23/01/2010 -

Linh đạo Đa Minh

659
 

 

 

Linh Đạo Đa Minh

 

Chương 2 

 

ĐỜI TU ĐA MINH
PHẢN CHIẾU HÌNH ẢNH THÁNH ĐA MINH

 

  

 

William A. Hinnebusch, O.P., D.Ph. (Oxon.)

 

 

 

Người Ki-tô hữu có thể học hỏi để sống thánh thiện một cách hữu hiệu nhất bằng việc noi theo cuộc sống của Đức Ki-tô, Đấng sáng lập Ki-tô giáo. Người tu sĩ Đa Minh không chỉ học để trở nên một Ki-tô hữu toàn thiện, nhưng còn phải là người tu sĩ thánh thiện bằng việc học hỏi những tư tưởng và đời sống của thánh Đa Minh, vị sáng lập ra dòng Anh Em Thuyết Giáo. Qua cuộc đời của thánh Đa Minh, anh em có thể tìm thấy những thành tố của linh đạo Đa Minh. Trong Tông thư Unigenitus, Đức thánh cha Pi-ô XI đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học hỏi đời sống của thánh tổ phụ như sau:  

 

"Trên hết mọi sự, cha khuyên các tu sĩ hãy noi theo gương mẫu của đấng sáng lập, người đã soạn luật cho họ, nếu họ muốn dự phần chắc chắn vào đoàn sủng của Dòng mình. Khi sáng lập Dòng, thánh tổ phụ đã làm gì nếu không phải là tuân theo sự linh ứng của Thiên Chúa? Vì vậy, đặc điểm mà mỗi đấng sáng lập cố gắng nhấn mạnh trong Dòng của mình phải được mọi phần tử của Dòng tuân giữ nếu họ muốn trung thành với lý tưởng nguyên thủy của đấng sáng lập". 

 

Như một người con hiếu thảo, mỗi phần tử của Dòng hãy dâng hiến trọn tâm hồn để tôn kính người cha và cũng là người lập luật của mình, tuân giữ các điều luật người chỉ dạy và hấp thụ lấy tinh thần của người. Người tu sĩ Đa Minh không chỉ thấu hiểu tinh thần của thánh Đa Minh; nhưng còn phải quan tâm đến tu luật của thánh Âu-tinh, hiến pháp và lịch sử Dòng ngay từ khi người ấy tìm hiểu và học hỏi linh đạo của Dòng.  

 

Nguồn mạch của linh đạo Đa Minh  

 

Mọi điều tốt đẹp trong đời sống tâm linh của Dòng đều bắt nguồn từ thánh Đa Minh, cũng như mọi điều tốt đẹp trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ Đức Ki-tô. Những yếu tố hiện nay trong linh đạo Đa Minh hoặc là ý hướng rõ ràng của thánh Đa Minh, hoặc là sự triển khai đúng đắn các ý tưởng và kế hoạch của cha. Sự phát triển đạo lý của Dòng, một học thuyết được thánh An-bê và thánh Tô-ma đề xướng với sự khích lệ của tu sĩ Humbert Romans vào giữa thế kỷ 13, là một ví dụ điển hình cho sự phát triển đó.

 

 Dựa trên nền tảng tư tưởng và hoạt động của thánh Đa Minh, các vị thánh này đã dùng lời và gương mẫu để giảng dạy học thuyết cao siêu, theo đuổi vì tình yêu Chúa, có thể phục vụ chân lý Ki-tô giáo và đời sống tinh thần của các nhà trí thức Đa Minh.

 

Các phần tử của Dòng phải biết rõ về thánh Đa Minh và phải vui sướng đi theo cha, nhận ra cha yêu thương họ dường bao. Là vị sáng lập Dòng, thánh Đa Minh đã dành những năm cuối đời cho việc thành lập Dòng, thăm viếng các tu viện và đan viện tiên khởi, giám sát, hướng dẫn, khích lệ và dạy bảo anh em và các đan sĩ. Thiên Chúa Quan Phòng đã ban cho cha một quả tim biết cảm thương và phú cho cha đặc ân hướng dẫn con cái mình.  

 

Tài liệu đáng giá nhất cho việc học hỏi tư tưởng và tinh thần của thánh Đa Minh gồm: hồ sơ phong thánh cho cha, quyển sách nhỏ về nguồn gốc của dòng Anh Em Thuyết Giáo do chân phước Jordan of Saxony viết (gồm 1 tiểu sử về đời sống của đấng sáng lập dòng và đời sống tiên khởi của Dòng và hiến pháp tiên khởi của Dòng). Phần thứ nhất của hiến pháp dòng Đa-Minh được mượn từ hiến pháp của dòng Premons; nhưng thánh Đa-Minh đã sửa đổi và bổ sung để làm cho hiến pháp đó thích hợp với mục đích của Dòng.  

 

Các nhân chứng trong hồ sơ phong thánh của cha Đa Minh được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất đông khoảng 300 người sống ở miền Toulouse, những người này quen biết với thánh Đa Minh trong những năm trước khi cha lập Dòng. Nhóm thứ hai gồm 9 anh em đã sống với cha trong những năm cuối đời của cha. Mối quan hệ giữa 9 anh em này với thánh Đa Minh rất thân thiết. Đó là những tu sĩ thuộc một cộng đoàn ở Bologna (trụ sở chính của cha trong những năm cuối đời ngài) và cũng là những người bạn đồng hành của cha. Họ có nhiều cơ hội để biết cách thức mà thánh Đa Minh đã sống, đã cầu nguyện, ăn uống, ngủ nghỉ, hãm mình phạt xác. Họ là những người được cha quan tâm hướng dẫn theo linh đạo của cha. Chứng cớ của họ cho chúng ta biết những điều liên quan tới cuộc đời oanh liệt của thánh Đa Minh. Họ cùng với chân phước Jordan Saxony đã từng đi du thuyết và cầu nguyện với cha, đã săn sóc cha khi cha lâm bệnh, an táng cha và tiến hành việc phong thánh cho cha. Họ cũng là người đầu tiên cử hành lễ kính cha. Họ hấp thụ được tinh thần của cha, hiểu điều mà cha mong muốn cho Dòng. Qua lời nói và gương mẫu của cha, họ biết cách thức mà một người giảng thuyết phải thánh hóa bản thân như thế nào. Các nhân chứng này sẽ cho chúng ta biết thêm những điều về Thánh Đa Minh và tinh thần của Dòng.  

 

Các nhân chứng ở miền nam nước Pháp xem ra làm ta thất vọng. Chứng cớ của họ dù có trùng hợp với những chứng cớ của các tu sĩ ở Bologna nhưng lại thiếu chi tiết. Tuy nhiên, bằng một lối nói đặc biệt, những điều họ nói có giá trị hơn những gì các tu sĩ ở Bologna nói. Trong số 300 người đó, có 3 phụ nữ. Các bà này đã cung cấp những dữ kiện mà những nam nhân chứng ở cả hai nơi nghĩ là không cần phải nói tới.  

 

Bà Willelma, vợ của Elias Martin, nói là mình biết rất rõ về thánh Đa Minh. Bà đã từng may mũ cho cha và cha đã dùng cơm tại nhà bà hơn 200 lần trong những năm cha ở Pháp. Mỗi lần cha nghỉ chân tại nhà bà, bà đều chuẩn bị và mời cha dùng bữa. Bà thấy cha chỉ ăn một miếng bánh nhỏ và nếu có dùng thêm thì chỉ chừng hai lòng đỏ trứng hay một phần tư con cá. Khi uống rượu, cha pha thêm nước vào 3/4 ly. Bà Willelma đã cho chúng ta biết những chi tiết giá trị về việc ăn uống kham khổ của thánh Đa Minh.  

 

Bà Nogueza cũng xác nhận những điều bà Willema đã nói. Bà nói mình đã từng may mũ cho cha Đa Minh.  

 

Nữ đan sĩ của Hội Dòng Thánh Giá tên là Becceda nói rằng chị cũng đã may mũ cho cha và đã từng mời cha dùng cơm. Chị cũng mô tả những thói quen này của cha như bà Willelma nói, nhưng chị còn thêm một vài chi tiết khác. Chị thường dọn chỗ nghỉ cho cha thánh, nhưng sáng nào cũng vậy: giường vẫn y nguyên, không bị xáo trộn, vỉa giường không có vết nhăn. Đúng là không có ai nằm trên giường. Khi thánh Đa Minh tạm trú tại nhà chị, chị thường nhìn trộm vào phòng ngủ và thấy cha hoặc đứng hoặc quỳ cầu nguyện. Khi ngủ, cha nằm ngay trên sàn nhà, thấy vậy, chị rón rén vào và đắp mền cho cha. Nhưng chỉ một lát sau, chị lại nhìn vào và thấy cha lại đứng hoặc quỳ cầu nguyện.  

 

Sự quan tâm của những phụ nữ này đối với cha thánh và cách thức họ chăm sóc cho cha biểu lộ lòng yêu mến của họ dành cho cha. Thánh Đa Minh có một đặc điểm là chiếm được niềm tin tưởng của phụ nữ. Họ yêu mến và tin tưởng cha.  

 

Một tài liệu quan trọng nói về Thánh Đa Minh đó là tiểu phẩm "Chín phương thức cầu nguyện của Thánh Đa Minh" do một tác giả vô danh, có lẽ ở Bologna, viết khoảng giữa năm 1260 và 1280.Ông không quen biết trực tiếp với thánh Đa Minh, nhưng đã chọn lọc những dữ kiện nơi những người hiểu biết cha, trong đó phải kể đến chị Xê-xi-li-a, người đã được thánh Đa Minh trao tu phục vào năm 1221 tại Rô-ma. Sau đó, tu sĩ Jordan Saxony đã chuyển chị về đan viện thánh A-nê ở Bologna để chị huấn luyện cộng đoàn ở tu viện chân phước Đi-a-na về đời sống của Dòng. "Chín Phương Thức Cầu Nguyện" chứng thực sự thánh thiện cao độ của thánh Đa Minh, nó diễn tả những nét đẹp của đời sống thân mật và tình yêu nồng nhiệt của cha thánh đối với Thiên Chúa.  

 

Chị Xê-xi-li-a cũng có liên hệ với tài liệu: "Những điều huyền diệu của chị Xê-xi-li-a" (thực ra tài liệu này kể về những điều huyền diệu của thánh Đa Minh). Trong cộng đoàn ở Bologna, chị thường kể lại cho các chị em khác về thánh tổ phụ theo trí nhớ (hồi tưởng) của mình và một chị khác viết lại những lời chị Xê-xi-li-a kể. Vì vậy, những điều chị kể thiếu sự mạch lạc của một tiểu sử, ít chú ý đến niên đại và có nhiều sai lầm về chi tiết. Nhưng trong lúc xuất thần, chị Xê-xi-li-a đã kể lại những tiểu tiết về chân dung của cha thánh. Những lời nói này rất có giá trị. Như chúng ta biết thánh Đa Minh đã bắt đầu thiết lập đan viện thánh Xít-tô như thế nào, cha chuẩn bị nơi ở cho các nữ đan sĩ và làm thế nào mà cha thuyết phục được họ di chuyển đến đó, chấp nhận một lối sống khắc khổ hơn và tuyên giữ các lời khấn của dòng Thuyết Giáo. Sau khi đã đưa họ vào sống trong đó (và rào giậu lại),cha thường cùng một số anh em đi từ tu viện thánh Sa-bi-na đến đó mỗi tối (cách nhau khoảng nửa giờ đi bộ) để huấn luyện các nữ đan sĩ. Sau một ngày bận rộn giảng thuyết và làm việc ở thành phố thì các giờ huấn luyện ban đêm này cho thấy cha thánh đã rất quan tâm đến đan viện này. Ngoài ra, khi cha thánh hoạt động tông đồ ở Rô-ma, người ta thấy cha đi thăm viếng, khích lệ, động viên và hướng dẫn những phụ nữ sống ẩn dật, đơn độc trong những căn phòng được xây đó đây trong thành phố.  

 

Ngoại hình của thánh Đa Minh.

 

 

Trong số những người quen biết với cha thánh, chỉ có chị Xê-xi-li-a mô tả về đặc điểm và dung mạo của cha. Trong cuốn "Những điều huyền diệu" có một câu diễn tả rất hay về chân dung thánh Đa Minh. Những chứng cớ hiện nay chứng minh cụ thể những điều chị đã nói. Sau thế chiến thứ II, Đức thánh cha Pi-ô XII đã cho phép các nữ tu sĩ Đa Minh ở Bologna mang hài cốt của đấng sáng lập Dòng đi xét nghiệm. Trong suốt thời chiến, họ đã cải táng mộ cha thánh và đặt chiếc tiểu đựng hài cốt của cha vào tầng hầm sâu rồi lấy những túi cát lấp lại. Sau chiến tranh, được phép Đđưc thánh cha, tỉnh dòng Lombardy đã dùng tia X xét nghiệm di tích đó, nhưng Đức thánh cha không cho phép mở chiếc tiểu ra. Người ta đã chụp được nhiều tấm hình từ những góc độ khác nhau. Hầu hết các xương vẫn còn sau hơn 700 năm. Các bác sĩ và các nhà nhân chủng học có thể nghiên cứu những tấm ảnh đó và đưa ra một mô hình khá chính xác về bộ xương và đặc điểm về thể lý của thánh Đa Minh. Đức thánh cha rất hài lòng về kết quả đó, nên đã cho phép mở chiếc tiểu đựng chiếc đầu của cha thánh để kiểm tra kỹ hơn.  

 

Trong một thời gian dài, các sử gia đã nghi ngờ những ghi nhớ của chị Xê-xi-li-a. Vì họ cho là chị đã quá già khi kể những chi tiết đó cho người khác chép; và chị đã nói phóng đại. Nhiều điều có vẻ như gượng ép. Chắc chắn chị đã không thể kiểm soát nổi trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, việc nghiên cứu di tích đã giải tỏa những nghi vấn này, ít ra cũng giống những điều chị đã nói về dung mạo của thánh Đa Minh. Những điều chị kể đã được các cuộc xét nghiệm khoa học chứng minh là đáng tin cậy. Chị nói cha thánh có chiều cao trung bình (việc đo lường cho thấy cha cao độ 1m68) và dáng khoan thai, gương mặt đẹp, hồng hào, tóc và râu màu vàng hung đượm sắc đỏ. Cha thánh không hề bị hói đầu mặc dù có vài vết xám trên mái tóc. Ở đáy chiếc tiểu, các nhà xét nghiệm đã tìm thấy một vài sợi tóc của cha: màu tóc giống như chị Xê-xi-li-a đã mô tả. Chị kể tiếp: "Từ đôi mắt cha phát ra một vẻ sáng ngời dễ làm cho nhiều người kính trọng và thán phục. Đôi mắt của cha to và đẹp". Xương sọ của thánh Đa Minh cho thấy hốc mắt rộng đúng như chị Xê-xi-li-a mô tả. Với việc đo lường trên và những điều mà chị Xê-xi-li-a mô tả, một nghệ nhân đã tái tạo chân dung của thánh Đa Minh. Ít nhất nó phù hợp với chiều kích, hình dáng và sự cân đối. Chị Xê-xi-li-a còn thêm: "Cha có đôi tay dài và rắn chắc, giọng nói mạnh mẽ và rõ ràng, cha luôn mỉm cười trừ khi trước nỗi đau của người khác". Từ trước đến nay, có rất ít vị thánh có dung mạo được mô tả đẹp như vậy.  

 

Đặc điểm linh đạo của thánh Đa Minh.  

 

Tuy nhiên, chúng ta còn cảm thấy thích thú hơn khi nói đến đặc điểm linh đạo của thánh Đa Minh. Về vấn đề này, chúng ta cũng rất may mắn. Một trong những đặc tính nổi bật của cha thánh là tính tư tế. Cha đã biểu lộ đặc tính này mọi giai đoạn trong cuộc sống. Dường như chúng ta bị bắt buộc phải nói rằng cha thánh được sinh ra để làm linh mục. Khi lên 7 tuổi, cậu bé Đa Minh đã được giáo dục dưới sự hướng dẫn của cậu mình là một linh mục. Sự giáo dục đó không nhằm đào tạo một cậu bé để sau này cầm gươm tham gia trận chiến; nhưng để trở thành một linh mục. Đa Minh học tiếng La-tinh, học hát và phụng vụ ở Pa-len-xi-a. Sau đó, cậu ghi danh vào học tại một trường Công giáo, ở đây, lòng mê say đối với những giáo huấn của Giáo Hội của Đa Minh được biểu lộ. Tuy nhiên, cậu không thể học chúng cách đầy đủ được. Sau khóa học quy củ về triết lý, Đa Minh vội chuyển sang môn thần học và học trong bốn năm. Ngày nay, đây là điều thông thường đối với các ứng viên linh mục; nhưng năm thế kỷ trước đây, bốn năm thần học là điều họa hiếm. Cha thường đêm để học và nghiên cứu những môn học về tín lý. Các lề sách đầy những ghi chú do cha viết. Khi thánh Đa Minh đã gia nhập kinh sĩ đoàn ở Ốt-ma, (sau khi lãnh chức linh mục), cha vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu. Nhưng bây giờ là những nghiên cứu của một linh mục chiêm niệm, say mê tìm hiểu để thấm nhuần các chân lý đức tin với sự trợ giúp của ơn khôn ngoan và thông hiểu, sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Những đạo lý mạc khải đã thấm nhuần vào chính trọng tâm đời sống tinh thần của cha thánh trước khi cha trở thành một người tông đồ. Khi cha đã chuẩn bị đầy đủ và được Chúa soi sáng, cha đi đến miền Nam nước Pháp. Cha hoạt động ở đây suốt 12 năm ròng (1205-1217) để bênh vực và giảng truyền đức tin. Vì vậy chúng ta không lạ gì ngay khi thánh Đa Minh lập dòng, cha đã chuẩn bị kỹ cho anh em học hỏi và yêu mến đạo lý mà anh em phải truyền giảng.  

 

Lòng mến của thánh Đa Minh đối với chân lý đức tin đã nuôi dưỡng trong cha tình yêu sâu đậm đối với Thày Chí Thánh, hình ảnh của Chúa Cha, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, hiện thân của tất cả các mầu nhiệm và học thuyết của Giáo Hội. Chúng ta không thể yêu mến đức tin của mình nếu không biết yêu mến Đức Ki-tô. Một nhà thần bí Đa Minh lỗi lạc, chân phước Henry Suso, tác giả của cuốn "Sự khôn ngoan thánh thiện", một trong những tác phẩm hay nhất về khoa thần bí Tây phương, đã đề cập đến Thiên Chúa như một Đấng khôn ngoan thánh thiện.  

 

Lòng mến của thánh Đa Minh đối với Đức Ki-tô thể hiện qua lời cầu nguyện. Chân phước Jordan Saxony kể rằng: "Thánh Đa Minh dành ban ngày cho tha nhân, ban đêm cho Thiên Chúa. Cha thức thâu đêm để cầu nguyện. Khi quá mệt mỏi, cha thường dựa vào bàn thờ, như tựa vào Thiên Chúa được tượng trưng bằng bàn thờ".  

 

Thánh phụ rất yêu mến thánh lễ; cha cử hành thánh lễ mỗi ngày, và hát lễ khi có thể. Cha luôn luôn bị xúc động trước mầu nhiệm thánh đang tái diễn đến độ nước mắt chảy dài trên đôi má. Cha đã soạn luật phụng vụ riêng cho Dòng, một trong những phương thế chính để đạt được mục đích của Dòng là đọc long trọng kinh thần vụ (đối với anh em trợ sĩ, các nữ tu hoạt động và huynh đoàn Đa Minh thì đọc kinh nhật tụng kính Đức Mẹ). Kinh thần vụ bắt nguồn từ thánh lễ: cao điểm của phụng vụ. Thánh lễ là viên kim cương còn kinh thần vụ là cái khung để gắn viên kim cương đó. Các giờ kinh thần vụ chuẩn bị cho thánh lễ và tiếp theo sau thánh lễ. Nó kéo dài hiệu quả của thánh lễ ở những thời điểm khác trong ngày.  

 

Vì yêu mến Đức Ki-tô, thánh Đa Minh luôn mang theo mình sách Tin mừng của thánh Mát-thêu và các lá thư của thánh Phao-lô. Với cuốn Tân Ước gọn nhẹ, có lẽ chúng ta sẽ nói: "Ồ ! đó chẳng phải là kỳ công, tại sao người không mang toàn bộ cuốn Kinh Thánh ?!". Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng làm như vậy; nhưng vào thời đó, đây là một vấn đề hết sức khó khăn vì các sách phải viết tay, rất kềnh càng và mắc. Nếu là sách nhỏ thì chữ viết tay phải rất bé. Thánh Đa Minh đã mang theo mình những quyển sách cha quí nhất, chúng nói rất rõ về Đấng Cứu Độ. Chân phướcJordan Saxony nói thánh Đa Minh đã đọc những sách này nhiều lần đến độ cha thuộc lòng.  

 

Lòng sùng kính của Thánh Đa Minh đối với Thiên Chúa đã đưa tâm hồn cha chìm sâu trong mầu nhiệm thương khó. Nhiều nhân chứng ở Toulouse và Bologna đã làm chứng rằng thánh Đa Minh đã cầu nguyện hầu như suốt đêm. Cha bị xúc động đến nỗi cha thường kêu lớn tiếng. Một số nhân chứng được hỏi là tại sao họ biết như vậy. Tu sĩ Rudolph Faenza trả lời: "Tôi biết điều này vì tôi tò mò muốn biết cha đã làm gì trong nhà thờ vào ban đêm. Vì vậy, tôi đã núp phía sau cây cột trong nhà thờ và nghe cha". Cha luôn cầu xin và làm việc đền tội cho các tội nhân: "Ôi lạy Chúa, xin thương đến dân Ngài...các tội nhân rồi đây sẽ ra sao?". Chân phước Jordan viết : "Thánh Đa Minh có tâm hồn đồng cảm, cha dâng lên Thiên Chúa nỗi thống khổ của nhân loại. Khi ngừng cầu nguyện, người thường phạt xác." Thánh Đa Minh còn thể hiện việc đền tội bằng những bữa ăn thanh đạm. Trong khi anh em dùng hai món ăn cho bữa tối, cha chỉ dùng một món. Cha thường ăn xong trước mọi người, sau đó tiếp tục nghe đọc sách; nhưng vì quá mỏi mệt nên cha thường ngủ gục tại bàn ăn. Ngoài việc ăn uống kham khổ, ngủ ban đêm ít giờ và đội mũ, thánh Đa Minh còn đeo một dây xích sắt quanh lưng. Lúc cha chết, tu sĩ Rudolph Faenza đã thấy sợi xích và trao lại cho tu sĩ Jordan. Cha làm những việc khắc khổ này vì cha khao khát được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn. Cha đã yêu mến các linh hồn biết bao. Họ là những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô đã được Bửu huyết của Người cứu chuộc. Không thể yêu mến Đức Ki-tô cách sâu xa khi không yêu thương các linh hồn. Nếu chúng ta không yêu mến các linh hồn, chúng ta không thể làm gì cho phần rỗi của họ được, và tình yêu của chúng ta đối với Đức Ki-tô sẽ hời hợt và nông cạn. Thánh Đa Minh biết rằng: "Nhiều linh hồn sẽ sa hỏa ngục vì không có ai hy sinh đền tội cho họ".  

 

Thánh phụ duy trì những giờ canh thức linh thiêng một mình ban đêm để cầu xin cho hoạt động tông đồ mà ban ngày cha đã hăng say theo đuổi đạt được hiệu quả.  

 

Thánh Đa Minh ao ước trở thành nhà truyền giáo, mưu tìm ơn cứu rỗi cho các linh hồn. Trong những năm cuối đời (sau khi cha đã lập Dòng), cha luôn đề cập đến việc đi giảng cho người lạc giáo. Lần đầu tiên khi rời nước Tây Ban Nha, cùng với Đưc cha địa phận Ốt-ma sang đón công chúa nước Đan Mạch về cho hoàng tử con vua nước Tây Ban Nha, thánh Đa Minh và Đức cha đã lên miền Bắc cùng với Đức Tổng giám mục ở Lund đang nỗ lực tổ chức một cuộc truyền giáo trong vùng Ban-tic (Baltic). Thánh Đa Minh và Đức cha Đi-ê-gô đã biết về những người lạc giáo thuộc vùng Pru-ma, Li-thu-a-ni-a và Ét-thô-ni-a qua những bản tường thuật từ miền Đông gửi về Đan Mạch. Cha thánh không bao giờ quên những người lạc giáo này. Cha cũng nhớ tới những người Ma-rốc sống trên quê hương Tây Ban Nha và người Cu-man Giắc-ta ở Hung-ga-ri. Cha hứa với tu sĩ William Montferrat (người tông đồ trẻ) rằng hai cha con sẽ cùng nhau đi truyền giáo sau khi Dòng đã được thành lập vững vàng. Cha bắt đầu có ý định để râu. Việc thành lập Dòng đòi hỏi nhiều thời gian hơn cha dự định. Và vì vậy, cha đã không bao giờ trở thành một nhà truyền giáo được. Cha truyền lại nhiệt tâm tông đồ này cho con cái. Tu sĩ William Montferrat là một trong những người đi truyền giáo cho người Ả Rập thuộc vùng Pa-lét-tin. Dòng Đa Minh đã từng là một dòng truyền giáo lớn. Ngày nay, có khoảng 20% số thành viên của Dòng đang hiện diện trên cánh đồng truyền giáo ngoại quốc.  

 

Những người quen biết thánh Đa Minh kể rằng cha muốn cống hiến đời mình cho các linh hồn nếu cần. Với lòng quả cảm, cha đã đi giảng dạy trong các vùng thuộc phái An-bi. Nhiều lần cha biết kẻ thù đang tìm cách giết cha, nhưng cha vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Một lần, họ bắt được cha; nhưng họ thấy cha không chút kháng cự. Họ hỏi: "Ông sẽ làm gì nếu chúng tôi thi hành "kế hoạch" của chúng tôi ?" Cha trả lời: "Tôi sẽ xin các ông hãy giết tôi bằng cách nào chậm nhất có thể, hãy cắt tôi ra từng miếng một để việc tử đạo của tôi được kéo dài vì lợi ích các linh hồn". Vì thấy cha quá mong được tử đạo nên họ đã không giết cha. Nhưng cha đã tử đạo bằng khát vọng.  

 

Khi còn là sinh viên ở Pa-len-xi-a, lòng thương người đã thôi thúc cha bán sách đi để giúp người đang đói khát. Trên đường đi Đan Mạch, thánh Đa Minh đến Toulouse, cha vào một quán trọ của người lạc giáo. Mặc dù đã đi suốt ngày băng qua một vùng đất xa lạ; nhưng cha thánh vẫn thức trắng đêm để thuyết phục và hoán cải ông chủ quán. Cuối cùng, sau nhiều năm hoạt động trên vùng đất của người An-bi, cha thánh nhận thấy một mình không thể cứu vớt tất cả những linh hồn này được. Ý tưởng thành lập một dòng giảng thuyết không ngừng khơi dậy lên trong tâm trí cha.  

 

Là một linh mục nhân từ, nhưng thánh Đa Minh rất kiên quyết trong việc sửa lỗi. Điều mà dường như là một đặc điểm của các giáo sĩ, nhưng việc sửa lỗi là một đức tính tốt để tẩy xóa tội lỗi. Tu sĩ Rudolph Faenza mô tả đặc tính này của Thánh Đa Minh như sau:

 

"Cha thánh luôn vui vẻ và dễ chịu, cha là niềm an ủi cho anh em. Cha có lòng nhẫn nại, thương cảm và quảng đại. Dù thấy anh em phạm bất cứ lỗi gì, cha cũng đều làm ngơ như thể mình không nhìn thấy. Nhưng sau đó, cha mới ôn tồn nói: "Này anh, anh nên nhận lỗi". Bằng những lời tế nhị, cha đã khiến cho mọi anh em đều hối hận và thú nhận lỗi lầm của mình".

 

Mặc dù cha thẳng thắn sửa phạt người phạm lỗi, nhưng họ vẫn cảm thấy được an ủi vì thái độ khiêm tốn của cha. Cha sửa phạt khi cần thiết bằng một thái độ cương quyết, với việc đền bù tương xứng. Cha có thái độ tế nhị đối với tâm hồn. Vì vậy, cha không làm nhụt ý chí của người khác. Tu sĩ Phao-lô Vơ-ni (Paul of Venice) làm chứng rằng:

 

"Bản thân cha giữ luật cách khắt khe và nghiêm túc, đồng thời cha khuyến khích và xin anh em cũng giữ như vậy. Cha thẳng thắn khi sửa phạt người có lỗi. Tuy nhiên, cha khiển trách họ bằng sự kiên nhẫn và tế nhị như thế nên không ai thấy buồn phiền và chống đối khi được sửa dạy".  

 

Là một linh mục thánh thiện, thánh Đa Minh đã trổi vượt trong việc khuyên dạy, cố vấn và an ủi. Các nguồn chứng cớ đã đề cập nhiều đến điều này. Tu sĩ Tê-pha-nô người Tây Ban Nha, là sinh viên đại học khi thánh Đa Minh lần đầu tiên đến Bologna và được cha thánh trao tu phục, đã khẳng định rằng:

 

"Cả anh em và những người khác đều thấy thánh Đa Minh là một người tài khuyên bảo nhất khi họ bị cám dỗ". Tu sĩ Tê-pha-nô biết điều này vì khi mới là một tập sinh, thày thường gặp nhiều cám dỗ. Nhưng thày hoàn toàn trở lại bình thản nhờ lời khuyên dạy của thánh Đa Minh. Nhiều tập sinh khác cũng đã nói với anh rằng họ cũng có những cảm nhận tương tự về thánh Đa Minh. Thày không bao giờ thấy ai hăng say phát triển dòng, duy trì luật lệ và khuyên bảo anh em như vậy. Thày nghĩ sau này sẽ chẳng có ai có được những đức tính này như thánh Đa Minh". 

 

Một nguồn dữ kiện cho thấy thánh Đa Minh có đời sống nội tâm mãnh liệt, cha luôn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa Quan Phòng. Xét theo khía cạnh con người, những năm hoạt động ở giữa những người thuộc phái An-bi là một bằng chứng rõ ràng cho thấy không mang lại ích lợi gì. Có những cuộc hoán cải nhưng không đáng kể. Con số người hoán cải không lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn. Nhưng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, thánh Đa Minh vẫn kiên trì hoạt động trong nhiều năm mặc dù gặp rất nhiều khó khăn. Cha không ngừng hoạt động và trông chờ mùa thu hoạch. Không gặt hái được kết quả ở miền Nam nước Pháp nhưng cha thánh đã thu hoạch được sau này khi cha lập Dòng. Dòng của cha vẫn không ngừng thu được lợi ích từ niềm tin thác của cha trong tay Chúa. Khi cha thánh mới chỉ có 16 anh em, cha đã phân tán họ đi khắp nơi, bất chấp lời khuyên của Đức giám mục Toulouse và Bá tước Si-mông Mông-pho (Simon de Montfort). Cha sai các anh em đến Paris, Tây Ban Nha, và Rô-ma mặc cho bạn bè lấy lời khôn ngoan của con người để cản ngăn. Họ nghĩ cha đang phá hủy những gìmà cha đã dày công xây dựng, làm tan rã Dòng mà cha mới thành lập. Nhưng Thánh nhân có được sự khôn ngoan siêu nhiên đến từ Ngôi Ba Thiên Chúa. Hạt giống được cất giữ kỹ luỡng sẽ bị hư nát; nhưng nó sẽ sinh hoa kết trái nếu nó được gieo vãi. Chỉ hai năm sau khi đến Paris, đã chiêu mộ được 30 anh em, thay vì 9 anh em lúc ban đầu. Vài năm sau, số anh em lên đến hàng ngàn người.  

 

Ý hướng duy nhất là Thánh Đa Minh muốn lập một dòng hành khất, một dòng không sở hữu tài sản và không có lợi tức. Cha tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa đến nỗi cha không muốn anh em dự trữ thực phẩm quá nhu cầu mỗi ngày. Đó là lý do tại sao anh em thỉnh thoảng lại nhịn đói. Lần kia, vì lòng tin của cha, Thiên Chúa đã làm phép lạ. Tại Rô-ma, khi các anh em mới gia nhập dòng còn lạ nên không xin được đủ bánh. Khi đếngiờ, mọi người tập trung tại nhà ăn như thường lệ mà trên bàn chẳng có gì. Thánh phụ vẫn mời anh em đọc kinh Tạ Ơn và ngồi vào chỗ. bỗng nhiên, có thiên thần đến phân phát bánh cho mỗi người. Khoảng 20 năm sau khi cha thánh qua đời, luật dòng ít khắt khe hơn và cho anh em được dự trữ thực phẩm đủ cho một năm. Phải chăng khi đó anh em thiếu niềm tin? hay Dòng đã phát triển quá nhanh? Vào cuối thế kỷ XIII, lòng hảo tâm của người dân đã giảm sút nên anh em cần phải dự trữ lương thực như vậy.  

 

Noi gương thánh Đa Minh.  

 

Tính chất tư tế làm cho thánh Đa Minh yêu mến những đạo lý của Giáo Hội, lòng cha yêu mến Thiên Chúa thể hiện đối với thánh lễ và Thánh Thể, qua việc cha hãm mình phạt xác noi gương Chúa Ki-tô đau khổ, qua lòng yêu thương các linh hồn, qua khả năng khuyên nhủ và hướng dẫn người khác, qua niềm tín thác nơi Thiên Chúa Quan Phòng. Tính tư tế là đặc tính chính của cha. Có lẽ các thày trợ sĩ, các đan sĩ, các nữ tu hoạt động và huynh đoàn giáo dân sẽ nói: "Làm thế nào chúng ta có thể đi theo cha được?", "làm sao chúng ta có thể noi theo chức tư tế của cha?"  

 

Phép Rửa tội đã khắc ghi dấu chứng Ki-tô giáo vào tâm hồn người lãnh nhận, dấu chứng của Đức Ki-tô, linh mục đời đời. Nó cho người lãnh nhận được tham dự vào chức vụ tư tế của Đức Ki-tô và vào việc phụng tự thánh trong Giáo Hội. Theo chiều hướng này, mọi người tu sĩ Đa Minh có thể sống theo tính cách tư tế của cha thánh: yêu mến đạo lý của Giáo Hội, yêu mến sự đau khổ của Đức Ki-tô, tha thiết với thánh lễ và Thánh Thể, yêu mến các linh hồn và tin tưởng vào Thiên Chúa Chúng ta, người tu sĩ Đa-Minh, phải luôn kính yêu thánh tổ phụ. Cha có đủ quyền thế cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Trước hết, chúng ta không cầu nguyện để xin cho được của cải vật chất. Nhưng nhờ cha thánh, chúng ta sẽ nhận được ân huệ tinh thần: đó là xin cho được hiểu biết và sống đời sống Đa Minh và nhiệt thành đối với các linh hồn.

 

Các tu sĩ Đa Minh phải đến với thánh Đa Minh, vì cha mãi mãi là một linh mục. Ở trên trời, cha vẫn luôn phù trợ như xưa kia, cha vẫn có thể khuyên dạy, hướng dẫn và giúp đỡ các linh hồn. Khi gặp khó khăn, chúng ta hãy đến với vị linh mục này. Hỡi các tu sĩ Đa-Minh, hãy đến với thánh Đa Minh, vị linh hướng. Hãy đến với cha vì đó là cha của anh em. Cha mẹ trên trời hằng dõi theo đoàn con nơi dương thế, hiểu biết những nhu cầu và khó khăn của con cái, và sẵn lòng giúp đỡ. Mối tương quan tinh thần đã liên kết thánh Đa-Minh với con cái của cha. Các lời khấn của người tu sĩ và lời hứa của người thuộc huynh đoàn giáo dân Đa Minh làm cho họ trở nên con của thánh tổ phụ. Khi thỉnh cầu, họ nên nhắc cha thánh về điều đó. Họ phải đến với cha, nài xin phúc lành tinh thần, xin ơn chiêm niệm, xin biết sống đời tu Đa-Minh trên đường nên thánh. Họ phải nhắc cha rằng cha đã hứa sẽ nhận lời họ. Đó là khi anh em buồn rầu tụ tập bên cha lúc cha đang hấp hối, và xin cha nhớ cầu nguyện cho họ. Cha đã trấn an họ bằng những lời sau: "Cha sắp ra đi đến nơi mà ở đó cha sẽ làm ích cho các anh em hơn khi cha còn tại thế".

 

Lạy cha Đa Minh, xin cha thực thi lời cha đã hứa ...

 

114.864864865135.135135135250