30/09/2024 -

Giáo lý cho người trẻ

517

Bạn có thể nghi ngờ rằng, liệu hạn từ cũ kỹ tội lỗi có còn “liên quan” gì đến thế giới hiện đại này nữa không, bởi vì chẳng còn mấy người tin hay xem đó là điều quan trọng. Hội thánh đã từng giảng dạy rất nhiều về tội lỗi, có lẽ là quá nhiều. Điểm nhấn của Hội thánh thời tiền Công đồng Vaticanô II thường vào chuyện tránh tội hơn là thực hành nhân đức, đồng thời Thiên Chúa thường bị xem là công minh hơn là một vì Thiên Chúa yêu thương. Dù những điều này chưa từng được nói ra (những điều đó là lạc giáo, tức là trực tiếp đối nghịch với giáo huấn của Hội thánh), nhưng thi thoảng các đấng bậc giảng dạy lại ngụ ý điều đó, do họ không hiểu được cách sâu sắc đầy đủ về giáo huấn của Hội thánh về thiện và ác, sự thiện và sự dữ. Như một phản ứng chống lại những nhấn mạnh thái quá về tội lỗi, nhiều linh mục và thầy dạy ngày nay lại đi đến thái độ đối nghịch và không còn tin vào tội lỗi, hay hoàn toàn lờ đi. Tuy nhiên, cả hai đều không đúng. Một thái cực sai thì không có nghĩa thái cực còn lại là đúng.

Thiên Chúa không thay đổi, và lề luật của Người cũng như vậy (Ml 3,6-7; Mt 5,17-18). Chỉ có chúng ta và lề luật của chúng ta là thay đổi. Các lề luật và cách thực hành của con người tất cả đều thay đổi. Tuy nhiên, tội lỗi không có nghĩa là một sự vi phạm đến việc thay đổi của lề luật con người, vi phạm đến việc thay đổi của luật lệ xã hội. Tội lỗi là một sự vi phạm đến lề luật bất di bất dịch của Thiên Chúa.

Một cách dễ dàng và đầy cám dỗ để biện minh cho tội đó là “ai cũng làm vậy”. Tuy nhiên, nếu tất cả đều bị bệnh, thì đó không có nghĩa là tất cả đều khỏe mạnh. Các loại thuốc độc trở thành trào lưu, không có nghĩa là nó sẽ không còn giết người. Ngôn sứ Isaia đã nói với dân khi họ suy nghĩ theo cách như vậy rằng, “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng” (Is 5,20). Chúng ta buộc phải thành thật mà gọi tên sự vật đúng như nó là. Dù người ta có nói gì, làm gì hay nghĩ gì, thì tội vẫn là tội. Tội vẫn là tội là do những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, và chúng không thay đổi theo thời gian.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ bốn điểm sau đây khi suy tư về tội:

Chúng ta không được chỉ dựa trên hành vi mà xét đoán người khác. “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1). Chúng ta phải “yêu thương tội nhân và ghét tội lỗi” giống như yêu thân xác và ghét bệnh tật vốn là kẻ thù của thân xác. Tội lỗi là kẻ thù của linh hồn. Chúng ta ghét tội lỗi chỉ vì chúng ta yêu linh hồn mình.

Tội lỗi, và phía đối nghịch với nó, sự thánh thiện, không chỉ là chuyện chúng ta đã làm gì hay làm sai điều gì; chúng cũng không phải là chuyện chúng ta là gì. Trong lãnh vực thần học, không chỉ có “tội hiện thực” (các tội) mà còn có “tội nguyên tổ” (tình trạng tội lỗi). Tính cách của chúng ta thì rạn nứt, không toàn vẹn, có chỗ bị hư hỏng. Thiên Chúa quan tâm nhiều đến chúng ta là ai hơn chúng ta thể hiện thế nào.

Tội lỗi là thật, nhưng cũng được tha thứ. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa là tiếng nói cuối cùng.

Chúng ta phải suy nghĩ nhiều về sự thiện hơn là sự dữ, suy nghĩ nhiều về sự thánh thiện hơn tội lỗi, về thành công hơn là thất bại. Chúng ta phải giữ cho tâm trí mình luôn đầy tràn những điều tốt lành, chứ không phải những thứ rác rưởi vô nghĩa. Vua Sôlômôn đã nói trong sách Châm Ngôn (4,23): “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh”.
114.864864865135.135135135250