Giáo hội của Vatican II, đã tái khám phá vị trí và sứ vụ của mình : một Giáo hội của người nghèo, một Giáo hội không sống cho mình, mà là Giáo hội, là một cộng đồng dòng tu “trong thế giới ngày nay”, một Giáo hội chia sẻ niềm “Vui mừng và Hy vọng” với nhân loại, vì thế mà không ngừng phải đi, đi tới, đến với mọi người, chứ không chỉ bằng lòng ngồi cầu nguyện, hay là ăn chay, hãm mình đền tội cho nhân loại. Giáo hội, tự bản chất sâu xa, là một cộng đồng Tông đồ, nghĩa là cộng đồng những người được sai đi. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Chúa Kitô đã truyền cho các môn đệ như thế trước khi được tôn vinh lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa.

 

Linh đạo Đa Minh, xét cho cùng chẳng có gì khác biệt, độc đáo, mà chủ yếu vẫn chỉ là con đường sống theo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đó là con đường sống hiền lành và khiêm nhường để phục vụ mọi người; con đường nghèo khó, dám từ bỏ mọi sự, kể cả chính mình, để chỉ biết chọn một gia tài duy nhất là Nước Thiên Chúa và sự Công chính của người; con đường khiết tịnh để có mỗt tâm hồn trong sạch mà chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và cuối cùng, con đường vâng phục cho đến chết để bước theo chân Đức Kitô đến cùng.

 

Người tu sĩ Đa Minh sống theo lời khuyên của Tin Mừng, không phải vì cho rằng nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục tự thân ba điều đó là những giá trị tích cực. Trái lại, nghèo thường đi đôi với khổ. Kẻ nghèo thường dễ bị lệ thuộc. Còn kẻ chỉ biết vâng phục, dễ trở thành kẻ nô lệ, mất tự do, không làm chủ được chính mình. Còn kẻ độc thân có thể trở thành ích kỷ và cô độc. Người ta có thể sống nghèo khó, độc thân và để kẻ khác điều khiển mình, chỉ vì lười biếng hay ích kỷ, để mặc kẻ khác sai bảo, hầu được an thân, nhẹ gánh, khỏi lo toan. Hoặc cũng có khi người ta nghèo khó, độc thân và nô lệ bất đắc dĩ, chứ không phải do mình tự ý lựa chọn. Nhưng nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục chỉ trở thành những đức tính và giá trị, khi trở thành những phương tiện để phục vụ Nước Thiên Chúa và phục vụ anh em. Vì thế, chúng ta sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, không phải chỉ để nghèo, để độc thân và vâng phục, nhưng là sống nghèo, sống khiết tịnh và vâng phục vì Nước Trời.

 

Nói cách khác, linh đạo Đa Minh là con đường của người Tông đồ, hay của người sứ giả Tin Mừng. Người Tông đồ, hay sứ giả Tin Mừng phải nghèo để có thể lấy Tin Mừng làm gia tài cao qúy duy nhất của mình; người Tông đồ hay sứ giả Tin Mừng phải sống khiết tịnh, độc thân, để sống trọn vẹn cho Chúa Kitô với một tình yêu sắt son, không chia sẻ; và người Tông đồ hay sứ giả Tin Mừng phải biết phục tùng Chúa Kitô để chỉ biết có sứ vụ đem Tin Mừng của Người đến cho mọi người ở khắp mọi nơi.

 

Đòi hỏi nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục làm cho đời sống của người Tông đồ, hay sứ giả Tin Mừng, trở nên hết sức đơn sơ giản dị, trong đời sống cá nhân, cũng như trong đời sống cộng đoàn. Thật vậy, trong dòng Anh em Thuyết giáo, từ luật pháp, đến cơ cấu tổ chức và sinh hoạt hằng ngày, đời sống Đa Minh không rườm rà, mà đơn giản, gọn gàng. Ngay cả đến việc đọc kinh cầu nguyện, thành Đa Minh cũng muốn anh em không được ê a dài dòng. Tất cả phải được diễn ra với mức độ trung dung : không dài dòng, cũng không nhanh vội. Người ta kể lại rằng trong giờ đọc kinh, thành Đa Minh nhiều khi đích thân ra điều khiển để anh em đọc một cách sốt sắng, chứ không uể oải, lề mề.

 

Người tu sĩ Đa Minh không nán lại lâu trong nhà thờ để cầu nguyện, bởi vì còn có nhiệm vụ học hỏi, suy tư, nghiên cứu Kinh Thánh, Thần học, và nhất là còn phải chu toàn sứ vụ đi loan báo Tin Mừng.

 

Nói tóm lại, linh đạo Đa Minh là linh đạo của người Tông đồ, hay của sứ giả Tin Mừng, nghĩa là con đường không ngừng hướng về phía trước, đưa bước chân người Thuyết giáo đến với nhân loại, hội nhập vào trong dòng chảy của thời đại, vào các nên văn hoá. Vì thế mà Tổng hội gọi tu viện Đa Minh ngày nay là một tu viện trên đường phố : “Là tu viện trên đường phố chính là tái khám phá tính cách lữ hành. Một tu viện đang dấn bước, chính là khước từ nhiều thứ để duy trì tính di động của mình. Không thể lữ hành nếu không di động, và không thể di động nếu không sống nghèo. Chúng ta được mời gọi không ngừng tìm kiếm những môi trường mới để giảng thuyết. Trong thực tế, những môi trường mới này hoàn toàn không phải là nơi chốn cho bằng là những con người.” (Công vụ Tổng hội Oakland, Chương III).

 

Nhưng trước tiên, người tu sĩ Đa Minh hôm nay phải biết cập nhật hoá chính châm ngôn của dòng, như Tổng hội Oakland khẳng định : “Chúng ta phải biết giải thich lại châm ngôn của chúng ta. Vấn đề không phải là chiêm niệm trước (contemplari) rồi sau đó mới đi đến với tha nhân (aliis tradere). Chúng ta được mời gọi giảng thuyết, nhưng trước đó chúng ta được mời gọi lắng nghe, được mời gọi chiêm niệm cùng với tha nhân, được mời gọi chung với những người đang nghe Lời Thiên Chúa, đang khi vẫn tâm niệm rằng rằng mầu nhiệm không thuộc về chúng ta. Đối với chúng ta, cả người giảng lẫn những người khác, mầu nhiệm được tỏ bày như mới, qua những trung gian kỳ lạ và bất ngờ.” (Như trên).

 

 
THAY LỜI KẾT

 

Những ai quan niệm linh đạo như một “con đường thiêng liêng” chỉ liên quan đến đời sống của linh hồn, cũng gọi là đời sống tinh thần, chắc thất vọng về bài viết trên đây về linh đạo Đa Minh, bởi lẽ tôi hầu như không nói gì đến “những sự thiêng liêng”, mà lại nói đến những chuyện như là nguyên tắc chuẩn chước đọc kinh, chuẩn chước việc giữ chay truyền thống, hay là chuyện thánh Đa Minh tin tưởng vào anh em, và nói chung, đến tinh thần nhân bản trong luật pháp và đời sống Đa Minh .

 

Sở dĩ thế cũng chính là vì thánh Đa Minh, và đặc biệt là triết lý và thần học của thánh Tôma, học trò xuất sắc của thánh Đa Minh, đã truyền lại cho dòng Thuyết giáo tinh thần nhân bản ấy. Linh đạo Đa Minh là linh đạo, hay là con đường sống của con người có hồn có xác, chứ không chỉ là của tinh thần hay linh hồn mà thôi, bởi vì triết lý và thần học của Tôma không bao giờ tách linh hồn ra khỏi xác. Vì là con đường sống của con người có hồn có xác, nên linh đạo ấy không thể tách riêng ra, không còn dính líu gì đến thân xác con người. Thật vậy, tôi không thể cầu nguyện với một linh hồn tách rời khỏi xác, và trái lại, việc ăn uống ngủ nghỉ của tôi không phải là không liên quan gì đến việc “đi đàng nhân đức trọn lành” của tôi, bởi vì ăn uống không đầy đủ, ngủ nghỉ không điều độ, thì làm sao đủ sức hay tỉnh táo mà cầu nguyện ! Thế nên mới có chuyện chuẩn chước trong luật pháp Đa Minh !

 

Chúng ta mỗi người chỉ có một hiện hữu, một con người, một cuộc sống. Tuy chúng ta vẫn phân biệt được đời sống tinh thần với đời sống vật chất, nhưng phân biệt không có nghĩa là tách biệt : hai “đời sống” đó khác nhau, nhưng lại gắn bó mật thiết và tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhau.

 

Đó là lý do khiến tôi quan niệm đời sống tâm linh, hay linh đạo ở đây, như một kết hợp hài hoà giữa hồn và xác, giữa tinh thần và vật chất, hay nói tóm gọn, là đời sống của con người toàn diện.[7] Hay như tôi đã viết trong cuốn Siêu nhiên trong tự nhiên : “Người phương Đông không những để cho thân xác tham dự vào đời sống tâm linh, mà thậm chí còn để thân xác đóng vai trò chủ động, và chủ động trong sự kết hợp hài hoà với thiên nhiên vạn vật”. (Trang 95). Hơn thế nữa, nếu trong mầu nhiệm Nhập Thể, Lời Thiên Chúa vốn là thực tại thuần túy siêu nhiên, đã trở nên xác phàm, thì trong mầu nhiệm cuộc Khổ nạn và Vượt Qua, nghĩa là chết và phục sinh, trái tim Đức Giêsu ngừng đập, nghĩa là hoàn toàn trở về thực tại là “vật”, lại được nhận ra như là nguồn sự sống đời đời, bởi vì chính từ đó chảy ra máu và nước : máu là biểu tượng của sự sống, và nươc là biểu tượng của Thần Khí. Nói cách khác,với mằu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh, Đức Giêsu đã khép kín chu trình đi từ tâm linh trở thành vật chất, để rồi làm cho vật chất trở thành tâm linh, khiến cho con người bản chất chỉ là cát bụi, không chỉ “hoá kiếp” để lại tái sinh vào một kiếp khác, như câu hát của Trịnh Công Sơn, nhưng theo nghĩa tuyệt vời là được phục sinh, “biến hình”, để đạt tới Thiên tính, vì đã trở nên con cái Thiên Chúa.

 

16-10-1991 / 05-10-2006

 

Thiện Cẩm OP

 

 

[1] Xin đọc Lm Thiện Cẩm OP, Triết Ấn. Học viện Đa Minh,Trang 34 tt.

 

[2] Xin đọc Lm Thiện Cẩm OP, Đời sống tâm linh : hoà điệu giữa hồn xác. Trong Siêu nhiên trong tự nhiên. Nhà xuất bản Tôn giáo. 2002 Trang 85-102

 

[3] Trong Hát lên bài ca mới.Chân lý xuất bản.2000. Trang 89 tt.

 

[4] Chuyện ấy bây giờ có lẽ không còn đúng, vì các tu sĩ ngày nay mặc thường phục, khó nhận ra là một tu sĩ. Ngày xưa, người ta thường nói : “cái áo làm nên thầy tu” là vì vậy.

 

[5] Trước đây, trong các tu viện, hàng năm từ 14-9 (Lê Thánh Giá) đến Phục sinh, trên bàn ăn không thấy miến thịt nào, chỉ trừ các lễ trọng !

 

[6] Từ điển Tiếng Việt, Trang 1067 cột 2 và 1068, cột 1

 

[7] Xin đọc thêm bài Đời sống tâm linh : hoà điệu giữa hồn và xác của tác giả Trong Siêu nhiên trong tự nhiên. Nxb Tôn giáo. 2002. Trang 85 tt.

 

114.864864865135.135135135250