28/01/2010 -

Linh đạo Đa Minh

599
 

 

Linh Đạo Đa Minh 

 

Chương 4

 

ĐẶC TÍNH TÔNG ĐỒ TRONG ĐỜI SỐNG ĐA MINH - P. II

 

 

 

William A. Hinnebusch, O.P., D.Ph. (Oxon.)

 

 

 

Tính linh hoạt của Dòng  

 

Hoạt động của Dòng có khả năng mở rộng như thế vì chính cha thánh đã lập một Dòng có tính tông đồ đem lại cho Dòng khả năng thích nghi. Nhờ đó, Dòng có thể hoàn thành được mục đích của mình trong mọi thời đại, đó là cứu độ các linh hồn bằng giảng thuyết. Cha thánh đã đạt được thành quả này nhờ việc áp dụng quyền chuẩn chước trong hiến pháp, nghĩa là các bề trên có thể chuẩn chước một số kỷ luật tu viện khi một luật làm cản trở việc "giảng thuyết, học hành hay cứu rỗi các linh hồn". Năm 1916, Đức Tổng giám mục Paschal Robinson, một sử gia Dòng Phan-xi-cô nổi tiếng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn chước này trong một bài diễn văn ngài đã đọc nhân dịp kỷ niệm 700 năm thành lập dòng Anh Em Thuyết Giáo:

 

"Tôi sẽ nêu lên một nét mới lạ nổi bật trong tu luật của thánh Đa Minh. Và đây thực sự là nét đặc trưng đối với Dòng của ngài, đó là nguyên tắc chuẩn chước. Nguyên tắc chuẩn chước này được nói đến ở phần đầu của hiến pháp khi đề cập tới mục đích của Dòng. Điều này cho thấy rằng việc chuẩn chước điều chỉnh và dung hòa việc ứng dụng các luật lệ, một điều hoàn toàn chưa hề có trong các tu luật trước đó. Hiểu một cách chính xác, việc chuẩn chước này đúng là kiệt tác của việc lập pháp Đa Minh. Hơn nữa, nó cho phép Dòng có thể đáp ứng những nhu cầu mới mà vẫn duy trì được sự thống nhất. Nó cũng là một khí cụ hoàn hảo của tinh thần khổ chế, vì khi thực hiện nó đòi hỏi một sự từ bỏ những cách nhìn hẹp hòi và những mục tiêu tầm thường ở mọi thời đại.  

 

Vì thế, người tu sĩ Đa Minh không bao giờ được dèm pha khi bề trên chuẩn chước. Các ngài không được nhắm đến lợi ích của cá nhân người tu sĩ (trừ phi tu sĩ này bị ốm đau hay bất lực); nhưng phải nhắm đến lợi ích của các hoạt động tông đồ. Khi chuẩn chước vì mục đích đó, các vị không làm suy yếu tinh thần tu trì vì các ngài làm không vì lòng vị kỷ mà chỉ do lòng nhiệt thành thúc đẩy.

 

Lịch sử của Dòng tại Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các tu sĩ Đa Minh ở vùng Tân Thế Giới đã am hiểu tinh thần của đấng sáng lập. Khi hạnh phúc của các linh hồn mời gọi, họ mau mắn dấn thân vào những lãnh vực hoạt động mới. Cha Edward Dominic Fennick, một tu sĩ người Mỹ thuộc Tỉnh Dòng Anh Quốc ngay khi đem Dòng đến Hoa Kỳ đã mong ước thành lập một học viện ở Maryland. Tại nước cộng hòa mới này, người ta rất cần sự hiện diện của các linh mục, và cha Edward hy vọng rằng học viện này sẽ là vườn ươm trồng ơn thiên triệu. Nhưng Đức giám mục John Carroll đã nhắm đến những cánh đồng truyền giáo ở bên kia dãy Allegheny. Như vậy, cuộc chiến đấu kéo dài cả một thế kỷ đã bắt đầu ở vùng hoang vu này. Ơn gọi thì ít mà những gian nan lại quá nhiều. Các tu sĩ của Tỉnh Dòng ấy đã phải đi ngựa suốt miền Trung Tây tới miền Tây Bắc. Các tu sĩ đem theo mình các vật dụng thánh trong những túi đeo ở yên ngựa để củng cố đức tin nơi những khu vực dân cư Công giáo sống rải rác. Chính cha Fennick đã trở thành người Tông đồ của vùng Ohio. Sau năm 1900, ơn thiên triệu gia tăng và các hoạt động phát triển mau lẹ có lẽ là phần thưởng Chúa ban vì công sức và sự hy sinh của các tu sĩ tiên khởi.

 

Tỉnh Dòng đã đầu tư rất nhiều cho vùng hoang mạc ấy. Tu sĩ Bernard Walker kể lại thật sinh động về những đóng góp của Dòng cho Giáo hội Hoa Kỳ:

 

"Trong suốt 60 năm (1807-1867), Tỉnh Dòng thánh Giu-se đang phát triển...với tổng số những người gia nhập và tuyên khấn trong Dòng tại Mỹ chừng 100 người. Cuộc sống quá khó khăn đến nỗi 8 tu sĩ đã chết trước khi được thụ phong linh mục, 12 người đã được thụ phong nhưng chỉ sống được 5 hay 6 năm để truyền giáo; và chừng 10 người đã tham gia việc chống lại bệnh dịch hạch (là một trong số những bệnh dịch đáng sợ và khủng khiếp thời đó). Tỉnh Dòng này chưa bao giờ có hơn 40 linh mục...Và trong số những anh em đầu tiên đến đây đã có 6 người được chọn làm Giám mục trước cuộc nội chiến. Thời đó chỉ có một dòng tu khác ở Mỹ đã đóng góp nhiều nhân sự cho hàng giáo phẩm trong thời gian có nhiều tranh luận. Thực ra, trong gần một thế kỷ Dòng đã quan tâm và phát triển chỉ vì lợi ích của Giáo Hội trên quê hương Mỹ châu.  

 

Khi cuộc nội chiến ở Mỹ kết thúc, Tỉnh Dòng thánh Giu-se bước vào một giai đoạn mới: việc giảng thuyết trở thành một hoạt động ưu tiên, nhất là hoạt động truyền giáo tại các xứ đạo. Công việc này đã đưa các cha đến các thành phố lớn và trở lại vùng duyên hải Đại Tây Dương. Các nhóm truyền giáo của các cha đã trổi vượt trong lãnh vực hoạt động tông đồ này. Điều đó gợi cho ta nhớ đến thời đại của thánh Đa Minh. Những người như các cha Charles Hyacinth Mc Kenna, Clement Thuente và Ignatius Smith đã thu hút những đám đông dân chúng vào nhà thờ khi các cha bước lên giảng đài.

 

Theo một nghĩa nào đó, cha Walter Farrell đã bắt đầu cho một kỷ nguyên mới. Công việc chủ yếu của cha là dạy học (cha đã làm việc tại các học viện suốt đời linh mục). Ngoài việc giảng dạy ở đại học, cha còn là văn sĩ, diễn giả, cha giảng tĩnh tâm, cha giải tội và cha linh hướng. Cha nổi tiếng về bộ sách gồm 4 tập có tựa đề "A Companion to the Summa", viết phỏng theo cuốn "Tổng luận thần học" của thánh Tô-ma dành cho người hiện nay. Chính cha James M. Gillis CSP, một nhà báo và nhà giảng thuyếtnổi tiếng, đã bày tỏ sự thích thú của mình khi phát hiện ra cuốn sách ấy như sau:

 

"Trong bản dịch và bản giải thích với lối viết rõ ràng về cuốn Tổng Luận, chúng ta nhận thấy ở đó một lối diễn tả vừa khôn ngoan vừa hài hước lại vừa trào phúng. Và tác phẩm này kỳ diệu ở chỗ hình như tác giả nói (cha là tác giả dù rằng cha vẫn coi mình chỉ là một dịch giả và chú giải thôi) toàn bộ cuốn sách không phải bàn về cuốn Tổng Luận; nhưng là chính cuốn Tổng Luận đã được rút gọn bằng một ngôn ngữ bình dân".

 

Sự nghiệp của cha Farrell có lẽ là khuôn mẫu của việc sửa đổi mà các tu sĩ Đa Minh đã tiến hành cho thích nghi với những nhu cầu hiện tại. Trải qua suốt giai đoạn truyền giáo ở địa phương, rồi bước vào những cánh đồng truyền giáo ở hải ngoại như Trung Quốc, Pa-kít-tan, Ni-gê-ri-a, Chi-lê, Pê-ru và Bô-li-vi-a và hoàn tất trong công tác giáo dục và tổ chức câu lạc bộ con người mới (newman club) cho thời bấy giờ, các cha đã nỗ lực nhiều để theo kịp với hoàn cảnh đang thay đổi.

 

Các nữ tu Đa Minh đã cộng tác với các cha thực hiện những thích nghi ấy. Cha Thomas Wilson, bề trên tu viện thánh Rô-sa ở Kentucky đã biết cách gợi lên một tinh thần hiến thân nơi những thiếu nữ Công giáo. Tháng 2 năm 1882, cha đã vận động ơn gọi nữ tu cho hội dòng của cha.Chị Ca-tơ-rin Bơ-tân (Katherine Burton) đã kể lại kết quả của lời mời gọi ấy như sau:

 

"Sau lời yêu cầu của cha, cha đã nhận được kết quả quá sự chờ đợi của cha. Cha chỉ hy vọng có hai hoặc ba người đáp lời vì Cha đã chú ý đến một số thiếu nữ chăm chú lắng nghe Cha nói. Có 8 người đáp lại lời mời gọi ấy, một kết quả cha không ngờ".

 

Cha Wilson cùng với chị Ăng-gê-la, một trong số 8 chị tình nguyện, đã thành lập thêm một nhà mẹ ở Ohio. Cha Samuel Mazuchelli đã lập lại kinh nghiệm Kentucky qua việc thiết lập một cộng đoàn ở Wisconsin. Năm 1853, một số nữ đan sĩ đến từ Regensburg (Đức) đã đến căông tác với các nữ tu Đa Minh Hoa Kỳ trong công tác giáo dục. Mười hai (12) huynh đoàn giáo dân đã được thành lập từ huynh đoàn được thành lập ở Brúc-lin (Brooklyn). Quả nhiên, các nữ tu Đa Minh đã đứng trong đội quân tiên phong của các hoạt động tông đồ trong nền giáo dục công giáo ở Hoa Kỳ. Hầu như cả 13 nhà mẹ đều dấn thân vào lãnh vực giáo dục.

 

Sự nhạy cảm Đa Minh đối với nhu cầu của thời đại liên tục được biểu lộ. Mẹ Alphonsa (Rose Hawthorne Lathrop, con gái của Nathamel Hawthorne) và Mẹ Mary Walsh đã bước vào việc tông đồ bác ái. Khi trình bày những mục đích của hội các tôi tớ của Thánh Đa Minh là lo về việc cứu trợ các bệnh nhân bị ung thư nan y do Mẹ đã thành lập, mẹ Rô-sa viết:

 

"Tôi cố gắng phục vụ người nghèo như là một người tôi tớ. Tôi mong ước được phục vụ những bệnh nhân bị ung thư nghèo khổ vì họ là những người bị người đời xa lánh hơn bất cứ lớp người đau khổ nào khác, và tôi mong ước đến với họ như chính tôi là một thụ tạo nghèo hèn mặc dù khả năng giúp đỡ họ tôi phải nhờ đến những người bảo trợ giàu lòng hảo tâm. Vì chính nhờ lòng khiêm nhường và sự hy sinh mà chúng tôi mới xứng đáng nhận được tinh thần cảm thương thánh thiện ấy, và chia sẻ tình yêu phấn khởi mà chúng tôi nhận được từ Nước Trời với những tâm hồn bất an vì nghèo nàn, bệnh tật".

 

Mẹ Mary Walsh đã lập hội Các Nữ Tu Đa Minh phục vụ giới bệnh nhân nghèo. Các chị hoạt động truyền giáo ngay tại quê hương mình bằng việc tập trung chăm sóc những bệnh nhân nghèo khổ không phân biệt chủng tộc, màu da hay tín ngưỡng ngay tại gia đình của họ. Cả hai cộng đoàn này tìm thấy nhiều cơ hội để giúp đỡ tầng lớp nghèo khổ cả về thể xác cả về nhu cầu tâm linh cho họ.

 

Các nữ tu ở Maryknall đã đem các tu sĩ Đa Minh Hoa Kỳ đến những cánh đồng truyền giáo ở hải ngoại. Các nữ tu Đa Minh truyền giáo này được thành lập tại Chi-ca-gô vào năm 1953. Các chị chọn công tác giảng dạy giáo lý và công tác xã hội là hoạt động tông đồ của mình ở Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới. Các nhóm truyền giáo đầu tiên của họ đã đến với những công tác truyền giáo còn thiếu nhiều nhân sự ở Châu Mỹ La tinh.

 

Những mẫu gương này là những chứng cứ tích cực cho thấy các nữ tu Đa Minh đã góp phần vào sứ vụ tông đồ của Dòng. Quả vậy, qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm, mỗi tu sĩ đã trở thành một người tông đồ, họ mong ước ơn cứu độ cho nhân loại. Như Đức Tổng giám mục Phao-lô Phi-líp (Paul Phillippe) O.P viết trong cuốn "Những mục đích của đời tu theo thánh Tô-ma A-qui-nô":

 

"...Sự hoàn thiện trong Ki-tô giáo bao gồm việc chiêm ngắm Thiên Chúa và yêu thương tha nhân; người ta không thể yêu mến Thiên Chúa thực sự nếu họ không tìm kiếm Ngài và nếu họ không yêu thương tha nhân. Mỗi tu sĩ, dù là người hoạt động nhất, cũng phải hướng đến sự hoàn hảo trong chiêm niệm và phải đạt được nó. Đời sống của các thánh cho chúng ta nhiều mẫu gương về việc chiêm niệm sâu xa trong đời sống hoạt động. Cũng vậy, dù là người chuyên chiêm niệm và sống cô tịch thì các nữ đan sĩ cũng phải mong ước việc cứu độ mọi người và họ có thể cộng tác vào công việc đó bằng lời cầu nguyện và đời sống của mình. Nói cách khác, chiêm niệm và yêu mến tha nhân là một phần trong ý hướng chung của mỗi hội dòng. Bởi vì chúng là những thành tố của sự hoàn thiện Ki-tô giáo...

 

Nếu những gì trên đúng cho mọi tu sĩ của các Dòng tu thì đối với các tu sĩ Đa Minh, chúng có vai trò đặc biệt. Họ thuộc về dòng Anh Em Thuyết Giáo, một Dòng được giáo hội tín nhiệm giao cho tác vụ giảng thuyết là một tác vụ tông đồ cao cả. Khi nhìn vào đời sống của các anh em trợ sĩ, chúng ta có thể minh định được các thành viên của Dòng đã đóng góp vào công tác này như thế nào. Tuy họ không giảng thuyết, không dạy học hay làm việc mục vụ; nhưng họ vẫn là những người tông đồ thực sự. Vì họ là những phần tử cần thiết cho sự toàn vẹn của dòng Anh Em Thuyết Giáo. Bằng lời khấn, họ đã thuộc về Dòng và chia sẻ những công tác của Dòng. Những anh em đó giúp cho các linh mục có thì giờ để nghiên cứu, cầu nguyện và giảng thuyết qua việc làm nhẹ bớt công việc của các linh mục. Họ trợ lực và hy sinh rất hữu hiệu. Người ta kể rằng trong lúc cha Lacordaire, nhà giảng thuyết thời danh đang giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris thì có một thày ngồi bên dưới giảng đài cầu nguyện với cỗ tràng hạt trong tay. Có lẽ trước Thiên Chúa, lời kinh Mân Côi của những anh em trợ sĩ còn tốt hơn những lời nói của người giảng thuyết. Các anh em ấy đã đóng trọn vai trò trợ tá của mình.

 

Cũng vậy, các nữ đan sĩ không tham gia trực tiếp vào việc tông đồ nhưng họ được sát nhập vào Dòng Tông Đồ nhờ lời khấn. Các chị phấn đấu để đạt đến sự hoàn thiện Ki-tô giáo; và nhờ sự hoàn thiện ấy mà cầu xin cho các công việc của anh em sinh nhiều hoa quả trong sự thánh thiện. Nhờ lời cầu nguyện và đời sống hy sinh, các chị khẩn nài Thiên Chúa ban ân sủng cho các anh chị em đang trực tiếp làm việc cho các linh hồn.

 

Các nữ tu hoạt động và các huynh đoàn giáo dân cũng tham gia vào việc tông đồ của Dòng, trợ giúp Dòng bằng cầu nguyện, hy sinh và sống thánh thiện. Hơn nữa, các nữ tu còn dạy giáo lý. Không cần phải đứng trên tòa giảng mới làm được công việc đó. Hầu hết các linh mục dành nhiều thời gian để linh hướng trong tòa giải tội hay ở phòng khách hơn là để giảng trên giảng đài. Một nữ tu điều dưỡng cũng có thể dạy giáo lý ấy cho một bệnh nhân trong bệnh viện nào đó.

 

Có lẽ các anh chị em và các thành viên huynh đoàn giáo dân không thể giảng dạy như các giám mục hay các linh mục được. Tuy nhiên, các trường học, bệnh viện là những nơi đức tin có thể được loan báo. Hơn nữa, các nữ tu Đa Minh, thuộc các Hội dòng đã được công nhận theo giáo luật và sáp nhập vào gia đình Đa Minh, được Giáo Hội trao cho một sứ mạng bao hàm một lệnh truyền và một bổn phận là giảng dạy. Họ đã thực hiện một vai trò rõ ràng, chính thức, hợp luật và được Giáo Hội chuẩn nhận. Họ cộng tác với hàng giáo sĩ trong việc thi hành công việc thánh hóa và quản trị, không phải vì họ có chức thánh và có quyền tài phán; nhưng vì Hội Dòng của họ được ủy nhiệm cách rõ ràng việc huấn luyện đức tin Ki-tô giáo. Trước hết, việc giảng dạy này là bổn phận của các chủ chăn; nhưng các nữ tu là những thành viên của các gia đình tu sĩ Dòng được công nhận. Các chị có nghĩa vụ giúp đỡ các chủ chăn.

 

Thánh Tô-ma bàn về những ân sủng đặc biệt mà thánh Phao-lô đã nói đến trong thư 1 Cô-rin-tô trong cuốn "Tổng yếu Giáo Lý" của mình, như là ơn làm phép lạ, hay ơn nói tiên tri (Summa theologica, II -II, q.177). Trong số những ơn này, thánh Phao-lô nói tới ơn giảng thuyết (ơn giảng thuyết, khôn ngoan và ơn thông hiểu). Đây là ân sủng nổi bật đôi khi được ban cho các người giảng thuyết, các giáo sư hay văn sĩ, không phải vì lợi ích thiêng liêng của cá nhân họ; nhưng để họ có thể dạy dỗ hữu hiệu hơn, giúp người khác thiết tha và hân hoan nghe Lời Chúa và thuyết phục giáo dân yêu mến đạo lý và đem ra thực hành. Thánh Tô-ma viết tiếp: "Mặc dù không giảng dạy như các giám mục và các linh mục nhưng các phụ nữ cũng nhận được ơn này khi họ giảng dạy Lời Chúa. Ví dụ: một người mẹ dạy con của mình hay một nữ tu thi hành chức vụ người mẹ tinh thần của mình trong lớp học". Nhưng Thiên Chúa thường không ban ơn huệ đặc biệt này. Tại sao Ngài ban ân trong trường hợp này mà lại không ban trong trường hợp khác thì vẫn còn là một điều bí ẩn. Đó là một hồng ân được ban nhưng không. Đối với người giảng thuyết và người nghe chỉ có, lãnh nhận ơn ấy nhờ lời cầu nguyện và những việc lành. Hơn nữa, một khi Chúa đã ban cho thì Ngài cũng có thể sẽ lấy lại khi: hoặc là người giảng phạm sai lầm khi chỉ tìm kiếm vinh quang hay sự tán thưởng cho mình, hoặc là người nghe có thái kháng cự lại ơn sủng.

 

Khi không được đặc ân này thì cả người nói cả người nghe cũng đều phải trông cậy vào ơn hiện sủng: người nói phải chuẩn bị và thi hành nhiệm vụ của mình, còn người nghe đón nhận Lời Chúa cách có hiệu quả. Công bố Lời Chúa khác với giảng dạy sao cho sinh ích thiêng liêng. Đó là ân sủng làm cho lời nói của giảng viên, giáo viên hay văn sĩ đạt được hiệu quả trong tâm hồn của người đang được hướng đến. Đó là lý do tại sao chúng ta đặt tin tưởng nơi thày trợ sĩ của cha La-coóc-đe (Lacordaire). Lời cầu nguyện của thày đã kéo ơn Chúa xuống trên cả vị giảng thuyết cả thính giả. Thánh giáo hoàng Grê-gô-ri Cả viết: "Nếu tâm hồn người nghe không được tràn đầy Chúa Thánh Thần thì lời nói của giảng viên chỉ vang lên bên tai họ cách vô ích mà thôi."

 

Vì thế, đời sống của người tông đồ liên hệ mật thiết với các hoạt động của họ. Nếu người tông đồ muốn làm cho giá trị của Nước Trời được sinh hoa kết trái thì họ phải cậy trông vào ơn Chúa, tránh tạo nên những chướng ngại làm cản trở ơn sủng, tránh sống hờ hững hay lạnh nhạt làm cản trở lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Họ phải sống làm sao để xứng đáng lãnh nhận ơn Chúa, họ cầu nguyện và hy vọng vào ơn sủng ấy. Thậm chí họ có thể hy vọng nhận được ơn giảng thuyết nếu Chúa muốn.

 

Về điểm này chúng ta gặp lại đặc tính của Dòng Đa Minh. Người tu sĩ Đa Minh chiêm niệm, hy vọng rằng khi họ suy niệm về những chân lý đức tin và khi trái tim của họ được tình yêu đối với Thiên Chúa đốt cháy, họ có thể đem những kiến thức và tình yêu ấy đến cho người nghe. Chính đời sống nội tâm phát sinh đời sống tông đồ. Khi giảng thuyết và dạy học, các linh mục và các nữ tu hy vọng rằng: nhờ ơn Chúa, những điều họ giảng dạy sẽ sinh hoa kết trái và thính giả sẽ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.

 

Sự thánh thiện cần thiết đối với họat động tông đồ

 

Để là một người tông đồ đích thực, người tu sĩ Đa Minh trước hết phải thánh hóa bản thân. Họ luôn phải cố gắng trở về với khởi điểm là sự thánh hóa bản thân: "Một sứ điệp tông đồ không được hình thành trong cung thánh, trong cung nguyện hay trong khu nội cấm thì không bao giờ hoàn hảo." Ngay từ đầu, hiến pháp đã nhấn mạnh đến sự thánh hóa bản thân:

 

"Như tu luật dạy, trước hết sở dĩ chúng ta đoàn tụ làm một là để sống hòa hợp trong một nhà và để đồng tâm nhất trí trong Chúa để chúng ta đạt đến sự viên mãn trong đức ái".

 

Con đường dẫn đến sự thánh thiện bản thân là vấn đề ưu tiên mà hiến pháp chỉ thị cho vị giám sư tập sinh phải dạy cho các tập sinh của mình những đề tài sau :

 

 "Trên hết, vị giám sư tập sinh phải dạy họ và nhắc nhở họ rằng: họ chu toàn giới luật về tình yêu Chúa và tha nhân là giới luật quan trọng nhất của tu luật của chúng ta".

 

Hiến pháp của các nữ đan sĩ cũng nhấn mạnh đến sự thánh thiện bản thân:"Các nữ đan sĩ thuộc dòng Anh Em Thuyết Giáo...cố gắng đạt đến sự hoàn thiện Ki-tô giáo". Đó là điều duy nhất có liên quan đến hoạt động tông đồ của họ: "...và nhờ vào sự hoàn thiện đó, các chị cầu nguyện cho các hoạt động của anh em đem lại kết quả trong sự thánh thiện".

 

Những phương thế mà Thánh Đa Minh trao cho con cái của Ngài để làm cho họ trở thành người tông đồ giống như những phương thế làm cho họ nên thánh. Điều này có nghĩa là hai mục đích phải trở thành đức ái hướng dẫn người tu sĩ Đa Minh tìm kiếm sự kết hợp với Thiên Chúa. Thúc đẩy họ yêu thương tha nhân và hoạt động vì phần rỗi của tha nhân. Trước hết, tha thánh Đa Minh đã dùng những phương thế để đạt đến hai mục đích ấy là các lời khấn và đời sống cộng đoàn. Thứ đến là phụng vụ, những hình thức cầu nguyện khác và kỷ luật tu trì như: chạy tinh, kiêng khem, thinh lặng và tất cả mọi thực hành khác mà tu luật, hiến pháp và tập tục ấn định. Những phương thế này đáp ứng mục đích kép: thánh hóa các phần tử và chuẩn bị cho việc tông đồ. Các giờ kinh phụng vụ nài xin lòng nhân từ của Thiên Chúa, đền tội và xin ơn tha thứ cho các tội nhân để thi hành tác vụ. Khi ra khỏi cung thánh, cung nguyện hay khu nội cấm là lúc người tu sĩ Đa Minh đã sẵn sàng lên đường.

 

Những phương thế do Dòng thiết định cho phép anh em có khả năng giúp đỡ các linh hồn bằng đời sống hy sinh của mình. Như vậy họ bắt chước thánh Đa Minh đã tận hiến chính mình qua các lời khấn như một lễ vật toàn thiêu để phục vụ Thiên Chúa. Cha tiếp tục hy sinh mỗi ngày bằng việc kiên trung giữ kỷ luật tu trì. Khi đã trở thành một người tông đồ, cha đánh giá cao những kỷ luật không những vì hy sinh nhưng còn vì giá trị tông đồ của chúng.

 

Suốt cuộc đời giảng thuyết, cha đã luôn sống trong đơì sống tu viện, chu toàn những bổn phận trong tu viện theo hoàn cảnh của mình, giữ thinh lặng, nguyện các giờ kinh phụng vụ theo giờ khắc đã được giáo luật chỉ định, cầu nguyện lâu giờ vào ban đêm sau một ngày thuyết giảng.

 

Nhưng đời sống chiêm niệm và hoạt động của Dòng được hòa nhịp với nhau mặc dù những điều kiện sống náo nhiệt ở thế kỷ XX này tạo nên nhiều bất lợi cho việc đem tinh thần chiêm niệm vào các hoạt động tông đồ. Nhất là các nữ tu Đa Minh sẵn sàng hy sinh đảm nhận việc giáo dục. Các chị dành một nhiều thời gian trong ngày để dạy học. Công việc này làm mất nhiều thời gian dành cho đời sống cộng đoàn và cầu nguyện. Các chị dạy học suốt ngày, hội họp, thảo luận và giải trí. Sau đó, các chị trở về tu viện và bắt đầu chuẩn bị cho ngày hôm sau. Nếu công việc này được giảm bớt, nghĩa là dạy ít lớp hơn, ít các hoạt động ngoại khóa hơn, các chị sẽ rảnh rỗi hơn và có nhiều thời gian để dành cho việc thinh lặng và sống cô tịch hơn.

 

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, vị bổn mạng đặc biệt của các nữ tu Đa Minh, đã dạy cho chị biết cách vượt qua khó khăn và bảo vệ được bầu khí tĩnh mịch. Khi gia đình dành cho thánh nữ phòng riêng nữa và bắt chị "làm tất cả công việc tầm thường trong bếp", chị không còn thời gian và nơi riêng để cầu nguyện và suy niệm nữa. Chân phước Rây-mông Ca-pu-a đã kể lại cách chị giải quyết khó khăn này như sau:

 

"Dưới sự linh hướng của Chúa Thánh Thần, chị đã xây dựng trong tâm hồn mình một căn phòng kín đáo, chị hứa sẽ không bao giờ rời bỏ căn phòng ấy vì bất cứ điều gì ở thế gian này...Chính chị đã dựng nên một căn phòng nội tâm mà không ai có thể lấy mất, chị không cần phải đi ra khỏi căn phòng ấy nữa". Thánh Ca-ta-ri-na đã xây cho mình một căn phòng không do bàn tay con người; nhưng được Chúa Ki-tô trợ giúp từ bên trong, và vì thế chị không buồn lòng vị đã mất căn phòng do con người xây có tường có vách nữa. Chân phước kể tiếp: "Tôi nhớ rằng mỗi khi tôi thấy mình bị quá nhiều công việc lôi kéo hay phải tiếp tục một cuộc hành trình nào đó, chị Ca-ta-ri-na lại nhắc tôi: "Cha hãy xây cho mình một căn phòng trong chính tâm hồn cha và cha không bao giờ cần phải đi ra ngoài căn phòng ấy nữa".

 

Cha Gerald Vann đã khuyên cùng một lời khuyên ấy một cách khéo léo như sau:

 

"Là người chiêm niệm có nghĩa là người luôn cầu nguyện và là người luôn chìm đắm trong suy tư trước Thiên Chúa. Hiện nay, điều này không đòi buộc một giao ước hoàn toàn thinh lặng bên ngoài. Nhiều vị thánh đã hăng say hoạt động. Tu sĩ Laurence, một trợ sĩ Dòng Cát Minh (thế kỷ XVII), kể rằng thày đã học cách sống thường xuyên và hoàn toàn thinh lặng với Thiên Chúa giữa tiếng lách cách trong nhà bếp.

 

Để tự khích lệ mình trong trách nhiệm tông đồ nặng nề, người tu sĩ Đa Minh nên biết rằng: Thánh Đa Minh đã phải hy sinh sự an bình và thinh lặng của khu nội cấm trong nhiều năm để cha đi du thuyết. Người giảng thuyết chân chính sẽ ở trong tu viện để thờ phượng Chúa khi tha nhân chưa cần đến họ. Việc thờ phượng thì tốt hơn là giảng dạy; nhưng người tu sĩ Đa minh yêu mến Chúa mãnh liệt đến nỗi họ sẽ rời khỏi cộng đoàn để đi giảng dạy nhằm cứu độ các linh hồn. Thánh Tô-ma đã diễn tả tinh thần tông đồ như sau:

 

"Một số người đã lên đến gần đỉnh cao của đức ái đến nỗi họ dám tạm bỏ việc chiêm niệm mặc dù họ cảm thấy sung sướng được ở trong trạng thái đó để được phục vụ Chúa qua việc cứu rỗi tha nhân. Thánh Phao-lô nói đến sự hoàn thiện này trong các thư gửi tín hữu Rô-ma và Phi-líp-phê (Rm 9,3 ; Pl 1,23). Sự hoàn thiện ấy thích hợp với các vị giám mục và các người giảng thuyết mà những công việc của các ngài sẽ cứu rỗi tha nhân. Vì vậy các ngài như những thiên thần lên xuống trên chiếc thang ông Gia-cóp, đang leo lên bằng việc chiêm niệm và leo xuống qua sự quan tâm đến phần rỗi của tha nhân" (De Carit, a.11, ad 6).

 

Đây là việc làm của người nữ tu Đa Minh mỗi khi chị bước vào lớp học. "Tạm quên đi sự ngọt ngào của việc suy niệm về tình yêu Thiên Chúa (điều mà chị ưa thích) để chị tiếp tục tích cực hoạt động hầu đem ơn cứu độ cho tha nhân". (St Thomas, Quodl I q7, a14, ad 2). Sự hy sinh này làm đẹp lòng Chúa, vì nó được tình yêu và sự vâng phục thúc đẩy. Trong lớp học, chị nói về con người của Đức Ki-tô, chị dạy cho các học sinh biết Người và yêu mến Người. Trong tinh thần này, Đức Ki-tô ở với chị khi chịdạy học. Khi chị tạm bỏ việc chiêm niệm, Đức Ki-tô nói với chị như Người đã nói với thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na: "Cha không định tách lìa con khỏi Cha. Trái lại, Cha muốn kết hợp với con mật thiết hơn bằng tình yêu tha nhân".

 

Khi sinh con, người mẹ phải chịu đau đớn và hy sinh. Người nữ tu cũng cảm nghiệm được sự đau đớn trong những giờ xa cách Chúa Giê-su Thánh Thể. Chị cảm thấy phải hy sinh đời sống cầu nguện để có thể thực hiện công tác của mình ở lớp học. Đây không phải là nỗi đau đớn và hy sinh phải chịu của tình mẫu tử tinh thần sao ? Điều này có vẻ lý tưởng quá; nhưng nó thực sự là một tình mẫu tử tinh thần. Trước Thiên Chúa, ngoài các nữ tu thì ai đang làm việc cho các linh hồn ở Hoa Kỳ ? Các linh mục thi hành một số việc quan trọng hơn trong việc cử hành các bí tích và thánh lễ, nhưng giá trị bản thân chẳng hơn gì các nữ tu. Thánh lễ và các bí tích đến từ Thiên Chúa. Các nữ đan sĩ chiêm niệm với những khổ hạnh và đời sống đan tu nghiêm nhặt không trực tiếp làm những công việc cực khổ ấy, không cảm nghiệm những căng thẳng thường xuyên và không cần phải cố gắng giữ bầu khí tĩnh mịch nội tâm. Những đau đớn của tình mẫu tử thần là điều có thật.

 

Các phần tử của Dòng phải yêu mến ơn gọi của mình. Sống ơn gọi ấy là noi theo cả đời sống công khai lẫn đời sống ẩn dật của Đức Ki-tô và thánh Đa Minh. Họ chứng tỏ cách hữu hiệu rằng họ yêu mến Thiên Chúa.

 

 

114.864864865135.135135135250