Khi nói về “loài người”, tại sao Thánh Kinh không dùng những từ ngữ bao hàm cả phụ nữ lẫn nam giới, mà chỉ dùng từ ngữ chỉ riêng về nam giới (tiếng Anh: “man”)?
Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng thú vị và hữu ích. Xin đưa ra ba điểm cần lưu ý.
a. Trước hết, mọi thứ ngôn ngữ sử dụng trong đời sống hàng ngày đều trải qua biến đổi. Những từ mới, ý nghĩa mới, thậm chí cấu trúc văn phạm, đều không ngừng phát triển. Hồi tôi mới lớn, “gay” có nghĩa là vui tươi, phấn khởi. Bây giờ thì có nghĩa khác rồi. “Pusher” hồi đó là người biết phát huy sáng kiến cá nhân, nay thì nền văn minh “nghiện ngập” đã thay đổi ý nghĩa của nó.
Chắc chắn những từ ngữ như “man” hay “mankind” bây giờ có ý nghĩa khác hơn so với trước kia. Thậm chí các tự điển ngày nay cũng định nghĩa “man” với nhiều khía cạnh khác hơn cách đây hai thế hệ.
Trong bầu khí xã hội hiện nay, sự thay đổi như thế là điều đáng mong ước, nhất là vì Anh ngữ, trong văn phạm và trong ngữ vựng, là một trong những ngôn ngữ có sự phân biệt giới tính khá nhiều. Chúng ta luôn luôn phải tôn trọng thực tế này khi viết và nói, nhất là khi chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác.
b. Điểm thứ hai, Thánh Kinh là một trường hợp đặc biệt. Ở đây, vấn đề không đơn giản là dịch một đoạn văn sang một thứ ngôn ngữ hiện đại. Chúng ta tin rằng mặc khải của Thiên Chúa – như được ghi lại trong Thánh Kinh – không xảy ra ở trên mây trên gió, ngoài thời gian, ngoài những giới hạn của đời thường, nhưng thậm chí còn ở trong khung cảnh tội lỗi của chính con người nữa. Mặc khải diễn ra, đến với chúng ta trong những nền văn hóa đặc thù, với tất cả những điểm mạnh điểm yếu của nền văn hóa ấy.
Chúng ta có thể không đồng tình với chế độ nô lệ mà thánh Phaolô và nhiều tác giả Cựu Ước coi là đương nhiên. Chúng ta có thể lấy làm ngượng khi thấy trong Mười điều răn, phụ nữ bị xếp chung vào nhóm con bò con lừa (Xh 20:17). Nhưng chúng ta sẽ không trung thành với Thánh Kinh, với mặc khải, nếu tách rời những bản văn thánh này ra khỏi bối cảnh lịch sử của chúng, rồi “sửa sai” ông Jeremia, hoặc các tác giả của sách Đệ nhị luật, hoặc Luca, hoặc Phaolô, như thể các ngài phải có cùng những cảm quan luân lý, chính trị và xã hội như chúng ta.
Nói cách khác, việc dịch Thánh Kinh cần phải trung thành với giáo huấn của Hội thánh về hoạt động của Thiên Chúa “trong lịch sử loài người như lịch sử đó tỏ lộ”. Bản dịch Tân Ước New American Bible (Công giáo) đã chủ trương cần có thứ ngôn ngữ bao hàm giới tính. Phần dẫn nhập giải thích rằng, khi có thể, cần phải loại bỏ thứ ngôn ngữ có tính cách kỳ thị, nhưng “không được thay đổi bản văn cho phù hợp với quan niệm hiện đại”. Vì thế, chẳng hạn, bản dịch đã giữ lại từ “anh em” theo nghĩa bao hàm, vì trong tiếng Anh không có từ tương đương chỉ cả hai giới.
Cần phải thận trọng đặc biệt khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ liên quan đến giới tính khi nói về Thiên Chúa, và về các ngôi vị trong Ba ngôi.
c. Một nhận xét cuối cùng. Ngôn ngữ của chúng ta, cách thức chúng ta nói về con người, về sự kiện, về ý tưởng, có gốc rễ sâu xa nơi nền văn hóa thực của chúng ta hơn là chúng ta thường nhận thấy. Cách chung, các nhà ngôn ngữ học chấp nhận như một điều “đương nhiên” là ngôn ngữ phát sinh từ cách ứng xử xã hội trong một nền văn hóa, nhưng không ngược lại. Nói cách khác, bao lâu xã hội còn tiếp tục sự kỳ thị giới tính trong lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, thì bấy lâu ngôn ngữ bao hàm giới tính sẽ không bao giờ chi phối được chúng ta.
Có thể có những người không đồng ý về điều này, nhưng kinh nghiệm cho biết rằng nếu chúng ta muốn ngôn ngữ thay đổi, thì xã hội phải thay đổi. Sự kiện cảm quan của chúng ta về sự kỳ thị trong ngôn ngữ nhạy bén hơn rất nhiều so với 50 năm trước đây cho thấy nền văn hóa của chúng ta đang bắt đầu chuyển động. Khi chúng ta đã chuyển động được nhiều hơn, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn với ngôn ngữ thích hợp liên quan đến giới tính, và với cách chúng ta tiếp cận ngôn ngữ Thánh Kinh.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô