05/04/2017 -

Kinh Thánh

26076

Quả thực cụm từ này đã được dẫn ra không biết bao nhiêu là lần, khi người ta cà khịa, cãi vã, hay để thủ thế khi người ta bị công kích về cách cư xử của họ: Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán. Những lời nổi tiếng của Đức Giê-su được nhiều người trích dẫn, nhưng cũng đã bị hiểu một cách tầm bậy. Dù gì cũng phải công nhận rằng, cho đến nay, Mt 7,1 chính là câu thường bị áp dụng bậy nhất trong cả bộ Kinh thánh, trưng dẫn và bị lạm dụng bởi cả người Ki-tô hữu lẫn những anh chị em ngoài Ki-tô giáo.

Những người cố ý hiểu sai thường dùng câu này như “cái khiên che chắn tội lỗi”, như vách ngăn để người khác không đụng được đến họ, để họ biện minh cho lối sống mà họ thích, bất chấp những giới hạn hay trách nhiệm luân lý. Họ thường phản pháo thế này: Ai mà chả có tội cơ chứ? Chúng ta lấy quyền gì mà đưa ra những nhận xét về phẩm cách đạo đức của người khác? Đấy chẳng phải là việc của Thiên Chúa sao?

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ văn cảnh của Mt 7 cũng như giáo huấn của những phần khác trong Kinh thánh, chúng ta nhận ra rằng, rõ ràng, câu Kinh thánh này không thể được dùng để biện minh cho một thứ tự do, tự quản, và độc lập vô hạn về mặt luân lý. Đấy không phải là nội dung mà Đức Giê-su diễn tả. Người không cổ suý cho một lối hiểu, lối tiếp cận tuỳ hứng về trách nhiệm luân lý, Người cũng không cấm việc người ta được đưa ra những nhận định về mặt luân lý trong một số trường hợp.

Trái lại, Đức Giê-su đương thẳng thừng quở trách thói đạo đức giả của những người Pha-ri-sêu, họ là những người mau mắn xét nét lỗi phạm của người khác, nhưng lại mù quáng và không sẵn lòng tự mình nhận lấy cùng một trách nhiệm như họ đang áp đặt trên hay đòi hỏi từ kẻ khác. Chút nữa, chúng ta sẽ tìm hiểu về điểm này rõ hơn.

Nhưng trước tiên, chúng ta hãy cùng tập chú đến Mt 7,1. Trong Kinh thánh, Bài giảng trên núi chính là chỗ, Đức Giê-su đã giáo huấn về chuyện thế nào là trung tín, trung tín là sống như một môn đệ dấn thân cho Đức Ki-tô, cũng như theo đuổi sự thánh thiện vì lòng kính sợ Thiên Chúa. Đức Giê-su đưa ra những đòi hỏi luân lý thực sự, xứng tầm với việc người ta được kêu mời trở thành những công dân trong Vương Quốc của Thiên Chúa.

Nói cách khác, những ai sám hối và đặt lòng tin nơi Đức Giê-su và chỉ nơi Người mà thôi, trông cậy ơn cứu độ từ Người, thì họ trở thành “con cái Thiên Chúa”, được gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa, và trở thành những thành viên trong vương quốc thiêng liêng mà Người đã thiết lập trên trần gian này. Sống trong vương quốc này, những người tin được kêu mời hãy “sống khác”, và Đức Giê-su đã đưa ra những giải thích hết sức thực tế cho lối sống này. Người dùng những từ ngữ dễ hiểu, đưa ra một tiêu chuẩn đạo đức có tính kiên quyết, với điểm quy chiếu là: hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và yêu mến người thân cận như chính mình. Còn ở đây thì khác, vấn đề Đức Giê-su nêu lên ở đây là thói đạo đức giả. Vì Người nói:

Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.
(Mt 7,1-5).

Tôi cứ thắc mắc, không biết khi nói những điều này, Đức Giê-su có nhìn thẳng vào mặt những người Pha-ri-sêu kia hay là không. Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã quở trách những người Pha-ri-sêu vì thói đạo đức giả rành rành của họ, cũng như vì những thói tục quá quắt do họ đặt ra. Họ chỉ chuyên đi bới móc những thiếu sót của người khác, trong khi chính lúc đó, bản thân họ cũng là những kẻ bị lên án do đang mắc phải cũng chính những lỗi phạm ấy.

Thật là lố bịch hết sức! Đức Giê-su khẳng định, xét đoán thì sẽ được “lại quả”, được đáp trả lại y chang. Nói cách khác, người ta lấy thước nào mà đo, mà lượng định cuộc sống của người khác, thì Thiên Chúa cũng dùng chính cây thước ấy mà đo, mà lượng định cuộc sống của họ. Nhưng này nhé, bị người đời đo, bị người đời đếm là một chuyện, bị chính Thiên Chúa đo, đếm lại là chuyện hoàn toàn khác. Những người Pha-ri-sêu giả hình đang vướng phải nguy cơ thứ hai.

Xin cũng để ý ở điểm này, Đức Giê-su bảo kẻ đạo đức được nói đến là người đang mắc phải một vấn đề còn lớn hơn nữa cơ. Tại sao? Vì lỗi phạm của họ không chỉ được ví như một hạt bụi, nhưng lớn hơn, như một cái xà (khác biệt hoàn toàn). Và họ không chịu lấy nó ra, vứt nó đi.

Điều này hàm nghĩa rằng, một sự xét đoán nặng nề hơn sẽ được dành riêng cho kẻ cứ chăm chăm xét nét những lỗi phạm của người khác, trong khi cố ý xem nhẹ những tội lỗi còn lớn hơn và tày đình của mình. Không thể như thế mà phải thay đổi, Đức Giê-su nhấn mạnh, Người đưa ra hai lệnh truyền: Bỏ ngay cái thói giả hình xét nét người khác, và loại bỏ tội lỗi ra khỏi cuộc sống bản thân.

Thế là đã rõ. Ý của Đức Giê-su không phải là, chúng ta không được quyền đưa ra nhận định luân lý về cách người ta ứng xử, và chắc chắn, Người cũng không có ý bảo rằng, chúng ta không có quyền đòi người khác phải cư xử có trách nhiệm. Người không chỉ trích sự giải trình qua lại giữa người với người, không phủ nhận việc người ta phải chịu trách nhiệm luân lý, không phủ nhận chuyện trong Giáo Hội có lúc, vấn đề tội lỗi cũng phải được nhắc đến hay bàn thảo – Người đang muốn nói đến thói đạo đức giả.

Nhưng chả hợp lý chút nào, đi tiếp cận một anh chị em Ki-tô hữu để góp ý về một thứ tội nào đó của họ (cứ cho điều bạn làm là chính đáng và nên làm đi chăng nữa), trong khi chính bạn đang phạm cùng một thứ tội như thế, đã thế lại cứng lòng không chịu chấp nhận, trốn chạy sự việc.

Chẳng hạn, nghe biết một anh em tín hữu khác mắc lỗi chửi bới linh tinh, thế là bạn, một cách riêng tư, khiêm tốn, nhẹ nhàng và yêu thương, đến để sửa lỗi người ấy, nhưng liền ngay sau đó, bạn điện thoại với bạn bè để tọc mạch chuyện của một người khác trong giáo xứ. Chẳng lẽ bạn sửa lỗi người ta ăn nói không đoan chính, còn chính bạn thì lại không biết tự chỉnh đốn, kềm chế miệng lưỡi mình sao?

Hoặc là bạn thử tưởng tượng: một người cha bận tâm đến cách phục trang của con gái mình khi cô ấy đi chơi (ông muốn cô giữ gìn sự đoan chính, và ông hiểu những cám dỗ đám con trai sẽ gặp phải trong tình huống này). Ông ta có quyền quan tâm như thế hay không? Dĩ nhiên là có. Trong tư cách một người cha có trách nhiệm và một người trưởng thành, ông có quyền đưa ra những quy định đạo đức theo những nguyên tắc được nêu ra trong Kinh thánh (trong trường hợp này là sự nhu mì).

Ngay khi cô con gái đi chơi, bạn thử tượng tượng nhé, cũng chính người cha đó ở nhà một mình. Ngay lập tức, ông ta bật máy vi tính lên, và bắt đầu chúi mũi vào những trang web khiêu dâm. Phút trước ông nhắc con gái mình phải ăn mặc giản dị chừng mực (và làm thế là đúng), rồi ngay phút sau đó, ông truỵ lạc dâm dục trơ trẽn trong chính con mắt và tâm hồn mình. Thưa anh chị em, đấy là đạo đức giả, và Đức Giê-su lên án lối hành xử như vậy. Một người cha không nên đưa ra chuẩn mực cho con gái mình, cái chuẩn mực mà chính ông không sẵn lòng tuân theo.

Khốn thay, nhiều tổn hại to lớn về mặt danh dự đã xảy tới cho Giáo Hội do bởi, các Ki-tô hữu nói một đàng làm một nẻo. Không có nghĩa nhất quyết, bắt buộc chúng ta phải trở nên hoàn hảo, nhưng điều can hệ tối thượng là chúng ta sống đời sống của mình sao cho trung tín, và sao cho có vuông có tròn, để danh Đức Ki-tô, là Đấng mà chúng ta đại diện, và danh tiếng của Giáo Hội Người nữa luôn được luôn tỏ bày ra.

Vấn đề cốt lõi là, chúng ta thực sự thấy hối tiếc, thấy buồn vì tội lỗi của chính mình. Khi nhìn vào nó, chúng ta nhận diện, chỉ mặt đặt tên được nó, thú nhận, và vì kính tin Thiên Chúa chúng ta từ bỏ nó. Chỉ khi chính chúng ta kiên định, không ngơi nghỉ, thực hiện cho được điều này nơi chính mình, thì chúng ta mới có đủ tư cách và có khả năng để thực hiện một việc thuộc về phần trách nhiệm của chúng ta, đó là, “chỉ mặt đặt tên” được đâu là tội luỵ còn đó trong cuộc sống của anh chị em mình nơi Giáo Hội.

Kinh thánh nói rõ ràng này, chúng ta có bổn phận khuyến khích nhau sống theo đúng ý Thiên Chúa. Trước tiên, cuộc sống chúng ta phải chứng tỏ được rằng, chúng ta thực sự hối tiếc vì tội lỗi của mình, và chứng tỏ chúng ta đã thực sự tin, đã đón nhận được Đức Ki-tô. Để rồi, sẽ có những lúc cần thiết, chúng ta còn được nhắc bảo là hãy sửa lỗi, nhắc nhở, và động viên nhau trong tình mến.

Xin được một lần nữa nhắc lại rằng, không ai có thể nên hoàn hảo ở đời này, nhưng cùng nhau chúng ta tuyên chiến chống lại, và từ bỏ tội lỗi là hệ quả của việc sống theo tính xác thịt vốn đã hư hoại. Tức là, chúng ta phải “cởi bỏ con người cũng với nếp sống xưa”, và “mặc lấy con người mới”, tôn kính Thiên Chúa và sống thánh thiện. Nhưng chúng ta sẽ không làm được nếu không có Chúa Thánh Thần ở cùng, nếu không có sự động viên, sự tương tác góp ý, giải trình qua lại giữa các anh chị em đồng đạo trong Đức Ki-tô. Chỉ một mình, chúng ta không làm được, chúng ta cần nhau!

Đó là lý do khiến các thánh tông đồ kêu mời chúng ta hãy trợ giúp nhau trong cuộc đấu chống lại tội lỗi. Chẳng hạn, thánh Gia-cô-bê đã viết:

Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng : kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.
(Gc 5,19-20)

Thánh Phao-lô cũng viết những lời tương tự trong thư Ga-lát:

Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy ; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô.
(Gl 6,1-2)

Xin lưu ý, cả thánh Gia-cô-bê và thánh Phao-lô đều giả định hai điều sau. Thứ nhất, sẽ có những anh chị em tín hữu đi chệch khỏi đường ngay nẻo chính. Thứ hai, các vị ấy cũng giả định rằng, những Ki-tô hữu khác, vì tình mến thương, sẽ tìm cách đồng hành với những anh chị em này, nhằm cố gắng giúp người ấy bỏ con đường lầm lạc của họ mà trở về, cứu họ thoát khỏi sức huỷ hoại của tội (xc. cách thức Đức Giê-su nói đến trong Mt 18,15-17).

Bởi lẽ, chúng ta được uỷ quyền loan báo sứ điệp hãy sám hối và tin cho những ai ở bên ngoài Giáo Hội, cho những ai cần nghe Tin Mừng, thế nên, đương nhiên, chúng ta cũng cần loan báo sứ điệp này cho những ai ở trong Giáo Hội.

Do vậy, Đức Giê-su không cấm người ta đưa ra những nhận định luân lý hay miễn cho người ta khỏi phải chịu trách nhiệm. Đúng hơn, Người cấm những xét đoán nhẫn tâm, kiêu căng và giả hình, những đoán định nhằm kết tội người khác một cách trơ trẽn mà không biết tự xét xem tình trạng thiêng liêng bản thân ra sao, mình đã thật tâm từ bỏ tội lỗi hay là chưa.

Theo thiển ý của tôi, việc rất nhiều người lạm dụng câu “đừng xét đoán” cho thấy một thực trạng là, những năm gần đây, việc học hỏi Kinh thánh đã không được chú trọng, hay chỉ được thực hiện qua loa, chiếu lệ. Còn hơn thế nữa, điều ấy cho thấy hiện trạng văn hoá của thời chúng ta, một thứ văn hoá chỉ nhăm nhe trốn tránh trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm, hay giải trình về những việc làm của chính mình.

Khuynh hướng và thói tật hiện thời như thế đi ngược lại với các giáo huấn của Kinh thánh. Bởi vì, giáo huấn của Kinh thánh đều trước sau khẳng định, được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên người ta sẽ có những trách nhiệm luân lý, trước Chúa và với nhau. Do đó, cứ vin vào câu “đừng xét đoán” để mà phủ nhận những trách nhiệm cá nhân, là đã hiểu và làm cho câu đó hoá ra đối ngược lại với phần còn lại của Kinh thánh.

Chúng ta cũng nên nhắc nhớ với nhau rằng: “trọn bộ Kinh thánh là lời Thiên Chúa”, hay nói cách khác, được Chúa Thánh Thần linh hứng, vì lẽ đó, nó không thể sai lầm hay tự mâu thuẫn được (bởi lẽ Thiên Chúa không bao giờ lại tự mâu thuẫn với chính Người được). Bởi vậy, khi giải thích một trích đoạn nào đó trong Kinh thánh, tốt nhất là hãy so sánh nó với những nguyên tắc và các giáo huấn đã được đưa ra ở vào những chỗ khác trong Kinh thánh. Đấy là cách làm quân bình, đảm bảo được sự hài hoà, giúp chúng ta tránh đi việc hiểu sai, tránh được những kết luận mâu thuẫn cùng với những áp dụng không thích đáng.

Chuyển dịch: Nhóm phiên dịch Mai Khôi, trích dịch từ tác phẩm "The Most Misused Verses in the Bible: Surprising Ways God's Word Is Misunderstood", Eric J. Bargerhuff.
114.864864865135.135135135250