“Bàn tiệc Thánh Thể, dấu chỉ của Nước Trời.” Đề tài này tuy không được trực tiếp nói tới trong Tin Mừng, nhưng ý tưởng thì không thiếu, Thật vậy, Đức Giêsu hay ví Nước Trời với một bàn tiệc, và là tiệc cưới (x.Mt 22, 1 tt.;Lc 14,15-24; Mt 15,1-13). Và trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, khi nâng ly trao cho các môn đệ, Người nói với các ông: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo anh em, từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.” (Mt 20,27-29; Mc 14,24-25).
Đức Giêsu nói đến máu Giao Ước, ám chỉ đến nghi thức ký kết giao ước trong truyền thống Do Thái [1]. Còn sách Khải huyền cũng diễn tả ngày khải hoàn trên Thiên quốc bằng hình ảnh tiệc cưới Con Chiên (x.Kh 19,6-9).
Thực ra không chỉ có dân Do Thái mới có tục lễ ăn uống trong các dịp cưới hỏi và giao kèo, kết ước. Ở đâu và thời nào người ta chẳng “ăn” cưới, chẳng mở tiệc khoản đãi mỗi khi ký kết một giao kèo, khế ước hay hợp đồng nào đó. Riêng ở nước ta hiện nay, thậm chí phải nói người ta “ăn” mừng nhiều hơn là “làm” ăn ! Hết động thổ, rồi lại khánh thành, mừng công, thậm chí mới xây xong một tầng nhà thờ, một cái bệ tượng đài, cũng đã “ăn” mừng, để moi tiền xây tiếp !
NƯỚC THIÊN CHÚA KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN ĂN UỐNG
Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu chuyện ăn uống trong Nước Thiên Chúa theo nghĩa đen, vì thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14,17).
Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng hình ảnh tiệc cưới nói lên niềm vui xum họp. Người Việt Nam ta thường nói tới hai họ với bốn họ, thậm chí tới tám họ, tức là ông bà nội ngoại đàng bố chú rể, ông bà nội ngoại đàng mẹ chú rể; rồi đến ông bà nội ngoại đàng bố cô dâu, ông bà nội ngoại đàng mẹ cô dâu. Biết bao nhiêu là mối dây liên hệ tình ruột thịt máu mủ đôi bên: Nước Trời cũng vậy, đây là nơi hội tụ con cái Thiên Chúa từ bốn phương trời, từ tám hướng không gian, “thuộc chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân” (Kh 5,9).
Điều đáng chú ý, là trong các sách Tin Mừng, từ “Thiên đàng” chỉ được sử dụng một lần duy nhất, khi Đức Giêsu nói với “kẻ trộm lành” cùng bị đóng đinh với Người, đáp lại lời thỉnh cầu của anh: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” (Lc 23,42). Không biết khi “kẻ trộm lành” này nói với Đức Giêsu điều đó, anh ta hiểu Nước của Đức Giêsu theo nghĩa nào ? Phải chăng anh hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ được giải thoát và sẽ thành lập một vương quốc, theo như dư luận đồn đại, và anh đã có thể nghe được? Chính vì thế mà Đức Giêsu không hứa cho anh một địa vị hay một vai trò trong Nước của Người, hiểu theo nghĩa là một vương quốc trần thế; trái lại, Người hứa cho anh được “ở với” Người trên Thiên Đàng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43).
LƯỠNG TÍNH CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
Vậy Thiên Đàng là gì ? Thật đáng tiếc, Đức Giêsu không hề nói gì về Thiên Đàng này cả. Cũng vậy, Đức Giêsu chẳng nói gì nhiều về thực tại mà Người gọi là Nước Thiên Chúa, hay Nước Trời. [2] Có lẽ ngoài câu trả lời của Đức Giêsu cho người Phariêu, khi họ hỏi Người bao giờ Nước Thiên Chúa đến: “Nước Thiên Chúa không đến cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây!’ hay ‘Ở kia!’, vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21),- ngoài câu nói đó và một câu nói tương tự được ghi ở chương 11,20 Đức Giêsu nói với những kẻ tố cáo Người dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỉ: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì quã là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” ,- ngoài hai câu này, chúng ta không tìm được một lời nào khác Đức Giêsu nói về thực tại Nước Thiên Chúa cả, có chăng còn một lời khác Đức Giêsu nói về thực tại con người sau khi sống lại: “Quả thế, sau khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, nhưng sẽ như các thiên sứ trên trời.” (Mt 22,30).
Nói tóm lại, Nước Thiên Chúa là một thực tại mà chúng ta gọi là một “Mầu Nhiệm”. Mầu Nhiệm ấy chúng ta không thể thấy và quan sát được, vì thế không thể diễn tả được, như khi chúng ta đi du lịch ở một nước khác trở về có thể kể cho bà con nghe, chẳng hạn như Paris thủ đô nước Pháp có đại lộ Champs Elysées, có quảng trường Concorde với Khải hoàn môn và Tháp Effel, sông Seine và Nhà thờ Đức Bà…
Chúng ta không thể quan sát hay tả được Nước Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà bảo đó chỉ là một chuyện tưởng tượng, một hình ảnh hư cấu, hay một thực tại thuần túy siêu nhiên, thuộc phạm vi tinh thần, thậm chí một nhu cầu bù trừ cho những khát vọng không thể thoả mãn được ở cõi đời này.
Đức Giêsu không tả Nước Thiên Chúa, không bảo nó là một lãnh thổ có những phong cảnh tuyệt vời, như núi cao tuyết phủ, với những dòng sông xanh trong mát, những thác nước và biển hồ thơ mộng, với những cô gái đẹp như tiên… Người cũng không bảo đấy là xứ sở “tràn trề sữa và mật” (x.Xh 3,8; 17,3; Lv 20,24 …) như người Do Thái xưa mơ ước, hay là đầy vàng bạc kim cương, đá qúi và dầu mỏ như các nước thời nay tìm kiếm. Bởi vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Trời đất sẽ qua đi.” (Mc 13,31), và vì thế mọi danh lam thắng cảnh cùng với nguồn giầu sang phú qúi của trái đât và vũ trụ này cũng sẽ qua đi, chẳng có gì đáng chúng ta quan tâm tìm kiếm, ngoại trừ một ưu tiên: Nước Trời (Mt 6,33).
Nước Trời ấy không phải thuần túy là một thực tại thiêng liêng, siêu nhiên, huyền bí, mà trái lại, cũng chẳng là một thực tại vật chất trong không gian và trải rộng qua thời gian, mà là một thực tại cũng “lưỡng tính” như chính bản thân Đức Giêsu Kitô, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật . Nước Thiên Chúa vừa là một thực tại thiêng liêng, siêu nhiên, đồng thời cũng hiện diện cụ thể qua cộng đồng Dân Thiên Chúa, là những người có hồn có xác, vừa là công dân trần thế, vừa là công dân Nước Trời, đầu đội trời, chân đạp đất !
NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ CHÍNH HẠNH PHÚC MÀ ĐỨC GIÊSU CHIA SẺ CHO CHÚNG TA
Đó là lý do thánh Gioan không quan tâm đến chuyện loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, như Tin Mừng Nhất Lãm chủ trương,- đặc biệt là Tin Mừng của Mátthêu,- Gioan tập trung vào chủ đề Đức Giêsu là sự sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Sự sống ấy được ban cho chúng ta qua những dấu chỉ như là Nước (Chương 4), Bánh (Chương 6) và Anh Sáng (Chương 8,12-9,1-41). Nói cách khác, theo Gioan, thì Đức Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời, vì Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x.Ga 14,6). Người đến không những để ban sự sống, mà còn đem đến bình an (x. Ga14,27), và niềm vui trọn vẹn (x.Ga 15,11) cho nhân loại.
Loài người chúng ta từ muôn đời vẫn chỉ mớ ước được hạnh phúc, và như thánh Tôma Aquinô đã nói: con người tự nhiên hướng về hạnh phúc. Tuy nhiên hướng về hạnh phúc, nghĩa là tìm kiếm hạnh phúc là một chuyện, còn hiểu hạnh phúc là gì, lại là chuyện khác. Ai cũng biết, ở đời này, người ta có nhiều quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Kẻ đi tìm nó trong danh vọng, địa vị hay của cải; người đi tìm trong sắc dục, hay trong cái mà người ta gọi là “tứ đổ tường”: rượu chè, cờ bạc, trai gái, thuốc xái. Ngày nay những thú ăn chơi ấy trở nên tinh vi, và biến thái thành trăm kiểu cách mới và hấp dẫn , chứ không chỉ đơn giản như uống rượu đế, đánh xóc đĩa, đi chơi cô đầu và làm tiên nâu, nghĩa là hút thuốc phiện. Những kiểu ăn chơi đó bây giờ quá đát, không hợp “mo-de” nữa, mà là phải uống rượu uýt-ki, mạc-ten, na-bồ-lê-ông vv., bài bạc thì phải đi casinô, giầu có hơn thì đi Las Vegas, Monacô; còn chơi gái không chưa đủ, còn phải chơi với trai tơ và con nít; hút thì thấm vào đâu so với hít, chích choác và “lắc” với “bay”… Nhưng như chúng ta thấy đó, tất cả những thứ ấy, nếu có đem đến cho con người chút khoái lạc nào, thì cũng chỉ tựa như mây khói, không lâu dài hơn khói thuốc, nhưng để lại những mệt mỏi chán chường, ấy là không nói đến những hậu quả như bệnh HIV, và nhất là cảnh nhà tan, mất vợ mất chồng, hoặc cảnh tù tội, chết chóc, khi ma túy thường đưa các nạn nhân của nó tới tội ác như trộm cướp giết người…
Lòng tham là một cái hố sâu hầu như không đáy, càng muốn thoả mãn bằng cách đổ đầy vào trong đó, thì nó càng được khoét sâu hơn và trở thành cái bẫy sẵn sàng nuốt trửng nạn nhân của nó. Vì thế ta mới hiểu Đức Phật xưa chỉ khuyên người ta có một điều quan trọng, là phải diệt dục, tức là lòng ham muốn, và Ngài đặt lòng tham lên hàng đầu của ba mối “tội đầu”: tham, sân, si.
NƯỚC THIÊN CHUÁ ĐƯỢC HỨA CHO NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Còn Đức Giêsu thì dạy người ta không những phải từ bỏ mọi dụng vọng xấu xa (x.Mt 5,27-28), mà còn phải từ bỏ chính mình (x.Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Bởi vì theo Người, “Ai quý chuộng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được mạng sống ấy để hưởng sự sống đời đời.” (Ga 12,25).
Xem ra như vậy thì hạnh phúc là một thứ ảo tưởng con người không thể tìm được ở trần gian này ? Không, ít ra là đối với Đức Giêsu. Bởi lời đầu tiên mà Đức Giêsu công bố trong Bài giảng trên núi, là Hạnh Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước trời là của họ.” (Mt 5,3).
Kẻ có tâm hồn nghèo khó là kẻ có “tâm hư”, nói theo ngôn ngữ của Khổng Tử, nghĩa là thanh bạch, trống rỗng: bởi vì có trống rỗng nó mới có thể chứa đựng cả Nước Trời. Thi hào R.Tagore , trong bài ca số 7 của tập Gitanjali, đã cầu nguyện với Thượng Đế của ông:
- “Chỉ xin biến biền đời mình thành bình dị, thẳng ngay,
- như chiếc sáo sậy
- để Người phả đầy âm nhạc vào trong.”
- (Gitanjali 7,2) - Đỗ Khánh Hoan dịch
Để người nghệ sĩ có thể phả hơi vào và làm trổi lên điệu nhạc du dương, ống sáo bằng sậy phải thẳng và rỗng. Cũng vậy, nhà văn G.Bernanos của Pháp đã nói một câu bất hủ: “Chỉ có người nghèo mới biết bí quyết của hy vọng.” Kẻ đã có thì chỉ còn biết lo bảo vệ cái có của mình. Họ bị cái có chiếm đoạt, lấp đầy tâm trí, không còn chút không gian nào mở ra chân trời vô biên. “Người giầu có sẽ khó vào Nước Trời” ( x.Mt 19,23) là vì vậy: của cải đã trở thành chướng ngại vật che khuất tầm nhìn, ngăn chận mọi lối đi, khiến họ không còn đường để ra khỏi chính mình !
Có lần tôi đến thăm một người bạn ở Paris, anh này có cái tật là đi đâu lượm được bất cứ vật gì cũng tha về phòng mình. Căn phòng của anh bé nhỏ, thành thử anh không còn chỗ cho các thứ đồ vật lỉnh kỉnh tha về. Đồ vật nằm ngổn ngang không chỉ trên bàn, trên nóc tủ, trong gầm giường, mà còn khắp cả lối đi, đến nỗi phải rón rén lách qua những thứ đó mới vào được trong nhà, thậm chí vào được rồi cũng chẳng biết ngồi vào đâu, vì trên ghế cũng có đủ thứ ! Tôi bèn nghĩ thầm: chuột có vào đây cũng không tìm thấy lối ra !
Theo tôi nghĩ, tâm hồn con người ngày nay cũng giống như thế, nó chứa đầy ngổn ngang vật chất, không còn chỗ cho ai. Nó không còn không gian nào mở lối đưa tới một cửa ngõ hay đường đi tới tha nhân, nói chi đến một chân trời bao la của cây cỏ, hoa lá và trăng sao…
Tôi nhớ có đọc đâu đó một câu của Các Mác nói đại ý: cái khó làm nghèo tâm hồn con người. Điều chắc chắn là tất cả các bậc hiền triết lớn của nhân loại xưa nay đều sống rất thanh bạch, thậm chí phải nói là thanh bần. Từ Lão Tử đến Khổng Tử, cũng như Đức Phật ở Á châu, đến Socrate bên Hy Lạp, và Đức Giêsu ở đất Paléttin, đều là những người sống đơn giản: sống không tài sản, mà chết đi cũng chẳng để lại được gia tài nào, ngoại trừ một vài câu nói: chỉ một vài câu nói, chứ không phải sách vở ! Bài giảng trên núi của Đức Giêsu chẳng được trả đồng tiền thù lao hay tác quyền nào, nhưng thế hệ này qua thế hệ khác, biết bao người đã biến Bài giảng trên núi ấy thành những Núi bài giảng đem lại biết bao lợi nhuận, mà Đức Giêsu chẳng được đồng xu nào quyền tác giả ! Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử và Socrate cũng thế, các ngài đã chẳng được một đồng xu tác quyền, nhưng đã làm giầu cho biết bao “tác giả” và nhà xuất bản phổ biến tư tưởng của các ngài.
Nhưng vấn đề tôi muốn nói, không phải là chuyện ấy, mà chỉ muốn nói là hạnh phúc không cần phải có nhiều tiền mới mua được, hay nói ch đúng, tiền của không mua được hạnh phúc. Tiền của chỉ là những phương tiện, hay là những kẻ đầy tớ để phục vụ cho sự sống con người, nhưng không phải hễ có nó là con người sẽ được hạnh phúc. Hạnh phúc tùy thuộc tất cả ở cái tâm, chứ không ở địa vị, danh vọng và tài trí. Tiên sinh nguyễn Du đã nói:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” (Kiều)
Ngày nay, trên khắp thế giới, ngay trên đất Mỹ, cũng như bên Anh, bên Pháp, chứ không chỉ có bên An độ hay Sri-Lanka, Tây Tạng hay Việt Nam, Lào, Cămphuchia và Lào…, có biết bao nhà sư, thiền sư, đang cùng với các nhà tu Kitô Giáo, thể nghiệm một đời sống tâm linh, hoàn toàn tự do đối với những nhu cầu vật chất. Họ không cần gì nhiều để sống, nhưng lại có một đời sống rất dồi dào, phong phú ; có thiên nhiên vạn vật làm bạn, có muôn hoa và trời đất trăng sao làm môi trường sống thoải mái tự do, một thứ tự do không cần phải quảng bá hay dùng súng đạn để xuất khẩu đi nơi khác, như người Mỹ vẫn tiếp tục làm, để gieo rắc chiến tranh, hận thù và chết chóc sang các nước nghèo, đặc biệt là sang Apganíttăng và Irắc như hiện nay…
NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ Ở ĐÂY RỒI
Đức Giêsu, tuy đã khẳng định: “Nước tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18,38), nhưng không bao giờ coi Nước Thiên Chúa chỉ như là một cõi thiêng liêng, ở bên ngoài thế giới vũ trụ, một nơi nào đó trên tầng trời, hay chỉ thuộc đời sau… Nước đó là một thực tại đã có bây giờ, hiện diện ngay lúc này đây, nhưng lại trải rộng ra ngoài không gian và thời gian. Nước đó không chỉ thuần túy thuộc về tâm linh, phi vật chất, trái lại, vì được lập ra cho con người có hồn có xác, nên thuộc về cả thế giới hôm nay và thế giới tương lai, vì thế mới gọi là Nước Thiên Chúa, vì Thiên Chúa thì không chỉ là Thiên Chúa của hôm nay, mà là Thiên Chúa hằng sống và hiện hữu đời đời, và Nước Người cũng vô thủy vô chung. Đời đời, vô thủy vô chung, nhưng một khi đã hiện diện trong không gian và thời gian,- như chính bản thân Ngôi Lời hằng hữu một khi đã nhập thể làm người, thì cũng phải ăn uống, lao động và ngủ nghỉ,- thì Nước Trời không loại bỏ những thực tại trần thế, hữu hình và có giới hạn trong thời gian và không gian. Do đó, trước khi loan báo Nước Trời, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn cuộc sống trần gian. Người đã sinh ra, lớn lên, học làm người, đi lao động, chia sẻ cơm ăn áo mặc với mọi người. Người đã chữa bệnh, bẻ bánh và làm cho nước lã biến thành rượu, trước khi làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu của Người, Thịt và Máu có khả năng làm cho con người sống lại và sống đời đời.
Vì thế, tôi nghĩ rằng Đức Giêsu khi lập bí tích Thánh Thể, đã muốn cho bí tích này trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Thật vậy, bằng cử chỉ bẻ bánh: một tấm bánh được bẻ ra cho mọi người, và tuy chỉ là một tấm bánh bằng lúa mì, nhưng lại trở thành thịt của Con Thiên Chúa thật và người thật, hy sinh cho toàn thể nhân loại ở mọi nơi và mọi thời. Và Người còn ra lệnh cho các môn đệ làm lại cử chỉ này mãi mãi cho tới ngày Người lại đến, khi Vương quốc được hoàn thành, và Trời Mới, Đất Mới xuất hiện, làm môi trường sống vĩnh cửu cho con người đã được phục sinh và biến đổi thành con người mới, để hưởng sự sống đời đời, như Đức Giêsu đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51.58).
“Bánh Chúa bẻ ra quy tụ cả nhà” [3] , vừa là dấu chỉ, vừa là phương tiện hiệp nhất, không những Giáo hội toàn cầu, mà còn cả gia đình nhân loại. Một nhà, một gia đình, cùng chia sẻ một tấm bánh, vậy mà ai ai cũng được thoả thuê, không còn đói khát (x.Ga 6,35). Đó chính dấu chỉ của sự công bằng, một trong ba đặc tính của Nước Thiên Chúa (x. Rm14,17). Bàn tiệc của Chúa cũng là nơi Người chia sẻ Bình an (x.Ga 14,27) và Niềm vui (x.Ga15,11) cho các môn đệ, là hai đặc tính còn lại của Nước Trời.
Bánh và Rượu là những thực tại trần thế, vừa là hoa mầu ruộng đất, mà cũng là sản phẩm do con người làm ra, nói lên bản tính vật chất, hữu hình của Nước Thiên Chúa. Còn Thịt Máu Chúa Kitô nói lên bản tính thiêng liêng của Nước ấy, cũng như thân xác của Đức Giêsu là bằng chứng Người là một con người thực sự, chứ không phải chỉ là một thần linh đội lốt, mượn hình con người. Còn thiên tính thì thuộc về Ngôi Lời hiện hữu trong con người Giêsu.
NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ MỘT THỂ CHẾ NHƯ THẾ NÀO ?
Trên đây chúng ta chỉ mới bàn đến “bản tính” Nước Thiên Chúa, mà chưa nói tới những vấn đề khác liên quan tới Nước ấy. Thật vậy, một nước, mỗi quốc gia đều chọn một chế độ chính trị nào đó: trước kia, đại đa số các nước đều theo chế độ quân chủ, sau đó chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, rồi kể từ sau cách mạng Pháp, nhiều nước chọn chế độ cộng hoà, nhiều nước khác chọn chế độ xã hội chủ nghĩa… Nhưng cũng có những chế độ tuy mệnh danh là dân chủ với cộng hoà, nhưng thực chất lại là quân chủ với một ông vua, như nước Pháp dưới thời hoàng đế Napôlêông…, hay như cách đây mấy thập niên, tại một nước Phi châu nào đó, cũng mệnh danh là cộng hoà như ai, nhưng lại có ông hoàng đế ăn thịt người !...
Nước Thiên Chúa không phải là một đế quốc, cũng chẳng phải là một nước dân chủ hay cộng hoà, mà là cộng đồng những người tin theo Chúa Kitô, những người qui tụ và hiệp nhất với nhau nhờ một đức tin, một tình yêu thương và một niềm hy vọng. Nếu có thể chế nào thì chính là thể chế mà chính Đức Giêsu đã lập ra, khi nói với các môn đệ tại bữa Tiệc ly: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì được gọi là ân nhân. Nhưng anh em đừng làm như vậy, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ lãnh đạo thì phải nên như kẻ phục vụ.” (Lc 22,14-26).
Đây không phải là những nguyên tắc của một thể chế chính trị, mà là nền tảng cho đời sống cộng đồng tín hữu Kitô. Nguyên tắc ấy cũng không kém phần quan trọng để làm nên Giáo hội, dấu chỉ và hiện thân của Nước Thiên Chúa. Vì thế Đức Giêsu không chỉ nói, mà còn để lại một “bí tích”, nghĩa là dấu chỉ của tinh thần phục vụ, đó là cử chỉ rửa chân, kèm theo với “di chúc” là Điều Răn Mới. (Ga 13,1tt.).
Thánh Thể, cử chỉ rửa chân và Điều Răn Mới, là ba yếu tố lập thành Nước Thiên Chúa. Ba yếu tố đó luôn luôn phải đi đôi với nhau, không thể tách rời, vì tuy là ba, nhưng thực sự chỉ là một, bởi vì cả ba đều là dấu chỉ, là di chúc của một Con Người duy nhất: Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, Thánh Thể là dấu chỉ tình yêu thương của Đức Giêsu, Đấng đã hy sinh chính thịt máu mình làm của ăn nuôi sống và ban sự sống đời đời cho nhân loại. Bích Thánh Thể được lập ra bối cảnh của bữa Tiệc ly, trong đó Đức Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, đồng thời cũng để lại cho các ông Điều Răn Mới, làm nên Điều Luật duy nhất của Giao Ước vĩnh viễn và tồn tại đến muôn đời.
Không có Thánh Thể, nếu không có tình yêu thương. Vì thế Thánh Thể không chỉ là mầu nhiệm để chúng ta “cử hành”, mà là bí tích để chúng ta thể hiện tình yêu thương hiệp nhất. Thánh Thể không chỉ là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô qua thực tại Bánh và Rượu, mà còn chủ yếu ở chính tình yêu thương hiệp nhất của những người cử hành bí tích này: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng yêu mến nhau.” (Ga 15,35) . Người ta không nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô qua tấm bánh và ly rượu, mà là qua tình yêu thương hiệp nhất của chúng ta, những người phục vụ lẫn nhau và chia sẻ cùng một tấm bánh và ly rượu.
Người ta gọi nền cộng hoà là Res-publica, là cái gì chung cho mọi người, là của chung mọi người. Các tín hữu sơ khai ở Giêrusalem đã hiểu hơn ai hết ý nghĩa của cái Res-publica ấy, khi cho rằng những ai chia sẻ cùng một tấm bánh và cùng một ly rượu, phải sống chung với nhau thành một cộng đoàn, và những kẻ cùng chịu một phép Rửa, cùng chia sẻ một niềm tin, cùng tuyên xưng một Thiên Chúa, và một Đức Kitô, thì phải để mọi sự làm của chung ! (x.Cv 2,42-47; 4,32-35). Chính “dấu chỉ’ của tình yêu thương hiệp nhất ấy đã lôi cuốn nhiều người tại Giêrusalem, cũng như nhiều người dân Thăng Long, giữa thế kỷ XVI,- thời Giáo hội sơ khai tại đây,- gia nhập cộng đoàn những người được mệnh danh là “Đạo những người yêu nhau” [4] .
GIÁO HỘI PHẢI THỂ HIỆN, HAY TRỞ NÊN HIỆN THẤN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
Điều đáng tiếc điều vẫn đang tiếp tục diễn ra, là người Ktiô chúng ta hiện nay ngày càng đánh mất đi mầu nhiệm Nhập thể, để chỉ còn biết đời sống thiêng liêng và siêu nhiên, và do đó chỉ chú trọng vào việc cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà quên đi những kích thước tự nhiên và nhân bản của đời sống Kitô, mà chủ yếu là “sống Chúa Kitô cho mọi người”, theo lối diễn tả của Sư huynh Roger Schutz, tu viện trưởng tu viện Taizé. Nói cách khác, chúng ta làm cho dấu chỉ của tình yêu thương hiệp nhất trở thành những nghi thức rất trang trọng, đẹp đẽ, thậm chí cứng nhắc, tới mức phải tuân hành “chũ đỏ” từng ly từng tí, sợ mắc tội trọng và “phạm sự thánh”, hơn là diễn tả được thực sự tình bác ái huynh đệ. Bổn đạo đọc và thưa kinh như máy cát-xét. Linh mục cũng đọc cho đúng câu đúng chữ, nhưng nhiều khi đọc không ra đọc, lại còn giơ tay, quỳ bái như robot, thậm chí còn không được như “lừ đừ ông từ vào đền”, nghĩa là khoan thai từ tốn, trái lại, chẳng có vẻ thánh thiện đạo hạnh chút nào. Có linh mục kể lại chuyện hồi còn làm cậu giúp lễ, đã bị cha xứ bợp tai, đá đít ngay trong lúc dâng lễ, thậm chí đúng lúc dâng Mình Thánh Máu Thánh, chỉ vì không kịp nâng đuôi áo lễ đàng sau ![5]
Nhưng ngày nay, bầu không khí cử hành Thánh Thể của chúng ta, dù có trang nghiêm thánh thiện đến mấy, hình như vẫn không tạo nên một dấu chỉ của Nước Trời, mà theo tôi, nét chủ yếu là tình huynh đệ yêu thương hiệp nhất, và niềm vui chia sẻ. Ít khi chúng ta cảm nhận được bầu khí “đơn sơ vui vẻ” trong những bữa tiệc Thánh Thể cử hành hằng ngày, như các tín hữu sơ khai đã cảm nghiệm được, theo ghi nhận của Luca trong Công vụ Tông đồ (2,46). Có người sẽ nói với tôi rằng, đấy là Luca nói về bữa Agape, tức là bữa ăn huynh đệ trước hay sau Tiệc Thánh Thể, chứ không nói về chính Tiệc Thánh Thể. Thật ra, cho đến giờ này, cũng chưa ai khẳng định được rằng có sự phân biệt rõ rệt giữa bữa Agape và Tiệc Thánh Thể, vì Luca không hề nói tới bữa Agape nào khác, mà chỉ viết rằng: “Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.”
Điều chắc chắn, là hồi ấy, các tín hữu cử hành Thánh Thể theo những nghi thức rườm rà như chúng ta hiện nay. Trước hết, vì không có nhà thờ, không có bàn thờ với áo lễ và các dồ dùng riêng biệt được xức dầu thánh hiến, như đá thánh với chén lễ chẳng hạn, cũng chưa có “chữ đỏ” với “lễ nhạc”, quy định phải có bao nhiêu thứ khăn phủ bàn thờ, mấy cây nến, mấy bình bông; phải bái quỳ làm sao, cúi mình hay bái gối thế nào vv. Có thể náo thời ấy chưa có phụng vụ, mà chỉ có sự phục vu. Người ta chỉ nghĩ đến chuyện phục vụ lẫn nhau, hơn là quan tâm đến chuyện bái quỳ. Nói tóm lại, từ một cộng đồng bác ái yêu thương và phục vụ lẫn nhau, chúng ta đã biến thành một cộng đồng phụng vụ, trong đó điều quan trọng là phải cử hành đúng theo những qui tắc đã được ấn định trước và cho mọi thời mọi nơi, cho dù là phải đọc những câu những chữ, hay phải làm những cử chỉ mà người tham dự chẳng hiểu gì. Hẳn nhiều người còn nhớ., trước Vatican II, ngôn ngữ phụng vụ là tiếng La-tinh, và nhiều nghi thức, cử chỉ phải làm đều có nguồn gốc Tây phương, thậm chí phong kiến, khiến cho các dân Á châu chúng ta và dân Phi châu chẳng hiểu gì ! Ngay cả đến cử chỉ bẻ bánh, cũng như việc “rước lễ”, mà người Việt Nam ta gọi không sai là “chịu lễ”, quả thật không nói lên được ý nghĩa của tấm bánh được bẻ ra, và niềm vui thực sự của những người được đón nhận mà ăn !
Ngoài ra việc cộng đồng Thánh Thể hiện nay không được thể hiện như một cộng đồng, vì người chủ toạ và người tham dự không đồng bàn thực sự với nhau, như chính Đức Kitô đồng bàn với các môn đệ trong bữa Tiệc ly. Có những khác biệt và cách biệt quá lớn và quá rõ, chẳng hạn như vị trí, rồi phẩm phục, cũng như việc vị “chủ toạ” ăn hết cả tấm bánh bẻ ra, và ăn trước, rồi mới phân phát những tấm bánh nhỏ cho rừng người…, và ăn theo kiểu con nít con măng sữa, há miệng để cho chủ tế đút vào ! Tất cả những chuyện đó không thể nào nói lên được sự bình đẳng mà tình huynh đệ tự nhiên diễn tả được.
Tôi vẫn nghĩ rằng Giáo hội đã làm mất hẳn, nếu không phải là ý nghĩa, thì ít ra cũng là hình thức của “Bữa Tiệc của Chúa”, mà đã biến đổi hoàn toàn thành một “Lễ Tế”, vì thế mới gọi người “chủ toạ” là “chủ tế”, và biến đổi cử chỉ bẻ bánh thành những nghi thức tế tự long trọng và trang nghiêm, chỉ còn quan tâm tới tương quan giữa con người thấp hèn và Thiên Chúa tối cao, mà bỏ quên hay đánh mất mối tương quan huynh đệ giữa những người “đồng bàn”,- chứ không chỉ là những người “xem” hay “nghe” và “chịu” lễ !
Công đồng Vatican II đã làm một cuộc cách mạng, cố gắng đưa Giáo hội trở về với nguồn cội, tuy nhiên xem ra vẫn chưa thành công, vì chưa triệt để. Sở dĩ thế là vì Giáo hội chưa thực sự thể hiện mầu nhiệm Nhập Thể, chưa thực sự làm người ở giữa mọi người như Đức Giêsu đã làm người và ở cùng chúng ta .[6] Trái lại, hình như chúng ta quá mải lo cho “phần rỗi linh hồn” của chính bản thân mình, lo lập công tích đức, để mong được phần thưởng lớn lao trên trời, biến cuộc đời trần thế thành một nơi chỉ để “tập dụng thần công”, luyện tập đi đàng nhân đức trọn lành, bằng cách ăn chay hãm mình, đánh tội, đọc kinh lần hạt, làm lễ sốt sắng, xây nhà thờ cao to hùng vĩ để cử hành các lễ đại trào, mà theo một linh mục đáng kính đã qua đời, giáo sư thần học, cho rằng cố gắng bắt chước, rập khuôn theo phụng vụ trên triều đình thiên quốc ! Quả thế, đúng như Loisy đã mỉa mai: “Đức Giêsu loan báo Nước Trời, nhưng rốt cuộc thì Giáo hội đã đến !” Vô tình Giáo hội đã vội muốn thế chỗ cho Nước Trời, trong khi mà đáng lẽ Giáo hội phải thực hiện sứ vụ của mình là dấu chỉ và phương tiện hình thành Nước ấy (x.Kinh Tạ Ơn Thánh lễ Hoà giải II). Thật vậy, từ cơ cấu tổ chức với phẩm trật Giáo hội và các chức sắc và phẩm phục khác nhau, và một nền phụng tự quá chú trọng đến hình thức, xa rời đối với đời sống thường nhật của con người, nhất là con người trong thế giới ngày nay, tới những cử chỉ và ngôn ngữ xa lạ,- không chỉ trong thời trước Công đồng Vatican II, mà ngay cả bây giờ,- làm cho Giáo hội khác lạ đối với nhân loại. Thật vậy, tuy phụng vụ đã được dịch ra tiếng bản xứ, nhưng trong thực tế vẫn chưa thực sự nhập thể vào trong nền văn hoá của mỗi dân tộc và thời đại, như Đức Giêsu đã hội nhập vào truyền thống tôn giáo và văn hoá của dân tộc Người, khi cử hành lễ Vượt Qua mới.
Bữa ăn của Chúa ngày nay có vẻ như chỉ ưu tiên dành riêng cho “con nhà lành”, cho những người được tuyển chọn, chứ không dành cho những kẻ đui mù què quặt (x.Lc 14,21), và chưa thể hiện được tính đại đồng, tức là cảnh “thiên hạ từ đông tây nam bắc xum vầy trong bàn tiệc Nước Thiên Chúa” (x.Lc 13,29), mà vẫn chỉ là cảnh người Công giáo ngồi riêng với người Công giáo, người Tin lành ngồi riêng với người Tin lành, Chính thống ngồi riêng với người Chính thống.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi chủ trương một tinh thần đại kết dễ dàng bừa bãi, cũng như chủ trương cho tất cả mọi người cứ tự do rước lễ, cho dù có mắc tội trọng, như tôi thấy nhiều nơi trên đất Mỹ. Ở đây tôi không muốn nói tới khía cạnh luân lý đạo đức của vấn đề, mà chỉ muốn nói, hay nói đúng hơn, ao ước thấy Giáo hội trở về gần được với Giáo hội thời sơ khai, tìm về được với bầu không khí đơn sơ vui vẻ, trong đó thể hiện nổi bật nhất tình yêu thương hiệp nhất, chứ không phải để tôn vinh vẻ đẹp của phụng vụ, càng không phải để diễn tả sự thánh thiện vinh quang của Thiên Chúa Tối Cao, đáng kính đáng sợ . Trái lại, Bàn Tiệc Thánh Thể phải là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa hiện thân nơi cộng đồng những người gọi Thiên Chúa là Cha, và tuyên xưng Đức Giêsu không những là Kitô, là Đức Chúa, mà còn là một người Bạn (x.Ga 15,14-15), một người Anh Cả (x.20,17), Đấng không chỉ ngự trên ngai trên toà, và trong cung thánh đền thờ, trên núi này hay núi nọ (x.Ga 4,23-24), nhưng luôn ở giữa chúng ta (x.Mt 18,20), đồng hành, đồng bàn và bẻ bánh cho chúng ta (x.Lc 24,30), hơn nữa, còn dọn bữa ăn cho chúng ta (x.Ga 21,9).
Vấn đề hôm nay không phải là tách rời đức tin ra khỏi đời sống luân lý đạo đức, và chủ trương cho cả những người đồng tính luyến ái, những người ly dị tái giá, những người sống chung chạ không hôn nhân, giá thú vv., được tự do rước lễ,- mà làm thế nào để các anh chị em tội lỗi vẫn cảm nhận được thực sự rằng mình vẫn được nhìn nhận là con cái Cha, là anh chị em của mọi người trong cộng đồng Giáo hội, là người nhà trong gia đình của Thiên Chúa là Cha. Con hư cũng vẫn là con, anh em tội lỗi cũng vẫn là anh em. Vả lại Giáo hội ở trần thế này chưa phải là cộng đồng của những người đã thực sự là thánh, mà chỉ là cộng đồng của những con người vừa được ơn gọi để nên thánh, những vẫn còn vương vấn tội đời, simul justus et peccator ! Nói cách khác, Nước Thiên Chúa không phải là một Vương quốc của các thiên thần, một triều đình thiên giới sạch bóng người tội lỗi, bởi vì bản thân chúng ta vẫn còn là những kẻ tội lỗi. Nhưng Nước Thiên Chúa được lập ra làm môi trường thanh tẩy, và canh tân đổi mới, làm cho những kẻ tội lỗi được nên thánh, nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, và trở nên con cái Thiên Chúa là Cha. Phải chăng vì thế không phải tình cờ mà Đức Giêsu gọi một người thu thuế, bị coi là tội lỗi, làm tông đồ, và xây dựng Hội Thánh của Người trên tảng đá là Phêrô, một người đã chối Chúa ba lần, và kêu gọi một người đã từng bắt bớ người Kitô làm Tông đồ dân ngoại !
TẠM KẾT
Nói tóm lại, khi Đức Giêsu tự hiến thân lấy chính Máu của Người để rửa sạch tội lỗi nhân loại, và ký kết Giao Ước vĩnh cửu lập thành Nước Thiên Chúa, bằng việc lập ra Bí tích Thánh Thể, thì rõ ràng Người muốn cho Bí tích này trở nên dấu chỉ của Nước Thiên Chúa, để từ đây, mỗi khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội phải thể hiện trọn vẹn ý nghĩa và mục đích của Bàn Tiệc Thánh Thể , là làm sao cho chính cộng đồng những người đồng bàn và bẻ bánh, trở thành dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang hình thành ngay tại thế, bây giờ và ở đây, bằng tình yêu thương, hiệp nhất, được diễn tả qua việc cùng chia sẻ một tấm bánh và một ly rượu cho nhau, không phân biệt màu da chủng tộc, văn hoá, kinh tế…. Và điều quan trọng hơn cả, là không chỉ dừng lại ở việc cử hành bí tích Thánh Thể, mà có thể nói, “Thánh Thể hoá” đời sống Giáo hội, bằng cách xây dựng một “cộng đồng Thánh Thể”, không chỉ trong khi cử hành phụng vụ Thánh Thể, mà là xây dựng một cộng đồng bác ái yêu thương, nếu không “để mọi sự làm của chung”, thì ít ra cũng phải là yêu thương hợp tác với nhau trong đời sống hằng ngày, về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, để tạo ra một cộng đồng xã hội bác ái huynh đệ, trong đó có “Công lý, Hoà bình và Hoan lạc trong Thánh Thần.”(Rm 14,17).
01-07-2005, Giỗ 10 năm Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình
[1] X. Lời hứa và giáo ước của Thiên Chúa với ông Ap-ram St.15,1-21;, và nhất là Lễ ký Giao Ước Xinai. Xh 24,1-8)
[2] Có lẽ trong ngôn ngữ của Đức Giêsu, thì từ Nước Thiên Chúa là từ được Người sử dụng, nhưng các tác giả sách Tin Mừng, đặc biệt là Matthêu, vì sợ phạm huý, không dám sử dụng từ Thiên Chúa, nên gọi là Nước Trời.
[3] x. Bài hát “Bánh của người nghèo” của tác giả.
[4] Theo báo cáo của linh mục Gaspar d’Amaral đề ngày 31-12-1632, gửi về Au châu.
[5] Người ấy chính là linh mục Mai Văn Hùng, người anh em đã khuất của tôi !
[6] Xin đọc lại bài Chúa đã làm người, để người làm Chúa như Chúa đã làm người. Cỏ dại ven đường Tập XI, trang 122 tt.
* Bài viết đăng trong Thiện Cẩm, Cỏ dại ven đường, tập 16. Một số đoạn của bài viết không còn tính thời sự đã được lược bớt.