21/09/2024 -

Giáo lý cho người trẻ

274

Lựa chọn đầu tiên mà mỗi người phải thực hiện là việc lựa chọn giữa sống cách mù quáng, không đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, và sống trong một cuộc truy tìm chân lý. Đó là sự khác biệt nền tảng giữa thú vật và con người: thú vật chỉ biết sống mù quáng, bằng bản năng; còn con người đặt câu hỏi và đi tìm chân lý. Vì vậy, nếu bạn đang tự hỏi phải sống thế nào, bạn đã phần nào trả lời được câu hỏi đó. Bạn đã chọn sống theo cách thức con người chứ không phải theo cách thức của thú vật: sống bằng việc tìm kiếm chân lý, không phải bằng bản năng mù quáng.

Sống theo kiểu con người là sống theo một tiêu chuẩn, một hệ thống các giá trị, một hệ thống các câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì trong cuộc đời là quan trọng nhất đối với tôi? Mỗi người đều có một hệ thống giá trị, sắp xếp cấp độ theo thứ tự từ thấp lên cao. Ví dụ, một kẻ cướp ngân hàng đã chọn đặt tiền bạc cao hơn giá trị luân lý; một vị tử đạo chọn đức tin và lương tri là giá trị cao hơn sự an toàn thể xác; một người nói láo để đạt được quyền lực thì đặt quyền lực cao hơn sự thật; một người mẹ quyết tâm không phá thai thì đặt giá trị mạng sống con người lên trên bất kỳ thứ gì mà bà phải hy sinh vì sự sống ấy.

Câu hỏi quan trọng nhất mà bạn có thể đặt ra là: bạn xem thứ gì là quý giá nhất trong cuộc đời của bạn? Đâu là điều thiện hảo cao cả nhất đối với bạn? Bạn đặt điều gì là có giá trị cao quý nhất?

Câu trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi này là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39).

Mỗi người đều có một vị thần riêng, một điều gì đó cao cả để thờ phượng. Nó có thể là sự thoải mái, quyền lực, tiền bạc, danh vọng, muốn được yêu thích, địa vị, nghề nghiệp, hoặc gia đình. Có thể có một vài điều trong đó thì gần với Thiên Chúa hơn số khác, nhưng không có điều nào là chính Thiên Chúa, không điều nào là chính yếu và nền tảng cho cuộc đời của chúng ta. Đức Giêsu còn đi xa hơn khi nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Chúng ta phải yêu thương người thân cận, cách đặc biệt là gia đình, hơn những điều khác, thế nhưng không được hơn Thiên Chúa. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với hết tâm hồn và con tim, thế nhưng người thân cận thì không phải là Thiên Chúa. Chúng ta không thể yêu người thân cận rất nhiều mà lại chỉ yêu Thiên Chúa chút ít. Thiên Chúa phải là số một, không phải số hai. Không phải vì Thiên Chúa hay ghen tương và không thích nhìn thấy chúng ta yêu thương người khác – Người đã truyền cho chúng ta yêu thương tha nhân – thế nhưng vì Người biết rằng, nếu chúng ta đặt điều gì đó khác vào vị trí của Người, nó chắc chắn sẽ không được gì cả. Nếu chúng ta đặt gánh nặng của Thiên Chúa lên đôi vai của con người bình thường, những đôi vai ấy ắt sẽ bị gãy và chúng ta sẽ thất vọng.

Đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự không làm cho tình yêu của con người ít giá trị đi. Trái lại, việc làm đó giúp giải thoát để chúng ta có thể yêu mến tha nhân theo cách thức của con người. Một khi không còn là Thiên Chúa, người thân cận với chúng ta mới có thể thực sự trở thành người thân cận của chúng ta. Và điều này cũng đúng với tất cả những thứ khác trong cuộc đời, những thứ ít thiện hảo hơn. Một khi chúng ta có được bậc thang giá trị đúng đắn, một khi chúng ta (1) đặt Thiên Chúa lên trên hết, (2) tiếp đến là con người, (3) đặt các giá trị như sức khỏe và hạnh phúc lên trên những thứ như tiền bạc và sự thoải mái thân xác, khi đó mọi thứ sẽ trở nên phù hợp và ăn khớp với vị trí tự nhiên của chúng.

Có một chiều kích khác của câu hỏi trên đây: “Tôi phải sống thế nào?” mà chúng ta vẫn chưa xem xét. Chúng ta đã đặt câu hỏi: Tôi phải sống cho điều gì? Các giá trị và lý tưởng của tôi phải là gì? Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa đặt câu hỏi: Tôi phải sống điều gì? Đâu là nguồn mạch cho cuộc đời và sức mạnh của tôi? Thật không tốt tí nào khi chúng ta có được một hệ thống giá trị hoàn hảo, một lộ trình hoàn hảo, nhưng lại không có khả năng đi theo những lý tưởng và lộ trình ấy. Có nhiều lý tưởng xung quanh chúng ta, nhiều bậc thầy minh triết có thể nói cho bạn biết phải sống thế nào. Thế nhưng, họ không thể ban cho bạn sức mạnh để sống theo các bộ luật mà họ đề ra.

Ở đây chỉ có duy nhất Đức Giêsu mà thôi. Người không chỉ bảo ban bạn về cách sống, nhưng còn trao cho bạn sức mạnh để sống theo đường lối của Người. Sức mạnh đó chính là Chúa Thánh Thần, thần khí của Thiên Chúa thực sự đi vào tâm hồn bạn và ban cho bạn nguồn năng lượng tâm linh, một khả năng sống theo những gì mà Người muốn. Đây là một đường lối khiến Kitô giáo khác hẳn với các hệ thống thuần túy triết học và đạo đức khác. “Thật vậy, Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói, nhưng ở quyền năng” (1Cr 4,20). Thiên Chúa là một chiếc máy phát điện. Hãy chạm đến Người, và bạn sẽ không đi lại con đường cũ nữa.

Tuy nhiên, làm thế nào để đụng chạm được Thiên Chúa? Tầm tay của chúng ta không đủ dài và rộng. Linh hồn chúng ta không thể vươn đến sự thiện toàn của Người. Nhưng, Người đã đưa tay xuống cho chúng ta; Người đã trở thành con người để đụng chạm chúng ta bằng quyền năng của Người, bằng chính sự sống và cuộc đời của Người. Đó là chính Chúa Giêsu.
114.864864865135.135135135250