27/09/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

883

Điều đáng tiếc là có nhiều tu sĩ phải chịu đựng cảnh cô đơn ở giữa anh/chị em của họ. Trong cuốn Sống một cách sáng tạo cho hôm nay, Maxwell Maltz nói, “Cô đơn không phải là cô độc; đó là vấn đề cảm thấy mình lẻ loi, cảm thấy mình bị cắt đứt khỏi người khác. Đó là cảm giác kinh khủng về cái lỗ hổng chia tách ta khỏi người khác, là người khác đang đi chung quanh trong một thế giới xa lạ với mình”. Dĩ nhiên, tôi không hy vọng một nụ cười thân thiện khi tôi không có gì để chia sẻ.

Tình bạn thực sự đem niềm vui vào cuộc sống. Nó tạo cảm hứng và khích lệ. Nó làm cho trái tim tăng trưởng, giúp suy nghĩ một cách khoan dung hơn, trao tặng nhiều hơn và sống một cách thú vị hơn. Tình bạn và sự chia sẻ nơi các tu sĩ sẽ củng cố và bảo vệ đời sống thánh hiến của họ và làm cho đời sống ấy trở thành một niềm vui sống. Nhưng, một cộng đoàn tu sĩ không phải là một hội những người bạn. Như cha Adrian Van Kaam nhận xét, tình bạn là một hồng ân không thể ép buộc mà có được. Đó là một sự kiện hiếm hoi chỉ xảy ra khi hội đủ những điều kiện tâm lý tinh tế, chẳng hạn như một sự thân cận nào đó giữa những người trở thành bạn bè.

Van Kaam nói, người tu sĩ không tạo thành cộng đoàn dựa trên những sự thân cận hiếm hoi như thế. Cha nhận xét rằng Chúa Kitô cần nhiều người khác nhau để thực hiện sứ mạng của Người, và điều này khiến cho các phần tử của cộng đoàn có lẽ ít biểu lộ một sự thân cận hiếm hoi như vậy. Là tu sĩ, cái chúng ta có chung với nhau là cùng một ơn Thiên Chúa kêu gọi chúng ta thờ phượng và làm chứng về sự hiện diện của Đấng Thánh trong một số khía cạnh nơi sự tiến bộ của loài người. Cho rằng chúng ta nhất thiết phải chia sẻ cho nhau những sở thích và những quyền lợi tự nhiên là làm sai lệch cộng đoàn tu trì và gợi lên những mong muốn không thực và tiếp theo đó là những thất vọng.

Bởi vì tất cả các phần tử của cộng đoàn tu trì đã tận hiến mình cho Chúa Kitô qua đức khiết tịnh thánh hiến, nên sự hiệp nhất với Chúa Kitô cũng hiệp nhất họ với nhau. Khi tất cả mọi người đều tiến bước về cùng một mục tiêu, khi họ yêu thương và phục vụ lẫn nhau, họ tham dự vào tình yêu của chính Chúa Kitô. Như vậy họ lớn lên và cũng có khả năng chia sẻ tình yêu ấy với người khác. Sự phục vụ tình yêu này không chấp nhận biên giới. Đó không phải là thứ tình yêu đoản mạch trong cái vòng tròn nhỏ bé của một vài cá nhân; nó tuôn trào đến mọi người.

Tình yêu huynh đệ và những tương quan thân thiện phải triển nở nơi những người được thánh hiến. Bất cứ cộng đoàn nào mà Chúa đã mời gọi chúng ta đến, đều lãnh nhận được hồng ân yêu thương của chúng ta, đều giúp chúng ta sống trong tình bạn với Thiên Chúa và với anh/chị em, và chuẩn bị cho chúng ta biết yêu thương mọi người. Người tu sĩ, một khi theo sát Chúa Kitô là Đấng đã hoàn toàn tự do đến phục vụ con người, cần phải noi theo tình yêu, sự tự do và tinh thần phục vụ của Người trong đời sống của mình.

Người tu sĩ đã đến với nhau, không dựa trên huyết nhục, cũng không do tác động của khuynh hướng cảm xúc để yêu thương. Cùng một ơn gọi, cùng một đức tuân phục và cùng một tinh thần phục vụ đã đưa họ đến với nhau. Chiều kích thiêng liêng này có tầm quan trọng đặc biệt. Yêu mến Thiên Chúa và gần gũi Thiên Chúa cũng như giáo huấn của Người là thước đo tình bạn và sự thân thiện giữa các phần tử. Nó canh giữ người tu sĩ trong vẻ đẹp của sự cô tịch của đời thánh hiến, đồng thời bảo vệ họ khỏi sự cô tịch độc dữ và không thể chịu đựng nổi khi bị cô lập khỏi Thiên Chúa và anh /chị em.

Van Kaam nhận định, một cộng đoàn tu trì không phải là một xí nghiệp để làm việc. Ngài nói, bản chất của đời sống tu trì là nó không hiện hữu cho chính nó, cho danh xưng hay ảnh hưởng của nó, nhưng “cho thế giới” (sđd., 111). Khi chu toàn bổn phận trong những lãnh vực hoạt động khác nhau, người tu sĩ thường trải nghiệm những thử thách khắc nghiệt về nhân đức và sự thanh thản của họ. Họ có thể phải sống những khoảnh khắc xung đột vì sai lầm, vì khó khăn và nguy hiểm. Trong những khoảnh khắc ấy, tình yêu và sự hiệp nhất huynh đệ sẽ là những hỗ trợ qúy báu. Nó có thể đưa người tu sĩ lầm lạc trở về con đường an toàn.

Chia sẻ kinh nghiệm của minh, cha Van Kaam nói, “… Đối với một người không được ngoại lệ như tôi, có lẽ rất khó tránh những khí chất trong nhân cách của tôi nếu không có ảnh hưởng của sự khôn ngoan và truyền thống của cộng đoàn tôi, cái ảnh hưởng đi theo sau hứng khởi và kinh nghiệm của những người đã cố gắng sống đời sống này qua hằng thế kỷ. Một mình tôi, với những khả năng hạn hẹp, không thể nào tạo nên được những hoàn cảnh tâm linh và vật chất cho sự tự do tu trì mà trái tim tôi cảm nhận” (sđd., 139).
Tình bạn và sự tiếp xúc của người tu sĩ phải giống như muối trong thức ăn, như thuốc men trong bệnh tật và như hương thơm trong không khí. Những tiếp xúc xã giao và những mối tương quan cá nhân của họ phải đem lại sự thiện cho nơi có sự xấu, đem lại nhân đức cho những nơi có tội lỗi, và đem lại kiến thức về Thiên Chúa cho những nơi dốt nát. Tình bạn của họ phải đem họ và bạn hữu của họ tới gần Thiên Chúa hơn.

HỌC YÊU THƯƠNG

Jean Paul Sartre, triết gia người Pháp, có lần khẳng định rằng yêu thương là chiếm hữu nhiều hơn là khích lệ. Khẳng định này chỉ cho thấy một cách hiểu méo mó và một sự ấu trĩ về tình cảm. Yêu thương chân thành và chiếm hữu không phải là một. Yêu thương và tình bạn chỉ biểu thị những giá trị của đời sống xét như chúng cổ võ người ta quan tâm và giúp người ta tăng trưởng cũng như tiến bộ trong sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng.

Ý thức sự khác biệt giữa tình bạn nảy sinh như một hồng ân trong đời sống và mối tương quan trung bình ở giữa các tu sĩ là một điều hữu ích. Do một sự trùng hợp may mắn, người ta có thể gặp trong cộng đoàn một người mà sự gần cận của người ấy với nhân cách của họ phát triển thành tình bạn, nhưng hầu hết các tu sĩ, cũng như hầu hết mọi người, sống trọn cuộc sống của mình mà không tìm được một tình bạn chân thực. Nhiều người được hưởng sự giao hảo từ sự thân quen và tình đồng bạn đáng tin cậy. Ít người tìm được một người có sự thân cận như vậy để phát triển một tình bạn sâu xa và dài lâu.

Mọi tu sĩ cần lưu ý rằng trái tim của mình không trở thành nô lệ cho bất cứ mối tương quan yêu thương đặc biệt nào, do đó tất cả những ai đến tiếp xúc với người tu sĩ đều có thể cảm nghiệm tình yêu. Đức khiết tịnh thánh hiến nhắc họ đừng sống một cuộc sống không có tình yêu, một cuộc sống cô độc, nhưng yêu thương anh/chị em với ý thức sâu xa mà không mong đợi được trả lại điều gì.

Do đó, một tu sĩ cần học biết yêu thương mọi người một cách quảng đại và sinh động, mà không mất đi sự thân ái trong kinh nghiệm của con người. Cam kết độc thân không làm khô cằn khả năng yêu thương. Cam kết ấy cũng không làm chai đá kinh nghiệm và cảm xúc của con người hay làm cho người ấy trở thành vô tâm, vô cảm và vô vị. Tu sĩ không phải là người rút lui vào chính mình, cách ly mình khỏi xã hội loài người, hay là những người chuyển tất cả tình yêu và sự quan tâm của mình vào những hoạt động và những dự án hoặc vào hình ảnh xã hội của mình.

Yêu thương ai là hiệp nhất với người ấy, môt cách nào đó là đồng hóa với người ấy, tuy nhiên, không làm cho người ấy thôi là chính họ. Sự hiệp thông nảy sinh từ tình yêu trao tặng chính mình, và bao gồm cả sự từ khước chính mình. Tình yêu đặt một số giới hạn cho tự do của những cá nhân có liên quan, và tạo nên sự tương thuộc về một số quyền lợi và nghĩa vụ. Vì thế, trong tình yêu luôn luôn có đau khổ. Đau khổ này vốn nội tại trong tình yêu, nhưng có thể khắc phục được bằng lòng quảng đại.

Tình yêu chân thực luôn mong ước điều tốt thật cho người khác. Tự bản chất, tình yêu luôn làm cho những người liên hệ tăng trưởng. Không có tình yêu thật nếu người ta bị tận dụng vì lợi ích của người khác. Khi thống trị người khác, cái chúng ta có sẽ là sự bóc lột, lợi dụng hoặc nô lệ, tất cả đều trái ngược với phẩm giá con người.

SỰ KỲ DIỆU CỦA CHIA SẺ

Người ta không nhận ra rằng một khi chúng ta càng chia sẻ chính mình, chia sẻ thời giờ, ý tưởng, ý kiến, kinh nghiệm, thành công, thất bại, khó khăn, niềm vui, nỗi buồn, v.v…, thì người khác càng hiểu, càng chấp nhận và càng yêu mến chúng ta. Họ sẽ trở thành bạn hữu của chúng ta, và họ cũng sẽ cởi mở chia sẻ với chúng ta những gì là của riêng họ. Nếu tôi không để cho ai vào phòng tôi, người ta sẽ không chỉ lánh xa tôi, mà còn nghi ngờ có cái gì đó tồi tệ ở trong phòng tôi. Có người có thể cắt nghĩa bí mật của tôi theo ý xấu, và thậm chí có người loan truyền những chuyện giả dối.

Tình yêu bạn hữu và tình yêu huynh đệ thường coi của cải của cá nhân là của chung nhằm hỗ trợ lẫn nhau và nhằm sự phát triển của những người trong cuộc. Đó là mối tương quan liên vị sâu xa giữa hai người vì một vài yếu tố nào đó chung cho hai. Nhưng mỗi người vẫn tự do sống cuộc sống của mình mà không can dự vào người khác. Tình bạn hữu thiết yếu có tính cách thiêng liêng. Đó là một cuộc đối thoại thanh bình vận hành dựa trên sự bình đẳng của mỗi người.

Henry Ford đưa ra một trong những lời khuyên đáng giá nhất về nghệ thuật trong tương quan nhân bản, “Nếu có bí quyết thành công nào, thì nó nằm ở khả năng nhận lấy quan điểm của người khác và nhìn vấn đề từ góc độ của người ấy cũng như của riêng bạn.”

Trong tình bạn, người ta luôn luôn cổ võ sự tôn trọng người khác, vì tự do và vì quyền lợi của mình để mỗi người sống đời sống cá nhân của mình trong tự do hoàn toàn. Đó là thứ tình yêu mà người tu sĩ phải có: không độc quyền, không chiếm hữu, không bí mật, không ghen tương. Hai người bước vào cuộc đối thoại khi giữa họ có một yếu tố hiệp nhất chung như sự thông cảm, giống nhau về tính cách, hoạt động chuyên môn, và ơn gọi.

Những người hiểu biết và chấp nhận nhau luôn luôn vui sướng chia sẻ với nhau cuộc đời và bối cảnh của mình, những tầm nhìn và ước mơ, kinh nghiệm và mong ước, những ý tưởng và ý kiến, kế hoạch và dự phóng, những trục trặc và khó khăn, niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại, nỗi sợ hãi và niềm hy vọng. Họ cũng không ngần ngại chia sẻ của cải và tiện nghi vật chất. Họ chia sẻ một cách tự nguyện, chân thành và tin tưởng, và sự chia sẻ này củng cố sự tôn trọng và lòng yêu mến lẫn nhau.

Arsitotle phân biệt ba loại tình bạn. Thứ nhất dựa trên lợi lộc, thứ hai dựa trên khoái lạc, và thứ ba dựa trên điều thiện. Điều thiện làm thành bởi những giá trị luân lý và cá nhân mà con người khao khát và chúng lôi kéo con người khi con người tìm thấy chúng ở nơi ai đó. Tình bạn dựa trên lợi lộc và khoải lạc có nguy cơ biến chất vì động lực của nó là sự ích kỷ.

Tình yêu bạn hữu dựa trên những giá trị luân lý và cá nhân của người khác không loại trừ những thuận lợi vật chất hay niềm vui được sống chung. Nó cũng không loại trừ niềm vui vì những phẩm tính của thể chất và tâm hồn mà người khác có, vì những điều tốt này tương hợp với hình ảnh lý tưởng của người ta về sự hoàn hảo của con người.

Cổ võ hạnh phúc của người khác đồng thời cũng là cổ võ hạnh phúc của chính mình. Tình yêu hoàn hảo trong tình bạn hiệp nhất tình yêu người khác với tình yêu chính mình để làm thành một tình yêu duy nhất đối với sự thiện cao nhất mà người ta mong ước cho người khác và cho chính mình. Yêu người khác như chính mình là hình thức hoàn hảo của tình yêu chính mình. Sự trao đổi trong tình yêu bằng hữu càng được nâng cao, thì sự gắn bó càng sâu xa và càng thiêng liêng.

Tình yêu bằng hữu không bao giờ độc quyền hay ghen tương. Nó mở ra hướng về những tình bằng hữu khác cũng phong phú và bổ túc. Càng thiêng liêng, tình yêu ấy càng trở nên cởi mở. Để cho tình bằng hữu ấy không bị hư hỏng và trở nên nguy hiểm, cần thiết là đừng để cho người ta dính líu về phương diện tình cảm, với bất cứ giá nào. Phải rất cẩn thận khi tiếp xúc với những người phải chịu đựng sự lệ thuộc về tình cảm, vì họ có khuynh hướng biến tình bằng hữu thành tình yêu chiếm hữu. Nói chung, những người góa chồng góa vợ, những ‘bà cô” và những “anh độc thân”, tìm kiếm một người bạn đồng hành trong tình yêu độc hữu, và một tình bằng hữu thân thiết với họ có thể trở nên nguy hiểm cho người tu sĩ.

MỘT TÌNH YÊU PHONG PHÚ VÀ NỒNG NHIỆT

Tình yêu bằng hữu vừa giả thiết một mức độ trưởng thành tình cảm ở cả hai bên vào lúc khởi đầu, đồng thời cũng cổ võ sự trưởng thành tình cảm. Nó trở thành sự kích thích cho cả hai bên trên con đường tiến tới sự hoàn hảo. Tương quan với người khác trong tình bằng hữu là điều cần thiết để hiểu yểu mến Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu mến nghĩa là gì.

Tình bằng hữu có tính hỗ tương và không thể một chiều, như trong phân tâm học hay liệu pháp tâm lý: bạn cởi mở chính bạn, tôi đón chào và chấp nhận bạn như bạn là. Đây không phải là tình bạn vì nó chẳng có tính hỗ tương cũng không dựa trên sự bình đẳng.

Yêu thương là tham dự vào một cộng đoàn và cách nào đó trở nên thành phần của cộng đoàn ấy. Các phần tử càng hòa nhập với nhau, cộng đoàn càng trở thành cá nhân. Cần có tình yêu từ khước chính mình và dâng tặng chính mình để làm thành một cộng đoàn. Yêu thương người khác là luôn luôn làm thành một cộng đoàn với họ. Trong sự hiệp thông yêu thương, như trong một cộng đoàn tu trì, tâm điểm của mối tương quan liên nhân vị ở ngoài các thành viên; đó là Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người làm nên thành phần của một toàn thể, mà toàn thể này vượt quá mọi người. Linh hồn của tình bằng hữu nơi người tu sĩ là một giá trị độc nhất, nghĩa là, tuyên xưng đức tin và phục vụ Chúa Kitô.

Về phương diện cảm xúc, khi thèm khát và tuyệt vọng, người ta có thể làm cho cộng đoàn rơi vào sự đảo ngược cảm xúc. Họ bị thúc đẩy bởi một vài nhu cầu cảm xúc vô thức không được thỏa mãn trong thời thơ ấu. Họ gia nhập dòng tu để tìm kiếm cái mà họ đã mất. Về phương diện tâm lý, họ vẫn là trẻ con, tìm người sẽ đem lại cho họ tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Họ muốn ai đó đóng vai trò làm cha làm mẹ họ.

Nếu tình yêu của tôi là chân thực, thì đáp ứng nhu cầu không yêu cá nhân nào đặc thù là điều cần thiết hoặc đương nhiên. Những người mà tôi yêu mến không xâm lấn tâm trí tôi ngoài những giờ khắc gặp gỡ hoặc trò chuyện thân mật; họ không thống trị tôi hay chiếm hữu tôi. Họ và tôi vui sướng khi gặp nhau, nhưng không đau đớn khi xa nhau. Sự chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân và nội tâm trong đời tu sẽ nuôi dưỡng đức ái của chúng ta, nhưng không bao giờ quấy rối đức khiết tịnh.

Điều này không có nghĩa là tình yêu bằng hữu nơi tu sĩ là khô khan nhạt nhẽo. Trái lại, nó rất nhân bản, sống động, hữu hình và bổ dưỡng. Nó phong phú và nồng nhiệt, đầy từ tâm và nhân ái, sẵn sàng dự phần vào những niềm vui và nỗi buồn. Đồng thời nó tự do khỏi sự ràng buộc và chủ nghĩa tình cảm. Nó là bước đệm để tiến tới sự thánh thiện trong đời sống. Một tu sĩ sống trong tình yêu vì Chúa sẽ làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình cho mình và cho đồng bạn của mình.

BẠN HỮU: CHO VÀ NHẬN

Tình yêu chân thực nhận lãnh và cho đi một cách vui vẻ. Người nào chỉ biết cho bạn bè của mình mà không sẵn lòng nhận lại bất cứ cái gì của họ là người không yêu thương họ thực sự. Người ấy chỉ muốn làm người bảo trợ cho họ. Đó là mối tương quan giữa những bên không bình đẳng, và do đó không phải là tình bạn. Tình yêu chân thực là một tinh thần làm cho người ta bình đẳng. Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi đã trở nên một người trong chúng ta. Đối với nhiều người, thật dễ dàng để cho đi, vì người cho cảm thấy mình là bề trên đối với người nhận. Người cho có thể bao bọc người nhận và vui thích nhìn thấy người ấy tùy thuộc vào mình và biết ơn mình.

Trái lại, đón nhận một ân huệ là điều làm tổn thương những người ấy vì phải nhục nhã để nhận. Nhận sự giúp đỡ hay một ân huệ là nhìn nhận rằng mình không đủ cho chính mình; là nhìn nhận rằng mình là người cần thiếu. Người ta phải tùy thuộc vào người khác và bị bó buộc bởi người khác. Như thế sự yếu đuối của người ta sẽ bị phơi bày ra, và do đó người ta không còn có thể vênh mặt lên vì sức mạnh của mình. Điều này thật là sỉ nhục đối với người kiêu ngạo, người coi mình là trung tâm, mặc dù người cho là người đáng mến và đáng kính trọng. Đó là lý do vì sao những người cao tuổi và những người đau yếu không thể vui lòng chấp nhận sự giúp đỡ cần thiết để đi lại, để leo lên bậc thang, v.v… thế nhưng, yêu thương là một sự trao đổi bình đẳng. Cần phải có tình yêu chân thực để lãnh nhận một ân huệ, một lời khen, một món quà, một sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ nào đó bất kỳ.

Đồng thời chúng ta cần ý thức rằng từ khước một lời tử tế, một lời ca tụng yêu mến hoặc một lời ngợi khen chân thành là thái độ thô lỗ, độc ác, xấu xa và “khiêm nhường” trong sự cao ngạo. Cách hành xử như vậy có thể là mặc lấy vẻ ngoài khiêm nhường, nhưng thực tế thì có thể chính là lớp kem của sự kiêu ngạo. Một chút khiêm nhường hòa nhã hay một cử chỉ biết ơn vui vẻ không phải là lạc điệu ngay cả đối với vị bề trên! Trong ngày Chúa nhật Lễ Lá, thậm chí Chúa Giêsu, vị Tôn sư và Khuôn mẫu của chúng ta, Người đã tự hạ mình trở thành nô lệ, đã chấp nhận sự tôn vinh của quần chúng và thậm chí còn bênh vực những người tôn vinh Chúa.

Tôi nhớ một chuyện. Hôm đó là ngày sinh nhật của vị bề trên một cộng đoàn gồm nhiều nhóm khác nhau. Nhóm học viện quyết định chúc mừng ngài và đề cử trưởng nhóm đọc “đít cua” vào giờ ăn trưa tại nhà cơm; sau đó cả nhóm sẽ hát một bài. Anh trưởng nhóm bước lên bục, mở micro và chờ bề trên đi vào. Đang lúc đi vào, bề trên thấy trưởng nhóm học viện đang đứng trước micro liền lập tức yêu cầu anh bước xuống. Anh do dự. Bề trên liền bảy tỏ quyền hành của mình và ra lệnh, “Không nói gì hết. Xuống ngay”. Cả cộng đoàn cảm thấy hụt hẫng. Không chỉ là một cách hành xử xấu mà còn là lạm dụng quyền bính!

Ngược lại, chúng ta có tấm gương tốt đẹp về nhân đức nơi ĐGH Gioan Phaolô II. Trong các buổi triều yết chung, các đức giáo hoàng thường ngồi trên ngai di động để các ngài có thể thấy các tín hữu và họ có thể thấy các ngài. Với sự khiêm tốn, ban đầu đức Gioan Phaolô không dùng chiếc ghế này. Các tín hữu phàn nàn rằng họ không thể nhìn thấy ĐGH khi ngài đi qua giữa đám đông. Họ muốn nhìn thấy ngài, nên họ xin ngài dùng chiếc ngai đó. Với cũng một lòng khiêm tốn, ngài buộc lòng phải chiều ý họ. Ngài không cứ giữ quyết định của mình, nhưng điều chỉnh nó vì tôn trọng ước muốn của mọi người. Ngài đã bày tỏ lòng yêu thương và tôn trọng thực sự đối với họ.

 SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm Rm 12:3-10; 1 Ga 3:13-18; Lc 9:10-17
2. Bạn có hạnh phúc với mức độ bạn tham dự vào đời sống cộng đoàn không?
3. Bạn có chia sẻ đời sống cá nhân của bạn đủ với một số thành viên trong cộng đoàn của bạn không?
4. Bạn có sợ phải chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của bạn, hay bạn thoải mái và vui vẻ làm việc đó?
5. Bạn có cảm thấy cô độc và bị bỏ rơi không? Nếu có, hãy viết ra những bước bạn có thể làm để ra khỏi tình trạng đó.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
114.864864865135.135135135250