Cựu Ước kể lại những lần Thiên Chúa giáng tai ương và bệnh tật trên dân Người và trên những kẻ thù nghịch. Chúa đã phán với Pharaô qua ông Môsê rằng: “Chính Ta sẽ giáng mọi tai ương xuống trên ngươi, trên bề tôi và dân ngươi, để ngươi biết rằng trên khắp mặt đất không có ai bằng Ta” (Xh 9,14). Thiên Chúa đã dùng các tai ương bên Ai-cập để buộc Pharaô phải thả dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ, đồng thời gìn giữ dân Người không bị tổn hại vì các tai ương ấy: “Các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập” (Xh 12,13). Như vậy Người cho thấy quyền chủ tể của Người trên mọi bệnh tật và tai ương: “Nếu ngươi lắng tai nghe các mệnh lệnh của Người, và giữ mọi thánh chỉ của Người, thì Ta sẽ không giáng xuống ngươi bệnh hoạn nào như Ta đã giáng xuống Ai-cập” (Xh 15,26).
Thiên Chúa cũng đã cảnh cáo dân Người về những hậu quả họ sẽ phải chịu vì bất tuân và phản nghịch trong đó có cả dịch bệnh “Các ngươi sẽ rút cả vào trong các thành của các ngươi, nhưng Ta sẽ gửi ôn dịch đến giữa các ngươi, và các ngươi sẽ bị trao vào tay kẻ thù” (x. Lv 26,21.25). Kinh Thánh trình thuật rằng Thiên Chúa đã huỷ diệt một lúc 250 người và 14.700 người khác nữa trong vụ Côrắc nổi loạn chống ông Môsê và ông Aharon (x. Ds 16,35; 17,14); Người cũng giáng tai ương giết chết 24.000[1] người Israel dâm đãng với dân Môáp và thờ thần Baan Pơo (x, Ds 25,9). Vì cuộc kiểm tra dân số của vua Đavít mà có đến 70.000 người trong dân đã chết vì ôn dịch (x. 2 Sm 24; 1 Sbn 21).
Sau khi ban bố Luật Môsê, Thiên Chúa cảnh cáo dân sẽ phải chịu nhiều tai hoạ, trong đó có thứ tương tự bệnh Coronavirus: “Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị suy mòn, nóng sốt, viêm, phỏng” (Đnl 22,28). Đó là mấy ví dụ về các tai ương và bệnh tật mà theo Kinh Thánh là do Chúa làm.
Thật khó mà tưởng tượng được một Thiên Chúa “từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung” lại có thể nổi cơn lôi đình như vậy đối với con người. Nhưng các hình phạt của Thiên Chúa luôn nhằm cho người ta hối cải và canh tân. Trong 2 Sbn 7,13-14, Thiên Chúa phán với vua Salômôn: “Khi Ta để cho trời đóng lại, không cho mưa, khi Ta truyền cho châu chấu phá hoại đất đai, khi Ta cho dịch tễ hoành hành trong dân Ta, nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó”. Ra như Thiên Chúa dùng tai họa để lôi kéo dân quay về với Người, để họ ăn năn và khao khát được đến với Người.
Cựu Ước thường quy mọi sự về Thiên Chúa dù điều lành hay điều dữ và thường tìm cách giải thích các tai ương theo lối suy luận “post hoc ergo propter hoc” (chuyện xảy ra sau là do chuyện trước mà có), theo đó, tai họa là hậu quả của tội lỗi và là sự trừng phạt của Thiên Chúa là vì tội lỗi con người: “Ai cũng sống theo tội lỗi của mình, nên sẽ không đứng vững… bởi vì cơn thịnh nộ của Ta đang đe doạ mọi người. Bên ngoài thì gươm đao, bên trong thì ôn dịch, đói kém. Ai ở ngoài đồng sẽ chết vì gươm đao, ai ở trong thành sẽ bị đói kém và ôn dịch nuốt chửng.” (Ed 7,13b-15).
Tuy nhiên, tác giả sách Gióp đã có cách nhìn khác, theo đó, chính Satan đã gây ra biết bao tai họa cho ông Gióp khiến ông tan nhà nát cửa, con cái chết hết, còn chính ông thì mắc phải “chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu.” (G 2,7). Bằng hữu của ông Gióp thì cho rằng ông hẳn đã phạm tội nên mới gặp tai ương, còn chính ông Gióp thì thắc mắc không hiểu sao mình sống ngay chính nhưng lại gặp khổ đau.
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã đến chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x, Mt 9,35; 10,1; Mc 3,10) cũng như xua trừ tai ương ở những nơi Người hiện diện (x. Mt 8,23-27; Mc 9,14-29). Cũng như Thiên Chúa đã dùng tai ương và dịch bệnh để tỏ bày quyền năng của Người cho dân Israel, Đức Giêsu đã chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ tai ương để bày tỏ quyền năng nhằm chứng thực Người là Con Thiên Chúa.
Thiên Chúa hẳn có lý do riêng của Người khi để cho ôn dịch xảy ra, nhưng nhiều khi bệnh tật, thậm chí là đại dịch toàn cầu, đơn giản chỉ là kết quả của lối sống trong một thế giới sa ngã. Không có cách nào để xác định liệu một cơn dịch có lý do siêu nhiên nào không, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm chủ mọi sự như thánh Phaolô quả quyết: “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36) và “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).
Dịch bệnh cũng được coi như một điềm báo về thời sau hết. Trong diễn từ cánh chung, Đức Giêsu đã đề cập đến các tai ương trong những ngày cuối cùng: “Nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21,11).
Vì không ai biết ngày nào Chúa quang lâm, nên phải thận trọng, đừng hồ đồ cho rằng cơn đại dịch toàn cầu là bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong thời cùng tận. Đối với thân phận con người, dịch bệnh là lời nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống trần gian này là vô thường và có thể mất đi bất cứ lúc nào.
Là Kitô hữu, chúng ta phải ứng phó thế nào trước cơn đại dịch?
Đừng hoảng loạn! Chúng ta đừng hoang mang đến hoảng loạn khiến cho tình cảnh càng tồi tệ thêm. Có đến 365 lần Kinh Thánh nói với chúng ta “Đừng sợ!” hay tương tự như thế.
Hãy cẩn trọng. Hãy thận trọng về thông tin và cẩn thận trong phòng ngừa để tránh gây hoang mang và tránh lây lan dịch bệnh vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hãy nhìn ra điều tích cực. Chúng ta nên coi đây là cơ hội để hy sinh, phục vụ, chia sẻ và yêu thương nhau nhất là giữa những người đồng cảnh ngộ.
Ngay trong cơn hoạn nạn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy bình an và hy vọng “nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau” (Ep 2,1).
Vinh Hưng, OP.
[1] Theo 1 Cr 10,8 là 23.000 người.