27/09/2024 -

Giảng dạy Xuất bản

1276
Nguyên tác: In the Image of Saint Dominic: Nine Portraits of Dominican Life
Tác giả: Guy Bedouelle
Nhà xuất bản: Ignatius Press, San Francisco năm 1994
Bản dịch việt Ngữ : Học viện Đa Minh, 2024



LỜI GIỚI THIỆU CỦA FR. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP

Xin hân hạnh giới thiệu tập sách Theo gương thánh Đa Minh, Chín họa ảnh của đời sống Đa Minh do lớp Catarina Siena phiên dịch cuốn In the image of Saint Dominic (Ignatius Press, San Francisco, 1994) để kỷ niệm ngày khấn trọng trong Dòng Đa Minh ngày 15 tháng 8 năm 2024. Cuốn sách có một nguồn gốc khá thú vị: nó bắt đầu từ những bài giảng tĩnh tâm của cha Guy Bedouelle dành cho anh em ở Washington D.C. Sau đó, nữ tu Mary Thomas Noble O.P. hiệu đính và xuất bản năm 1994 (nhà xuất bản Ignatius, San Francisco). Cuối cùng cuốn sách mới được xuất bản theo bản gốc tiếng Pháp (À l’image de Saint Dominique, Cerf Paris 1995).

Cha Guy Bedouelle (1940-2012) nguyên là giáo sư môn Lịch sử Giáo hội tại phân khoa thần học Fribourg (Thụy sĩ) từ năm 1997 đến năm 2007, và Viện trưởng Đại học Công giáo Angers (Pháp) từ năm 2007 đến năm 2011, và qua đời vào ngày 22-5-2022 tại Fribourg.Trong số hàng chục tác phẩm viết lịch sử Giáo hội, cha Bedouelle đã biên soạn một vài cuốn sách về Dòng Đa Minh, trong đó hai cuốn đã được dịch ra tiếng Việt: “Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa” (Dominique ou la grâce de la Parole), “Anh em Giảng thuyết hay anh em Đa Minh” (Les Frèrès prêcheurs autrement dits Dominicains, cùng với Alain Quilici”): cuốn thứ nhất viết về thánh Đa Minh, cuốn thứ hai viết về Dòng Giảng thuyết. Lần này, tác giả muốn giới thiệu “linh đạo” của Dòng, nhưng theo một phương pháp độc đáo. Thay vì đưa ra những nguyên tắc lý thuyết, tác giả trình này những mẫu gương cụ thể đã sống ân sủng giảng thuyết. Cha Bedouelle đã chọn lọc 9 nhân vật nam nữ. Tại sao lấy số 9? Bởi vì dựa theo một truyền thống nói đến 9 cách cầu nguyện của thánh Đa Minh.

Chín nhân vật này sống vào những giai đoạn khác nhau trong lịch sử: từ chân phước Giôđanô kế vị thánh Đa Minh cho đến cha Lacordaire (thế kỷ XIX), thi hành ơn gọi giảng thuyết dưới những hình thức khác nhau: giảng trong nhà thờ, giảng trong lớp học, giảng bằng những họa phẩm, giảng qua việc thực thi công bình bác ái cho những người nghèo hoặc bị áp bức. Họ có thể là những linh mục, tu sĩ nam nữ, sinh sống ở châu Âu hay châu Mỹ. Giả như tác giả viết lại cuốn sách vào năm nay, chắc là danh sách sẽ thay đổi, chẳng hạn như dành một chỗ cho anh Piergiorgio Frassati (1901-1924) sắp được phong thánh vào năm tới, một sinh viên Đại học Kỹ thuật Torino, gia nhập Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh lúc 21 tuổi, một con người đã sống trọn tinh thần bát phúc (theo lời ĐTC Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ phong Chân phước ngày 20-5-1990).

Đọc xong quyển sách này, chúng ta cảm thấy thấm thía sự phân biệt mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nêu lên trong Tông huấn về Đời sống Thánh hiến (Vita consecrata) khi phân biệt trong đặc sủng của mỗi Dòng hai khía cạnh: đặc sủng của Vị sáng lập và đặc sủng của Dòng (xem số 48). Vị sáng lập nhận được ơn Chúa để lập một Dòng nhằm phục vụ Hội thánh; đặc sủng ấy được tiếp tục triển nở nhờ sự đóng góp của các phần tử. Chúng ta nhìn những người đi trước như mẫu gương để noi theo, nhưng chúng ta cũng được mời gọi bồi đắp cho gia sản được thêm phong phú.

Fr. Giuse Phan Tấn Thành O.P.
Tu viện Rất Thánh Mân Côi, Gò Vấp
Ngày 15/08/2024
114.864864865135.135135135250