24/10/2022 -

Kinh Mân Côi

3290

I.
DẪN NHẬP
Hằng ngày có hằng triệu triệu người công giáo đọc kinh Mân Côi. Với tràng chuỗi Mân Côi trong tay, những người con của Đức Mẹ, có thể họ là giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, luật sư, kỹ sư, bác sĩ, sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, ông bà cao niên hay chỉ là những em bé thơ dại 4, 5 tuổi, bất kỳ ai cũng có thể đọc kinh Mân Côi.
Vì thế, có thể nói rằng kinh Mân Côi là kinh hằng ngày có nhiều người đọc nhất và là Kinh có nhiều người thích đọc nhất. Người ta càng đọc Kinh Mân Côi, càng thấy lời kinh êm ái, ngọt ngào, và dịu dàng. Kinh Mân Côi không chỉ là những lời cầu nguyện xin ơn cần thiết mà còn là những lời ca tụng tạ ơn dâng lên Thiên Chúa và Đức Mẹ. Hàng năm Giáo Hội dành trọn tháng Mười làm tháng Mân Côi, tháng kính Mẹ Maria cách đặc biệt. Trong tháng đặc biệt này toàn thể con cái Giáo Hội cùng với Đức Mẹ Mân Côi ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa về biết bao hồng ân vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ cũng như toàn thể Giáo Hội. Bên cạnh đó, trong tháng đặc biệt này, Giáo hội còn khuyến khích và kêu mời các tín hữu siêng năng cầu nguyện bằng việc đọc kinh Mân Côi, để qua kinh Mân Côi, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho thế giới được ơn sám hối, trở về cùng Thiên Chúa, canh tân đời sống theo Tin Mừng. Do đó, đọc kinh Mân Côi còn là để cầu cho thế giới được hoà bình, gia đình được hạnh phúc, con người biết yêu thương nhau hơn. Có thể nói rằng chuỗi Mân Côi như là dây ràng buộc người Kitô hữu với Mẹ Maria. Chính Đức Mẹ đã ban cho loài người chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi tuy chứa đựng những lời đơn sơ mà ý nghĩa rất thâm thuý. Ngày mỗi ngày, khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria như đi lại hành trình cuộc đời của Chúa Giêsu từ nhập thể, đến nhập thế, chết trên cây thánh giá và phục sinh vinh hiển.

II. NGUỒN GỐC KINH MÂN CÔI
Thời Trung Cổ, các tu sĩ và giáo dân thường có thói quen đọc kinh Thần Vụ mỗi ngày. Kinh Thần Vụ gồm có 150 bài ca vịnh được cho là của Vua Đavit, để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Các thánh vịnh này, được chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm gồm có 50 thánh vịnh. Người ta có thể đọc ban sáng 50 thánh vịnh, ban trưa 50 thánh vịnh, và ban chiều tối 50 thánh vịnh. Thời gian đọc thánh vịnh này cũng kéo dàì khoảng 1 thời gian khá lâu. Tuy nhiên sau này, vì công việc quá bận rộn với công việc hằng ngày, cho nên thay vì đọc 150 bài thánh vịnh, thì Hội Thánh đã cho phép đọc 150 kinh Lạy Cha, để thay thế 150 thánh vịnh, mà cũng gọi là kinh thần vụ. Kinh Thần Vụ mới này rất tiện lợi cho giáo dân và cho cả một số tu sĩ nữa. 150 kinh Lạy Cha này, cũng được chia ra 3 nhóm, mỗi nhóm 50 kinh Lạy Cha, cũng đọc sáng, trưa, và tối.[1]
Từ việc sùng kính Chúa Giêsu, khi đọc 150 kinh Lạy Cha, thì người ta liên tưởng đến việc sùng kính khác, đó là sùng kính Đức Mẹ Maria. Vì cuộc đời của Mẹ gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu. Kết quả là một chuỗi nối tiếp “Thánh vịnh Đức Mẹ Maria” gồm 150 lời ngợi khen chúc tụng Mẹ của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel khi truyền tin cho Đức Mẹ. 150 lời ngợi khen này, cũng là 150 lời chào kính của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Sau này, lời chào mừng của bà Elisabeth cũng được thêm vào: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.” Còn vế hai của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội khi nay, và trong giờ lâm tử”, mãi đến thế kỷ XV, qua Bửu Sắc Consueverent Romani Pontifices của đức Giáo Hoàng Pio V, mới được chính thức công nhận, ghép vào kinh Kính Mừng để đọc như ngày nay. Thánh vịnh Đức Mẹ Maria cũng được chia ra thành ba nhóm, mỗi nhóm 50 kinh Kính Mừng, và cũng có thể đọc, sáng 50 kinh, trưa 50 kinh, và chiều tối 50 kinh. Vì để giữ y nguyên kinh Lạy Cha hầu tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, thì người ta vẫn duy trì đọc một kinh Lạy Cha, trước khi đọc 10 kinh Kính Mừng. Kết thúc mỗi 10 kinh Kính Mừng, thì đọc thêm kinh Sáng Danh, để vinh danh Thiên Chúa Ba ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.[2]


Đến thế kỷ
XIXII, tại tỉnh Albi thuộc miền nam nước Pháp, có một lạc thuyết do bè rối Albigensê thao túng. Họ chủ trương thế giới này là nhị nguyên. Thế giới được điều khiển bởi 2 nguyên lý Lành và Dữ. Vì thế, họ cho rằng Chúa Giêsu là một tạo vật được Thần Lành sai đến để giải thoát linh hồn con người bị giam cầm trong thể xác. Theo thuyết nhị nguyên thì linh hồn con người được Thần Lành dựng nên và còn xác thịt thì do Thần Dữ dựng nên để giam cầm linh hồn. Qua nhiều nỗ lực trong việc chinh phục bè rối Albigensê này, nhưng thánh Đa Minh vẫn thất bại. Sau đó, ngài rút vào một khu rừng gần thành phố Toulouse nước Pháp để cầu nguyện. Trong thời gian này, thánh Đa Minh khóc lóc, ăn chay và phạt xác rất nhiều, hầu mong làm nguôi cơn giận của Chúa. Thánh Đa Minh đã thực hành việc khổ hạnh thân xác cho đến nỗi bị ngất lịm đi. Chính lúc đó, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh. Đức Mẹ cùng với vị thiên thần khác mặc y phục lộng lẫy, mỗi vị có 50 trinh nữ theo hầu. Đức Mẹ phán bảo thánh Đa Minh rằng: Hỡi con, Mẹ đã xin Thiên Chúa được ơn hoán cải cho nhân loại. Con hãy chịu khó đi rao giảng cho dân chúng cách cầu nguyện, và suy ngắm các mu nhiệm, từ truyền tin, đến phục sinh cho Mẹ”. Nói đến đây Đức Mẹ chỉ vào ba đoàn trinh nữ mặc màu áo khác nhau: trắng, đỏ, vàng. Đức Mẹ dạy cho thánh Đa Minh ý nghĩa các mu sắc này tương ứng với các mầu nhiệm Vui, Thương và Mừng. Nhờ đó, thánh Đa Minh biết được kinh Mân Côi là khí giới thần lực để đánh bại các phe lạc giáo và cứu vãn Giáo Hội. Do đó, đi đến đâu Người cũng giảng về chuỗi hạt Mân Côi và khuyên bảo người ta đọc Kinh Mân Côi để cầu nguyện cũng như tạ ơn Thiên Chúa. Nhờ đó, bè rối Albigense dần dần tan rã và Giáo Hội được thanh bình. Như thế, có thể nói rằng thánh Đa Minh là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ đầu những năm của thế kỷ XIII.[3]
Đó là sự tích về Kinh Mân Côi tương truyền là chính Đức Mẹ Maria đã ban cho thánh Đa Minh tổ phụ Dòng Anh em Giảng thuyết. Vì thế, Kinh Mân Côi là hương thơm tuyệt diệu mà thánh Ða Minh đã để cho Dòng. Cho dù chúng ta không biết câu chuyện Đức Mẹ hiện ra và đã ban cho thánh Đa Minh Kinh Mân Côi chính xác đến mức nào, song chúng ta cũng vẫn có thể tin sự kiện đó. Vì sau này, chính Đức Mẹ trong hai lần hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917 đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi, và chính Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy người ta lần hạt Mân Côi. Do đó, việc Đức Mẹ đã hiện ra vào thế kỷ XIII và dạy thánh Đa Minh cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, về công truyền bá Kinh Mân Côi được phổ biến rộng rãi thì phải kể đến công khó của cha Alan de la Roche. Đến giữa thế kỷ thứ XV, đây mới là khoảng thời gian lịch sử của Kinh Mân côi. Thời bấy giờ, tuy chuỗi hạt Mân Côi đã được đặt vào tay nhiều người Công giáo nhưng, lúc đó kinh Mân Côi chỉ được coi như là một phương thức cầu nguyên riêng tư, chưa phải là kinh nguyện cộng đồng, chưa được dân Chúa khắp nơi sử dụng. Do đó, nhiều tu sĩ Đa Minh đã dành công sức để cổ võ vận động cho Kinh Mân Côi. Một trong những vị tông đồ sốt sắng nhất đã vận động được Giáo quyền chính thức thừa nhận Kinh Mân Côi như là kinh nguyện phổ cập cho toàn thế giới Công giáo, là chân phước Alan de la Roche, O.P, tu sĩ dòng thánh Đa Minh. Cha Alan de la Roche, O.P chính là sáng lập viên các Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Chân Phước Alan de la Roche có một đời sống rất đạo đức và thánh thiện, đặc biệt ngài có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi. Vì thế, đi đến đâu ngài cũng giảng về kinh Mân Côi, và lập ra nhiều Hội Mân Côi ở nhiều nơi mà ngài đi giảng. Do đó, Hội Mân Côi do ngài sáng lập từ năm 1470, có ảnh hưởng rất lớn trong việc thành hình nên chuỗi hạt Mân Côi ngày nay. Dựa trên bằng chứng lịch sử, có người cho rằng chân phước Alan de la Roche xứng đáng được gọi là Cha của kinh Mân Côi, hơn cả thánh phụ Đa Minh. Bởi vì trong thực tế những sách viết về Kinh Mân Côi, xuất hiện sau khi chân phước qua đời, đều dựa trên, hoặc trích dẫn những tác phẩm của ngài. Chính ngài cũng là người dầu tiên thuật lại truyện Đức Mẹ trao ban tràng hạt Mân Côi cho thánh Đa Minh, và dạy thánh Đa Minh cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Năm 1470, cha Alan de la Roche đã thành lâp Hội Mân Côi đầu tiên tại tỉnh Douai, miền bắc nước Pháp, và sau đó lan truyền ra khắp nơi. Đến ngày Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9/1475, cũng là ngày Chân Phước qua đời, thể theo lời yêu cầu của Hoàng Đế nước Đức: Frederich III, Giáo Hội mới chính thức thừa nhận Hội Mân Côi.[4]


III.
Ý NGHĨA KINH MÂN CÔI
Chúng ta biết rằng kinh Mân Côi tuy đơn sơ nhưng đó chính là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. Chuỗi kinh này đã tóm gọn Phúc Âm thành các mầu nhiệm chính yếu. Kinh Mân Côi khởi đầu bằng lời chào của sứ thần Gabriel và Đức Maria khiêm tốn nhận lời. Lời kinh Mân Côi không chỉ giúp con người ta suy niệm và chiêm niệm các mầu nhiệm cứu độ, mà còn giúp con người chiêm ngưỡng và tôn thờ Thiên Chúa. Qua kinh Mân Côi con người cùng với Đức Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha lời ca ngợi tạ ơn vì Người đã ban Đấng cứu độ cho nhân loại. Có thể nói rằng đó là ý nghĩa cao trọng và khái quát nhất của Kinh Mân Côi.[5]
Về ý nghĩa từng mầu nhiệm thì như sau[6]:
1/ Mầu nhiệm Năm Sự Vui nhắc nhở chúng ta kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể. Chúa Kitô đã chấp nhận thân phận con người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, để biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha và phục hồi bản tính nhân loại cho con người đã bị tổn thương do tội lỗi.
2/ Kế đến, mầu nhiệm Năm Sự Sáng nhắc chúng ta về Sự Sáng của Chúa Giêsu Kitô. Người là Ánh Sáng cho trần gian và nhờ ánh sáng Chúa ban qua Phép Rửa, người tín hữu cũng sống một cuộc đời tỏa sáng. Tỏa sáng nhờ ơn Chúa ban, nhờ được biến đổi qua việc cầu nguyện tạ ơn, và sự sáng của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể Chúa.
3/ Kế đến, mầu nhiệm Năm Sự Thương nhắc chúng ta kính nhớ mầu nhiệm Cứu chuộc. Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã sống một đời sống nhân loại với tất cả sự thiếu thốn, đau thương, ưu phiền, buồn vui… và kết thúc bằng cái chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
4/ Cuối cùng, mầu nhiiệm Năm Sự Mừng nhắc nhở chúng ta kính nhớ mầu nhiệm Phục Sinh. Chúa Giêsu chiến thắng sự chết, sống lại khải hoàn và lên trời vinh hiển. Mầu nhiệm này khơi dậy niềm tin, niềm hy vọng phục sinh cho nhân loại chúng ta, điều mà Mẹ Maria đã tin, đã hy vọng và đã nhận được qua việc Thiên Chúa ban Mẹ đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác.
Bên cạnh đó, những ý nghĩa về cao siêu mầu nhiệm về Thiên Chúa, kinh Mân Côi còn giúp chúng ta chiêm niệm mầu nhiệm Đức Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ nhân loại. Mẹ Maria được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa qua việc nhập thể của Ngôi Lời. Bởi thế, Mẹ trở nên cao trọng với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội, Mẹ của toàn thể nhân loại. Vì thế, ngưòi Công giáo nói: tôi có lòng kính mến Đức Mẹ, mà không bao giờ lần hạt kính Đức Mẹ, thì đâu có phải là kinh mến Đức Mẹ. Thánh Thể luôn luôn gắn liền với Chúa Giêsu thế nào, thì chuỗi hạt Mân Côi cũng gắn liền với Đức Mẹ như thế ấy. Về tầm quan trọng của Kinh Mân Côi thì nhiều Đức Giáo Hoàng đã làm chứng và dạy thế này:
– Đức Giáo Hoàng Alexandria VII đã nói: Hội Mân Côi có thể giữ vững được Hội Thánh.
– Đức Giáo Hoàng Piô V nói: nhờ Hội Mân Côi được phát triển khắp nơi, mà giáo dân trở nên thánh thiện.
– Đức Giáo Hoàng Lêô X khuyến khích thành lập các Hội Mân Côi tại các giáo phận, giáo xứ. Ngài còn gọi các Hội Mân Côi là chiến lũy ngăn cản sự dữ, là tường lũy ngăn cách xua đuổi ma vương ác quỷ.
– Đức Giáo Hoàng Sixtô IV đã chính thức thừa nhn Hội Mân Côi là của Hôi Thánh, do Hội Thánh chính thức truyền bá cho khắp thế giới công giáo.
– Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban Thông Điệp “Gracia Recordacio” ngày 26/9/1959 khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi và gia nhập Hội Mân Côi. Ngài còn nói kinh Mân Côi là hơi thở của mỗi tâm hồn.
– Đức Giáo Hoàng Lêô XIII được mệnh danh là Giáo Hoàng kinh Mân Côi, đã nói: Không lời cầu nguyện nào giúp ta thêm lòng kính mến Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi. Người hằng khuyến khích giáo hữu hãy tích cực sốt sắng gia nhập Hội Mân Côi, để được hưởng nhiều ơn ích như Đức Mẹ đã hứa với thánh Đa Minh, Chân Phước Allan de la Roche, thánh Genevieve, thánh nữ Metilda.[7]


IV.
GẪM CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG
Xưa cũng như nay, trước những cám dỗ của thời đại, trước sóng gió cuộc đời, trước mọi biến động xã hội và trước nhiều khó khăn gian nan thử thách, Mẹ Maria luôn mời gọi con cái hãy chạy đến với Mẹ qua kinh Mân Côi, để nhờ Mẹ nâng đỡ ủi an và đặc biệt là luôn cùng với Mẹ tạ ơn Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Thật vậy, trong cơn nguy biến, trong lúc ngặt nghèo, trong lúc gian nguy và trong mọi hoàn cảnh éo le khác của cuộc đời, ai biết nhìn lên và cầu nguyện cùng Mẹ Maria qua chuỗi Mân Côi sẽ vượt qua được tất cả mọi sự khó. Khi nhìn lại toàn bộ mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta thấy rằng trong đó có nhiều sự: từ vui mừng, đau thương, đến vinh quang và vinh thắng. Do đó, cuộc đời con người ta cũng thế ai ai cũng được Thiên Chúa quan phòng, lo liệu. Cuộc đời của mỗi người ai cũng được Thiên Chúa yêu thương và thêu dệt bằng nhiều sự kiện vui mừng, khó khăn, gian nan, thử thách và vinh thắng. Vì thế, qua kinh Mân Côi, con người sẽ dễ dàng cùng với Mẹ Maria kết hợp cuộc đời mình với các mầu nhiệm Mân Côi. Khi đó, dù cuộc sống hiện tại con người ta phải đối diện với mầu nhiệm nào đi nữa: đau thương hay vui mừng thì con người ta vẫn không ngừng tạ ơn Thiên Chúa cùng với Đức Mẹ. Cuộc đời con người ta chỉ đẹp, chỉ có ý nghĩa khi biết đón nhận tất cả mọi cảnh huống cuộc đời với tâm tình cảm tạ tri ân hồng ân Thiên Chúa. Cuộc đời con người ta ai ai cũng có lúc phải đối diện với những gian nan khó khăn thôi. Tuy thế, nếu ai biết đón nhận và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, thì cuộc đời của người đó luôn tươi đẹp như một vườn hồng rực rỡ; ngược lại, ai không biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh thì dù có sống trong một vườn hồng tươi đẹp, họ vẫn đau buồn, chán nản bởi những mũi gai đau thương của cuộc đời. Vì thế có thể nói rằng tất cả đều là hồng ân. Cuộc đời của chúng ta, dù được may lành như ý hoặc gặp rủi ro trái ý, cũng đều không ngoài thánh ý Thiên Chúa quan phòng, và tất cả những điều đó đều mang lại ích lợi cuộc đời của ta. Nên ta phải luôn nói lời cảm tạ tri ân Chúa. Gẫm nghĩ mỗi ngày Thiên Chúa ban cho mỗi người không biết bao nhiều là ơn lành, biết bao ơn tốt đẹp để con người ta sống trong cuộc đời này. Mọi thứ hầu như Thiên Chúa đều cho không: không khí, nước uống, sự sống, sự hiện hữu, và đặc biệt là của ăn Thánh Thể nuôi sống linh hồn thế nhưng ít người biết tạ ơn Chúa. Hầu như con người ta chỉ hưởng thụ và cầu xin Chúa ban thêm điều này điều kia.
Có câu chuyện kể rằng: hằng ngày Thiên Chúa thường sai ba vị thiên sứ xuống thế gian để nhận lấy những lời cầu xin, cầu thay và lời cảm tạ của loài người. Về những lời cầu xin, chỉ khoảng 15 phút sau, là vị thiên sứ thứ nhất đem về một bao tải rất lớn. Về những lời cầu thay, thì phải gần trưa, vị thiên sứ thứ hai mới trở về, tuy nhiên bao tải của vị thiên sứ này không nhiều bằng bao tải của vị thiên sứ thứ nhất, nhưng nói chung những lời cầu thay cũng khá nhiều. Hai thiên sứ ngồi chờ vị thiên sứ thứ ba trở về để cùng vào chầu Thiên Chúa. Chờ mãi đến chiều mà vẫn chưa thấy về vị thiên sứ thứ ba trở về. Đến khi ánh hoàng hôn dần chìm trong bóng tối, thì vị thiên sứ thứ ba mới trở về, dáng vẻ mệt nhọc, vì phải đi rất nhiều nơi, ai dè trong bao tải chứa chỉ vỏn vẹn phần nhỏ những lời cảm tạ.
Trên đây, có thể là một câu chuyện vui, nhưng nó truyền tải một ý nghĩa khá buồn. Buồn vì con người ta rất ít khi biết tạ ơn Chúa. Tuy con người ta đã nhận được vô vàn ơn tốt đẹp của Chúa nhưng nhiều người xem đó là chuyện đương nhiên và hầu như chưa một lần họ biết tạ ơn Chúa về những điều đương nhiên đó. Trong thực thế, chúng ta thấy rằng tuy lời kinh Mân Côi tự bản chất là lời tạ ơn cùng với Đức Mẹ dâng lên Thiên Chúa, nhưng nhiều người đọc với tâm tình xin ơn hơn là tâm tình tạ ơn Chúa cùng Mẹ. Chính vì thế nhiu lần người ta đọc cho xong 50 Kinh hay 10 Kinh để cầu xin về điều này điều nọ. Tuy nhiên sẽ tuyệt vời hơn nhiều, nếu ta biết dùng Kinh Mân Côi để tạ ơn Chúa cùng Mẹ Maria. Ai biết đọc Kinh Mân Côi trong tâm tình tạ ơn thì sẽ đọc được rất nhiều và đọc không biết mỏi mệt. Nhiều khi họ đọc cả ngày để tạ ơn Chúa mà không thấy chán. Có câu chuyện kể về thánh Piô Năm Dấu như thế này. Thánh Piô là người rất sùng kính Đức Mẹ và ngài thường lần chuỗi hàng ngày.
Có lần, trong tu viện, một thầy hỏi ngài:
  • Cha lần bao nhiêu chuỗi kinh Mân côi mỗi ngày?
  • Khoảng 40 – cha Piô trả lời.
  • 40 lần 50 mươi, nghĩa là hai ngàn kinh mỗi ngày?
  • Cha Piô nói tiếp: Sao? Chuỗi Mân côi chỉ có 5 chục thôi sao? Một chuỗi Mân côi đầy đủ gồm 15 chục kinh Kính Mừng và 15 kinh Lạy Cha.
Như thế mỗi ngày cha Piô đã lần hạt sáu ngàn kinh chứ không phải là hai ngàn kinh Mân Côi. Thế ta mới đọc kinh Mân Côi với tâm tình tạ ơn thì cao đẹp dường nào. Cha Piô đã chia sẻ thêm rằng: “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta. Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi”.[8] Vì thế, mà ngài đã lần chuỗi suốt thời gian có thể để cùng Mẹ không ngừng tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta tỏ lòng biết ơn, tâm tình tạ ơn là thái độ cao đẹp của một người có giáo dục và nhân cách. Người xưa đã dạy về lòng hiếu thảo biết ơn như sau: “Uống nước nhớ nguồn; Làm con phải hiếu; Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” … Về phạm vi đức tin, người tín hữu nào ý thức về công ơn vô bờ bến, vô điều kiện của Thiên Chúa sẽ biết tạ ơn Người cách thường xuyên. Biết ơn là thái độ phù hợp với đạo làm người. Khi chịu ơn ai chúng ta sẽ tỏ lòng biết ơn họ, đó là điều hợp đạo lý luân thường: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Một người biết nói lời “cám ơn” cho thấy họ có một nhân cách tốt, có trình độ văn hóa cao và sẽ được nhiều người kính nể như câu ca dao của người xưa thường dạy: “Công ai một chút chớ quên. Phiền ai một chút để bên cạnh lòng.” Chính vì thế, sống tâm tình Tạ ơn Thiên Chúa và tha nhân là biểu lộ một đức tin một cách rất tốt đẹp. Ngay từ thời Cựu Ước, các tác giả thánh vịnh đã dạy loài người phải biết tạ ơn Thiên Chúa: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu nhiều lần nêu gương cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha và Người cũng đòi những ai nhận được ơn phải biết tạ ơn Thiên Chúa: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Vì thế, cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống tạ ơn không ngừng. Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa ban cho chúng ta qua người này người khác. Như thế, con người ta cần phải vui vẻ đón nhận mọi điều xảy đến trong cuộc đời mình. Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý của mình, và cũng cám ơn Chúa về cả những điều rủi ro trái ý mình. Mọi sự vui buồn, thành công thất bại, an lành khỏe mạnh và rủi ro tật bệnh đều có những giá trị nào đó cho cuộc đời của mỗi người.


Ngày 28/2 vừa qua, Tập đoàn Microsoft cho biết Zain Nadella - con trai Giám đốc điều hành Satya Nadella - qua đời sáng 28/2 ở tuổi 26. Zain Nadella, 26 tuổi, là con trai duy nhất của CEO Satya Nadella và vợ là Anu. Tuy nhiên, từ khi sinh ra, cậu bé chỉ nặng 3 pound (khoảng 1,35 kg), và được chẩn đoán bại não bẩm sinh. Dù vợ chồng CEO đã sử dụng nhiều biện pháp can thiệp y tế, Zain vẫn luôn phải ngồi xe lăn, giao tiếp bị hạn chế.[9] Ban đầu, khi đối diện nghịch cảnh này, đôi vợ chồng CEO Satya Nadella đã rất thất vọng và đau khổ. Họ oán trách cuộc đời, oán trách bản thân, oán trách trời và oán trách cả Chúa. Trong một thời gian dài, họ đã chăm sóc đứa con tội nghiệp của họ trong âu sầu và chán nản. Họ chăm sóc con vì bổn phận trách nhiệm của những người cha người mẹ mà thôi. Thật là những ngày tháng nặng nề mệt nhọc dài lê thê. Sự nghiệp và hạnh phúc gia đình của họ cũng dần dần tụt dốc…[10] Trong một lúc hồi tâm tĩnh lặng, ngồi quan sát người con trai bại não nằm bất động, Satya Nadella đã nhận thấy bên trong thân xác bất động của con là một tâm hn đơn sơ, tốt đẹp. Chính vì thế, Satya Nadella đã cảm tạ Chúa về món quà người con trai bại não mà Chúa đã ban. Từ đó, ông chăm sóc con, đón nhận con như là một món quà quý báu của Chúa. Ông không chăm sóc con vì bổn phận hay trách nhiệm mà ông chăm sóc con một cách vô điều kiện. Ông yêu thương con cách vô vị lợi. Ông trân trọng người con trai bại não này như một món quà đặc biệt Chúa ban. Nhờ thế, cuộc sống gia đình, sự nghiệp của Satya Nadella dần dần khởi sắc lại. Nhờ tình thương yêu vô điều kiện đối với người con trai bại não, ông đã biết cách giúp nhiều nhân viên Microsoft trở nên nhân ái hơn, gắn bó, cộng tác với nhau được tốt hơn trong công việc. Khi nhìn lại khoảng thời gian dài 26 năm chăm sóc con, ông đã chợt nhận ra rằng chính nhờ sự trân trọng, đón nhận người con bại não của mình, nên ông đã nhiều lần vực dậy Microsoft đi lên, phát triển mạnh mẽ.[11]
Quả thế, cuộc sống của mỗi người là một chuỗi những hồng ân của Chúa. Ai biết đón nhận mọi điều xảy đến với tâm tình tri ân thì thành công thất bại, may lành rủi ro cũng đều có giá trị nào đó cho cuộc đời bình an của họ. Chính vì thế, Hội Thánh Công Giáo chúng ta luôn biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc cử hành thánh lễ. Thánh Lễ Tạ Ơn luôn được cử hành từng giây phút trên toàn thế giới. Thêm nữa, qua việc thánh hóa một ngày bằng các giờ kinh Phụng vụ, Hội Thánh muốn cho lời tạ ơn Thiên Chúa được tiếp diễn không ngừng. Bên cạnh đó, để giữ lòng sốt mến và tri ân Thiên Chúa luôn trong lòng mỗi người tín hữu, Mẹ Maria đã nhiều lần mời gọi con cái lần chuỗi Mân Côi. Vì vậy, có thể nói rằng qua Kinh Mân Côi, con cái Giáo Hội cùng Mẹ Maria đã không ngừng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là Đấng quan phòng, thấu suốt và làm được mọi sự.
V. TẠM KẾT
Tóm lại, cuộc đời mỗi người đều được dệt bằng biết bao hồng ân của Chúa thế nhưng nhiều khi con người ta chưa ý thức được hết những ơn Chúa ban để mà tạ ơn Chúa cho phải đạo. Có lẽ ít người đã tạ ơn Chúa vì được Chúa cho ơn làm người và làm con Chúa. Có lẽ rất nhiều khi con người đã quên tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho họ khí trời để thở, cơm ăn nước uống nuôi dưỡng hằng ngày. Có lẽ ít ai biết tạ ơn Chúa về vũ trụ thiên nhiên tươi đẹp nơi mọi người được sống vui tươi. Có lẽ ít người biết tạ ơn Chúa vì đã được Chúa ban cho có sức khỏe, thân xác lành lặn, tâm hồn bình an. Quả thực, đó là những ơn to lớn, nhưng nhiều khi người ta lại cho là những điều nhỏ nhặn đương nhiên. Vì thế, người ta coi thường và không cảm thấy không cần phải cảm ơn ai, không cần phải tạ ơn Chúa. Đến khi những điều nhỏ nhặn đương nhiên đó qua đi thì người ta mới giật mình kêu xin Chúa về những gì Chúa đã ban mà chưa một lần người ta biết đón nhận cách trân trọng. Có lẽ trong cuộc đời này, người ta cần xin Chúa cho ơn biết trân trọng về những gì Chúa đã ban, để luôn sống tâm tình cảm tạ tri ân Chúa. Amen.

Martin Nguyễn Quốc Trụ, OP.
 
 
[1] x. Võ Tá Đương, “Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Kinh Mân Côi”, http://daminhvn.net/
[2] x. Vô Danh, “Nguồn gốc, Lịch sử kinh Mân Côi, Chuỗi hạt Mân Côi, Hội Mân Côi”, http://ngoiloivn.net/
[3] x. Stephen, “Nguồn Gốc Kinh Mân Côi”, https://www.conggiao.org/
[4] x. Vô Danh, “Nguồn gốc, Lịch sử kinh Mân Côi, Chuỗi hạt Mân Côi, Hội Mân Côi”, http://ngoiloivn.net/
[5] x. Võ Tá Đương, “Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Kinh Mân Côi”, http://daminhvn.net/
[6] x. Võ Tá Đương, “Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Kinh Mân Côi”, http://daminhvn.net/
[7] x. Vô Danh, “Nguồn gốc, Lịch sử kinh Mân Côi, Chuỗi hạt Mân Côi, Hội Mân Côi”, http://ngoiloivn.net/
[8] x. JMJ Love, “Cha Thánh Piô 5 dấu với lòng tôn sùng Đức Mẹ: Lần hạt suốt ngày”, https://cuucaclinhhon.wordpress.com/
[9] x. Linh Anh, “Con trai duy nhất của CEO Microsoft qua đời khi vừa 26 tuổi”, https://cafef.vn/
[10] x. GHK, “Câu chuyện truyền cảm hứng của CEO Microsoft: Tay trái ôm đế chế nghìn tỷ ‘đô’, tay phải ôm gia đình nhỏ bất hạnh nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận”, https://cafebiz.vn/
[11] x. Fortune, “Nhờ nuôi dạy người con bị bại não suốt 26 năm, CEO Satya Nadella đã thay đổi được cả đế chế Microsoft như thế nào?”, https://cafef.vn/
114.864864865135.135135135250