03/04/2020 -

Kinh Mân Côi

739

Thứ nhất thì ngắm… ta hãy xin cho được v.v…

Ta đến cùng Đức Mẹ Maria, trước hết là để chào mừng Mẹ và Con lòng Mẹ, là hai Đấng đầy ơn phúc, sau nữa là để xin Đức Mẹ cầu cho ta và thế là đủ. Còn cầu xin gì thì ta hoàn toàn phó thác cho lòng thương yêu và sự khôn ngoan của Mẹ.Bởi vì ta thực sự cần gì, những gì hữu ích cho ta theo ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, thì Đức Mẹ rõ hơn ta nhiều. Đó là tinh thần của việc dâng mình phụng sự Đức Mẹ theo thánh Louis Maria de Monfort. Từ bỏ mọi ý riêng tư: hoàn toàn phó thác, hiến dâng mọi sự cho Đức Mẹ. Thật đơn giản, nhẹ nhàng và đầy đủ.

Tuy nhiên đó là đỉnh cao mà ta cố gắng vươn lên, còn trong bước đầu khiêm tốn ý thức sự yếu hèn của ta, ta còn phải tập đi từng bước một. Cho nên, cứ như mọi người có lòng tin ở Đức Mẹ, ta xin cùng Đức Mẹ tất cả những gì là tốt lành mà ta nghĩ là cần thiết cho mọi mặt cuộc sống của ta: từ miếng cơm manh áo cho đến các nhân đức và cuối cùng là sự rỗi linh hồn (xin Đức Mẹ cầu cho trong giờ lâm tử là vậy). Ta không kiêu căng tự phụ, ta cần sự nâng đỡ cứu giúp của Đức Mẹ về mọi mặt cũng như cần đến ơn sáng tạo nuôi dưỡng và cứu độ của Chúa (mặt trời, không khí, nước uống, mọi sự cần cho cuộc sống của ta đều vốn là bởi không mà Chúa đã tạo thành và ban không cho ta cả, và ngay từ gốc rễ, chính sự hiện hữu của ta cũng là do Chúa ban cho! Ta đừng quên chân lý căn bản này).

Charles Péguy, E.Mounier, hai nhà đại trí thức Công Giáo, khi có con đau nặng, cũng đi hành hương xin Đức Mẹ ban ơn cứu chữa. Gia đình thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, trong cơn trọng bệnh của Têrêxa thời thơ ấu, cũng xin lễ tại nhà thờ Đức Bà Chiến Thắng để xin ơn lành bệnh, thoát khỏi tử vong.

Trong lịch sử Hội Thánh và nhân loại, cũng như trong lịch sử cá nhân Đức Mẹ đã làm phép lạ ban ơn cứu giúp đủ mọi mặt: kinh tế, sức khoẻ, tình cảm, luân lý, quân sự và có lẽ cả… chính ta trước mỗi chục hạt điều chính yếu là xin những ơn thiêng liêng: khiêm nhường, tinh thần yêu người, nghèo khó, nhẫn nhục, vâng lời, ăn năn tội nên, yêu mến sự trên trời (nghĩa là cũng nhằm xin cho được lòng từ bỏ, không quá dính bén những sự dưới đất), chết lành, phúc thiên đàng cho riêng ta cũng như cho hết thảy các linh hồn. Tối thiểu ta cần xét lại xem: miệng lưỡi ta thì xin như vậy đó, nhưng thâm tâm ta thực tình ước ao những gì? Ta có thể thực lòng ao ước những ơn thiêng liêng ấy không? Ta có thực sự thao thức băn khoăn đến sự cứu rỗi các linh hồn coi đó là ưu tư trọng đại nhất của lòng ta như em bé Giaxintha Marto ở Fatima không? Hay miệng ta xin một đàng mà lòng ta lại ao ước một nẻo?

Có lẽ đây là điều ta cần ăn năn trở lại không ngừng, chẳng riêng gì kẻ cướp của giết người, tà dâm nặng nề mới phải trở lại, mà đúng ra tất cả mọi người chúng ta đều cần phải trở lại, phải xét lại xem những ao ước của lòng ta có khác gì những ao ước của những kẻ không có đức tin chăng? Trong Tin Mừng Chúa có nói “Nếu thế thì các ngươi có làm gì lạ? Mà người ngoại cũng không làm thế sao?”. Vâng, yêu kẻ thương mình, ghét kẻ hại mình, muốn được người ta khen, muốn được người ta trả ơn v.v… có gì là xấu đâu! Nhưng như vậy thì khác với kẻ không biết Chúa ở chỗ nào? Còn gì là muối, là men, là ánh sáng?

Trong kinh “Thú nhận” ta thường quên cái khoản những điều thiếu sót. Cần xét kỹ hơn một tí, nhất là dưới sự soi sáng toả ra từ lời của Chúa: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời” (Mt 5,48). Chúa không ép buộc nhưng mời gọi. Lời mời gọi ấy Chúa gởi đến tất cả mọi người thuộc mọi đấng bậc chứ không phân biệt ai (đấng bậc trong Hội Thánh chỉ là sự phân công trong Nhiệm Thể chứ không phải là chuyên viên độc quyền nên thánh). Giaxintha ở Fatima chẳng là gì cả, chỉ là một phụ nữ tiểu tư sản, lo tề gia nội trợ đảm đang, làm ăn lương thiện để có của hồi môn cho năm cô con gái (đi tu hay lập gia đình cũng vậy, đều phải có của hồi môn) thế thôi! Ngay từ đầu, thánh Phaolô đã gọi anh chị em tín hữu là thánh. Suy cho cùng, như thế là phải: là con cái Thiên Chúa, con cái Đức Mẹ, anh em với Chúa Giêsu, đền thờ Chúa Thánh Thần mà không gọi là thánh thì gọi là gì?

Đơn giản hơn, trước mỗi chục kinh Kính Mừng, khi đọc kinh Lạy Cha ta xin gì? Điều đó ai cũng thuộc lòng: xin được hằng ngày dùng đủ, được khỏi sự dữ (ta quan niệm sự dữ lớn nhất là gì? Hãy tự xét mình xem rồi tự trả lời cách thành thật nếu đúng thì tạ ơn Chúa, nếu cảm thấy sai thì… sao?). Tuy nhiên, phần đầu của kinh Lạy Cha mới là đúng! Thử hỏi: trong thâm tâm ta có thực sự khao khát ba điều: Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện không? Hay là ngược lại, ta xin Cha hãy làm theo ý riêng con!?

Cứ xét mình thật kỹ sẽ hiểu vì sao lời cầu nguyện của ta không kết quả, mọi sự trên trần gian vẫn nát bét hơn tương, và bản thân ta vẫn chẳng ra gì? Đức Mẹ là Đấng Hằng cứu giúp thì ta hãy xin Đức Mẹ cứu giúp ta khỏi những gì. Hỏi tức là đã trả lời! Và đừng quên rằng Chúa Giêsu và Đức Mẹ là hai Đấng thấu suốt tâm can và lòng dạ con người! Dối người thì dễ, dối mình còn tạm dễ, nhưng dối Chúa Giêsu và Đức Mẹ thì không được đâu!... Hiểu như vậy, ta sẽ thấy ngay tại sao trong những lần hiện ra, Đức Mẹ thường ít khi vui, thậm chí đôi khi còn bưng mặt khóc! Bản thân Đức Mẹ cũng như Chúa Giêsu đã đi vào vinh hiển phúc lạc rồi, tại sao Đức Mẹ còn khóc? Mẹ khóc là khóc vì ta, khóc cho ta! Ta tính sao đây! Ta đến với Đức Mẹ làm gì đây? Ta nên ưu tiên xin Đức Mẹ cái gì đây?

Muốn biết nên xin Đức Mẹ ban cho điều gì, trước hết đừng xem chuỗi hạt Mân Côi như một cái máy, cứ vặn đủ vòng (150 kinh Kính Mừng) là tự động đạt một kết quả nào đó theo kiểu đèn thần Aladin. Trái lại phải cố gắng tập trung tinh thần, đi vào nội tâm, gạt bỏ những tư tưởng, hình ảnh, tình cảm, ý muốn hỗn tạp (lắm khi rất hoen ố) phải thanh lọc tâm tư, vận dụng mọi khả năng tâm hồn hướng về Chúa và Đức Mẹ, đem lý trí, tư tưởng, cảm tình, ý chí áp dụng vào những nội dung chứa đựng trong 15 sự VUI-THƯƠNG-MỪNG, mà nhìn ngắm, suy niệm, khơi động tâm tình và điều chỉnh ý chí.

Nói rõ hơn ta lấy ánh sáng toả ra từ các mầu nhiệm mà soi dọi cuộc đời mình, từ mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân đến các sự việc xảy ra trong đời sống toàn diện để điều chỉnh tư tưởng, cảm tình, ý muốn hành động của mình biến đổi theo gương cuộc đời của Chúa, của Đức Mẹ, có như thế, chuỗi hạt Mân Côi mới đưa ta đến chỗ sống với Chúa, với Đức Mẹ, như sống với những kẻ thân thích gần gũi. Như thế giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em có chung cùng một cuộc sống với nhau, ràng buộc chặt chẽ với nhau trong một mối dây thân ái, khăng khít cùng một cơ nghiệp, cùng một sứ mạng do Thiên Chúa ủy thác phải cùng nhau chu toàn cho trọn vẹn. Nhớ đến Chúa, nhớ đến Mẹ là sống như kẻ nữ tỳ, người nô bộc, luôn luôn đưa mắt nhìn lên tay chủ nhà, nhận mệnh lệnh, cố gắng thuận tình tuân thủ cho đẹp lòng chủ nhà. Đó là điều ta phải xin Đức Mẹ giúp ta thực hiện “khi nay” mãi mãi cho đến giờ lâm tử (là cái “khi nay” cuối cùng) rồi các điều khác sẽ được ban thêm cho sau.

Là những con người có giới hạn về mọi phương diện, ta khiêm nhường, đơn sơ cậy trông, xin Đức Mẹ ban cho ta tất cả mọi điều mà ta nghĩ là cần thiết hữu ích cho ta về tất cả mọi mặt. Nhưng ta phải biết điều gì là quan trọng chủ yếu, điều gì là thứ yếu; điều gì thực sự hữu ích và cần thiết chẳng những về lâu về dài, mà về sau mãi mãi, ở nơi mà như Lời Chúa nói “kho tàng không bị mối mọt nhấm nát” là nơi có viên ngọc quý giá vô cùng (Mt 6,19-21).

Ta biết rằng được Chúa chọn ta làm con cái Chúa là vinh dự và hạnh phúc lớn lao, nhưng cũng là được Chúa giao cho trách nhiệm khó khăn. Chúa chẳng giấu ai điều ấy cả: “vác thập giá mình hằng ngày, vào cửa hẹp, từ bỏ mình và mọi sự bị bách hại v.v”… Đó là điều kiện sống của người mang danh kitô hữu có thể nói là quy luật muôn đời của họ (nghĩa là đời nào cũng vậy thôi). Do đó, họ cần được ơn phù trợ cứu giúp – “phù trợ cứu giúp” đây là để được thêm dũng lực can trường mà phấn đấu với thử thách gian lao (có thể đi đến khổ nạn như Chúa), chứ không phải để được cứu khổ cứu nạn, thoát khỏi gian lao như người ngoại cầu xin thần linh của họ.

Đến với Chúa thế nào, đến với Đức Mẹ thế ấy: cứ suy niệm về cuộc đời ngắn ngủi của em bé chăn cừu 8 tuổi làng Fatima được Đức Mẹ thương riêng tuyển chọn là Giaxintha Marto thì sẽ rõ. Nếu cứ xin Đức Mẹ cứu khổ cứu nạn thì có lẽ Đức Mẹ cũng thương tình đoái nhận, nhưng chắc là Đức Mẹ sẽ buồn như Chúa Giêsu đã phải buồn nhìn theo người thanh niên bỏ đi, không đáp lại lời Chúa mời gọi từ bỏ mọi của cải mà theo Chúa! Cũng như Chúa, Đức Mẹ không nài ép cưỡng bách, Ngài chỉ mời gọi: “Ai muốn theo Tôi thì…”. Muốn hay không cái đó ta hoàn toàn tự do. Ta có muốn làm vui lòng Chúa Giêsu, làm vui lòng Đức Mẹ không?
Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương (vietcatholic)

 
114.864864865135.135135135250