Linh Đạo Đa Minh
Chương 4
ĐẶC TÍNH TÔNG ĐỒ TRONG ĐỜI SỐNG ĐA MINH - P. I
William A. Hinnebusch, O.P., D.Ph. (Oxon.)
Người tu sĩ Đa Minh thánh hóa bản thân nhờ chiêm niệm và cứu rỗi các linh hồn qua giảng thuyết. Hai mục đích này không đối nghịch với nhau, nhưng cả hai chỉ là một. Mục đích thứ nhất được bao hàm trong mục đích thứ hai. Giảng thuyết là hoa trái của cầu nguyện, suy niệm. Nhờ chiêm niệm, người tu sĩ Đa Minh yêu mến Thiên Chúa nhiều đến nỗi họ phải yêu thương tha nhân và trở thành người tông đồ. Họ không thể nghỉ ngơi được khi vinh quang của Thiên Chúa chưa được loan báo khắp thế giới.
Chiêm niệm tạo nên người tông đồ.
Ơn gọi của Dòng thật tuyệt vời. Ơn gọi này giúp cho người tu sĩ chu toàn hai lệnh truyền tối thượng: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là lệnh truyền trọng nhất và lệnh truyền thứ hai cũng giống lệnh truyền ấy, là ngươi phải yêu thương tha nhân như chính mình". (Mt 22,37-39). Trước hết là Thiên Chúa, thứ đến là tha nhân.
Chúng ta thấy rất rõ trật tự lòng mến này trong cuộc đời của thánh Ca-ta-ri-na Si-ê-na. Trước khi là một người tông đồ, thánh nữ đã là một người chiêm niệm. Chân phước Rây-mun-đô Ca-pu-a kể: "Trong giai đoạn đầu của cuộc đời, thánh nữ đã học cách yêu mến Thiên Chúa qua việc sống cách biệt với thế giới, ngay cả khi chị còn sống ở gia đình. Chị cảm thấy hạnh phúc được cầu nguyện với Chúa trong căn phòng nhỏ riêng. Chị sung sướng tiếp tục cầu nguyện như thế cho đến cuối đời. Nhưng sau đó Chúa đã hiện ra với ngài rằng ngài sẽ trở thành một người tông đồ:
"Trái tim con sẽ bừng cháy mãnh liệt vì phần rỗi nhân loại đến nỗi con sẽ quên đi nữ tính của mình và con sẽ thay đổi cách sống hiện nay của con. Con sẽ không còn xa tránh mọi người như con đang làm nữa; nhưng vì phần rỗi của họ con sẽ chấp nhận mọi công việc".
Về sau chân phước Rây-mun-đô kể lại sự việc ấy đã xảy ra như thế nào. Sau khi Ca-ta-ri-na tiến sâu trong đời sống thần bí và đã được đặc ân kết hôn thiêng liêng, Chúa đưa chị ra khỏi nơi ẩn dật, thúc bách chị trở thành người tông đồ và đi giao tiếp với người khác; nhưng không làm chị lìa xa Chúa: "Hãy đi đi, đã đến giờ ăn tối rồi. Hãy ngồi vào bàn cùng với gia đình con. Hãy đi và ở đó với mọi người, sau đó rồi hãy trở lại cùng Cha". Thánh Ca-ta-ri-na đã phản ứng lại: "Không, lạy Chúa, điều đó đi ngược lại sự hoàn thiện vô cùng khi Ngài ra lệnh cho con hay bất cứ ai phải xa cách khỏi sự thánh thiện của Ngài bằng bất cứ cách nào". Đáp lại phản ứng của thánh nữ, Chúa nói:
"Con gái yêu dấu của Ta, con hãy yên tâm. Con cần phải chu toàn mọi bổn phận để cùng với ân sủng của Ta, con có thể giúp đỡ người khác như giúp chính bản thân con. Ta không có ý định tách lìa con khỏi Ta. Trái lại, Ta muốn kết hiệp với con mật thiết hơn bằng tình yêu tha nhân. Ta muốn con chu toàn hai lệnh truyền này. Thực vậy, con phải đi với cả hai chân và về trời bằng cả đôi cánh nữa".
Bản văn này đã diễn tả thật đầy đủ hai yếu tố chính yếu của Dòng: chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Qua lời chỉ dạy cho Ca-ta-ri-na, Chúa Ki-tô đã bày tỏ cho người tu sĩ thấy rằng: nếu theo đuổi việc tông đồ với một tinh thần hợp lý thì họ sẽ không bị việc tông đồ tách lìa khỏi Thiên Chúa.
Người tông đồ Đa Minh noi gương Đức Ki-tô và thánh Đa Minh. Các ngài đều là những vị chiêm niệm. Đức Ki-tô chỉ sống ở trần gian 33 năm thì 30 năm trời Ngài đã sống một cuộc sống ẩn dật. Và Ngài dành cho đời sống công khai chỉ có 3 năm. Thánh Đa Minh đã sống khoảng 50 năm thì 10 năm đầu trong sứ vụ linh mục, cha đã dành cho việc cầu nguyện. Chỉ có 16 năm cuối đời, ngài mới dành cho việc tông đồ. Những tư liệu chính xác ấy dạy ta một bài học quan trọng: đời sống chiêm niệm luôn phải đi trước đời sống hoạt động, không nhất thiết về thời gian nhưng luôn luôn giữ vai trò quan trọng. Vì chiêm niệm là nguồn mạch của hoạt động nên nó luôn giữ vai trò quan trọng hơn.
Chiêm niệm đã làm cho Thánh Đa Minh trở thành người tông đồ. Chân phước Jordan Saxony khi nói về những năm tháng cha thánh sống ở Ốt-ma, đã diễn tả đặc ân của cha thánh có lòng thương xót các tội nhân, những kẻ khốn cùng và bất hạnh như sau:
"Nhiều đêm chìm đắm trong cầu nguyện, cha đã quen với việc thường xuyên đàm đạo cùng Chúa Cha trong phòng kín. Thỉnh thoảng trong lúc cầu nguyện cha bật tiếng khóc nức nở và những lời than van xuất phát từ trái tim thổn thức, cha cũng không thể kềm lòng được nên bật lên to tiếng đến nỗi người ta có thể nghe thấy rất rõ từ đàng xa. Đó chính là lời cầu nguyện riêng và thường xuyên mà cha dâng lên Chúa để Chúa đoái thương ban cho cha lòng bác ái. Lòng bác ái ấy đã sinh hoa kết trái trong việc chăm lo và làm việc vì phần rỗi con người. Cha xác tín rằng chính cha chỉ trở thành một chi thể đích thực của Chúa Ki-tô khi cha dành trọn cuộc đời để mưu ích cho các linh hồn; như vậy cha đã trở nên giống Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã tự hiến mình cứu độ chúng ta.
Cha đã cầu xin cho được lòng nhiệt thành vì đó là một nhu cầu thiết yếu đối với người tông đồ. Khi Chúa nhận lời khẩn cầu của cha và mời gọi cha dấn bước vào lãnh vực hoạt động tông đồ, cha đã sẵn sàng đáp trả.
Trong đêm đầu tiên ở Toulouse, thánh Đa Minh đã khám phá ơn gọi mới của mình khi cha gặp người chủ quán theo phái An-bi. Cảm xúc trước con chiên lạc này, cha thức suốt đêm để tranh luận với người chủ quán. Sáng sớm hôm sau, cha đã thuyết phục được ông, đó là hoa trái đầu tiên của những năm cầu nguyện ở Ốt-ma. Đối với cha, cuộc trở lại này đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời. Lòng khao khát ấy không lâu sau đã được thảo mãn. Cha dành suốt quãng đời còn lại cho việc tìm kiếm các linh hồn. Linh mục Pons, một đan viện phụ Xi-tô ở Boulbonne, đã nói về lòng nhiệt thành này trong cuộc điều tra phong thánh tại Toulouse như sau: "Cha Đa Minh khao khát các linh hồn, hăng say cầu nguyện và giảng thuyết". Tội lỗi nhân loại đã đóng đinh cha vào thập giá. Chúng ta có thể nói về cha như lời thánh Phaolô tông đồ: "Có ai yếu đau mà tôi lại không cảm thấy yếu đau" (2 Cr 11,29).
Các tu sĩ từng được sống gần gũi với đấng sáng lập đã nhấn mạnh đến lòng nhiệt thành này của cha:
"Thánh Đa Minh có lòng nhiệt thành nồng nàn không những đối với phần rỗi linh hồn của các Ki-tô hữu mà còn của những người Hồi giáo và ngoại giáo nữa. Cha thôi thúc anh em cũng hãy có tâm tình như thế. Tình yêu của ngài dành cho các linh hồn mãnh liệt đến độ cha ao ước được đi giảng cho những người ngoại giáo và nếu cần, cha sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức tin. Cha đã lên kế hoạch để thực hiện công việc này ngay khi Dòng vừa được thành lập.
Tu sĩ Gio-an người Tây Ban Nha đã làm chứng rằng thánh Đa Minh "...thường xuyên giảng thuyết và bằng mọi cách, cha thôi thúc anh em cũng làm như vậy. Khi phái các tu sĩ đi giảng, cha khuyên nhủ và xin họ hãy nhiệt thành với phần rỗi các linh hồn.
Thánh Ca-ta-ri-na cũng có lòng nhiệt thành đó. Chân phước Rây-mun-đô Ca-pu-a đã kể lại tình yêu của thánh nữ đã triển nở như thế nào. Vào năm 7 tuổi, sau khi đã Ca-ta-ri-na khấn sống trinh khiết, em bắt đầu khao khát các linh hồn và có lòng yêu mến đặc biệt đối với các vị thánh đã tích cực làm việc vì phần rỗi các linh hồn. Khoảng thời gian này, Ca-ta-ri-na biết dòng Anh Em Thuyết Giáo đã được thành lập vì nhiệt thành đối với đức tin và lợi ích các linh hồn. Kể từ đó, chị đã nhận ra lý tưởng cao cả của Dòng này đến độ bất cứ lúc nào chị nhìn thấy một tu sĩ Đa Minh đi ngang qua nhà, chị đều chăm chú nhìn theo. Rồi khi họ đã đi khuất, chị chạy đến và khiêm tốn cng kính quì xuống hôn những dấu chân in trên mặt đường. Lòng khao khát khôn nguôi được trở thành một phần tử và được tham gia vào các hoạt động của Dòng mạnh dần trong tâm hồn thánh nữ.
Thánh Đa Minh đã trở thành người tông đồ như thế nào ? Để trở thành người tông đồ, cha đã tuân giữ tu luật của thánh Âu-tinh và hiến pháp của Kinh sĩ đoàn Ốt-ma. Vì tu luật của thánh Âu-tinh mô phỏng đời sống của các tông đồ nên nó làm tinh thần tông đồ nơi những người tuân giữ tăng triển mạnh mẽ. Thánh Âu-tinh qui định đời sống công đoàn trong tu luật của mình. Đời sống này chuẩn bị cho các hoạt động phục vụ các linh hồn. Khi Đức Grê-gô-ri IX sẵn sàng phong thánh cho cha Đa Minh, ngài nói (với các tu sĩ đến xin phong thánh) như sau: "Ta đã biết cha Đa Minh là người đã sống cách triệt để luật của các thánh tông đồ. Với lòng khao khát các linh hồn cách mạnh mẽ và lòng nhiệt thành bùng cháy ấy, cha không làm cho chúng ta ngạc nhiên khi cha lập dòng Anh Em Thuyết giáo chuyên tách việc giảng thuyết nhằm cứu rỗi các linh hồn".
Mở rộng hoạt động tông đồ.
Nếu đây là mục đích của dòng Anh Em Thuyết Giáo thì các tu sĩ Đa Minh có thể giải thích thế nào về việc chia ba ngành và sự phát triển các hoạt động tông đồ nguyên thủy của dòng? Ngươì tu sĩ Đa Minh có thể đạt tới phần chính yếu của những việc mà đấng sáng lập đã thực hiện bằng cách nào? Thánh Đa Minh đã thiết lập một dòng chuyên lo việc hoạt động tông đồ để tiếp tục công việc của Đức Ki-tô. Người đã đến để cứu rỗi các linh hồn, chết cho họ và đã sai các tông đồ tiếp nối sứ mạng ấy. Nhiệm vụ ưu tiên của họ là rao giảng: "Hãy đi khắp thế giới và loan giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị luận phạt (Mc 16, 15-16). Hoạt động chính yếu của họ là truyền bá đức tin và cứu độ các linh hồn.
Rao giảng là loan báo đức tin. Chúng ta có thể làm việc này ở trong lớp học cũng như trên tòa giảng, chúng ta có thể giảng bằng gương tốt cũng như bằng các phương tiện truyền thông và sách báo. Mọi hoạt động giảng dạy chân lý, mọi hoạt động trình bày về con người của Đức Ki-tô bằng cách này hay cách khác đều có thể được xem là công việc của người tu sĩ Đa Minh. Linh mục Vincent Mc Nabb đã thấm nhuần chân lý này đến độ cha muốn rao giảng bằng chính thân xác của mình. Cha xin người ta tổ chức tang lễ cho cha thật đơn giản, cha nói:
"Tôi không muốn một cỗ quan tài lộng lẫy, bóng nhoáng, tôi cũng không muốn một cây thánh giá bằng đồng hay mạ đồng đặt trên chiếc quan tài đó. Tôi muốn một chiếc quan tài thật bình thường làm bằng loại gỗ giống như loại gỗ lót sàn đây".
Trên nắp chiếc quan tài ấy chỉ cần vẽ một hình thánh giá và một dòng chữ màu đen. Thi hài của cha được đem ra nghĩa trang trên một chiếc xe tải cùng với cỗ quan tài, những người giúp lễ và một người cầm thánh giá trong một khung cảnh đơn sơ". Cha kết thúc bài giảng:
"Dĩ nhiên, tôi biết có người sẽ nói rằng: "Đó là Mc Nabb với những hành động ngốc nghếch của mình. Đó là Mc Nabb, kẻ chơi nổi với trò khoa trương của mình". Nhưng lạy Chúa, không phải thế đâu.Suốt đời, tôi đã giảng và khi tôi không còn sống nữa, tôi cũng sẽ vẫn còn giảng. Tôi sẽ giảng bằng chính thân xác đã chết của tôi..."
Hiến pháp từ lâu đã công nhận rằng giảng thuyết có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Từ năm 1505, những ấn bản đều đặt giảng thuyết và dạy học đồng hạng với nhau: "Đó là mối quan tâm đến việc mưu ích cho các linh hồn tha nhân của chúng ta. Với mục đích chuyên biệt này, việc giảng thuyết và bảo vệ chân lý của Giáo Hội Công giáo bằng lời giảng trong các trường học và những hình thức giảng dạy khác có liên hệ chặt chẽ với nhau".
Thánh Đa Minh là người đã dùng mọi các thức để loan báo đức tin và nếu cha sống vào thời đại của chúng ta, chắc chắn cha sẽ thúc đẩy con cái của mình bước vào lãnh vực giáo dục và sử dụng những phương tiện thính thị cũng như những phương pháp mới khác để đi đến với các linh hồn. Có thể cha còn hài lòng với các hoạt động ca nhạc của chị Su-ri (Souvire) nữa. Những đĩa nhạc của chị mang một âm điệu nhẹ nhàng kèm theo một thông điệp (light music with a message). Bộ sưu tập những bài dân ca dịu dàng của chị đã chứng minh rằng: mọi điều thuộc về Thiên Chúa thì vui tươi chứ không u sầu, chẳng có điều gì ở trần gian này lại đi ngược với việc phục vụ Thiên Chúa (chị vừa soạn nhạc và lời, vừa chơi cây solo). Bài "Thánh Đa Minh" là ca khúc được phổ biến nhất của chị:
Kìa nhìn xem cha thánh Đa Minh
Đơn sơ ra đi làm người bộ hành,
Hát xướng, nghèo nàn vẫn vui.
Vào từng nơi đi qua các dân,
Cha loan truyền về Chúa nhân hiền,
Ngài chỉ nói đến Cha trên trời".
Rồi một ngày gặp người lạc đạo,
Quyết dẫn ông đến nơi chiến hào,
Đa Minh cha tươi vui không nao,
Chinh phục ông về cho Thiên Chúa.
Thân lạy cha, yêu thương, Đa Minh,
Giúp chúng con sống vui đơn bình.
Mang tin yêu cho muôn sinh linh,
Cuộc đời mới và chân lý Chúa.
(Bản dịch của Lm Chu Quang Đương OP).
Khi người ta báo cho chị biết cuốn album nhạc của chị đã trở thành một cuốn album quốc tế bán chạy nhất, chị trả lời:
"Tôi vui mừng vì nó đã đem một sứ điệp đến với thế giới bên ngoài những bức tường đan viện của chúng tôi. Đời sống tu trì của chúng tôi ở Fichermont này chẳng có nghiêm khắc và ngột ngạt như người ta thường nghĩ đâu. Chúng tôi cười nói và ca hát với nhau, và tôi nghĩ rằng những bài hát của tôi đã chứng minh điều đó".
Mặc dù thánh Đa Minh chịu ảnh hưởng của những hoàn cảnh ở những năm đầu thế kỷ 13 và cha đã không thể biết được Dòng sẽ phát triển như thế nào. Nhưng cha không muốn Dòng bị ngừng trệ. Cha có tinh thần rất tiến bộ. Cha không ngần ngại đổi mới để tiếp cận với những vấn đề của thời đại. Quan niệm cùng với sứ vụ giảng thuyết cho toàn thế giới và những phương thế của Dòng thật mới mẻ, chẳng hạn: quyền chuẩn chước, quân bình việc lao động chân tay, sự tin tưởng mạnh mẽ vào đạo lý và việc học hành, chấp nhận đức thanh bần nhiệm nhặt, phát triển một hệ thống quản trị dân chủ tập trung. Thánh Đa Minh có tinh thần phong phú và phổ quát như của Giáo Hội.
Đặc tính Công giáo và tính cách giống Chúa Ki-tô của vị sáng lập đã được Chúa bày tỏ rất rõ cho thánh Ca-ta-ri-na trong một thị kiến. Chính Chúa Cha đã so sánh thánh Đa Minh với Chúa Ki-tô, và so sánh các tu sĩ Đa Minh với các thánh tông đồ:
Thánh nữ khẳng định rằng trong một thị kiến Thánh nữ đã thấy Đức Chúa Cha vĩnh cửu, từ miệng của Ngài phát sinh Chúa Con cùng vĩnh cửu. Chúa Cha giới thiệu Chúa Con trong bản tính nhân loại của Người cho thánh nữ. Và trong khi thánh nữ chiêm ngắm Chúa Con thì thánh nữ thấy tổ phụ Đa Minh bước ra từ lồng ngực của Chúa Cha với ánh sáng và hào quang bao quanh. Thánh nữ nghe thấy tiếng Chúa Cha nói với thánh nữ: "... Hỡi con gái yêu dấu, Ta là Cha của hai người con này: một người được sinh ra từ bản tính, còn người kia được sinh ra do sự thừa nhận ngọt ngào và êm ái. Đang khi thánh Ca-ta-ri-na ngạc nhiên về việc so sánh không cân xứng giữa một vị thánh với Đức Giê-su Ki-tô thì chính Đấng đã phán những điều lạ lùng ấy giải thích về hai người con của Ngài:
"...Cũng như Người Con tự bản tính của Ta, là Ngôi Lời vĩnh cửu từ miệng Ta đã nói cách công khai cho thế giới những điều Ta đã ủy thác và làm chứng cho sự thật khi Người đối mặt với Phi-la-tô, thì dưỡng tử của Ta, là Đa Minh, cũng đã giảng công khai sự thật về Lời của Ta cho thế giới, cho những người lạc giáo và những người Công giáo, và không những giảng khi còn sống nhưng còn qua hậu duệ của mình. Cha sẽ vẫn còn và luôn giảng thuyết. Vì như Con Ta đã sai các môn đệ của Người thế nào thì dưỡng tử của Ta cũng đã sai các anh em như vậy".
Việc so sánh cha thánh với Đức Kitô không cần dừng lại ở điểm này nhưng chúng ta có thể khai triển sâu xa hơn. Khi Chúa chết thì Giáo Hội sơ khai chưa lớn mạnh nhưng Người đã ban cho Giáo Hội những gì cần thiết để Giáo Hội phát triển và trưởng thành. Các tông đồ đã nhận lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngày nay, các hoạt động tông đồ Công giáo tiến hành đã phát triển bằng hàng ngàn phương cách. Chính các thánh tông đồ chưa bao giờ biết được tất cả những gì mà Hội Thánh Công giáo đang thực hiện trong thế kỷ 20 này. Cũng không có ai đặt vấn đề những hoạt động này có phải là sự phát triển phù hợp với điều mà Chúa nhắm đến hay không? Dù sao chăng nữa thì thực tế cho thấy việc giảng thuyết là một sứ vụ ưu tiên được trao phó cho các tông đồ. Nếu Đức thánh cha và các giám mục phê chuẩn một hoạt động nào đó thì chúng ta hiểu rằng hoạt động ấy có tính Công giáo và tông truyền.
Khi đấng sáng lập qua đời vào năm 1221, dòng Anh Em Thuyết Giáo còn là một Dòng non trẻ. Lúc ấy, Dòng có ba nữ đan viện, khoảng 25 tu viện và chừng 250 tu sĩ. Nhưng khi lập Dòng, thánh Đa Minh đã trù liệu tất cả những gì cần thiết để Dòng phát triển. Trước hết, cha đã trao cho con cái quyền được giảng thuyết. Ngày nay, khi nhìn lại Dòng, chúng ta thấy sứ mạng này đã được mở rộng bằng nhiều hình thức. Chúng ta không hỏi điều này có hợp pháp hay không? Hơn nữa, lịch sử và những sử liệu của Dòng cho thấy các bề trên Tổng quyền và các Tổng Hội đã thích nghi những hoạt động tông đồ của Dòng như thế nào? Và Dòng đã cập nhật hóa theo những nguyên tắc cơ bản được Thánh Đa Minh đề ra theo thời đại như thế nào? Việc cập nhật hóa này được tiếp tục thường xuyên.
Trường hợp sau đây cho thấy các anh em tiên khởi đã lý giải tinh thần của đấng sáng lập như thế nào. Năm 1217, thánh Đa Minh đã gửi 8 anh em đến học tại đại học Paris. Khoảng 10 năm sau khi cha thánh qua đời, một anh em đã là giáo sư thần học của đại học Paris. Việc anh em trở thành giáo sư là điều mà thánh Đa Minh chưa bao giờ nghĩ có thể xảy ra. Hiện nay, chính đại học này cũng đang phát triển. Năm 1221 không ai có thể tiên đoán những biến chuyển lớn lao về trí thức sẽ xảy ra tại đó. Nhất là dưới sự lãnh đạo của chân phước Jordan Saxony, kế vị thánh Đa Minh, rồi sau đó là các tu sĩ Humbert Romans, An-bê, Tô-ma đã đưa Dòng đến trung tâm của thế giới đại học đang phát triển này. Sự biến chuyển này là sự tăng triển tự nhiên từ hạt giống của đấng sáng lập đã gieo vào năm 1217.
Trong nhiệm kỳ của cha Tổng quyền Jordan Saxony, (nhiều anh em tiên khởi vẫn còn sống), Dòng đã đảm trách những hoạt động như: giảng dạy tại các đại học, truyền giáo ở hải ngoại và làm việc ở Tòa Tra (của tòa thánh). Ít lâu sau, các tu sĩ Đa Minh còn phải giải quyết những vấn đề của xã hội, cải tổ các đan viện, kinh lý các giáo phận thay mặt Đức thánh cha, giúp đỡ thành lập một số dòng khác, giải tội cho các vua chúa và cố vấn cho các Đức Giám mục. Họ còn giúp đỡ dân chúng thực hiện các chúc thư, làm đại sứ và trọng tài. Mặc dù Dòng lấy làm tiếc vì có nhiều tu sĩ làm những công việc đó, vì Dòng sợ rằng việc giảng thuyết sẽ bị chểnh mảng; nhưng Dòng không ngăn cản làm những công việc ấy. Nếu chân phước Jordan Saxony hay những anh em tiên khởi thấy rằng những hoạt động ấy đi ngược lại ước muốn của cha thánh thì họ đã phản đối và ngăn cấm chúng rồi. Trái lại, khi các tu sĩ nhận thấy có nhiều con đường mới nhằm cứu độ các linh hồn, họ đã không lý giải việc giảng thuyết theo nghĩa hẹp và họ đã dấn thân vào những con đường đó.
(còn tiếp...)