Chắc chắn Đức Giêsu là một trong những khuôn mặt lớn nhất của lịch sử. Ngoài Thánh Kinh, có nguồn nào khác nói đến Người không?
Đối với Kitô hữu chúng ta, những người tin rằng việc Chúa Giêsu đến là điều cốt yếu trong lịch sử loài người, thì thật khó mà tưởng tượng được sao Người lại ít gây được sự quan tâm của thế giới đến thế, ngoại trừ nơi cộng đồng nhỏ bé những kẻ tin theo Người. Nói chung, nhìn từ những quan điểm bên ngoài đức tin, Người chỉ là thủ lãnh của một nhóm nhỏ những người Do Thái ở một xó xỉnh vô danh nào đó trên bản đồ đế quốc Rôma.
Lịch sử ngoài Kitô giáo lần đầu tiên nói đến Đức Giêsu có lẽ là do Flavius Josephus, một sử gia Do Thái, về sau trở thành bạn thân của Vespasian và các hoàng đế Rôma khác. Các tác phẩm của sử gia này, nhất là cuốn Những chuyện thời cổ của người Do Thái, hoàn tất vào khoảng năm 94, được thánh Giêrôninô và các giáo phụ thời đầu coi là những nguồn có giá trị.
Ở phần cuối cuốn sách, Josephus mô tả, dưới thời toàn quyền Albinus, “người anh em của Giêsu, được gọi là Kitô, tên là Giacôbê,” bị điệu ra trước một nhóm thẩm phán (Cuốn XX 9.1). Có lẽ đây là thánh Giacôbê tông đồ, một trong ba môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu, chịu tử đạo năm 44.
Trong cuốn sách nói trên có nói đến Đức Giêsu như một người làm phép lạ, chết rồi 3 ngày sau sống lại. Chuyện này hầu như chắc chắn được một Kitô hữu - “biên tập viên” - thêm vào.
Tác giả ngoại giáo đầu tiên nói đến Đức Giêsu có lẽ là sử gia Tacitus, vào khoảng năm 110. Ông nói đến nhóm các Kitô hữu “với người sáng lập là một ông Kitô nào đó, bị kết án tử hình bởi toàn quyền Philatô thời Tiberius làm hoàng đế” (Annals XV 44). Một sử gia khác tên là Gaius Suetonius, trong tác phẩm Cuộc đời Claudius (có lẽ vào năm 120), viết rằng, “từ khi người Do Thái liên tục gây xáo trộn do sự xúi giục của Chrestus, ông ta (Claudius) trục xuất họ khỏi Rôma”. Cách chung, người ta chấp nhận đây là ám chỉ các Kitô hữu đầu tiên và ám chỉ Đức Kitô, mặc dù thời điểm thì không được chính xác, vì một vài năm sau Đức Kitô thì Claudius mới lên ngôi hoàng đế.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô