Có lẽ chúng ta đặt câu hỏi này vì có một vài tội chúng ta đã phạm, kín đáo hay công khai, mà bạn nghĩ chắc Thiên Chúa sẽ không thể hoặc thậm chí không tha thứ. Cũng có thể bạn sợ rằng sự công bằng của Thiên Chúa thì lớn hơn tình thương của Người.
Đức Giêsu rõ ràng đã làm sáng lên điều này là Thiên Chúa chỉ tha thứ tội lỗi, mọi tội lỗi khi chúng ta ăn năn, xưng thú lỗi lầm và trở về với Thiên Chúa trong đức tin nhờ sự tha thứ của Người. Đức Giêsu đã kể nhiều dụ ngôn về sự tha thứ. Dụ ngôn nổi tiếng nhất là về đứa con hoang đàng trong Tin Mừng Luca 15,11-32. Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu đã mô tả thái độ của người cha (Thiên Chúa) với đứa con đi hoang, nay đã ăn năn và trở về nhà cùng Thiên Chúa: “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Thiên Chúa còn thiết tha và sẵn lòng tha thứ hơn là chúng ta xin Người tha thứ.
Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta (Cl 2,13). Người thậm chí vẫn tha thứ khi chúng ta cứ lặp lại một tội nào đó hết lần này đến lần khác. “Ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy’” (Mt 18,21-22). Ông Phêrô nghĩ rằng tha thứ bảy lần đã là rất quảng đại, nhưng Thiên Chúa còn quảng đại hơn nhiều. Với cách nói bảy mươi lần bảy, Đức Giêsu ngụ ý rằng phải luôn tha thứ bất cứ khi nào được yêu cầu, chứ không phải chỉ bốn trăm chín mươi lần.
Dường như có một “cái bẫy” để có thể bắt chộp ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thực sự nó không phải là “cái bẫy” chút nào, nhưng là một nhu cầu thiết yếu. Nó có nghĩa là chúng ta buộc phải luôn sẵn sàng tha thứ cho người khác, bằng không chúng ta sẽ không thể được thứ tha. Đức Giêsu đã làm rõ điều này khi Người chỉ cho chúng ta cách cầu nguyện, trong “Kinh Lạy Cha”, “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12), và ngay sau đó Người tiếp tục giải thích, “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Điều này không giống với một cuộc giao dịch, nơi mà Thiên Chúa bảo rằng Người sẽ tha thứ cho chúng ta chỉ khi nào chúng ta thực hiện một điều gì đó trả lại cho Người. Đúng hơn, đó là một điều cần thiết: nếu không mở tay ra, chúng ta không thể nhận một món quà, và tha thứ là một món quà nhưng không từ Thiên Chúa. Tuy nhiên nếu đôi tay chúng ta luôn rộng mở (phải nói là như thế) thì khi trao ban cũng là lúc chúng ta lãnh nhận. Tha thứ là một món quà nhưng không: nó phải được trao ban cách nhưng không, được lãnh nhận trong tự do, và sẵn sàng để chuyển tiếp. Nếu ơn tha thứ được lãnh nhận mà không chuyển tiếp, nó sẽ ra hư thối, giống như một vũng nước tù đọng vậy. Hãy nhìn vào bản đồ đất nước Israel. Nước của dòng sông Giođan chảy xuyên qua Biển hồ Galilê, và đó là nguyên nhân tại sao vùng biển này có đầy cá, sự sống và nước sạch. Một dòng sông tương tự chảy vào Biển Chết, nơi không có lối thoát, và đó là lý do tại sao Biển Chết lại có cái tên như vậy. Chúng ta phải giống như Biển hồ Galilê chứ đừng như Biển Chết; khi đón nhận dòng nước tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải chuyển tiếp để giữ cho tình yêu và ơn tha thứ ấy được sống động.
Có lẽ chúng ta đang thắc mắc “phải chăng mọi tội lỗi đều được tha thứ?” với một động cơ khác: không phải vì những tội lỗi trong quá khứ nhưng vì những tội lỗi trong tương lai. Có lẽ chúng ta đang toan tính phạm một tội nào đó và thắc mắc liệu Thiên Chúa có tha thứ không. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không hoạt động theo cách đó. Thiên Chúa chỉ tha thứ tội lỗi khi chúng ta thành tâm sám hối. Nếu đang tính phạm tội, thì bạn không thể cùng lúc sám hối được. Bạn không thể vừa chạy xa khỏi Thiên Chúa cũng lại vừa quay trở lại với Người. Tội lỗi và sám hối giống như nước với lửa vậy; chúng đối nghịch và loại trừ nhau. Bạn phải chọn hoặc điều này hoặc điều kia.
(Hãy đọc thêm Tv 86,5; Ac 28,2; Mt 18,22-35, Hr 4,14-16; và 1Ga 1,9)
? Tôi đang gặp vài khó khăn với một người theo thuyết bảo thủ. Xin vui lòng cho biết những đoạn văn trong Thánh Kinh nói về việc Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích?
Nhiều người Công giáo (và nhiều Kitô hữu khác) có liên hệ với những người