Cha Liam đã trình bày bài viết này vào dịp gặp gỡ Gia đình Đa Minh. Hàng năm, anh chị em huynh đoàn giáo dân, nữ tu, đan sĩ và anh em Đa Minh thuộc Anh Quốc và Ireland có một cuộc gặp gỡ ngắn. Năm 2015, có khoảng 100 người tham dự cuộc gặp mặt tại tại Dublin.
Tôi được đề nghị trình bày về chủ đề của giai đoạn chuẩn bị tổ chức Năm Thánh Dòng 2016: ‘Cha Đa Minh: quản trị, linh đạo và tự do’. Cha Tổng quyền Brunô đã viết một lá thư rất hay về chủ đề này. Tôi không muốn lặp lại những gì ngài đã nói trong thư. Những gì tôi sắp trình bày là nhãn quan ít ỏi của bản thân tôi về chủ đề, tôi hy vọng sẽ khích lệ các bạn theo dõi cũng như đọc lại lá thư của cha Tổng quyền.
Tôi muốn nói về ba từ ngữ: quản trị, linh đạo và tự do – tức là những gì mà tôi nghĩ là cha Đa Minh đã muốn diễn tả thông qua từ ngữ và tương quan giữa chúng. Tôi muốn thực hiện điều này bằng cách mời các bạn cùng với tôi tham gia một trò chơi nhỏ. Tôi muốn tất cả chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta đang tình cờ có mặt tại thời điểm ban đầu của Dòng, đây là điều được nhấn mạnh trong thư của Tổng quyền Brunô. Sự kiện phân tán anh em đến Paris, Madrid và một số nơi khác diễn ra ở Toulouse vào năm 1217. Chúng ta sắp được gặp các anh em của ‘Gia đình giảng thuyết’ và khám phá cách thức quản trị được thực hiện trong cộng đoàn. Tuy nhiên, cũng sẽ có sự tham gia của anh chị em giáo dân, các nữ tu và các linh mục triều nữa. Khoảng 20 năm sau, các nhóm này tự mình phát triển các hình thức quản trị; lúc đó, chính họ sẽ tự mình lập ra cách thức quản trị như của anh em, là cách thức cha Đa Minh đã truyền hứng khởi để lập ra.
Quản trị: Toulouse, 1217
Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang ở Toulouse vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1217. Hãy tưởng tượng chúng ta là một đoàn người hành hương đến từ Ireland và Anh quốc, trên đường đến Rôma, dừng lại tại Toulouse, miền nam nước Pháp. Từ chỗ chúng ta đang ở, cuối con đường có một ngôi thánh đường mang tên Saint Romain. Tại đó, chúng ta thấy một đoàn người được tận hiến cho việc giảng thuyết; họ sống với nhau trong một tu viện sát bên thánh đường; họ theo đuổi một nếp sống có kỷ luật, một chút giống với các đan sĩ, nhưng không phải là các đan sĩ; họ được gọi là ‘anh em - friars’, sở dĩ gọi vậy là vì ‘anh em’ (frater) là cách gọi tên duy nhất mà họ dùng để gọi nhau. Vị thủ lãnh của họ, người mà họ tuyên khấn vâng phục, là người có tên gọi Đa Minh. Họ đi giảng thuyết khắp nơi trong giáo phận Toulouse, là giáo phận Đức Giám mục trao cho họ. Đi giảng thuyết là trách nhiệm duy nhất của họ trong giáo phận này. Cùng cộng tác với họ trong việc giảng thuyết và đời sống là hàng giáo sĩ triều, nhưng đặc biệt hơn là những người giáo dân. Họ góp phần vào công việc giảng thuyết bằng những cách thức khác nhau – bố thí cho người nghèo là những người mà các vị giảng thuyết đang đụng chạm bằng lời giảng, giúp đỡ những anh em đang làm công việc giảng thuyết về cải vật chất, và cùng cầu nguyện với họ. Một số giáo dân, đặc biệt là những chị em chưa có gia đình, thì gần gũi cách riêng với những vị giảng thuyết ấy, và cũng được các vị ấy chăm lo về mặt tinh thần. Những vị giảng thuyết ấy sẽ nói với các bạn rằng, khi họ đi rao giảng như thế là họ đang tiếp tục thực hiện điều họ đã khám phá được khi bắt đầu gia nhập đời sống anh em giảng thuyết tại làng Prouilhe và thị trấn Fanjeaux, cách Toulouse 25 km về phía tây nam. Công việc giảng thuyết thánh (sacra praedicatio) họ thực hiện giờ đây có sự tham gia của những nhóm người này nữa.
Chúng ta bắt gặp họ ở Toulouse, khi cộng đoàn của họ đang đưa ra quyết định sẽ tiếp nhận công việc giảng thuyết bên ngoài giáo phận này và đến với các giáo phận cũng như các quốc gia khác. Cộng đoàn không quá 17 người quyết định phân tán ra, từng nhóm nhỏ anh em được sai đến những nơi xa xôi, để họ có thể thực hiện tại bất cứ nơi nào Thần Khí phái họ đến những gì mà họ đang làm tại Toulouse. Quyết định của họ do Thần Khí khởi hứng, là một lễ Ngũ Tuần. Cũng tại thời điểm đó, nhờ hứng khởi của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn của họ đã có được kết quả của tiến trình họ đưa ra một quyết định. Được nhìn thấy họ ở Toulouse, được khám phá cách thức thực hiện những tiến trình ấy, chúng ta rất vui mừng, vì được biết họ được điều hành ra sao – bởi vì việc quản trị xem ra là tiến trình đưa ra quyết định và thi hành quyết định ấy. Chúng ta đang nhìn thấy cách thức quản trị Đa Minh bắt đầu được áp dụng trong Dòng.
Giảng thuyết
Việc quản trị có hiệu quả luôn đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng về đối tượng mà cộng đoàn đó đang theo đuổi. Điều ấy sẽ mang thiện ích chung cho cộng đoàn của họ. Đối với những anh em giảng thuyết tại Toulouse và những người giúp đỡ họ, mục tiêu của họ thật đơn giản: đó là giảng thuyết. Họ vẫn hiểu công việc giảng thuyết giống như lúc họ mới khám phá từ những ngày đầu họ sống chung tại Prouilhe/ Fanjeaux. Một người có đặc sủng, có được một nhãn quan, đã quy tụ anh em lại với nhau, trong và ngoài một quốc gia, rồi sau đó đáp lại lời mời của Đức Giám mục giáo phận Toulouse và gửi anh em đến các thành phố lớn, người đó chính là cha Đa Minh. Anh em cam kết tuân phục sự chỉ dạy của cha trong công việc Giảng thuyết.
Cha Đa Minh đã đưa họ đến Prouilhe/Fanjeaux, rồi đến Toulouse, và bây giờ lại một lần nữa đưa họ đi tiếp. Đây là một hành động mà cha đã dành nhiều thời gian để cân nhắc. Cha đã đồng hành với Đức Giám mục Foulques đến Rôma vào năm 1215. Tại đó, các ngài tham dự một công đồng cải cách Giáo hội, Công đồng Lateranô IV. Nhưng tại Rôma, cha Đa Minh cũng được mời tham gia các hội nghị của Đức Giáo hoàng Innôcentê III. Các vị đã bàn về tính cấp thiết của việc giảng thuyết, không chỉ ở Toulouse mà toàn toàn thể Giáo hội. Cha Đa Minh bắt đầu nhận thấy những gì cha cùng các anh em của mình đang thực hiện tại Toulouse có thể góp phần đáp ứng nhu cầu giảng thuyết cho toàn Giáo hội. Cha thấy rằng tại Rôma một kế hoạch như thế là hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự nâng đỡ của Đức Giáo hoàng. Trong một cuộc gặp khác, vào năm 1216, cha nhận thấy Đức Giáo hoàng Hônôriô, vị kế nhiệm Đức Giáo hoàng Innôcentê, vẫn tiếp tục ủng hộ kế hoạch của cha. Sau khi được Đức Giáo hoàng phê chuẩn cho những công việc mà các anh em giảng thuyết thực hiện tại Toulouse, cha Đa Minh trở về và bắt tay vào thành lập Dòng. Giấc mơ làm cho Dòng được hiện diện tại những nơi khác trên thế giới vẫn luôn canh cánh trong tâm trí của cha. Và giờ đây, đến ngày lễ Ngũ Tuần năm 1217, giấc mơ của cha đã trở thành hiện thực, nhờ sự cộng tác của các anh em các nhóm giáo dân và hàng giáo sĩ là nguồn cỗ vũ cho công việc giảng thuyết.
Đưa ra quyết định
Hãy tưởng tượng rằng chúng ta có dịp nói chuyện với một vài anh em trong cộng đoàn trong suốt thời gian chúng ta có mặt tại Toulouse. Họ sẽ kể cho chúng ta nghe về cha Đa Minh, vị thủ lãnh của họ. Mặc dù không dùng từ ngữ để miêu tả vị thủ lãnh của họ, nhưng họ nhận ra nơi cha ba kiểu lãnh đạo, mà một nhà xã hội học sẽ gọi là đặc sủng, truyền thống và luật pháp (pháp lý). Cha Đa Minh là vị lãnh đạo có đặc sủng: cha là vị lãnh đạo có khả năng thấy trước tương lai và có năng lực điều hành. Thế nhưng, cha lại được một ân ban, đó là không tách rời khả năng này khỏi những kiểu lãnh đạo khác. Cha là con người truyền thống: cha biết tận dụng nguồn lực của truyền thống đan viện và kinh viện, để chi phối phần lớn lối sống của những anh em đi theo cha. Và kiểu thứ ba, cha là người am hiểu pháp lý: từ đầu, cha đã tìm cách làm cho luật lệ điều hành cộng đoàn mình có một vị thế hợp pháp; chính bản thân cha luôn tôn trọng những điều đã đưa vào bản luật. Cộng đoàn mà cha đang đứng đầu được vận hành nhờ một bộ luật và những truyền thống được chính họ đón nhận và được Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Những anh em giảng thuyết nói cho chúng ta rằng, khi đưa ra quyết định phân tán anh em, cha Đa Minh không nại đến quyền đặc sủng của mình để vi phạm các điều luật và truyền thống của cộng đoàn. Cha trình bày kế hoạch của mình trong tổng hội, tổng hội là thể chế có nhiệm vụ đưa ra quyết định. Tổng hội đã đồng ý cho phép sai anh em từ Toulouse đến những nơi khác mà ở đó anh em có thể thành lập cộng đoàn và giảng thuyết.
Tuy vậy, lại có thêm một vấn đề mà cha Đa Minh phải đối mặt. Ở Toulouse, cũng như ở Prouilhe/Fanjeaux, việc giảng thuyết không chỉ là công việc của anh em, mà là của cả những người nam nữ tập trung quanh họ, giúp đỡ họ và gắn bó chặt chẽ với họ.
Họ chính là người cung cấp các nguồn của cải, và là nguồn động viên khích lệ tinh thần cho anh em, để anh em có điều kiện chung sống và thi hành sứ vụ giảng thuyết. Nhưng một số người trong nhóm này giờ đây lại tỏ thái độ không đồng tình với quyết định mà anh em đưa ra. Đa số họ là người dân ở Toulouse. Họ không muốn những gì tốt đẹp nơi thành phố của họ bị tước bỏ hết. Họ phản đối cha Đa Minh gửi anh em đến nơi khác. Họ cho rằng cha thật dại dột khi thực hiện điều đó.
Anh em vẫn còn nhớ câu trả lời của cha, và sau này trong tiến trình phong thánh cho cha, họ sẽ đứng ra làm chứng. Điều này nói cho chúng ta biết rõ về cha và cách quản trị mà cha muốn Dòng giảng thuyết phải theo. Cha cũng nói với họ những gì mà cha đã nói với các anh em của cha: ‘Hãy để tôi yên: tôi biết mình đang làm gì.’ Hạn từ ‘biết’ ở đây thật cần thiết. Cha Đa Minh là vị lãnh đạo có ơn đặc sủng. Nhưng phẩm chất đó không làm cho cha thành một kẻ mơ mộng bốc đồng, cũng không biến cha thành một kẻ độc tài. Cha không nói rằng: ‘Chúng ta sẽ làm vì tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay’; hoặc ‘Bởi vì đó là ý của tôi, và tôi muốn phải được thực hiện’. Quyết định của cha là kết quả của việc cân nhắc đắn đo rất cẩn thận. Cha biết mình muốn điều gì; muốn vì thấy điều đó là cách hiệu quả nhất để thực hiện công việc. Cha sẽ giải thích cho anh em, và quyết định mà họ đưa ra là kết quả của suy tư và là hoa trái mà cha Đa Minh đã chia sẻ với họ. 50 năm sau, người anh em của cha là Tôma Aquinô, khi dạy thần học tại Paris, cũng sẽ tiếp tục duy trì thái độ trân trọng lối suy luận của cha Đa Minh qua việc coi trọng trật tự lý trí (ordinatio rationis) là nền tảng cho việc xác định luật lệ.
Thi hành
Hãy tưởng tượng chúng ta rời Toulouse và đang trên đường hành hương đến Rôma. Ở Rôma, có thể chúng ta sẽ được nghe biết rằng, Toà Thánh rất quan tâm đến những gì Dòng quyết định có liên quan đến sứ mạng giảng thuyết tại Toulouse, và đang tỏ ra hết sức lo lắng để trợ giúp. Nhưng điều ấy có đem lại kết quả nào không? Để công việc quản trị có hiệu quả, không chỉ đòi hỏi việc đưa ra quyết định mà còn phải là thực hiện quyết định đó. Vì thế trên đường quay về Ireland, chúng ta sẽ ghé lại Toulouse. Chúng ta sẽ đến đó vào tháng tám, và ở đó cho đến lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Mọi chuyện ở thánh đường Saint Romain đều tốt đẹp cả phải không? Đúng vậy, chúng ta được biết là họ đang chuẩn bị sẵn sàng lên đường. Trong số 17 anh em, 5 người đến Paris, chia thành hai nhóm; 4 người đến Madrid; những người còn lại được sai đến những nơi khác ở Toulouse và một vài người đến Prouilhe; tuy vậy, vẫn còn vài anh em sẽ tiếp tục ở lại trong cộng đoàn ở Saint Romain.
Một cuộc bầu cử
Chúng ta đều biết rằng trước lúc sai anh em ra đi, cha Đa Minh đã đề nghị anh em chọn ra một người làm bề trên. Cha không tự mình chỉ định ai làm bề trên, nhưng đề nghị chính họ tự mình chọn ra một người. Việc bầu cử bề trên như vậy sau này trở thành một nét đặc thù của việc quản trị Đa Minh. Họ bầu ra anh Mátthêu. Thời điểm đó, họ gọi anh là ‘cha viện phụ – abbot’, nhưng họ sớm nhận ra cách gọi như thế không phù hợp và quyết định bỏ. Họ quay lại và lấy tước hiệu Prior (Anh trưởng) để gọi các bề trên của mình. Hạn từ ‘prior’ dùng để gọi người đứng đầu, không phải ở trên và cũng không phải ngoài hàng ngũ anh em.
Trong cuộc bầu cử anh Mátthêu tại Saint Romain, lần đầu tiên chúng ta thấy cấu trúc từ trên xuống phổ biến rộng rãi giữa những anh em giảng thuyết. Cha Đa Minh vẫn giữ vai trò là Tổng quyền Dòng, các thành viên trong Dòng phải tuân phục cha qua lời khấn vâng phục. Quyền lực chính của cha trong cộng đoàn vẫn là dựa trên đặc sủng: Cha là người có khả năng thấy trước tương lai, là người truyền cảm hứng và là vị thủ lãnh của anh em. Thế nhưng, cha cũng có đặc quyền pháp lý trong cộng đoàn. Từ đầu, dường như cha Đa Minh đã khá cẩn trọng trong việc sử dụng quyền đặc sủng với anh em, thậm chí cả với chính mình nữa. Cha luôn mong muốn quyền đó được hướng dẫn, điều khiển và được kiện cường nhờ vào quyền lực pháp lý. Cha chưa bao giờ mong muốn nó trở thành điều miễn trừ cho cá nhân nào muốn lãnh đạo cộng đoàn và áp đặt các chương trình kế hoạch của mình bất chấp ý kiến của anh em khác.
II. Linh đạo: Tin mừng
Khi tìm hiểu về việc phân tán anh em ra đi, chúng ta biết rằng tiến trình quản trị hoạt động không hề đơn giản chút nào. Những người lẽ ra phải vâng phục lại phàn nàn và nhất quyết không chịu nghe theo một số điều. Người lớn tiếng nhất trong số những người phản đối có lẽ là anh Gioan Navarre. Anh là người hơi khác biệt với những anh em khác. Anh là một trong nhóm anh em được sai đến Paris. Thấy cộng đoàn muốn sai mình đến Paris mà không cho một xu dính túi, anh cho rằng, làm như thế thật ngu xuẩn và anh nhất quyết không chịu đi. Anh còn nói, dù gì thì điều này là trái với các điều luật mà Giáo hội đã đặt ra, vì Giáo luật cần được áp dụng cho việc đi đường. Cha Đa Minh nài xin anh Gioan. Bản chất lời cầu xin đó cho thấy đời sống và sứ vụ của những anh em này phải được quản trị bằng một điều gì đó còn trên cả lề luật và nguyên tắc vốn đem lại cho họ một nền tảng pháp lý để xây dựng việc quản trị cộng đoàn. Ở đây, chúng ta bắt đầu nhận ra việc quản trị của Dòng Đa Minh mà chúng ta đang nói đến, cần thiết phải được hoàn thiện nhờ hai nét đặc trưng khác, mà sau 800 năm được liệt kê ra trong chủ đề chuẩn bị cho năm thánh: Đó là ‘quản trị, linh đạo và tự do’. Chúng ta như được trực tiếp nghe về linh đạo của Dòng Đa Minh.
Hãy tưởng tượng chúng ta có dịp được nói chuyện với cha Đa Minh và hỏi xem cha đã nói gì để thuyết phục anh Gioan chịu lên đường mà không có tiền trong túi. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ được nghe cha Đa Minh kể lại cho chúng ta câu chuyện trong Tin mừng, và câu chuyện đó có ý nghĩa gì với cha. Những người cùng thời với cha miêu tả cha là con người của Tin mừng, con người thuộc về Tin mừng – vir evangelicus. Khi cha ở giữa nhóm người Albigense ở miền nam nước Pháp, cha đã khám phá Tin mừng theo một cách thức mới mẻ. Cha phát hiện ra Tin mừng là điều đầu tiên và trước nhất cần được rao giảng: chân lý của Tin mừng là điều duy nhất đưa những người Cathare lầm lạc quay trở về hiệp nhất với Giáo hội. Thế nhưng ngay sau đó, cha lại thấy công việc rao giảng Tin mừng chỉ có thể đem lại hoa trái khi xuất phát từ lối sống dựa trên Tin mừng. Sở dĩ vậy là vì cha đã khám phá ra rằng Tin mừng là điều mà cha và những người bạn đồng hành đã dành trọn cuộc đời mình để sống và rao giảng. Lời mời gọi giảng thuyết, rao giảng Tin mừng theo đường lối của Tin mừng, là một đặc sủng, một ân sủng đặc biệt dành cho cha Đa Minh. Đặc sủng đó cần được chia sẻ cho người khác, ngay cả chính bản thân cha cũng là nơi để đặc sủng được biểu lộ một cách đầy đủ chuẩn mực. Đặc sủng không thể khiến cha Đa Minh và những người đi theo cha trở nên những vị thánh, nhưng xác định đường lối đặc biệt để giúp họ đạt đến sự thánh thiện. Linh đạo của họ chính là sự theo đuổi sự thánh thiện. Nét linh đạo đó cần phải được ghi dấu và trung thành với đặc sủng của Dòng. Đó chính là linh đạo của việc rao giảng Tin mừng và sống Tin mừng.
Vita Apostolica: Nếp sống Tông đồ
Truyền thống tinh thần mà cha Đa Minh và anh em của cha được khởi hứng lên trong thời kỳ Trung Cổ chú trọng vào nếp sống Tông đồ. Đó là một trào lưu canh tân đời sống Kitô hữu trong Giáo hội bằng con đường trở về với thời kỳ Giáo hội tiên khởi của các Tông đồ, như đã được mạc khải trong Tân ước. Người ta tìm kiếm một kiểu cách mô tả vừa súc tích vừa phong phú về Giáo hội trong sách Công vụ Tông đồ 2,42-46: ‘Họ chuyên cần lắng nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả mọi tín hữu hợp nhất với nhau, để tất cả làm của chung; họ đem bán tất cả tài sản của cải và lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu’. Hình ảnh này đã truyền cảm hứng cho mọi cuộc canh tân đời sống Kitô giáo. Điều này cách riêng được những người nam nữ đan sĩ chú tâm thực hiện, và được đặt nền trên những lời dạy của chính Đức Giêsu: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh, và đem cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng ở trên trời; rồi hãy đến theo tôi’ (Mt 19,21). Ngoài ra, Đức Giêsu còn chỉ dẫn cho những ai muốn theo Người đi rao giảng Tin mừng. Trong số những chỉ dẫn này có một điều mà cha Đa Minh muốn anh Gioan phải biết: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn’ (Mt 10,9-10). Cha áp dụng câu Kinh thánh này khi trò chuyện với anh Gioan, không chỉ vì phần rỗi linh hồn của anh mà còn vì ích lợi cho sứ vụ giảng thuyết. Nếp sống Tông đồ phải phục vụ cho việc giảng thuyết. Tin mừng anh em rao giảng cần phải là chuẩn mực cho Tin mừng áp dụng trong cuộc sống.
Khi nói chuyện với cha Đa Minh, chúng ta nhận ra rằng, đây chính là những chân lý Tin mừng mà cha mong muốn không chỉ anh Gioan chấp thuận mà có lẽ cả những anh em khác nữa. Tinh thần của anh em giảng thuyết cần phải như thế. Nhưng nếu chúng ta ở lại Toulouse lâu hơn, cho đến ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là ngày mà anh em được sai đi, chúng ta sẽ thấy rằng cha Đa Minh chỉ làm như thế với anh Gioan mà thôi. Cha chấp nhận đòi hỏi của anh và đưa cho anh 12 đồng. Người ta kể lại rằng anh Gioan đã cảm thấy bàn tay mình nóng lên, như thể đó là những đồng tiền đưa cho Giuđa. Anh nhìn những đồng tiền đó, bỏ vào túi và chắc chắn là đã tiêu hết trên đường đến Paris.
III. Tự do: Giảng thuyết
Hạn từ thứ ba trong tiêu đề của Năm Thánh: tự do. Đây là điều mà suốt thời gian ở Toulouse, có lẽ chúng ta đã luôn nghĩ đến. Câu chuyện về anh Gioan có vẻ như không phải là điểm nổi bật nhất để giới thiệu về đề tài tự do. Anh Gioan hành động theo cách của riêng mình, còn cha Đa Minh cứ để cho anh làm theo ý mình. Phải chăng như thế là sự tự do của Dòng Đa Minh: mỗi người được làm theo cách riêng của mình? Tôi nghĩ rằng các bạn không muốn tôi khẳng định điều đó. Vậy thì chúng ta hãy cũng nhau suy nghĩ về vấn đề này.
Linh đạo Tin mừng của đời sống Đa Minh mà chúng ta đang nghĩ tới, mong muốn đem lại tự do cho những ai tuyên khấn. Đức Giêsu đã nói, ‘Chân lý giải thoát anh em’ và chân lý mà Người muốn nói ở đây chính là chân lý của Tin mừng, chân lý để tin và để sống. Cha Tổng quyền Brunô dùng nhiều lời của Đức Giêsu trong lá thư của ngài, và chỉ ra mối tương quan của chúng với linh đạo Đa Minh. Để trình bày cho các bạn về đề tài tự do theo cách của riêng tôi, tôi sẽ không nhắc lại lời của ngài.
Tôma Aquinô: Ân sủng và tự do
Tôi muốn mời các bạn thực hiện một cú nhảy tiến thêm 50 năm để đến Paris, ở đó có một nhóm anh em giảng thuyết của chúng ta vừa mới bắt đầu cuộc hành trình đến từ Toulouse. Từ cộng đoàn tu viện thánh Giacôbê, mà giờ đây là một cộng đoàn lớn, có anh Tôma Aquinô đang nghiên cứu thần học về ân sủng – một ngành thần học đang phát triển rất mạnh từ linh đạo Đa Minh. Tôma dạy rằng ân sủng của Thiên Chúa thôi thúc con người hoạt động và hoạt động có tự do. Dưới tác động của ân sủng, Thiên Chúa làm cho con người biết khao khát, và quyết định thực hiện những điều mà họ đang làm. Chính nhờ ân sủng của Người mà họ có được những chọn lựa có tự do. Nếu con người cảm thấy bị ép buộc phải thực hiện hoặc không được thực hiện những gì mà họ đang làm, thì họ hành động mà không có tự do. Nếu họ hành động mà không có tự do, đến một mức độ nào đấy thì họ sẽ không còn được thúc đẩy bởi ân sủng của Thiên Chúa nữa. Tôma gọi đây là ơn ‘thường sủng’. Tôma cũng nhận ra còn có một loại ân sủng khác nữa, một phương thế khác để Thiên Chúa ban ân sủng cho con người và giúp họ thực hiện công việc của mình. Thiên Chúa ban cho con người đặc sủng, hồng ân đặc biệt để hướng đến việc phục vụ những điều thiện ích chung cho Giáo hội. Đặc sủng không trực tiếp làm cho con người nên thánh, bởi vì đặc sủng thì chỉ tập trung vào những điều thiện hảo của cả cộng đoàn và chỉ gián tiếp đem lại ích lợi cho từng cá nhân đón nhận. Thế nhưng, Thiên Chúa ban đặc sủng và mong muốn những đặc sủng trổ sinh ra hoa trái tốt đẹp nhất, bằng cách thôi thúc người đón nhận phải biết sử dụng cách tự do và xứng đáng. Ân sủng của Người đem lại tự do thánh thiện cho những ai Người ban những ơn đặc sủng, để họ khao khát và ham thích thực hiện điều Chúa muốn nơi họ. Ân sủng khiến họ có được tự do để thực thi công việc của Chúa theo đường lối của Người.
Còn có một khía cạnh khác trong thần học Tôma về ân sủng và tự do mà ngài muốn khai triển cách đặc biệt khi bàn về các nhân đức. Sự tự do ân sủng mang lại cho họ là tự do để hiện hữu và để yêu mến, phục vụ, cầu nguyện, tin tưởng và hi vọng. Đây gọi là ‘tự do để’. Xét theo phương diện của ân sủng, ‘tự do để’ cần được trợ giúp bởi ‘tự do nhờ’. ‘Tự do nhờ’ là kết quả đạt được khi vượt qua những hạn chế và những gì cản trở chúng ta thực hiện những việc ân sủng đang thôi thúc chúng ta làm – chẳng hạn, đó là sợ hãi, đam mê, ảo tưởng, những tương quan khó kiểm soát, thống trị của người khác, thiếu tự tin, lười biếng, thái độ quy ngã và coi khinh người khác… Những thứ này có thể gây cản trở, nếu không muốn nói là làm tê liệt hoặc ngăn cản chúng ta thực hiện những điều mình muốn làm trong ân sủng và tự do. Chúng lấy mất tự do của chúng ta. Khi chúng ta tuân giữ linh đạo, nhất là linh đạo Tin mừng, thì chính ân sủng Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta vượt thắng được những thứ làm cản trở tự do. Chúng ta gọi đó là những yếu đuối hoặc tự mãn của con người. Ân sủng hướng dẫn chúng ta qua các lời giáo huấn của Tin mừng, biến đổi những giáo huấn đó thành các điều luật cấm cản con người làm một số điều, và những luật lệ ấy cũng giúp chúng ta thực hành các nhân đức. Khi đạt được ‘tự do nhờ’ qua việc tuân phục các luật lệ ấy, thì chúng ta sẽ làm triển nở ‘tự do để’. Chúng ta không thể giây lát mà đạt được; có thể cả cuộc đời, chúng ta cũng không thể chiếm hữu trọn vẹn tự do. Tuy nhiên, ân sủng mà chúng ta nhận được nhờ Tin mừng ngày càng mang lại cho chúng ta nhiều tự do, để bản thân chúng ta được quyền lựa chọn.
Cha Đa Minh và tự do của người giảng thuyết
Bây giờ, chúng ta hãy quay trở lại Toulouse vào năm 1217. Khi cha Đa Minh lý giải cách ngài giải quyết trường hợp của anh Gioan, có lẽ cha không nói với chúng ta bằng những ngôn từ của Tôma, nhưng tôi thiết nghĩ rằng, cha cũng sẽ nói những điều tương tự như thế, chỉ là khác từ ngữ mà thôi. Cha sẽ nói cho chúng ta biết, trong linh đạo Tin mừng của anh em giảng thuyết, luật lệ được đặt ra để anh em được tự do, chứ không phải để làm mất tự do của anh em. Ở Toulouse, cộng đoàn của cha giữ truyền thống linh đạo của nếp sống tu trì Tây phương. Cha và các anh em rút ra linh đạo đó từ nếp sống và các luật lệ đan viện truyền thống, rồi thích nghi các quy định và lề luật đó cho phù hợp với đời sống của mình. Họ đang làm những điều mà tất cả tu sĩ có trước họ cũng từng làm để có được tự do nhờ những yếu đuối và sao nhãng của con người, tin tưởng rằng sự tuân phục này sẽ đem lại cho họ tự do để yêu mến Thiên Chúa, bước theo Đức Kitô và trở nên đền thờ của Thánh Thần.
Cha Đa Minh giải thích thêm, những ai tuyên khấn trở nên anh em giảng thuyết phải đóng góp phần của mình vào ‘tự do để’, là mục tiêu mà lề luật nhắm đến. Cha Đa Minh được trao đặc sủng giảng thuyết, thế nên, ngài cũng được mời gọi chia sẻ với người khác. Mục tiêu của đặc sủng cần phải được lưu tâm đến, tương ứng với cách thức của việc cần điều chỉnh lề luật để triển nở ‘tự do nhờ’. Mặc dù lề luật được coi trọng trong truyền thống đan viện, nhưng nếu gây cản trở việc giảng thuyết thì cần phải loại bỏ; bên cạnh đó, cần phải mở rộng thêm những luật lệ mới đem lại ích lợi cho việc giảng thuyết.
Cha Đa Minh vô cùng hạnh phúc khi kể ra chúng ta một vài mẫu gương về việc tự do giảng thuyết đã tác động đến các nguyên tắc của đời sống anh em như thế nào. Dường như cha rất vui khi kể lại cho chúng ta nghe về chuyện học hành. Khi cha đi giảng thuyết cho nhóm người Albigense ở Prouilhe – Fanjeaux, cha đã nhận thấy những hạn chế trong đạo lý của Giáo hội đương thời, cũng như trong cách truyền giáo. Cha nhận ra cần phải khám phá Tin mừng theo cách mới, mình phải được chuẩn bị sẵn sàng để tra vấn và đối mặt với những vấn nạn mới về Tin mừng, tranh luận với lạc giáo, và thậm chí là phải được chuẩn bị để đón nhận các đạo lý được đúc rút từ Tin mừng của các lạc giáo đó. Để trở nên một người giảng thuyết, cha nhận ra mình phải là một người biết suy tư, ham đọc sách, sẵn sàng tranh luận, hơn là chỉ biết đưa ra và áp đặt ý kiến riêng của mình.
Lúc này đây, tại Toulouse, cha Đa Minh đang củng cố cộng đoàn các anh em giảng thuyết. Cha kể cho chúng ta rằng, có một giáo sư thần học, người Anh, tên là Alexander Stavensby đang trên đường tới. Vị giáo sư này từ Paris đến, đi theo Đức Giám mục là người đang điều hành một ngôi trường mà tại đó ngành thần học suy tư mới đang được nghiên cứu. Một buổi sáng đẹp trời, cha Đa Minh nói với anh em: ‘Nào anh em, chúng ta bắt đầu đến trường’. Mặc cho anh em có muốn đi hay không, cha vẫn dẫn họ đến tham dự các lớp thần học vào buổi sáng của giáo sư Alexander. Điều này đưa đến một thay đổi quan trọng cho lịch sinh hoạt của cộng đoàn. Nguyên tắc mà họ áp dụng cho đời sống hằng ngày của mình đã dự phòng cho công việc lao động tay chân. Họ rất yêu mến việc luyện tập đời sống đan viện, một trong những kỉ luật chủ chốt giúp mang lại cho họ ‘tự do nhờ’ vượt qua những gì cản trở tự do để’ yêu mến và chiêm niệm về Thiên Chúa, là mục tiêu của đời sống đan tu. Bây giờ, anh em giảng thuyết quyết định gạt công việc tay chân qua một bên, không phải vì công việc lao động tay chân có gì đó không ổn, cho bằng việc giảng thuyết đòi hỏi họ phải làm công việc đầu óc hơn là công việc tay chân. Họ gọi công việc đó là studium – học hành. Giống nhiều luật lệ truyền thống khác, kỷ luật áp dụng cho cho việc học hành là nhằm mục đích đem lại ‘tự do nhờ’ cho anh em. Chuyên tâm vào việc học giúp anh anh em loại bỏ những cản trở trên đường hướng tới giáo chân lý, tự do và nếp sống Kitô giáo. Tuy nhiên, đối với phần lớn các anh em giảng thuyết, học hành giúp họ có được tự do khỏi những sai lầm cũng như đạo lý trống rỗng. Bởi chưng điều đó khiến họ có được tự do để giảng thuyết, tự do rao giảng chân lý, thứ chân lý không trói buộc tinh thần con người, nhưng là giải thoát họ. Khi trò chuyện với cha Đa Minh, chúng ta mới biết được rằng khi việc học hành được đưa vào lề luật của cộng đoàn Toulouse, thì nó trở thành tiêu điểm gây ra nhiều thay đổi khác trong lề luật, để phục vụ cho công việc giảng thuyết. Cha lý giải điều này như sau, ngay cả khi các nguyên tắc không được thay đổi, thì cơ chế quản trị sẽ được áp dụng để khiến cho luật lệ, cách riêng là những điều luật được sắp đặt nhằm đem lại ‘tự do nhờ’, phục vụ cho lợi ích ‘tự do để’, vốn là công việc giảng thuyết. Việc áp dụng sự miễn chuẩn: trong những hoàn cảnh đặc thù, anh em có thể được miễn việc bổn phận để giữ luật, mà vẫn giữ nguyên luật. Luật được miễn trừ, không phải để làm cho đời sống nhẹ nhàng hơn đối với một số cá nhân, nhưng là để họ được tự do mà rao giảng.
Chúng ta sẽ cảm thấy bị sốc khi nói chuyện với chúng ta mà cha Đa Minh lại cầm một con dao trong tay. Cha muốn nói với chúng ta, với con dao trong tay, ngài đe doạ sẽ làm một điều gì đó. Bộ tu luật mà anh em lập ra để quản trị Dòng là cứng nhắc và bắt buộc anh em phải giữ. Luật cũng đưa ra những hình phạt cho những trường hợp vi phạm. Có những hình phạt thật khắt khe. Thế nhưng, theo cách quản trị của cha Đa Minh thì không được ai cho rằng vi phạm một trong những khoản này là phạm tội. Nếu như có ai tuyên bố như thế, với con dao trong tay, cha sẽ cầm lấy cuốn sách luật và cạo điều luật đó đi. Luật lệ không được làm nô lệ cho tội lỗi. Đưa tội ra đe doạ anh em không phải là một động lực đúng đắn khiến họ giữ luật. Điều này cũng không có nghĩa là bất tuân lề luật thì không phạm tội. Luật lệ được đặt ra là để làm triển nở linh đạo sống theo Tin mừng. Khi rao giảng và sống theo Tin mừng, người giảng thuyết vẫn có thể phạm tội. Cố tình không tuân giữ luật, coi khinh chúng hoặc không vui vẻ vâng phục các vị bề trên có trách nhiệm điều hành cộng đoàn theo tu luật, sẽ gây nguy hại đến lòng trung thành của họ đối với đặc sủng và sứ vụ rao giảng Tin mừng. Đặc sủng là một ân ban đặt con người đối diện với Thiên Chúa. Quay lưng lại với nó là phạm tội. Tội không hệ tại ở việc vi phạm một điều luật hướng dẫn ‘tự do nhờ’, cho bằng hệ tại ở việc không xem luật là phương tiện Thiên Chúa dùng để trao ban ân sủng, để con người có được ‘tự do từ’.
Sai anh Gioan ra đi
Khi nói về câu chuyện này, chúng ta trở lại câu hỏi với cha Đa Minh về chuyện anh Gioan: “Xin cha giải thích cho chúng con, những gì cha đang kể cho chúng con đây thì có liên quan gì đến anh Gioan?” Điều trước tiên cha sẽ nói, đó là vì cha yêu mến anh ấy. Đây là lý do mà cha cùng với anh thành lập cộng đoàn. Căn cốt của mọi hoạt động quản trị đều diễn ra giữa các thành viên trong cộng đoàn mà họ trực thuộc. Trong thực tế thì đó cũng là điều luật đầu tiên trong Tu luật thánh Augustinô đang được anh em tuân giữ. Đó chính là tinh thần Tin mừng áp dụng cho công việc quản trị. Cha Đa Minh biết là anh Gioan cũng quý mến cha, và cũng yêu mến việc giảng thuyết, anh đã sẵn sàng lên đường tới Paris, và anh chỉ than phiền một chút về cách thức làm thế nào để tới đó. Vì có quyền trên anh, nên cha Đa Minh mới sai anh đi Paris mà không có xu nào trong túi. Nhưng thay vì truyền lệnh cho anh phải lên đường, cha lại giải thích và nài nỉ anh. Cha tôn trọng và không muốn ép buộc anh. Cha muốn anh làm theo những gì mà Cha tin tưởng rằng Chúa quan phòng sẽ lo liệu cho anh. Cha muốn anh được tự do làm điều đó, như chính hoa trái của ân sủng Thiên Chúa, hơn là thực hiện hành động vì vâng phục cấp trên. Dù sao đi nữa, cha Đa Minh biết rằng luật lệ của cộng đoàn lúc này chưa nói gì đến việc lên đường mà không mang theo tiền bạc. Sau này mới có quy định, nhưng không được tán thành, vì thế lúc đó, nếu có muốn thì cha Đa Minh cũng không thể áp dụng luật đó được. Những gì mà cha áp dụng chính là những lời dạy của Đức Giêsu trong Tin mừng. Thế nhưng, những lời ấy không phải là lề luật, nhưng là mục tiêu của lề luật. Lề luật chỉ là thứ làm cho chúng ta dễ dàng hơn trên hành trình theo Đức Giêsu. Lời Chúa là cách thế diễn tả của ‘tự do để’. Cha Đa Minh tha thiết mong muốn anh có được thứ tự do đó. Ngài nài xin và cầu nguyện cho anh có được nó. Khi anh có, anh sẽ trở nên tốt hơn và công việc giảng thuyết cũng thế. Cuối cùng thì cha cũng nhận ra anh chưa đạt được tầm mức đó của tự do. Điều đó không khiến anh mất hết quyền tự do của mình, và cha Đa Minh vẫn tôn trọng anh. Cha đưa cho anh 12 đồng và chúc anh đi đường bình an. Anh không phạm luật và lại được cha Đa Minh coi trọng. Thế nhưng có lẽ anh đã nhận ra mình chưa đủ trưởng thành trên con đường đạt đến sự tự do mà Chúa Giêsu muốn nơi các môn đệ của Người. Sự thực là anh Gioan dường như cảm thấy những đồng tiền đang nung cháy những ngón tay của anh đang lên tiếng với anh.
IV. Dublin: 1227
Chúng ta hãy tiếp tục trò chơi tưởng tượng này và hình dung chúng ta đang trở lại Ireland sau 10 năm, vào năm 1227. Chúng ta đến thăm Dublin. Từ nơi chúng ta đang ở, chúng ta có thể thấy một tu viện, là tu viện Saint Saviour. Chúng ta sẽ rất vui mừng khi khám phá đây là cộng đoàn của anh em giảng thuyết, giống như chúng ta đã chứng kiến ở Toulouse vào năm 1217. Những anh em này xuất phát từ một cộng đoàn ở nước Anh, có lẽ là tu viện Oxford, vốn ban đầu được thành lập ở Paris do những anh em, có cả anh Gioan nữa. Những anh em này, như chúng ta biết, được gửi đến từ Toulouse. Vì thế, anh em ở đây có nguồn gốc từ cộng đoàn ở Toulouse. Khi tiếp xúc với các vị giảng thuyết ở Dublin, chúng ta sẽ tự nhủ rằng đây là những gì chúng ta thấy cần trên vùng đất này. Chính chúng ta nhận ra nhu cầu rao giảng Tin mừng tại Dublin và khắp cả đất nước Ireland, vốn bị bọn thực dân Norman cải cách. Có lẽ chính chúng ta cũng phải bắt tay làm một điều gì đó thiết thực cho công cuộc ấy. Chúng ta là những nam nữ giáo dân, một số dấn thân trong đời sống tu trì, một số sống đời sống thế tục; và có lẽ có cả một số linh mục trong nhóm của chúng ta nữa. Chúng ta biết có nhiều người như chúng ta, họ tham gia vào Dòng Giảng thuyết ở Toulouse. Vì thế, chúng ta chào đón họ và hỏi xem liệu chúng ta có nhập đoàn với trong sứ vụ giảng thuyết được không. Họ sẽ cảm thấy vô cùng vui mừng, bởi vì ngay từ những ngày đầu tiên ở Prouilhe – Fanjeaux, họ đã được tham dự vào hoạt động giảng thuyết: giảng thuyết là để xây dựng Giáo hội, bởi chưng tất cả mọi thành viên trong Giáo hội đều phải thực hiện: những linh mục triều, giáo dân, tu sĩ sống đời thánh hiến và các giáo sĩ. Họ chung tay hoạt động, mỗi thành phần tuỳ theo vai trò vị trí của riêng mình. Tuy nhiên, khi họ chào đón chúng ta đến với họ, họ sẽ nói cho chúng ta là những người xin gia nhập sứ vụ giảng thuyết rằng, họ sẽ không gánh vác trách nhiệm điều hành thay cho chúng ta. Họ mong muốn từng nhóm của chúng ta, gồm có chị em đan sĩ, các nữ tu, và huynh đoàn giáo dân được tự do vạch ra tổ chức quản trị riêng của mình. Họ mong muốn cách tổ chức quản trị của chúng ta phải bắt chước họ, bởi lẽ việc quản trị của họ được vạch ra dưới thời của vị lãnh đạo có đặc sủng là cha Đa Minh, Đấng sáng lập ra Dòng Giảng thuyết. Họ tin chắc rằng việc tổ chức quản trị như thế sẽ mở ra để đón lấy linh đạo Tin mừng, linh đạo này giúp anh em giảng thuyết trở nên những môn đệ, những tông đồ đích thực của Đức Giêsu, và mang lại cho họ tự do để rao giảng Tin mừng. Cách tổ chức như thế luôn liên kết các nhóm khác nhau, luôn cho họ được tự do để giữ được nét khác biệt, và làm cho chúng ta hợp nhất với nhau thành một Gia đình có chung mục đích là rao giảng chân lý.
Tôi hi vọng rằng tất cả chúng ta, những người đang có mặt tại đây, tại Dublin này, 800 năm nữa sẽ hiện thực hoá ước vọng của những anh chị em của chúng ta tại Toulouse, Paris, Oxford và Norman Dublin.
Tin mừng là cho tất cả mọi thời; ta không được đóng đinh nó.
Tin mừng không chỉ là chiếc đèn dầu đặt trên giá, nhưng phải được toả sáng.
- Antonin-Gilbert Sertillanges, OP (1863- 1948) Liam G. Walsh, OP. (Chuyển ngữ: Học viện Đa Minh Gò Vấp, tháng 2-2016)
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô