Theo tác phẩm Vita secunda, cha Tôma Celano đã kể lại[1] cuộc gặp gỡ lần thứ ba giữa hai thánh Phanxicô Assisi và thánh Đa Minh, tại Rôma, trong dinh thự của hồng y Hugolino, Giám mục Giáo phận Ostia (tức là vị Giáo Hoàng tương lai Grêgôriô IX). Tại đây, các vị trao đổi đề tài: “Các tu sĩ của hai dòng hành khất có nên nhận chức Giám mục không?”. Mở đầu cuộc thảo luận, Đức Giám Mục đặt vấn đề: “Trong thời Hội Thánh sơ khai, các chủ chăn của Hội Thánh đều là những người nghèo, và đầy lòng bác ái yêu thương, chứ không háo hức lửa tham lam. Vậy sao ta không lựa trong hàng ngũ các anh em của hai vị những người trổi vượt về học thuyết và đạo hạnh để nâng lên làm Giám mục và giáo sĩ cao cấp?”
Vì kính trọng nhau nên hai vị Phanxincô và Đa Minh muốn nhường cho nhau nói trước. Cuối cùng cha thánh Đa Minh vâng lời nói trước: “Kính thưa Đức Cha, nếu hiểu đúng thì các anh em của con đã được nâng lên một địa vị khá cao quý rồi, và trong mức độ thẩm quyền của con, con sẽ không cho phép họ nhận lấy một chức vụ cao trọng nào khác.”
Sau lời đáp ngắn gọn ấy, thánh Phanxicô nghiêng mình trước Đức Giám Mục, thưa rằng: “Kính thưa Đức Cha, sở dĩ các anh em của con mang danh là ‘hèn mọn’ chính là để ngăn ngừa họ đừng có tham vọng trở thành ‘chức sắc cao cấp’. Tên gọi dạy cho họ ở lại chỗ đất bằng mà đi theo vết chân Chúa Kitô [x.1Pr 2,21] khiêm hạ. Việc này lại cho họ được nên cao trọng hơn nhiều kẻ khác trước mặt các thánh.[x. Kn 3,13] Nếu như Đức Cha muốn họ sinh nhiều hoa trái trong Hội Thánh của Chúa, xin Đức Cha giữ họ lại trong địa vị y như khi họ mới được gọi. Xin Đức Cha kéo họ trở về đất bằng, ngay cả khi họ không muốn. Vì vậy con nài xin Đức Cha đừng bao giờ cho phép nâng họ lên chức vụ giáo phẩm, nếu không họ chỉ càng cao ngạo vì đã nghèo hơn, và do đó mà tỏ ra khinh mạn người khác.”
Sau khi nghe thánh Phanxicô và cha thánh Đa Minh trình bày, Đức Giám mục Giáo phận Ostia “thêm lòng sốt sắng và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa”.
Cuộc đối thoại giữa hai vị Tổ phụ đã cho thấy rằng, các ngài không chỉ là những con người thánh thiện và khiêm nhường mà còn là những người luôn sống có tình nghĩa với người khác; cách riêng là sự quý mến mà hai vị dành cho nhau.
Chỉ gặp nhau vào ba thời điểm thôi, ấy thế mà bấy lâu nay, không ít người cho rằng hai vị Tổ phụ này chơi thân với nhau từ nhỏ. Nói như từ ngữ Việt Nam là “bạn nối khố”. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các Ngài đã từng biết nhau trước đó. Vậy, điều gì đã làm cho “hai lý tưởng lớn gặp nhau”, nếu không phải Chúa Thánh Thần.
Cha Guy Bedouelle còn viết về giây phút sau khi gặp Đức Giám mục Giáo phận Ostia, trước khi chia tay nhau: “Hai ngài nắm tay nhau, và người này thắm thiết xin người kia nhớ đến mình. Vị thánh này nói với với vị thánh kia: ‘Anh Phanxicô, tôi mong ước sao Hội Dòng anh và Hội Dòng tôi có thể sáp nhập làm một, ngõ hầu chúng ta cùng chung một lối sống trong Hội Thánh’”
Dẫu biết bản văn này, được xuất bản sau cuộc gặp giữa hai vị thánh, một thời gian khá dài, trong bối cảnh tế nhị xét cả trên cái nhìn chủ quan và khách quan. Thế nhưng, chúng ta vẫn có quyền nghĩ đến ý tưởng cao đẹp tuyệt vời về tình huynh đệ của hai dòng tu nơi tâm trí hai vị Tổ phụ, vốn đã có từ trước. Đây cũng là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ, trong đó có chúng ta phải sống và rao giảng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Quả thế, tu sĩ của hai dòng, không chỉ “huynh đệ trong nhau” - trong cộng đoàn, trong nội bộ dòng tu của mình mà còn “huynh đệ với nhau” - với anh em dòng khác, cụ thể là các tu sĩ dòng Phanxicô và Đa Minh, noi gương hai vị tổ phụ. Đây là truyền thống tốt đẹp, anh em hai dòng vẫn giữ và cần làm cho nó ngày càng triển nở hơn.
Nghe đâu, tình huynh đệ này vẫn được thể hiện cách cụ thể tại trung ương dòng ở Rôma: cứ lễ Bổn mạng của dòng này thì Bề Trên Tổng Quyền dòng kia sang dâng lễ và giảng giải. chuyện kể rằng: Khi ca ngợi thánh Phanxicô, cha Hum-bê-tô Rô-man, nguyên Bề trên Tổng Quyền dòng Đa Minh viết: “Ôi, hai thánh Tổ Phụ chúng ta, Phanxicô và Đa Minh, cũng như các anh em tiên khởi, đã để lại cho chúng ta mẫu gương sáng ngời chừng nào về tình hoà thuận và thương yêu nhau. Các Ngài suốt đời những yêu quý nhau thắm thiết, tỏ cho nhau những dấu chỉ bác ái, chân thành, coi nhau như Thiên Thần của Chúa, tiếp đón nhau như đón tiếp Chúa Kitô, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau vui mừng vì những thăng tiến, ca tụng nhau, cổ võ những ích lợi của nhau, và hết sức thận trọng khôn ngoan để khỏi gây gương xấu và xáo trộn cho nhau.”[2]
Những lời này rất cần được phổ biến trong các cộng đoàn, cách chung cho con người thời nay, thời mà người ta đang dần đánh mất những tương quan thực, để chỉ sống với những tương quan ảo qua mạng xã hội.
Thật cảm kích khi ta nhìn vào sự khiêm tốn của hai vị Tổ phụ! Sự khiêm tốn bắt chước Chúa Giêsu mọi đàng, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ” (Mc 10,45). Nếu như cha thánh Đa Minh từ chối cho anh em làm giám mục vì “các anh em của con đã được nâng lên một địa vị khá cao quý rồi”; thì thánh Phaxicô từ chối cho anh em làm Giám mục với lý do: ‘sở dĩ các anh em của con mang danh là ‘hèn mọn’ chính là để ngăn ngừa họ đừng có tham vọng trở thành ‘chức sắc cao cấp’”.
Thật vậy, thánh Phanxicô Assisi không chỉ dạy người khác mà chính Ngài cũng sống triệt để sự khó nghèo: đi chân trần, “mặc quần áo thô hèn” với “y phục rẻ tiền”. Đây chính là hình ảnh người Đàn Ông nghèo thành Assisi vẫn còn lưu lại trong tâm trí bất kỳ ai, đã từng xem bộ phim “Cuộc đời thánh Phanxicô thành Assisi”.
Chưa hết, bằng những hành động cụ thể, những năm cuối đời, thánh Phanxicô đã thoát ra khỏi luật lệ của thực tại, hoà mình với thiên nhiên đất trời, để sống với cỏ cây, hoa lá, trăng sao, mây trời… Ngài gần gũi với chúng đến độ, Ngài đã dùng những từ ngữ rất thân thương như: “chị Mặt Trăng”, “chị Đất”, “anh Gió”… Những hành động, lời thơ từ môi miệng Thánh Nhân ca ngợi Mẹ Thiên Nhiên Đất Trời, qua các thụ tạo như muốn đưa chúng ta đến với vẻ đẹp tinh tuyền của vườn địa đàng năm xưa (x. St 2,8). Xét góc độ nào đó khi ca ngợi thụ tạo, thánh Phanxicô đang nói lời “tiên tri” về vũ trụ này, hầu mong con người ý thức bảo vệ trái đất kỳ diệu, trước những đe doạ của tương lai.
“…Chúc tụng Chúa, lạy Chúa, cho chị Đất mẹ chúng con,
Chị cưu mang và nuôi dưỡng chúng con
Sản sinh những phẩm vật khác nhau của cây trái,
Với những bông hoa sặc sỡ và cỏ dại…” [3]
Không chỉ “tiên tri” về vũ trụ mà Thánh Phanxicô còn có những lời “tiên tri” về một thế giới phải đối điện với bất công, bất ổn, chiến tranh và bạo lực… Rất cần đến “vũ khí đặc biệt” là tình yêu, sự tha thứ và lòng biết ơn.
Có lẽ vì thế mà lời “Bài Hát Kinh Hòa Bình” ra đời.
“Lạу Ϲhúa từ nhân, xin cho con biết mến уêu và phụng sự Ϲhúa trong mọi người.
Lạу Ϲhúa xin hãу dụng con như khí cụ bình an của Ϲhúa.
Để con đem уêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậу vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạу Ϲhúa xin hãу dạу con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầу thiện chí, ơn an bình.”
Như xưa Chúa đã soi sáng cho thánh Phanxicô Assisi biết từ bỏ mọi sự để chọn và đi theo Chúa trong ơn gọi huynh đệ, khó nghèo, để trở nên giống Đức Giêsu hơn thì xin cũng cho chúng ta biết noi gương người sống thanh bần, hầu mong có được Nước Trời không chỉ mai sau nhưng ngay ở trần gian này.
Giuse Nguyễn Văn Hoàng, OP.