Những điều mà bạn tin tưởng là đúng hay sai thì thực sự tùy thuộc lương tâm của bạn. Tuy nhiên, cái gì thực sự là đúng và sai thì không như thế. Bạn không phải là Thiên Chúa: bạn không làm một thứ trở thành đúng hoặc sai chỉ bằng cách lựa chọn. Thánh tông đồ Phaolô đã áp dụng nguyên tắc này cho chính ngài trong 1Cr 4,3-5.
Đúng và sai không phải là trò chơi do con người làm ra. Nếu chúng là như thế, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy tội lỗi. Bạn không cảm thấy tội lỗi khi bạn thay đổi các luật lệ của trò chơi mà bạn tạo ra.
Nếu các giá trị luân lý không là gì ngoài những điều tôi nghĩ hay bạn nghĩ, thì sẽ chẳng có ai từng sai lầm vì những giá trị ấy. Sai lầm nghĩa là những ý tưởng của bạn khác với thực tại. Nếu không có thực tại hiện hữu bên ngoài tâm trí chúng ta, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ sai lầm. Ví dụ, nếu bạn viết một cuốn tiểu thuyết, bạn không thể sai lầm về bất kỳ chi tiết nào của cuốn sách đó, bởi vì tất cả đều là câu chuyện do bạn tạo nên. Tuy nhiên, bạn có thể phạm sai lầm về khoa học, toán học, hay cảm giác của người khác, là vì có gì đó nằm bên ngoài bạn, nằm bên ngoài tâm trí và các ý tưởng của bạn về những điều có thể khác với những điều khác.
Luân lý là điều gì đó rất chân thực, không phải được tạo ra; một điều gì đó hiện hữu bên ngoài chứ không phải bên trong tâm trí; điều gì đó độc lập hoàn toàn với suy nghĩ của chúng ta chứ không phải là điều gì đó phụ thuộc vào những gì chúng ta suy nghĩ.
Lương tâm chính là những gì mà chúng ta nghĩ và cảm thấy về luân lý. Lương tâm là sức mạnh để chúng ta biết đâu là đúng và đâu là sai (Rm 9,1). Cũng giống như đôi mắt không thể làm nên ánh sáng, lương tâm của chúng ta không làm ra đúng và sai, nhưng ý thức được đâu là đúng và đâu là sai.
Lý do tối hậu khiến cho luân lý là vấn đề thuộc về chân lý khách quan, chứ không phải những cảm giác chủ quan, đó là do nguồn mạch của luân lý chính là Thiên Chúa. Người là Tác Giả của luật luân lý. Thậm chí trước khi Mười Điều Răn được viết ra, Thiên Chúa đã ghi khắc vào lương tâm con người tri thức về đúng và sai (St 3,1-24). Tri thức đó mang tính bẩm sinh. Lương tâm là chiếc máy nói của Thiên Chúa trong tâm hồn (Cn 20,27). Đó là lý do vì sao chúng ta không được lờ đi lương tâm của mình: nó là một trong những cách Thiên Chúa dùng để liên lạc với chúng ta.
Tuy nhiên, lương tâm cũng không phải là bất khả ngộ (Cn 16,25). Nó có thể phạm sai lầm. Vì vậy, chúng ta phải kiểm định và suy xét lương tâm mình bằng hai điều mà Thiên Chúa đã mặc khải, hai điều mà Thiên Chúa đã đảm bảo không sai lầm, không mắc lỗi trong tất cả các vấn đề chính yếu: Kinh Thánh và Giáo hội. Cả hai đều phát xuất từ Đức Kitô, cách trực tiếp hoặc gián tiếp; và đó là lý do Kinh Thánh và Giáo hội không sai lầm. Không có gì thuần túy con người mà lại không sai lầm. Vì vậy, nếu thực sự muốn biết đâu là điều đúng và đâu là điều sai, chúng ta hãy để cho lương tâm mình được dạy dỗ bởi hai cánh tay của Đức Kitô, hai cánh tay mà Người để lại trần gian này nhằm dạy dỗ chúng ta, đó là: Kinh Thánh và Giáo hội. (Hãy đọc lại câu hỏi số 8, “Làm thế nào để biết Thiên Chúa muốn gì nơi tôi?”; câu hỏi số 10, “Giáo hội lấy quyền nào để dạy tôi phải tin gì và phải làm gì?”; câu hỏi số 12, “Tôi sẽ làm gì với cuộc đời mình?”)
Chúng ta vẫn phải quyết định cách thức áp dụng những lề luật của Thiên Chúa, vốn được Kinh Thánh và Giáo hội dạy cho chúng ta, vào những tình huống luôn thay đổi và khác biệt. Chúng ta phải tận dụng những công cụ luân lý mà Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta đã được trao ban duy nhất (1) những nguyên tắc luân lý, và (2) quyền năng luân lý, tức là Chúa Thánh Thần. Giờ đây, chúng ta phải tự mình thực hiện những lựa chọn luân lý (1) vâng phục hay không vâng phục những nguyên tắc đó, và (2) cách thức áp dụng những nguyên tắc đó vào cuộc sống riêng tư cũng như những tình huống riêng biệt với chúng ta. Đó là hai lãnh vực trong tự do của chúng ta. Trong ý nghĩa đó, đúng và sai thì phụ thuộc vào lương tâm cá nhân. Tuy nhiên, không phải trong ý nghĩa này mà chúng ta tạo ra cho riêng mình những nguyên tắc luân lý, hay không tuân hành các lề luật của Thiên Chúa và không sai lầm về mặt luân lý (x. Rm 2,12-15; 13,1-5; 1Cr 10,27-29; 1Tm 1,19; Tt 1,15; Hr 9,13-14; 10,21-22).
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô