Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho con người, và Ngài chọn Dân Israel để thực hiện một bước chuẩn bị dài qua dòng lịch sử của Dân ấy. Diễn tiến lịch sử của Dân Chúa, trong ánh sáng của Lời Chúa qua các ngôn sứ, có thể giúp người Dân Israen và toàn thể nhân loại nhận ra đức Giêsu chính là Đấng Mêsia Thiên Chúa ban.
Lịch sử Dân Israel là lịch sử của ơn cứu độ; nơi đó, người Dân được hướng dẫn để sống những biến cố trần tục dưới ánh sáng đức Tin. Trong dòng lịch sử trần tục ấy, người nào tin tưởng vào Chúa thì có thể nhận ra đường lối sư phạm của Thiên Chúa qua một chuỗi những biến cố, qua dòng ý nghĩa đức Tin được tiên báo, được phát triển mỗi ngày mỗi sâu sắc hơn nhờ các ngôn sứ, rồi được hoàn thành trọn vẹn trong đức Giêsu và Tin Mừng của đức Giêsu.
Như thế, theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa, Đấng Mêsia được ban cho con người trong lịch sử và qua lịch sử, một lịch sử thật của con người. Ánh sáng đức Tin sẽ làm lộ ra ý nghĩa đích thực của lịch sử, và lịch sử ấy hướng tới đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ muôn dân. Đức Giêsu không ngẫu nhiên “rớt xuống” từ trời, nhưng Ngài là Đấng hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa; lời hứa đã được Thiên Chúa ký kết trong Cựu Ước. Đức Giêsu đến để đáp ứng trọn vẹn niềm khao khát mong chờ của con người, được biểu trưng trong niềm khao khát của Dân Israen.
Cũng thế, người Kitô hữu không phải chỉ là người nhận ra Tin Mừng của Chúa Giêsu quá hay, bản thân Chúa Giêsu quá tuyệt vời, nhưng thiết yếu là nhận ra Chúa Giêsu đúng thực là Đấng Chúa Cha ban cho nhân loại, Chúa Giêsu đáp ứng trọn vẹn khát vọng sâu xa nhất của con người, và Chúa Giêsu kêu gọi tôi gia nhập vào Dân mới là Giáo hội. Trong lòng Giáo hội hiện nay, người tín hữu được mời gọi sống cuộc đời mình, trong chính lịch sử dân tộc mình và lịch sử Giáo hội, như một lịch sử ơn cứu độ. Người Kitô hữu cũng chỉ có thể đón nhận được trọn vẹn và phong phú Tin Mừng của đức Giêsu khi hội nhập vào dòng lịch sử của Dân Israel, khi nối kết lịch sử ấy với lịch sử hiện tại của đời mình. Trong ý nghĩa đó, Giáo hội Kitô giáo vẫn đón nhận và trân trọng Cựu Ước, đón nhận như một hành trình thiết yếu để đến với đức Giêsu Kitô.
Trọng tâm của dòng lịch sử ơn cứu độ chính là giao ước Sinai, mà nội dung của bản giao ước đó được tóm lại trong Mười Điều Răn. Trọng tâm của Mười Điều Răn chính điều thứ Nhất : thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự. Tất cả chín điều còn lại đều dựa trên nền tảng là điều thứ Nhất và là những cách thể hiện khác nhau của điều thứ Nhất.
Mặc dù người ta thấy những điều khoản trong Mười Điều Răn thật sự rất hay, nhưng lý do chính yếu để Dân Israel tuân giữ luôn luôn là vì trung tín với Chúa. Việc thờ phượng và kinh mến Chúa được thể hiện trong thái độ trung tín tuân giữ các điều răn của Chúa. Nói cách khác, thái độ của người tín hữu không phải chỉ dựa vào lý lẽ của mình, không phải tuân giữ Mười Điều Răn vì công nhận sự hợp lý của Mười Điều Răn… nhưng chính yếu là vì trung tín với Chúa, vì để thờ phượng Chúa nên hết lòng tuân giữ điều Chúa dạy.
Cũng như lịch sử cứu độ hướng tới Đức Giêsu Kitô, thì Mười Điều Răn cũng dẫn tới Điều Răn Mới của Chúa Giêsu. Khi Đức Giêsu giải thích Cựu Ước, Ngài tóm kết tất cả luật Mô sê và các sách Ngôn sứ vào hai điều căn bản : mến Chúa – yêu người :
“…Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 35-40 và //)
Như thế, đức Giêsu đã toát lược toàn bộ Cựu ước vào hai giới luật “mến Chúa” và “yêu người”, rồi Ngài định hướng cho toàn bộ Cựu Ước vào một trục duy nhất, trục yêu thương. Chính từ trục yêu thương này, người Kitô hữu mới có thể đi đến luật trọn hảo của Nước Trời, luật mới của Đức Giêsu :
“Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 12-13)
Luật mới của đức Giêsu cũng không “rớt từ trời xuống”, nhưng chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Thờ phượng và kính mến Chúa hết lòng từ nay sẽ là đón nhận tình thương của Chúa Cha trong đức Giêsu :
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15, 9)
Và sống trong tình yêu của đức Giêsu luôn luôn là tuân giữ các điều răn của đức Giêsu :
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15, 10)
Anh chị em thân mến,
Đức Giêsu đã từng nói Ngài không bãi bỏ lề luật Mô-sê và lời các ngôn sứ, nhưng kiện toàn (Xc. Mt 5, 17). Người Kitô hữu không được coi thường lề luật của Mười Điều Răn, nhưng cũng không phải chỉ giữ Mười Điều Răn là đủ. Mười điều răn là nẻo đường đi đến giới răn trọn hảo của Chúa Giêsu; và để sống được giới răn trọn hảo ấy, chỉ có một cách duy nhất đón nhận tình yêu thương lớn lao nhất của Chúa Giêsu.
Kính chúc anh chị em được đầy tràn Thánh Thần của Chúa Giêsu để vừa trung tín tuân giữ lề luật trong cuộc sống hằng ngày, vừa không ngừng khao khát để được nên một với Chúa Giêsu trong tình yêu “hy sinh mạng sống vì bạn hữu”.
Ban Biên Tập.