Nhân dịp Năm Thánh cùng đọc lại tâm tình của Hội đồng Giám mục Việt Nam đối với giới trẻ
Nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi: “Giáo Hội đã làm gì cho tôi? Giáo Hội đang kỳ vọng gì nơi người trẻ?” Một câu hỏi thật có lý, vì một khi biết Giáo Hội đã và đang làm gì cho bạn, thì bạn mới có thể cộng tác với Giáo Hội. Khi biết Giáo Hội đang mong chờ gì ở nơi bạn, bạn mới có thể dấn thân cách nỗ lực và hữu hiệu hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những Thư Chung của Hội đồng Giám mục, để xem các ngài dành cho giới trẻ sự quan tâm như thế nào.
Người viết bài này không sưu tầm được những tài liệu của Hội đồng Giám mục miền Nam, trước năm 1975. Những tài liệu được gọi là của Hội đồng Giám mục được khởi đầu với Thư Chung 1980, một bức thư đã để lại những âm vang tốt đẹp nhưng cũng gợi ra một hướng đi mới mẻ cho Giáo Hội Việt Nam. Trong giáo huấn của mình đối với các bạn trẻ, các vị chủ chăn đã đề cập đến những lãnh vực sau đây:
1. Tâm tình quý mến và kỳ vọng nơi giới trẻ:
Dựa trên tình hình thực tế, đồng thời được soi sáng bởi giáo huấn của Công đồng Vatican II, các giám mục Việt Nam luôn dành cho giới trẻ những tâm tình ưu ái đặc biệt:
“Giới trẻ là tương lai của đất nước, là niềm hy vọng của Giáo Hội (GD 2), không chỉ vì ngày mai là của họ, mà chính họ là những người phải xây dựng ngày mai từ hôm nay” (Thư Chung 1992).
Cùng với Thượng Hội đồng Giám mục châu Á, các giám mục Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giới trẻ, vì họ là “tương lai của châu Á và của Giáo Hội. Nhu cầu hiện nay là Giáo Hội cống hiến cho giới trẻ sự huấn luyện mà họ cần đến”. (Thư Chung 1992)
Giới trẻ là chủ nhân tương lai của nhân loại, “ Vì thế mà cả xã hội cũng như Giáo Hội đều phải quan tâm đến giới trẻ, để giúp họ đảm nhận lấy vai trò hôm nay và ngày mai của họ trong xã hội và Giáo Hội” (Thư Chung 1992).
2. Những băn khoăn mục vụ:
Với những phát minh của khoa học, nhất là trong lãnh vực thông tin, trái đất của chúng ta đã trở nên nhỏ bé, gần gũi. Những sự kiện xảy ra ở bắc bán cầu được loan báo tới nam bán cầu trong một tích tắc. Thế giới đã trở nên gần gũi nhau hơn. Giới trẻ Việt Nam đang từng bước hòa nhịp sống trẻ của toàn thể nhân loại.
Việc mở cửa đón nhận các nền văn hóa khác nhau làm cho bạn trẻ Việt Nam không còn xa lạ với thế giới bên ngoài, nhưng đó cũng là nguyên nhân của những khó khăn mà họ gặp phải trong lãnh vực luân lý xã hội, trong đời sống hôn nhân gia đình, nhất là trong đời sống đức tin. Với một cái nhìn quân bình, các giám mục đã đưa ra những nhận định về tiến trình “công nghiệp hoá, đô thị hoá” như sau: “Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng lợi ích kỷ và xa hơn đến lối sống buông thả sa đọa, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống” (Thư Chung 2002).
Một hiện tượng mới đối với xã hội Việt Nam và nhất là đối với các bạn trẻ, là hiện tượng di dân: các bạn trẻ phải rời làng mạc quê quán đến tìm việc làm tại các thành phố công nghiệp. Vấn đề này được các giám mục nhắc đến nhiều lần trong các Thư Chung. Các ngài cũng liên hệ tới những hệ luỵ của hiện tượng xã hội này, như ma tuý, mãi dâm, nghiệp ngập, phá thai, ly dị, sống thử...: “Trong tư cách Kitô hữu sống đạo, anh chị em hãy cương quyết không để cho “văn hóa sự chết” lôi cuốn mình, không chấp nhận những hình thức xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người, nhất là can đảm nói “không” với tệ nạn phá thai và ly dị vốn là những tệ nạn luôn luôn để lại hậu quả bi thảm cho gia đình cũng như cho xã hội và Giáo Hội” (Thư Chung 2002).
Để góp phần nâng đỡ những bạn trẻ di dân, Hội đồng Giám mục cũng đưa ra những gợi ý để các giáo xứ có những sinh hoạt tiếp đón và tạo cho các bạn trẻ một nơi gặp gỡ, đáp ứng những nhu cầu mục vụ cũng như giúp họ có được một môi trường lành mạnh trong cuộc sống xa nhà. Một hình thái mục vụ mới là “mục vụ di dân” ra đời để đáp ứng những nhu cầu của xã hội hiện đại hôm nay. Mỗi giáo phận có những sáng kiến riêng trong lãnh vực này.
3. Huấn luyện đức tin
Giáo Hội miền Bắc đã kinh nghiệm rất rõ những thiệt thòi do việc giới trẻ không được huấn luyện đức tin. Do hoàn cảnh xã hội, nhất là do thiếu vắng linh mục, trong một thời gian khá dài, hầu hết các bạn trẻ công giáo miền Bắc không được học giáo lý. Các giáo xứ chỉ có thể tổ chức các lớp học kinh bổn, đủ “lẽ đạo” cho các em xưng tội và rước lễ lần đầu. Vì thiếu giáo lý viên, việc dạy kinh cho trẻ em được phó thác cho những ông trương, bà trương. Việc huấn luyện đức tin dừng lại sau khi các em đã xưng tội và rước lễ lần đầu. Đối với bạn trẻ đi bộ đội hoặc thoát ly gia đình, vốn kiến thức ít ỏi về giáo lý bị mai một rất nhanh. Đó là lý do tại sao nhiều bạn trẻ bỏ đạo sau một thời gian ngắn rời khỏi lũy tre làng.
Giữa hoàn cảnh xã hội khó khăn, đã tồn tại não trạng nơi một số phụ huynh không muốn cho con mình học cao, vì “học nhiều sẽ mất đức tin”. Nhiều gia đình công giáo bằng lòng với trình độ cấp II của các con, rồi sau đó tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Suy nghĩ này đã hạn chế trình độ học vấn của thế hệ trẻ.
Kinh nghiệm rõ tình trạng nêu trên, các giám mục đã khuyến khích giới trẻ chăm lo trau dồi kiến thức và đạo đức, như một điều kiện cần thiết để bước vào tương lai với những đóng góp hữu hiệu cho xã hội và Giáo hội:
“Giới trẻ hôm nay thế nào thì Đất nước và Giáo Hội Việt Nam ngày mai sẽ như vậy... Để xây dựng tương lai cho Đất nước và Giáo Hội, các bạn cần trau dồi đạo đức và trí thức hầu tích cực phục vụ hơn. Các bạn nên nhớ rằng khi cầu tiến trong lãnh vực học thức, thì cũng phải cầu toàn trong lãnh vực nghề nghiệp để có thể phục vụ với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Thời nào cũng cần đến những con người tài đức và trung hiếu, luôn biết coi trọng chữ tín”( Thư Chung 1998).
“Giới trẻ ngày nay đang phải đương đầu với nhiều thách đố. Họ cần được trang bị đầy đủ về kiến thức, đạo đức và tinh thần trách nhiệm để dấn thân bảo vệ sự sống và phẩm giá con người” (Thư Chung 2001).
Để chuẩn bị tương lai và để xây dựng hạnh phúc gia đình, các vị chủ chăn khuyến khích các giáo xứ và những người có trách nhiệm tổ chức các lớp giáo lý hôn nhân:
“Trước tiên gia đình của anh chị em phải được xây dựng theo phép đạo. Chúng tôi tha thiết kêu gọi anh chị em thanh niên quan tâm vun trồng tình yêu trong sạch, và khi lập gia đình, liệu cho hôn nhân của mình chan chứa phúc lành của Thiên Chúa” (Thư chung 1980).
“Các giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, dựa trên Tông huấn “Đời sống gia đình” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II” (Thư Chung 2002).
“Ngoài ra, cần có những lớp giáo lý cho người trẻ để họ phát triển đời sống đức tin phù hợp với đà tiến của họ trong cuộc sống, và những khóa dự bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình công giáo gương mẫu. Phải đặc biệt chú ý đến những người học lên bậc đại học, để giúp họ phát triển sự hiểu biết và đời sống đức tin cho phù hợp với trình độ trí thức của họ” (Thư Chung 1992).
Với đề tài “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai”, Thư Chung 2007 đã nêu những ưu tư trong việc giáo dục đối với thiếu nhi và giới trẻ: “Thiếu nhi và giới trẻ là những thành phần rất đáng quan tâm ở hàng ưu tiên… giới trẻ, “tương lai của Giáo Hội và thế giới” cần phải nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các nhà giáo dục và các thế hệ đi trước, để nhiệt huyết tuổi trẻ của họ thực sự được vận dụng vào công cuộc xây dựng xã hội và Giáo Hội” (Số 24-25).
4. Đời sống thiêng liêng
Nhận thức rõ tình trạng sống đức tin nơi các bạn trẻ trong một xã hội Việt Nam đang chuyển mình, các giám mục kêu gọi họ củng cố đời sống nội tâm. Hiện tượng trống rỗng trong đời sống tâm linh sẽ kéo theo những hậu quả tai hại như gian dối, bi quan và những tệ nạn xã hội.
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Cũng như tất cả các tín hữu khác, đời sống đức tin của bạn trẻ cần phải được nuôi dưỡng bằng bí tích này. Không chỉ dừng lại ở việc năng tham dự thánh lễ và rước lễ, bạn trẻ còn được mời gọi gặp gỡ Đức Giêsu, tâm sự với Người và lắng nghe lời Người qua việc cầu nguyện bên Thánh Thể. Hơn nữa, họ còn phải sống mầu nhiệm Thánh Thể bằng việc noi gương Đức Giêsu trong nghĩa cử chia sẻ, sự hy sinh và hiến mình.
Khi kêu gọi các thành phần dân Chúa tôn sùng và mến yêu Thánh Thể, các giám mục Việt Nam hướng về các bạn trẻ: “Anh chị em giáo dân, những người sống và làm việc trong mọi lãnh vực trần thế, có sứ mạng thánh hóa trần gian, sẽ nhận được sức mạnh cần thiết khi tổ chức đời mình xoay quanh mầu nhiệm Thánh Thể, như tham dự trọn vẹn thánh lễ chúa nhật, đưa thánh lễ vào đời sống, năng tìm đến Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc viếng Thánh Thể và rước lễ thiêng liêng…. Các bạn trẻ sẽ gặp được nơi mầu nhiệm Thánh Thể ánh sáng cho những lựa chọn dấn thân và niềm hy vọng cho bước đường tương lai” (Thư Chung 2004).
Chính đời sống thiêng liêng sẽ giúp bạn trẻ tìm được hướng đi cho mình. Trong dư âm của ngày Quốc tế Giới trẻ tại Đức năm 2005, Thư Chung của các giám mục Việt Nam đã nhắc lại lời Đức Bênêđictô XVI: “Các bạn hãy giúp nhân loại khám phá ánh sao dẫn đường đích thực là Đức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng cần tìm hiểu về Người mỗi ngày một hơn để có thể dẫn đưa tha nhân tin tưởng đến với Người... Các bạn sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là ánh sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tinh quyết định” (Thư Chung 2005).
5. Mời gọi cộng tác trong sứ vụ truyền giáo
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Không một thành viên nào của Giáo Hội được miễn trách nhiệm cao cả này, vì sứ mạng truyền giáo đi liền với ơn của Bí tích Thanh tẩy. Giới trẻ công giáo Việt Nam được mời gọi chung vai góp sức để đem Tin Mừng của Chúa cho đồng bào. Sứ mạng này càng trở nên cấp thiết hơn, khi nhìn lại cộng đoàn công giáo chỉ chiếm 7% trong tổng dân số, mặc dù Tin Mừng của Đức Giêsu đã hiện diện trên mảnh đất chữ “S” từ gần 500 năm nay.
“Tin Mừng là quà Thiên Chúa tặng cho mọi người, nên ai nhận được Tin Mừng cũng có nghĩa vụ loan truyền cho người khác” (Thư Chung 2000).
“Hãy thông hiệp, cầu nguyện và hành động với Giáo Hội. Hãy yêu mến và làm việc truyền giáo với Giáo Hội. Hãy đi đến với anh chị em chúng ta trong sự kính trọng yêu thương. Hãy đồng hành và cộng tác với mọi người. Hãy chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và đau khổ với anh chị em chúng ta” (Thư Chung 1989).
Sứ mạng truyền giáo có thể và phải được thực hiện trong những công việc rất đỗi đời thường: “Nêu gương sống lương tâm công giáo, trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân nãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố, xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu” (Thư Chung 2003).
Giới trẻ không chỉ là những thành viên thụ động trong cộng đoàn đức tin. Họ phải được cộng tác trong việc điều hành giáo xứ: “Các họ đạo cũng nên mạnh dạn cho giới trẻ giữ phần tích cực vào sinh hoạt giáo xứ, kể cả trong thành phần lãnh đạo. Trong Tông huấn “Kitô hữu giáo dân”, Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Không được coi người trẻ như chỉ là đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội. Thật sự họ là và phải được khuyến khích để trở nên những chủ thể năng động, dự phần vào công cuộc Phúc âm hóa và đổi mới xã hội” (Thư Chung 1992).
Tại sao bạn trẻ được mời gọi tham dự những chương trình mục vụ của Giáo Hội? Vì họ có nhiều lợi thế: “Nhờ sự nhạy bén, người trẻ nhận thức sâu xa những giá trị của công bằng, bất bạo động, hòa bình... tâm hồn người trẻ đón rộng tình huynh đệ, tình bạn và tình liên đới. Họ tự động viên tối đa để ủng hộ những việc nhằm nâng cao phẩm chất cuộc sống và bảo vệ thiên nhiên” (Thư Chung 1992).
Kết luận:
Giữa những trăn trở lo toan của cuộc sống, chúng ta vẫn luôn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, nhờ tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Sau đây là một đoạn văn rất đặc biệt các vị chủ chăn muốn gửi tới các bạn trẻ: “Các bạn trẻ hãy vui lên và hãy tin tưởng bước vào thiên niên kỷ mới. Hồng ân của Năm Thánh sẽ làm đẹp tuổi trẻ của các bạn. Đức Kitô chính là tuổi thanh xuân của các bạn. Hãy đến gặp Người để Người đổi mới các bạn. Hãy mở rộng tâm hồn để lắng nghe lời Người. Hãy mở rộng trái tim để Người rót vào một tình yêu mãnh liệt đượm màu vị tha, phục vụ, quên mình. Với tình yêu tươi mới của Đức Kitô, các bạn hãy mạnh dạn bước vào Năm Thánh 2000, để xây dựng một mùa xuân mới cho thế giới, một mùa xuân luôn tươi trẻ vì luôn chan chứa tình yêu” (Thư Chung 1999).
Nhân dịp Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, hy vọng việc cùng nhau đọc lại những tâm tình của các vị chủ chăn sẽ giúp các bạn trẻ yêu mến Giáo Hội hơn, gắn bó với Giáo Hội hơn. Những điều được đề cập trong giáo huấn của các giám mục vẫn mang tính thời sự đối với giới trẻ hôm nay. Ước mong các bạn trẻ cùng cảm thông chia sẻ những băn khoăn thao thức cũng như vui mừng hy vọng của Dân Chúa, góp phần xây dựng quê hương và đất nước, trong tinh thần Tin Mừng.
Hải Phòng ngày 20-07-2010
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
nguon : hdgmvietnam
.